Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai

Cố vấn chuyên môn

Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay có thể xảy ra ở bất kỳ ai và thông qua nhiều hình thức. Chẳng hạn như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, chơi thể thao hoặc trong chính sinh hoạt, công việc hàng ngày. Tổn thương này đặc trưng bởi triệu chứng đau nhức, khó chịu, tê bì cánh tay, bàn tay, mất cảm giác... Trong trường hợp tổn thương nặng cần can thiệp phẫu thuật càng sớm càng tốt để ngăn chặn biến chứng. 

Tổng quan

Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay (Brachial Plexus Injury) là tình trạng tổn thương tổn thương hệ thống dây thần kinh có nhiệm vụ truyền tín hiệu từ phần trên của tủy sống đến vai, cánh tay, bàn tay. Hậu quả gây mất cảm giác ở vùng cổ tay và bàn tay.

Các tác nhân chính gây tổn thương đám rối thần kinh cánh tay như chấn thương, sưng viêm, khối u, chịu áp lực hoặc bị kéo căng trong thời gian dài, va chạm khi chơi thể thao... Một số trường hợp tổn thương có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh do gặp trục trặc trong lúc sinh. Y học gọi là hội chứng liệt đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ sơ sinh (NBPP). Trung bình cứ 1000 ca sinh sẽ có 2 - 3 ca gặp phải tình trạng này.

Tổn thương đám rối thần kinh xảy ra khi hệ thống dây thần kinh kiểm soát chuyển động và cảm giác ở cánh tay, bàn tay gặp chấn thương

Bất kỳ ai cũng có thể gặp phải tình trạng tổn thương đám rối thần kinh cánh tay. Nhưng phổ biến nhất là ở nam giới trong độ tuổi từ 15 - 25 tuổi. Theo thống kê, con số mắc phải đang ngày càng có xu hướng tăng lên mỗi năm do tăng tỷ lệ tai nạn giao thông, tai nạn lao động, chấn thương khi chơi thể thao,...

Hầu hết các trường hợp bị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay đều ở mức nhẹ hoặc trung bình. Chấn thương có khả năng tự phục hồi nếu được chăm sóc đúng cách mà không cần can thiệp các biện pháp y tế chuyên sâu. Riêng một số ít trường hợp chấn thương nặng, gây tê liệt hoàn toàn cánh tay và không có dấu hiệu thuyên giảm, bắt buộc phải phẫu thuật để xử lý tổn thương và phục hồi chức năng bàn tay, cánh tay.

Phân loại

Đám rối thần kinh cánh tay là mộ bó bao gồm các dây thần kinh, mạch máu hoặc các mạch bạch huyết phát triển giao nhau nằm trong cơ thể con người. Cụ thể, chúng gồm 5 dây thần kinh phân nhánh từ tủy sống vùng cổ, kết nối và truyền tín hiệu từ tủy sống đến vai, cánh tay, bàn tay. Mỗi người sẽ có 2 đám rối thần kinh cánh tay ở mỗi bên cơ thể, cho phép bạn dễ dàng cử động và cảm nhận.

Chính vì sự khác nhau về chức năng và mức độ tổn thương dây thần kinh của đám rối thần kinh cánh tay, tình trạng này được chia làm 3 loại chính gồm:

  • Dạng căng cơ: Đây là dạng nhẹ nhất khi bị các dây thần kinh bị tổn thương, không gây rách nhưng dưới tác động tổn thương đã gây ra một số vấn đề về truyền tín hiệu thần kinh.
  • Dạng vỡ dây thần kinh: Là tình trạng dây thần kinh bị rách một phần hoặc toàn bộ, nhưng không nằm ở phần cột sống. Bệnh nhân bị vỡ dây thần kinh có thể can thiệp phẫu thuật để xử lý tổn thương.
  • Dạng giật: Đây là dạng nghiêm trọng nhất, xảy ra khi dây thần kinh bị đứt hoặc rách, tách rời ra khỏi tủy sống. Trong một số trường hợp, dạng giật dây thần kinh xảy ra không hoàn toàn, khiến dây thần kinh bị tổn thương mức độ nhẹ nên tỷ lệ phục hồi cao hơn.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay có thể xảy ra theo nhiều hình thức khác nhau. Có thể kể đến một số tác nhân như:

Tổn thương đám rối thần kinh thường xuất phát từ tai nạn lao động, tham gia giao thông hoặc chấn thương khi chơi thể thao

  • Chấn thương: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tổn thương đám rối thần kinh cánh tay. Nó có thể xuất phát từ những tai nạn giao thông, tai nạn lao động, va chạm khi chơi thể thao hoặc bất kỳ hoàn cảnh nào khiến cánh tay bị kéo căng, chịu áp lực trong thời gian dài. Tùy theo mức độ căng nhẹ hay nặng sẽ quyết định tình trạng tổn thương đám rối thần kinh cánh tay.
  • Chấn thương khi sinh: Thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, do trong lúc sinh vai của trẻ bị kẹt lại phía sau xương mu của mẹ. Trong sản khoa, tình trạng này được gọi là sinh khó. Hậu quả khiến hệ đám rối thần kinh cánh tay bị kéo căng, rách dẫn đến tổn thương và gây tê liệt.
  • Khối u: Sự hình thành và phát triển quá mức của khối u ở vùng cổ, vai có thể gây chèn ép, tạo áp lực đến đám rối thần kinh cánh tay và dẫn đến tổn thương đám rối thần kinh cánh tay.
  • Hệ quả điều trị ung thư: Những trường hợp thực hiện xạ trị vùng ngực hoặc cổ vô tình kích hoạt sự phát triển khối u dọc theo đám rối thần kinh cánh tay. Theo thời gian, dẫn đến tổn thương đám rối thần kinh cánh tay nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.

Ngoài ra, còn rất nhiều yếu tố rủi ro khác làm tăng nguy cơ phát sinh tổn thương đám rối thần kinh cánh tay như:

  • Phụ nữ bị tiểu đường;
  • Trọng lượng và kích thước thai quá lớn;
  • Sản phụ chuyển dạ kéo dài trong khi thai nhi nằm ngôi mông khi sinh;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Các triệu chứng của tổn thương đám rối thần kinh cánh tay có thể biểu hiện khác nhau tùy theo mức độ và tác nhân gây chấn thương. Nhưng đa phần bệnh nhận đều sẽ có các dấu hiệu dưới đây:

Các triệu chứng điển hình của tổn thương đám rối thần kinh là yếu, ngứa ran, tê bì, đau nhức, mất cảm giác và tê liệt ở cánh tay, bàn tay

  • Yếu hoặc liệt cánh tay/ bàn tay: Đây là triệu chứng phổ biến nhất khi bị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay. Tại vị trí cánh tay hoặc bàn tay bị ảnh hưởng, bệnh nhân sẽ có cảm giác yếu nhược, không có sức hoặc tê liệt hoàn toàn.
  • Tê bì, ngứa ran: Đây cũng là những triệu chứng điển hình cho thấy dấu hiệu tổn thương thần kinh ở cánh tay.
  • Đau nhức: Tùy từng trường hợp mà cơn đau có thể âm ỉ kéo dài hoặc đột ngột, đau nhói từng cơn, bộc phát liên tục hoặc ngắt quãng.
  • Mất cảm giác: Toàn bộ cánh tay hoặc bàn tay bị ảnh hưởng bởi chấn thương có thể bị mất cảm giác hoặc khiến bạn khó cảm nhận được nhiệt độ, cảm giác đau vật lý hoặc cảm nhận xúc giác.
  • Hạn chế phạm vi chuyển động: Cánh tay hoặc bàn tay bị tổn thương đám rối thần kinh thường bị hạn chế phạm vi chuyển động, khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.
  • Teo cơ: Nếu vì đau nhức quá mức, kéo dài trong thời gian quá lâu có thể khiến các cơ ở tay dần co lại hoặc teo đi.
  • Các triệu chứng khác: Bệnh nhân tổn thương đám rối thần kinh cũng có thể gặp phải các triệu chứng Horner. Đặc trưng bởi sụp mí mắt, đồng tử co lại và giảm tiết mồ hôi ở một bên mặt...

Chẩn đoán

Chẩn đoán tổn thương đám rối thần kinh bao gồm thăm khám sức khỏe, đánh giá và kiểm tra triệu chứng lâm sàng, khai thác tiền sử bệnh cá nhân hoặc tiền sử chấn thương gần đây. Sau đó, vì tổn thương xuất phát từ bên trong nên bắt buộc phải thực hiện một số kiểm tra, xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để xác định tổn thương và phán đoán mức độ chấn thương, phục vụ công tác điều trị.

