Bệnh Chấn thương tủy sống
Chấn thương tủy sống xảy ra khi chính tủy sống hoặc các mô xương xung quanh bị tổn thương. Đây là dạng chấn thương nghiêm trọng, nếu không được điều trị kịp thời có thể làm mất chức năng ở nhiều cơ quan, bộ phận khác nhau trên cơ thể. Các chọn lựa điều trị hiệu quả thường là phẫu thuật, dùng thuốc kết hợp vật lý trị liệu.
Tổng quan
Chấn thương tủy sống (Spinal Cord Injury) là tình trạng tủy sống bị tổn thương nghiêm trọng. Thường xảy ra khi tủy sống phải chịu tác động lực mạnh do bị tai nạn giao thông, bạo lực, té ngã hoặc bị ảnh hưởng bởi bệnh tật cùng nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Nhiều người thường nhầm bị chấn thương tủy sống là chấn thương vùng lưng đơn thuần. Nhưng trên thực tế, đây là 2 tình trạng khác nhau. Chấn thương lưng thường chỉ làm tổn thương xương hoặc các mô mềm ở cột sống, nhưng không làm ảnh hưởng đến tủy sống.
Còn chấn thương tủy sống nghiêm trọng hơn rất nhiều, gây ra hàng loạt các triệu chứng và biến chứng nguy hiểm do các dây thần kinh ở tủy sống mất kết nối với não. Cụ thể khi tủy sống bị chấn thương, người bệnh có thể mất đi các chức năng cơ bản như: cảm giác, phản xạ, kiểm soát ruột/ bàng quang, hơi thở, nhịp tim, quá trình trao đổi chất, chuyển động cơ bắp...
Phân loại
Vì chấn thương tủy sống xảy ra theo cách khác nhau nên tình trạng này được phân chia làm nhiều loại. Nhưng chung quy sẽ có 2 loại chính gồm:
- Chấn thương tủy sống hoàn toàn: Đây là loại tổn thương vĩnh viễn do vùng tủy sống bị ảnh hưởng chịu tác động nghiêm trọng không thể phục hồi. Hậu quả có thể là liệt toàn thân hoặc liệt tứ chi.
- Chấn thương tủy sống không hoàn toàn: Đối với tình trạng này, tủy sống chỉ bị tổn thương một phần. Tùy vào vị trí cột sống bị tổn thương và mức độ nghiêm trọng của chấn thương, các triệu chứng về rối loạn cảm giác hoặc khả năng di chuyển, cử động sẽ biểu hiện khác nhau. Nhưng đa phần các trường hợp không nghiêm trọng như chấn thương hoàn toàn do não và cơ thể vẫn còn khả năng liên kết.
Tủy sống được chia làm 4 phần, gồm cổ, ngực, thắt lưng và xương cùng. Mỗi phần sẽ bảo vệ các nhóm dây thần kinh khác nhau. Nên tùy theo vị trí cột sống bị tổn thương để phân loại tình trạng này. Gồm:
- Chấn thương tủy sống cổ: Vùng cổ cột sống được tính từ phần trên cùng của tủy sống đếm xuống, bao gồm 7 đốt sống được ký hiệu từ C1 - C7. Vì nằm gần não nên dạng này được đánh giá nguy hiểm nhất khi gặp chấn thương. Có thể dẫn đến hạn chế cử động, liệt hoặc thậm chí tử vong.
- Chấn thương tủy sống ngực: Cột sống ngực nằm ở phần giữa lưng, gồm 12 đốt sống có ký hiệu từ T1 - T12. Các dây thần kinh bên trong đoạn tủy sống này chủ yếu kiểm soát hơi thở, khả năng giữ cân bằng tư thế. Khi gặp chấn thương vùng tủy sống này, có thể gây liệt 2 chân tạm thời hoặc vĩnh viễn.
- Chấn thương tủy sống thắt lưng: Gồm 5 đốt sống L1-L5, nằm dưới ngực và trên cột sống cùng. Chấn thương tủy sống vùng này chủ yếu làm mất các chức năng vùng hông và chân, nhưng không gây ảnh hưởng đến phần trên của cơ thể.
- Chấn thương tủy sống cùng: Cột sống cùng nằm bên dưới cột sống thắt lưng và trên xương cụt. Gồm 5 đốt sống hợp nhất lại, ký hiệu từ S1-S5. Chấn thương vùng này gây ảnh hưởng đến hông, mông, mặt sau đùi và các cơ quan vùng chậu, cơ quan sinh dục ngoài, khu vực xung quanh hậu môn.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Tủy sống là một bó dây thần kinh chạy dọc trong các đốt sống của cột sống. Nó có nhiệm vụ tiếp nhận và truyền dẫn tín hiệu giữa não đến các phần còn lại của cơ thể, chủ yếu về khía cạnh cảm giác và chuyển động. Vì là một bộ phận nằm kín trong cơ thể, nên chỉ có những tác động ngoại lực mạnh hoặc tổn thương từ bên trong mới có thể gây ảnh hưởng đến tủy sống.
Cụ thể, chấn thương tủy sống thường xảy ra cùng với các chấn thương nghiêm trọng khác như chấn thương đầu, bụng hoặc gãy xương cột sống, tổn thương đốt sống, dây chằng, đĩa đệm hoặc tổn thương chính tủy sống.
Có nhiều nguyên nhân gây ra chấn thương tủy sống, chẳng hạn như:
- Tai nạn giao thông;
- Va chạm mạnh làm té ngã;
- Hậu quả của vết đạn bắn;
- Chấn thương khi chơi thể thao;
- Tai nạn điện giật;
- Tai nạn lao động, thường là do té ngã từ trên cao hoặc bị vật nặng rơi trúng đầu;
- Biến chứng phẫu thuật;
- Ảnh hưởng từ các bệnh lý nghiêm trọng như viêm khớp, ung thư, viêm tủy sống, loãng xương...;
Ngoài những nguyên nhân chính trên, còn rất nhiều yếu tố rủi ro khác làm tăng nguy cơ phát triển chấn thương tủy sống như:
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ chấn thương tủy sống cao hơn nữ giới. Theo thống kê tại Hoa Kỳ, tỷ lệ mắc phải ở nữ giới chỉ chiếm khoảng 20% trên tổng các trường hợp.
- Độ tuổi: Có hơn 50% trường hợp trong tổng số các ca bị chấn thương tủy sống xảy ra ở những người trong độ tuổi từ 16 - 30.
- Té ngã: Người lớn tuổi té ngã, dù nhẹ cũng làm tăng nguy cơ phát triển chấn thương tủy sống, thường là trên độ tuổi 65.
- Nghiện rượu: Có khoảng 25% trường hợp chấn thương tủy sống liên quan đến việc nghiện rượu trong thời gian dài.
- Thực hiện các hành vi nguy hiểm: Cảnh báo những người thường xuyên tham gia vào các hành vi nguy hiểm như lặn xuống vùng nước nông hoặc chơi thể thao nhưng không dùng thiết bị bảo hộ rất dễ bị chấn thương tủy sống.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Các triệu chứng chấn thương tủy sống biểu hiện khác nhau ở từng bệnh nhân. Phụ thuộc vào loại tổn thương dây thần kinh tủy sống. Vì mỗi vị trí tổn thương sẽ có những triệu chứng khác nhau.
Có thể kể đến một số triệu chứng sau:
- Yếu cơ, tê liệt hoặc mất khả năng phối hợp các hoạt động cơ bản;
- Khó giữ thăng bằng, hạn chế khả năng đi lại;
- Tê bì, ngứa ran hoặc mất cảm giác ở tứ chi;
- Mất khả năng kiểm soát bàng quang và ruột;
- Khó thở, thở gấp sau chấn thương;
- Rối loạn thân nhiệt, đổ nhiều mồ hôi;
- Đau đầu, có dấu hiệu sốc hoặc bất tỉnh;
Chẩn đoán
Chẩn đoán chấn thương tủy sống chủ yếu thông qua kiểm tra lâm sàng và làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Trường hợp bệnh nhân nhập viện cấp cứu, bác sĩ có thể loại trừ chấn thương tủy sống bằng cách kiểm tra các hành vi, cử động, chức năng cảm giác. Đồng thời, đặt các câu hỏi về vụ tai nạn, té ngã hoặc tiền sử bệnh để đưa ra chẩn đoán.
Trường hợp người bệnh mất tỉnh táo hoặc có những dấu hiệu suy nhược, tổn thương thần kinh rõ ràng cần phải thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán khẩn cấp. Chủ yếu là các xét nghiệm hình ảnh, bao gồm:
- Chụp X quang: Giúp phát hiện dấu hiệu xương gãy hoặc trật khớp (tình trạng khớp xương bị lệch khỏi vị trí);
- Chụp CT & MRI: Giúp quan sát tổn thương xương gãy, cục máu đông hoặc tổn thương mạch máu, liên quan đến chấn thương tủy sống hoặc các mô mềm.
- Đo điện cơ (EMG): Trong một số trường hợp, kỹ thuật đo điện cơ đồ giúp kiểm tra hoạt động điện trong cơ và tế bào thần kinh. Nếu kết quả bất thường có thể gợi ý phán đoán tổn thương dây thần kinh ngoại biên. Tuy nhiên, kỹ thuật này thường ít cần thiết trong chẩn đoán chấn thương tủy sống trong giai đoạn cấp, nhưng chấn thương vài ngày, có thể cần thiết nhằm xác định mức độ tổn thương.
Biến chứng và tiên lượng
Hầu hết tất cả các dạng chấn thương tủy sống đều rất nghiêm trọng, gây tổn thương vĩnh viễn một số chức năng quan trọng của cơ thể. Thậm chí đe dọa tính mạng khi tổn thương phát sinh trong giai đoạn cấp, không được điều trị kịp thời.
Ngoài ra, yếu hoặc liệt là biến chứng nghiêm trọng thường gặp nhất khi bị chấn thương tủy sống. Gồm một số dạng liệt sau:
- Liệt nửa người;
- Liệt hai chân;
- Liệt tứ chi (gồm 2 tay, 2 chân và thân mình);
Các biến chứng liên quan khác như:
- Các vấn đề về hô hấp;
- Các vấn đề về tuần hoàn;
- Viêm phổi;
- Co cứng và giảm trương lực cơ;
- Tình trạng khó phản xạ tự động;
- Phát sinh loét do vùng da bị tổn thương chịu áp lực và hạn chế lưu thông máu;
- Đau thần kinh dữ dội;
- Mất kiểm soát bàng quang và ruột;
- Suy giảm hoặc mất hoàn toàn chức năng tình dục;
- Tăng nguy cơ trầm cảm do bệnh nhân bị thay đổi lối sống;
Tùy thuộc vào loại chấn thương tủy sống và mức độ nghiêm trọng của tình trạng mà mỗi bệnh nhân sẽ có tiên lượng khác nhau. Đối với các tổn thương vĩnh viễn, gần như không thể phục hồi khả năng cử động. Còn với bệnh nhân bị chấn thương tủy sống không hoàn toàn, có thể cải thiện phục hồi chức năng dần theo thời gian.
Ngoài ra, yếu tố sức khỏe và thể trạng cũng là yếu tố quyết định mức độ phục hồi sau chấn thương. Khi có một sức khỏe tốt, bệnh nhân tự thực hiện tốt các phương pháp trị liệu như đi lại, cử động chi, sử dụng xe lăn... một cách hiệu quả. Điều này giúp thúc đẩy quá trình phục hồi diễn ra nhanh chóng hơn.
Theo các báo cáo y tế, tốc độ phục hồi nhanh nhất thường chỉ mất 6 tháng đầu tiên sau chấn thương. Nhưng cũng có nhiều trường hợp phải điều trị lâu dài và tích cực thực hiện các biện pháp phục hồi chức năng từ 1 - 2 năm, thậm chí lâu hơn mới đạt được những kết quả khả quan.
Điều trị
Việc điều trị chấn thương tủy sống cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Mục tiêu điều trị nhằm giảm thiểu tác động vĩnh viễn của chấn thương đến sức khỏe và những ảnh hưởng lâu dài khác. Đồng thời, cố gắng phục hồi chức năng thần kinh để nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Một số hình thức và phương pháp điều trị chấn thương tủy sống cơ bản gồm:
Điều trị cấp cứu
Bệnh nhân bị chấn thương tủy sống, thường là ở vùng đầu, cổ thường rơi vào trạng thái yếu ớt, suy nhược và thiếu tỉnh táo. Lúc này, việc điều trị cần được thực hiện ngay tại hiện trường vụ tai nạn. Nhân viên y tế sẽ tiến hành sơ cứu bằng cách cố định cột sống nạn nhân bằng nẹp, đảm bảo hạn chế tổn thương thêm trong quá trình di chuyển đến bệnh viện.
Khi vào phòng cấp cứu, bác sĩ sẽ tiến hành cấp cứu tập trung nhằm duy trì hơi thở, giảm biến chứng sốc và cố định vùng cột sống bị tổn thương nặng hơn. Sau khi qua cơn nguy kịch, việc điều trị chuyên sâu sẽ được thực hiện thông qua một số phương pháp sau đây:
- Dùng thuốc: Tiến hành tiêm Corticosteroid vào vị trí tổn thương nhằm cải thiện chấn thương tủy sống. Thời điểm sử dụng thuốc tốt nhất là trong vòng 8 tiếng sau khi chấn thương xảy ra. Tác dụng chính của thuốc là giảm viêm, thúc đẩy tuần hoàn máu và bảo tồn chức năng thần kinh.
- Phẫu thuật: Trong rất nhiều trường hợp, phẫu thuật khẩn cấp khi bị chấn thương tủy sống nghiêm trọng. Mục đích phẫu thuật nhằm loại bỏ tổn thương tủy sống do gãy xương, tích tụ cục máu đông hoặc các mảnh vật liệu đè lên tủy sống. Ngoài ra, nếu có những vết thương hở, phẫu thuật nhằm sửa chữa màng não bị rách hoặc giảm thiểu nguy cơ rò rỉ dịch não tủy. Sau phẫu thuật, cần sử dụng thuốc kháng sinh để ngăn chặn nhiễm trùng.
- Ổn định cột sống: Trong suốt quá trình điều trị, việc ổn định cột sống bằng một vòng cổ mềm và nhiều loại nẹp khác là điều cần thiết. Giúp làm giảm áp lực cho cột sống và tránh khiến các vùng bị ảnh hưởng tổn thương nặng hơn.
- Biện pháp thử nghiệm: Các nhà khoa học đã tìm ra một số phương pháp khác giúp cải thiện tình trạng chấn thương tủy sống, nhưng vẫn chỉ ở trong giai đoạn thử nghiệm. Trong đó có liệu pháp nhiệt, cơ chế làm giảm nhiệt độ cơ thể trong vòng 24 - 48 tiếng. Cách này nhằm kiểm soát tình trạng viêm và thúc đẩy quá trình tái tạo thần kinh.
Chăm sóc tích cực
Sau khi tình trạng ban đầu đã được kiểm soát, chấn thương tiến triển ổn định. Bệnh nhân cần phải lưu lại bệnh viện để được theo dõi và chăm sóc tích cực các vấn đề phát sinh. Chẳng hạn như co cứng cơ, suy nhược, các vấn đề về kiểm soát ruột, bàng quang, loại bỏ nhiễm trùng, làm tan cục máu đông...
Tùy theo số lượng triệu chứng phát sinh, mức độ nghiêm trọng và khả năng đáp ứng điều trị, thời gian nằm viện của bệnh nhân sẽ khác nhau.
Phục hồi chức năng
Sau thời gian điều trị tích cực tại bệnh viện và được bác sĩ đánh giá có sức khỏe, thể trạng tốt, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn thực hiện các liệu pháp cần thiết để phục hồi chức năng.
Trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi chức năng, mục tiêu đầu tiên là tăng cường và duy trì chức năng cơ, phát triển phục hồi một số kỹ năng vận động để lấy lại khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng được hướng dẫn thực hiện một số thiết bị hỗ trợ như xe tập đi, xe lăn, nẹp chân, chân giả thần kinh... Điều này nhằm giúp người bị chấn thương tủy sống sinh hoạt độc lập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ngoài ra, một số phương pháp trị liệu khác cũng đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân chấn thương tủy sống như:
- Trị liệu nghề nghiệp: Giúp tái phát triển các kỹ năng vận động tinh, nhất là những kỹ năng cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày như tự đi lại, ăn uống, đi vệ sinh, mặc quần áo...
- Phục hồi nghề nghiệp: Hỗ trợ xác định các kỹ năng làm việc cơ bản cũng như về khía cạnh nhận thức, thể chất để tìm ra mục tiêu việc làm.
- Trị liệu giải trí: Khuyến khích người bệnh hoặc tạo điều kiện cho họ thực hiện các môn thể thao nhẹ nhàng, phù hợp nhằm cải thiện khả năng di chuyển. Nhờ đó giúp đạt được lối sống cân bằng, tái hòa nhập xã hội và tự tin thể hiện bản thân.
- Trị liệu tâm lý: Những người có di chứng hậu chấn thương cột sống cũng cần được trị liệu tâm lý tích cực. Điều này giúp người bệnh ổn định tinh thần, lạc quan, tự tin và hòa đồng khi tham gia các hoạt động gia đình, cộng đồng.
Phòng ngừa
Vì chấn thương tủy sống thường xuất phát từ những biến cố khó lường trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Nên để giảm thiểu rủi ro gặp phải, cần chú ý giữ an toàn cho bản thân bằng các biện pháp sau.
- Tham gia giao thông an toàn, đúng luật, đội mũ bảo hiểm hoặc luôn thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô.
- Ưu tiên chơi những bộ môn thể thao an toàn, nhẹ nhàng. Hoặc mặc đồ bảo hộ chuyên dụng với từng môn thể thao để giảm nguy cơ chấn thương.
- Đối với những trường hợp chấn thương do di chứng phẫu thuật, cần chú ý tái khám định kỳ thường xuyên để theo dõi và có chỉ định xử lý phù hợp.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Nguyên nhân khiến tôi bị chấn thương tủy sống là gì?
2. Tình trạng chấn thương tủy sống của tôi có nguy hiểm không?
3. Tôi cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán chấn thương tủy sống?
4. Những biến chứng tôi có thể gặp phải khi bị chấn thương tủy sống?
5. Tôi nên điều trị chấn thương tủy sống bằng phương pháp nào tốt nhất?
6. Thời gian điều trị mất bao lâu thì khỏi?
7. Chi phí điều trị có tốn kém không? Có dùng BHYT được không?
8. Sau điều trị, tôi có cần tái khám lại không?
Chấn thương tủy sống gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, thậm chí cả tính mạng của người bệnh. Do đó, cần phải tích cực trong việc điều trị ban đầu lẫn phục hồi chức năng về sau để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Đồng thời, kết hợp chăm sóc tích cực tại nhà để cải thiện chức năng vận động và thể trạng sức khỏe.
Xem thêm:
- Thoát vị đĩa đệm chèn ép tủy gây đau nhức cần phải làm gì?
- Các biến chứng sau mổ cột sống thường gặp và điều cần biết
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!