Bệnh Xơ cứng bì

Bác sĩ phụ trách

Bác Sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan

Giám đốc Chuyên môn

Xơ cứng bì là nhóm bệnh hiếm gặp liên quan đến tình trạng xơ cứng, dày cứng da và các tổn thương da bất thường khác. Một số trường hợp nghiêm trọng, xơ cứng bì thể nặng còn gây ra các vấn đề về mạch máu, tiêu hóa, thận, tim, phổi... ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không điều trị kịp thời. Điều trị xơ cứng bì nên được thực hiện càng sớm càng tốt để ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm. 

Xơ cứng bì là tình trạng các mô liên kết tự miễn làm thay đổi da, mạch máu và nhiều cơ quan nội tạng khác như phổi, thận, tim

Tổng quan

Xơ cứng bì (Scleroderma) là nhóm bệnh tự miễn hiếm gặp, gây ảnh hưởng đến nhiều vị trí trong cơ thể như da, khớp, mạch máu và các cơ quan nội tạng. Căn bệnh này đặc trưng bởi tình trạng tăng sinh và lắng đọng bất thường của một chất có khả năng tạo keo ở các cơ quan này. Hậu quả gây dày da, cứng da, hình thành tổn thương và làm suy giảm chức năng các cơ quan nội tạng.

Bất kỳ ai cũng có thể mắc phải căn bệnh này, nhưng phổ biến nhất là trong độ tuổi từ 30 - 50 tuổi, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao hơn nam giới. Căn nguyên gây bệnh đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhưng các yếu tố như rối loạn tự miễn dịch, môi trường, nội tiết, tính chất nghề nghiệp... được xác định có liên quan mật thiết đến sự phát triển của xơ cứng bì.

Phân loại

Bệnh xơ cứng bì được chia làm 2 loại chính gồm:

Bệnh xơ cứng bì có 2 dạng chính là thể cục bộ chỉ giới hạn ở da và thể hệ thống ảnh hưởng đến mạch máu cùng các cơ quan nội tạng

  • Xơ cứng bì cục bộ (localized scleroderma): Đây là thể xơ cứng bì khu trú hay còn được gọi là bệnh Morphea. Đặc trưng của thể bệnh này chỉ gây ảnh hưởng đến da và các mô cấu trúc bên dưới da. Tổn thương của nó thường giới hạn ở một vùng cụ thể trong cơ thể, là những mảng hình dục hoặc tròn, da thay đổi màu sắc thành màu trắng hoặc hồng. Thể này được chia làm 2 dạng nhỏ gồm:
    • Thể Morphea: Đây là những mảng tổn thương xơ cứng bì có đường kính lớn, màu sắc da thay đổi từ tím sang màu trắng, thường xuất hiện ở trên cánh tay, chân, thân người.
    • Thể xơ cứng bì tuyến tính: Những mảng xơ cứng bì phát triển dày lên thành một đường, kéo dài xuống cánh tay, chân hoặc đôi khi là mặt, trán.
  • Xơ cứng bì hệ thống (systemic scleroderma): Thể bệnh này nghiêm trọng hơn nhiều do với thể xơ cứng bì cục bộ. Vì tổn thương không còn khu trú trên da mà còn làm tổn thương đến các cơ quan nội tạng như tim, thận, phổi, hệ tiêu hóa... Thể này có 2 dạng nhỏ gồm:
    • Xơ cứng bì giới hạn ở da: Tổn thương thường xuất hiện chậm, thường chỉ ảnh hưởng đến vùng da tay, chân, mặt... và khu trú tại đây, ít khi lây lan.
    • Xơ cứng bì lan tỏa: Tổn thương này thường xuất hiện nhanh chóng và đột ngột. Ban đầu cũng chỉ giới hạn ở ngón tay, ngón chân, nhưng sau đó có thể lan rộng sang nhiều vùng khác như cánh tay, bàn chân, khuỷa chân, đùi, thân... Hoặc nhiều trường hợp còn gây tổn thương nội tạng.

Tìm hiểu thêm:  Bệnh xơ cứng bì có lây không, cần lưu ý gì?

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân chính xác gây bệnh xơ cứng bì đến nay vẫn chưa được xác định rõ. Nhưng theo các chuyên gia khoa học, đây không phải là căn bệnh có khả năng di truyền từ bố mẹ sang con cái hoặc truyền nhiễm từ người sang người. Thay vào đó, sự phát triển của bệnh được xác định có liên quan đến một số yếu tố nguy cơ sau:

Sự khởi phát của xơ cứng bì được xác định có liên quan mật thiết đến rối loạn tự miễn dịch

  • Rối loạn hệ thống miễn dịch: Hệ thống miễn dịch bị rối loạn và hoạt động bất thường là tác nhân hàng đầu gây ra bệnh tự miễn. Một trong những tác nhân phổ biến nhất như bệnh lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp... Tình trạng này gây kích thích sự hoạt động quá mức của các tế bào xơ non và sản sinh tích tụ nhiều chất tạo keo ở nhiều cơ quan gây ra tổn thương.
  • Biến đổi gen: Cấu trúc phát triển bất thường ở một số gen là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự khởi phát của bệnh xơ cứng bì.
  • Yếu tố nội tiết: Hormone estrogen - một loại hormone sinh dục nữ được đánh giá có liên quan mật thiết đến sự phát triển bệnh xơ cứng bì. Đây cũng là lý do vì sao tỷ lệ nữ giới mắc bệnh lý này thường cao hơn nam giới gấp 7 - 12 lần.
  • Yếu tố môi trường: Tính chất công việc hoặc môi trường sống thường xuyên phải tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, dung môi hữu cơ hoặc các vi sinh vật có hại làm tăng nguy cơ phát triển bệnh xơ cứng bì.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Một khi đã mắc bệnh xơ cứng bì, bệnh nhân thường gặp rất nhiều triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, đặc điểm triệu chứng thường khác nhau ở từng người bệnh và tùy theo dạng xơ cứng bì mà bạn mắc phải.

Đặc trưng triệu chứng của xơ cứng bì là tình trạng da dày, cứng, khô kèm theo đau cứng khớp, các vấn đề hô hấp, tiêu hóa

Cụ thể một số triệu chứng đặc trưng của bệnh xơ cứng bì bao gồm:

Triệu chứng thể xơ cứng bì Morphea

Đây là dạng xơ cứng bì rất phổ biến, tổn thương chủ yếu hình thành ở bụng và lưng, hoặc đôi khi phát triển ở tay, chân, mặt... Độ tuổi dễ phát bệnh xơ cứng bì thể này nhất là từ 20 - 30 tuổi, một số trường hợp trẻ em cũng có nguy cơ cao mắc phải.

Các triệu chứng điển hình gồm:

  • Xuất hiện các mảng da đỏ, dày sừng hình tròn hoặc bầu dục
  • Bề mặt da trở nên sáng bóng, nhìn giống như sáp;
  • Vùng trung tâm của các mảng tổn thương ngả màu vàng hoặc ngà;
  • Kèm theo ngứa ngáy da;

Triệu chứng xơ cứng bì tuyến tính

Tổn thương xơ cứng bì tuyến tính có khả năng tạo thành các đường dài khi nó khô cứng lại. Vị trí xuất hiện thường là ở chân, tay hoặc đầu, nặng hơn có thể làm tổn thương đến cơ, xương. Đặc trưng với các triệu chứng sau:

  • Xuất hiện các vệt hoặc đường da cứng, giống như sáp trên da đầu, mặt, tay, chân;
  • Vùng da tổn thương thay đổi màu sắc rõ rệt, có thể sáng hoặc tối hơn so với ban đầu;
  • Các khớp có dấu hiệu co thắt;

Triệu chứng xơ cứng bì giới hạn

Thể bệnh này còn được gọi là hội chứng CREST. Một người chỉ được chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng bì khi có 2 hoặc nhiều đặc điểm chung của hội chứng này như:

  • Hiện tượng lắng đọng canxi trong da;
  • Hiện tượng Raynaud xảy ra khi các mạch máu co thắt quá mức mỗi khi lạnh, căng thẳng hoặc có các cảm xúc khó chịu, gây ức chế lưu lượng máu đến ngón tay, ngón chân;
  • Rối loạn chức năng thực quản;
  • Hiện tượng Telangiectasia gây sưng mao mạch và hình thành đốm đỏ trên da;
  • Hiện tượng Sclerodactyly là tình trạng da tay dày lên và căng ra quá mức;

Cụ thể từng triệu chứng biểu hiện như sau:

  • Triệu chứng ở da:
    • Ngón tay, chân chuyển màu xanh, trắng đột ngột và chuyển sang màu đỏ ngược lại sau đó;
    • Các ngón tay bị sưng;
    • Da mặt, tay, chân dày lên;
    • Nổi các cục u cứng, nhỏ trong hoặc dưới da;
    • Ngón tay cong lại do da căng quá mức;
    • Giảm khả năng chuyển động của ngón tay;
    • Da khô ráp khó chịu;
    • Da căng bóng như sáp;
  • Triệu chứng tiêu hóa:
    • Ợ nóng, có cảm giác nóng rát phía sau xương ức;
    • Khàn tiếng;
    • Đau khi nuốt;
    • Trào ngược sau khi ăn;
    • Loét miệng;
    • Có vị chua khó chịu trong miệng;
  • Triệu chứng khác: Trường hợp tổn thương ảnh hưởng đến phổi, bệnh nhân có thể gặp phải triệu chứng như hụt hơi, ho dai dẳng kéo dài...

Triệu chứng xơ cứng bì lan tỏa

Những người mắc thể bệnh này thường gặp các triệu chứng Raynaud trước khi có triệu chứng về da, kèm theo tổn thương liên quan đến nội tạng như phổi, thận, tim, tiêu hóa...

  • Sưng phù ngón tay giống như xúc xích;
  • Da vùng thân, chân, tay dày lên bất thường và theo từng mảng rộng;
  • Da mặt căng bóng như tượng sáp;
  • Da sạm màu;
  • Môi mỏng, vùng da quanh miệng nhăn nheo;
  • Cứng khớp, đau nhức cơ khớp;
  • Các khớp phát ra âm thanh lạo xạo khi cử động;
  • Các triệu chứng tiêu hóa như ợ nóng, buồn nôn, chướng bụng
  • Sụt cân, mệt mỏi, suy nhược;
  • Tiêu chảy, chuột rút;
  • Ho kéo dài, dễ bị hụt hơi;

Chẩn đoán

Riêng đối với bệnh xơ cứng bì, việc chẩn đoán không phải lúc cũng dễ dàng. Vì tổn thương thường ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác của cơ thể, nên rất dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý về da, xương, tiêu hóa, tim, thận...

Chẩn đoán xơ cứng bì cần kết hợp giữa thăm khám sức khỏe, khai thác tiền sử bệnh và các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết

Do đó, sau bước thăm khám ban đầu, kiểm tra thể chất kỹ lưỡng, khai thác tiền sử bệnh cá nhân... Bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng để xác nhận chẩn đoán cũng như đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bao gồm các xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm máu: Nhằm đo lường nồng độ của các yếu tố miễn dịch (kháng thể kháng nhân), vì có khoảng 95% bệnh nhân xơ cứng bì đều có chứa yếu tố này trong máu. Kết quả chẩn đoán này cho phép chẩn đoán chính xác mức độ xơ cứng bì và phân biệt với các bệnh lý tự miễn dịch khác. Ngoài ra, xét nghiệm máu còn giúp phát hiện tăng huyết áp và mức độ rò rỉ protein vào nước tiểu, kiểm tra chức năng thận.
  • Kiểm tra tim mạch: Nhằm kiểm tra và xác định mức độ tổn thương tim mạch do ảnh hưởng của xơ cứng bì. Các kỹ thuật có thể được áp dụng để chẩn đoán như đo điện tâm đồ hoặc siêu âm tim.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Chẳng hạn như chụp X quang hoặc chụp CT scan nhằm kiểm tra tổn thương phổi, phát hiện các mô sẹo hoặc tổn thương liên quan đến xơ cứng bì và đánh giá chức năng phổi.
  • Nội soi: Được thực hiện bằng cách luồn một ống nội soi mỏng, nhỏ, có gắn camera ở phần đầu để quan sát thực quản, ruột, phát hiện tổn thương có liên quan đến xơ cứng bì.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh xơ cứng bì tuy hiếm gặp nhưng lại được cảnh báo là một bệnh khá nguy hiểm, tiến triển khó lường nếu không được điều trị và kiểm soát kịp thời. Mức độ biến chứng có thể từ nhẹ đến nặng, từ không nguy hiểm cho đến đe dọa tính mạng.

Xơ cứng bì nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe

Có thể kể đến một số biến chứng như:

Biến chứng xơ cứng bì cục bộ

  • Đau khớp;
  • Trẻ em chậm phát triển gân, cơ tứ chi;
  • Phát triển viêm khớp tự phát ở trẻ vị thành niên;

Biến chứng xơ cứng bì hệ thống

  • Các tổn thương vĩnh viễn ở đầu ngón tay (hiện tượng Raynaud);
  • Hoại tử mạch máu, nghiêm trọng hơn phải cắt cụt chi;
  • Mất kiểm soát đại tiện do suy yếu cơ vòng hoặc bất thường nhu động đường tiêu hoá;
  • Tăng cao huyết áp phổi gây các vấn đề về hô hấp, dẫn đến suy tim;
  • Các vấn đề tim mạch khác như viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim...;
  • Tổn thương chức năng thận do giảm lưu lượng máu đến thận;
  • Các vấn đề về răng miệng, trào ngược dạ dày thực quản cùng những thay đổi bất thường ở mô nướu;
  • Phát triển nghiêm trọng hội chứng Sjogren gây khô mắt, khô miệng;
  • Hội chứng giãn mạch máu hang vị dạ dày (GAVE), không điều trị kịp thời có thể gây biến chứng ung thư dạ dày;
  • Các vấn đề về thần kinh như rối loạn ngôn ngữ, đau đầu, co giật, rối loạn thị giác;
  • Rối loạn chức năng tình dục ở cả nam và nữ giới;

Mỗi thể xơ cứng bì khác nhau sẽ có mức độ nguy hiểm khác nhau. Tiên lượng bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ và tiến triển bệnh, thể trạng sức khỏe của bệnh nhân, thời điểm điều trị, phương pháp điều trị, mức độ đáp ứng điều trị. Chẳng hạn như:

  • Thể xơ cứng bì cục bộ: Thể này thường có tiên lượng tốt, có khả năng biến mất theo thời gian. Tuy nhiên, màu sắc da có thể không phục hồi trở lại kể cả khi bạn đã chữa khỏi bệnh. Thời gian khỏi bệnh ở thể xơ cứng bì tuyến tính thường kéo dài từ 2 - 5 năm, còn thể morphea thường kéo dài từ 3 - 5 năm.
  • Thể xơ cứng bì hệ thống: Ở cả 2 thể xơ cứng bì hệ thống, sự phát triển của các tổn thương trên da và cả những cơ quan nội tạng có thể dẫn đến suy đa tạng. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Do đó, các chuyên gia luôn khuyến cáo bệnh nhân không được chủ quan, phải thăm khám sớm ngay khi có bất thường để được chẩn đoán và tiếp nhận điều trị theo phác đồ phù hợp để hạn chế tối đa sự phát triển của bệnh xơ cứng bì.

Xem thêm: Mắc bệnh xơ cứng bì sống được bao lâu?

Điều trị

Cho đến nay, y học vẫn chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh xơ cứng bì. Mục tiêu điều trị chủ yếu nhằm cải thiện triệu chứng, ức chế tiến triển của bệnh và duy trì chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Quan trọng nhất là người bệnh phải phối hợp với bác sĩ để điều trị và kiên trì theo phác đồ, không được bỏ ngang điều trị vì có thể khiến bệnh ngày càng nặng hơn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Tùy theo mức độ và tính chất của từng triệu chứng, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các biện pháp điều trị phù hợp. Chẳng hạn như:

Dùng thuốc

Vì xơ cứng bì gây ảnh hưởng đến rất nhiều bộ phận khác nhau. Nên tùy theo tính chất từng triệu chứng, bệnh nhân sẽ được kê toa sử dụng loại thuốc phù hợp nhằm kiểm soát triệu chứng. Chẳng hạn như:

Các thuốc điều trị xơ cứng bì thường dùng là thuốc làm giãn mạch máu, thuốc ức chế bơm proton, thuốc chống viêm không steroid NSAID, thuốc điều trị ngoài da...

  • Thuốc giãn mạch máu: Thường được chỉ định áp dụng cho những bệnh nhân mắc hội chứng Raynaud.
    • Các loại thuốc làm giãn mạch hiệu quả giúp kiểm soát huyết áp cải thiện triệu chứng như: thuốc chẹn kênh canxi (Norvasc hoặc Procardia)
    • Ngoài ra, các loại thuốc thường dùng khác như thuốc chứa nitroglycerine, sildernafil hoặc thuốc chẹn alpha.
  • Thuốc điều trị tiêu hóa: Có rất nhiều loại thuốc được chỉ định dùng để điều trị các triệu chứng tiêu hóa do xơ cứng bì gây ra. Các loại thường dùng như:
    • Thuốc ức chế bơm proton như Nexium, Prevacid, Protonix... Thuốc hoạt động bằng cách ức chế không cho bơm proton hoặc axit trong dạ dày;
    • Thuốc ức chế thụ thể H2 như Pepcid, Zantac có tác dụng ngăn chặn histamine - chất thúc đẩy sản xuất axit trong dạ dày;
  • Thuốc điều trị phổi: Những bệnh nhân bị xơ cứng bì có tổn thương phổi nghiêm trọng cần sử dụng thuốc để kiểm soát triệu chứng và ngăn chặn biến chứng xơ phổi. Loại thuốc được chỉ định sử dụng phổ biến nhất là thuốc Cyclophosphamide (Cytoxan) hoặc CellCepts (mycophenolate mofetil) điều trị viêm phổi kẽ ở bệnh nhân xơ cứng bì. Ngoài ra, đối với những trường hợp có dấu hiệu tăng huyết áp động mạch phổi, có thể sử dụng các loại thuốc sau:
    • Nhóm thuốc đối kháng thụ thể endothelin như Flolan (epopros tenol), Ventavis (iloprost), Remodulin (treprostinil);
    • Nhóm thuốc Prostanoids hoặc các hoạt chất tương tự như Flolan (epopros tenol), Ventavis (iloprost), Remodulin (treprostinil);
  • Thuốc trị các vấn đề cơ xương khớp: Chủ yếu dùng thuốc giảm đau để cải thiện các triệu chứng về vấn đề cơ xương khớp. Loại thuốc thường dùng là thuốc chống viêm không steroid NSAID. Ngoài ra, còn một loại thuốc cũng được sử dụng phổ biến là thuốc chống thấp khớp (DMARD) như methotrexate hoặc hydroxychloroquine.
  • Điều trị ngoài da: Một số trường hợp xơ cứng bì gây tổn thương da không quá nghiêm trọng có thể được chỉ định sử dụng kem dưỡng ẩm để cải thiện triệu chứng da dày, cứng, khô. Ngoài ra, để cải thiện lưu lượng máu đến các vết loét ngón tay, chân để phục hồi tổn thương, bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng thuốc bôi chứa nitrat (Nitroglycerin). Tuy nhiên, cần lưu ý tác dụng phụ của thuốc chẳng hạn như buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt, mờ mắt, tim đập nhanh...

Điều trị ngoại khoa

Những trường hợp tổn thương xơ cứng bì nghiêm trọng, biến chứng suy thận hoặc tổn thương phổi, tủy xương không thể phục hồi. Bệnh nhân sẽ được cân nhắc chỉ định xem xét cấy ghép nội tạng trong trường hợp này. Tùy dạng tổn thương, bác sĩ sẽ chỉ định cấy ghép phổi, cấy ghép tủy xương hoặc cấy ghép thận.

Riêng những trường hợp các triệu chứng tiến triển nặng không thuyên giảm khi điều trị bằng các phương pháp nội khoa sẽ được chỉ định thực hiện thủ thuật cấy ghép tế bào gốc.

Chăm sóc hỗ trợ điều trị 

Bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh nên thực hiện các biện pháp tích cực dưới đây để kiểm soát bệnh hiệu quả.

Chăm sóc sức khỏe tích cực hàng ngày thông qua sinh hoạt, ăn uống lành mạnh, điều độ, chăm sóc da giúp hỗ trợ cải thiện triệu chứng xơ cứng bì

  • Tập thể dục: Tăng cường tập luyện thể dục thể thao để cải thiện sức khỏe thể chất, nâng cao thể trạng, hệ miễn dịch và sức khỏe tinh thần. Đồng thời, việc rèn luyện tích cực còn giúp cho các khớp trở nên linh hoạt, tăng cường sức mạnh và thúc đẩy tuần hoàn.
  • Hạn chế chấn thương: Trong đợt bùng phát cơn đau nhức, tốt nhất nên hạn chế thực hiện các vận động mạnh, khuân vác vật nặng có thể khiến khớp tổn thương nặng hơn. Tốt nhất chỉ nên vận động nhẹ nhàng hoặc thực hiện các bài tập vật lý trị liệu cơ bản để hỗ trợ duy trì chức năng khớp.
  • Chăm sóc da: Đây là những bước cực kỳ quan trọng nhằm cải thiện triệu chứng da như khô, dày, cứng...
    • Giữ ấm làn da kỹ lưỡng bằng các vật dụng như găng tay, vớ chân, khăn quàng cổ, mũ, áo khoác...
    • Sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà để duy trì độ ẩm cho không khí.
    • Ưu tiên dùng kem dưỡng ẩm chuyên dùng cho da khô, dày, cứng.
  • Giữ vệ sinh răng miệng: Vệ sinh răng miệng 3 lần/ ngày, đánh răng bằng bàn chải, sử dụng chỉ nha khoa, nước súc miệng là những bước cần thiết giúp giảm nguy cơ phát triển sâu răng do mắc hội chứng Sjogren, ảnh hưởng từ xơ cứng bì.
  • Ăn uống đủ chất: Trong quá trình điều trị bệnh, cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể thông qua đa dạng các loại thực phẩm lành mạnh. Ngoài ra, cần chú ý một số vấn đề sau đây:
    • Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm cay nóng, dễ gây trào ngược, ợ chua, ợ nóng;
    • Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu chất xơ để hạn chế nguy cơ táo bón;
    • Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, giúp quá trình tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn;
    • Không nên nằm ngay sau khi ăn và nhớ nâng cao đầu sau khi nằm để giảm nguy cơ trào ngược axit dạ dày thực quản;
  • Kiểm soát căng thẳng: Tránh khỏi những căng thẳng, áp lực hàng ngày góp phần không nhỏ trong việc duy trì lưu lượng máu và hỗ trợ cải thiện triệu chứng. Hãy dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, sinh hoạt điều độ, đúng giờ giấc và tìm đến những thứ giải trí lành mạnh, học các kỹ năng kiểm soát nỗi sợ, lo lắng của bản thân.

Phòng ngừa

Vì nguyên nhân gây xơ cứng bì chưa được xác định rõ, nên rất khó để phòng ngừa bệnh tuyệt đối. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện các biện pháp chăm sóc tích cực để giảm nguy cơ tái phát cũng như phát sinh biến chứng. Chẳng hạn như:

Giữ ấm cơ thể, chăm sóc da kỹ lưỡng và thực hiện lối sống lành mạnh để giảm nguy cơ phát triển xơ cứng bì

  • Giữ ấm cơ thể, mặc áo ấm, mang găng tay, vớ chân khi thời tiết chuyển lạnh để giảm nguy cơ phát triển các tổn thương ngoài da.
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm da thường xuyên để tránh làm khô da. Đồng thời, dùng kem chống nắng để tăng cường hàng rào bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời.
  • Tránh sử dụng các loại sản phẩm chăm sóc da chứa chất kích ứng, ưu tiên tắm nước ấm, tránh tắm nước quá nóng gây ảnh hưởng đến cấu trúc da.
  • Nói không với thuốc lá hoặc bất kỳ sản phẩm nào chứa khói thuốc lá. Vì hoạt chất nicotine gây kích thích mạch máu co lại dễ khởi phát tổn thương và phát sinh các vấn đề về phổi.
  • Thiết lập lối sống lành mạnh, ăn uống lành mạnh, sinh hoạt điều độ để tránh các triệu chứng rối loạn dạ dày.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân tại sao tôi mắc bệnh xơ cứng bì?

2. Đây là căn bệnh gì? Có nguy hiểm không?

3. Tôi cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán xác nhận xơ cứng bì?

4. Bệnh xơ cứng bì có tự khỏi được không?

5. Nếu không điều trị, tôi có thể gặp phải những biến chứng nào?

6. Phương pháp điều trị xơ cứng bì tốt nhất đối với trường hợp của tôi?

7. Những lợi ích và rủi ro liên quan đến các chỉ định điều trị xơ cứng bì?

8. Cần làm những gì để chăm sóc sức khỏe trong quá trình điều trị xơ cứng bì?

9. Thời gian điều trị xơ cứng bì mất bao lâu?

10. Chi phí điều trị xơ cứng bì tốn bao nhiêu? Có dùng BHYT được không?

Xơ cứng bì là căn bệnh hiếm gặp nhưng nếu chẳng may mắc phải bệnh sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và cả tính mạng nếu không điều trị kịp thời, đúng cách. Hiện nay, tuy chưa có biện pháp đặc hiệu để chữa trị xơ cứng bì, nhưng căn bệnh này thường tiến triển chậm và có thể kiểm soát được bằng các biện pháp y tế tích cực. Do đó, hãy chủ động thăm khám ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất ổn để được chẩn đoán và hướng dẫn áp dụng phác đồ điều trị phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

Chia sẻ:
Bệnh Ngón tay trắng
Ngón tay trắng là bệnh nhiễm virus herpes simplex gây ra, ảnh hưởng đến ngón tay, ngón chân. Tình trạng nhiễm trùng này có khả năng lây truyền thông qua…
Bệnh U Máu
U máu là những khối u lành tính, không phải…
Viêm mao mạch dị ứng Bệnh Viêm Mao Mạch Dị Ứng
Viêm mao mạch dị ứng là bệnh dị ứng do…
Bệnh Hậu bối
Hậu bối là căn bệnh nhiễm trùng da khá nghiêm…
Chốc đầu (Nấm da đầu)

Chốc đầu là bệnh da liễu do da đầu nhiễm nấm Dermatophytes. Bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ sơ…

Viêm da dầu Bệnh Viêm Da Dầu

Viêm da dầu là một trong những dạng viêm da phổ biến, thường gặp vào mùa đông. Bệnh xảy ra…

Bệnh Zona thần kinh Bệnh Zona thần kinh

Zona thần kinh là bệnh thường bùng phát đột ngột dưới dạng cấp tính. Nếu không can thiệp điều trị…

Bệnh U nang biểu bì

U nang biểu bì là một trong những vấn đề sức khỏe thường gặp. Đa số trường hợp được chẩn…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác Sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan

Giám đốc Chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua