Bệnh Chân Voi
Bệnh chân voi là bệnh nhiễm ký sinh trùng giun chỉ. Bệnh có khả năng lây từ người sang người thông qua vết muỗi cắn. Đặc trưng triệu chứng bao gồm rối loạn bach cầu, sưng bạch huyết, sưng tay, chân, cơ quan sinh dục... Bệnh nhân chân voi không chỉ chịu nhiều đau đớn, suy giảm sức khỏe mà còn bị dị tật chi, hạn chế vận động, bị kỳ thị và nhiều vấn đề xã hội khác.
Tổng quan
Bệnh chân voi (Podoconiosis/ Elephantiasis) là một dạng phù hạch bạch huyết ảnh hưởng đến các chi và cơ quan sinh dục. Bệnh là hậu quả của sự tắc nghẽn và tích tụ dịch bạch huyết quá mức trong các tổ chức dưới da, gây phù kèm theo bội nhiễm.
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh phù chân voi, trong đó phổ biến nhất là do nhiễm giun chỉ thông qua vết muỗi đốt. Đây là lý do vì sao bệnh chân voi còn được gọi là bệnh giun chỉ bạch huyết. Người mắc bệnh chân voi thường có các triệu chứng điển hình là sưng phù, tăng kích thước và biến dạng cánh tay, chân cùng nhiều bộ phận khác.
Trên trên thế, bệnh chân voi có tỷ lệ mắc cao ở một số vùng cao nguyên nhiệt đới châu Phi, Trung Mỹ, Tây Bắc Ấn Độ. Tại Việt Nam, bệnh chân voi xuất hiện ở khắp các tỉnh thành từ Bắt vào Nam, như Bình Định, Quảng Nam, Hòa Bình, Lâm Đồng, Đồng Nai, Đồng Tháp...
Bệnh có thể phát triển thành thể mãn tính, gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe và ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân
Nhiễm giun chỉ bạch huyết (lymphatic filariasis) thông qua vết muỗi đốt là nguyên nhân chính gây ra bệnh chân voi. Có 3 chủng phổ biến được phát hiện là Brugia malayi, Wuchereria bancrofti, Brugia timori. Ấu trùng giun tồn tại và phát triển trong máu trong khoảng 6 - 12 tháng, sau đó di chuyển đến các mạch bạch huyết, chuyển hóa thành giun và khởi phát các dấu hiệu chân voi.
Giun chủ thường ký sinh trong cơ thể con người trong vòng 5 - 7 năm và sản sinh ra hàng triệu ấu trùng giun chỉ chưa trưởng thành. Chúng tồn tại trong máu, khi bị muỗi đốt sẽ lây sang muỗi và tiếp tục lan truyền cho những người xung quanh.
Yếu tố nguy cơ
Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc bệnh chân voi khi phơi nhiễm với ký sinh trùng giun chỉ. Trong đó, các đối tượng phổ biến nhất là:
- Các vùng, khu vực và quốc gia nhiệt đới, cận nhiệt đới;
- Đi chân đất, tiếp xúc với đất sét đỏ có chứa các hạt khoáng chất gốc trầm tích núi lửa;
- Bị muỗi đốt thường xuyên;
- Môi trường sống ô nhiễm, vệ sinh kém;
- Ảnh hưởng từ các bệnh lý như lao, hủi hoặc nhiễm bệnh liên cầu tái phát;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Các triệu chứng của bệnh chân voi phát triển qua từng giai đoạn, tiến triển từ nhẹ đến nặng. Chẳng hạn như:
Giai đoạn tiền triệu chứng
Các dấu hiệu tiền triệu chứng thường phát triển sớm trước khi gây ra bệnh chân voi. Có thể kể đến như:
- Cảm giác ngứa da bàn chân trước;
- Nóng rát bàn chân, cẳng chân;
Giai đoạn cấp tính
Một số triệu chứng thay đổi ban đầu khi phát triển bệnh chân voi như:
- Bàn chân trước to, rộng hơn bình thường;
- Phù nề lòng bàn chân;
- Xuất hiện các nốt sàn trên da;
- Dày da, nhô cao và có các đường vân sờ được;
- Thô ráp bề mặt da, kèm theo tổn thương ứ dịch, u nhú và tăng sừng xung quanh viền bàn chân, quanh gót chân;
- Bàn chân sưng to, tăng đường kính bất thường;
Hầu hết các triệu chứng chân voi giai đoạn cấp tính thường tự khỏi sau vài ngày nghỉ ngơi và chăm sóc tích cực. Tuy nhiên, chúng sẽ tái phát nhiều đợt trong năm, xảy ra ở cùng một chi.
