Bệnh Đổ Mồ Hôi Trộm
Đổ mồ hôi trộm là tình trạng hay xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Thời điểm ra mồ hôi trộm nhiều nhất là vào ban đêm, chủ yếu ở các vị trí như đầu, trán, lưng, ngực, nách, bàn tay, bàn chân... Tình trạng đổ mồ hôi trộm kéo dài có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý mạn tính khác nhau, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tốt nhất nên thăm khám, chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt để dự phòng các biến chứng nguy hiểm.
Tổng quan
Đổ mồ hôi trộm hay đổ mồ hôi đêm (Cold Sweats) là tình trạng cơ thể tiết ra mồ hôi nhưng không liên quan đến yếu tố thời tiết hay vận động, thường xảy ra vào ban đêm khi đang ngủ. Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể bị đổ mồ hôi trộm, nhưng phổ biến nhất là ở trẻ em.
Mồ hôi trộm thường được cơ thể bài tiết ở các bộ phận như trán, đầu, bàn tay, bàn chân, nách..., vì đây là những nơi có nhiều tuyến mồ hôi. Lượng mồ hôi có thể ra nhiều hoặc ít tùy theo mức độ bệnh, có nhiều trường hợp dù đang ngủ, không cử động nhưng mồ hôi vẫn ra ướt đẫm cả quần áo, drap giường dù thời tiết không quá nóng.
Trong đổ mồ hôi trộm có chứa các thành phần chính là nước (chiếm 90%), muối và một số chất cặn thừa khác. Do đó, nếu mồ hôi trộm lượng nhiều và thường xuyên rất dễ khiến cơ thể bị mất nước, muối, gây rối loạn cân bằng các chất điện giải và gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe, dễ bị suy nhược, yếu sức.
Phân loại
Dựa vào nguyên nhân gây mồ hôi trộm, các chuyên gia đã chia tình trạng này làm 2 dạng chính gồm:
- Mồ hôi trộm sinh lý: Tình trạng đổ mồ hôi bất thường vào ban đêm là biểu hiện cho việc cơ thể đang trong trạng thái tiến hành trao đổi chất mạnh mẽ và gây tỏa nhiệt. Trẻ em là đối tượng dễ gặp tình trạng này nhất và đây không phải bệnh lý nên không gây ra các tác động xấu đến sức khỏe của trẻ.
- Mồ hôi trộm bệnh lý: Đổ mồ hôi trộm liên tục, số lượng mồ hôi ra lúc nhiều lúc ít có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý về rối loạn nội tiết, hội chứng ngưng thở khi ngủ, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, ung thư... Trong những trường hợp này, bệnh nhân cần phải thăm khám sớm để chẩn đoán điều trị kịp thời.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Có không ít nguyên nhân gây đổ mồ hôi trộm ở cả người lớn và trẻ em. Có thể kể đến một số nguyên nhân sau:
Nguyên nhân gây đổ mồ hôi trộm ở trẻ em
- Trẻ bị còi xương: Sau khi bú mẹ hoặc lúc đang ngủ, trẻ sẽ ra rất nhiều mồ hôi dù thời tiết bình thường. Kèm theo đó là các biểu hiện khác như chán ăn, ngực nhô cao, đầu xương to...
- Hội chứng tăng tiết mồ hôi: Trẻ mắc hội chứng tăng tiết mồ hôi khiến trẻ đổ mồ hôi thường xuyên, kể cả lúc ngủ và ở trong phòng có nhiệt độ mát mẻ.
- Thiếu vitamin D và canxi: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất cần vitamin D và canxi để phát triển xương. Tuy nhiên, dưới sự ảnh hưởng của các vấn đề sức khỏe như trẻ sinh non, nhẹ cân, hệ miễn dịch yếu kém mắc các bệnh nhiễm khuẩn... sẽ rất dễ bị thiếu hụt vitamin D. Tình trạng này trưng với biểu hiện trẻ đổ mồ hôi trộm liên tục ở ngực, đầu, lưng...
- Bệnh tim bẩm sinh: Những đứa trẻ chào đời với dị tật tim bẩm sinh rất dễ gặp phải triệu chứng đổ mồ hôi trộm vào ban đêm và cả những khi trẻ thực hiện các hoạt động gắng sức.
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ: Vấn đề bệnh lý này thường xảy ra ở trẻ sinh non. Trẻ thường ngưng thở nhiều lần trong đêm, tối đa mỗi lần có thể kéo dài 60 giây. Với các biểu hiện đặc trưng như cơ thể trẻ tăng bài tiết mồ hôi nhiều, da tái nhợt, thở khò khè...
- Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS): Trẻ sơ sinh ngủ trong môi trường quá bí bách, nhiệt độ cao, không khí ngột ngạt rất dễ dẫn đến đột tử. Trong quá trình diễn ra, trẻ sẽ có các biểu hiện như đổ nhiều mồ hôi trộm, ngưng thở ngắt quãng, trẻ ngủ li bì...
Nguyên nhân gây đổ mồ hôi trộm ở người lớn
- Mãn kinh, mãn dục: Nữ giới mãn kinh hoặc nam giới mãn dục là một dạng rối loạn nội tiết tố phổ biến. Nam giới giảm hormone testosterone, nữ giới giảm estrogen và progesterone. Bệnh lý này xảy ra khi cơ thể bước vào độ tuổi lão hóa, thường > 40 tuổi. Nồng độ hormone nội tiết giảm gây đổ mồ hôi trộm nhiều vào ban đêm, kèm theo giảm ham muốn tình dục, dễ bị bốc hỏa, cáu gắt, rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc, lo lắng bất an vô cớ hoặc xuất tinh sớm, rối loạn cương...
- Các bệnh nội tiết: Tương tự như mãn dục, mãn kinh, suy giảm hormone nội tiết do một số bệnh lý nội tiết cũng có thể gây đổ mồ hôi trộm. Chẳng hạn như: tiểu đường (do thiếu hormone insulin), bệnh cường giáp (do thừa hormone tuyến giáp gây sụt cân, mắt lồi, tim đập nhanh, run tay chân, hay đánh trống ngực...).
- Rối loạn thần kinh thực vật: Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đổ mồ hôi trộm vào ban đêm. Hệ thống thần kinh thực vật có nhiệm vụ điều hòa các hoạt động bài tiết, trong đó có mồ hôi. Khi chức năng này bị rối loạn sẽ kích thích mồ hôi tiết ra nhiều hơn. Đồng thời, bệnh nhân còn có cảm giác mệt mỏi, lo lắng, bất an vô cớ.
- Tụt đường huyết: Lượng đường trong máu giảm khiến chức năng truyền tín hiệu thần kinh kém, kích thích tuyến mồ hôi hoạt động mạnh và sản sinh nhiều mồ hôi bất thường. Đây chính là lý do vì sao những người nhịn ăn giảm cân, sử dụng thuốc tiểu đường để trị bệnh tụt đường huyết rất dễ ra mồ hôi đêm.
- Nhiễm trùng mạn tính: Một số bệnh lý nhiễm trùng mạn tính như lao phổi, HIV/AIDS, viêm tủy xương... thường có biểu hiện đặc trưng là sốt, vã mồ hôi nhiều vào ban đêm...
- Bệnh tim mạch: Tình trạng đổ mồ hôi trộm nhiều vào ban đêm có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý tim mạch như viêm cơ tim, hở van tim, nhồi máu cơ tim...
- Ung thư: Đổ mồ hôi trộm là một trong những triệu chứng sớm của bệnh ung thư. Chẳng hạn như ung thư máu, ung thư hạch, u lympho, hội chứng carcinoid, u tủy thượng thận...
- Trào ngược dạ dày thực quản: Bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản luôn có cảm giác khó chịu vùng cổ họng do acid dạ dày trào ngược trở lên thực quản. Mồ hôi trộm không phải là dấu hiệu của bệnh lý này nhưng vẫn xảy ra do người bệnh mệt mỏi, mất ngủ vào ban đêm.
- Một số vấn đề sức khỏe khác:
- Rối loạn tự miễn;
- Bệnh đột quỵ;
- Tổn thương các dây thần kinh tự động;
- Bệnh rộng tủy sống;
- Chứng rối loạn tủy xương;
Ngoài ra, những đối tượng có nguy cơ bị đổ mồ hôi trộm như:
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ;
- Stress, lo lắng quá mức;
- Phụ nữ mãn kinh;
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc trị tiểu đường, thuốc trị trầm cảm, TPCN làm tăng nội tiết tố;
- Bệnh nhân có tiền sử tim mạch, đái tháo đường, huyết áp...;
- Lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, caffein...;
- Những người có thói quen ăn uống đồ cay nóng trước giờ đi ngủ;
- Điều kiện phòng ngủ chật hẹp, ngột ngạt, nóng bức, nhiệt độ máy điều hòa quá cao;
- Tập thể dục sát giờ đi ngủ;
- ...
Triệu chứng và chẩn đoán
Tình trạng đổ mồ hôi trộm là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý khác nhau, từ nhẹ đến nặng. Ngoài mồ hôi, tùy từng loại bệnh mà các triệu chứng bệnh được biểu hiện khác nhau và thường không đặc hiệu. Điều này gây khó khăn cho quá trình chẩn đoán, xác định nguyên nhân bệnh và điều trị.
Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân khai báo chi tiết các triệu chứng bản thân đang gặp phải, khai thác tiền sử bệnh cá nhân và gia đình. Đồng thời, kết hợp với các kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đổ mồ hôi trộm như:
- Xét nghiệm công thức và sinh hóa máu;
- Đo tốc độ lắng máu (ESR);
- Đo nồng độ hormone gây kích thích tuyến giáp TSH;
- Chụp X quang;
- Đo thân nhiệt của bệnh nhân vào ban đêm mỗi ngày;
Biến chứng và tiên lượng
Đổ mồ hôi trộm nhiều vào ban đêm thực chất không phải bệnh lý, nó là biểu hiện đặc trưng cảnh báo nhiều bệnh lý khác nhau từ đơn giản đến phức tạp. Mỗi bệnh lý sẽ tiềm ẩn những nguy hiểm nhất định, gián tiếp gây ra nhiều hệ lụy khó lường, nhất là khi không được điều trị kịp thời.
Không những vậy, việc cơ thể bài tiết quá nhiều mồ hôi có thể trực tiếp gây ra những tác hại sau:
- Mất ngủ: Những trường hợp đổ mồ hôi quá mức, ướt đẫm cơ thể, quần áo, drap giường tạo cảm giác dính nhớp khó chịu, ảnh hưởng đến chất giấc ngủ ban đêm.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh về da: Bề mặt da dính nhớp và ẩm ướt mồ hôi khiến bề mặt da ngứa ngáy. Đồng thời, tạo điều kiện cho sự phát triển của các loại vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng... trên bề mặt da, làm tăng nguy cơ viêm lỗ chân lông, viêm da, nổi mụn mủ, mụn trứng cá, lang ben...
- Rối loạn cân bằng các chất điện giải: Cơ thể bài tiết lượng lớn mồ hôi gây mất nước và mất cân bằng hệ thống điện giải. Tình trạng này khiến bạn rơi vào trạng thái mệt mỏi, kiệt sức, hoa mắt, chóng mặt, nhất là vào buổi sáng sớm. Nhiều trường hợp còn gây tụt huyết áp và chuột rút liên tục.
- Viêm đường hô hấp: Mồ hôi tiết ra quá mức khiến lỗ chân lông nở rộng, khiến nhiệt trong cơ thể thoát ra ngoài, tạo điều kiện cho nhiệt lạnh bên ngoài cơ thể xâm nhập vào trong cơ thể. Tình trạng này kéo dài làm tăng nguy cơ khởi phát các bệnh lý đường hô hấp như viêm phổi, viêm họng, viêm phế quản... Xảy ra phổ biến nhất là ở trẻ nhỏ hoặc người lớn tuổi có sức đề kháng kém.
Điều trị
Tùy theo từng nguyên nhân gây đổ mồ hôi trộm để áp dụng biện pháp điều trị phù hợp.
Đối với trẻ nhỏ
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đổ mồ hôi trộm thường là do suy giảm sức đề kháng, chức năng thần kinh chưa hoàn thiện. Để cải thiện tình trạng này, bố mẹ cần thực hiện các biện pháp sau:
- Tăng cường bổ sung vitamin D cho trẻ bằng cách tắm nắng mỗi ngày, khoảng 10 - 30 phút, tắm nắng trước 10h là tốt nhất.
- Bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi như sữa, sữa chua, phô mai, đậu nành, các loại cá, khoai tây, khoai lang, hạnh nhân, đậu trắng, bông cải xanh...
- Tăng cường các loại rau củ quả có tính mát như rau má, bí đao, cải ngọt, cam, quýt...
- Vệ sinh làn da của trẻ sạch sẽ hàng ngày, lau khô và giữ da luôn khô thoáng, mặc quần áo rộng rãi, chất liệu thấm hút mồ hôi tốt.
- Tạo không gian ngủ thoáng mát, nhiệt độ vừa phải trẻ ngủ ngon hơn.
- Điều trị hoặc dự phòng các bệnh lý tiềm ẩn khiến trẻ đổ mồ hôi trộm nhiều vào ban đêm như hen suyễn, cúm, cảm lạnh, dị ứng,...
- Nếu đã thực hiện các cách trên nhưng tình trạng đổ mồ hôi trộm ở trẻ vẫn không được cải thiện, hãy đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị bằng phương pháp y tế phù hợp.
Đối với người lớn
Điều trị căn nguyên gây bệnh là giải pháp điều trị hiệu quả đối với tình trạng đổ mồ hôi trộm ở người lớn. Có thể kể đến một số phương pháp như:
- Dùng thuốc kháng sinh loại bỏ tác nhân gây nhiễm trùng, thuốc chống viêm, giảm đau...;
- Sử dụng hoặc thay đổi thuốc hormone giúp cân bằng nội tiết tố;
- Dùng thuốc chống rối loạn nhịp tim hoặc điều trị dự phòng nhồi máu cơ tim theo chỉ định của bác sĩ;
- Điều trị ung thư bằng các biện pháp như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị;
- Điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt, không ăn quá no, không ăn đồ cay nóng và tập thể dục sát giờ đi ngủ;
- Mặc quần áo thoải mái trước khi đi ngủ;
- Tránh sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá...;
Phòng ngừa
Bản chất của đổ mồ hôi trộm không nguy hiểm, tuy nhiên rất khó để lường trước những bệnh lý gây ra tình trạng này. Việc này chỉ có thể dự phòng được thông qua thăm khám sức khỏe và tầm soát, sàng lọc bệnh tật. Đồng thời, thực hiện phòng ngừa bệnh thông qua các biện pháp sau:
- Luôn giữ cho cơ thể sạch sẽ, làn da khô thoáng trước khi đi ngủ, mặc quần áo ngủ rộng rãi, chất liệu thấm hút mồ hôi tốt.
- Giữ cho không gian sống, sinh hoạt, nhất là phòng ngủ luôn thoáng khí, nhiệt độ vừa phải, không nóng nực, bí bách.
- Sử dụng các loại thực phẩm có tính mát, tránh thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ.
- Không tùy tiện sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Vì đổ mồ hôi trộm có thể là một trong những tác dụng phụ của thuốc.
- Hạn chế hoặc tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá... gây kích thích cơ thể bài tiết nhiều mồ hôi vào ban đêm.
- Thiết lập lối sống sinh hoạt khoa học, ăn ngủ điều độ, tránh thức khuya, vận động rèn luyện thể chất tăng cường sức đề kháng chống lại bệnh tật.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tại sao tôi/ con tôi thường xuyên đổ mồ hôi trộm vào ban đêm?
2. Bị đổ mồ hôi trộm là dấu hiệu của bệnh gì?
3. Tôi/ con tôi bị đổ mồ hôi trộm thường xuyên có nguy hiểm không?
4. Cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán nguyên nhân gây đổ mồ hôi trộm?
5. Tôi phải thực hiện những biện pháp điều trị nào để cải thiện tình trạng đổ mồ hôi trộm?
6. Điều trị đổ mồ hôi trộm có khỏi hoàn toàn được không?
7. Tôi cần làm gì và tránh làm gì để hỗ trợ quá trình điều trị?
8. Tình trạng đổ mồ hôi trộm có tái phát sau điều trị không?
Tình trạng đổ mồ hôi trộm rất phổ biến và xảy ra ở mọi đối tượng. Vì nguyên nhân gây đổ mồ hôi trộm rất đa dạng, có thể do sinh lý hoặc bệnh lý nên cần phải thăm khám lâm sàng kết hợp xét nghiệm cận lâm sàng chuyên sâu. Để điều trị tình trạng này chỉ cần tập trung xử lý cải thiện căn nguyên kết hợp điều chỉnh lối sống, thói quen ăn uống hàng ngày.
Tham khảo thêm:
- Hội chứng đổ mồ hôi máu là gì? Dấu hiệu và cách điều trị
- Tăng tiết mồ hôi là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!