Bệnh Viêm Tuỵ Cấp
Viêm tụy cấp là một dạng rối loạn nghiêm trọng cần cấp cứu nội khoa. Chủ yếu do rượu bia, sỏi mật, thuốc... Bệnh lý này có tỷ lệ biến chứng và tử vong cao, nhất là khi có bệnh lý nền. Triệu chứng viêm tụy cấp tiến triển nhanh và phức tạp, tốt nhất nên thăm khám điều trị bằng các biện pháp y tế phù hợp để bảo tồn sức khỏe và tính mạng.
Tổng quan
Tụy là bộ phận nằm phía sau dạ dày, bên trái vùng bụng và gần với đầu ruột non, Tuyến tụy có nhiệm vụ chính là tạo ra các enzyme cần thiết cho ruột non để tiêu hóa thức ăn. Đồng thời, tạo ra các hormone insulin & glucagon nhằm kiểm soát chỉ số đường huyết trong máu.
Viêm tụy cấp (acute pancreatitis) là tình trạng sưng viêm các nhu mô tuyến tụy đột ngột, nhanh chóng, các triệu chứng tiến triển trong thời gian ngắn. Đây là một dạng rối loạn cực kỳ nghiêm trọng, có nguy cơ biến chứng và tử vong cao nên cần được phát hiện sớm, can thiệp điều trị kịp thời.
Phân loại
Dựa vào triệu chứng lâm sàng, viêm tụy cấp được chia làm 3 thể bệnh chính gồm:
- Viêm tụy cấp thể xuất huyết: Dịch ổ bụng có lẫn máu, màu đục xung quanh tụy hoặc tại nhiều vị trí trong ổ bụng.
- Viêm tụy cấp thể phù nề: Tụy phù nề cục bộ hoặc lan rộng sang khắp các tổ chức xung quanh như lá lách, các khoang sau phúc mạc, hình ảnh ổ bụng có dịch trong.
- Viêm tụy cấp thể xuất huyết hoại tử: Người bệnh mắc thể bệnh này có nguy cơ tử vong từ 80- 90%.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Viêm tụy cấp thực chất là quá trình tự hủy các mô do chính sự sản sinh của men tụy. Thông thường, các loại men tụy như lipase, amylase, trypsin... được sản sinh ra để phân hủy thức ăn. Chúng tồn tại dưới dạng bất hoạt và chỉ được hoạt hóa khi đến tá tràng.
Nhưng vì một lý do nào đó khiến các tế bào nang tuyến tụy bị tăng mức độ nhạy cảm khi tiếp xúc với acid, acetylcholine, cholecystokinin gây hoạt hóa men tụy ngay trong chính lòng ống tụy. Sự hoạt động bất thường này khiến các mô tụy bị phá hủy, viêm nhiễm và phát sinh viêm tụy cấp.
Nguyên nhân
Bệnh viêm tụy cấp xảy ra phổ biến do các nguyên nhân sau:
- Nghiện rượu bia: Rượu bia là nguyên nhân cơ học hàng đầu gây ra viêm tụy cấp;
- Tắc nghẽn ống mật: Có nhiều vấn đề gây tắc nghẽn ống mật như sỏi ống mật, giun đũa chua ống mật, có dị vật hoặc khối u tụy, u bóng Vater...;
- Rối loạn chuyển hóa: Thường là do tăng triglycerid và tăng canxi máu;
- Biến chứng hậu phẫu: Viêm tụy cấp xảy ra sai khi phẫu thuật các bộ phận xung quanh tụy hoặc sau thủ thuật nội soi mật - tụy ngược dòng;
- Nhiễm khuẩn & hóa chất: Độc tố từ vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, hóa chất... cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm tụy cấp.
- Vi khuẩn: Legionella, Mycobacterium avium, Mycoplasma, Mycobacterium tuberculosis, Campylobacter jejuni, Leptospirosis...;
- Virus: Cytomegalovirus, Epstein-Barr virus, Coxsackie, Echovirus, Varicella, Rubella, HIV, viêm gan A, B, C...;
- ký sinh trùng: Cryptosporidium, Ascaris lumbricoides, Microsporidia, Clonorchis sinensis;
- Hóa chất trong thuốc trừ sau phospho hữu cơ...;
- Tác dụng phụ của thuốc: Lạm dụng một số loại thuốc như mercaptopurin, ethylalcol, azathioprin, tetracyclin... dễ gây ra viêm tụy cấp;
- Vô căn: Có khoảng 10 - 15% trường hợp viêm tụy cấp là do vô căn, không tìm ra nguyên nhân;
Yếu tố nguy cơ
Ngoài ra, một số yếu tố sau có khả năng làm tăng nguy cơ viêm tụy cấp:
- Người cao tuổi > 70 tuổi;
- Nghiện hút thuốc lá;
- Người thừa cân béo phì (chỉ số BMI > 30);
- Tiền sử gia đình từng có người mắc bệnh viêm tụy;
- Dị tật bẩm sinh;
- Rối loạn di truyền;
- Tổn thương vùng bụng, phẫu thuật bụng;
- Ung thư tuyến tụy;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Viêm tụy cấp được biểu hiện thông qua các triệu chứng điển hình sau:
- Đau bụng: Xảy ra ở 100% trường hợp bệnh.
- Cơn đau bụng do viêm tụy cấp xảy ra chủ yếu ở vùng thượng vị, trên rốn;
- Bùng phát đột ngột không có dấu hiệu báo trước, đau dữ dội lúc ban đầu (thường là sau khi ăn quá nhiều rượu, thịt) và kéo dài âm ỉ liên tục, kéo dài trong nhiều giờ liền sau đó;
- Có xu hướng lan ra sau lưng, 2 bên mạn sườn;
- Buồn nôn & ói mửa: Xảy ra ở khoảng 70 - 80% trường hợp viêm tụy cấp.
- Cảm giác buồn nôn và nôn ói xuất hiện sau cơn đau bụng.
- Nôn ra dịch mật và cả dịch dạ dày, một vài trường hợp nặng còn có lẫn máu trong dịch;
- Sau khi nôn xong vẫn có thể tiếp tục bị đau;
- Khó tiêu & chướng bụng: Triệu chứng này thường xảy ra ở những trường hợp viêm tụy cấp mức độ nghiêm trọng, gây biến chứng hoại tử nặng. Người bệnh có cảm giác chướng bụng, nặng bụng, khó tiêu, ứ hơi kèm có thể kèm theo đi ngoài phân lỏng liên tục hoặc táo bón.
- Các triệu chứng khác:
- Đau điểm sườn - thắt lưng, có thể ở 1 hoặc cả 2 bên;
- Bí trung đại tiện do viêm tụy cấp gây liệt ruột cơ năng;
- Quan sát lâm sàng thấy vàng da, chẩn đoán túi mật và gan to;
- Sốt cao, khó thở, nhịp tim tăng nhanh, tụt huyết áp, rối loạn ý thức, vô niệu... trong trường hợp viêm tụy cấp hoại tử gây trụy mạch. Trường hợp này cần phải nhập viện ngay để cấp cứu kịp thời;
Chẩn đoán
Chẩn đoán viêm tụy được thực hiện thông qua đánh giá các triệu chứng lâm sàng vừa nêu trên. Đồng thời, kết hợp các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để quan sát, phát hiện và đánh giá mức độ tổn thương của tụy. Từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Một số xét nghiệm hình ảnh cận lâm sàng thường được áp dụng như:
- Siêu âm: Hình ảnh siêu âm giúp đánh giá mức độ tổn thương tụy và tiến triển viêm tụy cấp, chẩn đoán chính xác là thể phù hoặc thể hoại tử. Ngoài ra, siêu âm giúp phát hiện tổn thương hoại tử lây lan, áp xe tụy và các nang giả tụy, thăm dò đường mật tìm kiếm nguyên nhân gây bệnh như sỏi hoặc giun...
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm phân tích công thức máu là điều kiện cần để chẩn đoán viêm tụy cấp. Chỉ số amylase và lipase tăng cao gấp 3 lần so với bình thường.
- Chỉ số amylase máu và nước tiểu tăng cao, đạt mức tối đa chỉ sau 48 - 72 tiếng, sau đó giảm về bình thường;
- Chỉ số Lipase máu tăng cao cùng lúc với amylase nhưng đặc hiệu hơn;
- Chụp cắt lớp vi tính CT scan: Đây là chẩn đoán hình ảnh cho giá trị chẩn đoán chính xác và tiên lượng bệnh. Hình ảnh CT tụy cho thấy rõ hình dạng, kích thước, vị trí, mức độ tổn thương..., chính xác hơn so với siêu âm.
- Chụp X quang ngực: Được chỉ định áp dụng để chẩn đoán biến chứng tràn dịch màng phổi do viêm tụy cấp. Đồng thời, chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác ngoài tụy như suy gan, suy thận cấp...
- Chụp cộng hưởng từ mật tụy (MRCP): Được chỉ định áp dụng thực hiện trong trường hợp không tìm ra nguyên nhân gây viêm tụy cấp.
- Các xét nghiệm khác:
- Nghiệm pháp dung nạp glucose;
- Đo nồng độ canxi;
- Đánh giá chức năng gan;
- Đo nồng độ các chất điện giải;
- Sinh thiết tụy
- ...
Đồng thời, chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác như:
- Thủng ổ loét dạ dày - tá tràng;
- Tắc ruột;
- Viêm túi mật cấp tính;
- Viêm phổi;
- Nhồi máu mạc treo;
- Nhồi máu cơ tim;
- Nhiễm toan ceton (biến chứng bệnh đái tháo đường);
- Bệnh lupus hệ thống ban đỏ, collagen mạch máu hoặc viêm đa động mạch nút;
Biến chứng và tiên lượng
Các biến chứng nguy hiểm của viêm tụy cấp gồm:
- Suy thận: Viêm tụy cấp gây suy giảm chức năng thận, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy thận nặng, bắt buộc phải chạy thận lọc máu nhân tạo để duy trì sự sống.
- Suy hô hấp cấp (ARDS): Tiến triển viêm tụy cấp gây ảnh hưởng đến quá trình lưu thông và trao đổi khí ở phổi, thay đổi hoạt động hóa sinh, lượng oxy giảm dẫn đến suy hô hấp cấp, đe dọa sự sống bệnh nhân.
- Viêm tụy cấp hoại tử: Ở giai đoạn nặng, tuyến tụy có nguy cơ bị hoại tử, kèm theo thoát dịch vào khoang bụng, gây giảm huyết áp và thể tích máu. Hậu quả của tình trạng này là gây sốc dẫn đến suy đa tạng, nguy hiểm đến tính mạng.
- Nang giả tụy: Sự hình thành của các nang giả tụy, chứa chất lỏng enzyme ở bên trong và xung quanh tụy làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, áp xe, xuất huyết, bội nhiễm...
- Nhiễm trùng tụy: Từ biến chứng hoại tử làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tụy, thường là sau giai đoạn khởi phát 1 tuần. Nhiễm trùng kéo dài có thể gây biến chứng nhiễm trùng lây lan rất nguy hiểm cần được điều trị ngay.
- Xuất huyết ổ bụng: Viêm tụy cấp nghiêm trọng gây vỡ giả phình mạch và xuất huyết vào trong ổ bụng, đường tiêu hóa gây sốc mất máu, tụt huyết áp, tụt mạch nhanh.
- Suy tạng: Xảy ra khi các chất độc và enzyme tấn công vào máu, tiến triển suy nội tạng như phổi, thận, tim... gây tử vong.
- Viêm tụy mạn: Viêm tụy cấp tái phát nhiều lần gây ức chế sản sinh insulin của tuyến tụy, tăng nguy cơ đái tháo đường và ung thư tuyến tụy.
Các chuyên gia khẳng định, viêm tụy cấp xảy ra dù do bất kỳ nguyên nhân, biến chứng sức khỏe nào cũng đều có tiên lượng nặng. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, người bệnh viêm tụy cấp trong lần đầu tiên cần phải thăm khám sớm và có biện pháp điều trị, cải thiện tích cực, ngăn ngừa biến chứng về sau.
Điều trị
Hầu hết những trường hợp bùng phát viêm tụy cấp đều ở mức độ nhẹ và có thể tự thuyên giảm dần sau 5 - 7 ngày. Trong giai đoạn này, tùy theo mức độ bệnh nặng hay nhẹ mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp điều trị phù hợp.
1. Điều trị nội khoa
Được ưu tiên áp dụng để điều trị viêm tụy cấp ban đầu, khi bệnh nhân được nhập viện theo dõi. Điều trị nội khoa nhằn mục đích kiểm soát triệu chứng, ngăn chặn biến chứng và hồi sức tích cực tại chuyên khoa (nếu cần thiết).
Giảm đau & bù dịch
Nguyên tắc cơ bản trong điều trị viêm tụy cấp đầu tiên chính là giảm đau và bù dịch.
# Bù dịch: Nhằm điều chỉnh rối loạn nước, cân bằng các chất điện giải thăng bằng kiềm toan (nhất là điều chỉnh magnesium, ion calci).
- Bằng dung dịch Ringer truyền tĩnh mạch với liều khuyến cáo ban đầu là 15 - 20mL/ kg, sau đó truyền 3mL/ kg mỗi 3 giờ (tương đương 250 - 500mL/ giờ.
- Truyền liên tục trong 24 giờ đầu tiên tùy theo tiến triển bệnh;
- Trong quá trình truyền cần chú ý theo dõi các chỉ số sinh hiệu, ure máu, hồng cầu, lượng nước tiểu... để điều chỉnh lượng cho phù hợp;
# Giảm đau: Dùng thuốc giảm đau nhằm xử lý cơn đau, giảm sự khó chịu cho bệnh nhân tạm thời. Các thuốc giảm đau thường dùng như:
- Paracetamol;
- Thuốc chống viêm không steroid;
- Thuốc giảm đau Opioids dạng uống hoặc truyền tĩnh mạch (fentanyl hoặc hydromorphone);
- Thuốc giảm đau tác dụng lên thần kinh trung ương (chỉ định cho trường hợp đau dữ dội không đáp ứng với các loại thuốc giảm đau thông thường);
Ngoài ra, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc chống nôn với liều dùng phù hợp để giảm cảm giác đau, khó chịu khi nôn quá mức.
Về chế độ dinh dưỡng
Ngoài cải thiện triệu chứng, chế độ ăn uống khi điều trị viêm tụy cấp cũng là vấn đề cần quan tâm.
- Trong vòng 12 giờ đầu kể từ khi nhập viện, bệnh nhân phải nhịn ăn hoàn toàn cho đến khi cơn đau, nôn ói,... thuyên giảm;
- Bắt đầu từ ngày thứ 2 trở đi, bệnh nhân có thể ăn uống nhẹ, thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu, thanh đạm, ít chất béo;
- Trường hợp viêm tụy cấp nghiêm trọng không thể tự ăn uống bình thường sẽ được đặt ống thông mũi - dạ dày hoặc truyền dưỡng chất qua đường tĩnh mạch thêm trong trường hợp không đủ dưỡng chất;
Điều trị bằng kháng sinh đồ
Đối với những bệnh nhân viêm tụy cấp có dấu hiệu nhiễm trùng sẽ được chỉ định điều trị bằng phác đồ kháng sinh nhằm loại bỏ viêm nhiễm, ngăn chặn lây lan. Bệnh nhân không được tự ý dùng kháng sinh khi chưa có chỉ định. Chỉ dùng khi đã có bằng chứng về nhiễm trùng. Tránh dùng sớm vì có thể làm giảm lượng dịch truyền cần thiết cho cơ thể trong vòng 1 - 2 ngày đầu nhập viện.
Ngoài ra, một số trường hợp có thể được chỉ định dùng thuốc khác như:
- Thuốc giảm tiết tuyến tụy, chống tiết dịch vị làm giảm gián tiếp tiết tuyến tụy như thuốc kháng histamin H2, thuốc ức chế bơm proton...;
- Thuốc trị biến chứng, dự phòng sốc nhiễm độc như: thuốc vận mạch doputamin, thuốc heparin điều trị rối loạn đông máu; thuốc cường giao cảm Nor-Epinephrin...;
2. Điều trị ngoại khoa
Trường hợp viêm tụy cấp phát sinh mức độ nghiêm trọng, tiên lượng xấu với các ổ dịch nhiễm trùng, có sỏi túi mật... cần phải phẫu thuật sớm để ngăn ngừa biến chứng. Sau chẩn đoán nguyên nhân, xác định tổn thương và đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ phẫu thuật loại bỏ các mô tụy bị tổn thương, chết, cắt bỏ túi mật chứa sỏi để ngăn chặn nhiễm trùng.
Ngoài ra, một số trường hợp nếu không phù hợp phẫu thuật sẽ được cầm máu, chích rạch ổ áp xe, dẫn lưu ổ dịch, nang giả tụy, lọc thận nếu suy thận, điều trị suy hô hấp... để xử lý biến chứng viêm tụy cấp. Tuy nhiên, phẫu thuật ngoại khoa là phương pháp tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường, bệnh nhân cần thận trọng khi quyết định và tuân thủ các chỉ định y tế của bác sĩ.
Phòng ngừa
Viêm tụy cấp gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và cả tính mạng do tiến triển nhanh chóng. Tuy có thể kịp soát bằng các biện pháp tích cực nhưng bản chất của viêm tụy cấp cũng là rối loạn sức khỏe đáng lo ngại, cần được phòng ngừa từ sớm.
Các cách ngăn ngừa viêm tụy cấp đơn giản bạn nên áp dụng ngay:
- Hạn chế sử dụng rượu bia, hút thuốc lá quá thường xuyên hoặc tốt nhất nên từ bỏ thói quen này để ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe tiêu cực.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, chia nhỏ các bữa ăn, sử dụng thực phẩm lành mạnh (rau củ quả, bánh mì, yến mạch, gạo nâu...), ăn nhạt, ít dầu mỡ, uống nhiều nước... để kiểm soát mỡ máu.
- Sổ giun đũa định kỳ để là một trong những việc làm cần thiết nhằm phòng tránh nguy cơ viêm tụy cấp.
- Tập thể dục điều độ mỗi ngày, nâng cao sức đề kháng, tránh thừa cân béo phì.
- Với những bệnh nhân có bệnh lý nền là sỏi mật, mỡ máu, đái tháo đường... cần quản lý bệnh tốt, thăm khám định kỳ để kịp thời phát hiện và xử lý các biến chứng, trong đó có viêm tụy cấp.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Viêm tụy cấp là bệnh gì? Có nguy hiểm không?
2. Nguyên nhân tại sao tôi bị viêm tụy cấp?
3. Làm cách nào để phân biệt triệu chứng viêm tụy cấp với các triệu chứng bệnh lý tiêu hóa khác?
4. Tiên lượng tình trạng bệnh viêm tụy cấp của tôi có nặng không?
5. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm cần thiết nào để chẩn đoán viêm tụy cấp?
6. Phác đồ điều trị tốt nhất dành cho trường hợp viêm tụy cấp của tôi?
7. Bị viêm tụy cấp khi nào cần nhập viện?
8. Nếu chỉ dùng thuốc có trị khỏi viêm tụy cấp không?
9. Bị viêm tụy cấp có cần phẫu thuật không? Những rủi ro và lợi ích liên quan?
10. Viêm tụy cấp có nguy cơ tái phát sau khi xuất viện không?
11. Bị viêm tụy cấp nên ăn gì và kiêng gì tốt nhất?
12. Tôi cần điều chỉnh lối sống sinh hoạt như thế nào để phòng tránh viêm tụy cấp?
Viêm tụy cấp rất nguy hiểm, dễ biến chứng và đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu xử lý kịp thời. Do đó, trước những triệu chứng bất thường về tuyến tụy, hãy chủ động thăm khám sớm để được chẩn đoán nguyên nhân và điều trị tích cực bằng những phương pháp phù hợp, ngăn ngừa biến chứng phức tạp khó chữa về sau.
Xem thêm:
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!