Bệnh Giun ký sinh trong mắt
Giun ký sinh trong mắt là một trong những bệnh nhiễm ký sinh ít phổ biến, thường chỉ xảy ra ở những quốc gia vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới. Có rất nhiều loại ký sinh trùng với đa dạng hình thức lây lan gây ra nhiễm giun mắt và gây ra hàng loạt các triệu chứng nhãn khoa bất thường, nặng nhất là mất thị lực vĩnh viễn. Tình trạng này thường phải được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật loại bỏ.
Tổng quan
Giun ký sinh trong mắt (Eye Worms) hay còn được gọi là bệnh giun mắt, xảy ra khi giun hoặc ấu trùng giun xâm nhập và trú ngụ bên trong mắt người. Chúng thường bám chặt vào nhãn cầu hoặc trú ngụ ở màng kết. Theo thời gian, chúng ký sinh trong mắt và phát triển gây viêm, tổn thương giác mạc, thậm chí dẫn đến mù lòa.
Các loại ký sinh trùng này có thể lây lan và xâm nhập vào mắt thông qua nhiều hình phương thức khác nhau. Chẳng hạn như lây từ động vật, qua ăn uống hoặc các tổn thương ở mắt.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Có rất nhiều loại giun có khả năng ký sinh trong mắt, chẳng hạn như:
- Giun tròn Thelazia callipaeda;
- Giun Acanthamoebia;
- Giun Toxoplasmosis;
- Giun sán Loosis;
- Giun đầu gai Gnathostomas;
- Giun onchocercosis;
- Giun đũa chó Toxocariasis;
- ...
Các loại ký sinh trùng này có khả năng xâm nhập vào mắt thông qua nhiều con đường khác nhau. Đây cũng chính là những yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ gây ra bệnh giun mắt. Bao gồm:
- Lây truyền từ động vật sang người, thường là chó mèo hoặc các loại thú cưng/ vật nuôi khác;
- Lây nhiễm gián tiếp thông qua vết cắn của ruồi muỗi nhiễm ký sinh trùng, đặc biệt là ruồi đen;
- Sử dụng và vệ sinh kính áp tròng sai cách;
- Thông qua chế độ ăn uống, thực phẩm không được sơ chế và chế biến kỹ, đồ sống hoặc chứa chất thải động vật nhiễm ký sinh trùng/ ấu trùng giun;
- Tiếp xúc với đất bị ô nhiễm, chứa phân động vật nhiễm bệnh;
- Đi du lịch đến những quốc gia nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới khiến bạn có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng mắt cao hơn. Chẳng hạn như một số khu vực ở châu Phi, Ấn Độ, Nam Mỹ, Trung Mỹ, Đông Nam Á...;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Bị nhiễm trùng mắt do ký sinh trùng có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau. Bao gồm:
- Đau nhức mắt;
- Mắt sưng đau, nóng đỏ khó chịu;
- Chảy nước mắt;
- Ngứa mắt và vùng da xung quanh mắt;
- Giảm tầm nhìn;
- Xuất hiện các vật thể bay không xác định trong tầm nhìn;
- Nhạy cảm với ánh sáng;
- Sẹo võng mạc;
- Loét giác mạc;
- Mất thị lực;
Chẩn đoán
Đa số các trường hợp mắc bệnh giun mắt thường phát hiện thông qua các triệu chứng kích ứng mắt khó chịu. Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra, soi mắt để phát hiện sự hiện diện của ký sinh trùng. Dựa vào các đặc điểm hình thái và sinh trưởng, căn nguyên lây nhiễm, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán chính xác về loại giun mắt mà bạn đang mắc phải và tư vấn điều trị bằng phương pháp phù hợp.
Biến chứng và tiên lượng
Giun hoặc ấu trùng giun thường ký sinh dưới mí mắt, bên trong túi kết mạc. Chúng trú ẩn và phát triển gây kích ứng mắt, dẫn đến viêm giác mạc. Thậm chí, nếu không điều trị kịp thời, số lượng giun ngày càng nhân lên nhanh chóng, dẫn đến mất thị lực tạm thời hoặc mù lòa vĩnh viễn. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, các loại giun mắt có thể gây các bất thường nghiêm trọng như rối loạn hành vi, cử động, đau đầu, động kinh,... thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Ngoài ra, một số loại giun ký sinh còn có khả năng lây lan nhanh chóng từ người sang người, từ mẹ sang con trong quá trình mang thai. Chẳng hạn như giun acanthamoeba hoặc toxoplasmosis. Do đó, bên cạnh điều trị tích cực, bệnh nhân cần chú ý hạn chế tiếp xúc với người khác để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Tiên lượng về bệnh nhiễm giun ký sinh trong mắt thường tốt do được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh chỉ có thể điều trị bằng các giải pháp như dùng thuốc nhỏ mắt, thuốc uống hoặc phẫu thuật cắt bỏ.
Điều trị
Giun ký sinh trong mắt có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Trong trường hợp nhẹ, giun nhỏ hoặc ấu trùng giun có thể bị tiêu diệt bởi các thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc uống. Chẳng hạn như:
- Pyrimethiamine;
- Diethylcarbamazine;
- Ivermectin;
Nhưng với những trường hợp giun đã trưởng thành, kích thước to và số lượng nhiều bắt buộc phải được phẫu thuật loại bỏ khỏi mắt càng sớm càng tốt. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh chống viêm và vệ sinh mắt kỹ lưỡng nhằm giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân thường phải lưu lại bệnh viện ít nhất 1 tuần để được theo dõi tiến triển và kiểm tra tiến độ phục hồi thị lực. Nếu không có bất thường, có thể xuất viện về nhà nhưng phải tuân thủ dùng thuốc cũng như vệ sinh mắt kỹ càng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Phòng ngừa
Giữ vệ sinh kỹ lưỡng và ăn uống chế biến chín kỹ để hạn chế nguy cơ nhiễm ký sinh trùng trong mắt
- Giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, nhất là sau khi tiếp xúc với nguồn nước, đất bẩn hoặc chất thải động vật.
- Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Sơ chế và chế biến thức ăn chín kỹ, không nên ăn thực phẩm sống để giảm nguy cơ nhiễm ký sinh trùng.
- Sử dụng thuốc chống côn trùng, đuổi ruồi bọ để tránh bị chúng cắn, hạn chế lây nhiễm ký sinh trùng.
- Trang bị đầy đủ đồ bảo hộ khi làm vườn, chăm sóc động vật để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Sử dụng và vệ sinh kính áp tròng đúng cách để tránh gây kích ứng mắt, phòng ngừa viêm giác mạc.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tại sao tôi bị sưng đau, đỏ mắt, chảy nước mắt, giảm thị lực bất thường?
2. Nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh giun ký sinh trong mắt?
3. Làm sao để biết chính xác tác nhân gây nhiễm trùng mắt là giun ký sinh?
4. Bị nhiễm giun mắt có nguy hiểm không?
5. Nhiễm giun mắt có tự khỏi không?
6. Điều trị bệnh nhiễm giun mắt bằng phương pháp nào hiệu quả nhất?
7. Tôi cần làm gì để chăm sóc cải thiện các triệu chứng nhiễm giun mắt ký sinh?
8. Phải làm gì để phòng ngừa tái phát nhiễm ký sinh trùng ở mắt?
Giun ký sinh ở mắt là tình trạng hiếm gặp nhưng nếu chẳng may vô tình mắc phải, hãy chủ động đến bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn điều trị càng sớm càng tốt. Điều này giúp bạn sớm thoát khỏi các triệu chứng mắt khó chịu và ngăn ngừa biến chứng mất thị lực. Đồng thời, kết hợp chăm sóc mắt tích cực và giữ vệ sinh để giảm nguy cơ nhiễm trùng theo chỉ định của bác sĩ.
Tham khảo thêm:
- Bệnh Zona thần kinh ở mắt có nguy hiểm không, cách điều trị?
- Bị đau nhức hốc mắt là bệnh gì? Cách nhận biết và điều trị
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!