Bệnh Do Cryptosporidium

Bệnh Cryptosporidiosis xảy ra khi cơ thể nhiễm ký sinh trùng Cryptosporidium. Ăn uống, tắm hồ bơi hoặc tiếp xúc trực tiếp người nhiễm bệnh là những con đường lây lan Cryptosporidiosis nhanh nhất. Bệnh gây tiêu chảy ra nước khá nghiêm trọng, khiến người bệnh dễ mất nước, nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. Điều trị Cryptosporidiosis chủ yếu bằng thuốc kết hợp bù nước liên tục. 

Cryptosporidiosis là bệnh nhiễm trùng do ký sinh trùng Cryptosporidium gây ra

Tổng quan

Cryptosporidiosis (Crypto) là bệnh nhiễm trùng do nhiễm ký sinh trùng Cryptosporidium. Xảy ra do tiếp xúc hoặc sử dụng nguồn nước chứa Cryptosporidiosis. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em, gây tiêu chảy nước kèm theo các triệu chứng rối loạn đường ruột khác.

Bệnh Cryptosporidiosis là nguyên nhân phổ biến thứ 2 gây tiêu chảy ở trẻ em, chỉ sau rotavirus. Hầu hết các trường hợp nhiễm Cryptosporidiosis thường không quá nghiêm trọng do có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Ngược lại, nếu nhiễm Cryptosporidium trong trạng thái hệ miễn dịch suy yếu sẵn, có thể gây tiêu chảy nặng, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân 

Ký sinh trùng Cryptosporidium là nguyên nhân gây bệnh Cryptosporidiosis. Đây là một loại ký sinh trùng đơn bào, sống ký sinh trung gian trên vật chủ là con người hoặc động vật. Chúng có kích thước nhỏ và chỉ có thể nhìn thấy khi quan sát dưới kính hiển vi.

Có rất nhiều chủng Cryptosporidium khác nhau, nhưng loại phổ biến nhất gây bệnh Cryptosporidiosis ở người là Cryptosporidium hominis và Cryptosporidium parvum.

Tắm hồ bơi không đảm bảo vệ sinh rất dễ nhiễm ký sinh trùng Cryptosporidium

Với cấu tạo lớp vỏ ngoài chắc chắn cho phép chúng tồn tại bên ngoài cơ thể vật chủ trong thời gian dài, có đặc tính kháng Clo cao. Cryptosporidium thường lây truyền qua phân người hoặc động vật nhiễm bệnh. Cụ thể qua các con đường sau:

  • Nuốt nước hồ bơi hoặc uống nguồn nước ô nhiễm;
  • Ăn thực phẩm nhiễm ký sinh trùng Crypto, rau xanh, trái cây chưa rửa sạch, giấm táo hoặc sữa chưa tiệt trùng;
  • Chạm vào những bề mặt ô nhiễm, chẳng hạn như chăm sóc người bệnh hoặc thay tã cho trẻ;
  • Tiếp xúc với vật nuôi, động vật trong sở thú, trang nhiễm bệnh;
  • Quan hệ tình dục với người mắc bệnh Cryptosporidiosis, nhất là quan hệ qua đường hậu môn hoặc chạm vào các khu vực xung quanh hậu môn bằng tay, miệng...;

Yếu tố nguy cơ

Bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh Cryptosporidiosis, tuy nhiên những người có hệ thống miễn dịch yếu kém, nguy cơ mắc bệnh nặng sẽ cao hơn, thậm chí đe dọa tính mạng. Chẳng hạn như:

  • Mắc bệnh HIV/AIDS;
  • Ung thư;
  • Đã từng thực hiện cấy ghép nội tạng hoặc tế bào gốc;
  • Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch;
  • Phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh;
  • Người lớn tuổi (> 75 tuổi);
  • Uống nguồn nước chứa qua xử lý;
  • Tắm hồ bơi công cộng hoặc hồ, sông, suối ô nhiễm;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Sau khoảng 10 ngày nhiễm ký sinh trùng Cryptosporidium, cơ thể sẽ khởi phát các triệu chứng gồm:

Tiêu chảy ra nước, đau bụng, nôn ói... là những dấu hiệu điển hình của bệnh Cryptosporidiosis

  • Tiêu chảy nước (có thể nhẹ hoặc nặng);
  • Co thắt dạ dày gây đau bụng hoặc chuột rút;
  • Buồn nôn, nôn ói;
  • Ăn uống kém;
  • Sốt nhẹ;
  • Mất nước;
  • Sụt cân

Chẩn đoán

Chẩn đoán bệnh Cryptosporidiosis chủ yếu dựa vào đánh giá các triệu chứng lâm sàng và tiền sử sức khỏe bệnh nhân. Nếu muốn xác định chính xác tác nhân gây bệnh, cần thực hiện xét nghiệm phân để tìm ký sinh trùng Cryptosporidium.

Bệnh nhân được hướng dẫn lấy mẫu phân trong vài ngày liên tục để xét nghiệm, đảm bảo kết quả chẩn đoán chính xác nhất.

Biến chứng và tiên lượng

Ở người khỏe mạnh, các triệu chứng bệnh Cryptosporidiosis thường chỉ kéo dài 1 - 2 tuần, sau đó bệnh nhân sẽ khỏi hẳn mà không để lại bất kỳ di chứng nào. Nhưng thông thường, nếu được chăm sóc tích cực, các triệu chứng có thể cải thiện nhanh chóng sau vài ngày.

Tiên lượng bệnh Cryptosporidiosis tốt, hầu hết bệnh nhân có thể tự khỏi mà không cần áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị cụ thể nào. Riêng triệu chứng tiêu chảy nước cần được kiểm soát bằng cách tăng cường uống nước để tránh nguy cơ gây mất nước.

Bệnh nhân Cryptosporidiosis bị tiêu chảy nặng gây mất nước nghiêm trọng

Việc mất quá nhiều chất lỏng trong cơ thể có thể dẫn đến nhiều biến chứng sức khỏe nghiêm trọng như:

  • Khởi phát các vấn đề tim mạch, gan, thận và nhiều cơ quan khác.
  • Giảm thể tích tuần hoàn;
  • Tăng nguy cơ gây bệnh túi mật, ống mật, tuyến tụy;
  • Trẻ gặp các vấn đề tăng trưởng thể chất sau đợt nhiễm bệnh Cryptosporidiosis;

Điều trị

Mục tiêu điều trị bệnh Cryptosporidiosis chủ yếu nhằm loại bỏ ký sinh trùng, ngăn ngừa mất nước do tiêu chảy và phục hồi thể trạng. Tùy mức độ bệnh nặng hay nhẹ, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng phương pháp phù hợp.

Điều trị bằng thuốc

Một số loại thuốc thường được kê đơn điều trị bệnh Cryptosporidiosis gồm:

Thuốc chống độc tố và thuốc cầm tiêu chảy là 2 loại thuốc điều trị Cryptosporidiosis hiệu quả

  • Thuốc chống độc tố: Loại thuốc được chấp thuận dùng để điều trị tiêu chảy do ký sinh trùng Cryptosporidiosis là Alinia (Nitazoxannide). Nhưng với điều kiện bệnh nhân phải có hệ miễn dịch khỏe.
  • Thuốc chống tiêu chảy: Loại được dùng phổ biến nhất là Diphenoxylate-atropine (Lomotil) hoặc Loperamid (Imodium) có tác dụng cầm tiêu chảy hiệu quả, giảm nguy cơ mất nước.
  • Liệu pháp hydrat hóa: Cung cấp chất dịch lỏng đặc biệt nhằm bù nước và chất điện giải, cân bằng hoạt động trong cơ thể.

Lưu ý tuân thủ liều dùng thuốc do bác sĩ chỉ định để giảm thiểu tác dụng phụ. Đặc biệt, thông báo cho bác sĩ về tiền sử bệnh tim khi được chỉ định dùng Loperamid hoặc gan, thận, túi mật trước khi dùng nitazoxanide.

Các biện pháp hỗ trợ khác

Kết hợp thực hiện các biện pháp hỗ trợ, chăm sóc tích cực sau để đẩy nhanh quá trình phục hồi sức khỏe, hỗ trợ điều trị bệnh Cryptosporidiosis:

Uống nhiều nước lọc, nước canh, nước bù khoáng... cải thiện tình trạng mất nước

  • Tăng cường uống nước. Ngoài nước lọc, kết hợp thêm nước ép trái cây, nước bù khoáng, nước canh...
  • Thực hiện chế độ ăn kiêng BRAT, sử dụng các loại thực phẩm như chuối, sốt táo, bánh mì, gạo giúp cải thiện tiêu chảy, nôn mửa hoặc các triệu chứng khác.
  • Dùng các loại thuốc không kê đơn như Loperamid (Imodium) hoặc bismuth subsalicylate (Pepto-Bismol, Kaopectate) cải thiện tình trạng tiêu chảy. Tuy nhiên, phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Phòng ngừa

Bệnh Cryptosporidiosis rất dễ lây lan từ người sang người. Do đó, để giảm nguy cơ mắc bệnh, hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:

Ăn chín uống sôi và giữ vệ sinh tuyệt đối là giải pháp phòng ngừa bệnh Cryptosporidiosis tốt nhất

  • Hạn chế bơi lội ở những hồ bơi không đảm bảo vệ sinh như hồ bơi công cộng hoặc các khu vui chơi giải trí công viên nước.
  • Tuyệt đối không bơi khi đang bị tiêu chảy, phải đợi ít nhất 2 tuần sau khi khỏi tiêu chảy hẳn mới được đi bơi trở lại.
  • Không tiếp xúc hoặc sử dụng nguồn nước ô nhiễm, sông, suối, hồ chưa qua xử lý.
  • Chỉ được uống nước đun sôi để nguội hoặc nước đã qua xử lý tiệt trùng.
  • Rửa tay thường xuyên bằng dung dịch hoặc xà phòng diệt khuẩn, nhất là sau khi tiếp xúc với động vật, vật nuôi, sau khi đi vệ sinh.
  • Rửa sạch và gọt vỏ thực phẩm trước khi ăn.
  • Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su và màng bảo vệ khoang miệng nếu quan hệ bằng miệng. Nếu đang bị tiêu chảy nên tạm ngưng quan hệ cho đến khi khỏi hẳn.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Con tôi bị tiêu chảy ra nước kèm theo đau bụng, buồn nôn, sốt là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Con tôi nhiễm loại ký sinh trùng nào? Cần làm xét nghiệm nào để chẩn đoán?

3. Nguyên nhân tại sao con tôi nhiễm bệnh Cryptosporidiosis?

4. Bệnh Cryptosporidiosis có tự khỏi không?

5. Nếu không điều trị, bệnh Cryptosporidiosis có gây biến chứng nguy hiểm không?

6. Bệnh Cryptosporidiosis có lây lan không?

7. Cách điều trị tốt nhất dành cho trường hợp bệnh của con tôi?

8. Con tôi nên dùng loại thuốc nào để trị tiêu chảy do Cryptosporidiosis?

9. Chế độ chăm sóc đặc biệt khi bị Cryptosporidiosis như thế nào?

10. Cần làm gì để phòng tránh tái phát Cryptosporidiosis?

Bệnh Cryptosporidiosis tuy không quá nguy hiểm, có thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng vẫn gây ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe. Do đó, tốt nhất nên chủ động thăm khám để được chẩn đoán và điều trị bằng phương pháp phù hợp. Đồng thời, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tích cực, hạn chế đi bơi ở những khu vực không đảm bảo.

Có thể bạn quan tâm:

Chia sẻ:
Bệnh Thương hàn
Thương hàn là bệnh lý sốt nhiễm trùng do vi khuẩn Samonella Typhi gây ra. Bệnh thường phổ biến ở những nơi kém phát triển, lây nhiễm thông qua ăn…
Bệnh Ebola
Bệnh Ebola do virus ebola gây ra, tuy hiếm gặp…
Nhiễm xoắn khuẩn vàng da Leptospira
Nhiễm xoắn khuẩn vàng da Leptospira xảy ra do nhiễm…
Cảm Cúm
Cảm cúm là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ…
Bệnh AIDS

Bệnh AIDS là bệnh truyền nhiễm do virus HIV gây ra. Người bị AIDS sẽ bị virus HIV phá hủy…

Bệnh Viêm mô hoại tử

Viêm mô hoại tử là căn bệnh hiếm gặp và được nhiều người biết đến với cái tên bệnh vi…

Bệnh Sưng hạch bạch bẹn

Sưng hạch bạch bẹn có thể xảy ra đột ngột do nhiều tác nhân như nhiễm trùng, chấn thương hoặc…

Bệnh Dịch hạch

Dịch hạch còn được gọi là "Cái chết đen". Là một trong những căn bệnh đáng sợ nhất trong lịch…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua