Bệnh Giãn Tĩnh Mạch Chi Dưới

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai

Cố vấn chuyên môn

Giãn tĩnh mạch chi dưới là căn bệnh lành tính nhưng tiến triển bệnh thường là mãn tính rất khó điều trị. Mức độ suy giãn tĩnh mạch càng nhiều không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn kèm theo những cơn đau nhức dữ dội, hạn chế vận động. Điều trị giãn tĩnh mạch chi dưới càng sớm, tỷ lệ thành công càng cao và giảm nguy cơ biến chứng. 

Tổng quan

Giãn tĩnh mạch chi dưới (Varicose Veins) còn được gọi là giãn tĩnh mạch chân hoặc suy giãn tĩnh mạch chân. Đây là tình trạng các tĩnh mạch ở chân, bàn chân bị giãn quá mức, to ra và ứ đọng máu ở chân, hình thành các đường gân máu ngoằn ngoèo dưới da. Theo các chuyên gia, giãn tĩnh mạch chi dưới là hậu quả của tình trạng suy van tĩnh mạch. Đây là hiện tượng suy giảm chức năng dẫn máu về tim của hệ thống tĩnh mạch chi dưới.

Giãn tĩnh mạch chi dưới là tình trạng các tĩnh mạch giãn to ra, ứ đọng máu tạo thành các đường ngoằn ngoèo dưới da

Đa phần các trường hợp bị giãn tĩnh mạch thường xuất hiện ở cẳng chân, đặc biệt phổ biến ở phụ nữ trưởng thành. Triệu chứng giãn tĩnh mạch chi dưới thường khá mờ nhạt, không rõ ràng và dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý xương khớp khác.

Nhiều người nghĩ rằng giãn tĩnh mạch chỉ đơn thuần gây ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ. Nhưng thực tế cho thấy có rất nhiều trường hợp bệnh nghiêm trọng gây đau đớn khó chịu và phát sinh nhiều biến chứng nguy hiểm khó lường như hình thành huyết khối, thuyên tắc mạch phổi, thậm chí tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch chi dưới cho đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Nhưng nhiều giả thuyết cho rằng cơ chế bệnh sinh của giãn tĩnh mạch chi dưới là do sự tổn thương của các van trong lòng tĩnh mạch, khiến máu chỉ lưu thông theo chiều trái ngược so với bình thường. Thay vì máu sẽ được bơm từ chân lên tim, nhưng khi tĩnh mạch chân bị giãn sẽ khiến máu chảy ngược từ tim xuống bàn chân.

Tình trạng này kéo dài làm tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch và kéo giãn thành tĩnh mạch. Hậu quả là kéo giãn các van, làm hở van mức độ nặng, tăng nguy cơ viêm tĩnh mạch, làm giãn tĩnh mạch cùng nhiều biến chứng tổn thương khác.

Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch chi dưới thường liên quan đến tuổi tác, giới tính, cân nặng, mang thai...

Phần lớn bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch chi dưới là phụ nữ (chiếm tỷ lệ 70%). Do bị ảnh hưởng từ các yếu tố nguy cơ sau:

  • Khiếm khuyết bất thường bẩm sinh về cấu trúc van;
  • Rối loạn nội tiết tố do đang trong chu kỳ kinh nguyệt, phụ nữ mang thai;
  • Tuổi tác cao, lão hóa nhanh khiến chức năng van tĩnh mạch tự suy yếu;
  • Tiền sử gia đình, yếu tố di truyền;
  • Phụ nữ sinh đẻ nhiều hoặc lạm dụng thuốc ngừa thai quá mức;
  • Thừa cân, béo phì;
  • Táo bón kinh niên;
  • Lười vận động, chế độ ăn ít chất xơ, thiếu hụt vitamin khoáng chất;
  • Tính chất công việc bắt buộc phải đứng lâu như bán hàng, công nhân điều khiển máy móc, thợ dệt, may, giáo viên, chế biến thủy hải sản...;
  • Thói quen mặc quần bó sát, ôm chật vào chân hoặc mang giày cao gót liên tục;
  • Môi trường sống ẩm thấp, ô nhiễm;

