Bệnh Viêm khớp cổ chân

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Lê Hữu Tuấn

Phó Giám đốc chuyên môn

Viêm khớp cổ chân là một trong những bệnh cơ xương khớp phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Các triệu chứng đặc trưng của bệnh như sưng đau, cứng khớp và cản trở đi lại. Tốt nhất người bệnh nên chủ động thăm khám sớm để được tư vấn điều trị phù hợp trước khi xảy ra các biến chứng khó lường. 

Tổng quan

Viêm khớp cổ chân (Ankle Arthritis) là tình trạng các khớp ở vùng cổ chân bị sưng cứng và đau nhức, có thể đau lan xuống bàn chân. So với khớp gối hoặc khớp hông, khớp cổ chân thường ít phổ biến hơn, nhưng những ảnh hưởng mà nó gây ra là rất đáng lo ngại. Hậu quả gây khó khăn trong việc di chuyển và vận động, sinh hoạt hàng ngày.

Viêm khớp cổ chân xảy ra khi khớp cổ chân bị tổn thương gây sưng viêm, đau nhức

Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể bị viêm khớp cổ chân. Nhưng phổ biến nhất là ở người cao tuổi do sự ảnh hưởng của lão hóa. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc ngày càng có xu hướng tăng cao ở người trẻ tuổi, xuất phát từ thói quen, lối sống hoặc bệnh lý như viêm xương khớp, gout, viêm khớp dạng thấp...

Việc điều trị viêm khớp cổ chân nên thực hiện càng sớm càng tốt, nhằm phòng ngừa viêm kéo dài gây các biến chứng khó lường như teo cơ, biến dạng xương và nhiều phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra viêm khớp cổ chân, có thể kể đến như:

Chấn thương hoặc thoái hóa khớp là những nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm khớp cổ chân

  • Chấn thương: Hầu hết các trường hợp bị viêm khớp cổ chân đều là do chấn thương gây ra. Tác động lực quá mạnh đến khớp này có thể đến từ việc té ngã, va chạm khi chơi thể thao hoặc tai nạn giao thông... Tình trạng viêm xảy ra khi bề mặt khớp tổn thương bị thoái hóa và thay đổi cấu trúc sinh học. Quá trình viêm khớp sau chấn thương thường diễn ra trong thời gian dài, nhiều tháng hoặc nhiều năm.
  • Thoái hóa khớp: Đây là tình trạng khớp bị thoái hóa dần dần trong thời gian dài, khiến bề mặt khớp bị bào mòn, lớp bảo vệ giảm khiến các xương cọ xát vào nhau. Tình trạng các khớp cổ chân bị thoái hóa kéo dài có thể hình thành gai xương và gây viêm, đau nhức.
  • Rối loạn miễn dịch: Các bệnh xương khớp liên quan đến rối loạn miễn dịch cũng là nguyên nhân dẫn đến viêm khớp cổ chân. Một số bệnh được phát hiện phổ biến như:
    • Viêm khớp dạng thấp: Xảy ra khi màng hoạt dịch bao phủ quanh khớp chân bị tấn công bởi các tế bào miễn dịch. Tình trạng này kéo dài khiến khớp sưng lên, làm hỏng các cơ quan lân cận như xương, sụn, gân, dây chằng... Biến chứng nặng nhất là gây biến dạng khớp.
    • Viêm khớp vảy nến: Đây cũng là bệnh tự miễn xương thường gặp. Đặc trưng bởi triệu chứng sưng phù vị trí khớp tổn cổ chân bị tổn thương.  Kèm theo viêm gân Achilles sau gót chân. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như tiểu đường, tim mạch, ung thư da...
  • Một số bệnh lý khác: Các bệnh lý khác làm tăng nguy cơ phát triển viêm khớp cổ chân như:
    • Bệnh gout: Đây cũng là một dạng viêm khớp có thể ảnh hưởng đến khớp cổ chân. Cơ chế bệnh sinh do sự tích tụ của các tinh thể axit uric trong khớp gây sưng viêm, đau nhức. Các cơn đau gout thường bộc phát khi được kích hoạt bởi rượu, một số loại thực phẩm và căng thẳng.
    • Các bệnh khác như viêm bao hoạt dịch, viêm gân, viêm cân gan chân... cũng có liên quan đến sự khởi phát của viêm khớp cổ chân. Về cơ bản, những tình trạng này không phải viêm khớp nhưng chúng vẫn có khả năng gây ra các triệu chứng tương tự.

Yếu tố nguy cơ

Ngoài các nguyên nhân trên, còn rất nhiều yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ phát triển viêm khớp cổ chân. Bao gồm:

Người lớn tuổi có nguy cơ mắc viêm khớp cổ chân cao hơn người trẻ do yếu tố lão hóa của tuổi già

  • Tuổi tác: Tuổi tác càng cao nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Đây là lý do vì sao người cao tuổi thường dễ mắc bệnh hơn so với người trẻ tuổi.
  • Tính chất nghề nghiệp: Nếu công việc bạn làm yêu cầu phải dùng sức nhiều, tạo áp lực lên vùng cổ chân và lặp đi lặp lại kéo dài, nguy cơ bị viêm khớp cổ chân sẽ cao hơn người khác.
  • Thừa cân béo phì: Trọng lượng cơ thể quá lớn vượt hơn sức chịu đựng của khớp cổ chân cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình có nhiều người từng mắc viêm khớp cổ chân, nguy cơ bạn cũng mắc phải sẽ cao hơn những đối tượng khác.
  • Căng thẳng: Thần kinh căng thẳng kéo dài do stress, lo âu quá mức cũng góp phần làm suy yếu hệ miễn dịch. Vô tình tạo điều kiện cho cơ thể bị tấn công bởi một số tác nhân gây hại dẫn đến nhiễm trùng.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Các triệu chứng viêm khớp cổ chân thường biểu hiện khác nhau tùy theo tác nhân gây ra, nhất là đối với những trường hợp căn nguyên do các bệnh viêm khớp. Tuy nhiên, về cơ bản người bệnh vẫn sẽ gặp một số triệu chứng điển hình sau:

Viêm khớp cổ chân gây đau nhức, sưng tấy cục bộ và hạn chế khả năng đi lại

  • Sưng khớp;
  • Cứng khớp;
  • Đau nhức âm ỉ hoặc dữ dội;
  • Hạn chế khả năng đi lại và cử động;

Chẩn đoán

Tương tự như những bệnh xương khớp khác, chẩn đoán viêm khớp cổ chân thông qua các bước khám thực thể, khai thác tiền sử bệnh và kết hợp xét nghiệm hình ảnh. Cụ thể như sau:

  • Khám sức khỏe: Đây là bước thăm khám đầu tiên rất quan trọng, bác sĩ sẽ tìm kiếm các dấu hiệu sưng viêm, đau khớp để đưa ra đánh giá tổng quan về tình trạng bệnh. Đồng thời, khai thác một số vấn đề về tiền sử bệnh lý hoặc các chấn thương, phẫu thuật trước đó tại khớp cổ chân có liên quan.
  • Kiểm tra hình ảnh: Các xét nghiệm hình ảnh như chụp X quang, CT scan hoặc MRI hỗ trợ rất lớn trong việc chẩn đoán và đánh giá mức độ nghiêm trọng của viêm khớp. Kết quả xét nghiệm cho thấy mức độ tổn thương khớp, phát hiện gai xương (nếu có) và bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác ở khớp.

Biến chứng và tiên lượng

Viêm khớp cổ chân là vấn đề sức khỏe phổ biến, gây sưng đau cứng khớp ở cổ chân. Nhưng về bản chất nó không phải tình trạng quá nghiêm trọng, không gây ảnh hưởng đến tính mạng. Ảnh hưởng lớn nhất của bệnh chính là về khả năng đi lại, cử động và di chuyển của bệnh nhân.

Đối với con người, chân đóng vai trò quan trọng giúp chúng ta có thể di chuyển một cách linh hoạt. Nhưng dưới sự ảnh hưởng của các triệu chứng viêm khớp cổ chân, khả năng này sẽ kém đi rất nhiều, thậm chí không thể thực hiện được. Trong những trường hợp khớp xương biến dạng hoặc chệch vị trí nhưng không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị liệt hoàn toàn.

Viêm khớp cổ chân không nguy hiểm tính mạng nhưng ảnh hưởng đáng kể đến khả năng đi lại và chất lượng cuộc sống

Ngoài ra, đối với những trường hợp bị viêm khớp cổ chân do các bệnh lý tự miễn hoặc viêm khớp, biến chứng của bệnh cũng có thể xuất phát từ những căn bệnh này. Phát triển tổn thương xương khớp lây lan, tổn thương da cùng nhiều triệu chứng thực thể khác. Những yếu tố này gây ra hàng loạt các vấn đề phiền toái cho sức khỏe thể chất và tinh thần, giảm chất lượng cuộc sống hàng ngày.

Ngược lại, viêm khớp cổ chân nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách có thể giúp bệnh nhân sớm khỏi bệnh và phục hồi tốt khả năng đi lại. Do đó, tốt nhất nên thăm khám càng sớm càng tốt để được tư vấn các biện pháp điều trị phù hợp, ngăn ngừa biến chứng.

Điều trị

Bệnh viêm khớp cổ chân có thể được điều trị bằng nhiều cách khác nhau. Bao gồm các phương pháp không phẫu thuật và phẫu thuật nhằm xử lý tổn thương. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của tổn thương mà bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện biện pháp điều trị phù hợp.

Điều trị không phẫu thuật

Trong những trường hợp nhẹ, tổn thương do viêm khớp cổ chân không quá nghiêm trọng. Mục tiêu chính nhằm cải thiện triệu chứng và hỗ trợ phục hồi khả năng đi lại cho bệnh nhân.

Các loại thuốc giảm đau, chống viêm giúp cải thiện nhanh chóng triệu chứng viêm khớp cổ chân

Các biện pháp đơn giản dưới đây có thể giúp ích cho bạn:

  • Dùng thuốc: Tùy theo căn nguyên và mức độ triệu chứng, bác sĩ có thể kê toa dùng các loại thuốc sau:
    • Thuốc giảm đau, chống viêm không kê đơn như nhóm steroid NSAID được dùng rất phổ biến. Chúng có tác dụng làm giảm đau và viêm khớp nhanh chóng.
    • Thuốc bôi tại chỗ dạng kem, gel hoặc miếng dán giảm đau;
    • Thuốc giãn cơ;
    • Thuốc sinh học;
    • Thuốc chống thấp khớp DMARD;
    • Thuốc tiêm Hyaluronic acid;
  • Vật lý trị liệu: Đây là phương pháp cần thiết đối với những người đang bị viêm khớp cổ chân. Vật lý trị liệu tích cực và đúng theo hướng dẫn của chuyên gia giúp cải thiện khả năng vận động, phục hồi chức năng cũng như tăng cường sức mạnh cho khớp.
  • Kiểm soát cân nặng: Để tránh làm cho khớp cổ chân bị tổn thương nặng hơn, bệnh nhân cần lên kế hoạch cho việc giảm cân khoa học. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp. Tránh sử dụng thuốc giảm cân cấp tốc để ngăn chặn các tác dụng phụ ngoài ý muốn.
  • Các biện pháp khác:
    • Tích cực massage xoa bóp vùng đau nhức;
    • Liệu pháp nhiệt gồm chườm ấm hoặc chườm lạnh, giúp giảm tạm thời triệu chứng sưng đau, cứng khớp và cải thiện tuần hoàn;
    • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, tránh vận động nặng;
    • Sử dụng miếng đệm hỗ trợ cổ chân khi đi lại;
    • Sử dụng gậy hoặc xe tập đi để giảm thiểu căng thẳng cho khớp khi bị tổn thương;
    • Kết hợp các biện pháp điều trị bổ sung khác như sóng siêu âm, liệu pháp kích thích dây thần kinh điện qua da (TENS), tia hồng ngoại laser...;

Điều trị phẫu thuật

Những trường hợp viêm khớp cổ chân nghiêm trọng không đáp ứng với các biện pháp điều trị nội khoa, phương pháp phẫu thuật có thể được bác sĩ cân nhắc và chỉ định.

Phẫu thuật nội soi giúp loại bỏ tổn thương gây viêm khớp cổ chân hiệu quả

Tùy vào mức độ tổn thương, khả năng đáp ứng và điều kiện kinh tế của bệnh nhân để chọn lựa phương pháp phẫu thuật phù hợp. Sau đây là một số chọn lựa phẫu thuật hiệu quả đối với viêm khớp cổ chân:

  • Phẫu thuật nội soi: Thường áp dụng trong giai đoạn đầu của viêm khớp, khi tổn thương còn hạn chế và chưa lan rộng ra xung quanh. Đặc biệt phù hợp trong trường hợp các gai xương nhỏ mọc ra chèn ép lên khớp mỗi khi di chuyển. Trong quá trình nội soi khớp, các gai xương hoặc mô hư hại sẽ được loại bỏ để phục hồi khả năng chuyển động của khớp.
  • Phẫu thuật kết hợp tại cổ chân: Với những bệnh nhân bị viêm khớp cổ chân giai đoạn tiến triển nặng, nên thực hiện phẫu thuật kết hợp để đạt hiệu quả tốt nhất. Đặc điểm của phẫu thuật này là loại bỏ các phần khớp bị mòn, sau đó kết nối các xương với nhau bằng đinh ghim, ốc vít. Sau khi tổn thương lành lại sẽ tiến hành tháo bỏ. Cách này giúp giữ cho khớp xương tổn thương được giữ chắc chắn ở vị trí cố định.
  • Phẫu thuật thay khớp: Những trường hợp viêm khớp cổ chân nghiêm trọng không còn khả năng sửa chữa và phục hồi, bắt buộc phải thay khớp nhân tạo. Tuy nhiên, rất hiếm trường hợp phải thực hiện cách này.

Phòng ngừa

Viêm khớp cổ chân gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và khả năng đi lại. Do đó, chủ động phòng ngừa là cách tốt nhất để duy trì cho khớp khỏe mạnh và tránh khỏi những ảnh hưởng này.

Lối sống lành mạnh giúp loại trừ các yếu tố nguy cơ gây viêm khớp cổ chân

  • Duy trì cân nặng phù hợp với chỉ số BMI của cơ thể.
  • Thực hiện chế độ ăn uống khoa học, đủ chất dinh dưỡng. Ưu tiên bổ sung các nhóm thực phẩm lành mạnh, tăng cường sức khỏe xương khớp.
  • Tập thể dục đều đặn hàng ngày, hàng tuần giúp hệ thống xương khớp khỏe mạnh, trong đó có khớp cổ chân, giảm nguy cơ phát triển viêm khớp.
  • Chọn lựa size giày dép phù hợp với bàn chân và cổ chân, có hỗ trợ đầy đủ giúp giảm áp lực cho khớp đi đi lại.
  • Hạn chế sử dụng giày cao gót hoặc các loại giày mũi hẹp để tránh gây thêm áp lực cho ngón chân, dễ phát triển viêm khớp.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Vì sao tôi có cảm giác đau nhức, sưng tấy vùng cổ chân và khó đi lại?

2. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh?

3. Nguyên nhân khiến tôi bị viêm khớp cổ chân?

4. Tình trạng bệnh của tôi có nghiêm trọng không?

5. Những biến chứng có thể xảy ra khi tôi không điều trị viêm khớp cổ chân?

6. Tôi nên điều trị viêm khớp cổ chân bằng thuốc, vật lý trị liệu hay phẫu thuật?

7. Quá trình điều trị mất bao lâu thì có kết quả khả quan?

8. Các biện pháp chăm sóc tại nhà tôi nên thực hiện để cải thiện tình trạng bệnh?

9. Tôi có cần tái khám lại sau khi điều trị không?

10. Chi phí điều trị viêm khớp cổ chân tốn bao nhiêu? Dùng BHYT được không?

Viêm khớp cổ chân là một dạng phổ biến của viêm khớp với tỷ lệ mắc cao. Sự tiến triển của bệnh gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe thể chất, khả năng vận động và suy giảm chất lượng cuộc sống của bạn. Bởi vậy tuyệt đối không nên chủ quan trước những dấu hiệu bất thường, chủ động thăm khám chuyên khoa để được bác sĩ hướng dẫn biện pháp điều trị phù hợp.

Xem thêm:

Chia sẻ:
Viêm Gân Chóp Xoay
Viêm gân chóp xoay là tổn thương gân liên kết vùng vai - cánh tay gây sưng viêm, đau nhức và hạn chế cử động. Chấn thương này thường xảy…
Chấn Thương Dây Chằng Chéo Sau
Chấn thương dây chằng chéo sau là một trong 4…
Bệnh Giãn Tĩnh Mạch Chi Dưới
Giãn tĩnh mạch chi dưới là căn bệnh lành tính…
Đau thần kinh tọa Bệnh Đau Thần Kinh Toạ
Đau thần kinh tọa là hiện tượng dây thần kinh…
Bệnh Viêm Khớp Bàn Chân

Viêm khớp bàn chân là một dạng tổn thương phổ biến. Không chỉ gây ảnh hưởng đến khả năng đi…

Bệnh Phù tủy xương

Phù tủy xương là tình trạng sưng đau, nóng đỏ và cứng khớp gây ảnh hưởng đến khả năng vận…

Bệnh Chấn thương tủy sống

Chấn thương tủy sống xảy ra khi chính tủy sống hoặc các mô xương xung quanh bị tổn thương. Đây…

Bệnh Loạn Dưỡng Cơ Duchenne

Loạn dưỡng cơ Duchenne là bệnh lý di truyền đặc trưng với các tổn thương và suy giảm chức năng…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Lê Hữu Tuấn

Phó Giám đốc chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua