Ợ hơi nhiều là dấu hiệu của bệnh gì? Hướng dẫn cách chữa
Ợ hơi nhiều xảy ra khi không khí ứ đọng bên trong cơ quan tiêu hóa. Triệu chứng này có thể là hiện tượng sau khi uống nước ngọt có gas, thu nạp thực phẩm giàu tinh bột, nhai kẹo cao su hoặc ăn quá no. Tuy nhiên việc ợ hơi kéo dài có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý tiềm ẩn.
Ợ hơi nhiều là dấu hiệu của bệnh gì?
Ợ hơi thi thoảng là điều bình thường, nhưng nếu bạn thấy nó xảy ra thường xuyên và gây sự khó chịu, đó có thể là dấu hiệu của nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau, và dễ liên quan đến bệnh tiêu hóa. Lúc này, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để có lời khuyên và hỗ trợ chính xác.
Một số bệnh phổ biến của tình trạng này gồm:
1. Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là hiện tượng acid từ bên trong dạ dày trào ngược lên thực quản và cổ họng. Đây là bệnh lý khá phổ biến ở cơ quan tiêu hóa và có xu hướng xảy ra ở đối tượng ăn uống không điều độ, sử dụng thuốc chống viêm dài hạn, hút thuốc và uống rượu bia.
Khi mắc hội chứng này, lượng dịch vị trong dạ dày sẽ tăng tiết quá mức gây ra triệu chứng ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, khó tiêu, đau cổ họng, vướng khi nuốt…
Tham khảo: Viêm Dạ Dày Là Gì? Nguyên Nhân, Triệu Chứng và Điều Trị
2. Viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày xảy ra khi tế bào niêm mạc bị viêm sưng và loét. Bệnh lý này có thể là biến chứng do hội chứng Zollinger-Ellison, nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori, ăn uống không khoa học, béo phì, hút thuốc lá và nghiện rượu.
Hiện tượng viêm loét ở niêm mạc dạ dày có thể kích thích cơ quan này co bóp và tăng tiết dịch vị. Điều này làm phát sinh triệu chứng đau bụng, ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn và ói mửa.
3. Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích còn được gọi là viêm đại tràng co thắt, viêm đại tràng mãn tính hoặc bệnh đại tràng cơ năng. Bệnh lý hầu như không gây ra tổn thương thực thể nhưng có thể gây đau bụng dữ dội do đại tràng co thắt quá mức.
Hoạt động co thắt này khiến không khí bên trong đường ruột đi ngược lên dạ dày, thực quản và gây ợ hơi liên tục. Ngoài ra, khi mắc bệnh lý này bạn có thể gặp phải một số biểu hiện khác như rối loạn đại tiện, ăn không ngon, người mệt mỏi…
4. Viêm thực quản
Viêm thực quản là tình trạng niêm mạc của thực quản bị viêm do nhiễm trùng, thuốc, dị ứng thực phẩm hoặc do trào ngược acid.
Trong đó viêm thực quản do trào ngược acid có thể khởi phát triệu chứng ợ hơi nhiều và liên tục, đi kèm với biểu hiện đau rát cổ họng và khó khăn khi ăn uống. Trong trường hợp viêm thực quản do những nguyên nhân khác, bệnh ít khi gây ra triệu chứng ợ hơi hoặc ợ nóng.
5. Stress
Stress là hệ quả do căng thẳng thần kinh kéo dài hoặc do cơ thể phải đối mặt với dư chấn tinh thần lớn. Tình trạng này không chỉ gây ảnh hưởng đến tâm lý mà còn tác động đến giấc ngủ và hoạt động tiêu hóa. Những người bị stress thường có hệ tiêu hóa hoạt động kém, dễ bị ợ hơi, ợ chua, đầy bụng và khó tiêu.
Ngoài ra chứng ợ hơi nhiều và liên tục có thể khởi phát do một bệnh lý không được đề cập trong bài viết. Nếu nhận thấy triệu chứng đi kèm với các biểu hiện bất thường, cần chủ động tìm gặp bác sĩ để thực hiện các xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán cần thiết.
Các cách trị chứng ợ hơi liên tục và thường xuyên
Để làm giảm tình trạng ợ hơi liên tục và kéo dài, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:
1. Trà gừng kích thích hoạt động tiêu hóa
Gừng là dược liệu quen thuộc đối với người Việt, được tận dụng để giảm buồn nôn, tăng cường hoạt động tiêu hóa, giảm lạnh bụng và chứng đầy hơi.
Dược liệu này còn có tác dụng sát trùng và kháng khuẩn, giúp ức chế hoạt động của Helicobacter pylori trong dạ dày. Từ đó ngăn chặn hiện tượng viêm loét lan rộng và chứng trào ngược acid thực quản.
Thực hiện:
- Chuẩn bị 250ml nước sôi, sau đó thêm 5 – 7 lát gừng tươi vào
- Hãm trong khoảng 5 phút
- Thêm 1 thìa mật ong hoặc đường phèn vào và khuấy đều
- Uống từng ngụm nhỏ nhằm giảm chứng ợ hơi và khó tiêu
Gừng có đặc tính chống đông máu, vì vậy không áp dụng cách này với người đang bị xuất huyết dạ dày, chảy máu cam, phụ nữ mang thai hoặc bệnh nhân đang dùng Aspirin, thuốc chống đông…
Xem ngay: Vi khuẩn HP là gì, có lây không? Chữa viêm dạ dày Hp
2. Sữa chua bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột
Sữa chua được đánh giá là loại thực phẩm lành mạnh cho hệ tiêu hóa nói chung và đường ruột nói riêng. Ăn sữa chua thường xuyên có thể cân bằng hệ thống vi sinh trong đường ruột, thúc đẩy hoạt động tiêu hóa và giảm rối loạn đại tiện.
Với những người thường xuyên bị ợ hơi, đầy bụng, khó tiêu, việc bổ sung sữa chua sẽ hỗ trợ làm giảm các triệu chứng này.
Bạn nên sử dụng sữa chua 2 lần/ ngày và nên bổ sung sau khi ăn để hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa. Ngoài ra khi ăn sữa chua, có thể thêm trái cây và ngũ cốc để cung cấp vitamin, khoáng chất và năng lượng cho cơ thể.
3. Nước chanh và mật ong
Nước chanh và mật ong là biện pháp giúp làm giảm triệu chứng của các vấn đề tiêu hóa. Nước cốt chanh có khả năng tăng enzyme trong dạ dày, hỗ trợ và rút ngắn thời gian tiêu hóa thức ăn. Trong khi đó mật ong có khả năng làm dịu niêm mạc, bảo vệ tế bào bị tổn thương và ức chế vi khuẩn.
Thực hiện:
- Chuẩn bị 200ml nước ấm
- Cho 2 thìa mật ong vào khuấy đều
- Sau đó vắt ¼ quả chanh vào
- Uống từng ngụm để giảm các triệu chứng
Bạn có thể áp dụng cách này khi triệu chứng vừa khởi phát. Hoặc có thể uống đều đặn vào mỗi buổi sáng để thanh lọc cơ thể và thúc đẩy hoạt động của cơ quan tiêu hóa.
4. Uống trà hoa cúc giúp trung hòa dịch vị
Trà hoa cúc chứa nhiều chất chống oxy hóa có khả năng cải thiện chất lượng giấc ngủ và thúc đẩy hoạt động tiêu hóa. Các nghiên cứu cho thấy, sử dụng trà hoa cúc thường xuyên giúp giảm tiêu chảy, táo bón, chứng ợ hơi và hạn chế hiện tượng viêm loét ở dạ dày tiến triển xấu.
Thực hiện:
- Hãm túi trà với 200ml nước sôi trong khoảng 10 phút
- Có thể thêm ít đường hoặc uống trực tiếp
Có thể uống trà hoa cúc khi các triệu chứng bùng phát hoặc uống trước khi đi ngủ để hạn chế tình trạng trào ngược.
Xem ngay: Thực Phẩm Tốt Cho Người Viêm Dạ Dày – Thức Ăn Tốt Nhất
5. Giảm ợ nóng và ợ hơi với trà bạc hà
Bạc hà có khả năng giảm các triệu chứng do rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, ợ nóng và ợ hơi. Ngoài ra trong những nghiên cứu mới nhất, các chuyên gia cho biết sử dụng trà bạc hà cho những người bị hội chứng ruột kích thích có thể điều hòa nhu động ruột và làm giảm mức độ của các triệu chứng.
Bên cạnh đó, tinh dầu từ bạc hà còn có khả năng sát trùng, giảm hôi miệng và hạn chế buồn nôn sau khi ăn.
Thực hiện:
- Rửa sạch 1 nắm bạc hà và để ráo nước
- Cắt nhỏ lá bạc hà hoặc giã nát
- Sau đó đem hãm với 200ml nước đun sôi trong 5 phút
- Uống trực tiếp hoặc thêm một ít đường
Ngoài những tác dụng nói trên, trà bạc hà còn có khả năng giãn cơ và giảm đau. Vì vậy có thể áp dụng biện pháp này với người bị đau đầu, mỏi xương khớp hoặc bị viêm ở cổ họng.
Thực hiện biện pháp phòng tránh chứng ợ hơi
Để giảm tần suất của triệu chứng ợ hơi dai dẳng, bạn nên hạn chế một số thói quen sau:
- Tránh nằm ngay sau khi ăn. Đồng thời không nên quá no hoặc ăn vào đêm khuya.
- Hạn chế nhai kẹo cao su, sử dụng thực phẩm ngọt, rượu bia và nước ngọt có gas.
- Nên ăn chậm nhai kỹ và chia nhỏ bữa ăn để tránh ứ đọng thức ăn bên trong dạ dày.
- Điều chỉnh cân nặng, cần tránh tình trạng thừa cân – béo phì.
- Vận động thường xuyên có thể tăng chức năng tiêu hóa, loại bỏ khí thừa trong cơ thể và hạn chế trào ngược acid.
- Hạn chế sử dụng ống hút – thói quen này có thể vô tình đưa không khí vào dạ dày và đường ruột.
Khi nào cần tìm gặp bác sĩ?
Khi triệu chứng ợ hơi kéo dài và đi kèm với một số biểu hiện bất thường, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.
Nên tìm gặp bác sĩ khi có các triệu chứng sau:
- Ợ nóng và ợ hơi kéo dài, liên tục
- Đau thượng vị hoặc đau bụng dữ dội
- Ăn uống không ngon miệng, người gầy sút và xanh xao
- Buồn nôn và nôn mửa kéo dài
Sau khi tiếp nhận, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi để chẩn đoán và đưa ra phương án điều trị. Trong trường hợp đã tiến hành điều trị nhưng triệu chứng ợ hơi vẫn tiếp diễn, bạn nên thông báo với bác sĩ để được hướng dẫn chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý.
Tóm lại, qua bài giới thiệu, hy vọng bạn đọc đã hiểu rõ hơn về vấn đề ợ hơi, từ nguyên nhân đến cách phòng tránh và giải pháp điều trị. Đây là thông tin quý giá giúp mỗi người chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe tiêu hóa của mình.
Có thể bạn quan tâm
- Viêm Dạ Dày Có Gây Mệt Mỏi Không? [Bác Sĩ Giải Đáp]
- Viêm Dạ Dày Có Nguy Hiểm Không? Có Dẫn Tới Ung Thư?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!