Chẩn đoán tổn thương đám rối thần kinh thông qua các bài kiểm tra thể chất kết hợp một số xét nghiệm hình ảnh

Cụ thể một số phương pháp & kỹ thuật chẩn đoán tổn thương đám rối thần kinh:

  • Kiểm tra thể chất: Đây là bước thăm khám đầu tiên, bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân thực hiện nhiều xét nghiệm khác nhau liên quan đến tổn thương đám rối thần kinh. Chẳng hạn như kiểm tra độ gập của khuỷa tay, độ mở của vai hoặc độ mở rộng của cổ tay. Thông qua các kiểm tra này, sẽ giúp xác định dây thần kinh nào đang bị tổn thương và mức độ nghiêm trọng của chấn thương.
  • Kiểm tra hình ảnh: Các xét nghiệm hình ảnh như chụp X quang, chụp cắt lớp vi tính CT scan hoặc chụp cộng hưởng từ MRI giúp ích rất nhiều trong việc phát hiện vị trí tổn thương và mức độ tổn thương. Cụ thể như sau:
    • Chụp X quang giúp phát hiện bất kỳ tổn thương như vết nứt hoặc trât khớp ở cánh tay, bàn tay hoặc xương vai;
    • Chụp CT scan cho phép quan sát hình ảnh chi tiết về các mô mềm, bao gồm cả hệ thống cơ và dây thần kinh ở cánh tay, bàn tay để phát hiện tổn thương bất thường;
    • Chụp MRI là kỹ thuật hiện đại hiển thị rõ nét hệ thống dây thần kinh trong cơ thể và giúp phát hiện bất kỳ tổn thương nào ở khu vực bị ảnh hưởng là cánh tay, bàn tay...;
  • Nghiên cứu dẫn truyền thần kinh: Phương pháp này được chỉ định nhằm đo hoạt động điện cơ của các dây thần kinh ở cánh tay bị ảnh hưởng. Qua đó, giúp xác định vị trí dây thần kinh bị ảnh hưởng và đo lường mức độ tổn thương thần kinh. Trong quá trình thực hiện, bệnh nhân sẽ được gắn các đầu điện cực nhỏ trên da, nơi các dây thần kinh bị ảnh hưởng và để cho dòng điện chạy qua chúng nhằm đo lường phản ứng của chúng.

Thông qua kết quả chẩn đoán này, bác sĩ sẽ dễ dàng hơn trong việc đưa ra phán đoán về tình trạng bệnh cũng như hướng dẫn cho bệnh nhân áp dụng phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Biến chứng và tiên lượng

Các tổn thương đám rối thần kinh cánh tay phát triển trong thời gian dài, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể gây ra các vấn đề biến chứng khó lường. Bao gồm:

  • Sưng viêm, cứng khớp dẫn đến tê liệt, mất cảm giác ở bàn tay, cánh tay;
  • Đau nhức dai dẳng, mãn tính;
  • Suy nhược cơ bắp;
  • Hình thành các thương tật vĩnh viễn ngay cả khi được phẫu thuật;

Ngoài ra, biến chứng tổn thương đám rối thần kinh cánh tay cũng có thể xuất phát từ các phương pháp điều trị, cụ thể là phẫu thuật. Bất kỳ cuộc phẫu thuật nào cũng có thể gây ra những biến chứng như nhiễm trùng, sốc phản vệ do tác dụng phụ của thuốc gây mê, mất nhiều máu... Những bệnh nhân có sẵn một số vấn đề sức khỏe rủi ro khác cũng có thể khiến bạn dễ gặp phải các biến chứng như hình thành cục máu đông, đau tim, đột quỵ...

Tổn thương đám rối thần kinh mức độ nghiêm trọng có thể gây ra biến chứng liệt vĩnh viễn nếu không điều trị kịp thời và đúng cách

Tiên lượng đối với tổn thương đám rối thần kinh cánh tay phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố gồm:

  • Mức độ nghiêm trọng của chấn thương dây thần kinh?
  • Số lượng dây thần kinh bị tổn thương?
  • Có kèm theo các chấn thương, thương tích nào khác hay không?
  • Thời điểm điều trị sau khi gặp chấn thương?
  • Có chăm sóc và thực hiện vật lý trị liệu hay không?

Trong đó, đối với chấn thương dạng giật, đứt rách khá nghiêm trọng, bắt buộc phải phẫu thuật kịp thời nối lại dây thần kinh để tăng cơ hội hồi phục. Còn với dạng chấn thương do căng cơ, đa số trường hợp có khả năng tự hồi phục mà không cần can thiệp điều trị y tế với tỷ lệ cao từ 90 - 100%.

Đối với trẻ sơ sinh bị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay, đa số trường hợp đều có thể tự phục hồi sau khoảng 3 - 4 tháng. Trường hợp nghiêm trọng bị giật dây thần kinh thường có triển vọng kém, gây thương tật vĩnh viễn khó phục hồi hoàn toàn.

XEM THÊM: Chèn dây thần kinh gây tê tay: Triệu chứng & điều trị

Điều trị

Tùy theo tác nhân và dạng tổn thương đám rối thần kinh cánh tay, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp điều trị phù hợp nhất ở từng trường hợp.

Điều trị y tế

Những trường hợp tổn thương nhẹ, tác nhân gây chấn thương có tiên lượng tự phục hồi tốt không nhất thiết phải điều trị y tế chuyên sâu. Thay vào đó, bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi và tập vật lý trị liệu trong thời gian quy định để sớm phục hồi chức năng, sức mạnh và phạm vi chuyển động của cổ tay, bàn tay.

Ngược lại, đối với những chấn thương nghiêm trọng, có biến chứng và tiến triển ngày càng nặng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật nhằm mục đích sửa chữa hoặc thay thế các dây thần kinh bị tổn thương. Thường là trong vòng 18 tháng sau điều trị nội khoa không có kết quả. Đối với trẻ sơ sinh, thời điểm phẫu thuật tốt nhất là vào khoảng 6 tháng tuổi sau chấn thương.

Phẫu thuật sửa chữa hoặc thay thế dây thần kinh là phương pháp điều trị hiệu quả đối với những trường hợp nghiêm trọng

Một số kỹ thuật phẫu thuật điều trị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay thường được áp dụng bao gồm:

  • Phẫu thuật sửa chữa dây thần kinh: Nhằm mục đích gắn nối  2 cạnh bị rách của dây thần kinh bị đứt. Đối với những vết thương do vật sắc nhọn gây ra, bắt buộc phải thực hiện phẫu thuật này ngay lập tức.
  • Phẫu thuật ghép dây thần kinh: Được thực hiện bằng cách lấy 1 dây thần kinh khỏe mạnh từ một phần khác của cơ thể, sau đó khâu lại vào giữa 2 đầu của dây thần kinh bị rách. Sau cấy ghép, dây thần kinh sẽ phục hồi chức năng trở lại như bình thường.
  • Phẫu thuật chuyển dây thần kinh: Trong trường hợp không có dây thần kinh nào trong cơ thể phù hợp để cấy ghép, có thể chọn cách cắt và nối dây thần kinh khỏe mạnh của người hiến tặng để phục hồi chức năng của đám rối dây thần kinh cánh tay.

Biện pháp chăm sóc tại nhà

Song song với việc điều trị, bệnh nhân có thể tích cực thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà nhằm hỗ trợ cải thiện triệu chứng do tổn thương đám rối thần kinh cánh tay gây ra và thúc đẩy quá trình phục hồi.

Vận động tay nhẹ nhàng kết hợp xoa bóp, massage thường xuyên hỗ trợ cải thiện triệu chứng sưng đau hiệu quả

  • Chườm đá: Chườm đá lạnh trực tiếp lên vùng cổ tay, cánh tay bị tổn thương giúp giảm bớt các triệu chứng sưng, đau. Có thể chườm nhiều lần trong ngày, mỗi lần khoảng 10 - 15 phút để đạt hiệu quả tốt nhất.
  • Xoa bóp: Massage nhẹ nhàng hàng ngày giúp giảm triệu chứng căng cơ và cải thiện tuần hoàn máu đáng kể. Bạn có thể tự massage hoặc nhờ người thân massage để đạt hiệu quả tốt nhất.
  • Dùng thuốc giảm đau: Nếu cơn đau bộc phát dữ dội, hãy sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn để giải quyết cơn đau nhanh chóng. Tuy nhiên, thuốc này chỉ có tác dụng tạm thời, không thể chữa khỏi dứt điểm bệnh nên không được lạm dụng.
  • Tập luyện: Một số bài tập vận động nhẹ nhàng tại nhà vừa giúp cải thiện cơn đau nhức vừa giúp duy trì phạm vi chuyển động cánh tay, bàn tay rất hiệu quả. Đây là cách đơn giản bạn nên không nên bỏ qua trong quá trình điều trị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay.

Phòng ngừa

Vì tổn thương đám rối thần kinh cánh tay chủ yếu xuất phát từ những chấn thương va chạm trong sinh hoạt hàng ngày. Nên chỉ có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa chấn thương, giảm nguy cơ phát triển tình trạng này. Dưới đây là một số biện pháp hiệu quả bạn có thể áp dụng:

Sinh hoạt và vận động an toàn để hạn chế tối đa các chấn thương rủi ro có thể xảy ra gây tổn thương đám rối thần kinh

  • Trang bị đầy đủ đồ bảo hộ khi tham gia giao thông, chơi các môn thể thao đòi hỏi kỹ thuật cao, dễ va chạm mạnh gây chấn thương.
  • Chú ý thực hiện tư thế đúng khi khuân vác vật nặng, áp dụng kỹ thuật nâng phù hợp để tránh tạo áp lực lên các cơ, hệ thống dây thần kinh ở cánh tay, bàn tay...
  • Nếu tính chất công việc cần sử dụng cánh tay, bàn tay nhiều, hãy dành những khoảng thời gian nghỉ ngơi nhất định để tay được thư giãn, thả lỏng giảm nguy cơ chấn thương.
  • Duy trì tư thế làm việc đúng, tránh tạo áp lực lên cánh tay, bàn tay để giảm nguy cơ phát triển tổn thương đám rối thần kinh cánh tay.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Những dấu hiệu cho thấy tôi bị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay?

2. Tôi cần làm những xét nghiệm kiểm tra gì để chẩn đoán tổn thương đám rối thần kinh cánh tay?

3. Nguyên nhân khiến tôi bị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay là gì?

4. Tình trạng tổn thương đám rối thần kinh cánh tay có nghiêm trọng không?

5. Tình trạng tổn thương của tôi có tự khỏi không?

5. Công việc và đời sống sinh hoạt của tôi bị ảnh hưởng như thế nào?

6. Phương pháp điều trị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay nào hiệu quả nhất?

7. Trong quá trình điều trị, tôi cần làm gì và tránh làm gì để hỗ trợ đạt kết quả tốt?

8. Tình trạng của tôi có cần phẫu thuật không? Áp dụng kỹ thuật phẫu thuật nào tốt nhất?

9. Chi phí điều trị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay tốn bao nhiêu?

10. Quá trình điều trị mất bao lâu thì khỏi hẳn? Có tái phát sau điều trị không?

Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay phát triển quá mức có thể gây yếu, tê bì hoặc liệt, mất cảm giác cánh tay, bàn tay nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Do đó, ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường và xác định được căn nguyên liên quan, hãy nhanh chóng đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và tư vấn biện pháp điều trị phù hợp, kiểm soát triệu chứng, phục hồi chức năng dây thần kinh, cử động tay cũng như ngăn ngừa biến chứng khó lường.

THAM KHẢO THÊM

Chia sẻ:
Bệnh Viêm Khớp Ngón Chân
Viêm khớp ngón chân có thể xảy ra ở bất kỳ ngón chân nào, nhưng phổ biến nhất là ở ngón chân cái. Bệnh xảy ra do rất nhiều tác…
Khô khớp Bệnh Khô Khớp
Khô khớp là một trong những dấu hiệu cảnh báo…
Bệnh Bạch Cầu Cấp
Bạch cầu cấp là bệnh ung thư máu phát triển…
Bệnh Viêm Bao Hoạt Dịch Khớp Gối
Viêm bao hoạt dich khớp gối xảy ra do rất…
Bệnh Viêm Khớp Phản Ứng

Viêm khớp phản ứng là thuật ngữ y tế dùng để chỉ tình trạng sưng viêm khớp do nhiễm khuẩn…

Bệnh gút Bệnh Gút (Gout)

Bệnh gút (Gout) là một trong những dạng viêm khớp phổ biến nhất hiện nay. Bệnh xảy ra chủ yếu…

Bệnh U nang xương đơn độc

U nang xương đơn độc là bệnh lý lành tính xảy ra chủ yếu ở trẻ em và thiếu niên…

Hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay là tình trạng phổ biến ảnh hưởng đến bàn tay và cổ tay. Bệnh nhân…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai

Cố vấn chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua