Hội chứng Lynch
Lynch là một dạng rối loạn di truyền có liên quan đến nguy cơ cao phát triển một số bệnh ung thư, phổ biến nhất là ung thư đại trực tràng. Độ tuổi mắc bệnh chủ yếu là dưới 50 tuổi. Nếu không điều trị sớm, ung thư tiến triển nghiêm trọng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Điều trị hội chứng Lynch tương tự như các phương pháp điều trị ung thư khác như phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị.
Tổng quan
Hội chứng Lynch (Lynch Syndrome) còn được gọi bằng cái tên khác là hội chứng ung thư đại trực tràng di truyền không do polyp (Hereditary non-polyposis colorectal cancer - HNPCC). Những người mắc hội chứng Lynch thường có nguy cơ cao phát triển ung thư đại trực tràng và nhiều dạng ung thư khác, thường dưới 50 tuổi.
Hội chứng này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai vì nó là kết quả của đột biến gen. Đột biến này có thể di truyền từ bố mẹ sang con trong quá trình bào thai phát triển. Hoặc một số trường hợp bất thường đột biến tự phát ngẫu nhiên không liên quan đến tiền sử gia đình.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân
Đột biến các gen chịu trách nhiệm sửa chữa tổn thương DNA là nguyên nhân chính gây ra hội chứng Lynch. Những gen này phát triển đột biến khiến chúng không có khả năng sửa chữa những tổn thương DNA đúng cách. Hậu quả dẫn đến sự tích tụ quá mức các đột biến ở những gen khác và cuối cùng làm phát triển ung thư.
Một số gen đột biến được phát hiện có liên quan đến hội chứng Lynch gồm:
- MLHL 15 - 40%;
- MSH2 20 - 40%;
- MSH6 12 - 35%;
- PMS2 5 - 25%;
- EPCAM < 10%;
Hội chứng Lynch là một dạng rối loạn di truyền trên nhiễm sắc thể thường. Tức là chỉ cần thừa hưởng 1 bản sao từ bộ gen đột biến của bố hoặc mẹ là có thể phát triển hội chứng này. Gen đột biến có khả năng di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư qua từng thế hệ.
Yếu tố nguy cơ
Ngoài nguyên nhân đột biến gen, còn một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng liên quan đến hội chứng Lynch gồm:
- Người lớn tuổi;
- Người gốc Phi;
- Tiền sử cá nhân từng mắc bệnh ung thư đại trực tràng;
- Tiền sử mắc các bệnh viêm đường ruột như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn...;
- Yếu tố di truyền và tiền sử gia đình có bố mẹ hoặc anh chị em ruột có người từng phát triển ung thư đại trực tràng;
- Chế độ ăn uống nhiều chất béo, calo và ít chất xơ, lối sống kém khoa học, lười vận động, hút thuốc lá, nghiện rượu;
- Người thừa cân béo phì hoặc tiền sử mắc bệnh tiểu đường;
- Tiền sử xạ trị điều trị ung thư vùng bụng;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Triệu chứng hội chứng Lynch thường biểu hiện khác nhau về cả số lượng và mức độ, tùy theo mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Đặc điểm chung của hầu hết trường hợp mắc hội chứng Lynch có các triệu chứng tương tự như ung thư, trong đó dạng ung thư phổ biến nhất là ung thư đại tràng hay ung thư trực tràng.
Điển hình gồm các triệu chứng sau đây:
- Thay đổi tính chất đại tiện như tiêu chảy, táo bón;
- Lẫn máu trong phân;
- Đau bụng, chuột rút;
- Đau tức vùng chậu;
- Buồn nôn và nôn ói;
- Cảm giác chướng bụng đầy hơi.
- Sụt cân đột ngột;
- Chảy máu âm đạo bất thường;
Chẩn đoán
Theo các chuyên gia, những người được chẩn đoán mắc ung thư đại trực tràng hoặc các dạng ung thư khác cần phải tiến hành kiểm tra các dấu hiệu của hội chứng Lynch. Cụ thể một số xét nghiệm dưới đây có thể giúp phát hiện chứng bệnh này:
- Nội soi đại tràng;
- Siêu âm đầu dò qua ngả âm đạo;
- Xét nghiệm nước tiểu;
- Xét nghiệm máu;
- Sinh thiết khối u;
- Các xét nghiệm hình ảnh khác như chụp X quang hoặc chụp cắt lớp vi tính CT scan;
Ngoài ra, có 3 thử nghiệm chính xác giúp xác nhận chẩn đoán hội chứng Lynch là:
- Xét nghiệm di truyền: Nhằm phát hiện sự hiện diện của các gen đột biến có liên quan đến hội chứng Lynch.
- Thử nghiệm không ổn định vi vệ tinh (MSI): Thử nghiệm này giúp xác định trong cơ thể bệnh nhân có phát triển khối u nào hay không, các khu vực có hoạt động DNA không ổn định do đột biến gen. Nếu kết quả chỉ số MSI cao sẽ chứng tỏ bệnh nhân có nguy cơ cao mắc hội chứng Lynch.
- Xét nghiệm hóa mô miễn dịch (IHC): Xét nghiệm này cho phép đánh giá kết quả các protein trong khối u có bị thiếu hụt hay không, xác nhận chẩn đoán mắc hội chứng Lynch.
Để đưa ra chẩn đoán chính xác về hội chứng Lynch, cần dựa vào các tiêu chí sau:
- Tiền sử mắc bệnh ung thư đại - trực tràng hoặc ung thư nội mạc tử cung dưới độ tuổi 50;
- Phát triển nhiều hơn 2 loại ung thư được khẳng định có liên quan đến hội chứng Lynch;
- Tiền sử gia đình từng có người mắc các bệnh lý ung thư có liên quan đến hội chứng Lynch;
Biến chứng và tiên lượng
Các chuyên gia cảnh báo, ung thư đại - trực tràng được xem là biến chứng nguy hiểm nhất của hội chứng Lynch. Nhưng cũng có không ít trường hợp mắc hội chứng Lynch chỉ phát triển một số khối polyp trong đại trực tràng (lành tính và không phải ung thư) trong giai đoạn đầu. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, polyp có thể phát triển thành ung thư.
Dưới sự ảnh hưởng của các triệu chứng như đau bụng, táo bón, tiêu chảy kéo dài gây mất nước, xuất huyết gây thiếu máu dẫn đến mệt mỏi, suy nhược cơ thể. Tình trạng này nếu kéo dài quá lâu có thể gây ra nhiều hệ lụy khó lường cho sức khỏe.
Ngoài ung thư đại trực tràng, hội chứng Lynch còn gây ra rất nhiều dạng ung thư khác, nếu không được điều trị kịp thời, các khối u ung thư phát triển đến giai đoạn cuối di căn có thể dẫn đến tử vong. Chẳng hạn như:
- Ung thư dạ dày;
- Ung thu đường mật gồm ung thư ống mật hoặc ung thư gan;
- Ung thư đường ruột non;
- Ung thư tuyến tụy;
- Ung thư đường tiết niệu gồm ung thư niệu quản, ung thư bàng quang hoặc ung thư thận;
- Ung thư não hoặc ung thư hệ thần kinh trung ương;
- Riêng với nữ giới có thể phát triển ung thư buồng trứng hoặc ung thư nội mạc tử cung;
Điều trị
Mục tiêu điều trị hội chứng Lynch tương tự như bệnh ung thư đại trực tràng hoặc các dạng ung thư khác. Tùy theo từng giai đoạn, mức độ nghiêm trọng hoặc tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp điều trị phù hợp. Phổ biến nhất là phẫu thuật kết hợp xạ trị và hóa trị. Cụ thể như sau:
Phẫu thuật
Trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân mắc hội chứng Lynch có thể được cân nhắc thực hiện phẫu thuật để loại bỏ khối u ung thư. Một số kỹ thuật phẫu thuật được áp dụng phổ biến gồm:
Phẫu thuật là phương pháp chính điều trị hội chứng Lynch nhằm loại bỏ khối u ung thư phát triển
- Giai đoạn đầu: Trường hợp khối u ung thư hoặc polyp còn nhỏ, đang trong giai đoạn phát triển sớm thường được chỉ định phẫu thuật nội soi để loại bỏ.
- Giai đoạn ung thư xâm lấn: Trường hợp khối u ung thư đã lan sang các hạch bạch huyết gần đó, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ một phần đại tràng chứa khối u ung thư hoặc các mô bình thường ở xung quanh đó. Sau đó, tiến hành nối các đoạn đại - trực tràng còn khỏe mạnh lại với nhau.
- Giai đoạn tiến triển: Trong giai đoạn này, khối u ung thư phát triển mạnh và nghiêm trọng, bác sĩ sẽ yêu cầu làm phẫu thuật khai thông để làm giảm tắc nghẽn bên trong đại tràng nhằm cải thiện triệu chứng. Phẫu thuật trong giai đoạn này không có khả năng chữa khỏi ung thư nhưng nó có thể giúp cải thiện các triệu chứng chảy máu và đau nhức.
Một số kỹ thuật phẫu thuật được áp dụng phổ biến như:
- Cắt bỏ khối u, polyp hoặc các hạch bạch huyết bị tác động bằng nộ soi, sóng tần số vô tuyến hoặc các sóng ngắn;
- Phẫu thuật dao lạnh;
- Phẫu thuật thắt mạch;
Xạ - Hóa trị
Nhằm tăng hiệu quả phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện liệu pháp xạ trị hoặc hóa trị để hỗ trợ tiêu diệt tế bào ung thư.
- Xạ trị: Phương pháp này sử dụng nguồn tia X năng lượng mạnh được chiếu trực tiếp vào cơ thể để tiêu diệt các tế bào ung thư. Hoặc có thể áp dụng trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u giúp việc loại bỏ dễ dàng hơn, cải thiện triệu chứng tốt ung thu tốt hơn.
- Hóa trị: Hóa trị là các loại thuốc hóa chất mạnh được truyền trực tiếp vào cơ thể để tiêu diệt các tế bào ung thư. Thuốc hóa trị giúp kiểm soát tiến triển tăng trưởng của khối u, thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật hoặc hỗ trợ cải thiện triệu chứng sau khi phẫu thuật.
Các loại thuốc khác
Một số loại thuốc giúp hỗ trợ điều trị ung thư đại trực tràng và các dạng ung thư khác liên quan đến hội chứng Lynch bao gồm:
- Thuốc nhắm mục tiêu: Thường được chỉ định sử dụng trong giai đoạn muộn của bệnh. Điển hình với các loại thuốc thường dùng như cetuximab, bevacizumab, panitumumab...
- Liệu pháp miễn dịch: Loại thuốc này có khả năng nâng cao hệ thống miễn dịch để tăng khả năng chống lại sự phát triển của các tế bào ung thư.
Phòng ngừa
Một số phương pháp tích cực giúp phòng ngừa hội chứng Lynch và các bệnh do di truyền như:
- Định kỳ thăm khám sức khỏe tổng quát, thường xuyên thực hiện tầm soát sàng lọc ung thư thông qua các biện pháp nội soi hoặc xét nghiệm hình ảnh.
- Những người có kết quả chẩn đoán có nguy cơ cao phát triển hội chứng Lynch sẽ được khuyến nghị sử dụng aspirin hàng ngày hoặc phẫu thuật sớm để giảm nguy cơ khởi phát ung thư.
- Đồng thời, thay đổi lối sống sinh hoạt lành mạnh để giảm nguy cơ phát triển ung thư đại tràng thông qua chế độ ăn uống khoa học, hạn chế sử dụng rượu, cai thuốc lá, vận động tích cực hàng ngày, duy trì cân nặng phù hợp...
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Nguyên nhân khiến tôi mắc hội chứng Lynch?
2. Hội chứng Lynch có phải nguyên nhân phát triển ung thư đại trực tràng không?
3. Tôi cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán hội chứng Lynch?
4. Hội chứng Lynch có nguy hiểm không?
5. Tôi có thể gặp phải những biến chứng gì nếu không điều trị kịp thời?
6. Phương pháp điều trị tốt nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?
7. Những lợi ích và rủi ro liên quan đến các chỉ định điều trị hội chứng Lynch?
8. Tôi cần làm gì để chăm sóc hỗ trợ cải thiện triệu chứng trong quá trình điều trị?
9. Chi phí điều trị tốn bao nhiêu? Mất bao lâu thì khỏi hẳn?
10. Tôi có cần tái khám thường xuyên sau điều trị không?
Hội chứng Lynch được gây ra bởi các đột biến di truyền rất khó kiểm soát. Khi phát bệnh làm tăng nguy cơ phát triển các dạng ung thư nguy hiểm gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh. Do đó, bệnh nhân cần tuân thủ phối hợp điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Với những người chưa mắc bệnh nhưng có nguy cơ cao, nên thường xuyên thực hiện các xét nghiệm di truyền và sàng lọc ung thư để sớm phát hiện, điều trị kịp thời ngăn ngừa biến chứng khó lường.
Có thể bạn quan tâm
- Hội chứng Gardner - Nguyên nhân gây ung thư đại trực tràng hiếm gặp
- Polyp đại tràng và các dạng thường gặp
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!