Bệnh Ho gà
Ho gà là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp với khả năng lây lan nhanh chóng. Trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh ho gà, gây ho dai dẳng, kéo dài từng đợt và kèm theo dấu hiệu khó thở nghiêm trọng. Bệnh lý này thường kéo dài vài tuần đến vài tháng tùy theo mức độ đáp ứng điều trị với kháng sinh. Ho gà có thể được phòng ngừa bằng vắc xin.
Tổng quan
Ho gà (Whooping Cough) là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính có khả năng lây lan. Vi khuẩn Bordetella pertussis là nguyên nhân chính gây ho gà. Bệnh đặc trưng với những đợt ho liên tiếp và kéo dài, trẻ gần như rũ rượi sau khi ho xong, thậm chí gây khó thở.
Bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ em, nhất là những trẻ dưới 12 tháng tuổi do chưa tiêm đủ liều vắc xin. Ngoài ra, người trưởng thành, người già bị suy giảm hoặc mất khả năng miễn dịch cũng có thể mắc bệnh ho gà.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, trung bình có khoảng 30 - 50 triệu ca mắc ho gà hàng năm. Trong đó, tỷ lệ tử vong khoảng 300.000 ca do liên quan đến biến chứng suy hô hấp, ngừng thở khi ho nhưng không được cấp cứu kịp thời.
Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh ho gà đang ngày càng giảm xuống nhờ sự ra đời của vắc xin, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và giảm tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Vi khuẩn Bordetella pertussis là nguyên nhân gây bệnh ho gà. Chúng có khả năng lây lan rất mạnh, thông qua tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp hoặc chạm vào các bề mặt chứa dịch tiết nhiễm trùng. Theo thống kê, sau khi phơi nhiễm với giọt bắn dịch tiết vào không khí do bệnh nhân phóng thích ra, bệnh có thể lây cho ít nhất 12 - 17 người.
Cơ chế bệnh sinh như sau: Vi khuẩn xâm nhập trực tiếp vào đường hô hấp và gắn vào các lông mao trên niêm mạc. Chúng phát triển nhân lên và giải phóng độc tố làm phá hủy lông mao, đồng thời kích thích đường thở sưng lên nhanh chóng. Chính phản ứng sưng lên này là nguyên nhân gây tăng tiết dịch nhầy và gây ho dữ dội.
Nguy cơ lây bệnh càng cao hơn khi có các yếu tố rủi ro sau:
- Sinh hoạt chung trong môi trường khép kín như trường học, gia đình...
- Trẻ sơ sinh < 12 tháng tuổi không được tiêm hoặc chưa tiêm đầy đủ vắc xin;
- Người trưởng thành mắc các bệnh lý gây suy giảm miễn dịch;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Bệnh ho gà tiến triển qua từng giai đoạn cụ thể như sau:
Giai đoạn khởi phát
Triệu chứng ho gà thường dễ nhầm lẫn với bệnh cảm lạnh thông thường. Chúng thường khởi phát sau 7 - 10 ngày hoặc lâu hơn kể từ nhiễm phơi nhiễm (giai đoạn ủ bệnh). Bao gồm:
- Sổ mũi;
- Nghẹt mũi;
- Sốt;
- Đỏ mắt, chảy nước mắt;
- Ho nhẹ;
Giai đoạn kịch phát
Sau 1 - 2 tuần, các triệu chứng ban đầu dần chuyển biến xấu đi, đường thở chứa đầy dịch nhầy khiến triệu chứng ho bộc lộ rõ rệt. Người bệnh ho dai dẳng, ho rũ rượi từng cơn với khoảng 15 - 20 tiếng liên tục. Kèm theo tiếng thở rít và khạc ra dịch đờm khi kết thúc cơn ho. Các đợt ho thường có xu hướng nặng hơn vào ban đêm.
Trẻ đang trong cơn ho thường có các dấu hiệu sau:
- Mặt đỏ, tím tái do thiếu oxy;
- Cổ nổi rõ các đường tĩnh mạch;
- Chảy nước mắt, nước mũi;
- Nôn mửa;
- Sốt nhẹ;
- Mất nước;
- Khó thở;
- Kiệt sức sau khi ho xong;
Trong giai đoạn kịch phát của ho gà, trẻ có tần suất ho khoảng 15 cơn/ ngày và giảm dần theo thời gian. Đây cũng là giai đoạn bệnh ho gà có khả năng lây nhiễm sang cho người khác mạnh nhất.
Giai đoạn phục hồi
Đây là giai đoạn các triệu chứng ho gà dần được cải thiện và ít xuất hiện hơn. Cơn ho ít dần và bệnh nhân hết sốt. Quá trình này thường mất thêm 1 - 2 tuần nữa. Tuy nhiên, một vài trường hợp sau khi khỏi bệnh vài tháng, cơn ho gà có thể tái phát và gây viêm phổi.
Chẩn đoán
Chẩn đoán bệnh ho gà thông qua đánh giá các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng. Bao gồm:
- Khám sức khỏe thể chất, đánh giá triệu chứng do gia đình cung cấp và thăm hỏi về việc bệnh nhân đã từng tiêm vắc xin hay chưa;
- Lấy mẫu dịch mũi bằng tăm bông để làm xét nghiệm tìm kiếm vi khuẩn Bordetella;
- Một vài trường hợp có thể xét nghiệm máu (nếu cần thiết) để tìm kháng thể IgG;
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh ho gà là một trong những dạng nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến. Tuy nhiên, nếu chủ quan không điều trị, bệnh có thể gây ra các biến chứng khó lường, ảnh hưởng sức khỏe và đe dọa tính mạng của trẻ như:
- Ngưng thở trong lúc ho;
- Viêm phổi;
- Lồng ruột;
- Sa trực tràng;
- Vỡ phế nang;
- Thoát vị trực tràng;
- Mắc hội chứng rung giật không kiểm soát;
- Bệnh về não (xuất huyết não);
- Tử vong;
Đối với người trưởng thành, khi mắc bệnh ho gà thường ít khi gây ra triệu chứng nghiêm trọng. Do đó, biến chứng của bệnh cũng rất ít khi xảy ra hoặc xảy ra nhưng không quá nặng. Chẳng hạn như:
- Mất ý thức;
- Khó ngủ;
- Viêm phổi;
- Gãy xương sườn;
- Mất kiểm soát bàng quang gây tiểu không tự chủ;
Bệnh ho gà được cảnh báo là vấn đề khá nghiêm trọng ở đường hô hấp và cần can thiệp điều trị y tế kịp thời để ngăn ngừa biến chứng. Đa số các trường hợp mắc bệnh ho gà đều có tiên lượng tốt nếu được chẩn đoán và dùng kháng sinh sớm để ngăn chặn nhiễm trùng lây lan. Kết hợp sử dụng thuốc trị ho cải thiện triệu chứng và chăm sóc tích cực, tăng cường đề kháng.
Điều trị
Mục tiêu điều trị bệnh ho gà là điều trị loại bỏ nhiễm trùng và kiểm soát cơn ho. Điều trị ho gà cần được thực hiện càng sớm càng tốt sau khi chẩn đoán, thông qua các biện pháp sau:
Dùng thuốc kháng sinh
Trẻ nhập viện trong giai đoạn ho gà kịch phát cần được cấp cứu y tế, hút dịch đờm, dãi, truyền nước, dinh dưỡng và cho thở oxy (nếu có dấu hiệu suy hô hấp). Sau đó, chỉ định áp dụng phác đồ kháng sinh sau:
- Erythromycin là thuốc kháng sinh đặc hiệu đối với bệnh ho gà. Liều dùng khoảng 50mg/kg/ngày. Sử dụng liên tục trong vòng 14 ngày rồi ngưng.
- Trường hợp không đáp ứng hoặc không phù hợp với Erythromycin, có thể thay thế bằng các loại thuốc khác như:
- Aziththromycin
- Clarithromycin;
- Trimethoprim - sulfamethoxazole
Điều trị triệu chứng
Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn và ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan. Do đó, trong quá trình dùng thuốc, cần áp dụng kết hợp một số biện pháp dưới đây để cải thiện các triệu chứng kèm theo:
- Sử dụng thuốc amoxycillin hoặc cephalosporin có tác dụng chống bội nhiễm;
- Dùng thuốc hạ sốt;
- Thường xuyên hút chất dịch nhầy để làm thông thoáng đường hô hấp;
- Theo dõi nhịp thở và các dấu hiệu sinh tồn của trẻ;
- Truyền dịch bù nước và các chất dịch lỏng khác để ngăn ngừa mất nước;
- Giữ vệ sinh kỹ lưỡng cho trẻ bằng xà phòng diệt khuẩn, lau sạch đờm miệng và nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý;
Phòng ngừa
Bệnh ho gà có thể được kiểm soát và phòng ngừa bằng các biện pháp sau:
Tiêm phòng vắc xin
Đây là cách hiệu quả nhất giúp phòng ngừa vắc xin ở cả người lớn và trẻ em. Tại Việt Nam, vắc xin ho gà thường được kết hợp với nhiều loại vắc xin khác như vắc xin 6in1 (Hexaxim/ Infanrix Hexa), 5in1 (ComBE Five/ Pentaxim), 4in1 (Tetraxim) hoặc 3in1 (Adacel).
Tùy theo đối tượng tiêm chủng, độ tuổi và điều kiện kinh tế để chọn loại vắc xin phù hợp nhất. Liều tiêm chủng vắc xin ho gà được Bộ Y tế khuyến cáo như sau:
- Mũi 1: tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi;
- Mũi 2: tiêm khi trẻ được 3 tháng tuổi;
- Mũi 3: tiêm khi trẻ được 4 tháng tuổi;
- Mũi 4: tiêm nhắc lại khi trẻ được 18 - 24 tháng tuổi
Điều trị dự phòng bằng kháng sinh
Nếu trong gia đình có người mắc bệnh ho gà, những thành viên khác trong gia đình có thể dùng kháng sinh dự phòng để ngăn ngừa phơi nhiễm. Đặc biệt là những đối tượng có hệ miễn dịch yếu kém như:
- Trẻ em < 1 tuổi;
- Phụ nữ mang thai 3 tháng cuối thai kỳ;
- Những người thường xuyên phải tiếp xúc và chăm sóc trẻ nhỏ;
Giữ gìn vệ sinh
Vi khuẩn ho gà có thể xuất hiện ở khắp mọi nơi, nhất là khi có người thân mắc bệnh. Để giảm nguy cơ mắc bệnh, hãy thực hiện tốt các biện pháp giữ gìn vệ sinh, ngăn ngừa sự lây nhiễm của ho gà. Gồm các cách sau:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch cồn khử trùng tay.
- Dùng tay hoặc khăn giấy để che mũi, miệng khi ho, hắt hơi.
- Đảm bảo không gian trong nhà sạch sẽ, thoáng khí và đủ ánh sáng.
- Rửa kỹ các vật dụng gia đình, đồ chơi của trẻ... bằng dung dịch sát khuẩn.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tại sao con tôi ho dai dẳng từng cơn kéo dài lâu ngày không khỏi?
2. Nguyên nhân gây bệnh ho gà là gì?
3. Mắc bệnh ho gà ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của con tôi?
4. Xét nghiệm nào cần thực hiện để chẩn đoán chắc chắn mắc bệnh ho gà?
5. Điều trị bệnh ho gà bằng phương pháp nào tốt nhất?
6. Con tôi có cần nghỉ học hoặc cách ly khi bị ho gà không?
7. Tôi cần làm gì để chăm sóc sức khỏe của con để hỗ trợ điều trị?
8. Quá trình điều trị ho gà mất bao lâu thì khỏi?
9. Điều trị ho gà có cần nhập viện hay không?
10. Có vắc xin phòng ngừa ho gà không? Loại nào tốt nhất? Chi phí bao nhiêu?
Ho gà gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của trẻ sơ sinh, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Đa số trường hợp trẻ bị ho gà đều đáp ứng tốt với kháng sinh và khỏi bệnh nhanh chóng khi điều trị tại bệnh viện. Bởi vậy, phụ huynh cần hết sức lưu ý và theo dõi những dấu hiệu bất thường, để trẻ được thăm khám sớm và điều trị kịp thời.
Có thể bạn quan tâm:
- Ho khan là gì? – Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
- Bệnh ho lao là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị HIỆU QUẢ NHẤT HIỆN NAY
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!