Bệnh Ebola

Bệnh Ebola do virus ebola gây ra, tuy hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, có nguy cơ cao bùng phát thành ổ dịch với tỷ lệ tử vong cao. Điều trị bệnh chủ yếu bằng thuốc, kết hợp chăm sóc bù nước ổn định sức khỏe, bảo toàn tính mạng. Đồng thời, hướng đến mục tiêu kiểm soát ổ dịch, phòng ngừa lây nhiễm và tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh. 

Tổng quan

Bệnh Ebola (Ebola Virus Diases - EVD) hay còn gọi là bệnh sốt xuất huyết Ebola. Đây là căn bệnh nhiễm trùng cấp tính nghiêm trọng do nhiễm virus ebola - một loại virus thuộc họ Filoviridae gây ra. Loại virus này thường ký sinh trên vật chủ như loài dơi, khỉ, tinh tinh... Sau đó, truyền sang cho con người và từ đó bùng phát thành dịch do khả năng lây nhiễm nhanh chóng giữa người với người thông qua tiếp xúc gần.

Ebola là bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng bùng phát thành ổ dịch lớn với tỷ lệ tử vong cao

Bệnh Ebola đặc trưng với các triệu chứng như sốt cao, tiêu chảy, đau bụng, chảy máu... Nguy cơ tử vong ở bệnh nhân Ebola rất cao, trung bình khoảng 50% trên tổng các ca mắc. Bệnh chủ yếu khởi phát ở những quốc gia có điều kiện môi trường, dân sinh, y tế kém. Ghi nhận đợt bùng phát dịch Ebola lớn nhất là ở các quốc gia như Guinea, Liberia, Sierra Leone vào nằm 2014 - 2016.

Điều trị Ebola chủ yếu bằng thuốc kháng thể và kết hợp chăm sóc tích cực, bù nước, bù dịch nhằm tăng tỷ lệ sống sót. Đồng thời, người dân và nhân viên y tế, trung tâm phòng chống dịch địa phương cần thực hiện các biện pháp kiểm soát tích cực ngăn không cho virus Ebola lây lan.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân 

Virus ebola là tác nhân chính gây bệnh Ebola. Loại virus này thuộc họ Filoviridae với 6 loài phổ biến được phát hiện đối với chủng virus này gồm: Bundibugyo, Zaire, Tai Forest, Sudan, Bombali, Reston. Trong đó, chỉ có 4 loại chính là Bundibugyo, Tai Forest, Sudan và Zaire được ghi nhận gây bệnh ở người.

Ebolavirus là tác nhân chính gây ra bệnh Ebola với khả năng lây lan nhanh chóng từ người sang người

Quá trình lây truyền của loại virus này được xác định là do ký sinh trên vật chủ tự nhiên là loài dơi ăn quả thuộc họ Pteropodidae hoặc khỉ, vượn, tinh tinh... Virus xâm nhập vào trong cơ thể người thông qua tiếp xúc thông qua dịch tiết, máu, nội tạng hoặc các chất dịch nhầy khác của các loài động vật hoang dã bị bệnh hoặc đã chết.

Virus Ebola còn có khả năng lây truyền từ người sang người thông qua tiếp xúc gần, dính dịch tiết, máu từ niêm mạc bị tổn thương hoặc gián tiếp thông qua các đồ vật bị nhiễm chất dịch cơ thể như bãi nôn, máu, phân, quần áo, drap giường... của người bệnh Ebola. Virus Ebola không lây lan trong không khí.

Yếu tố nguy cơ

Dựa vào cơ chế lây bệnh này, có thể khoanh vùng các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh Ebola như:

  • Người dân ở một số quốc gia châu Phi, thường là phía Trung và Tây Phi;
  • Những người làm công tác cứu hộ động vật trong rừng;
  • Nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm bệnh;
  • Những người thực hiện các nghi lễ chôn cất thi thể người chết;
  • Quan hệ tình dục với người đang nhiễm Ebola, đặc biệt là quan hệ đồng tính nam;
  • Sử dụng chung ống tiêm, các loại đồ dùng khác với bệnh nhân Ebola;
  • Trẻ bú sữa mẹ nhiễm virus do người mẹ đã từng hoặc đang mắc bệnh Ebola;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Thời gian ủ bệnh sau khi nhiễm virus Ebola dao động trong vòng 2 - 21 ngày, trung bình từ 8 - 10 ngày hoặc lâu hơn nhưng không quá 21 ngày. Các triệu chứng ban đầu của bệnh tương tự như nhiều bệnh lý nhiễm trùng khác (chẳng hạn như cúm, sốt rét hoặc thương hàn) nên rất khó nhận biết trừ khi nơi sinh sống đang bùng phát dịch Ebola.

Bệnh nhân nhiễm virus Ebola thường sốt cao, đau bụng, tiêu chảy, nôn ói, đau nhức cơ xương...

Cụ thể một số triệu chứng bệnh Ebola thường gặp như:

  • Sốt cao, ớn lạnh
  • Đau đầu
  • Đau cơ khớp
  • Đau họng
  • Đau bụng
  • Tiêu chảy
  • Nôn mửa
  • Ăn kém
  • Mệt mỏi
  • Chảy máu từ mũi hoặc miệng, nướu răng
  • Da bầm tím

Ngoài các triệu chứng chung kể trên, một số trường hợp còn kèm theo các triệu chứng khác đỏ mắt, hay nấc nụt, phát ban dưới da, suy giảm chức năng gan, thận...

Chẩn đoán

Nếu chỉ đánh giá các triệu chứng lâm sàng sẽ rất khó chẩn đoán chính xác bệnh Ebola vì đây đều là những triệu chứng nhiễm trùng chung, khó có thể phân biệt với các triệu chứng với các bệnh truyền nhiễm khác nhu sốt rét, sốt thương hàn, viêm màng não... Không những vậy, nhiều triệu chứng của bệnh Ebola còn tương đối giống với dấu hiệu mang thai.

Xét nghiệm mẫu máu, dịch miệng giúp phát hiện sự tồn tại của virus Ebola trong cơ thể người

Do đó, cần kết hợp thực hiện xét nghiệm máu bằng các kỹ thuật cận lâm sàng để đưa ra chẩn đoán chính xác về  bệnh Ebola:

  • Xét nghiệm ELISA là xét nghiệm miễn dịch hấp thu liên kết với enzyme bắt giữ kháng thể;
  • Xét nghiệm trung hòa huyết thanh;
  • Xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase phiên mã ngược (RT-PCR);
  • Xét nghiệm phát hiện kháng nguyên;
  • Soi mẫu máu dưới kính hiển vi điện tử để phát hiện virus Ebola;
  • Nuôi cấy tế bào máu nhằm phân lập virus;

Ngoài xét nghiệm máu, WHO khuyến nghị có thể thực hiện các xét nghiệm mẫu phẩm khác như mẫu máu toàn phần được thu thập trong acid ethylenediaminetetraacetic (EDTA) từ bệnh nhân còn sống hoặc mẫu dịch miệng đối với bệnh nhân đã qua đời, không thể lấy máu.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh Ebola có nguy cơ tử vong cao do tiến triển bệnh nhanh chóng và nghiêm trọng. Bệnh nhân thường tử vong do mất nước khi sốt cao và xuất huyết nặng gây tụt huyết áp. Biến chứng này thường xảy ra sau 6 - 16 ngày nhiễm virus và bùng phát triệu chứng.

Tuy nhiên, 1/2 trên tổng số các ca mắc Ebola có thể kiểm soát được thông qua điều trị bằng thuốc kịp thời kết hợp bù nước liên tục. Tuy nhiên, dù vượt qua nguy hiểm, bảo toàn tính mạng nhưng những người sống sót sau Ebola sẽ phải đối mặt với nhiều tác dụng phụ sau khi hồi phục sức khỏe. Chẳng hạn như đau cơ, mệt mỏi, đau dạ dày, suy giảm thị lực...

Khoảng 50% trường hợp mắc Ebola tử vong do tiên lượng nặng và không đáp ứng điều trị

Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai nhiễm virus Ebola cấp tính, dù đã điều trị khỏi bệnh nhưng virus vẫn có khả năng tồn tại trong sữa mẹ hoặc các chất dịch tiết, mô có liên quan đến thai kỳ.

Nếu không phát hiện sớm, tình trạng này có thể lây truyền virus Ebola cho thai nhi hoặc đứa trẻ sau khi chào đời. Tốt nhất người mẹ cần thực hiện các xét nghiệm tiêu chuẩn về Ebola để có hướng điều trị phù hợp, ngăn ngừa lây nhiễm cho con và những người xung quanh.

Điều trị

Mục tiêu điều trị chính đối với bệnh Ebola là kiểm soát triệu chứng trong đợt bùng phát và giảm nguy cơ tử vong. Phác đồ điều trị cụ thể gồm các biện pháp chính là dùng thuốc, liệu pháp miễn dịch, truyền máu, bù dịch...

Dùng thuốc 

Năm 2020, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt loại thuốc đặc trị đầu tiên đối với bệnh Ebola đó là Inmazeb™ và Ebanga cho cả người lớn & trẻ em. Đây là 2 loại kháng thể đơn dòng (mAbs) có tác dụng mạnh và hiệu quả cao trong việc loại bỏ, ngăn chặn virus Ebola xâm nhập vào tế bào con người.

Inmazeb™ và Ebanga là 2 loại thuốc kháng thể đơn dòng giúp ngăn chặn sự xâm nhập, phát triển của virus Ebola

Trong đó, thuốc Inmazeb™ được ưu tiên sử dụng phổ biến hơn với thống kê cải thiện khả năng sống sót cao. Loại thuốc này được điều chế kết hợp từ 3 loại kháng thể đơn dòng chính gồm maftivimab, antoltivimab và odesivimab-ebgn. Còn Ebanga chỉ có một kháng thể đơn dòng duy nhất là ansuvimab-zykl.

Các biện pháp hỗ trợ khác

Song song dùng thuốc, bệnh nhân mắc Ebola cũng sẽ được chăm sóc tích cực nhằm cải thiện triệu chứng, tăng cường đề kháng và giảm nguy cơ tử vong. Một số phương pháp bao gồm:

Tiêm truyền tĩnh mạch dịch lỏng để bù nước, chất điện giải để tránh gây mất nước

  • Tiêm hoặc truyền tĩnh mạch chất lỏng, các chất điện giải nhằm bù nước, bù dịch, tránh nguy cơ mất nước;
  • Dùng thuốc giảm đau, hạ sốt, chống tiêu chảy, nôn mửa... với liều phù hợp;
  • Thở oxy trong trường hợp bệnh nhân khó thở và có tiên lượng xấu;
  • Kết hợp điều trị các triệu chứng nhiễm trùng khác (nếu có);

Phòng ngừa

Bất kỳ đối tượng nào cũng có nguy cơ mắc bệnh Ebola, miễn là trong cơ thể có chứa virus thông qua bất kỳ hình thức nào. Để phòng ngừa căn bệnh này, hãy chú ý đến các vấn đề sau:

Tiêm phòng vắc xin là giải pháp hiệu quả nhất giúp phòng ngừa bệnh Ebola

  • Tiêm phòng vắc xin ngừa virus Ebola (vaccine Ervebo ®) cho người lớn > 18 tuổi hoặc những người có nghề nghiệp tiềm ẩn nguy cơ phơi nhiễm với virus Ebola.
  • Tránh tiếp xúc gần với những người đang mắc bệnh, kể cả những đồ dùng, vật dụng cá nhân của họ trong vòng 21 ngày kể từ khi phơi nhiễm.
  • Không nên tiếp xúc hoặc ăn các loại động vật rừng hoang dã như dơi, khỉ, tinh tinh, linh dương... để tránh nguy cơ nhiễm virus Ebola.
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, sử dụng các thiết bị tiệt trùng, đeo găng tay, khẩu trang, quần áo bảo hộ khi chăm sóc bệnh nhân Ebola.
  • Cách ly người bệnh và tiến hành khử trùng nhà cửa chất khử trùng y tế.
  • Khuyến cáo phụ nữ mang thai sống sót sau bệnh Ebola cần khám thai thường xuyên hơn để kịp thời phát hiện và xử lý bất thường.
  • Cơ quan y tế phòng chống dịch bệnh tại địa phương cần tiến hành điều tra dịch tễ, xác định khoanh vùng và khoanh vùng để theo dõi những người có khả năng bị phơi nhiễm. Đây là công tác quan trọng nhằm ngăn chặn dịch bệnh Ebola bùng phát.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Bệnh Ebola là gì?

2. Bệnh Ebola có nguy hiểm không? Có gây tử vong không?

3. Nguyên nhân gây bệnh Ebola là gì?

4. Những triệu chứng cho thấy tôi đang nhiễm virus Ebola?

5. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh Ebola?

6. Bệnh Ebola có chữa khỏi được không?

7. Có thuốc đặc trị bệnh Ebola không?

8. Cần làm những gì để chăm sóc bệnh nhân Ebola?

9. Tôi có cần tự cách ly để tránh lây nhiễm cho những người xung quanh không?

10. Quá trình điều trị bệnh Ebola bao lâu thì khỏi?

Bệnh Ebola là căn bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng, tuy hiếm gặp nhưng có tỷ lệ tử vong rất cao. Các chuyên gia y tế khuyến cáo cần điều trị bệnh càng sớm càng tốt, dùng thuốc kết hợp truyền dịch bù nước, chăm sóc tích cực để giảm nguy cơ tử vong. Hãy chú ý theo dõi sức khỏe của bản thân, nhất là khi đang hoặc đã đến những quốc gia đang bùng dịch để chủ động thăm khám, chẩn đoán và điều trị ngay.

Có thể bạn quan tâm:

Chia sẻ:
Bệnh Thương hàn
Thương hàn là bệnh lý sốt nhiễm trùng do vi khuẩn Samonella Typhi gây ra. Bệnh thường phổ biến ở những nơi kém phát triển, lây nhiễm thông qua ăn…
Bệnh AIDS
Bệnh AIDS là bệnh truyền nhiễm do virus HIV gây…
Bệnh Whitmore
Bệnh Whitmore không phải căn bệnh hiếm gặp, được phát…
Bệnh Lao Vú
Lao vú là một trong những thể lao ngoài phổi…
Bệnh Chân Voi

Bệnh chân voi là bệnh nhiễm ký sinh trùng giun chỉ. Bệnh có khả năng lây từ người sang người…

Cảm Cúm

Cảm cúm là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến, do nhiễm virus cúm Influenza. Bệnh gây các triệu…

Bệnh Sốt mèo cào

Bệnh sốt mèo cào xảy ra rất phổ biến, nhất là ở trẻ em và trẻ vị thành niên từ…

Nhiễm xoắn khuẩn vàng da Leptospira

Nhiễm xoắn khuẩn vàng da Leptospira xảy ra do nhiễm vi khuẩn Leptospira lây từ động vật như chó, ngựa,…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua