Bệnh Hạ Canxi Máu

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Hạ canxi máu xảy ra khi mức canxi trong máu giảm quá thấp. Tình trạng này có liên quan đến nhiều nguyên nhân và vấn đề sức khỏe khác, nguyên nhân càng nghiêm trọng, triệu chứng càng nặng và ngược lại. Điều trị hạ canxi máu khá đơn giản, tập trung bổ sung lượng canxi thiếu hụt trong thời gian ngắn hoặc dài tùy theo nguyên nhân.

Tổng quan

Hạ canxi máu (Hypocalcemia) là tình trạng nồng độ canxi trong máu thấp hơn mức bình thường. Tình trạng này có liên quan đến một số vấn đề sức khỏe như suy tuyến cận giáp hoặc thiếu hụt vitamin D.

Bệnh nhân hạ canxi máu có thể xảy ra nhẹ hoặc nặng, cấp tính tạm thời hoặc mạn tính vĩnh viễn tùy theo nguyên nhân. Sự thiếu hụt canxi trong máu nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường, nhất là về sức khỏe mắt, các vấn đề về răng miệng, suy nhược cơ thể, suy giảm chức năng não bộ, xương. Nghiêm trọng nhất là gây co giật, suy tim sung huyết và tử vong.

Hạ canxi máu là tình trạng nồng độ canxi trong máu giảm thấp bất thường

Bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể bị hạ canxi máu, kể cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ngoài các bệnh lý, vấn đề sức khỏe làm ảnh hưởng đến cơ chế kiểm soát canxi, rối loạn di truyền cũng là tác nhân gây hạ canxi máu ở trẻ. Ước tính có khoảng 3.5 tỷ người bị thiếu canxi trên toàn thế giới (thống kê năm 2005).

Tình trạng hạ canxi máu có thể điều trị và dự phòng được bằng các biện pháp y tế tích cực cũng như thông qua chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học. Khuyến cáo nên khám bác sĩ thường xuyên để theo dõi chỉ số canxi trong máu và đánh giá quá trình điều trị.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Canxi là một trong những khoáng chất cực kỳ quan trọng cho cơ thể. Phần lớn lượng canxi được lưu trữ trong xương và một số ít sẽ nằm trong máu. Canxi trong máu tuy chiếm tỷ lệ không nhiều, nhưng đủ để thực hiện các chức năng quan trọng như:

  • Kiểm soát sự hoạt động của các dây thần kinh;
  • Kích thích các cơ co lại linh hoạt khi di chuyển;
  • Điều hòa nhịp tim và hỗ trợ làm đông máu;

Khi bị hạ canxi máu, những chức năng quan trọng này sẽ bị suy giảm. Đặc biệt, cơ thể sẽ lấy canxi từ xương để bù vào máu khiến xương không còn chắc khỏe.

Nguyên nhân

Nồng độ canxi trong máu được kiểm soát bởi 2 loại hormone chính gồm hormone tuyến cận giáp (PTH) và calcitonin. Cụ thể một số nguyên nhân gây hạ canxi máu như:

Suy tuyến cận giáp là nguyên nhân hàng đầu gây hạ canxi máu

  • Suy tuyến cận giáp (Hypoparathyroidism): Đây là tình trạng khá hiếm gặp, xảy ra khi các tuyến cận giáp (gồm 4 tuyến nhỏ nằm phía sau tuyến giáp cổ) bị suy giảm hoặc mất chức năng, không thể sản sinh đủ lượng hormne tuyến cận giáp (PTH) cho cơ thể. Nồng độ PTH thấp kéo theo giảm lượng canxi máu. Suy tuyến cận giáp có thể tổn thương, phẫu thuật cổ, ảnh hưởng từ các bệnh lý tự miễn hoặc do di truyền.
  • Thiếu hụt vitamin D: Vitamin D là một steroid quan trọng giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ canxi. Khi thiếu vitamin D cũng sẽ gây hạ canxi máu. Có rất nhiều yếu tố dẫn đến thiếu vitamin D, nhưng thường là do rối loạn di truyền hoặc không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
  • Suy thận: Hầu hết những trường hợp bị hạ canxi máu mạn tính suốt đời thường là do nồng độ phosphatase kiềm trong máu tăng đột biến. Tình trạng này thường xuất hiện ở những bệnh nhân suy thận. Mức độ suy thận càng nặng càng khiến lượng canxi máu giảm dần đến mức cạn kiệt.

Yếu tố nguy cơ 

Ngoài 3 nguyên nhân chính trên, còn rất nhiều yếu tố rủi ro khác làm tăng nguy cơ gây hạ canxi máu như:

Căng thẳng và kích động quá mức làm giảm hormone PTH, gây hạ canxi máu với các dấu hiệu điển hình như Chovstek và Trousseau

  • Giả tuyến cận giáp: Là một dạng rối loạn di truyền khiến cơ thể không đáp ứng sản xuất ra PTH. Tình trạng này kéo dài khiến cơ thể thiếu hụt canxi trong máu và khởi phát các triệu chứng hạ canxi máu nghiêm trọng.
  • Không có tuyến cận giáp: Những người sinh ra không có tuyến cận giáp, chẳng hạn như hội chứng bệnh DiGeorge gây đột biến gen, thiếu nhiễm sắc thể số 22, khiến tuyến cận giáp không phát triển hoặc phát triển với kích thước nhỏ hơn bình thường.
  • Viêm tụy cấp: Là tình trạng viêm tuyến tụy khiến cơ thể kích hoạt phản ứng tự bảo vệ và gây ra hạ canxi máu. Tỷ lệ người bị viêm tụy cấp dẫn đến hạ canxi máu khoảng 15 - 88%.
  • Hạ magie máu: Lượng magie trong máu giảm thấp vượt ngưỡng cho phép sẽ kéo theo giảm nồng độ PTH và gây hạ canxi máu.
  • Căng thẳng quá mức: Căng thẳng, kích động quá mức gây hạ canxi máu. Điển hình với các dấu hiệu lâm sàng như kích thích dây thần kinh sọ số 7 (dấu hiệu Chovstek), co thắt cổ tay do thiếu oxy (dấu hiệu Trousseau). Nguyên nhân là do sự căng thẳng làm giải phóng nhiều catecholamine và ít hormone PTH;
  • Một số rối loạn di truyền khác: Chẳng hạn như suy đa tuyến tự miễn, suy tuyến giáp tự miễn do nhiễm nấm Candida niêm mạc hoặc vô căn có liên kết với NST lặn gen giới tính X, hội chứng Fanconi... cũng có thể gây hạ canxi máu.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc gây hạ canxi máu như:
    • Thuốc kháng sinh Rifampicin;
    • Thuốc Corticosteroids;
    • Thuốc chống động kinh Phenobarbital;
    • Thuốc kháng virus dạng tiêm Foscarnet, viên nén Cloroquin,
    • Thuốc chống ung thư xương như Ibandronate, Axit Zoledronic, Alendronate, Risedronate;
    • Thuốc điều trị loãng xương như Denosumab, Calcitonin;
    • Thuốc trị bệnh thận mãn tính như Cinacalcet;
  • Bệnh Celiac: Ngoài ra, bệnh Celiac và một số rối loạn tiêu hóa khác làm giảm khả năng hấp thu ở đường ruột cũng có thể gây hạ canxi máu;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Hầu hết những bệnh nhân hạ canxi máu mức độ nhẹ vừa khởi phát thường không có triệu chứng. Ngược lại, lượng canxi máu càng thấp, triệu chứng càng nhiều và nặng. Cụ thể như sau:

Đau thắt cơ bắp tay, chân là triệu chứng thường gặp ở những người bị hạ canxi máu

Triệu chứng hạ canxi máu nhẹ

  • Da khô, bong vảy;
  • Dễ gãy móng tay;
  • Tóc khô xơ, dễ gãy;
  • Chuột rút cơ bắp, nhất là vùng lưng và chân;

Triệu chứng hạ canxi máu nặng

  • Các triệu chứng về thần kinh như ảo giác, lú lẫn, bồn chồn lo lắng, giảm trí nhớ, trầm cảm...;
  • Đau thắt cơ;
  • Xuất hiện cảm giác ngứa ran ở đầu lưỡi, môi, ngón tay, bàn chân;
  • Co thắt cơ thanh quản gây khó thở;
  • Co thắt và cứng cơ bắp;
  • Rối loạn nhịp tim;
  • Suy tim sung huyết;
  • Động kinh;

Chẩn đoán

Chẩn đoán hạ canxi máu được thực hiện thông qua đánh giá các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng. Cụ thể như sau:

Xét nghiệm máu đo nồng độ canxi toàn phần để chẩn đoán mức độ hạ canxi máu

  • Khám lâm sàng: Đánh giá các triệu chứng lâm sàng mà bệnh nhân mắc phải, kết hợp kiểm tra phản ứng của cơ thể, đặc biệt là biểu hiện thần kinh gồm:
    • Co cơ lưng, chi;
    • Sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần;
    • Tăng phản xạ, co giật cơ thể hoặc các dấu hiệu Tetani (là kết quả của tình trạng hạ canxi máu nghiêm trọng);
    • Dấu hiệu Chvostek được biểu hiện co giật không chủ ý khi gõ nhẹ lên dây thần kinh mặt nằm phía trước ống tai ngoài;
    • Dấu hiệu Trousseau là tình trạng co cổ tay đột ngột do hạ canxi máu hoặc một số trường hợp khác như nhiễm kiềm, tăng - giảm kali máu...;
    • Hội chứng tiền kinh nguyệt nghiêm trọng ở nữ giới hạ canxi máu;
  • Xét nghiệm cận lâm sàng: Bao gồm:
    • Xét nghiệm máu cho kết quả nồng độ canxi toàn phần trong huyết thanh < 8.8 mg/dL;
    • Xét nghiệm máu đo hormone tuyến cận giáp (PTH);
    • Xét nghiệm máu đo nồng độ vitamin D, phốt pho, magie;
    • Xét nghiệm hình ảnh xương nhằm kiểm tra có các tổn thương về xương hay không;
    • Đo điện tâm đồ nhằm phát hiện bất thường về nhịp tim do hạ canxi máu;

Biến chứng và tiên lượng

Thông thường, các triệu chứng hạ canxi máu tuy nhiều và có vẻ nghiêm trọng nhưng chỉ cần được điều trị đúng cách, chúng sẽ biến mất ngay lập tức. Nhưng với những trường hợp hạ canxi máu do các nguyên nhân bệnh lý khác, chỉ khi bạn điều trị khỏi căn nguyên gây bệnh dứt điểm, chứng hạ canxi máu mới được cải thiện.

Bệnh nhân hạ canxi máu nghiêm trọng có thể gây co giật, suy tim sung huyết và tử vong

Hầu hết các trường hợp hạ canxi máu đều có tiên lượng tốt nhờ đáp ứng tốt với các biện pháp điều trị. Do đó, nếu bệnh nhân chủ quan không điều trị, tình trạng hạ canxi máu ngày càng nặng hơn và gây ra nhiều rủi ro cho sức khỏe. Không chỉ giảm thể chất, tinh thần mà còn gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng như co giật, suy tim sung huyết...

Tùy thuộc vào nguyên nhân, tình trạng hạ canxi máu của bạn có thể chỉ xuất hiện tạm thời cho đến khi điều trị khỏi hoặc kéo dài suốt đời đối với trường hợp mạn tính. Hãy trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán và tiên lượng phải điều trị hạ canxi máu trong bao lâu, dùng thuốc gì phù hợp cũng như biện pháp chăm sóc sức khỏe tích cực khác.

Điều trị

Mục tiêu điều trị hạ canxi máu nhằm bổ sung lượng canxi thiếu hụt trong máu, cải thiện các triệu chứng bệnh, phục hồi sức khỏe và ngăn ngừa biến chứng.

Một số biện pháp điều trị hạ canxi máu được áp dụng phổ biến như:

Sơ cứu bệnh nhân hạ canxi máu

Bệnh nhân hạ canxi máu cấp có tiến triển nhanh chóng và tiên lượng xấu nếu không điều trị kịp thời. Ngay khi phát hiện người thân/ bạn bè bị hạ canxi máu, hãy lập tức thực hiện các bước sau:

Cho người bị hạ canxi máu uống 1 viên canxi sủi để cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng

  • Vỗ nhẹ liên tục lên 2 bên má để duy trì sự tỉnh táo cho bệnh nhân;
  • Nếu bệnh nhân đã bất tỉnh hãy thử ấn huyệt nhân trung nằm giữa miệng và mũi để tỉnh lại;
  • Tránh tạo ra những kích thích thần kinh như tức giận, căng thẳng, buồn bã quá mức để tránh làm tăng nặng cơn hạ canxi máu;
  • Dùng 1 viên canxi sủi pha nước để cho bệnh nhân uống ngay (nếu có);
  • Nếu không có thuốc, hãy cố gắng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt;

Điều trị bằng thuốc

Tùy theo nguyên nhân và mức độ hạ canxi máu, bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng loại thuốc phù hợp.

  • Thuốc bổ sung canxi uống: Thuốc chứa canxi hoặc TPCN bổ sung canxi dạng uống được chỉ định dùng cho những trường hợp hạ canxi máu nhẹ. Có tác dụng khôi phục nồng độ canxi về mức bình thường. Thuốc bổ sung canxi được điều chế dưới dạng dung dịch, dạng viên hoặc nhai, gồm các loại như canxi carbonat, canxi phosphat, canxi citrate...
  • Bổ sung vitamin D: Bệnh nhân hạ canxi máu mạn tính do thiếu hụt vitamin D thường kết hợp bổ sung vitamin D và thuốc canxi nhằm tăng cường khả năng hấp thu canxi đúng cách cho cơ thể.
  • Hormone tuyến cận giáp: Trường hợp hạ canxi máu do suy tuyến cận giáp, bệnh nhân sẽ sử dụng chế phẩm tổng hợp của hormone tuyến cận giáp để bổ sung lượng thiếu hụt trong cơ thể nhằm kiểm soát ổn định lượng canxi trong máu.

Bệnh nhân hạ canxi máu được chỉ định uống thuốc bổ sung canxi nhằm phục hồi mức canxi máu phù hợp

  • Tiêm tĩnh mạch Canxi gluconat: Bệnh nhân hạ canxi máu nhập viện trong trạng thái co thắt cơ bắp, chuột rút nghiêm trọng sẽ được tiêm tĩnh mạch canxi gluconat. Liệu pháp này thường được ưu tiên sử dụng ống thông tĩnh mạch trung tâm nhằm giảm nguy cơ thoát mạch và gây kích ứng đến các mô xung quanh. Liều dùng khuyến cáo 1 - 2 ống 10ml pha loãng với canxi gluconat 10% trong 50 - 100ml. Truyền chậm trong 5 - 10 phút.
  • Một số loại thuốc khác:
    • Bổ sung chất tương tự vitamin D là Calcitriol hoặc Alfacalcidol. Liều khuyến cáo là 0.5 - 1μg mỗi ngày;
    • Liệu pháp bổ sung magie cấp tính nhằm kiểm soát không làm tăng PTH hoặc canxi huyết thanh;
    • Thuốc lợi tiểu nhóm Thiazide nhằm giảm thiểu tần suất bài tiết canxi qua nước tiểu, nhờ cơ chế tăng khả năng tái hấp thu canxi ở ống thận xa;

Liệu pháp thay thế PTH

Liệu pháp thay thế hormone tuyến cận giáp (PTH) cũng là một trong những lựa chọn điều trị hiệu quả. Phương pháp này nhằm mục đích điều chỉnh tình trạng tăng canxi niệu, đồng thời giảm nguy cơ nhiễm canxi thận, hình thành sỏi thận và phát triển suy thận.

Bên cạnh đó, liệu pháp này còn giúp giảm thiểu sự rối loạn và hạn chế giảm canxi máu, nhu cầu sử dụng các chất chuyển hóa canxi, vitamin D.

Tuy nhiên, dù tình trạng hạ canxi máu có thể được cải thiện nhưng suy tuyến cận giáp lại không được khuyến cáo điều trị bằng cách này. Do đó, liệu pháp hormone thay thế vẫn chưa được chấp thuận trong điều trị suy tuyến cận giáp gây hạ canxi máu.

