Bệnh Xơ Gan Mất Bù

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Xơ gan mất bù còn được gọi là xơ gan cổ trướng và là giai đoạn thứ 2 của bệnh xơ gan. Đây là giai đoạn nguy hiểm khi các tế bào gan bị tổn thương không còn khả năng phục hồi, tái tạo, tăng nguy cơ phát sinh các biến chứng khó lường, đe dọa tính mạng nếu không điều trị kịp thời. Việc điều trị xơ gan mất bù chủ yếu nhằm mục đích giảm triệu chứng giúp người bệnh dễ chịu hơn và kéo dài sự sống. 

Tổng quan

Xơ gan mất bù (Decompensated cirrhosis) là 1 trong 2 dạng điển hình của xơ gan, bên cạnh xơ gan còn bù (Compensated cirrhossis). Đây là tình trạng gan tổn thương nặng gây suy giảm chức năng nghiêm trọng, tổn thương lan tỏa trên diện rộng, khoảng 80 - 90% tế bào gan đã bị xơ hóa. Các tế bào gan bình thường còn sót lại không đủ khả năng phục hồi tái sinh tế bào mới để bù trừ nên gọi là xơ gan mất bù.

Xơ gan mất bù là giai đoạn cuối của bệnh xơ gan, chức năng gan suy giảm hoàn toàn không còn khả năng phục hồi

Thực chất, xơ gan mất bù còn được gọi là bệnh xơ gan cổ trướng, là giai đoạn cuối của bệnh xơ gan. Đây là một tình trạng sức khỏe nguy hiểm cần được cấp cứu kịp thời để phòng tránh biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng người bệnh.

Có nhiều nguyên nhân gây ra chứng xơ gan mất bù, nhưng phổ biến nhất là do chế độ ăn uống, sinh hoạt kém, nghiện rượu bia, nhiễm virus, ký sinh trùng... khiến gan tổn thương trong thời gian dài. Triệu chứng giai đoạn xơ gan mất bù biểu hiện rõ rệt hơn rất nhiều so với giai đoạn đầu khi xơ gan còn bù.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Theo các nghiên cứu khoa học, cơ chế bệnh sinh của xơ gan mất bù nói riêng và xơ gan nói chung như sau:

  • Dưới sự tác động của các tác nhân như rượu bia, thuốc lá, virus viêm gan, thuốc tân dược, thực phẩm bẩn..., gan phải hoạt động hết công suất, liên tục trong thời gian dài khiến các đại thực bào ở gan (tế bào Kupffer) sản sinh quá mức các chất gây viêm như TNF-α, TGF-β, Interleukin…;
  • Khi tích tụ đủ nhiều, chúng sẽ kích hoạt các tế bào hình sao để sản sinh các mô sợi xơ. Lượng chất xơ ngày càng nhiều hình thành các nốt gan, mô sẹo, khiến gan chai cứng và không còn khả năng phục hồi;

Nhiễm virus viêm gan siêu vi B & C là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan mất bù

Thực chất, chứng xơ gan mất bù xảy ra là do sự phát triển từ giai đoạn xơ gan còn bù, biến chứng xơ gan giai đoạn đầu cộng với nhiều yếu tố tác động khác. Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ gây ra xơ gan mất bù như:

  • Rượu bia: Chất cồn (alcohol) khi vào trong cơ thể sẽ được đưa trực tiếp đến gan, khiến gan nhiễm độc và tổn thương theo thời gian. Ban đầu chỉ tổn thương nhẹ, sau đó tiến triển thành xơ gan và chuyển sang giai đoạn mất bù;
  • Nhiễm virus viêm gan: Các loại virus viêm gan điển hình như B hoặc C tấn công mạnh mẽ vào gan. Nếu hệ miễn dịch kém hoặc lượng bạch cầu không đủ chống lại virus, chúng sẽ gây hủy hoại các tế bào gan, biến chứng xơ hóa và hình thành mô sẹo, dẫn đến xơ gan;
  • Ký sinh trùng: Một số loại ký sinh trùng có khả năng gây xơ gan nói chung như sán lá gan, sốt rét...;
  • Tác dụng phụ của thuốc: Việc tự ý sử dụng các loại thuốc kháng sinh như Methotrexate, Methyldopa hoặc Amiodarone với liều cao trong thời gian dài làm tăng nguy cơ gây tổn thương gan, dẫn đến xơ gan nói chung và xơ gan mất bù nói riêng;
  • Ảnh hưởng từ các bệnh lý khác: Có nhiều bệnh lý nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể gây ra chứng xơ gan mất bù như viêm đường mật xơ cứng tiên phát, rối loạn tiêu hóa di truyền, hội chứng bệnh Wilson, chứng thừa sắt, ống mật hình thành kém...;
  • Nhiễm trùng huyết: Những người bị nhiễm trùng huyết thường kéo theo suy giảm hệ thống miễn dịch, suy giảm chức năng gan, lâu ngày biến chứng thành xơ gan mất bù;
  • Nhiễm hóa chất độc hại: Một số loại hóa chất độc hại khi nhiễm vào người như asen, thạch tín... có thể gây tắc mật, khiến gan bị quá tải trong việc đào thải độc tố. Tình trạng này kéo dài làm tăng nguy cơ suy giảm chức năng và biến chứng xơ gan, thậm chí tử vong.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Các triệu chứng trong giai đoạn xơ gan mất bù được biểu hiện rất rõ ràng. Vì đây là giai đoạn gan đã bị tổn thương hoàn toàn, chức năng gan không còn khả năng phục hồi nữa. Đặc trưng với các triệu chứng sau:

Chướng bụng, cổ trướng là biểu hiện đặc trưng nhất ở bệnh nhân xơ gan mất bù

  • Cổ trướng, chướng bụng: Có khoảng 85% bệnh nhân xơ gan mất bù gặp phải triệu chứng cổ trướng và chướng bụng. Có thể dễ dàng quan sát thấy bụng to ra bất thường vì chứa nhiều dịch trong ổ bụng, thấy rõ các mạch máu hằn lên da bụng, nổi rõ hai bên mạn sườn. Nguyên nhân là do chức năng tổng hợp protein và lọc máu của gan bị suy giảm.
  • Phù người: Phù là triệu chứng đặc trưng ở bệnh nhân xơ gan nói chung. Ban đầu chỉ bị phù ở 2 chân, sau đó đến giai đoạn mất bù chức năng gan suy yếu hoàn toàn gây phù toàn thân.
  • Vàng mắt, vàng da: Ở giai đoạn xơ gan mất bù, da bắt đầu chuyển sang màu vàng nghệ, cả mắt và móng tay cũng chuyển vàng. Nguyên nhân là do chức năng gan suy giảm kéo theo ống mật bị hoạt động trì trệ, độc tố nhiều nhưng không thể đào thải được làm tăng tích tụ bilirubin trong gan.
  • Xuất huyết nội tạng: Có khoảng 50% bệnh nhân xơ gan mất bù bị xuất huyệt nội tạng. Nguyên nhân gây triệu chứng này là do chỉ số huyết áp nội bộ cao quá mức tại tĩnh mạch cửa gan, tạo áp lực lên hệ thống tĩnh mạch ruột và dạ dày, kích thích căng phồng to lên và vỡ ra chảy máu;
  • Các triệu chứng não gan: Gan giảm đào thải độc tố khiến độc tố (thường là amoniac) tích tụ trong máu, lâu ngày dẫn đến biến chứng não gan trong giai đoạn nặng. Điển hình với các triệu chứng như mất ý thức, thiếu tỉnh táo trong hành vi, lời nói, suy nhược cơ, mệt mỏi, nặng hơn là lên cơn co giật nguy hiểm, có thể gây tử vong.
  • Một số triệu chứng khác:
    • Bệnh nhân mệt mỏi, uể oải, thiếu sức sống và chỉ muốn nằm yên một chỗ;
    • Chán ăn, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, phân nhạt màu, sụt cân;
    • Sắc mặt kém, da khô ráp, sạm nám, niêm mạc mắt nhợt nhạt;
    • Sốt nhẹ, quáng gà;
    • Đau dữ dội, liên tục tại vùng dưới hạ sườn bên trái vì đây là khu vực gan;

Chẩn đoán

Chẩn đoán xơ gan mất bù được thực hiện bởi các chuyên gia nội khoa. Bước đầu tiên là khám triệu chứng lâm sàng, quan sát phản ứng của bệnh nhân khi thực hiện các bài test sờ, ấn, chạm vào vùng gan, khai thác tiền sử bệnh, thói quen uống rượu, có đi du lịch nước ngoài trong thời gian gần đây không...

Thăm khám lâm sàng kết hợp các xét nghiệm cận lâm sàng chẩn đoán xơ gan mất bù

Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định kết hợp một số xét nghiệm cận lâm sàng để góp phần đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác hơn.

  • Xét nghiệm máu;
  • Chọc dịch ổ bụng hoặc nội soi dạ dày thực quản;
  • Chụp CT scan cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ MRI;
  • Siêu âm đo độ đàn hồi mô gan;
  • Sinh thiết gan;

Biến chứng và tiên lượng

Một người khi được chẩn đoán là xơ gan mất bù đồng nghĩa với việc bệnh xơ gan đã bước vào giai đoạn cuối, tiến triển phức tạp theo chiều hướng xấu, dễ gây biến chứng nguy hiểm và đe dọa mạng sống nếu không được điều trị kịp thời.

Một số biến chứng thường gặp ở bệnh nhân xơ gan mất bù như:

Xơ gan mất bù là giai đoạn dễ gây các biến chứng nguy hiểm cần phải cấp cứu kịp thời để bảo toàn tính mạng

  • Nhiễm trùng ổ bụng: Các ổ dịch trong bụng sưng phù, trướng to lên dẫn đến vỡ và gây nhiễm trùng tại chỗ hoặc nhiễm trùng lan ra toàn bộ ổ bụng. Từ nhiễm trùng gây ra hàng loạt biến chứng nghiêm trọng khác.
  • Biến chứng não gan: Chức năng đào thải độc tố của gan suy giảm khiến độc tố tích tụ trong máu, gây ra biến chứng não gan. Bệnh nhân gặp phải biến chứng này thường rơi vào trạng thái mất ý thức về hành vi, lời nói, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, ngủ gà ngủ gật, thiếu tỉnh táo. Một số trường hợp nặng hơn có thể rơi vào hôn mê sâu hoặc tử vong nếu không điều trị kịp thời.
  • Ung thư gan: Bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B, C hoặc nhiễm các chất độc hại gây xơ gan thường có nguy cơ cao biến chứng thành ung thư gan. Chúng có khả năng biến đổi các tế bào gan khỏe mạnh thành tế bào ác tính, biểu hiện bằng các khối u trong gan. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, tế bào ung thư có thể di căn sang các cơ quan khác, nguy cơ tử vong cao.
  • Suy đa tạng: Những tổn thương vĩnh viễn tại gan không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng tổn thương sang các cơ quan lân cận gây suy tim, suy thận, suy hô hấp...
  • Một số biến chứng khác:
    • Tăng áp lực tĩnh mạch cửa;
    • Lách to;
    • Giãn tĩnh mạch thực quản dạ dày;
    • Tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết;

Xơ gan mất bù là bệnh lý không thể trị khỏi dứt điểm hoàn toàn. Nhưng việc điều trị tích cực vẫn cần được thực hiện nhằm kéo dài sự sống. Tùy theo phác đồ điều trị, tiến triển bệnh, tình trạng sức khỏe và thời điểm điều trị sớm hay muộn mà thời gian sống của mỗi bệnh nhân là khác nhau.

  • Nếu phát hiện sớm và điều trị ngay trong giai đoạn đầu có thể sống > 15 - 20 năm;
  • Nếu chữa bệnh ở giai đoạn muộn hơn có thể chỉ sống được 6 - 10 năm;
  • Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn cuối thường chỉ sống thêm được 1 - 3 năm;

Điều trị

Xơ gan mất bù là giai đoạn cuối của xơ gan, chức năng gan đã tổn thương hoàn toàn và không còn khả năng tự phục hồi. Do đó, để điều trị khỏi bệnh dứt điểm là điều không thể. Việc điều trị trong giai đoạn này nhằm mục đích giảm đau, cải thiện các triệu chứng kèm theo và ngăn chặn tiến triển bệnh.

Tùy từng trường hợp bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp điều trị phù hợp.

1. Điều trị nội khoa 

Phác đồ thuốc dành cho bệnh nhân điều trị xơ gan mất bù gồm các nhóm thuốc sau:

Dùng thuốc trong giai đoạn xơ gan mất bù chỉ có tác dụng cải thiện triệu chứng tạm thời

# Nhóm thuốc cải thiện chuyển hóa tế bào 

Thuốc có tác dụng hỗ trợ cải thiện chuyển hóa các tế bào gan khỏe hơn phần nào, làm chậm tiến triển của xơ gan mất bù.

  • Vitamin C: liều 0.50 x 2 ống tiêm dưới dạng tĩnh mạch, mỗi đợt dùng từ 7 - 10 ngày;
  • Vitamin B12: liều 200microgam/ ngày, dùng 1 đợt x 10 ngày dưới dạng tiêm bắp thịt hoặc thuốc Lipochol dạng viên uống, liều 2 viên x 1 - 2 lần/ ngày;
  • Cyanidanol: liều 500mg/ viên x 3 lần/ ngày, tương đương mỗi lần 1 viên;

# Thuốc Glucocorticoid: Thường được chỉ định dùng cho những trường hợp bệnh xơ gan mất bù do xơ gan ứ mật hoặc xơ gan do nhiễm virus. Loại được sử dụng điển hình là Prednizolon 20 - 25mg/ ngày trong vòng 1 - 2 tuần. Sau đó giảm liều và duy trì với 5 - 10mg/ ngày, dùng đều đặn mỗi tháng.

# Các loại thuốc hormone khác:

  • Testosterone: giúp tăng cường chuyển hóa đạm dư thừa trong cơ thể. Được dùng dưới dạng tiêm bắp 100mg Propionat Testosterone;
  • Thuốc Flavonoit Sylimarin, điển hình với các biệt dược như Legalon, Carcyl;

# Tiêm truyền dịch: Được chỉ định cho bệnh nhân xơ gan mất bù bị giảm protein máu, giảm prothrombin gây các triệu chứng lâm sàng như chảy máu dưới da, xuất huyết tiêu hóa... Bệnh nhân có thể được truyền máu tươi hoặc dung dịch plasma đậm đặc, albumin 20% hoặc các loại đạm tổng hợp (Moriamin hoặc Alvezin) mỗi tuần hoặc 2 tuần/ lần.

# Nhóm thuốc trị cổ trướng 

  • Thuốc chống lợi tiểu, chống thải kali (Aldacton) hoặc thuốc chống lợi tiểu nhưng mất kali (Furosemid);
  • Trường hợp cổ trướng nặng sẽ kết hợp chọc hút dịch lỏng thường xuyên, sau đó truyền Dextran và Albumin tĩnh mạch;

# Thuốc điều trị biến chứng 

Bệnh nhân xơ gan mất bù gặp biến chứng xuất huyết tiêu hóa, giãn tĩnh mạch thực quản cần dùng:

  • Truyền tĩnh mạch nhỏ giọt dung dịch Glanduitrin 20 - 40 đơn vị hòa với dung dịch Glucoza 50% 300ml;
  • Tiêm thuốc gây xơ hóa (Polidocanol) để cầm máu;

# Thuốc điều trị nguyên nhân 

  • Trường hợp xơ gan mất bù do nhiễm virus viêm gan B được chỉ định dùng nhóm thuốc Nucleosides có khả năng ức chế sự phát triển của virus như Entecavir, Tenofovir, Adefovir divipoxil, Telbuvidine...;
  • Trường hợp xơ gan mất bù do rượu cần phải cai rượu ngay;

2. Chăm sóc tích cực 

Điều trị nội khoa là phương pháp kết hợp giữa dùng thuốc và chăm sóc tích cực tại nhà thông qua các biện pháp sau:

Bệnh nhân xơ gan mất bù cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp, cân bằng các chất và giảm tải áp lực cho gan

# Chế độ dinh dưỡng 

  • Đảm bảo dinh dưỡng cân bằng, trong đó: calo khoảng 2500 - 3000kcal/ ngày, đạm khoảng 1.2 - 1.5g/ kg/ ngày;
  • Đối với bổ sung đạm nên hạn chế và duy trì ở mức thấp, nhất là khi bệnh nhân xơ gan mất bù rơi vào hôn mê hoặc có dấu hiệu tiền hôn mê;
  • Chế biến thức ăn hợp khẩu vị của người bệnh, tuy nhiên nên chú ý không dùng nhiều mỡ, đường, muối và các loại gia vị khác, tốt nhất nên ăn thanh đạm, ăn nhạt để cải thiện triệu chứng phù;
  • Tăng cường các loại thực phẩm giàu axit amin phân nhánh trong các loại thực phẩm lành mạnh để ngăn ngừa suy dinh dưỡng, biến chứng nhiễm trùng hôn mê gan;
  • Thay dầu mỡ động vật bằng dầu thực vật organic, hạn chế sử dụng các loại thực phẩm lạ, có nguy cơ dị ứng cao;
  • Tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi, chế biến thực phẩm chín kỹ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm;
  • Chia nhỏ các bữa ăn chính trong ngày thành nhiều bữa phụ, tăng cường bổ sung các loại vitamin, khoáng chất cần thiết cho sức khỏe, nâng cao miễn dịch thông qua rau xanh, củ quả, trái cây tươi...;

# Chế độ sinh hoạt

  • Bệnh nhân xơ gan mất bù tuyệt đối không được uống rượu bia hay bất kỳ loại thức uống có chứa chất cồn nào;
  • Giữ vệ sinh tai, mũi, miệng, nhất là khi có các triệu chứng chảy máu để ngăn ngừa biến chứng nhiễm trùng;
  • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn ở nơi thoáng mát, yên tĩnh;
  • Tư thế nằm tốt nhất là kê chân cao hơn tim để hỗ trợ cải thiện triệu chứng phù chân, phù người;
  • Vận động tích cực để rèn luyện thể chất, tăng cường miễn dịch, tránh stress, căng thẳng, kiên trì và có tinh thần lạc quan, nghị lực để điều trị bệnh tốt hơn;
  • Chú ý theo dõi cân nặng của bệnh nhân thường xuyên và các triệu chứng bệnh xem có thuyên giảm hay không để thông báo cho bác sĩ ở lần tái khám tiếp theo;

3. Các thủ thuật khác

Được chỉ định thực hiện kết hợp dùng thuốc nhằm cải thiện triệu chứng và hạn chế mức độ tổn thương do các biến chứng xơ gan mất bù gây ra.

  • Chọc hút dịch cổ trướng: Bệnh nhân phải định kỳ tái khám để chọc hút dịch cổ trướng, loại bỏ lượng dịch dư thừa tích trữ trong bụng. Cách này nhằm giảm nguy cơ vỡ ổ dịch, giảm lực cho hệ tiêu hóa, ngăn biến chứng nhiễm trùng;
  • Phương pháp tế bào gốc: Sử dụng các tế bào gốc khỏe mạnh được chiết từ tủy xương, trải qua giai đoạn nuôi cấy bên ngoài, sau đó truyền ngược lại vào trong cơ thể, thông qua các động mạch gan. Các tế bào gốc này có tác dụng giảm tiến triển xơ hóa, thúc đẩy tăng sinh mạch máu, giảm viêm và ổn định chức năng gan. Tuy nhiên, phương pháp này khá tốn kém do chi phí cao.

4. Phẫu thuật

Trường hợp xơ gan mất bù đã biến chứng nghiêm trọng, gan bị tổn thương hoàn toàn, không thể phục hồi được nữa sẽ được chỉ định ghép gan ngay để duy trì sự sống cho bệnh nhân. Theo thống kê, một người được phẫu thuật ghép gan thường sống được lâu hơn khoảng 15 - 20 năm.

Phẫu thuật ghép gan được thực hiện nhằm duy trì sự sống cho bệnh nhân

Tuy nhiên, phương pháp này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro hậu phẫu, nhất là nhiễm trùng và đào thải tạng. Không những vậy, phẫu thuật rất tốn kém và không phải lúc nào cũng có sẵn gan hiến tặng để phẫu thuật ngay.

Phòng ngừa

Chủ động xây dựng lối sống khoa học và lành mạnh là cách tốt nhất để phòng ngừa xơ gan mất bù và những biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Tiêm vắc xin ngừa viêm gan B phòng ngừa xơ gan mất bù nói riêng và xơ gan nói chung

  • Tiêm phòng vắc xin ngừa viêm gan B, C theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đặc biệt là ở trẻ em.
  • Xây dựng lối sống lành mạnh, nói không với rượu bia để phòng ngừa xơ gan nói chung và các vấn đề sức khỏe khác.
  • Ăn chín uống sôi, không ăn thực phẩm tái, sống hoặc chế biến không sạch sẽ để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.
  • Sơ chế và chế biến thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, loại bỏ độc tố, các vi sinh vật gây hại cho gan.
  • Bệnh nhân đã từng nhiễm virus viêm gan B và C nên tái khám định kỳ 3 - 6 tháng/ lần để sớm phát hiện các bất thường đang xảy ra để điều trị kịp thời, ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm như xơ gan hoặc ung thư gan.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân tại sao khiến tôi bị xơ gan mất bù?

2. Xơ gan mất bù giai đoạn cuối nguy hiểm như thế nào?

3. Tiên lượng ngắn hạn và dài hạn đối với tình trạng bệnh của tôi?

4. Thời gian sống còn được bao lâu khi phát hiện xơ gan mất bù?

5. Các xét nghiệm chẩn đoán xơ gan mất bù cần thiết tôi phải thực hiện?

6. Phương pháp điều trị xơ gan mất bù tốt nhất dành cho trường hợp của tôi?

7. Trong giai đoạn xơ gan mất bù, dùng thuốc có còn hiệu quả không?

8. Phẫu thuật ghép gan khi nào được chỉ định thực hiện?

9. Nếu tôi không điều trị xơ gan mất bù thì có sao không?

10. Tôi cần làm gì để hỗ trợ điều trị xơ gan mất bù nhằm kéo dài sự sống?

Xơ gan mất bù là tình trạng suy giảm chức năng gan nghiêm trọng và cũng là giai đoạn cuối của xơ gan. Do đó, việc đối mặt với những biến chứng nguy hiểm trong giai đoạn này là khó tránh khỏi. Điều bệnh nhân cần làm chính là tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ để kiểm soát bệnh và duy trì sự sống. Kết hợp chăm sóc tích cực, tinh thần lạc quan và thăm khám định kỳ để góp phần cải thiện bệnh tốt hơn.

Xem thêm:

Chia sẻ:
Bệnh Ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là dạng ung thư phổ biến xảy ra bên trong niêm mạc dạ dày. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong…
Bệnh Thoát Vị Rốn
Thoát vị rốn là một trong những bệnh lý bẩm…
Bệnh Polyp Túi Mật
Polyp túi mật là những u nhú được hình thành…
Dị ứng sữa Bệnh Dị Ứng Sữa
Dị ứng sữa là một dạng dị ứng khá phổ…
Bệnh Lỵ

Bệnh lỵ là một dạng nhiễm khuẩn đường ruột cấp tính, xảy ra phổ biến ở cả trẻ em lẫn…

Bệnh Áp xe gan

Áp xe gan là một trong những dạng áp xe nội tạng phổ biến tại Việt Nam, nơi có kiểu…

Bệnh Tả

Bệnh tả là một trong những bệnh lý truyền nhiễm cấp tính xảy ra ở ruột non do vi khuẩn…

Bệnh Dị Ứng Thực Phẩm

Dị ứng thực phẩm xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ và cả người lớn. Bệnh liên quan đến hiện…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua