Ngô thù du
Phần quả của cây ngô thù du được sử dụng rất phổ biến để làm vị thuốc chữa bệnh. Dược liệu này thường có mặt trong các bài thuốc chữa nôn nghịch, miệng lở răng đau, thấp thủy, cước khí, sán khí…
- Tên gọi khác: Ngô vu, thù du, ngô thù.
- Tên khoa học: Evodia rutaecarpa (Juss) Benth.
- Họ: Cam (Rutaceae).
Mô tả dược liệu
1. Đặc điểm thực vật
Cây ngô thù du cao khoảng từ 2,5 đến 5m. Cành cây có màu nâu hoặc nâu tím, khi còn non sẽ có lông mềm dài bao phủ bên ngoài. Tuy nhiên khi già thì lông sẽ rụng đi và trên mặt cành lúc này sẽ có nhiều bì khổng.
Lá mọc đối, cả phần cuống và lá dài khoảng 15 – 35cm, 2 – 5 đôi lá chét có cuống ngắn. Cả trên cuống lá và cuống lá chét đều có lông mềm. Lá chét dài khoảng 5 – 15cm, rộng khoảng 2,5 – 5cm có phần đầu nhọn, dài và mép nguyên. Cả 2 mặt đều có lông màu nâu mịn nhưng mặt dưới có nhiều hơn. Khi soi lá lên ánh sáng sẽ nhìn thấy những điểm tinh dầu.
Hoa của ngô thù du là hoa đơn tính khác gốc, phần đa những hoa nhỏ sẽ tụ thành từng tán hoặc từng chùm. Cuống hoa to thô có chứa nhiều lông với màu nâu mềm. Hoa có màu vàng trắng, hoa cái sẽ lớn hơn hoa đực. Mùa hoa vào khoảng từ tháng 6 – 8.
Quả có hình cầu dẹt dài khoảng 3mm, trên mặt quả có những điểm tinh dầu. Mỗi ô quả sẽ có 1 hình trứng dài khoảng 5 – 6mm và đường kính độ 4mm màu đen bóng. Mùa quả vào tháng 9 – 10.
2. Bộ phận dùng
Quả ngô thù du chín phơi khô chính là phần dùng để làm vị thuốc.
3. Phân bố
Loại dược liệu này được phát hiện nhiều ở Trung Quốc, nhất là ở các tỉnh Vân Nam, Quảng Đông và Quảng Tây. Ở nước ta, dược liệu có thể được tìm thấy tại các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng.
4. Thu hái và sơ chế
Thu hái: Ngô thù du thường được thu hoạch vào khoảng từ tháng 8 – 11, khi mà quả còn chưa nứt. Tiến hành cắt cành có quả rồi phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp ở vào khoảng 40 – 50°C. Tiếp đến loại bỏ phần cành, lá, cuống quả cùng nhưng tạp chất khác.
Về cách sơ chế: Dùng khoảng 6kg cam thảo cho việc chế 100kg ngô thù. Cam thảo tiến hành giã hoặc tán thô và sắc với đồng lượng nước sau đó lọc bỏ phần bã đi. Cho ngô thù sạch vào dụng cụ có nắp rồi trộn với nước sắc cam thảo. Tiếp đến ủ cho thấm hết rồi sao se và lấy ra phơi khô.
Hướng dẫn một số cách bào chế dược liệu:
- Theo Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải: Tiến hành nấu nước sôi tẩy khoảng 7 lần để lại vị đắng nồng.
- Theo Trung Dược Đại Từ Điển: Sử dụng cam thảo sắc lấy nước rồi bỏ bã và cho Ngô thù vào tẩm. Sau đó tiến hành sao khô (Sử dụng 6 cân 4 lạng cam thảo cho 100 cân ngô thù).
- Theo Phương Pháp Bào Chế Đông Dược: Sử dụng nước đun sôi để ấm khoảng từ 60 – 70°C đổ trực tiếp vào ngô thù rồi nhẹ nhàng khuấy cho đến khi nguội. Sau đó bỏ phần nước nguội đi và làm lại thao tác trên khoảng từ 2 – 3 lần rồi sấy khô và giã dập.
5. Bảo quản
Đối với dược liệu đã qua sơ chế cần bảo quản ở trong túi kín hoặc bình có nắp đậy và để nơi khô thoáng, tránh mốc mọt.
6. Thành phần hóa học
Một số thành phần được tìm thấy trong dược liệu ngô thù du bao gồm:
- Evoden
- Gushuynic acid
- Evodiamine
- Rutaecarpine
- Evodin
- Evodol
- Hydroxyevodiamine
- Isoevodiamine
- Evodione
- Wuchuyine
- Evocarpine
- Rutaevin
Ngoài các thành phần hóa học được đề cập trên đây thì loại dược liệu này còn chứ trên 0,4% tinh dầu. Và trong tinh dầu có Evoden C11H16, Oximen O10H10, Obakulacton C26H30O8, 3 alcaloid cùng nhiều chất khác.
Vị thuốc ngô thù du
1. Tính vị
Theo ghi chép của các tài liệu Đông y thì dược liệu này có vị đắng, tính ôn và hơi có độc tính.
2. Quy kinh
Được quy vào 4 kinh là thận, tỳ, vị và can.
3. Tác dụng dược lý
Theo Y học cổ truyền:
- Tác dụng: Ôn trung chỉ tả, sơ can hạ khí, táo thấp chỉ thống, tán hàn hành khí. Nếu dùng ngoài vị thuốc này còn có tác dụng dẫn hỏa đi xuống.
- Chủ trị: Cao huyết áp, ợ chua, nôn, kiết lỵ, thượng vị đau chướng, hàn sán đau bụng, quyết ấm đầu thống, cảm lạnh, lưng chân mềm yếu. Dùng tại chỗ khi bị thủy đậu, loét miệng lưỡi hay đau răng.
Theo Y học hiện đại:
- Tinh dầu thơm có trong dược liệu này mang đến tác dụng kiện vị trừ phong, đồng thời ức chế hoạt động các loại men bất thường. Từ đó giúp cầm nôn, thường có tác dụng mạnh hơn khi sử dụng đồng thời với sinh khương.
- Tác dụng giảm đau của ngô thù du được phân tích là tương đương với Antipyrine.
- Dược liệu này còn có tác dụng giãn mạch ngoại vi, đồng thời làm giảm lực cản của mạch ngoại vi cũng như phóng hitamin. Nhờ đó mang đến tác dụng hạ huyết áp rất tốt.
- Tác dụng đối với cơ trơn: Thành phần Rutamine được chế từ Rutaecarpine có trong dược liệu này có tác dụng kích thích sự co thắt ở tử cung.
- Thuốc sắc từ ngô thù du mang đến tác dụng lợi tiểu. Đồng thời dùng thuốc sắc còn giúp ức chế hoạt động của tụ cầu khuẩn, trực khuẩn mủ xanh, nấm ngoài da hay một số ký sinh trùng. Ngoài ra còn có tác dụng hạ nhiệt nhẹ khi dùng thuốc sắc.
4. Cách dùng – liều lượng
Dược liệu có thể dùng ở dạng bột hay thuốc sắc. Về liệu lượng, đối với dạng bột chỉ khoảng từ 1 – 3g, còn đối với thuốc sắc là từ 4 – 6g. Tùy thuộc vào mục đích sử dụng cũng như bài thuốc mà sẽ có cách dùng phù hợp với từng trường hợp nhất định.
Các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu ngô thù du
Sau đây là một số thông tin chi tiết về một số bài thuốc có sử dụng dược liệu ngô thù du:
1. Bài thuốc trị nôn do vị hàn khí nghịch
- Bài thuốc 1: Cần chuẩn bị ngô thù du và đem tán thành bột mịn. Mỗi lần buồn nôn lấy ra khoảng 2 – 4g dược liệu pha với 150ml nước sôi ấm và uống trực tiếp.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị ngô thù và gừng nướng với hàm lượng tương tự nhau rồi đem tán bột và trộn đều. Mỗi lần uống khoảng từ 3 – 5g chung với nước sôi ấm. Bài thuốc này phù hợp khi bị nôn kèm theo ợ chua và đau bụng.
- Bài thuốc 3: Cần có 5g ngô thù, 20g gừng tươi, 10g đại táo, 10g đẳng sâm. Tất cả dược liệu cho vào ấm và sắc chung với 500ml nước trên lửa nhỏ. Khi lượng nước còn khoảng 200ml là được. Chắt bỏ bã và uống nước thuốc khi còn ấm nóng. Bài thuốc này còn có thể đáp ứng với các chứng đai do hàn.
2. Bài thuốc chữa viêm dạ dày mạn tính, đau bụng đi kèm đau sườn ngực, nôn hay ợ chua
- Chuẩn bị: 1 phần ngô thù du (ngâm nước muối) cùng với 6 phần hoàng liên (tẩm nước gừng rồi sao lên).
- Thực hiện: Các dược liệu đã chuẩn bị đem sấy khô hoàn toàn rồi tán thành bột mịn và trộn thật đều. Mỗi lần chỉ uống tối đa 3 – 6g với nước sôi ấm.
3. Bài thuốc trị đau bụng quặn từng cơn
- Chuẩn bị: 4g ngô thù, 10g xuyên luyện tử, 5g mộc hương, 3g tiểu hồi.
- Thực hiện: Các nguyên liệu trên cho vào ấm sắc cùng với khoảng nửa lít nước đến khi lượng nước còn phân nửa thì ngưng. Uống trực tiếp phần nước khi còn ấm, phần bã bỏ đi.
4. Bài thuốc hỗ trợ chức năng tiêu hóa
- Chuẩn bị: 2g ngô thù du, 1g hoàng liên và 2g mộc hương.
- Thực hiện: Dược liệu trên đem tán thành bột mịn rồi trộn đều. Chia làm 3 lần uống trong ngày. Pha với khoảng 100ml nước sôi ấm và uống trực tiếp.
5. Bài thuốc chữa hạ bộ chảy nước gây ngứa
- Chuẩn bị: Ngô thù du với liều lượng không giới hạn.
- Thực hiện: Đem sắc dược liệu chung với nước rồi chờ nước ấm để rửa hạ bộ. Nên thực hiện đều đặn mỗi ngày, thời điểm thích hợp nhất là trước khi đi ngủ.
6. Bài thuốc chữa nhức răng
- Chuẩn bị: Khoảng 100g ngô thù cùng với 1 lít rượu trắng.
- Thực hiện: Cho dược liệu vào bình thủy tinh rồi đổ rượu lên và đậy kín nắp bình lại. Ngâm ở nơi thoáng mát trong một tuần. Mỗi lần dùng lấy khoảng 30ml để ngậm một lúc sau đó súc miệng và nhổ đi.
7. Bài thuốc trị loét miệng
- Chuẩn bị: Ngô thù du và 1 ít giấm.
- Thực hiện: Dược liệu đem tán thành bột mịn rồi trộn với lượng giấm vừa đủ để làm thành hồ. Cho hỗn hợp thuốc vào miếng vải rồi bó vào huyệt dũng tuyền và vùng 1/3 phía trước lòng bàn chân. Bó liên tục trong 24 giờ thì tháo ra.
8. Bài thuốc trị chàm
- Chuẩn bị: 40g ngô thù du (ở dạng đã sao lên), 30g mai mực, 8g lưu hoàng.
- Thực hiện: Tất cả các dược liệu đã chuẩn bị đem tán thành bột mịn. Đối với trường hợp chàm ướt thì sẽ dùng bột khô để bôi. Tuy nhiên, nếu bị chàm khô thì cần trộn bột thuốc với dầu mù u hay bột thầu dầu để bôi lên vết chàm 2 ngày/lần. Khi đã bôi xong cần dùng 1 miếng vải mỏng để băng lại.
9. Bài thuốc chữa đau bụng kinh
- Chuẩn bị: 12g ngô thù du, 12g đẳng sâm, 8g quế chi, 8g gừng, 8g a giao, 8g bán hạ chế, 8g chích cam thảo, 8g xuyên khung, 8g đan bì, 8g đương quy, 8g mạch môn, 8g bạch thược.
- Thực hiện: Các vị thuốc đem cho hết vào ấm rồi sắc chung với nước và uống như nước lọc hằng ngày. Chú ý mỗi ngày chỉ sắc uống 1 thang thuốc duy nhất.
10. Bài thuốc chữa chậm kinh
- Chuẩn bị: 8g ngô thù du, 8g thạch xương bồ, 8g trần bì, 8g đương quy, 8g xuyên khung, 8g bạch thược, 12g thục địa, 12g ngải cứu, 16g đẳng sâm.
- Thực hiện: Các nguyên liệu đã chuẩn bị đem sắc trên lửa nhỏ với 1 lít nước trong khoảng 10 phút. Chia làm nhiều lần uống khi thuốc còn ấm nóng. Mỗi ngày chỉ dùng 1 thang thuốc duy nhất.
Những lưu ý khi sử dụng ngô thù du để chữa bệnh
Tránh dùng dược liệu ngô thù du với liều lượng cao bởi có thể gây kích thích thần kinh trung ương. Làm phát sinh các triệu chứng như rối loạn thị giác hoặc hoang tưởng. Ngoài ra, những người bị âm hư nhưng có triệu chứng nhiệt cũng cần tránh sử dụng loại dược liệu này.
Trên đây là những thông tin mang tính tham khảo mà bài viết tổng hợp về dược liệu ngô thù du. Để đảm bảo sự an toàn cho sức khỏe, trước khi áp dụng bất cứ bài thuốc nào nên tham khảo thật kỹ với thầy thuốc.
Có thể bạn quan tâm:
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!