Phòng ngừa

Hạ canxi máu thực chất là biểu hiện của rất nhiều vấn đề sức khỏe khác nên không có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu. Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau đây để giảm nguy cơ mắc phải:

Tăng cường bổ sung canxi, vitamin D, magie... thông qua thực phẩm phòng ngừa hạ canxi máu

  • Đảm bảo bổ sung canxi vừa đủ với nhu cầu của cơ thể, nhất là người trưởng thành. Người > 51 tuổi bổ sung 2000mg/ngày và từ 19 - 50 tuổi bổ sung 2500mg/ngày. Bạn có thể bổ sung thông qua thực phẩm hoặc uống các loại vitamin tổng hợp.
  • Phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh được khuyến khích tăng cường bổ sung canxi giảm nguy cơ loãng xương và dễ bị hạ canxi máu.
  • Điều chỉnh khẩu phần và thực đơn ăn uống. Tăng cường bổ sung nguồn thực phẩm giàu canxi như sữa, trứng, phô mai, các loại đậu, bông cải xanh, bánh mì, nước cam...
  • Ưu tiên chọn nguồn sữa chứa chất béo bão hòa và dễ chuyển hóa. Hoặc tốt nhất nên chọn loại ít hoặc không có chất béo nhằm giảm nguy cơ tăng cholesterol, khởi phát các bệnh tim mạch.
  • Kết hợp bổ sung vitamin D và magie hỗ trợ tăng cường hấp thu canxi vào máu, giảm nguy cơ hạ canxi máu.
  • Tránh tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, nhất là những loại thuốc gây cản trở hấp thụ canxi.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Những dấu hiệu nào cho thấy tôi bị hạ canxi máu?

2. Lý do gì khiến tôi bị hạ canxi máu?

3. Tôi sẽ bị hạ canxi máu trong bao lâu?

4. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán hạ canxi máu?

5. Tình trạng hạ canxi máu của tôi có nghiêm trọng không?

6. Tôi phải dùng thuốc nào để điều trị hạ canxi máu? Dùng trong bao lâu?

7. Hạ canxi máu có thể chữa khỏi dứt điểm được không?

8. Tôi cần làm gì trong quá trình điều trị hạ canxi máu?

9. Con tôi hoặc những thành viên khác trong gia đình có nguy cơ bị hạ canxi máu giống tôi hay không?

10. Chế độ ăn uống và sinh hoạt tôi cần thực hiện để ngăn ngừa tái phát hạ canxi máu?

Hạ canxi máu không quá nguy hiểm, tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, suy giảm trí tuệ mà còn đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Do đó, khuyến cáo những người dễ bị hạ canxi máu dù tạm thời hay suốt đời cũng cần thăm khám và điều trị bệnh tích cực, ngăn ngừa các biến chứng khó lường về sau.

XEM THÊM

Chia sẻ:
Bệnh Bướu Cổ
Bướu cổ là một dạng tổn thương tuyến giáp, xảy ra khi tuyến này phát triển lớn hơn bình thường. Thường có hoặc không có kèm theo dấu hiệu rối…
Giãn Ống Dẫn Sữa
Giãn ống dẫn sữa là mối lo ngại của không…
Bệnh U Tuyến Yên
U tuyến yên là khối u lành tính (không phải…
Bệnh Suy Tuyến Yên
Suy tuyến yên là một dạng rối loạn hiếm gặp…
Bệnh Cường Giáp

Cường giáp là một dạng rối loạn miễn dịch gây tăng sinh hormone tuyến giáp quá mức cần thiết. Phát…

Hội chứng Waterhouse-Friderichsen

Hội chứng Waterhouse-Friderichsen là bệnh lý nhiễm trùng hiếm gặp gây tổn thương các mạch máu ở tuyến thượng thận…

Bệnh Đổ Mồ Hôi Trộm

Đổ mồ hôi trộm là tình trạng hay xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Thời điểm ra…

Bệnh Rối Loạn Nội Tiết Tố

Rối loạn nội tiết tố là tình trạng mất cân bằng hormone xảy ra ở cả nam và nữ giới,…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua