Bạc hà
Từ lâu, cây bạc hà đã được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, mỹ phẩm. Đặc biệt, thảo dược này còn nổi tiếng là một vị thuốc có nhiều tác dụng quý đối với sức khỏe như chữa khó tiêu, chống cảm cúm, cải thiện các dấu hiệu của hội chứng ruột kích thích…
- Cây bạc hà có nhiều ứng dụng trong đời sống, đặc biệt là trong việc chăm sóc sức khỏe
- Tên gọi khác: Băng hầu úy, liên tiền thảo, bạc hà ngạnh, tô bạc hà
- Tên khoa học: Mentha arvensis Lin
- Họ: Hoa Môi (Lamiaceae)
Tìm hiểu về cây bạc hà
1. Đặc điểm của bạc hà
Bạc hà là một loại cây thân thảo sống lâu năm thuộc họ Hoa Môi, tên khoa học là Mentha arvensis Lin. Cây có thân và cành hình vuông, xốp, dáng thẳng đứng hoặc đôi khi bò lan trên mặt đất. Cây cao nhất có thể phát triển chiều dài từ 50 – 60 cm.
Lá bạc hà mọc đối từng lá đơn, hình bầu dục, đầu nhọn, xung quanh mép lá có hình răng cưa. Khi đưa lên mũi ngửi lá cây bạc hà thường có mùi thơm hắc, vị cay và tê nhẹ.
Cây thường ra hoa và quả từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm. Hoa bạc hà kích thước nhỏ và có thể có nhiều màu sắc khác nhau như màu trắng, hồng, tím hay màu tím hồng. Quả cho 4 hạt.
2. Các loại cây bạc hà
Bạc hà được chia thành nhiều loại khác nhau, được trồng phổ biến nhất là các loại sau:
- Bạc hà Nam: Được trồng ở nội địa nước ta
- Bạc hà Âu: Cây có nguồn gốc từ các nước Trung và Nam Âu.
- Các loại bạc hà di thực: Bạc hà Đài Loan, bạc hà Nhật, bạc hà 974, bạc hà 976…
3. Phân bố, thu hoạch và bào chế
Bạc hà tập trung chủ yếu ở các vùng Âu Á có khí hậu ôn đới. Ở Việt Nam, cây được trồng nhiều ở một số địa phương như Lào Cai, Nghệ An, Lai Châu, Yên Bái…
Cây thường được thu hoạch lúc mới ra hoa vào các tháng 5, 8 hoặc 11. Phần thân và cành chứa lá của cây bạc hà sau khi đem về sẽ được rửa cho sạch đất cát. Sau đó cắt thành từng đoạn ngắn cỡ 2cm và để trong bóng râm cho đến khi khô hoàn toàn.
Bạc hà khô sẽ được cất trong bịch ni lông hoặc đựng trong hộp kín và để nơi khô ráo, thoáng mát dùng dần.
4. Thành phần của bạc hà
Phân tích thành phần của bạc hà, các nhà nghiên cứu ghi nhận được một số chất như:
- 40,7 % methol
- 23,4% methone
- Sodium
- Protein
- 1,8-cineole
- Beta-caryophyllene
- Limonene
- Beta-pinene
- Canxi
- Vitamin A, B6, C, D
- Cobalamin
- Magnesium…
- Bạc hà chứa thành phần chủ yếu là methol
5. Các hình thức sử dụng bạc hà
Lá bạc hà có thể được sử dụng trong chế biến thức ăn hoặc làm trà dưới dạng tươi hoặc phơi khô. Tinh dầu được chiết xuất từ loại thảo dược này còn là thành phần không thể thiếu trong một số sản phẩm dầu thoa, kem đánh răng.
Nó cũng có thể được sản xuất dưới dạng viên nang bọc ruột dùng theo đường miệng.
Tác dụng của lá bạc hà với sức khỏe
Bạc hà được xem như một phương thuốc tự nhiên được sử dụng để cải thiện nhiều vấn đề về sức khỏe như:
1. Trị chứng khó tiêu
Thông tin từ Trung tâm Y tế Đại học Maryland (UMM) cho thấy các hoạt chất trong bạc hà có khả năng xoa dịu cơ bụng và làm tăng tốc độ lưu thông của dịch mật. Điều này cho phép thức ăn được tiêu hóa nhanh hơn, cải thiện các triệu chứng cho người bị khó tiêu.
Tuy nhiên, những người mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản (GERD) được khuyến cáo không nên sử dụng thảo dược này. Nguyên nhân là do bạc hà có thể khiến các cơ thắt thực quản dưới bị kích thích, từ đó đẩy bệnh GERD phát triển trầm trọng hơn.
Cách sử dụng: Lấy 10g lá bạc hạ đem rửa sạch, vò nát và hãm với 500ml nước sôi. Chia uống nhiều lần trong ngày, cứ 2-3 giờ lại uống một lần.
2. Hội chứng ruột kích thích (IBS)
Kết quả của một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Y học Anh vào năm 2008 cho thấy, bạc hà đem lại những lợi ích tương tự như một loại thuốc chống co thắt thường được sử dụng trong điều trị hội chứng ruột kích thích.
Theo đó, việc sử dụng bạc hà dưới nhiều hình thức khác nhau có thể giúp làm giảm các dấu hiệu của IBS, bao gồm: Đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy…
3. Bạc hà làm dịu kích ứng, giảm nổi mẩn đỏ ngứa trên da
Tình dầu chiết xuất từ bạc hà được sử dụng rộng rãi để làm dịu kích ứng và khắc phục tình trạng nổi mẩn đỏ ngứa trên da. Tuy nhiên bạn cần pha loãng nó với một số loại tinh dầu nền như dầu dừa hay dầu ô liu trước khi bôi lên da. Cứ 29,57 ml dầu nền đem pha với 3-5 giọt tinh dầu bạc hà.
Trước khi áp dụng trên diện rộng, hãy thoa một ít tinh dầu ra cổ tay để chắc chắn rằng bạn không bị dị ứng với tinh dầu bạc hà.
4. Chữa cảm lạnh, cảm cúm
Cây bạc hà có tác dụng làm co các màng sưng trong mũi, qua đó cải thiện các triệu chứng nghẹt mũi, khó thở do cảm lạnh, cảm cúm gây ra.
Bên cạnh đó, methol – thành phần hóa học chính của lá bạc hà còn giúp kháng khuẩn, làm lỏng dịch nhầy trong phổi, giảm ho.
- Hít tinh dầu bạc hà giúp giảm nghẹt mũi, khó thở
Để đẩy lùi các triệu chứng khó chịu, bạn có thể sử dụng bạc lấy 20g toàn cây bạc hà nấu nước xông với lá chanh, lá bưởi, lá tre, sả, hương nhu, cúc tần, mỗi thứ 30g và 3 nhánh tỏi đập giập.hà theo các hình thức sau:
- Hít trực tiếp tinh dầu bạc hà bằng mũi
- Lấy cây bạc hà đem nấu chung với một số nguyên liệu khác như sả, lá bưởi, cây kinh giới hay hương nhu…để xông hơi.
- Hái 3 nhánh bạc hà tươi giã nát pha với 100ml nước chanh đường, thưởng thức khi nước còn ấm.
5. Vị thuốc bạc hà giúp phòng ngừa loét dạ dày
Tiến hành thử nghiệm trên động vật, các nhà khoa học nhận thấy hoạt chất menthol được chiết xuất từ lá bạc hà có khả năng bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi tác hại của indomethacin và ethanol. Do vậy những người thường xuyên uống bia rượu hoặc đang được điều trị bằng thuốc giảm đau được khuyến khích sử dụng bạc hà để ngăn ngừa bệnh viêm loét dạ dày.
6. Giảm căng thẳng, đau đầu
Một số bằng chứng cho thấy dầu bạc hà có tác dụng giảm đau tương tự như các thuốc Tylenol hoặc Paracetamol. Nó giúp làm giảm triệu chứng đau đầu do stress khi được thoa lên trán kết hợp với massage.
Bên cạnh đó, bạn có thể đưa lọ tinh dầu bạc hà lại gần mũi và hít thật sâu để xoa dịu thần kinh.
7. Bảo vệ sức khỏe răng miệng với dầu bạc hà
Đây cũng là một trong những tác dụng của lá bạc hà cần được đề cập đến. Không phải ngẫu nhiên mà chiết xuất từ thảo dược này được sử dụng trong nhiều loại kem đánh răng và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe răng miệng.
Nhờ có đặc tính kháng nấm, diệt khuẩn mà bạc hà có thể hữu ích cho người bị sâu răng, hôi miệng, nhiễm trùng nướu…
Cách sử dụng: Pha 2 -3 giọt tinh dầu vào trong ly nước ấm. Dùng nước này súc miệng mỗi ngày từ 2 đến 3 lần.
8. Giảm buồn nôn và nôn sau hóa trị ung thư
Buồn nôn và ói mửa là một trong những tác dụng phụ mà hầu hết bệnh nhân được hóa trị phải đối mặt. Một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Ecancermedicalscience cho thấy việc hít tinh dầu bạc hà có thể giúp người bệnh giảm bớt triệu chứng khó chịu này.
- Bạc hà giúp giảm buồn nôn do tác dụng phụ của hóa trị
9. Cây bạc hà thúc đẩy chữa lành vết thương
Tình dầu trong vị thuốc bạc hà đã được chứng minh là có tác dụng chống lại 4 chủng vi khuẩn khác nhau, trong đó có một loại đã kháng lại kháng sinh. Ngoài ra, nó còn kích thích các nguyên bào sợi phát triển thúc đẩy tổn thương nhanh được chữa lành.
10. Ngăn ngừa hội chứng buồng chứng đa nang
Dầu cây bạc hà có thể giúp cân bằng nội tiết tố trong cơ thể. Điều này thật sự hữu ích trong việc chống lại sự phát triển của hội chứng buồng chứng đa nang cùng nhiều vấn đề khác về sức khỏe có liên quan đến thay đổi nội tiết.
11. Tăng cường khả năng miễn dịch
Với đặc tính kháng khuẩn, chống nấm, tiêu diệt virut gây bệnh sẵn có, bạc hà giúp nâng cao hệ miễn dịch của cơ, tăng sức đề kháng của cơ thể trước các tác nhân gây bệnh.
Nếu bạn đang có vấn đề với hệ miễn dịch, hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng dầu bạc hà hay viên nang chứa chiết xuất bạc hà để cải thiện sức khỏe.
12. Giảm khó chịu khi cho con bú
Phụ nữ đang cho con bú thường than phiền về chứng nứt nẻ và đau ở núm vú. Nghiên cứu cho thấy việc thoa một chút tinh dầu lên vùng da bị ảnh hưởng có thể giúp cải thiện tình trạng này.
Tuy nhiên khi áp dụng, nên lau sạch ngực trước khi cho con bú trở lại. Đồng thời tránh thoa quá nhiều lần vì nó có thể làm giảm tiết sữa.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng vị thuốc bạc hà
1. Thận trọng khi dùng
Những tác dụng của lá bạc hà dù rất hữu ích nhưng không phải trường hợp nào cũng có thể dùng được vị thuốc này. Bất cứ ai cũng nên nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng nó để cải thiện sức khỏe, dù dùng theo đường miệng hay điều trị tại chỗ.
Việc thoa tinh dầu cây bạc hà nguyên chất có thể gây kích ứng da. Bạn cần pha loãng nó với dầu nền trước khi sử dụng, đặc biệt là khi bôi lên mặt.
Không áp dụng tinh dầu bạc hà trên những khu vực da đang bị lở loét, trầy xước. Cẩn thận tránh để tinh dầu dính vào mắt.
Mỗi ngày bạn không nên thoa hay hít tinh dầu cây bạc hà quá 3 – 4 lần để tránh nguy cơ bị sung huyết da, khô niêm mạc đường thở.
Ngưng sử dụng vị thuốc bạc hà và các chế phẩm của nó khi các triệu chứng đã được cải thiện. Tránh dùng liên tục trong thời gian dài.
- Dùng tinh dầu bạc hà không đúng cách có thể gây phản tác dụng
Đặc biệt, không sử dụng bạc hà cho những trường hợp sau:
- Trẻ em
- Bệnh nhân tiểu đường
- Phụ nữ mang thai
- Bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản
- Người bị sốt do âm hư
- Người đang bị suy nhược
- Táo bón kéo dài
- Huyết áp cao
- Người mắc các bệnh lý về tim mạch
2. Tác dụng phụ của cây bạc hà
Vị thuốc bạc hà có thể biến thành con dao hai lưỡi nếu bạn sử dụng không đúng cách. Một số tác dụng phụ của bạc hà đã được ghi nhận như:
- Dị ứng da
- Nổi phát ban trên da
- Co giật
- Ợ nóng
- Làm chậm nhịp tim
- Hạ đường huyết
- Ngộ độc do dùng quá liều
3. Tương tác thuốc
Cây bạc hà có thể tương tác với một số loại thuốc tân dược, vitamin hay các loại thảo dược khác. Bạn nên thận trọng hỏi ý kiến bác sĩ nếu có ý định sử dụng trong thời gian đang điều trị bằng các thuốc sau:
- Thuốc chống thải ghép Cyclosporine dùng cho bệnh nhân sau cấy ghép nội tạng
- Thuốc giảm axit dạ dày, chẳng hạn như Pepcid, Zantac
- Thuốc hạ đường huyết dùng trong điều trị tiểu đường
- Các thuốc có thể phân hủy và chuyển hóa ở gan, ví dụ như Omeprazole, Lansoprazole hay Carisoprodol …
Trên đây là một số thông tin về cây bạc hà và tác dụng chữa bệnh của vị thuốc này. Hy vọng chúng sẽ mang lại những lợi ích thiết thực trong việc chăm sóc sức khỏe của bạn.
Có thể bạn quan tâm:
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!