Bệnh Tả
Bệnh tả là một trong những bệnh lý truyền nhiễm cấp tính xảy ra ở ruột non do vi khuẩn V. Cholerae. Bệnh có khả năng lây lan và bùng phát thành dịch lớn tại một số quốc gia châu Phi và châu Á có điều kiện vệ sinh, y tế kém phát triển, trong đó có Việt Nam. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh tả có thể đe dọa tính mạng do biến chứng mất nước, rối loạn điện giải và sốc nặng.
Tổng quan
Bệnh tả (Cholera) còn được gọi là bệnh thổ tả. Là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở đường tiêu hóa (cụ thể ở ruột non) do nhiễm vi khuẩn Vibrio Cholerae gây ra. Bệnh có khả năng lây lan thông qua nguồn nước hoặc thức ăn nhiễm khuẩn, tiếp xúc với bệnh nhân đang bị tiêu chảy cấp nghi do dịch tả.
Bệnh lý này đặc trưng với các biểu hiện như tiêu chảy, nôn ói liên tục gây mất nước và rối loạn cân bằng điện giải trầm trọng, tăng nguy cơ sốc nặng và tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Bệnh tả có tiến triển nhanh chóng và dễ dàng bùng phát thành ổ dịch lớn nếu không được xử lý theo quy trình chuẩn y tế. Đây là lý do vì sao bệnh thường xuất hiện ở những quốc gia chưa phát triển, còn nghèo đói, nhiều thiên tai hoặc chiến tranh, điều kiện vệ sinh kém, y tế chưa đầy đủ. Chẳng hạn như vùng sông Hằng Ấn Độ, các quốc gia châu Phi...
Tại Việt Nam, bệnh tả vẫn đang hiện diện nhưng trong tầm kiểm soát, chủ yếu ở những vùng y tế chưa phát triển đầy đủ như miền cao, nhưng nơi gần khu chứa rác thải, sử dụng nguồn nước ô nhiễm, thiên tai bão lũ tấn công thường xuyên...
Trong thế kỷ thứ 19, dịch tả được ghi nhận là 1 trong 7 đại dịch lớn nhất trên toàn cầu và là nguyên nhân cướp đi mạng sống của hàng triệu người trên thế giới. Ước tính mỗi năm có khoảng 1.3 - 4 triệu ca bệnh tả, trong đó tỷ lệ tử vong chiếm khoảng 21.000 - 143.000 trường hợp.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân
Vi khuẩn Vibrio Cholerae là nguyên nhân gây ra bệnh tả, thậm chí là dịch tả với khả năng lây lan nhanh chóng. Đây là loại vi khuẩn Gram âm có khả năng tồn tại và phát triển được trong môi trường thức ăn, nguồn nước tối đa 1 tuần. Chúng có thể phát sinh trong môi trường pepton kiềm mặn và dễ dàng bị tiêu diệt bởi nhiệt độ cao cũng như các hoạt chất diệt khuẩn thông thường.
Vi khuẩn tả có khả năng lây lan qua đường tiêu hóa, thông qua viêc sử dụng thực phẩm và nguồn nước uống chứa vi khuẩn. Thường là các loại động - thực vật phù du như động vật giáp xác tôm, cua, hến sò, tảo, các loại rau củ quả được bón phân bằng nước cống, phân tươi chưa qua xử lý...
Vi khuẩn tả sau khi xâm nhập vào cơ thể người sẽ trú ngụ một thời gian (khoảng 1 - 5 ngày) trước khi bùng phát bệnh, hay còn gọi là thời kỳ ủ bệnh nên rất ít trường hợp phát hiện nhiễm bệnh trong giai đoạn sớm, tỷ lệ này chiếm khoảng 75%. Tuy nhiên, người bệnh vẫn liên tục đào thải ra vi khuẩn trong vòng 7 - 14 ngày kể từ thời điểm nhiễm bệnh. Các triệu chứng bệnh được biểu hiện ở mức độ nhẹ hoặc nặng tùy từng trường hợp khác nhau.
Yếu tố nguy cơ
Những yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ mắc bệnh tả như:
- Những vùng, quốc gia và lãnh thổ chưa phát triển, có điều kiện kinh tế, dân trí và y tế kém, còn lạc hậu, chưa có nguồn nước sạch, nhà vệ sinh không đảm bảo tiêu chuẩn, thời tiết nóng ẩm...;
- Những người sinh sống ở các trại tị nạn, nhà tập thể do chiến tranh hoặc thiên tai...;
- Sử dụng thực phẩm hoặc nguồn nước có chứa vi khuẩn Vibrio Cholerae, đặc biệt là nước giếng và các loại hải sản có vỏ được đánh bắt từ những vùng biển có chứa dịch tả;
- Người mắc các bệnh lý đường tiêu hóa gây giảm hoặc mất khả năng tiết axit dạ dày (hypochlorhydria achlorhydria);
- Người bị suy dinh dưỡng nặng, sức đề kháng yếu kém có nguy cơ nhiễm vi khuẩn tả cao hơn những người khỏe mạnh;
- Những người có nhóm máu O có nguy cơ nhiễm vi khuẩn tả cao hơn những nhóm máu khác, trong đó nhóm AB gần như có khả năng miễn nhiễm;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Đa phần các trường hợp mắc bệnh tả đều ở mức độ nhẹ và trung bình (chiếm khoảng 80%) và chỉ có 20% trường hợp triệu chứng nặng. Cụ thể một số triệu chứng điển hình của bệnh tả như:
- Tiêu chảy: Đây là triệu chứng phổ biến ở nhất ở bệnh nhân tả và xảy ra đột ngột. Tiêu chảy do nhiễm khuẩn tả thường có đặc điểm là:
- Ra nước màu trắng đục như nước vo gạo, kèm theo các đốm chất nhờn lẫn các tế bào chết;
- Mùi tanh nhưng không hôi thối;
- Đại tiện không kiểm soát, không có cảm giác mót rặn và không đau bụng;
- Tần suất tiêu chảy khoảng 20 - 50 lần/ 24 giờ và là nguyên nhân dẫn đến mất nước nghiêm trọng, khoảng 0.95 lít/ giờ.
- Buồn nôn & ói mửa: Bệnh nhân tả luôn có cảm giác buồn nôn và ói mửa thường xuyên, mỗi đợt nôn có thể kéo dài vài tiếng góp phần gây mất nước nghiêm trọng hơn.
- Mất nước: Đây là hậu quả của triệu chứng tiêu chảy và nôn ói kéo dài, xảy ra sau khoảng vài tiếng tính từ thời điểm bùng phát triệu chứng tả. Lượng nước thất thoát càng nhiều mức độ mất nước càng nặng. Dựa theo tiêu chuẩn y tế, mất > 10% tổng lượng nước của cơ thể được xem là nghiêm trọng và cần cấp cứu bù nước ngay. Đặc trưng với các triệu chứng như:
- Da khô, nhăn nheo, co rút;
- Khát nước;
- Khô miệng;
- Mệt mỏi, kiệt sức;
- Đầu chi tím, lạnh;
- Hai mắt lờ đờ, trũng sâu, tròng đen khô;
- Tần suất tiểu giảm, lượng nước tiểu ít hoặc không có;
- Hạ thân nhiệt xuống < 35 độ C;
- Tụt huyết áp;
- Rối loạn nhịp tim;
- Chuột rút, co cứng cơ: Mất nước và rối loạn các chất điện giải (muối kali, natri, clorua) nhanh chóng do bệnh tả gây chuột rút, co cứng và đau nhức các cơ.
- Sốc: Sốc là biểu hiện nguy hiểm nhất khi bị mất nước do bệnh tả. Xảy ra do giảm thể tích tuần hoàn khiến chỉ số huyết áp và oxy tụt xuống mức thấp. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong ngay lập tức.
- Một số triệu chứng khác: Người lớn hay trẻ em bị bệnh tả đều có chung một vài triệu chứng sau ở giai đoạn bệnh tả nặng:
- Kiệt sức, buồn ngủ nặng hoặc rơi vào hôn mê sâu;
- Co giật, lên cơn động kinh;
- Sốt cao kéo dài không hạ;
Chẩn đoán
Các chuyên gia đánh giá triệu chứng bệnh tả thường khó nhầm lẫn. Tuy nhiên, nếu chỉ đánh giá các triệu chứng lâm sàng để chẩn đoán bệnh tả vẫn chưa đủ để đưa ra kết luận chính xác nhất hoặc chỉ được thực hiện ở những nơi có điều kiện y tế không đầy đủ.
Còn với những nơi y tế phát triển, việc chẩn đoán bệnh tả cần phải được thực hiện thông qua các xét nghiệm cận lâm sàng như:
- Soi tươi phân và dịch nôn dưới kính hiển vi chuyên dụng để phát hiện vi khuẩn tả sống;
- Nuôi cấy và phân lập vi khuẩn nhằm xác định type huyết thanh nhằm phục vụ công tác chẩn đoán, làm kháng sinh đồ điều trị bệnh hiệu quả;
- Nghiệm pháp phản ứng chuỗi men polymerase (PCR) giúp xác định và đánh giá tính chất đoạn gen của vi khuẩn tả;
- Xét nghiệm huyết thanh giúp phát hiện các kháng thể kháng độc tố, kháng thể trung hòa và kháng thể ngưng kết. Xét nghiệm này được thực hiện nhằm đánh giá và giám sát phát hiện sớm bệnh tả.
- Một số xét nghiệm cần thiết khác như đo chỉ số ure máu, nồng độ điện giải và creatinin...;
- Chẩn đoán phân biệt bệnh tả với các bệnh lý gây triệu chứng tiêu chảy, nôn mửa tương tự như nhiễm vi khuẩn Salmonella, Shigella, Escherichia coli, tụ cầu khuẩn, ngộ độc hóa chất hoặc ăn phải nấm độc...;
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh tả hiện vẫn đang là một trong những mối hiểm họa đe dọa sức khỏe và tính mạng con người. Hậu quả nghiêm trọng nhất của bệnh tả là tử vong và đã có rất nhiều số liệu thống kê về tỷ lệ tử vong do bệnh tả gây ra được WHO cập nhật qua từng năm.
Để dẫn đến tử vong, vi khuẩn tả đã gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Hạ đường huyết: Vi khuẩn tả khiến lượng glucose máu giảm thấp vượt ngưỡng cho phép, khiến người bệnh ăn uống kém, nặng hơn gây co giật, bất tỉnh và tử vong ngay sau đó.
- Hạ kali máu: Tiêu chảy kéo dài làm thất thoát lượng lớn kali qua phân, gây rối loạn chức năng hoạt động của hệ thống thần kinh tim và đe dọa tính mạng người bệnh. Tình trạng này đặc biệt nguy hiểm đối với những người bị suy dinh dưỡng và suy kiệt kali trong thời gian dài.
- Suy thận: Tình trạng mất nước nghiêm trọng ở bệnh nhân tả khiến nồng độ các chất điện giải, điện phân giảm xuống đột ngột. Kèm theo đó là biến chứng sốc gây suy thận.
Hiện nay, tiên lượng bệnh tả khả quan hơn và tỷ lệ tử vong cũng thấp hơn so với trước đây do sự ra đời của các dòng thuốc kháng sinh đặc hiệu. Ngoài ra, nhờ vào công tác tuyên truyền về kiến thức dự phòng, vệ sinh và điều trị đợt bùng phát triệu chứng cấp bệnh tả giúp căn bệnh này dần bớt nguy hiểm hơn.
Điều trị
Nguyên tắc điều trị bệnh tả là cách ly bệnh nhân, bù nước, các chất điện giải càng nhanh càng tốt và sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Hầu hết bệnh nhân bùng phát đợt tả cấp đều phải nhập viện để xử lý và điều trị theo quy trình y tế chuyên sâu.
Cụ thể cách điều trị bệnh tả như sau:
1. Bù chất lỏng kịp thời
Nhằm bù đắp lượng chất lỏng và chất điện giải, muối thất thoát do tiêu chảy, nôn ói kéo dài. Cách bù nước đơn giản nhất là uống nước muối (ORS) được pha sẵn với tỷ lệ nước - muối - đường phù hợp. Chế phẩm này được sản xuất dưới dạng nước đóng chai hoặc dạng bột pha với nước.
Đối với những trường hợp mất nước nghiêm trọng do bệnh tả, sẽ được truyền dịch qua đường tiêm tĩnh mạch để bù nước nhanh hơn. Liều khuyến cáo đối với người lớn là 1L/30 phút đầu và trẻ em là 1L/1h. Lượng dịch cần bù phải gấp 1.5 lần lượng chất thải (bao gồm phân và dịch nôn).
Một số loại dịch truyền tốt thường dùng cho bệnh nhân tả như:
- Ringerlactat;
- Phối hợp 3 dung dịch riêng gồm NaCl 0.9% + Glucose 5% + Natri bicarbonat (NaHCO3) với tỷ lệ 3-1-1;
- Trường hợp dịch truyền không chứa kali cần bù kali riêng thông qua viên uống hoặc truyền dịch tĩnh mạch Kaliclorua, kết hợp ăn chuối nghiền;
Lưu ý, trong quá trình truyền dịch bù nước, bệnh nhân sẽ được theo dõi sát sao các chỉ số sinh tồn như hematocrit và áp lực tĩnh mạch trung tâm. Qua đó, điều chỉnh tốc độ truyền dịch và điện giải đồ phù hợp.
2. Sử dụng thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh là phát minh mang tính bước ngoặt trong điều trị các bệnh lý truyền nhiễm do vi khuẩn, trong đó có bệnh tả. Tác dụng chính của thuốc là tiêu diệt và loại bỏ vi khuẩn, hỗ trợ cải thiện triệu chứng và rút ngắn thời gian trị bệnh.
Một số nhóm kháng sinh được ưu tiên chỉ định sử dụng trong phác đồ điều trị bệnh tả như:
- Nhóm Fluoroquinolon:
- Các loại điển hình như Norfloxacin 800mg/ ngày, Ciprofloxacin 1g/ ngày và Ofloxacin 400mg/ ngày;
- Liều dùng khuyến cáo 2 lần/ ngày x 3 ngày;
- Chống chỉ định dùng cho trẻ < 12 tuổi và phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú;
- Thuốc Azithromycin liều khuyến cáo 10mg/ kg/ ngày x 3 ngày;
- Thuốc Cloramphenicol liều khuyến cáo 30mg/ kg/ ngày x 3 lần/ ngày, dùng liên tục trong vòng 3 ngày;
Lưu ý khi dùng thuốc kháng sinh trị bệnh tả
- Đối với phụ nữ mang thai và đang cho con bú, trẻ em < 12 tuổi dùng Azithromycin là tốt nhất vì ít gây tác dụng phụ;
- Hoặc có thể thay thế bằng Erythromycin 1g/ ngày x 4 lần, dùng trong 3 ngày hoặc Doxycyclin 300mg 1 liều duy nhất trong trường hợp vi khuẩn vẫn còn nhạy cảm;
- Tuyệt đối không tự ý dùng các loại thuốc gây giảm nhu động ruột như atropin, morphin, opizoic hoặc loperamide... khi chưa có chỉ định của bác sĩ;
3. Chăm sóc tích cực
Bệnh nhân cần được chăm sóc tích cực tại bệnh viện, dinh dưỡng đầy đủ, ưu tiên thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa. Nếu là đối tượng nhũ nhi cần tăng cường cho bú mẹ để tăng cường thể trạng và nâng cao sức đề kháng.
Chỉ được xuất viện khi đạt các tiêu chuẩn sau:
- Bệnh nhân hết tiêu chảy hoàn toàn;
- Các triệu chứng lâm sàng được kiểm soát ổn định;
- Xét nghiệm cấy vi khuẩn cho kết quả âm tính 3 lần liên tiếp;
Phòng ngừa
Bệnh tả vẫn đang được xếp vào danh sách các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm. Tuy có thể điều trị khỏi nhưng quá trình điều trị khá phức tạp và mất nhiều thời gian, công sức. Do đó, các chuyên gia y tế luôn khuyến khích cộng đồng cần ý thức trong việc giữ vệ sinh và phòng ngừa dịch tả thông qua các biện pháp sau:
- Giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, cồn sát khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc vừa đến những nơi công cộng;
- Chỉ sử dụng nguồn nước và thực phẩm sạch, đảm bảo đã được xử lý bằng công nghệ diệt khuẩn tân tiến;
- Nấu chín thực phẩm bằng nhiệt, tránh ăn thực phẩm sống, tái, nhất là các loại thực phẩm đông lạnh, sushi, sashimi hải sản...;
- Tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi, nhất là với những người sinh sống ở gần các khu vực có nguy cơ nhiễm dịch tả cao;
- Sử dụng vắc xin tả uống mORCAVAX để chống lại vi khuẩn gây bệnh. Chống chỉ định sử dụng vắc này cho trẻ < 2 tuổi và phụ nữ mang thai, đang trong thời kỳ cho con bú;
- Tăng cường tuyên truyền về các kiến thức về phòng ngừa và điều trị bệnh tả đến toàn dân và xây dựng đội y tế phòng chống dịch tả ở những vùng có nguy cơ bùng dịch cao;
- Hạn chế du lịch và một số các hoạt động giao thương không cần thiết đến những vùng có dịch đang xảy ra để giảm thiểu nguy cơ lây lan trong cộng đồng;
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Bệnh tả có nguy hiểm không? Có gây chết người không?
2. Tại sao tôi mắc bệnh tả?
3. Tiên lượng mức độ bệnh tả đối với trường hợp của tôi?
4. Những xét nghiệm nào tôi cần thực hiện để phát hiện bệnh tả?
5. Đối với trường hợp bệnh tả của tôi, điều trị bằng phương pháp nào tốt nhất?
6. Dùng thuốc kháng sinh trị bệnh tả trong thời gian dài có gây tác dụng phụ không?
7. Tôi cần làm gì để xử lý tác dụng phụ? Có cần tái khám lại không?
8. Những điều tôi cần làm trong quá trình điều trị bệnh tả để sớm đẩy lùi bệnh?
9. Quá trình điều trị bệnh tả mất bao lâu thì khỏi hoàn toàn?
10. Điều trị bệnh tả tại bệnh viện có được sử dụng thẻ BHYT không?
Bệnh tả đã và đang là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong cộng đồng do có nguy cơ lây lan và bùng phát thành dịch cao. Tuy nhiên, chỉ cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng nào. Bởi vậy hãy chủ động thăm khám sức khỏe ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường và thực hiện các biện pháp phòng ngừa tích cực để ngăn chặn dịch tả bùng phát vượt tầm kiểm soát.
Tham khảo thêm:
- Bị tiêu chảy liên tục nhiều ngày là bệnh gì, phải làm sao?
- Bị tiêu chảy nên ăn gì, không nên ăn gì nhanh khỏi, phục hồi?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!