Bệnh Viêm Bao Hoạt Dịch
Viêm bao hoạt dịch là bệnh lý xương khớp phổ biến. Thường xảy ra ở các vị trí như khớp gối, vai, khuỷa tay, hông, chân... Tổn thương màng hoạt dịch do tình trạng viêm kéo dài khiến khớp mất dần chức năng vốn có. Không những vậy còn gây ra nhiều triệu chứng sưng đau, khó chịu, hạn chế khả năng đi lại. Một số trường hợp nặng có thể gây biến dạng khớp, tàn phế, bại liệt.
Tổng quan
Viêm bao hoạt dịch (Synovitis) là tình trạng lớp màng hoạt dịch của khớp bị viêm, sưng cùng nhiều tổn thương khác. Lớp màng hoạt dịch này có cấu trúc đặc biệt, là lớp màng nằm bao quanh vai, khuỷa tay, đầu gối, hông và bàn chân. Có nhiệm vụ kiểm soát môi trường bên trong vỏ khớp và gân, làm lớp đệm giữa xương và các bộ phận xung quanh, giúp chúng ta cử động dễ dàng hơn.
Bất kỳ ai cũng có thể bị viêm bao hoạt dịch, nhưng phổ biến nhất là ở người lớn tuổi. Bởi vì nhóm đối tượng này thường có một hệ xương khớp ít khỏe mạnh hơn người trẻ tuổi. Cộng với sự ảnh hưởng của lão hóa khiến xương khớp ngày càng yếu đi, làm tăng nguy cơ phát triển viêm bao hoạt dịch.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Viêm bao hoạt dịch có thể xảy ra từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể đến từ các tổn thương cấu trúc do tác động mạnh, chấn thương hoặc do ảnh hưởng từ các bệnh lý viêm khớp.
Cụ thể gồm:
Chấn thương
Đối với những người khỏe mạnh bình thường, viêm bao hoạt dịch có thể xảy ra do khớp thực hiện các hoạt động quá mức. Chẳng hạn như chấn thương do té ngã, tai nạn giao thông, tai nạn lao động...
Ngoài ra, vận động viên thể thao hoặc những người làm các công việc đòi hỏi phải thực hiện các chuyển động áp lực lặp đi lặp lại thường xuyên như ngồi xổm, khuân vác vật nặng... cũng có nguy cơ chấn thương cao gây viêm bao hoạt dịch.
Viêm khớp
Có rất nhiều dạng viêm khớp gây ra viêm bao hoạt dịch. Trong những trường hợp này, sự phát triển quá mức của màng hoạt dịch là một phần của phản ứng miễn dịch bất thường trong cơ thể. Nguyên nhân là do hệ miễn dịch nhầm lẫn sụn tự nhiên là chất lạ cần loại bỏ và tấn công. Việc mất sụn khiến bề mặt khớp bị tổn thương, dẫn đến viêm khớp và viêm bao hoạt dịch.
Các dạng viêm khớp phổ biến liên quan đến sự khởi phát của viêm bao hoạt dịch là viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, bệnh gout, bệnh vảy nến... Người bệnh cần chú ý đến những căn bệnh này và kịp thời thăm khám, điều trị để ngăn chặn sự phát triển của viêm bao hoạt dịch.
Triệu chứng và chẩn đoán
Không phải khớp nào cũng có thể xảy ra tình trạng viêm bao hoạt dịch. Vì điều kiện cần thiết để khởi phát bệnh là khớp phải có khả năng cử động. Do đó, một số vị trí dễ bị ảnh hưởng nhất là khớp vai, khớp cổ tay, khớp ngón tay, khớp háng, khớp cổ chân...
Triệu chứng
Khi bị viêm bao hoạt dịch, các triệu chứng thường biểu hiện nhanh chóng ngay sau đó và dễ nhận biết, thông qua các dấu hiệu sau:
- Đau nhức, cứng khớp;
- Mức độ cơn đau từ nhẹ đến nặng, nhất là khi ấn mạnh vào;
- Sưng phù, nóng đỏ;
- Hạn chế cử động tại khu vực khớp bị ảnh hưởng;
- Khớp phát ra âm thanh lạo xạo khi cử động;
- Các triệu chứng toàn thân như sốt về chiều, chán ăn, mệt mỏi;
Chẩn đoán
Để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, cần thực hiện kết hợp một số phương pháp chẩn đoán chuyên sâu sau:
- Khám lâm sàng: Bệnh nhân cần cung cấp đầy đủ và chi tiết các triệu chứng mà bản thân gặp phải. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng từng triệu chứng thông qua các thủ thuật tác động lực như ấn, sờ, cong duỗi chân... Kết hợp khai thác tiền sử bệnh cá nhân để đưa ra các chẩn đoán sơ bộ liên quan đến tổn thương viêm bao hoạt dịch.
- Kiểm tra hình ảnh: Các xét nghiệm hình ảnh chẳng hạn như chụp CT hoặc MRI giúp xác định vị trí tổn thương, mức độ cũng như tìm ra nguyên nhân dẫn đến cơn đau.
- Xét nghiệm dịch khớp: Đây là xét nghiệm kiểm tra chất dịch lỏng bôi trơn nằm trong màng dịch tiết. Phương pháp này rất hữu ích trong việc chẩn đoán các tác nhân gây viêm khớp, góp phần chẩn đoán viêm màng hoạt dịch. Được thực hiện bằng cách dùng một cây kim mỏng rút một mẫu dịch trực tiếp từ vị trí khớp tổn thương, sau đó tiến hành phân tích trong phòng thí nghiệm, nuôi cấy dịch để xác định tác nhân.
Biến chứng và tiên lượng
Bất kỳ bệnh lý về xương khớp nào cũng đáng lo ngại, vì chúng sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường cho sức khỏe. Kể cả bệnh viêm bao hoạt dịch cũng vậy, nếu bệnh tiến triển và không được điều trị kịp thời sẽ gây ra hàng loạt các vấn đề về sức khỏe thể chất, tinh thần cũng như giảm chất lượng cuộc sống.
Đa số các trường hợp bị viêm bao hoạt dịch đều có tiên lượng tốt nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Ngược lại các trường hợp viêm bao hoạt dịch mãn tính kéo dài nhiều năm và điều trị muộn có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường. Tuy không đe dọa đến tính mạng, nhưng viêm bao hoạt dịch có thể làm biến dạng khớp, tăng nguy cơ bại liệt, tàn phế vĩnh viễn.
Ngoài ra, bị viêm bao hoạt dịch kéo dài khiến tinh thần người bệnh đi xuống. Khiến người bệnh bị hạn chế các mối giao tiếp xã hội, tự ti, tăng nguy cơ trầm cảm. Để tránh nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm trên, người bệnh nên chủ động thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.
Điều trị
Tổn thương do viêm bao hoạt dịch gây ra thường biểu hiện rõ rệt thông qua triệu chứng. Do đó, để kiểm soát và điều trị khỏi bệnh, cách tốt nhất là tập trung giảm nhẹ triệu chứng bằng các biện pháp bảo tồn, loại bỏ tác nhân gây bệnh. Sau đó, tích cưc thực hiện phương pháp phục hồi chức năng để lấy lại khả năng sinh hoạt như bình thường.
Có nhiều cách điều trị viêm bao hoạt dịch khác nhau, tùy theo mức độ triệu chứng mà bác sĩ sẽ hướng dẫn áp dụng điều trị bằng các biện pháp phù hợp. Bao gồm một số phương pháp cơ bản sau:
- Dùng thuốc: Mục tiêu dùng thuốc nhằm cải thiện các triệu chứng đau nhức, sưng viêm tại khớp bị ảnh hưởng. Các loại thuốc thường dùng nhưs aspirin, ibuprofen hoặc corticosteroid. Ngoài ra, một số trường hợp nghiêm trọng có thể được kê toa dùng thuốc DMARD (một loại thuốc chống thấp khớp) hoặc tiêm steroid giảm đau trực tiếp.
- Phẫu thuật: Những bệnh nhân điều trị viêm bao hoạt dịch nhưng không đáp ứng tốt với các biện pháp nội khoa có thể được chỉ định thực hiện phẫu thuật cắt bỏ màng hoạt dịch. Có 2 hình thức cắt bỏ màng hoạt dịch phổ biến là mổ hở hoặc mổ nội soi. Tùy theo tình trạng bệnh, nhu cầu mong muốn và điều kiện kinh tế để đưa ra quyết định chọn lựa phương pháp mổ phù hợp.
- Vật lý trị liệu: Nhằm cải thiện sự linh hoạt của khớp, bác sĩ thường khuyến nghị bệnh nhân nên bắt đầu tập vật lý trị liệu sau phẫu thuật 1 - 2 ngày. Kết hợp dùng thuốc chống viêm để ngăn chặn viêm tái phát tại màng hoạt dịch. Tốt nhất nên tham khảo và tuân theo hướng dẫn tập luyện của bác sĩ để đạt được hiệu quả tốt nhất.
- Chăm sóc tại nhà: Bên cạnh điều trị y tế, để hỗ trợ cải thiện nhanh các triệu chứng viêm bao hoạt dịch, bệnh nhân có thể áp dụng các mẹo tại nhà đơn giản sau:
- Chườm đá: Cách này giúp xoa dịu làm giảm cơn đau nhức và sưng khớp nhanh chóng. Tuy nhiên, vì hiệu quả chỉ kéo dài tạm thời, trong thời gian ngắn nên bạn có thể thực hiện nhiều lần trong ngày để đạt hiệu quả cao.
- Massage: Những động tác massage nhẹ nhàng tác động đến vùng khớp đau nhức cũng hỗ trợ xoa dịu cơn đau nhanh chóng.
- Nghỉ ngơi: Khuyến khích bệnh nhân bị viêm bao hoạt dịch nên tạm ngưng mọi hoạt động, tránh vận động nặng và dành nhiều thời gian nghỉ ngơi. Điều này giúp tạo điều kiện cho màng hoạt dịch phục hồi nhanh chóng hơn.
- Chế độ dinh dưỡng: Trong thời gian bị viêm bao hoạt dịch, bệnh nhân cũng nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng. Đảm bảo ăn uống đủ chất, bổ sung các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, thúc đẩy phát triển xương khớp khỏe mạnh. Ngoài thực phẩm, bệnh nhân cũng có thể tăng cường sử dụng các sản phẩm TPCN bổ sung canxi, vitamin D hoặc glucosamine & chondroitin giúp cải thiện sức khỏe xương khớp tốt hơn.
Phòng ngừa
Sự ảnh hưởng của viêm bao hoạt dịch tuy không quá nguy hiểm, tiên lượng tốt khi điều trị tích cực. Tuy nhiên, cách tốt nhất để có một hệ xương khớp khỏe mạnh và giảm nguy cơ bị viêm bao hoạt dịch đó là tích cực thực hiện các biện pháp phòng ngừa dưới đây.
- Chú ý tư thế vận động hàng ngày, đặc biệt là khi khuân vác vật nặng. Nên hạn chế những hành động lặp đi lặp lại thường xuyên tạo áp lực lên các khớp để giảm nguy cơ phát triển viêm bao hoạt dịch.
- Vận động nhẹ nhàng và phù hợp, tránh cố quá sức gây áp lực cho khớp, dẫn đến các tổn thương ngoài ý muốn. Ưu tiên những bộ môn nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga, bơi lội...
- Nếu tính chất công việc bắt buộc phải cử động khớp nhiều và liên tục, nên sử dụng miếng đệm hoặc đai cố định để giảm thiểu áp lực đè nặng lên khớp, giảm thiểu tổn thương.
- Có lối sống lành mạnh và khoa học, ăn uống đủ chất, kiểm soát cân nặng phù hợp với cơ thể để tránh tạo áp lực lên hệ thống xương khớp nói chung.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tôi thường xuyên bị đau nhức khớp, sưng đỏ tại chỗ kèm theo khó cử động là dấu hiệu của bệnh gì?
2. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán căn nguyên gây ra?
3. Nguyên nhân khiến tôi bị viêm bao hoạt dịch là gì?
4. Tình trạng viêm bao hoạt dịch có nguy hiểm không?
5. Nếu không điều trị viêm bao hoạt dịch, tôi có thể gặp phải những biến chứng gì?
6. Phương pháp điều trị viêm bao hoạt dịch tốt nhất dành cho trường hợp của tôi?
7. Cách chăm sóc cải thiện triệu chứng viêm bao hoạt dịch tại nhà tôi nên thực hiện?
8. Điều trị viêm bao hoạt dịch mất bao lâu thì có kết quả khả quan?
9. Chi phí uống thuốc và phẫu thuật viêm bao hoạt dịch tốn bao nhiêu?
10. Tôi cần làm gì để ngăn ngừa viêm bao hoạt dịch tái phát sau điều trị?
Viêm bao hoạt dịch không phải căn bệnh quá nguy hiểm. Đa số trường hợp mắc phải đều có tiên lượng điều trị và phục hồi tốt khi được phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, để ngăn chặn các biến chứng khó lường, cách tốt nhất là chủ động thăm khám ngay khi có triệu chứng hoặc thăm khám định kỳ để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường.
Xem thêm:
- Viêm màng bao hoạt dịch khớp gối – Biểu hiện và cách điều trị
- Nguyên nhân và các cách chữa u bao hoạt dịch khớp cổ tay tốt nhất
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!