Bệnh Thương hàn
Thương hàn là bệnh lý sốt nhiễm trùng do vi khuẩn Samonella Typhi gây ra. Bệnh thường phổ biến ở những nơi kém phát triển, lây nhiễm thông qua ăn uống kém vệ sinh hoặc tiếp xúc với người bệnh. Các triệu chứng thương hàn tương tự như cúm kèm theo rối loạn tiêu hóa, tuy nhiên có thể đe dọa tính mạng nếu không điều trị sớm bằng kháng sinh.
Tổng quan
Thương hàn (Typhoid fever) hay sốt thương hàn là bệnh lý đường tiêu hóa do vi khuẩn Samonella typhi gây ra. Loại vi khuẩn này có khả năng lây truyền qua thực phẩm, nguồn nước hoặc thông qua tiếp xúc giữa người với người. Đây là bệnh lý nhiễm trùng nghiêm trọng, gây ra các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.
Nhiều người thường nhầm lẫn giữa bệnh sốt thương hàn với sốt phó thương hàn (do vi khuẩn Salmonella Paratyphi gây ra). Ngoài ra, cả 2 căn bệnh này cũng thường xuyên bị chẩn đoán nhầm với bệnh ngộ độc thực phẩm do Salmonella.
Ước tính có khoảng 11 - 21 triệu dân số thế giới mắc bệnh thương hàn mỗi năm. Bệnh chủ yếu được phát hiện ở các quốc gia đang hoặc kém phát triển, có điều kiện kinh tế, dân sinh, vệ sinh, y tế chưa đầy đủ. Phổ biến nhất là các quốc gia Nam Á, Đông Nam Á, Trung Mỹ, Nam Mỹ, châu Phi và vùng Caribe. Ngoài ra, trẻ em có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người lớn do hệ miễn dịch yếu kém.
Phân loại
Bệnh sốt thương hàn được chia làm 2 dạng dựa vào tính chất, tiến triển và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bao gồm:
- Bệnh thương hàn cấp tính: Đa số các trường hợp mắc bệnh thương hàn đều là dạng cấp tính. Thể này đặc trưng với sự xuất hiện đột ngột và ồ ạt của các triệu chứng. Không chỉ khiến người bệnh mệt mỏi, suy giảm sức khỏe mà thể cấp tính còn có nguy cơ tử vong do sốt cao kéo dài.
- Bệnh thương hàn mãn tính: Đây là dạng bệnh hiếm gặp, bệnh thường phát triển kéo dài trong vòng vài tháng, thậm chí vài năm. Ở thể này, người bệnh có thể gặp các biến chứng về viêm nhiễm nặng và suy các cơ quan nội tạng do bị vi khuẩn Salmonella tấn công.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Bệnh thương hàn do vi khuẩn Salmonella Typhi gây ra. Đây là chủng vi khuẩn có khả năng sinh trưởng và phát triển trong đa dạng các loại thực phẩm, mà không làm thay đổi tính chất hay mùi vị của thực phẩm. Nó có khả năng sống sót trong các tế bào của vật chủ và an toàn trước hệ thống miễn dịch của con người.
Có nhiều con đường lây nhiễm vi khuẩn S.Typhi bao gồm:
- Ăn phải thực phẩm hoặc thức uống có chứa lượng nhỏ phân, nước tiểu nhiễm khuẩn;
- Ăn uống chung với người đang mắc bệnh thương hàn;
- Mắc bệnh gián tiếp thông qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ vật, bề mặt có chứa vi khuẩn;
Khi con người dung nạp thực phẩm nhiễm vi khuẩn vào trong cơ thể, chúng sẽ tồn tại trong ruột non và nhanh chóng nhân lên, lây lan vào máu, phát sinh các triệu chứng bệnh.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Triệu chứng bệnh thương hàn có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ trong vòng vài tuần. Đặc trưng với các dấu hiệu sau:
- Đau đầu;
- Sốt cao > 39 - 40 độ C, kèm theo ớn lạnh;
- Đau bụng;
- Đau cơ;
- Phát ban ở ngực và bụng;
- Ho;
- Ăn uống mất ngon;
- Tiêu chảy hoặc táo bón;
- Buồn nôn, ói mửa;
Tiến triển và các triệu chứng của bệnh thương hàn được miêu tả cụ thể qua 4 giai đoạn sau:
- Giai đoạn 1: Sau khoảng 5 - 14 ngày phơi nhiễm với vi khuẩn S.Typhi, cơ thể người bệnh bắt đầu phát sinh các triệu chứng đầu tiên. Điển hình là sốt cao không hạ, ngày càng có xu hướng tăng dần. Đây là dấu hiệu cho thấy vi khuẩn đang di chuyển vào máu.
- Giai đoạn 2: Vi khuẩn phát triển mạnh mẽ trong một phần của hệ thống miễn dịch (các mảng Peyer) vào khoảng tuần thứ 2 của cơn sốt. Người bệnh bắt đầu có những dấu hiệu như đau bụng, đau dạ dày, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, táo bón và phát ban từng đốm.
- Giai đoạn 3: Nếu không được điều trị bằng kháng sinh, số lượng vi khuẩn lớn và mạnh gây ra các triệu chứng nghiêm trọng vào khoảng tuần thứ 3. Một vài trường hợp bệnh nặng có thể gây biến chứng xuất huyết não, viêm não cực kỳ nguy hiểm.
- Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn phục hồi bệnh, cơn sốt hạ dần do vi khuẩn S.Typhi được đào thải vào trong túi mật. Lúc này, bệnh nhân sẽ dần khỏi bệnh, hồi phục sức khỏe, tuy nhiên khả năng lây nhiễm cho người khác vẫn còn.
Chẩn đoán
Một số các kiểm tra, xét nghiệm cần thiết nhằm chẩn đoán chính xác bệnh thương hàn gồm:
- Khám sức khỏe: Kiểm tra thể chất, thăm hỏi tình trạng sức khỏe, khai thác các thông tin về triệu chứng lâm sàng, có đi du lịch gần đây hay không và tiền sử bệnh cá nhân...
- Các xét nghiệm thường quy: Bao gồm xét nghiệm máu, nước tiểu và nuôi cấy phân nhằm tìm kiếm sự hiện diện của vi khuẩn S.Typhi.
- Xét nghiệm tủy xương: Được thực hiện bằng cách dùng một cây kim để chọc rút dịch tủy bên trong xương để mang đi làm xét nghiệm chẩn đoán.
- Chụp X quang: Một số trường hợp được bác sĩ chỉ định chụp X quang hình ảnh các cơ quan trong cơ thể để phát hiện những tổn thương do vi khuẩn S.Typhi gây ra (nếu có).
- Một số xét nghiệm khác
- Xét nghiệm huyết thanh học;
- Xét nghiệm Widal;
- Xét nghiệm PCR;
- Xét nghiệm ELISA;
- Xét nghiệm RIA;
Biến chứng và tiên lượng
Sốt thương hàn là bệnh lý nhiễm trùng cực kỳ nguy hiểm, đã từng là nỗi ám ảnh của rất nhiều người khi bùng phát thành dịch ở nhiều nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và một vài tỉnh thành phía Bắc được ghi nhận đã từng bùng phát dịch sốt thương hàn.
Bệnh thương hàn nếu không được điều trị kịp thời, vi khuẩn S.Typhi có điều kiện thuận lợi để sinh sôi, phát triển ngày càng nhiều và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Xuất huyết tiêu hóa;
- Thủng ruột;
- Viêm cơ tim;
- Viêm phổi;
- Viêm tụy;
- Nhiễm trùng cột sống, bàng quang, thận;
- Sảy thai đối với phụ nữ mang thai;
- Sốt cao mê sảng và dẫn đến tử vong;
Tiên lượng sống sót và phục hồi khỏe mạnh khi mắc bệnh thương hàn khá cao. Tuy nhiên, với điều kiện bệnh phải được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Một số ít trường hợp phát sinh biến chứng phải can thiệp phẫu thuật nhằm xử lý bảo tồn chức năng nội tạng và giữ lại mạng sống cho bệnh nhân.
Ngoài ra, một vấn đề quan trọng cần lưu ý đối với bệnh thương hàn đó là ngay cả khi đã dùng thuốc kháng sinh, cơ thể người bệnh vẫn có thể tiếp tục lây bệnh do vi khuẩn còn tồn tại trong túi mật hoặc đường ruột. Một số ít trường hợp được ghi nhận đã chữa khỏi thương hàn nhưng bệnh vẫn có thể tái phát trở lại sau khoảng 1 tuần hoặc vài tháng sau khi ngưng dùng thuốc kháng sinh.
Điều trị
Bệnh thương hàn là bệnh lý nhiễm trùng có thể điều trị được nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phương pháp. Một số biện pháp điều trị thương hàn phổ biến bao gồm:
Điều trị kháng sinh
Dùng thuốc kháng sinh là phương pháp điều trị bệnh thương hàn hiệu quả nhất. Phác đồ kháng sinh điều trị bệnh thương hàn thường được kê toa một số loại thuốc sau:
- Ciprofloxacin, Levoflaxin hoặc Ofloxacin;
- Ceftriaxone, Cefotaxime hoặc Cefixime;
- Trimethprim - sulfamethoxazole và ampicillin;
- Azithromycin;
- Carbapenem;
Trường hợp bị sốt thương hàn nặng, bác sĩ sẽ chỉ định thay thế bằng nhóm thuốc Steroid, điển hình là Dexamethesone. Hoặc những trường hợp vi khuẩn S.Typhi kháng thuốc kháng sinh. Hãy thông báo cho bác sĩ để được làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh và sử dụng thuốc khác hiệu quả hơn.
Trong quá trình dùng thuốc kháng sinh, bệnh nhân cần chú ý chăm sóc sức khỏe tích cực, truyền các dung dịch hạ sốt (Ringer lactat, natri clorid 9%), nghỉ ngơi nhiều hơn, ăn uống đủ chất và uống nhiều nước để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng sốt, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa...
Điều trị biến chứng
Có không ít trường hợp mắc bệnh thương hàn gây ra các biến chứng khó lường và nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng. Nhất là các biến chứng tại đường ruột như xuất huyết tiêu hóa, thủng ruột hoặc nhiễm độc.
Bệnh nhân bị sốt thương hàn khi gặp phải các biến chứng này cần nhanh chóng nhập viện để được xử lý kịp thời. Bao gồm các biện pháp sau:
- Dùng thuốc cầm máu và truyền bù đắp lượng máu mất đi, kết hợp chườm lạnh đối với người bị xuất huyết tiêu hóa;
- Thủng ruột cần điều trị ngoại khoa chống sốc, bảo toàn tính mạng;
- Choáng nội độc tố sẽ được chỉ định dùng thuốc kháng viêm Solu medrol 30mg/kg dạng truyền tĩnh mạch. Mỗi đợt truyền khoảng 30 phút và lặp lại sau 4 - 6 tiếng, liên tục trong vòng 2 ngày;
Điều trị dự phòng
Thương hàn là một trong những căn bệnh nhiễm trùng hiếm hoi có thể điều trị dự phòng hiệu quả ngay từ đầu bằng vắc xin. Phương pháp này được khuyến cáo áp dụng cho những người đang sống trong tâm dịch hoặc có kế hoạch làm việc, du lịch đến các quốc gia có nguy cơ nhiễm bệnh thương hàn cao.
Có 2 loại vắc xin ngừa bệnh thương hàn gồm dạng uống và dạng tiêm:
- Vắc xin dạng uống: Được sản xuất từ chính vi khuẩn sống nhưng đã giảm độc lực. Liệu trình gồm 4 viên thuốc, mỗi viên uống cách nhau 2 ngày và viên cuối cùng uống vào thời điểm 1 tuần trước khi đi du lịch.
- Vắc xin dạng tiêm: Là dạng vắc xin bất hoạt phát huy tác dụng chỉ trong một mũi duy nhất. Khuyến cáo tiêm vào thời điểm 2 tuần trước khi đi đến nơi có nguy cơ nhiễm bệnh thương hàn. Đối với trẻ em cần tiêm nhắc lại vắc xin này 2 năm/ lần để phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Phòng ngừa
Tiêm phòng vắc xin là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh thương hàn. Tuy nhiên, rất khó để đạt 100% hiệu quả phòng ngừa. Do đó, khuyến cáo mỗi người cần lưu ý các vấn đề sau để giảm nguy cơ mắc bệnh:
- Không nên ăn uống các loại thực phẩm bẩn, không đảm bảo vệ sinh hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
- Ưu tiên ăn những món ăn được chế biến chín kỹ, đun sôi hoặc đồ đóng hộp, đóng gói.
- Không nên ăn các loại thực phẩm sống như rau sống, trái cây không gọt vỏ...
- Không được uống nguồn nước chưa qua xử lý hoặc dùng để nấu ăn. Tốt nhất nên uống nước đóng chai.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân như khăn tắm, bàn chải đánh răng, drap trải giường... với người nhiễm bệnh.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tôi bị sốt cao, đau đầu, mệt mỏi, đau bụng, tiêu chảy, ói mửa... là dấu hiệu của bệnh gì?
2. Nguyên nhân tại sao tôi mắc bệnh thương hàn?
3. Tôi có cần phải làm thêm những xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh?
4. Bệnh sốt thương hàn có nguy hiểm không?
5. Tiên lượng tình trạng bệnh của tôi có nghiêm trọng không?
6. Phương pháp điều trị bệnh thương hàn tốt nhất dành cho trường hợp của tôi?
7. Dùng thuốc kháng sinh điều trị thương hàn có gây tác dụng phụ không?
8. Tôi cần làm gì để chăm sóc sức khỏe hỗ trợ cải thiện bệnh thương hàn?
9. Quá trình điều trị bệnh thương hàn mất bao lâu thì khỏi?
10. Tiêm phòng vắc xin thương hàn sau khi khỏi bệnh có được không?
Thương hàn là căn bệnh nhiễm trùng đường ruột nguy hiểm do tiến triển bệnh nhanh và biến chứng khó lường. Trường hợp bạn đang sống ở những nơi có nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn S.Typhi, hãy chủ động thăm khám định kỳ hoặc khám điều trị càng sớm càng tốt khi phát hiện các dấu hiệu bất thường của bệnh, ngăn ngừa những rủi ro ảnh hưởng khó lường cho sức khỏe về sau.
Có thể bạn quan tâm:
- Viêm phế quản có lây không? Các đường lây nhiễm và phòng ngừa
- Viêm phế quản co thắt là gì? Triệu chứng và cách điều trị
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!