Giai đoạn mạn tính
Bệnh chân voi thường khi phát triển đến giai đoạn mạn tính thường có tiến triển phức tạp do sự ảnh hưởng của các đợt viêm hạch bạch huyết cấp tính kèm theo xơ hóa. Điển hình với các triệu chứng sau:
- Sốt;
- Đau đầu chi;
- Sờ vào có cảm giác ấm nóng;
- Sờ thấy hạch mềm trong đùi;
- Tăng kích thước tay, chân;
- Viêm bộ phận sinh dục như viêm tinh hoàn, viêm thừng tinh, tràn dịch màng tinh, to bìu;
- Tiểu ra dưỡng chấp, màu trắng đục và để lâu không lắng, có thể bị đông lại;
Ngoài ra, còn kèm theo một số triệu chứng phù hạch bạch huyết và rối loạn miễn dịch như:
- Sưng phù hạch bạch huyết hai bên, có hoặc không đối xứng;
- Phù hạch bạch huyết bàn chân, lan dần lên trên và ngưng lại ở háng;
- Nổi nhiều nốt cứng trên da, sưng tấy dạng mềm hoặc xơ cứng;
- Nhiễm trùng da, da khô, dày, lở loét, sốt, ớn lạnh;
Chẩn đoán
Chẩn đoán bệnh chân voi không quá khó, bác sĩ hoàn toàn có thể đưa ra kết luận bệnh thông qua quan sát hình dạng, kích thước chi, khám sức khỏe tổng quát, đánh giá triệu chứng lâm sàng và khai thác tiền sử bệnh, triệu chứng.
Sau đó, để xác nhận chẩn đoán và tìm ra nguyên nhân gây bệnh chân voi, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện kết hợp một số biện pháp xét nghiệm cận lâm sàng sau:
- Xét nghiệm máu: Được thực hiện bằng cách soi kính hiển vi nhằm tìm kiếm và phát hiện sự hiện diện của giun chỉ. Mẫu bệnh phẩm thường được lấy vào vào thời gian nửa đêm để đạt kết quả chẩn đoán chính xác nhất. Vì đây là thời gian giun chỉ hoạt động mạnh mẽ trong máu.
- Kiểm tra hình ảnh: Kỹ thuật chụp siêu âm và X quang cũng có thể được chỉ định thực hiện nhằm chẩn đoán phân biệt bệnh chân voi với các nguyên nhân bệnh lý khác như:
- Bệnh giun chỉ bạch huyết;
- Phù bạch huyết do bệnh phong;
- Bệnh Mycetoma nhiễm trùng mãn tính da và các mô dưới da;
- Bệnh Kaposi sarcoma đặc hữu;
- Một số xét nghiệm khác:
- Xét nghiệm miễn dịch có gắn men ELISA;
- Xét nghiệm dịch dưỡng chấp;
- Sinh thiết hạch bạch huyết trong trường hợp được chỉ định phẫu thuật;
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh chân voi tuy không đe dọa tính mạng nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và tinh thần người bệnh. Bao gồm:
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn thứ phát, tổn thương thận;
- Gây khuyết tật vĩnh viễn không phục hồi, cản trở khả năng vận động;
- Chân phù to, biến dạng gây ảnh hưởng đến ngoại hình, khiến người bệnh tự ti, e ngại trong giao tiếp, mất việc làm và nhiều vấn đề xã hội khác;
- Tăng nguy cơ trầm cảm do bị kỳ thị, tẩy chay trong cộng đồng;
Tiên lượng điều trị bệnh chân voi thường tốt nếu phát hiện trong giai đoạn sớm, khi vừa nhiễm giun chỉ và chưa có các triệu chứng, biến chứng nặng.
Điều trị
Điều trị bệnh chân voi tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh. Mục tiêu điều trị chủ yếu nhằm giảm triệu chứng phù bạch huyết, cải thiện triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng và giảm nguy cơ tái phát.
Một số phương pháp điều trị bệnh chân voi phổ biến hiện nay như:
Dùng thuốc
Người bệnh chân voi thường được kê toa sử dụng thuốc tiêu diệt giun chỉ trong máu, nhằm ức chế sự lây lan của bệnh. Một số loại thuốc chống ký sinh trùng như:
- Ivermectin (Mectizan);
- Diethylcarbamazine (DEC);
- Doxycyline;
- Albendazole (Albenza);
Những trường hợp phát hiện bệnh muộn và đã có biến chứng biến dạng chân, sưng phù mạch bạch huyết nghiêm trọng, dùng thuốc sẽ không có nhiều tác dụng.
Ngoài ra, kết hợp sử dụng một số thuốc cải thiện triệu chứng chân voi khác như:
- Thuốc giảm đau;
- Thuốc kháng histamin;
- Thuốc kháng sinh;
Liệu pháp phức hợp điều trị suy giảm (CDT)
Mục tiêu của liệu pháp này nhằm cải thiện triệu chứng sưng viêm khó chịu, phục hồi chức năng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Người bệnh sẽ được hướng dẫn thực hiện các biện pháp chăm sóc tích cực sau:
- Vệ sinh sạch sẽ vùng da bị tổn thương bằng xà phòng diệt khuẩn và giữ cho da luôn khô thoáng. Vì có rất nhiều triệu chứng nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn gây ra.
- Bôi kem kháng sinh trực tiếp lên vết thương để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng.
- Bôi kem dưỡng ẩm vùng da bị bệnh, giảm khô ráp, nứt nẻ và ngứa ngáy.
- Thường xuyên nâng cao tay chân bị sưng phù nhằm kích thích hỗ trợ cải thiện quá trình lưu thông của các mạch máu trong hệ bạch huyết.
- Vận động tích cực, tập thể dục vừa sức kết hợp xoa bóp mỗi ngày giúp cải thiện triệu chứng phù mạch bạch huyết hiệu quả.
- Băng ép tạo áp lực tại vùng da bị sưng vào ban ngày hoăc cả ban đêm nhằm hỗ trợ điều trị duy trì tình trạng phù bạch huyết.
Phẫu thuật
Một số phương pháp phẫu thuật như nối tĩnh mạch với mạch bạch huyết hoặc cắt bỏ các mô mỡ, mô xơ thừa dưới da... thường được chỉ định cho những trường hợp bị chân voi có nguy cơ biến chứng cao, thường là ở vùng bìu.
Y học hiện đại cũng ghi nhận một số kỹ thuật tái tạo bạch huyết vi phẫu bằng cách loại bỏ bạch huyết cũ, chuyển bạch bạch huyết mới và ghép vào thay thế. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn đang còn trong giai đoạn nghiên cứu.
Phòng ngừa
Không có cách dự phòng đặc hiệu đối với bệnh chân voi. Chỉ thể giảm nguy cơ mắc bệnh thông qua các biện pháp sau:
- Tránh bị muỗi đốt bằng cách mắc màn khi ngủ, dùng thuốc đuổi muỗi, bôi kem hoặc mặc quần áo che kín chân tay.
- Phát quang cây cối, loại bỏ các ao hồ, vũng nước, chum vại đọng nước xung quanh nhà, xử lý cống rãnh vệ sinh nhằm giảm nguy cơ sinh sản của muỗi.
- Thay đổi môi trường sống và làm việc (nếu có thể).
- Tránh tiếp xúc trực tiếp giữa da với nền đất bằng cách luôn mang giày dép, kể cả trong nhà.
- Tuyên truyền rộng rãi các kiến thức phòng ngừa bệnh chân voi và liệu pháp điều trị phù bạch huyết đơn giản gồm vệ sinh bằng dung dịch sát khuẩn, bôi kem dưỡng ẩm, nâng cao chân và băng ép.
- Tuân thủ thực hiện chương trình phòng chống bệnh chân voi do Bộ Y tế khuyến cáo. Bằng cách uống thuốc Diethylcarbamazine 1 tháng 1 lần, mỗi đợt kéo dài 3 ngày, mỗi ngày dùng liều 6mg/kg. Chỉ định sử dụng cho người từ 6 tuổi trở lên.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tôi có các dấu hiệu như sưng chân, tay, ngực, cơ quan sinh dục... là dấu hiệu của bệnh gì?
2. Nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh chân voi?
3. Bệnh chân voi có chữa được không?
4. Điều gì xảy ra nếu tôi không điều trị bệnh chân voi sớm?
5. Phương pháp điều trị bệnh chân voi hiệu quả nhất?
6. Tôi cần làm gì để hỗ trợ cải thiện sưng bạch huyết khi mắc bệnh chân voi?
7. Tôi nên uống thuốc gì để điều trị bệnh chân voi?
8. Bị bệnh chân voi khi nào cần phẫu thuật?
Tại Việt Nam, bệnh chân voi đã được loại trừ vào năm 2001, được công nhận bởi Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tuy nhiên, hoạt động tuyên truyền và điều trị dự phòng bệnh vẫn được khuyến cáo bằng những chương trình quốc gia rộng rãi. Hãy chủ động thăm khám sớm nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường khi nhiễm giun chỉ để được điều trị kịp thời.
Có thể bạn quan tâm:
- Bị ngứa hậu môn vào ban đêm là do giun gây ra?
- Bệnh giun đũa chó mèo có nguy hiểm không? Điều trị & ăn uống
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!