Bệnh Ho
Đặt lịch ngayHo là phản ứng tự nhiên của cơ thể, nhưng ho quá nhiều có thể là dấu hiệu của cảm cúm, cảm lạnh hoặc nghiêm trọng hơn là cảnh báo các bệnh lý về hô hấp, tim mạch, tiêu hóa... Hầu hết các trường hợp bị ho không quá nguy hiểm và có thể thuyên giảm khi được chăm sóc kỹ lưỡng hoặc điều trị y tế phù hợp.
Tổng quan
Ho là cơ chế sinh lý của cơ thể giúp tống các dị vật ra khỏi đường hô hấp. Được thực hiện bằng cách kích thích cho phổi đẩy không khí ra ngoài với áp lực lớn và tốc độ cao.
Tuy ho là phản xạ tự nhiên có lợi cho cơ thể, nhưng lại gây ra cảm giác mệt mỏi, khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và cản trở sinh hoạt, đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Ho dưới 3 tuần gọi là ho cấp, 3 - 8 tuần là ho bán cấp và trên 8 tuần là ho mạn tính.
Phân loại
Ho được phân chia làm 5 loại gồm:
- Ho cấp tính: Cơn ho cấp thường xảy ra đột ngột do hít phải các chất kích thích. Hoặc xảy ra do ảnh hưởng từ bệnh viêm xoang, viêm họng, viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm khuẩn, viêm thanh quản, tràn dịch màng phổi. Một số ít trường hợp liên quan đến dị ứng tai mũi họng hoặc hen suyễn.
- Ho từng cơn: Thường là ho gà, với đặc điểm ho nhiều lần, thành từng cơn trong thời gian ngắn. Người bệnh ho kéo dài 1 cơn, sau đó lấy hơi và ho tiếp. Những cơn ho như vậy làm tăng áp lực lên lồng ngực và gây ứ huyết tĩnh mạch chủ trên. Biểu hiện với các triệu chứng như phồng tĩnh mạch cổ, đỏ mặt, ho đến đỏ mặt, chảy nước mắt, kích thích nôn mửa, kèm theo đau lưng, tức bụng do các cơ hô hấp bị co thắt liên tục.
- Ho khan: Là cơn ho nhưng không ra đờm, ho nhiều, liên tục. Ho khan có thể là biểu hiện của bệnh viêm tai, viêm thanh quan, viêm xương chũm phế quản hoặc ung thư phế quản. Ngoài ra, ho khan kéo dài cũng có thể xảy ra do nghiện thuốc lá nhiều năm, sử dụng các chất kích thích khác...
- Ho có đờm: Là tình trạng ho kèm theo dịch đờm, kèm theo cảm giác khó thở, nghẹt thở và mệt lả sau khi ho. Mức độ ho tăng nặng hơn khi nói chuyện hoặc đi bộ. Ho có đờm có liên quan đến bệnh viêm phế quản mạn tính hoặc là dấu hiệu của viêm mũi, viêm họng, viêm xoang...
- Ho ra máu: Có nhiều cấp độ từ nhẹ đến nặng và là dấu hiệu của rất nhiều bệnh lý khác nhau như viêm phổi, ung thư phổi, bệnh lao... Triệu chứng ho ra máu thường xảy ra đột ngột khi hoạt động mạnh hoặc ngay cả khi đang khỏe mạnh. Một số trường hợp còn kèm theo lẫn đờm, sụt cân, sốt...
=> XEM THÊM: Ho ra máu - Lao, Ung thư hay bị bệnh gì?
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Đường hô hấp bị kích thích bởi các yếu tố dị nguyên và gây ho. Có nhiều nguyên nhân làm kích hoạt cơ chế này như:
Nguyên nhân
- Virus: Cơ thể sẽ kích hoạt cơn ho để loại bỏ virus khỏi phổi. Lúc này, ho là triệu chứng của cảm cúm, cảm lạnh.
- Các chất kích thích: Tiếp xúc với các chất kích thích như nước hoa, khói thuốc lá, phấn hoa, bụi bặm, không khí lạnh... gây dị ứng đường hô hấp và dẫn đến phản ứng ho.
- Hen suyễn: Bệnh lý này liên quan đến yếu tố dị ứng, phổi sẽ kích thích cơn ho liên tục để loại bỏ chất kích ứng ra khỏi cơ thể. Ho do hen suyễn thường sẽ dữ dội và kéo dài.
- Các tác nhân khác: Ho xảy ra do các bệnh lý như trầm cảm, viêm phổi, hội chứng ngưng thở khi ngủ, trào ngược dạ dày thực quản (GERD), bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), hội chứng chảy dịch mũi sau...
Yếu tố nguy cơ
- Thói quen nghiện thuốc lá;
- Người có tiền sử mắc các bệnh lý mãn tính như viêm phế quản, hen suyễn;
- Tác dụng phụ của nhóm thuốc ức chế men chuyển (ACE)...
Triệu chứng và chẩn đoán
Tùy theo từng bệnh lý cụ thể mà cơn ho được biểu hiện với mức độ khác nhau. Các triệu chứng thường đi kèm theo ho đó là:
- Nghẹt mũi, sổ mũi, khó thở
- Sốt cao, ớn lạnh
- Buồn nôn, ói mửa
- Viêm họng, đau rát họng
- Đau mỏi toàn thân
- Vã mồ hôi vào ban đêm
Các triệu chứng nghiêm trọng khác:
- Ho kéo dài liên tục không thuyên giảm và kéo dài trên 7 ngày...
- Cả người mệt lả, hoa mắt, chóng mặt hoặc nhất xỉu sau khi ho;
- Có cảm giác tức ngực, khó thở, thở gấp; sốt cao;
Dựa vào những thông tin về triệu chứng mà người bệnh cung cấp, bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ho. Đồng thời, bác sĩ sẽ đặt ra một số câu hỏi về triệu chứng kèm theo, thời gian phát ho, mức độ ho nặng hay nhẹ, nhiều hay ít...
Trong một số trường hợp, bệnh nhân cũng sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cần thiết như đo chức năng hô hấp, đo nồng độ oxy máu, chụp X quang, chụp CT ngực, nội soi phế quản kết hợp sinh thiết, xét nghiệm dịch đờm AFB... để đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác.
Điều trị
Mục tiêu điều trị ho là ức chế phản xạ ho hoặc điều trị nguyên nhân gây ho tùy theo từng trường hợp bệnh.
Hầu hết các trường hợp ho cấp tính nên được điều trị theo kinh nghiệm tại nhà, uống nước ấm mật ong, súc họng nước muối và cải thiện triệu chứng bằng thuốc.
Thuốc trị ho được chỉ định áp dụng cho những bệnh nhân ho dai dẳng, mãn tính hoặc do yếu tố tâm lý, có biến chứng tổn thương niêm mạc phế quản trong thời gian dài nhằm chặn tiến triển bệnh.
Một số thuốc thường dùng như:
- Thuốc giảm ho: có tác dụng ức chế phản xạ ho bằng dextromethorphan và codein. Hoặc thuốc gây tê các thụ thể trên bề mặt sợi thần kinh trong phế nang, phế quản, điển hình là benzonatat. Liều dùng khuyến cáo như sau:
- Dextromethorphan: liều 15 - 30mg, uống 1 - 4 lần/ ngày đối với người lớn và 0.25mg/kg x 4 lần/ ngày đối với trẻ em;
- Codein: uống 10 - 20mg/ lần , cách 4 - 6 giờ đối với người lớn, 0.25 - 0.5mg/kg x 4 lần/ ngày đối với trẻ em;
- Benzonatat: dùng dưới dạng viên uống, liều 100 - 200mg, uống 3 lần/ ngày;
- Thuốc long đờm: có tác dụng làm giảm độ đặc của dịch đờm, giúp bệnh nhân dễ dàng khạc tống đờm ra khỏi cơ thể, hỗ trợ giảm ho hiệu quả. Các loại dùng phổ biến như:
- Guaifenesin dạng viên uống hoặc siro: liều 200 - 400mg x 4 lần/ ngày;
- Các loại khác như thuốc long đờm dạng khí dung N-acetylcystein, DNase, dung dịch muối ưu trương... cũng được chỉ định sử dụng để trị ho với liều lượng phù hợp.
- Thuốc kích thích cơn ho: tên tiếng Anh là Protussives, dành cho những trường hợp ho có đờm do giãn phế quản hoặc bệnh xơ nang. Thuốc có tác dụng kích thích cơn ho để tống đờm ra khỏi đường hô hấp, làm sạch đường thở, duy trì chức năng phổi ổn định.
- Thuốc làm giãn phế quản: dùng cho các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc hen phế quản. Điển hình như ipratropium, albuterol hoặc thuốc corticosteroid dạng hít...
Phòng ngừa
- Giữ ấm đường hô hấp, che chắn mũi, họng bằng khăn quàng cổ, khẩu trang, ăn uống đồ ấm, nóng.
- Nói không với các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá...
- Ăn uống đủ chất, ưu tiên các loại thực phẩm lành mạnh, tăng cường sức đề kháng.
- Giữ vệ sinh răng miệng, đánh răng và súc miệng nước muối sinh lý mỗi ngày.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn, dùng dung dịch cồn xịt khuẩn sau khi tiếp xúc các đồ vật công cộng hoặc đến nơi đông người.
- Bảo vệ cơ thể, tránh để mắc các bệnh về tai mũi họng, dị ứng hoặc trào ngược dạ dày...
- Tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho trẻ, kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần để phát hiện sớm các bất thường, có hướng xử lý kịp thời.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Đầu tiên mô tả triệu chứng cho bác sĩ và hỏi về nguyên nhân gây bệnh?
2. Tôi có cần phải làm thêm xét nghiệm nào để phục vụ công tác chẩn đoán không?
3. Bệnh của tôi có nặng không? Tiên lượng về tình trạng bệnh của tôi?
4. Phác đồ điều trị bệnh ho tốt nhất cho trường hợp bệnh của tôi?
5. Nếu dùng thuốc Tây phải dùng loại nào?
6. Thuốc có tác dụng phụ hay không và cách xử lý?
7. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không chữa trị bệnh?
8. Tôi cần làm gì và tránh gì trong quá trình điều trị bệnh?
9. Sau một thời gian điều trị nhưng bệnh không thuyên giảm tôi phải làm sao?
10. Có cần phải tái khám hay không?
Ho là là phản ứng tự nhiên của cơ thể nhưng lại là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý khác nhau về đường hô hấp, tiêu hóa, tim mạch... Người bệnh bắt buộc phải thăm khám để được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt để ngăn ngừa các biến chứng, rủi ro khó lường cho sức khỏe.
Xem thêm:
- 9 loại cây trị ho hiệu quả và dễ kiếm quanh nhà
- 7 bài thuốc trị ho lâu ngày không khỏi hiệu nghiệm
Bình luận (1)
Bác sĩ ơi!con bị ho hơn nữa tháng và ói nữa ạ