Triệu chứng và chẩn đoán

Các triệu chứng giãn tĩnh mạch chi dưới thường khá mờ nhạt, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý cơ xương khớp khác. Nhưng khi xem xét dựa trên lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán giãn tĩnh mạch chi dưới khi có các triệu chứng sau:

Bị giãn tĩnh mạch đặc trưng với các sợi dây dưới da ngoằn ngoèo như mạng nhện

  • Khi tĩnh mạch bị giãn sẽ có màu xanh dương hoặc tím đậm;
  • Tĩnh mạch xoắn và phình ra dưới da như những sợi dây, ngoằn ngoèo như mạng nhện (spider vein);
  • Vùng da tại vị trí chi dưới bị giãn tĩnh mạch chuyển sang màu đỏ;
  • Xuất hiện cảm giác bó chặt ở chân, bắp chân gây đau mỏi, nặng trì, ngứa ran như có kiến bò kèm theo tê bì khó chịu;
  • Dễ bị co cứng và hay bị chuột rút và tê chân gây mất ngủ;
  • Chân sưng phù lớn bất thường sau khi đứng quá lâu hoặc vào buổi chiều tối;
  • Kèm theo ngứa ngáy xung quanh vùng da bị giãn tĩnh mạch chi dưới;
  • Xuất hiện các vết loét lớn nhỏ, kèm theo da sạm đen, nổi từng búi lớn tại tĩnh mạch bị giãn... ở giai đoạn muộn;

Các triệu chứng giãn tĩnh mạch chi dưới thường không xuất hiện cùng lúc mà xảy ra lần lượt tùy từng giai đoạn bệnh. Hệ thống phân chia theo CAEP, phân chia các giai đoạn tiến triển bệnh và mức độ lâm sàng từ C1 - C6 gồm:

  • C1 là giãn tĩnh mạch chi dưới dạng lưới và mạng nhện;
  • C2 là tình trạng giãn mạch lớn dưới da > 3mm;
  • C3 là giãn tĩnh mạch kèm theo phù;
  • C4 là gây biến đổi các mô và cấu trúc dưới da (thường là biểu hiện của bệnh chàm), da phù nhiều khi đứng lâu và da nổi nhiều đường ngoằn ngoèo;
  • C5 là giai đoạn hình thành vết loét có thể lành, màu da chân thay đổi;
  • C6 là giai đoạn loét không lành, phù nhiều và da sậm màu;

Dựa vào những tiêu chuẩn này mà bác sĩ chuyên khoa có thể chẩn đoán được giai đoạn bệnh ở mức độ nặng hay nhẹ. Đồng thời, khai thác tiền sử bệnh cá nhân và thói quen sinh hoạt hàng ngày để đưa ra những chẩn đoán bệnh chính xác.

Ngoài ra, một số trường hợp phối hợp với biện pháp siêu âm Doppler mạch máu, chụp CT Scan tĩnh hoặc chụp MRI tĩnh mạch nhằm xác định mức độ tổn thương của van tĩnh mạch thông qua các chỉ số về tốc độ dòng trào ngược.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh nhân giãn tĩnh mạch chi dưới mức độ nặng nhưng không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

Tụ cục huyết khối là một trong những biến chứng nguy hiểm của giãn tĩnh mạch chi dưới

  • Ảnh hưởng giấc ngủ: Tần suất chuột rút về đêm thường xuyên gây đau nhức cẳng chân, sưng phù chân và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng giấc ngủ;
  • Viêm tắc tĩnh mạch: Là một trong những biến chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân giãn tĩnh mạch chi dưới.
    • Giai đoạn đầu: Đặc trưng với tình trạng sưng nóng đỏ vùng da bị giãn tĩnh mạch, tĩnh mạch nổi rõ lên da, bị viêm cứng kéo dài;
    • Giai đoạn cuối: Trong giai đoạn này, toàn bộ hệ thống tĩnh mạch bị giãn to, gây ứ trệ tuần hoàn, kéo theo biến chứng loạn dưỡng da chân. Biểu hiện rõ rệt thông qua tình trạng đổi màu da, tróc vảy, sạm da, xơ cứng bì, gây chàm và hình thành các vết lở loét nông hoặc sâu, bội nhiễm phức tạp, tái đi tái lại thường xuyên gây khó khăn trong việc điều trị;
  • Hình thành cục huyết khối: Bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch chi dưới lâu năm có nguy cơ cao tụ huyết khối trong lòng tĩnh mạch. Sự tồn tại của các tụ huyết khối có thể gây tắc mạch máu tại chỗ hoặc bong ra, di chuyển theo dòng chảy của máu đến phổi, gây thuyên tắc mạch phổi hoặc đến tim, não gây nhồi cơ cơ tim, nhồi máu não cực kỳ nguy hiểm, tăng nguy cơ tử vong nếu không điề trị kịp thời.

Tiên lượng điều trị giãn tĩnh mạch chi dưới tương đối tốt nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời bằng phương pháp phù hợp. Đồng thời, hạn chế biến chứng, tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí, giảm thiểu đau đớn gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày. Ngược lại, bệnh cũng sẽ rất nhanh tiến triển xấu đi và gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của bệnh nhân nếu chủ quan, lơ là và không tiếp nhận điều trị.

Do đó, khuyến cáo bệnh nhân giãn tĩnh mạch chi dưới hoặc xuất hiện các triệu chứng bất thường nghi ngờ là suy giãn tĩnh mạch không nên để đến khi bệnh chuyển nặng mới trị. Hãy sớm thăm khám và điều trị tại bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp, ngăn ngừa biến chứng.

Điều trị

Tại Việt Nam, điều trị giãn tĩnh mạch chi dưới được thực hiện khá thành công thông qua các phương pháp điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa. Tùy theo nguyên nhân và mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp phù hợp.

1. Điều trị nội khoa

Những trường hợp giãn tĩnh mạch chi dưới mức độ nhẹ, bệnh nhân thường được điều trị ngoại trú, thông qua các biện pháp sau:

# Dùng thuốc 

Điều trị nội khoa thường được chỉ định cho những trường hợp giãn tĩnh mạch sâu, giãn tĩnh mạch nông vừa khởi phát ở giai đoạn sớm. Dùng thuốc nhằm mục đích cải thiện cơn đau nhức, tê bì, cứng cơ và nhiều triệu chứng khác kèm theo. Ngoài ra, giúp hỗ trợ bảo tồn chức năng thành mạch máu khỏi sự tác động của giãn tĩnh mạch, ức chế tiến triển bệnh, ngăn hình thành cục máu đông, biến chứng loét da...

Điều trị nội khoa giãn tĩnh mạch chi dưới bằng thuốc tăng độ bền cho thành tĩnh mạch, hỗ trợ cải thiện triệu chứng bệnh

Một số thuốc thường dùng cho bệnh nhân giãn tĩnh mạch chi dưới như:

  • Thuốc tăng độ bền vững cho thành tĩnh mạch như rutin C, Daflon, Ginko biloba, veinnamitol, venpoten...;
  • Thuốc giảm đau;
  • Thuốc chống viêm không steroid;

Tuy dùng thuốc đem lại hiệu quả cao, dùng dưới dạng uống hoặc dạng tiêm trực tiếp, giúp giảm giảm triệu chứng nhanh chóng trong giai đoạn đầu nhưng chỉ có tác dụng tạm thời, không thể dùng dài lâu để tránh gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe, suy giảm chức năng gan thận, dị ứng thuốc...

# Vật lý trị liệu 

Đây là phương pháp hỗ trợ điều trị giãn tĩnh mạch chi dưới hiệu quả, không xâm lấn và an toàn cho bệnh nhân. Có nhiều biện pháp khác nhau như:

Vớ y khoa ôm sát vào cổ chân, thúc đẩy tuần hoàn máu theo tĩnh mạch lên tim, giảm thiểu tình trạng ứ đọng máu

  • Các bài tập trị liệu giúp phục hồi chức năng theo hướng dẫn của chuyên gia;
  • Massage xoa bóp, bấm huyệt theo liệu trình giúp hỗ trợ lưu thông máu;
  • Mang vớ ép y khoa giúp các cơ và tĩnh mạch chân tuần hoàn máu theo các tĩnh mạch chân đi lên tim hiệu quả hơn, cải thiện các triệu chứng bệnh hiệu quả, phòng ngừa hình thành cục máu đông;
  • Kết hợp tự chăm sóc tại nhà thông qua điều chỉnh lối sống sinh hoạt lành mạnh, ăn uống đủ chất, vận động đúng tư thế, tập thể dục điều độ,  vừa sức, giảm cân, không mặc quần quá chật...;

Tránh thực hiện những sai lầm trong điều trị giãn tĩnh mạch chi dưới như:

  • Không nên chân vào nước nóng, nước ấm hoặc bôi dầu nóng với mục đích thư giãn, thoải mái. Đây là những hành động càng làm tăng mức độ giãn nở tĩnh mạch nặng hơn;
  • Tránh đi lại quá nhiều khi bị giãn tĩnh mạch chi dưới, vì càng đi lại nhiều càng khiến các mạch máu bị tắc nghẽn, ứ đọng máu, kém lưu thông và gây sưng đau nhiều hơn;
  • Không tự ý mua thuốc bôi, thuốc chống viêm, thuốc giảm đau trong giai đoạn phát hiện sớm để tránh khiến bệnh tiến triển ngày càng nặng hơn;

2. Điều trị ngoại khoa

Đối với những trường hợp giãn tĩnh mạch chi dưới nặng, có dấu hiệu của biến chứng hoặc đã gây biến chứng, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định thực hiện điều trị can thiệp ngoại khoa.

# Các thủ thuật xâm lấn tối thiểu 

  • Chích xơ tĩnh mạch: Những ca bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới độ 2 & 3 thường được chỉ định áp dụng thủ thuật này. Bệnh nhân sẽ được tiêm một loại thuốc chuyên biệt trực tiếp vào trong lòng tĩnh mạch. Thuốc này có tác dụng làm xơ cứng các tĩnh mạch bị giãn, sau một thời gian ngắn chúng sẽ tự biến mất và đào thải khỏi cơ thể.
  • Liệu pháp nitơ lỏng âm 90 độ C: Có tác dụng làm nghẹt lòng tĩnh mạch bị giãn bằng thiết bị ống thông chuyên dụng. Tuy đem lại hiệu quả cao giúp ức chế sự tiến triển của các tĩnh mạch bị giãn nhưng phương pháp này có tỷ lệ tái phát lên đến 30%.

Điều trị giãn tĩnh mạch chi dưới hiệu quả bằng liệu pháp laser nội tĩnh mạch

  • Liệu pháp xơ tắc bằng sóng cao tần (RFA - Radiofrequency Ablation): Đây là phương pháp sử dụng nhiệt (trong khoảng sóng âm thâm từ 200 - 1.200 MHz) nhằm loại bỏ dòng máu trào ngược trong tĩnh mạch. Liệu pháp này thường được chỉ định cho những trường hợp giãn tĩnh mạch chi dưới độ 2, không đáp ứng với điều trị nội khoa.
  • Laser nội tĩnh mạch (EVLA): Phương pháp này sử dụng nguồn năng lượng laser có khả năng loại bỏ tĩnh mạch từbên trong cơ thể mà không cần phải can thiệp phẫu thuật. Bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ, tiếp theo dùng 1 sợi dây dẫn mỏng, nhỏ tiếp cận đến tĩnh mạch bị giãn thông qua hình ảnh siêu âm. Sau đó, kích hoạt máy laser để phóng nguồn năng lượng laser vào bên trong để phá hủy các tĩnh mạch hư hại. Ưu điểm lớn nhất của liệu pháp này là không bị tái phát, an toàn, ít đau đớn và phục hồi nhanh. Tuy nhiên, kỹ thuật này chỉ phù hợp với những người bị giãn tĩnh mạch chi dưới cấp độ 2 trở lên, siêu âm phát hiện dòng máu trào ngược tĩnh mạch.
  • Thắt ống tĩnh mạch: Thủ thuật này bao gồm 2 bước là thắt tĩnh mạch để ngăn nó đi sâu vào tĩnh mạch và thủ thuật cắt bỏ các tĩnh mạch bị giãn. Liệu pháp này nhằm giải phóng tắc nghẽn, giúp máu lưu thông nhiều hơn đến các tĩnh mạch sâu nhiều hơn mà không gây ảnh hưởng đến tuần hoàn ở chân.

# Phẫu thuật

Phẫu thuật giãn tĩnh mạch chi dưới thường được chỉ định đối với những trường hợp có số lượng lớn tĩnh mạch bị giãn, trên da nổi rõ các đường ngoằn nghoèo. Hiện nay, có 2 loại phẫu thuật giãn tĩnh mạch chi dưới là:

Phẫu thuật loại bỏ các tĩnh mạch bị giãn quá mức nhằm dứt điểm bệnh, ngăn biến chứng và giảm nguy cơ tái phát

  • Stripping: Là phương pháp loại bỏ các tĩnh mạch nông bị giãn bằng một dụng cụ y tế chuyên dụng luồn vào trong lòng mạch, cho phép rút bỏ từng tĩnh mạch bị giãn. Kỹ thuật này được đánh giá đem lại hiệu quả cao, xử lý triệt để các tổn thương và tỷ lệ tái phát thấp. Tuy nhiên, chỉ phổ biến trước những năm 2000, còn trong những năm trở lại đây kỹ thuật sóng cao tần nội tĩnh mạch và laser đã gần như thay thế gần như hoàn toàn kỹ thuật phẫu thuật này.
  • CHIVA (Cure conservatrice et Hemodynamique de L'Insuffisance Veineuse en Ambulatoire): Đây là phẫu thuật chỉ cần gây tê tại chỗ nhằm loại bỏ van tĩnh mạch bị tổn thương và tĩnh mạch bàng hệ, bảo tồn tĩnh mạch biển. Kỹ thuật này được thực hiện thông qua siêu âm đánh dấu chính xác vị trí bị tổn thương cần phẫu thuật.

Sau phẫu thuật giãn tĩnh mạch chi dưới, bệnh nhân sẽ phải dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và đeo vớ y khoa hoặc băng thun trong vài ngày đầu. Sau 10 ngày - 2 tuần vẫn nên sử dụng vớ để giảm thiểu nguy cơ bị phù chân. Chăm sóc và theo dõi kỹ lưỡng trong quá trình chăm sóc hậu phẫu, tái khám sau 1 tháng, 6 tháng và duy trì trong 1 - 2 năm để đánh giá bệnh, tầm soát bất thường hoặc nguy cơ tái phát bệnh.

Theo các chuyên gia, việc loại bỏ 1 hoặc vài tĩnh mạch không gây ra quá nhiều sự bất thường, vì vẫn còn rất nhiều tĩnh mạch khác có thể đảm nhiệm chức năng của các tĩnh mạch đã bị loại bỏ. Tuy nhiên, xét về bản chất thì dù phẫu thuật bằng phương pháp nào cũng tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro nhất định. Do đó, hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện và nghe theo sự tư vấn, hướng dẫn của chuyên gia.

Phòng ngừa

Phòng ngừa giãn tĩnh mạch chi dưới rất đơn giản, chỉ cần thực hiện lối sống sinh hoạt khoa học và lành mạnh, vận động đúng tư thế.

Một lối sống lành mạnh bao gồm ăn uống khoa học, vận động hợp lý sẽ giúp bạn có một đôi chân khỏe mạnh, giảm thiểu nguy cơ bị giãn tĩnh mạch

  • Duy trì cân nặng phù hợp thông qua chế độ ăn uống đủ chất, đặc biệt là chất xơ, hạn chế muối để giảm nguy cơ giãn tĩnh mạch chi dưới.
  • Tập thể dục điều độ mỗi ngày, tập vừa sức bằng những bộ môn nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, yoga, dưỡng sinh, đạp xe... giúp kích thích tăng cường tuần hoàn máu lưu thông trơn tru.
  • Tránh đứng một chỗ quá lâu vì sẽ kích thích làm tăng áp lực tĩnh mạch ở cẳng chân, bàn chân, gây suy yếu thành mạch máu, dễ phát sinh giãn tĩnh mạch chi dưới.
  • Duy trì tư thế ngồi đúng, thẳng lưng, không bắt chéo chân để tránh gây tắc nghẽn tuần hoàn máu.
  • Không ngồi quá lâu một chỗ, sau 45 phút - 1 tiếng ngồi, đứng đậy đi lại thư giãn để tăng cường tuần hoàn máu.
  • Hãy kê cao chân lên mọi lúc khi có thể, kể cả khi đứng, ngồi hay nằm ngủ để giảm thiểu áp lực cho chi dưới, cải thiện tuần hoàn máu và phòng ngừa nguy cơ giãn tĩnh mạch.
  • Tránh mặc quần áo bó sát, đặc biệt là ôm phần chân hoặc quanh eo để tránh nguy cơ làm giãn tĩnh mạch chân.
  • Nên ưu tiên mang giày đế thấp, hạn chế mang giày cao gót để giúp tuần hoàn máu lưu thông tốt hơn qua hệ thống tĩnh mạch.
  • Hạn chế ra nắng nhiều hoặc phải che chắn kỹ lưỡng trước ra ngoài để giảm thiểu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, giảm nguy cơ hình thành các tĩnh mạch mạng nhện.
  • Không nên lạm dụng thuốc ngừa thai vì rất dễ gây rối loạn nội tiết và tăng nguy cơ phát sinh giãn tĩnh mạch chi dưới.
  • Nam giới có tiền sử cao huyết áp tuyệt đồi không nên hút thuốc lá. Vì thuốc lá có thể gây cản trở lưu thông máu, tích tụ nhiều ở chân dễ gây ra giãn tĩnh mạch.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới là gì? Những triệu chứng đặc trưng của bệnh?

2. Nguyên nhân khiến tôi bị giãn tĩnh mạch chi dưới?

3. Bị giãn tĩnh mạch chi dưới nguy hiểm như thế nào?

4. Tôi cần thực hiện xét nghiệm nào để chẩn đoán giãn tĩnh mạch chi dưới?

5. Phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch chi dưới tốt nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?

6. Điều trị nội khoa giãn tĩnh mạch chi dưới có phải phương pháp tối ưu không?

7. Thuốc trị giãn tĩnh mạch chi dưới loại nào tốt nhất? Có gây tác dụng phụ không?

8. Bị giãn tĩnh mạch chi dưới khi nào cần phẫu thuật?

9. Tôi cần làm gì và tránh làm gì trong quá trình điều trị giãn tĩnh mạch chi dưới?

10. Thời gian điều trị giãn tĩnh mạch chi dưới mất bao lâu thì khỏi hoàn toàn?

Giãn tĩnh mạch chi dưới là căn bệnh tương đối lành tính. Nhưng trong nhiều trường hợp nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Do đó, hãy chủ động thăm khám và điều trị sớm khi phát hiện bệnh hoặc tốt nhất nên tự nâng cao ý thức về một lối sống sinh hoạt khoa học, ngăn ngừa nguy cơ bị giãn tĩnh mạch chi dưới.

Tham khảo thêm:

Chia sẻ:
Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay
Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay có thể xảy ra ở bất kỳ ai và thông qua nhiều hình thức. Chẳng hạn như tai nạn giao thông, tai…
Hội chứng chùm đuôi ngựa
Hội chứng chùm đuôi ngựa là tình trạng nghiêm trọng,…
Gai cột sống Bệnh Gai Cột Sống
Gai cột sống là bệnh lý xương khớp xảy ra…
Bệnh Huyết Khối Tĩnh Mạch Sâu
Huyết khối tĩnh mạch sâu là một trong những biến…
Bệnh Lao Cột Sống

Lao cột sống phổ biến chỉ sau lao phổi. Đây là một dạng bệnh thường gặp trong tất cả các…

Bệnh Viêm Khớp Cổ Tay

Viêm khớp cổ tay là một dạng viêm khớp phát triển ở cổ tay, gây sưng đau, cứng khớp và…

Viêm khớp dạng thấp Bệnh Viêm Khớp Dạng Thấp

Viêm khớp dạng thấp là một trong những dạng viêm khớp phổ biến có tỷ lệ mắc cao nhất. Đây…

Bệnh viêm khớp Bệnh Viêm Khớp

Viêm khớp là tình trạng viêm tại một hoặc nhiều khớp cùng lúc kèm theo sưng đau, cứng khớp. Bệnh…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai

Cố vấn chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua