Bệnh Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus sốt xuất huyết (Dengue) gây ra. Đây là căn bệnh phổ biến ở cả trẻ em lẫn người lớn. Bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng thông qua vết muỗi đốt và bùng phát thành ổ dịch nếu không có biện pháp cách ly kịp thời. Nếu không điều trị sớm, sốt xuất huyết có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. 

Tổng quan

Sốt xuất huyết (Dengue fever) là một dạng sốt do virus gây ra, cụ thể là virus DENV có khả năng lây truyền thông qua vết đốt của muỗi Aedes bị nhiễm bệnh. Bệnh nhân bị muỗi nhiễm bệnh đốt sẽ đột nhiên phát sốt cao, trường hợp nghiêm trọng có thể gây đau nhức xương khớp toàn thân.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do một loại virus lây truyền thông qua vết đốt của muỗi bị nhiễm bệnh

Theo các tài liệu y học, sốt xuất huyết có nguồn gốc từ khỉ và được phát hiện lần đầu tiên ở các quốc gia Đông Nam Á, châu Phi từ 100 - 800 năm trước. Hiện nay, sốt xuất huyết đang ảnh hưởng đến khoảng một nửa dân số thế giới, ước tính khoảng 100 - 400 triệu ca nhiễm hàng năm. Chủ yếu xảy ra ở những quốc gia vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, khu vực đô thị và bán đô thị.

Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể nhiễm sốt xuất huyết, từ trẻ em cho đến người lớn. Và bất kỳ thời điểm nào trong năm cũng có thể phát bệnh, nhưng chủ yếu vào mùa mưa. Nhiều người thường nhầm lẫn rằng mỗi người chỉ bị sốt xuất huyết một lần trong đời. Nhưng thực tế cho thấy, đã từng mắc vẫn có thể mắc lại, thậm chí còn nặng hơn đợt trước. Do đó, việc điều trị y tế cần thực hiện càng sớm càng tốt để kiểm soát tiến triển và ngăn chặn các biến chứng khó lường.

Phân loại

Bệnh sốt xuất huyết được phân chia làm 4 dạng chính, mỗi loại được gây ra bởi một chủng virus sốt xuất huyết khác nhau và có triệu chứng cũng như tính chất nguy hiểm. Bao gồm:

  • Sốt xuất huyết cổ điển: Đặc trưng bởi các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, đau cơ, khớp, phát ban dữ dội... Thể bệnh này tương đối nhẹ và ít nguy hiểm, sau khi triệu chứng phát sinh khoảng 1 tuần sẽ bắt đầu thuyên giảm, sau đó dần hồi phục.
  • Sốt xuất huyết Dengue: Đặc trưng với các triệu chứng như chảy máu nướu răng, chảy máu mũi hoặc xuất huyết dưới da, kèm theo nôn ói, đau bụng, khó thở... Đây là dạng sốt xuất huyết khá nghiêm trọng, có thể gây sốc, suy nội tạng và đe dọa đến tính mạng nếu không được cấp cứu y tế kịp thời.
  • Hội chứng sốc sốt xuất huyết: Đây là thể nghiêm trọng nhất của sốt xuất huyết, đặc trưng với các dấu hiệu nghiêm trọng như tụt huyết áp, nhịp tim thấp, lạnh người, da nhợt nhạt... Tình trạng này nếu không điều trị kịp thời có thể gây tử vong.
  • Sốt xuất huyết thầm lặng: Thể bệnh này nhẹ nhất trong tất cả các dạng. Vì ít khi gây ra triệu chứng nghiêm trọng và không thể nhận biết nên không được chú ý đến. Tuy nhiên, vì bản chất của bệnh vẫn là nhiễm virus nên người bệnh có khả năng lây truyền virus sang cho người khác thông qua vết muỗi đốt.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Sốt xuất huyết là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi Dengue gây ra. Chủng virus này thuộc nhóm Flavivirus, có nhân ARN và được phân chia làm 4 nhóm huyết thanh gồm DEN1, DEN2, DEN3 và DEN4. Một người bị sốt xuất huyết khi họ bị đốt bởi muỗi nhiễm virus, loại muỗi được phát hiện mang virus sốt xuất huyết nhiều nhất là muỗi Aedes, với 2 chủng chính là Aedes albopictus và Aedes aegypti.

Virus siêu vi Dengue tồn tại trong muỗi vằn Aedes là tác nhân gây truyền nhiễm bệnh sốt xuất huyết

Điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn không thể bị sốt xuất huyết thông qua tiếp xúc gần hay sinh hoạt chung với người bệnh. Ngoại trừ trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm bệnh sẽ có nguy cơ truyền cho thai nhi trong bụng hoặc trong quá trình sinh nở.

Muỗi cái sau khi hút máu của người nhiễm virus sốt xuất huyết, chúng sẽ ủ trong thời gian 8 - 11 ngày, sau đó tiếp tục truyền cho những người khỏe mạnh khác theo vòng tuần hoàn như vậy. Virus xâm nhập vào máu của bạn và phát triển nhanh chóng với số lượng lớn. Lúc này, hệ thống miễn dịch phát hiện bất thường và phản ứng lại khiến bạn phát sinh những dấu hiệu bệnh.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Bệnh nhân sốt xuất huyết sẽ gặp rất nhiều triệu chứng với mức độ khác nhau. Nhưng dưới đây là những dấu hiệu điển hình nhất:

Bệnh nhân sốt xuất huyết thường sốt cao kéo dài kèm theo đau đầu, đau nhức cơ xương khớp, nôn ói, phát ban...

  • Sốt cao lên đến 40 độ C và kéo dài từ 2 - 7 ngày;
  • Đau đầu dữ dội;
  • Đau cơ, khớp, được mô tả như bị gãy xương;
  • Buồn nôn, nôn ói;
  • Tiểu ít;
  • Mệt mỏi cực độ, kéo dài đến sau vài tuần khi đã hết sốt;
  • Xuất huyết, phát ban dạng chấm, nốt, chảy máu nướu răng, chảy máu mũi...;
  • Trẻ em quấy khóc, vật vã, li bì, tay chân lạnh...;

Các triệu chứng sốt xuất huyết thường bắt đầu khởi phát từ 4 - 10 ngày sau khi bị muỗi đốt và có thể kéo dài liên tục trong vòng 3 - 7 ngày. Thông thường, sau khi các triệu chứng biến mất, cơ thể người bệnh sẽ bước vào giai đoạn loại bỏ virus và phục hồi.

Nhưng có khoảng 1/20 bị sốt xuất huyết sau khi hết triệu chứng chuyển sang giai đoạn biến chứng nặng, thường là sau khoảng 24 - 48 giờ sau khi hết sốt. Nhiều trường hợp không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong ngay sau đó. Những dấu hiệu bất thường cảnh báo sốt xuất huyết nặng như:

  • Đau bụng dữ dội;
  • Nôn ói liên tục và nôn ra máu;
  • Chảy máu cam hoặc chảy máu nướu răng khó cầm;
  • Mệt mỏi cực độ, cáu gắt, lo lắng không yên;

Chẩn đoán

Chẩn đoán sốt xuất huyết cần kết hợp giữa thăm khám triệu chứng lâm sàng, tình trạng sức khỏe và các xét nghiệm cận lâm sàng khác. Mục đích nhằm loại trừ các dạng nhiễm trùng siêu vi khác cũng gây ra triệu chứng sốt tương tự, chẳng hạn như sốt siêu vi, virus Zika, sốt rét, sốt thương hàn...

Đồng thời, khai thác tiền sử bệnh trước đó, lịch sử y tế và du lịch có lần nào bạn đã để cơ thể tiếp xúc với muỗi hay không. Cuối cùng là bước xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ lấy mẫu máu để kiểm tra, tìm kiếm sự hiện diện của virus sốt xuất huyết.

Biến chứng và tiên lượng

Sốt xuất huyết là căn bệnh nhiễm trùng cấp tính nguy hiểm, được các Tổ chức y tế lớn nhỏ trên thế giới và tại Việt Nam cảnh báo hàng năm. Hầu hết các trường hợp phát hiện bệnh đều có thể được kiểm soát nhanh chóng bằng các biện pháp điều trị y tế.

Sốt xuất huyết không được điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng

Nhưng vẫn có những trường hợp sốt xuất huyết nặng có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm sau:

  • Suy đa tạng, thường là tổn thương gan, phổi, tim, não...;
  • Sốc sốt xuất huyết do tụt huyết áp đột ngột dẫn đến tử vong;
  • Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết có thể lây truyền cho thai nhi và làm tăng nguy cơ sinh non, nhẹ cân hoặc sảy thai;
  • Người lớn tuổi bị sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị kéo dài làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và tử vong;
  • Trẻ nhỏ bị sốt xuất huyết có thể bị chậm trễ trong điều trị do chẩn đoán nhầm lẫn với các bệnh lý gây sốt khác;

Điều trị

Khi phát hiện những dấu hiệu sốt xuất huyết, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức để thăm khám và có những chỉ định điều trị y tế, chăm sóc kịp thời, đúng cách. Trên thực tế, không có biện pháp điều trị cụ thể đối với bệnh sốt xuất huyết, tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ sẽ hướng dẫn các biện pháp điều trị kiểm soát triệu chứng phù hợp.

Trường hợp sốt xuất huyết nhẹ

Điều trị tại nhà dành cho những trường hợp có biểu hiện phát sốt từ 2 - 7 ngày. Trong giai đoạn này, cần chú ý các bước quan trọng sau:

Mục tiêu điều trị sốt xuất huyết nhằm hạ sốt, bù nước và đảm bảo dinh dưỡng để bệnh nhân sớm phục hồi sức khỏe

  • Chỉ dùng Paracetamol để hạ sốt, tuyệt đối không sử dụng bất kỳ loại thuốc khác như aspirin hay ibuprofen vì có thể khiến tình trạng xuất huyết trở nên trầm trọng hơn;
  • Tiến hành chườm ấm và lau mát cơ thể liên tục trong lúc phát sốt để tránh biến chứng co giật;
  • Bù nước đầy đủ do sốt cao dễ gây mất nước. Ưu tiên nước lọc, Oresol, nước cam, dừa..., tránh uống các loại nước chứa phẩm màu, nước ngọt có gas...;
  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ chất, thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, chế biến mềm, lỏng, dễ tiêu hóa... Tránh thực phẩm cay nóng, chế biến nhiều dầu mỡ, quá nóng, quá lạnh;
  • Theo dõi thân nhiệt và các triệu chứng sốt xuất huyết liên tục như mệt mỏi, li bì, vật vã, chân tay lạnh... để kịp thời nhập viện điều trị;

Trường hợp sốt xuất huyết nặng

Những trường hợp sốt xuất huyết nghiêm trọng cần được điều trị theo đúng phác đồ cho bác sĩ chỉ định và bệnh nhân bắt buộc phải nhập viện điều trị.

Thông thường, bệnh nhân sẽ được tiến hành truyền dịch để bù nước nếu bù theo đường uống không có kết quả. Không được tự ý truyền dịch tại nhà để tránh gây biến chứng phù nề, suy hô hấp nguy hiểm. Đồng thời, kết hợp một số biện pháp chăm sóc y tế hỗ trợ khác.

Phòng ngừa

Những biện pháp tốt nhất để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết như:

Vệ sinh môi trường sống xung quanh và thực hiện các biện pháp chống muỗi để phòng ngừa sốt xuất huyết

  • Khuyến cáo tiêm phòng vắc xin ngừa sốt xuất huyết cho đối tượng trong độ tuổi từ 9 - 45 đang làm việc và sinh sống ở những nơi có nguy cơ bùng dịch sốt xuất huyết cao.
  • Sử dụng thuốc có chứa DEET, picaridin hoặc tinh dầu đuổi muỗi như bạch đàn, sả, khuynh diệp...
  • Loại bỏ tất cả những nơi muỗi có thể làm tổ và sinh sản ra lăng quăng, bọ gậy. Các hành động cụ thể như đậy kín nắp chum, vại, lu chứa nước hoặc thả cá vào, vệ sinh và thay rửa những dụng cụ chứa nước, giữ vệ sinh môi trường xung quanh nhà, thu gom các loại phế liệu có thể chứa nước...
  • Khi ngủ phải mắc màn, rèm che, màn có tẩm thuốc diệt muỗi hoặc xịt thuốc chống muỗi trực tiếp lên quần áo, cơ thể.
  • Lao động ngoài trời hoặc những nơi ẩm thấp nên mặc đồ bảo hộ, quần dài, áo dài tay, găng tay, vớ, khẩu trang...

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi/ con tôi có những dấu hiệu như sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn ói, phát ban... là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Nguyên nhân khiến tôi/ con tôi mắc bệnh sốt xuất huyết?

3. Cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán xác định bệnh sốt xuất huyết?

4. Bệnh sốt xuất huyết có nguy hiểm không?

5. Phương pháp điều trị tốt nhất khi bị sốt xuất huyết?

6. Tôi cần lưu ý những gì trong quá trình điều trị sốt xuất huyết?

7. Mất thời gian bao lâu các triệu chứng sốt xuất huyết mới thuyên giảm?

8. Điều trị sốt xuất huyết có cần nhập viện không?

9. Đã từng bị sốt xuất huyết một lần có thể tái nhiễm lại không?

10. Tôi cần làm gì để phòng ngừa sốt xuất huyết trong tương lai?

Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng nguy hiểm có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Bên cạnh các biện pháp điều trị y tế ngay lập tức khi đã mắc bệnh, mỗi người cần tự nâng cao ý thức trong việc chống muỗi đốt, phòng ngừa sốt xuất huyết ở mọi thời điểm trong năm.

Tham khảo thêm

Chia sẻ:
Bệnh Than
Bệnh than là bệnh truyền nhiễm hiếm tại Việt Nam. Bệnh có tiến triển rất nghiêm trọng nếu chẳng may mắc phải, thậm chí tử vong nếu không điều trị…
Bệnh Thương hàn
Thương hàn là bệnh lý sốt nhiễm trùng do vi…
Bệnh Do Cryptosporidium
Bệnh Cryptosporidiosis xảy ra khi cơ thể nhiễm ký sinh…
Bệnh Sưng hạch bạch bẹn
Sưng hạch bạch bẹn có thể xảy ra đột ngột…
Bệnh Lao Vú

Lao vú là một trong những thể lao ngoài phổi hiếm gặp. Cả nam và nữ giới đều có thể…

Babesia (Nhiễm trùng do Babesia)

Babesia là bệnh nhiễm trùng do ký sinh trùng Babesia gây ra. Chúng lây nhiễm vào cơ thể người thông…

Bệnh AIDS

Bệnh AIDS là bệnh truyền nhiễm do virus HIV gây ra. Người bị AIDS sẽ bị virus HIV phá hủy…

Bệnh Ebola

Bệnh Ebola do virus ebola gây ra, tuy hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, có nguy cơ cao bùng phát…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua