Hội chứng nôn chu kỳ
Hội chứng nôn chu kỳ là tình trạng khá hiếm gặp, phổ biến ở trẻ em hơn người lớn. Bệnh lý này gây ra các đợt buồn nôn và nôn mửa dữ dội, kèm theo nhiều triệu chứng khác nhau. Mặc dù không có biện pháp điều trị dứt điểm, nhưng nếu có biện pháp kiểm soát phù hợp, dùng thuốc và điều chỉnh ăn uống, hầu hết bệnh nhân đều sẽ có một cuộc sống bình thường.
Tổng quan
Hội chứng nôn chu kỳ (Cyclic Vomiting Syndrome - CSV) là một dạng rối loạn hiếm gặp đặc trưng bởi những đợt nôn ói dữ dội, lặp đi lặp lại và thường kèm theo cảm giác buồn nôn, nhợn ói, đau bụng... Mỗi đợt tái phát thường kéo dài từ vài giờ đến vài ngày, nhiều lần trong tháng và không rõ nguyên nhân, cơ chế kích hoạt.
Trường hợp nôn ói nhẹ có thể gây mệt mỏi, kiệt sức, nhưng nếu trong đợt bùng phát nghiêm trọng có thể gây ngất xỉu, liệt giường và phải nhập viện cấp cứu. Bất kỳ đối tượng hay độ tuổi nào cũng có thể gặp phải hội chứng này.
Trong đó, trẻ em có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người lớn. Ước tính khoảng 3/100.000 trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng này. Độ tuổi phổ biến từ 3 - 7 và bé gái có tỷ lệ mắc cao hơn bé trai.
Phân loại
Hội chứng nôn chu kỳ có 2 loại chính gồm nguyên phát và thứ phát. Cụ thể:
- Thể nguyên phát: Là tình trạng xảy ra nôn ói từng đợt bất thường nhưng không xác định được các vấn đề sức khỏe hoặc bệnh lý tiềm ẩn nào.
- Thể thứ phát: Hội chứng này khởi phát do liên quan đến các bệnh lý tiềm ẩn như chứng đau nửa đầu, tình trạng rối loạn chuyển hóa hoặc rối loạn tiêu hóa.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Theo các chuyên gia, cơ chế khởi phát hội chứng nôn chu kỳ vẫn chưa được xác định rõ. Nhưng bệnh được cho là có liên quan đến sự rối loạn chức năng hoạt động ở trục não - ruột. Tình trạng này khiến ruột và dạ dày co bóp bất thường dẫn đến nôn mửa.
Một số yếu tố được xác định có nguy cơ kích hoạt sự phát triển hội chứng này như:
- Tiền sử gia đình từng mắc hội chứng này hoặc tiền sử đau nửa đầu, say tàu xe;
- Yếu tố di truyền DNA ti thể bất thường do bệnh tật hoặc do tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại;
- Các bệnh gây rối loạn hoặc mất cân bằng hệ thống thần kinh tự trị, gây mất khả năng kiểm soát não, tủy sống liên quan đến các phản ứng đường tiêu hóa;
- Mất cân bằng nội tiết tố, thường là do rối loạn kinh nguyệt;
- Nhiễm trùng vi khuẩn, virus như các bệnh đường hô hấp, xoang, cúm;
- Dị ứng thực phẩm như socola, caffein, thực phẩm chứa chất phụ gia, pho mát...;
- Stress, căng thẳng kéo dài;
- Nhịn ăn hoặc kiệt quệ về thể chất;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Khác với những cơn nôn ói thông thường, hội chứng nôn chu kỳ thường có các triệu chứng với mức độ nghiêm trọng. Có thể kể đến như:
- Buồn nôn, nhợn ói, nôn ói dữ dội;
- Đau bụng, khó chịu vùng bụng;
- Vã mồ hôi;
- Đau đầu;
- Tiêu chảy;
- Hoa mắt, chóng mặt;
- Da nhợt nhạt, xanh xao;
- Sốt nhẹ khoảng 38 độ;
- Mắt trũng sâu do nôn nhiều gây mất nước;
- Nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh;
- Sụt cân và suy dinh dưỡng trong giai đoạn nặng;
Thông thường, các triệu chứng này thường không nguy hiểm. Tuy nhiên, khi phát hiện các dấu hiệu nghiêm trọng hơn dưới đây, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện để cấp cứu ngay lập tức:
- Chóng mặt, mất thăng bằng, đứng không vững;
- Nôn ói ra máu;
- Lú lẫn, mất ý thức;
- Ngất xỉu;
- Lên cơn động kinh hoặc co giật;
Chẩn đoán
Để chẩn đoán hội chứng nôn chu kỳ, trước tiên bác sĩ thường tập trung vào đánh giá các triệu chứng và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để loại trừ một số bệnh lý gây ra triệu chứng tương tự. Chẳng hạn như:
- Viêm tụy;
- Xoắn ruột;
- Tắc nghẽn đường tiết niệu;
- Viêm dạ dày do virus;
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản;
- Bệnh Addison;
- U não;
- Một số rối loạn chuyển hóa khác;
Cụ thể một số xét nghiệm có thể thực hiện bao gồm:
- Siêu âm ổ bụng;
- Xét nghiệm kiểm tra quá trình trao đổi chất;
- Nội soi thực quản trên;
- Xét nghiệm hình ảnh như chụp X quang dạ dày, thực quản, ruột non, chụp cắt lớp vi tính CT scan hoặc chụp cộng hưởng từ MRI;
- Xét nghiệm máu;
Biến chứng và tiên lượng
Hội chứng nôn chu kỳ là một dạng rối loạn hiếm gặp, tuy nhiên lại gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe thể chất. Nhất là đối với trẻ em mắc hội chứng này ở mức độ nghiêm trọng có thể dẫn đến mất nước, sụt cân không kiểm soát và gây suy dinh dưỡng. Từ đó, kéo theo nhiều hệ lụy khác cho sức khỏe trong tương lai như:
- Viêm thực quản: Xảy ra do thực quản thường xuyên tiếp xúc với chất nôn có tính axit cao.
- Hội chứng Mallory-Weiss: Là vết rách thực quản được hình thành do tình trạng các cơ thực quản bị co thắt quá mức khi nôn mửa dữ dội.
- Sâu răng: Axit dạ dày trào ngược lên khoang miệng thường xuyên khi nôn ói có thể bào mòn men răng, tăng nguy cơ sâu răng.
- Tử vong: Mất nước nghiêm trọng nhưng không được điều trị kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng bất kỳ lúc nào.
Do đó, khuyến cáo bệnh nhân khi gặp phải những dấu hiệu này hoặc bố mẹ phát hiện những biểu hiện bất thường ở trẻ, hãy chủ động đưa đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đồng thời, chú ý kiểm soát các vấn đề về ăn uống và thói quen sinh hoạt hàng ngày để giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt nôn.
Mặc dù không có biện pháp chữa trị khỏi dứt điểm hội chứng nôn chu kỳ, nhưng nếu có hướng kiểm soát phù hợp, hầu hết những người mắc bệnh đều có sức khỏe tốt và cuộc sống bình thường.
Điều trị
Điều trị hội chứng nôn chu kỳ chủ yếu nhằm mục đích kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa các vấn đề biến chứng đi kèm. Đối với trường hợp mạn tính, cần tập trung vào ngăn chặn các đợt tái phát trong thời gian dài.
Điều trị cấp tính
Nếu đang trong giai đoạn nôn ói, bệnh nhân sẽ được kê toa sử dụng thuốc kiểm soát cơn đau nửa đầu và giảm axit dạ dày, cải thiện cơn buồn nôn, nôn ói như:
- Zofran (ondansetron);
- Imitrex (sumatriptan);
- Catapres (clonidine);
- Nhóm benzodiazepine;
Đồng thời, bệnh nhân cần được ổn định tâm trạng, giảm cảm giác lo lắng, nghỉ ngơi tại chỗ, ở phòng tối hoặc ít ánh sáng, yên tĩnh hoàn toàn. Có thể sử dụng các loại đồ uống có đường để giảm bớt cảm giác buồn nôn.
Trường hợp nôn mửa dữ dội, bệnh nhân cần được đưa vào bệnh viện để truyền dịch bù nước, ngăn ngừa mất nước và truyền dinh dưỡng. Khi sức khỏe phục hồi dần dần, có thể ăn uống trở lại, nhưng sử dụng thực phẩm lỏng và các loại thực phẩm dễ dung nạp, không gây dị ứng.
Điều trị mạn tính
Đối với hội chứng nôn chu kỳ mạn tính, bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị ngay trong giai đoạn khỏe mạnh ổn định. Điều này nhằm giúp kiểm soát các đợt bùng phát bệnh trong tương lai, giảm tần suất và giảm mức độ nghiêm trọng. Một số loại thuốc thường dùng để ngăn ngừa hội chứng nôn chu kỳ dài hạn như:
- Periactin (cyproheptadine);
- Inderal (propanolol);
- Elavil (amitryptylline);
Chăm sóc tích cực
Ngoài ra, trong một số trường hợp cần thiết, các chuyên gia có thể khuyến nghị bệnh nhân áp dụng một số biện pháp tại nhà để hỗ trợ cải thiện triệu chứng. Chẳng hạn như:
- Tăng cường bổ sung Riboflavin: Đây là một loại vitamin B có tác dụng ngăn ngừa hội chứng nôn chu kỳ và chứng đau nửa đầu. Bạn có thể bổ sung chất này thông qua các loại thực phẩm như rau bina, hạnh nhân, các loại nấm... hoặc viên uống TPCN. Thời gian bổ sung khuyến cáo khoảng 12 tháng sẽ giúp đạt được hiệu quả rõ rệt.
- Bù nước: Uống nhiều nước, nhất là sau đợt nôn. Việc uống nước lên tục với lượng ít nhưng thường xuyên giúp ngăn ngừa hiệu quả tình trạng mất nước.
- Sử dụng các liệu tự nhiên: Gừng tươi, bạc hà, hoa cúc... là những loại thảo dược được nghiên cứu có đặc tính chống viêm, giảm cảm giác buồn nôn hiệu quả. Bạn có thể sử dụng chúng hàng ngày để cải thiện triệu chứng này.
Phòng ngừa
Để kiểm soát tình trạng rối loạn của hội chứng nôn chu kỳ này, bạn cần thực hiện chủ động các biện pháp ngăn ngừa tích cực, bao gồm:
- Thiết lập lối sống khoa học, sinh hoạt điều độ, kiểm soát căng thẳng và dành nhiều thời gian nghỉ ngơi.
- Điều chỉnh thực đơn ăn uống lành mạnh, tránh sử dụng các loại thực phẩm nhiều bất béo hoặc chứa chất phụ gia chứa chất dị ứng dễ gây kích hoạt hội chứng nôn chu kỳ.
- Chia nhỏ các bữa ăn, tránh ăn nhiều một lần và không nên ăn sát giờ đi ngủ để giảm cảm giác khó chịu, nhợn ói.
- Phát hiện sớm và điều trị ngay các vấn đề về dị ứng, viêm xoang, nhiễm trùng đường hô hấp trên... để giảm nguy cơ phát triển hội chứng nôn chu kỳ.
- Nếu đang mắc phải hội chứng nôn chu kỳ này, hãy thăm khám thường xuyên để được theo dõi và kiểm tra phát hiện sớm các dấu hiệu tổn thương thực quản bất thường, kịp thời điều trị ngăn ngừa biến chứng.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tôi/ con tôi bị nôn ói nhiều đợt kèm theo đau bụng, tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, vã mồ hôi... có thể là dấu hiệu của bệnh gì?
2. Nguyên nhân tại sao tôi/ con tôi mắc hội chứng nôn chu kỳ?
3. Hội chứng nôn chu kỳ có phải bệnh lý nghiêm trọng không?
4. Mức độ bệnh của tôi có nguy hiểm không?
5. Hội chứng nôn chu kỳ có chữa trị khỏi dứt điểm được không?
6. Phương pháp điều trị hội chứng nôn chu kỳ hiệu quả nhất?
7. Điều trị hội chứng nôn chu kỳ mất bao lâu thì khỏi?
8. Con tôi mắc hội chứng nôn chu kỳ có ảnh hưởng đến khả năng phát triển thể chất không?
Hội chứng nôn chu kỳ có tính chất dai dẳng, tái phát thường xuyên và ngày càng có xu hướng nghiêm trọng, dễ biến chứng khi phát bệnh trong thời gian dài. Do đó, các chuyên gia luôn khuyến cáo nên thăm khám và điều trị ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường để kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa mất nước và ổn định sức khỏe.
THAM KHẢO THÊM
- Ăn vào buồn nôn – Có thể là dấu hiệu bệnh nguy hiểm
- Tại sao có cảm giác buồn nôn nhưng không nôn được?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!