Các bệnh đường tiêu hóa thường gặp và cách xử lý
Các bệnh đường tiêu hóa thường khiến người bệnh gặp không ít rắc rối về vấn đề sức khỏe, đồng thời gây ảnh hưởng đến chất lượng sống. Do đó, nắm vững nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa trị sẽ giúp người bệnh phát hiện và có biện pháp điều trị sớm, ngăn ngừa bệnh chuyển nặng gây biến chứng nguy hiểm.
Các bệnh đường tiêu hóa thường gặp
Thường xuyên đau bụng, đầy hơi hoặc buồn nôn là dấu hiệu của các vấn đề đường tiêu hóa, cần thực hiện chăm sóc y tế. Nguyên nhân có thể bao gồm các bệnh lý đường tiêu hóa như:
1. Viêm dạ dày
Viêm dạ dày là việc viêm niêm mạc dạ dày, chủ yếu do nhiễm vi khuẩn H. pylori gây ra. Các nguyên nhân khác bao gồm sử dụng thuốc chống viêm, uống rượu bia, ăn không đúng giờ giấc… Thường xuất hiện các triệu chứng như:
- Đau bụng, đau có thể xảy ra âm ỉ hoặc đau liên tục
- Buồn nôn hoặc ói mửa
- Ăn không ngon
- Đầy hơi, ợ hơi hoặc ợ nóng
Để kiểm soát và giảm triệu chứng viêm dạ dày, hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây hại như rượu, cà phê, thực phẩm béo, cay nóng… bởi có thể làm bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp điều trị phù hợp. Ví dụ, đối với viêm dạ dày do vi khuẩn H. pylori, điều trị thường kết hợp thuốc ức chế acid và kháng sinh. Nếu đau dạ dày do rượu hoặc thuốc lá, tốt nhất là ngừng tiêu thụ để cải thiện tình trạng viêm.
2. Viêm loét dạ dày
Nếu không kiểm soát kịp thời, viêm dạ dày có thể dẫn đến hình thành vết loét trong niêm mạc dạ dày, thậm chí lan rộng đến thực quản hoặc phần đầu của ruột non, gây viêm loét dạ dày.
Triệu chứng nhận biết thường là cảm giác khó chịu, đau nhức ở bụng hoặc đầy hơi. Bệnh nhân cũng có thể gặp các dấu hiệu khác như sụt cân không rõ nguyên nhân, chán ăn, thường xuyên buồn nôn…
Trong một số trường hợp, vết loét sâu có thể gây chảy máu dẫn đến đi ngoài ra máu hoặc phân sẫm màu. Hầu hết các vết loét có thể chữa lành nếu người bệnh thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt hàng ngày.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nếu bệnh không được điều trị kịp thời, vết loét có thể phát triển rộng và sâu, gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như loét chảy máu, loét thủng dẫn đến mất máu hoặc hình thành mô sẹo, gây khó khăn cho việc tiêu hóa và di chuyển thức ăn trong đại tràng.
Tham khảo thêm: Xuất huyết đường ruột ở người già có nguy hiểm không?
3. Trào ngược dạ dày thực quản
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng acid dạ dày và thức ăn bị đẩy ngược từ dạ dày lên thực quản. Điều này có thể gây kích thích và tổn thương thực quản và phía sau cổ họng. Người mắc bệnh có thể gặp các triệu chứng như:
- Ợ nóng
- Đau ngực
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Khó khăn hoặc đau khi nuốt
- Ho
- Khàn giọng
Trào ngược acid dạ dày thường xảy ra khi cơ thắt thực quản dưới (LES) không hoạt động hiệu quả, mở quá thường xuyên hoặc không đóng chặt để giữ thức ăn bên trong dạ dày. Nguyên nhân có thể là do ăn quá nhiều, áp lực từ quần áo quá chật, béo phì, mang thai, hút thuốc, uống rượu bia…
Bệnh nếu không kiểm soát được, có thể gây biến chứng nghiêm trọng như ung thư thực quản. Để ngăn ngừa, ngoài việc thay đổi lối sống, cần tuân thủ điều trị và tái khám định kỳ theo chỉ đạo của bác sĩ.
4. Hội chứng ruột kích thích (IBS)
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một loại rối loạn tiêu hóa thường gặp, ảnh hưởng khoảng 10 – 20% dân số toàn cầu. Nguyên nhân chính vẫn chưa được rõ ràng, nhưng các y bác sĩ cho biết nhiễm trùng đường tiêu hóa hoặc ngộ độc thực phẩm có thể góp phần.
Căng thẳng và lo lắng cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc IBS và làm triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Triệu chứng thường bao gồm cảm giác không thoải mái hoặc đau ở bụng, bị táo bón hoặc tiêu chảy, đôi khi cả 2 triệu chứng xen kẻ.
Để chẩn đoán bệnh một cách chính xác, bác sĩ thường yêu cầu các xét nghiệm xâm lấn như chụp CT hoặc nội soi, bên cạnh việc đánh giá các triệu chứng lâm sàng, sau đó chỉ định biện pháp điều trị phù hợp với tình trạng phát triển của bệnh.
Mục đích chữa trị là giảm thiểu triệu chứng bệnh, nên phần lớn bệnh nhân không cần dùng thuốc dài hạn. Thay vào đó, họ có thể thay đổi chế độ ăn uống và lối sống hàng ngày, tránh các thực phẩm như sữa, thực phẩm chiên, đường,…
Ngoài ra, việc sử dụng các loại trà thảo dược như trà hoa cúc, trà gừng, trà bạc hà… cũng có thể giúp giảm triệu chứng. Trong trường hợp các biện pháp này không hiệu quả, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giúp cải thiện tình trạng.
5. Táo bón
Táo bón là khi số lần đi tiêu ít hơn 3 lần/tuần, kèm phân cứng hoặc khó chịu khi đi tiêu. Nguyên nhân có thể là do chế độ ăn uống, cũng như các bệnh như tiểu đường, thiếu hormone tuyến giáp, Parkinson… Thuốc như thuốc giảm đau hoặc chống trầm cảm cũng có thể gây táo bón.
Điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống có thể kiểm soát táo bón. Trong trường hợp cần thiết, sử dụng thuốc nhuận tràng theo chỉ định của bác sĩ.
Tham khảo thêm: Bệnh viêm ruột ở trẻ em có nguy hiểm không? Cách điều trị
6. Tiêu chảy mãn tính
Tiêu chảy mãn tính là hiện tượng đi tiêu phân lỏng kéo dài hơn 4 tuần, thường do hội chứng ruột kích thích gây ra. Cũng có thể do ảnh hưởng của một số loại thuốc như thuốc trị tiểu đường, giảm đau, kháng sinh…
Nguyên nhân khác có thể là do bệnh amip, lao, giardia, đặc biệt là ở người không dung nạp lactose. Chẩn đoán thông qua xét nghiệm phân, máu hoặc nội soi dạ dày.
Điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân, nhưng cần duy trì chế độ ăn lành mạnh và uống đủ nước để kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa mất nước.
7. Bệnh viêm ruột – viêm loét đại tràng và Crohn
Bệnh viêm đường ruột (IBD) bao gồm viêm loét đại tràng và bệnh Crohn. Viêm loét đại tràng thường tập trung ở ruột già, trong khi bệnh Crohn có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của đường ruột.
Triệu chứng thường gặp là đại tiện ra máu, tiêu chảy, đau bụng, cùng với sụt cân, mệt mỏi, sốt hoặc suy dinh dưỡng. Bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác như mắt, khớp, gan…
Nguyên nhân gây viêm ruột vẫn chưa được xác định rõ, tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng yếu tố môi trường có thể kích hoạt hệ miễn dịch đường ruột, gây ra sự viêm và loét trong ruột. Người có người thân mắc bệnh viêm ruột có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Để chẩn đoán, bác sĩ thường yêu cầu xét nghiệm máu, phân, chụp MRI, CT, nội soi… Viêm ruột là bệnh mãn tính, không thể chữa trị dứt điểm, nhưng người bệnh có thể kiểm soát triệu chứng thông qua thuốc và cải thiện chế độ ăn uống.
Tham khảo thêm: Xuất huyết tiêu hóa dưới là gì? Cách nhận biết và điều trị
8. Bệnh Celiac
Celiac là bệnh tự miễn nghiêm trọng do ruột non mẫn cảm với gluten, khiến hệ miễn dịch tấn công ruột non.
Bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi đối tượng, có triệu chứng như đầy hơi, thay đổi đại tiện (táo bón hoặc tiêu chảy), phát ban, sụt cân, chậm phát triển ở trẻ em…
Điều trị hiệu quả bệnh Celiac là tuân thủ chế độ ăn không chứa gluten suốt đời. Bệnh nhân cũng có thể sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để giảm triệu chứng.
9. Bệnh trĩ
Bệnh trĩ là hiện tượng các tĩnh mạch ở đệm hậu môn căng cứng và sưng lên, tạo thành búi trĩ, có thể xuất hiện bên trong hoặc bên ngoài hậu môn, đôi khi cả hai.
Triệu chứng thường kèm theo là chảy máu, sưng tấy, nóng rát và đau nhức ở hậu môn. Nguyên nhân gồm ngồi nhiều, thiếu vận động và chế độ ăn uống không cân đối, cũng như sử dụng thuốc hoặc bệnh lý đường tiêu hóa, như táo bón.
Điều trị bệnh bằng kem bôi hoặc thuốc đạn đặt, cũng có thể cần phẫu thuật hoặc điều trị bằng laser để giảm triệu chứng. Để ngăn ngừa tái phát, cần tuân thủ chế độ ăn khoa học và thay đổi lối sống hàng ngày.
10. Ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng thường phổ biến ở những người từ 45 – 75 tuổi, thường phát triển chậm, không gây ra triệu chứng cho đến khi khối u lớn dần. Để dự phòng, các chuyên gia khuyên tầm soát ung thư đại trực tràng nếu có nghi ngờ.
Bệnh thường có các triệu chứng như đau bụng, đại tiện ra máu, giảm cân không rõ nguyên nhân hoặc đau nhức ở hậu môn. Điều trị thường phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh.
Khi đã có kết quả chẩn đoán, bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật cắt bỏ khối u, xạ trị, hóa trị hoặc sử dụng một sự kết hợp của các phương pháp điều trị này.
Trên đây là các bệnh đường tiêu hóa thường gặp và cách xử lý. Việc tìm hiểu và nắm rõ nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị bệnh sẽ giúp người bệnh chủ động hơn trong việc phòng và chữa trị bệnh.
Có thể bạn quan tâm:
- 10 Địa chỉ khám và điều trị tiêu hóa tốt ở TPHCM và Hà Nội
- Khám tiêu hóa gồm những gì? Quy trình thực hiện
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!