Bệnh Sốt mèo cào

Bệnh sốt mèo cào xảy ra rất phổ biến, nhất là ở trẻ em và trẻ vị thành niên từ 3 - 12 tuổi. Đây là bệnh nhiễm khuẩn lây từ động vật sang người, cụ thể là do mèo nhiễm bệnh cắn hoặc cào lên da người gây lây nhiễm vi khuẩn Bartonella henselae. Đa số các trường hợp sốt mèo cào đều không quá nguy hiểm và có thể tự khỏi nếu có hệ miễn dịch bình thường. Ngược lại nếu nhiễm trùng nặng bắt buộc phải điều trị bằng kháng sinh càng sớm càng tốt. 

Tổng quan

Sốt mèo cào (Cat Scratch Fever) là tình trạng nhiễm trùng được gây ra bởi Bartonella henselae, thông qua vết cào, cắn hoặc liếm của mèo làm lây truyền mầm bệnh. Căn bệnh này được phát hiện và mô tả lần đầu tiên vào năm 1931, riêng thuật ngữ "sốt mèo cào" được ghi nhận vào năm 1950.

Sốt mèo cào là bệnh nhiễm trùng lây truyền từ mèo sang người thông qua vết cào, cắn gây trầy xước da

Căn bệnh này được xếp vào nhóm bệnh truyền từ động vật sang con người. Theo thống kê của CDC, có ít nhất 40% mèo có mang vi khuẩn Bartonella henselae ít nhất một làn trong đời, thường là mèo dưới 1 tuổi và chủ yếu là mèo hoang nhiều hơn mèo nhà.

Đây là lý do khiến căn bệnh sốt mèo cào phổ biến trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Tỷ lệ nhiễm bệnh phổ biến ở người trẻ tuổi hơn người lớn tuổi, ước tính có khoảng 80% được chẩn đoán mắc bệnh xảy ra ở người dưới 21 tuổi, độ tuổi trung bình từ 3 - 12 tuổi.

Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ mắc phải của căn bệnh này ước tính khoảng 2 - 10/100.000 ca. Ngoài ra, bệnh cũng phổ biến hơn vào mùa thu và mùa đông, do đây là thời điểm hệ miễn dịch có phần suy giảm hơn so với những mùa còn lại.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân chính gây bệnh sốt mèo cào là loại trực khuẩn gram âm Bartonella henselae. Đa số các trường hợp lây nhiễm loại vi khuẩn này sang người thường xảy ra sau vết cào, cắn của mèo nhà hoặc mèo hoang, thường là mèo con. Hoặc bị mèo liếm trực tiếp lên vùng da bị tổn thương cũng rất dễ bị nhiễm khuẩn.

Trực khuẩn Bartonella henselae là chủng vi khuẩn gram âm gây bệnh sốt mèo cào

Nguyên nhân sâu xa của căn bệnh này là do mèo bị bọ chét hoặc ve nhiễm bệnh ký sinh trên cơ thể lây sang. Thường là do bọ chét tiếp xúc với phần thịt thối rữa của mèo chết bị nhiễm bệnh. Hoặc khi bọ chét cắn máu của mèo nhiễm bệnh, khi đổi vật chủ nó sẽ truyền mầm bệnh sang cho con mèo đó.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Khi bị sốt mèo cào, trong vòng 10 ngày kể từ thời điểm bị nhiễm bệnh, cơ thể sẽ bắt đầu phát sinh các triệu chứng như:

Vết mèo cào hoặc cắn sưng đỏ, phồng rộp đau nhức kèm theo sốt và sưng hạch bạch huyết

  • Sưng đau: Vùng da ở vị trí bị mèo cào, cắn hoặc trầy xước dần sưng đỏ, đau rát. Tổn thương có xu hướng tiến triển nặng theo thời gian.
  • Sưng hạch bạch huyết: Sưng to các hạch bạch huyết, mềm trong vòng 1 - 3 tuần sau khi nhiễm bệnh. Thường là các hạch ở nách hoặc háng, chúng thường tồn tại trong vài tuần đến vài tháng.
  • Dấu hiệu nhiễm trùng:
    • Sốt nhẹ, ớn lạnh hoặc sốt cao;
    • Mệt mỏi;
    • Buồn nôn, nôn ói;
    • Chán ăn;
    • Sụt cân;
    • Đau đầu;
    • Đau họng;

