Bệnh Quáng Gà
Quáng gà là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý về mắt từ nhẹ đến nặng hoặc do thiếu hụt vitamin A. Bệnh nhân quáng gà thường khó có thể nhìn rõ trong bóng tối hoặc trong điều kiện ánh sáng yếu. Tiên lượng điều trị quáng gà không quá phức tạp, dựa theo nguyên nhân gây ra, kết hợp chăm sóc tích cực và bảo vệ mắt.
Tổng quan
Quáng gà (Night blindness/ Nyctalopia) hay chứng mù đêm là tình trạng người bệnh không thể nhìn rõ mọi thứ xung quanh khi thiếu ánh sáng hoặc ban đêm. Quáng gà thực chất không phải bệnh lý mà là triệu chứng cảnh báo các bệnh lý mắt tiềm ẩn, thường liên quan đến võng mạc.
Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể bị quáng gà. Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt, công việc và chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân
Quáng gà là dấu hiệu đặc trưng của rất nhiều bệnh lý về mắt, có thể kể đến một số bệnh phổ biến như:
- Cận thị: Là tình trạng giảm khả năng nhìn các vật ở xa dù là ban ngày hay ban đêm, kèm theo mờ tầm nhìn vào ban đêm. Đối với người bị cận thị, ban đêm là khi mắt khó tập trung để quan sát nếu không có đủ ánh sáng. Đây là chính là triệu chứng quáng gà.
- Bệnh tăng nhãn áp: Đây là tình trạng tích tụ lượng chất dịch lỏng lớn ở phía trước mắt và làm tăng áp lực bên trong mắt, hậu quả làm tỏn tổn thương dây thần kinh thị giác. Bệnh nhân bị tăng nhãn áp thường có triệu chứng đầu tiên là suy giảm tầm nhìn ngoại vi cả ban ngày lẫn ban đêm do tổn thương võng mạc.
- Đục thủy tinh thể: Những người đang mắc bệnh đục thủy tinh thể hoặc đã phẫu thuật loại bỏ khối thủy tinh thể bị tổn thương thường gây ra quáng gà, mắt mờ, khó nhìn rõ vào ban đêm.
- Viêm võng mạc sắc tố: Là bệnh lý di truyền về mắt khá hiếm gặp. Bệnh gây ảnh hưởng đến võng mạc do đột biến gen và gây suy giảm dần thị lực. Một trong những triệu chứng đầu tiên của căn bệnh này đó là quáng gà, giảm tầm nhìn vào ban đêm nghiêm trọng.
- Loạn thị: Ngoài cận thị, loạn thị cũng là một trong những vấn đề về suy giảm thị lực có liên quan đến võng mạc. Bệnh xảy ra khi võng mạc bị tổn thương, có hình dạng bất thường khiến ánh sáng không thể hội tụ đúng vị trí. Người bị loạn thị thường có đôi mắt nhạy cảm với ánh sáng, giảm tầm nhìn, quáng gà khi chiều tối và nhìn méo mó mọi vật dù ở bất kỳ khoảng cách nào.
- Chứng Keratoconus: Đây cũng là vấn đề phổ biến gây triệu chứng quáng gà. Tình trạng này xảy ra khi lớp giác mạc ngày càng mỏng đi và phình to ra giống hình chiếc nón. Sự thay đổi này khiến giác mạc không thể tập trung các tia sáng vào trong mắt.
- Thoái hóa điểm vàng (ARMD): Đây là bệnh lý về mắt khá hiếm gặp có liên quan đến tuổi tác. Bệnh gây ảnh hưởng đến thị lực trung tâm nhưng kèm theo suy giảm thị lực ngoại vi, khó nhìn thấy mọi vật ở hai bên mắt. Bệnh có thể ảnh hưởng đến 1 hoặc 2 bên mắt. Bệnh có 2 dạng khô và ướt được phân loại dựa trên tính chất, đặc điểm phát triển bệnh.
- Hội chứng Choroideremia: Đây là một dạng rối loạn di truyền hiếm gặp gây mất thị lực dần và dẫn đến mù lòa. Bệnh chủ yếu xảy ra ở nam giới vì nguyên nhân liên kết với nhiễm sắc X. Một trong những triệu chứng đầu tiên của bệnh lý này là chứng quáng gà, giảm thị lực kém trong bóng tối, thường xảy ra từ khá sớm khi còn nhỏ cho đến độ tuổi thiếu niên.
Yếu tố nguy cơ
Ngoài các bệnh lý về mắt, quáng gà cũng có thể là hậu quả của những yếu tố rủi ro sau:
- Thiếu vitamin A: Vitamin A là hoạt chất đóng vai trò quan trọng nhằm tạo ra các sắc tố nhất định giúp võng mạc hoạt động hiệu quả, nhìn thấy toàn bộ các quang phổ ánh sáng. Khi cơ thể thiếu hụt vitamin A cũng đồng nghĩa với việc ngưng sản xuất các sắc tố cần thiết và gây ra tình trạng quáng gà. Thiếu vitamin A gây quáng gà thường xuyên xuất hiện ở những người đã từng thực hiện phẫu thuật bắc cầu đường ruột.
- Tác dụng phụ của thuốc trị tăng nhãn áp: Thuốc trị tăng nhãn áp thường là dung dịch thuốc nhỏ mắt, có tác dụng giảm lượng chất lỏng và thúc đẩy cơ chế thoát nước nhằm cải thiện áp suất trong mắt. Tác dụng dụng của loại thuốc này là khiến đồng tử nhỏ lại, tăng nguy cơ gây ra cận thị và quáng gà.
- Bệnh tiểu đường: Đã có nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh mối liên hệ mật thiết giữa bệnh tiểu đường với các vấn đề về thị lực ở người. Khi lượng đường trong máu quá cao rất dễ làm tổn thương các mạch máu ở võng mạc và gây bệnh võng mạc tiểu đường, làm suy giảm thị lực và khởi phát triệu chứng đầu tiên là quáng gà.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Bản chất của quáng gà là do các vấn đề về quang học, khi các tế bào hình que trong mắt không hoạt động tốt do chấn thương và hoặc ảnh hưởng từ các bệnh lý về mắt. Do đó, quáng gà được xem là một trong những triệu chứng của các bệnh lý về mắt, nhất là về giác mạc. Bạn sẽ nhìn không rõ, giảm tầm nhìn hoặc hoàn toàn không nhìn thấy gì trong bóng tối.
Một số biểu hiện cụ thể như sau:
- Khó lái xe vào ban đêm;
- Khó di chuyển hoặc làm việc ở những nơi có ánh sáng yếu, dù là ban ngày;
- Không thể phân biệt được mọi người nếu điều kiện ánh sáng kém, nhất là ở rạp chiếu phim hoặc nhà hát;
- Mất khá nhiều thời gian để điều tiết mắt nhìn trong bóng tối;
- Mắt nhạy cảm với ánh sáng, ngay cả khi trời không có ánh sáng gắt;
- Kèm theo các triệu chứng toàn thân như:
- Đau đầu
- Đau mắt
- Buồn nôn, nôn ói
- Các vấn đề rối loạn tiêu hóa
Khi xuất hiện các dấu hiệu trên và nghi ngờ là quáng gà hoặc bất kỳ vấn đề bất thường nào khác về thị lực, tổn thương võng mạc, hãy nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị, chăm sóc mắt.
Chẩn đoán
Chẩn đoán quáng gà thông qua các đánh giá lâm sàng, thăm hỏi triệu chứng, khai thác tiền sử gia đình, tiền sử dùng thuốc. Đồng thời, kết hợp các chẩn đoán cận lâm sàng xác định nguyên nhân, mức độ quáng gà như:
- Khám mắt giúp phát hiện và đánh giá mức độ tổn thương mắt;
- Chụp điện võng mạc giúp đo mức độ phản ứng của võng mạc với ánh sáng;
- Thử nghiệm biểu đồ độ nhạy tương phản Pelli-Robson thông qua đọc các chữ cái trên biểu đồ chuyển từ màu đen sang màu xám nhạt dần;
- Xét nghiệm máu đo nồng độ glucose và vitamin A có liên quan đến quáng gà;
Biến chứng và tiên lượng
Quáng gà thực chất là triệu chứng của nhiều bệnh lý về mắt, tiên lượng tình trạng còn tùy thuộc vào loại bệnh và mức độ bệnh cụ thể trong từng trường hợp cụ thể. Hầu hết các trường hợp bị quáng gà đều không quá nguy hiểm, bệnh nhân chỉ cần điều trị tích cực để cải thiện các khó khăn khi nhìn vào ban đêm dưới sự chỉ định của bác sĩ.
Những trường hợp bị quáng gà do thiếu vitamin A, cận thị, đục thủy tinh thể hoặc sau phẫu thuật khúc xạ mắt đều có thể điều trị được bằng các biện pháp y tế phù hợp. Sau điều trị, mắt sẽ dần trở lại bình thường, có thể nhìn rõ mọi vật trong điều kiện ánh sáng mờ, yếu.
Ngược lại, những người bị quáng gà có liên quan đến rối loạn di truyền tuy có thể kiểm soát được bệnh, nhưng không thể chữa khỏi dứt điểm. Điều này đồng nghĩa với việc triệu chứng quáng gà sẽ không thể biến mất hoàn toàn. Điều trị chủ yếu nhằm cải thiện thị lực, tầm nhìn ban đêm và ngăn biến chứng mù mắt.
Điều trị
Tùy từng trường hợp cụ thể, nguyên nhân gây quáng gà, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng biện pháp điều trị phù hợp:
- Điều trị cận thị: Cách điều trị cận thị tốt nhất là đeo kính mắt , kính áp tròng hoặc phẫu thuật tật khúc xạ mắt. Một số trường hợp khác có thể kết hợp liệu pháp làm phẳng giác mạc (orthokeratology) hoặc sử dụng atropine liều thấp 0.01% để làm chậm quá trình phát triển của cận thị ở trẻ em hoặc trẻ trong độ tuổi vị thành niên.
- Điều trị đục thủy tinh thể: Phẫu thuật là phương pháp duy nhất đem lại hiệu quả cao trong điều trị đục thủy tinh thể. Trường hợp bệnh chưa nặng, chưa cần thiết phẫu thuật có thể đeo kính để thực hiện các hoạt động hàng ngày.
- Điều trị tăng nhãn áp: Có 2 cách điều trị chính là dùng thuốc nhỏ mắt để giảm nhãn áp và phẫu thuật dẫn lưu dịch, giải phóng áp lực trong mắt. Nhờ đó, tình trạng quáng gà cũng sẽ được cải thiện nhanh chóng.
- Điều trị viêm võng mạc sắc tố: Những người bị viêm võng mạc sắc tố trước tiên phải thực hiện xét nghiệm di truyền để xác định mức độ bệnh và phương pháp điều trị phù hợp. Kết hợp phục hồi chức năng thị lực, cải thiện tình trạng quáng gà.
- Điều trị chứng Keratoconus: Bệnh nhân mắc bệnh Keratoconus mức độ nhẹ có thể kiểm soát dễ dàng bằng cách đeo kính hoặc kính áp tròng được thiết kế chuyên biệt. Ngoài ra, nếu bệnh tiến triển nặng hơn có thể áp dụng các biện pháp khác như đeo intacs giúp làm phẳng độ cong giác mạc, chiếu tia UV và dùng thuốc củng cố giác mạc. Trường hợp nghiêm trọng nhất phải ghép giác mạc để bảo tồn thị lực.
- Điều trị tiểu đường: Cần tập trung kiểm lượng đường trong máu bằng phương pháp phù hợp. Chẳng hạn như dùng thuốc, insulin, kết hợp điều chỉnh lối sống, sinh hoạt và kiểm tra chỉ số đường huyết thường xuyên.
- Điều trị thiếu vitamin A: Trường hợp thiếu vitamin nghiêm trọng sẽ phải bổ sung đường uống thông qua các loại thuốc được bác sĩ chỉ định. Nếu quáng gà không quá nghiêm trọng do thiếu vitamin A ít nên ưu tiên bổ sung thông qua các loại thực phẩm như thịt bò, thịt gà, gan, trứng, sữa, các loại rau lá xanh, khoai lang, cà rốt...
Phòng ngừa
Ngoại trừ những trường hợp quáng gà do các bệnh lý di truyền, tất cả những trường hợp còn lại đều có thể phòng ngừa được thông qua các biện pháp tích cực sau:
- Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin A trong trứng, sữa, rau chân vịt, cà rốt, bí đỏ, dưa vàng...
- Đeo kính râm khi ra ngoài để bảo vệ đôi mắt khỏi ánh nắng mặt trời. Vì tia UV cực kỳ độc hại cho mắt, làm tăng nguy cơ tăng nhãn áp, thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể.
- Cân nhắc chọn lựa loại kính râm phù hợp, có khả năng ngăn chặn ít nhất 99% tia UVA và UVB, lọc được 75 - 90% ánh sáng xanh và bảo vệ đôi mắt của bạn ở mọi góc độ.
- Duy trì thói quen tập thể dục thể thao, rèn luyện thể chất hàng ngày giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về mắt, chẳng hạn như kiểm soát đường huyết và giảm tích tụ dịch giảm nhãn áp.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tôi gặp khó khăn khi nhìn vào ban đêm hoặc khi ánh sáng yếu có phải dấu hiệu của quáng gà không?
2. Nguyên nhân khiến tôi bị quáng gà là gì?
3. Tình trạng quáng gà của tôi có nguy hiểm không?
4. Tôi phải làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán nguyên nhân gây quáng gà?
5. Phương pháp điều trị quáng gà phù hợp nhất với tình trạng bệnh của tôi?
6. Tôi có thể làm gì để điều trị quáng gà tại nhà?
7. Các loại thực phẩm tôi nên ăn để cải thiện tình trạng quáng gà?
8. Tại sao tôi phải phẫu thuật để điều trị quáng gà?
9. Tôi có cần đeo kính 24/24 khi đang điều trị quáng gà không?
10. Sau điều trị bệnh về mắt, triệu chứng quáng gà có khỏi hoàn toàn không?
Điều trị quáng gà bằng các biện pháp phù hợp với căn nguyên đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi và bảo tồn thị lực. Khuyến cáo bệnh nhân quáng gà nên hạn chế lái xe vào ban đêm, chủ động thăm khám để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị hiệu quả nhất, ngăn chặn các biến chứng sức khỏe, thị lực và rủi ro về tai nạn.
THAM KHẢO THÊM
- Bệnh Mù Màu - Nguyên Nhân, Cách Khắc Phục
- Viêm Mắt Dị Ứng Thời Tiết - Cách Nhận Biết Và Điều Trị
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!