Trường hợp bị sốt mèo cào nếu liên quan đến một số bệnh lý nghiêm trọng hơn có thể phát triển các dấu hiệu nghiêm trọng hơn gồm:

  • Đau bụng;
  • Đau lưng;
  • Đau khớp;
  • Sốt cao kéo dài;
  • Phát ban;

Chẩn đoán

Đa số các trường hợp bị sốt mèo cào đều được chẩn đoán thông qua thăm khám sức khỏe, kiểm tra vết cào, trầy xước và đánh giá các triệu chứng lâm sàng. Bác sĩ cũng sẽ khai thác các nguyên nhân cơ bản, trong đó có nguyên nhân bị mèo cào để xác nhận chẩn đoán.

Xét nghiệm máu giúp phát hiện vi khuẩn Bartonella henselae để xác nhận chẩn đoán sốt mèo cào

Trường hợp chẩn đoán không rõ ràng mới cần phải thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm cận lâm sàng, chẳng hạn như:

  • Xét nghiệm máu: Nhằm phát hiện sự hiện diện của các kháng thể chống lại vi khuẩn gây nhiễm trùng. Vì khi bị sốt mèo cào do nhiễm vi khuẩn Bartonella henselae, cơ thể sẽ sản sinh ra các kháng thể để chống lại. Đồng thời, xét nghiệm máu cũng giúp loại trừ các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự.
  • Sinh thiết hạch bạch huyết: Trong một số trường hợp cần thiết, bệnh nhân cần phải thực hiện kỹ thuật sinh thiết hạch bạch huyết để xác nhận chẩn đoán sốt mèo cào. Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách lấy mẫu bệnh phẩm nhỏ từ hạch bạch huyết bị sưng để kiểm tra và phân tích dưới kính hiển vi, giúp phát hiện tác nhân gây sốt mèo cào.

Biến chứng và tiên lượng

Biến chứng

Đa số các trường hợp bị sốt mèo cào thường không gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Thậm chí, những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh có thể không phát sinh bất kỳ triệu chứng nào.

Một vài trường hợp hiếm sốt mèo cào gây tổn thương nội tạng dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe

Tuy nhiên, theo thống kê có khoảng 10 - 15% trường hợp hiếm bị sốt mèo cào có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng do hệ thống miễn dịch yếu kém. Có thể liên quan đến nhiều cơ quan, bộ phận như mắt, xương, phổi, gan, lá lách... dẫn đến tổn thương nội tạng. Các biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải (thường là ở mắt) như:

  • Viêm dây thần kinh võng mạc;
  • Viêm dây thần kinh thị giác;
  • Viêm nhú;
  • Viêm võng mạc khu trú hoặc đa ổ;
  • Viêm tắc động - tĩnh mạch võng mạc;
  • Viêm màng bồ đào;
  • Hội chứng Parinaud (Parinaud oculoglandular syndrome);

Trong đó, có khoảng 2% trường hợp sốt mèo cào gây ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh và gây ra các triệu chứng nguy hiểm như đau đầu, co giật, mê sảng, lú lẫn, trầm cảm...

Tiên lượng

Các chuyên gia cho biết, tiên lượng bệnh sốt mèo cào thường tốt, khoảng 90 - 95% trẻ em bị sốt mèo cào đều có xu hướng tự khỏi hoặc đáp ứng tốt điều trị triệu chứng bằng các biện pháp đơn giản như dùng thuốc hạ sốt, giảm đau, chườm mát...

Riêng những bệnh nhân bị sốt mèo cào thể lan tỏa, có tiến triển nặng dần và phát sinh kèm theo các biến chứng nguy hiểm ở các cơ quan nội tạng, quá trình phục hồi có thể mất từ vài tháng đến vài năm tùy theo vị trí cơ quan bị ảnh hưởng. Đồng thời, bệnh nhân cũng phải mất nhiều thời gian cho việc phục hồi thể trạng và nâng cao miễn dịch trong quá trình điều trị để phòng ngừa suy nhược.

Điều trị

Dựa vào kết quả chẩn đoán mắc bệnh sốt mèo cào và các yếu tố về thể trạng sức khỏe, mức độ nhiễm trùng, triệu chứng..., bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp điều trị phù hợp.

Với những trường hợp nhẹ, việc điều trị có thể không cần thiết hoặc chỉ cần chăm sóc tích cực tại nhà để cải thiện triệu chứng. Chỉ những trường hợp bị sốt mèo cào trung bình hoặc nặng mới cần phải can thiệp điều trị y tế theo yêu cầu của bác sĩ.

Xử lý vết thương

Trường hợp phát hiện bị mèo cào hoặc cắn tạo thành các vết trầy xước đau rát, tốt nhất không nên chủ quan đợi đến khi phát sinh triệu chứng, hãy xử lý vết thương ngay tại nhà hoặc nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn.

Xử lý vết thương mèo cào hoặc cắn ngay lập tức để giảm nguy cơ nhiễm trùng

Quy trình xử lý vết thương mèo cào

  • Bước 1: Rửa tay sạch bằng xà phòng diệt khuẩn và nước ấm, rửa kỹ trong vòng 20 giây rồi xả nước sạch.
  • Bước 2: Rửa vết mèo cào bằng cách nhúng khăn ướt và lau trực tiếp lên vết thương. Không nên xả dưới vòi nước mạnh vì rất dễ khiến vi khuẩn đi sâu vào máu.
  • Bước 3: Dùng xà phòng diệt khuẩn để rửa vết thương và vùng da xung quanh. Sau đó, rửa kỹ lại bằng nước sạch. Lưu ý không được chà xát mạnh lên vết cào để tránh khiến tổn thương ngày càng nặng hơn.
  • Bước 4: Bôi thuốc mỡ sát trùng lên vết mèo cào chứa thành phần kháng sinh để chữa lành tổn thương nhanh hơn. Bôi liên tục 2 - 3 lần/ ngày để đạt hiệu quả tốt nhất. Sau khi bôi thuốc, lưu ý không nên băng kín vết thương để tránh ảnh hưởng đến tốc độ hồi phục.

Điều trị y tế

Phương pháp điều trị chính đối với bệnh sốt mèo cào là dùng thuốc kháng sinh. Ở những người có hệ thống miễn dịch ổn định, thông thường chỉ cần áp dụng một đợt kháng sinh duy nhất với azithromycin (Zithromax) hoặc doxycycline có thể giúp kiểm soát hoàn toàn các triệu chứng và rút ngắn thời gian điều trị.

Dùng thuốc kháng sinh là phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với bệnh sốt mèo cào

Cách dùng thuốc

  • Thời gian dùng thuốc: liên tục trong vòng 5 ngày;
  • Liều dùng:
    • Liều cơ bản: Ngày thứ 1 10mg/ kg, ngày thứ 2 - 5 giảm xuống 5mg/ kg;
    • Liều tăng cường: Dành cho những người có cân nặng > 45kg, có thể dùng liều tối đa là 500mg trong ngày thứ 1 và 250mg từ ngày 2 - 5;

Ngoài ra, trong trường hợp bị sốt mèo cào nghiêm trọng, không đáp ứng với Azithromycin, bác sĩ sẽ cân nhắc thay thế bằng một số loại kháng sinh khác. Chẳng hạn như:

  • Ciprofloxacin (Cipro);
  • Tetracyclin (Sumycin);
  • Rifampicin (Rifadin);
  • Trimethoprim-sulfamethoxazole (Septra hoặc Bactrim);

Liều dùng và thời gian sử dụng các loại kháng sinh này sẽ được chỉ định bởi bác sĩ. Tùy từng trường hợp cụ thể, mức độ nhiễm trùng và mức độ triệu chứng mà thời gian sử dụng có thể kéo dài từ 5 ngày cho đến 2 tuần. Lưu ý, bệnh nhân cần tuân thủ dùng thuốc đúng hướng dẫn để đạt kết quả tốt nhất, tránh các biến chứng khó lường.

Kết hợp sử dụng các loại thuốc mỡ kháng sinh như Neosporin hoặc Bacitracin để bôi ngoài nhằm giảm thiểu đáng kể các rủi ro nhiễm trùng, hỗ trợ cải thiện triệu chứng.

Ngoài ra, để phòng ngừa các bệnh lý nhiễm trùng khác từ vết mèo cào, cắn như uốn ván, dại..., tốt nhất bạn nên đến ngay các cơ sở y tế để được tiêm vắc xin. Đặc biệt là những trường hợp biết rằng bị mèo hoang cắn.

Phòng ngừa

Để phòng ngừa bệnh sốt mèo cào và những ảnh hưởng nghiêm trọng của nó đến sức khỏe, hãy tuân thủ thực hiện các biện pháp sau:

Nuôi mèo an toàn bằng cách tiêm phòng đầy đủ và giữ chúng trong nhà để phòng ngừa sốt mèo cào

  • Những người có hệ miễn dịch yếu kém hoặc có bệnh lý nền dễ nhiễm trùng thì không nên nuôi mèo trong nhà, không tiếp xúc với mèo của người khác, mèo hoang...
  • Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn sau khi chơi với mèo, vuốt ve, xoa đầu, bị chúng liếm da hoặc dọn phân mèo.
  • Nếu có vết thương hở trên da, tuyệt đối không để mèo liếm vào. Tốt nhất nên băng gạc lại nếu nhà có nuôi mèo.
  • Nuôi mèo kỹ lưỡng, giữ chúng trong nhà để hạn chế bị bọ chét cắn, giảm nguy cơ nhiễm trùng gây bệnh sốt mèo cào. Đồng thời, tiêm phòng vắc xin đầy đủ và tắm cho chúng hàng ngày.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân khiến tôi/ con tôi bị sốt liên tục kèm theo sưng đau vết thương trên da do mèo cào?

2. Căn bệnh chính xác mà tôi/ con tôi mắc phải là gì?

3. Bệnh sốt mèo cào có nguy hiểm không?

4. Sốt mèo cào có tự khỏi không?

5. Cách điều trị bệnh sốt mèo cào tốt nhất?

6. Thời gian dùng thuốc kháng sinh để trị sốt mèo cào mất bao lâu?

7. Dùng kháng sinh lâu ngày có gây tác dụng phụ nào không?

8. Thời gian điều trị mất bao lâu thì khỏi hẳn?

9. Cần làm gì để phòng ngừa tái phát sốt mèo cào?

Tỷ lệ mắc bệnh sốt mèo cào ngày càng tăng cao, nhất là ở trẻ em do sở thích chạm vào mèo. Do đó, để phòng ngừa căn bệnh này, tốt nhất nên tránh tiếp xúc với mèo, nhất là mèo hoang. Hoặc nếu trong gia đình nuôi mèo nên chủ động tiêm ngừa vắc xin đầy đủ và giữ chúng trong nhà để giảm nguy cơ nhiễm bệnh. Nếu chẳng may mắc phải, hãy chủ động thăm khám sớm để được tư vấn biện pháp điều trị phù hợp.

THAM KHẢO THÊM

Chia sẻ:
Bệnh Dịch hạch
Dịch hạch còn được gọi là "Cái chết đen". Là một trong những căn bệnh đáng sợ nhất trong lịch sử loài người vào thế kỷ 14, trải dài từ…
Bệnh Chân Voi
Bệnh chân voi là bệnh nhiễm ký sinh trùng giun…
Babesia (Nhiễm trùng do Babesia)
Babesia là bệnh nhiễm trùng do ký sinh trùng Babesia…
Bệnh Than
Bệnh than là bệnh truyền nhiễm hiếm tại Việt Nam.…
Bệnh Thương hàn

Thương hàn là bệnh lý sốt nhiễm trùng do vi khuẩn Samonella Typhi gây ra. Bệnh thường phổ biến ở…

Bệnh Viêm mô hoại tử

Viêm mô hoại tử là căn bệnh hiếm gặp và được nhiều người biết đến với cái tên bệnh vi…

Cảm Cúm

Cảm cúm là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến, do nhiễm virus cúm Influenza. Bệnh gây các triệu…

Bệnh Whitmore

Bệnh Whitmore không phải căn bệnh hiếm gặp, được phát hiện lần đầu tiên ở Myanmar. Tại Việt Nam, ca…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua