Bệnh Huyết Khối Tĩnh Mạch Sâu

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai

Cố vấn chuyên môn

Huyết khối tĩnh mạch sâu là một trong những biến chứng nguy hiểm ở bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch lâu năm và nhiều yếu tố nguy cơ khác. Nếu không điều trị kịp thời, chức năng dẫn máu về tim của các tĩnh mạch chân bị suy giảm, gây tắc mạch máu ở nhiều cơ quan rất nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao. 

Huyết khối tĩnh mạch sâu là bệnh lý nguy hiểm, dễ gây biến chứng nếu không điều trị kịp thời

Tổng quan

Huyết khối tĩnh mạch sâu (Deep Vein Thrombosis - DVT) là tình trạng xuất hiện các cục máu đông bên trong lòng tĩnh mạch sâu và không gây ảnh hưởng đến các tĩnh mạch bàng hệ. Nguyên nhân thường là do chức năng dẫn máu về tim của hệ thống tĩnh mạch chân bị suy giảm nghiêm trọng, khiến máu ứ đọng trong lòng mạch.

Tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu xuất hiện phổ biến nhất ở chân (cụ thể là đùi hoặc bắp chân), ngoài ra còn một số vị trí ít phổ biến hơn như tay, lách, tĩnh mạch cửa, mạc treo... Nếu không xử lý kịp thời, huyết khối có thể gây tắc mạch máu tại chỗ hoặc bong ra đi theo dòng máu đến tim, não, phổi, ruột, thận, gan... và gây ra nhiều biến chứng, hệ lụy khó lường, nặng nhất là tử vong.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Sự hình thành của huyết khối tĩnh mạch sâu là sự kết hợp của 3 yếu tố gồm: ứ trệ tuần hoàn, nội mạc tĩnh mạch bị tổn thương và tăng quá trình đông máu. Một người khi tập hợp đầy đủ 3 yếu tố này chắc chắn sẽ gây ra tụ huyết khối trong lòng tĩnh mạch.

Huyết khối tĩnh mạch sâu là một trong những biến chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Có nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng này gồm:

Nguyên nhân

  • Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới (Varicose veins): Chứng huyết khối tĩnh mạch sâu là một trong những biến chứng phổ biến của bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới, bên cạnh biến chứng viêm tĩnh mạch hay loét chân. Đây là tình trạng các van tĩnh mạch bị tổn thương, khiến máu tuần hoàn ngược, không chảy về tim và ứ đọng ở chân, tụ thành các cục máu đông.
  • Ảnh hưởng từ các bệnh lý ác tính: Điển hình là ung thư tại các cơ quan như tinh hoàn, tụy, tiết niệu, phổi, dạ dày, buồng trứng... Thể ung thư ác tính làm tăng nguy cơ tụ máu đông, hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu.
  • Biến chứng từ phẫu thuật: Một số biến chứng từ quá trình phẫu thuật như sắp xếp xương, chỉnh xương, mổ hở ổ bụng, ngực, đặt catheter tĩnh mạch lớn... gây tổn thương các tĩnh mạch, dẫn đến rối loạn quá trình tuần hoàn máu, dễ gây ra các cục máu đông xuất hiện trong lòng tĩnh mạch.
  • Chấn thương: Các chấn thương nghiêm trọng như gãy đốt sống, tổn thương đĩa đệm, gãy xương đùi... cũng là nguyên nhân gây hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch.
  • Rối loạn chức năng đông máu: Đây là một trong những bệnh lý bẩm sinh thường gặp. Xảy ra do sự rối loạn của hệ thống mạch máu và thúc đẩy cơ chế quá trình đông máu trong tĩnh mạch.
  • Người bất động trong thời gian dàiDo ảnh hưởng từ chấn thương, tai nạn hoặc các bệnh lý mạn tính khiến bệnh nhân rơi vào hôn mê sâu, sống đời thực vật, gây mê phẫu thuật, đi du lịch đường dài hoặc điều kiện sức khỏe chưa cho phép cử động thường có nguy cơ cao hình thành các huyết khối tĩnh mạch sâu do bị ứ trệ tuần hoàn.

Yếu tố nguy cơ 

  • Phụ nữ mang thai: Sự thay đổi của quá trình đông máu giúp bảo vệ bà bầu khỏi tình trạng xuất huyết tử cung và cầm máu khi sinh nở. Tuy nhiên, máu dễ đông quá mức vô tình làm tăng nguy cơ phát sinh huyết khối tĩnh mạch sâu. Ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng rất dễ bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới, cản trở tuần hoàn máu và hình thành các cục máu đông trong lòng tĩnh mạch. Thường xảy ra chủ yếu trong 3 tháng cuối thai kỳ và một số trường hợp xảy ra sau sinh.

Phụ nữ mang thai là đối tượng đặc biệt có nguy cơ cao bị huyết khối tĩnh mạch sâu

  • Tuổi tác: Chứng huyết khối tĩnh mạch sâu thường có xu hướng tăng tỷ lệ mắc theo độ tuổi. Do đó, càng lớn tuổi nguy cơ mắc bệnh lý này càng cao.
  • Lạm dụng thuốc: Chị em phụ nữ lạm dụng thuốc tránh thai hoặc điều trị bệnh bằng liệu pháp hormone estrogen thay thế cũng có nguy cơ cao phát sinh huyết khối tĩnh mạch sâu.
  • Thừa cân - béo phì: Đa phần những người thừa cân béo phì thường có mối liên hệ với các bệnh lý tim mạch, điển hình là xơ vữa động mạch. Hậu quả là vừa có các khối xơ vữa vừa hình thành thêm các cục máu đông trong tĩnh mạch cực kỳ nguy hiểm.
  • Lười vận động: Những người thường xuyên ngồi một chỗ trong nhiều giờ liền, ít vận động, không tập thể dục... sẽ có nguy cơ cao bị ứ trệ tuần hoàn. Tăng nguy cơ tích tụ cholesterol gây xơ vữa động mạch và hình thành các cục huyết khối.
  • Tiền sử bệnh lý: Một số trường hợp đã từng có tiền sử đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim ứ huyết... thường có nguy cơ cao bị huyết khối tĩnh mạch sâu.
  • Các yếu tố nguy cơ khác:
    • Hút thuốc lá;
    • Tiền sử gia đình, yếu tố di truyền;
    • Hội chứng thận hư;
    • Các dạng rối loạn miễn dịch như viêm đa khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, bệnh hồng cầu hình liềm...;
    • Ung thư và đã thực hiện hóa trị liệu;
    • ...

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu thường xảy ra ở bắp chân và được biểu hiện thông qua các triệu chứng sau:

Sưng phù, đau nhức chân dữ dội là triệu chứng rõ ràng nhất khi bị huyết khối tĩnh mạch sâu

  • Đau nhức bắp chân mỗi khi sờ vào;
  • Trong tư thế gấp 1 chân nửa có thể quan sát thấy thừng tĩnh mạch chân;
  • Mức độ đau càng tăng nhiều hơn khi gấp mặt mu bàn chân vào cẳng chân, đầu gối duỗi thẳng;
  • Sờ có cảm giác ấm nóng tại vùng da tại vị trí có tổn thương;
  • Tăng thể tích bắp chân > 3cm (phải tiến hành đo chu vi đùi và bắp chân mỗi ngày để ghi nhận sự thay đổi này);
  • Mắt cá chân sưng phù, đau nhói làm hạn chế khả năng vận động;

Một số trường hợp huyết khối tĩnh mạch sâu không có triệu chứng đặc hiệu, nhưng đến giai đoạn có biến chứng, chẳng hạn như thuyên tắc mạch phổi sẽ phát sinh đột ngột các triệu chứng như:

  • Đau tức ngực, khó thở;
  • Ho ra máu;
  • Tụt huyết áp;
  • Tim đập nhanh;
  • Hoa mắt, choáng váng, ngất xĩu;
  • ...

Chẩn đoán

Để chẩn đoán biến chứng huyết khối tĩnh mạch sâu và xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh, trước tiên bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng, đánh giá các triệu chứng do bệnh nhân cung cấp, khai thác tiền sử bệnh cá nhân và kiểm tra vùng da bị suy giãn tĩnh mạch.

Siêu âm là biện pháp chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu được thực hiện phổ biến nhất

Đồng thời, kết hợp thực hiện các biện pháp xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán sau:

  • Siêu âm Duplex: Đây là kỹ thuật tiêu chuẩn được áp dụng phổ biến trong chẩn đoán chứng huyết khối tĩnh mạch sâu. Hình ảnh siêu âm thu được thể hiện rõ dòng máu chảy qua tĩnh mạch tạo ra phản ứng tại vị trí nghi ngờ có huyết khối và giúp phát hiện vị trí cục máu đông. Xét nghiệm này thường được thực hiện thường xuyên, nhiều ngày liên tục để đánh giá mức độ phát triển của cục máu đông.
  • Xét nghiệm máu D-dimer: Vì những cục máu đông thường được cấu thành từ D-dimer (1 loại protein). Do đó, xét nghiệm máu là cần thiết nhằm đo chỉ số này. Hầu hết bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sâu đều có dấu hiệu tăng chỉ D-dimer.
  • Chụp X quang tĩnh mạch: Chụp X quang có dùng thuốc cản quang giúp bác sĩ dễ dàng quan sát thấy các tĩnh mạch chân bị suy giãn và phát hiện các cục máu đông. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được thực hiện khi siêu âm nhưng không có kết quả.
  • Chụp MRI cộng hưởng từ: Đây là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh giúp phát hiện các tụ huyết khối tĩnh mạch sâu trú ngụ trong ổ bụng.
  • Một số xét nghiệm thường quy khác:
    • Đo tĩnh mạch ký;
    • Kiểm tra chức thận, gan, đường huyết;
    • X quang phổi, siêu âm tim, ECG...;
    • CT Scan ngực bụng trong trường hợp nghi ngờ huyết tắc;
    • Đo định lượng protein S, C, Homocystein, lipis máu;

Biến chứng và tiên lượng

Bản chất của các cục huyết khối trong tĩnh mạch sâu (thường là ở chân) là tình trạng ứ đọng máu tại vùng tĩnh mạch này. Tuy nhiên, nếu người bệnh chủ quan, lơ là không điều trị, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

Thuyên tắc phổi là biến chứng nguy hiểm nhất ở bệnh nhân huyết khối tĩnh mạch sâu giai đoạn muộn

  • Suy tĩnh mạch mạn tính;
  • Hội chứng hậu huyết khối hay viêm tĩnh mạch sau huyết khối (Post - phlebitic) đặc trưng với các triệu chứng như đau, phù nề chân, thay đổi màu da... Xảy ra do các cục máu đông gây tổn thương nặng nề đến các tĩnh mạch. Có thể sau vài năm điều trị khỏi bệnh các triệu chứng này mới xuất hiện;
  • Thuyên tắc phổi do các cục máu đông bị vỡ, bóc tách ra và di chuyển theo dòng máu tĩnh mạch đổ về tâm nhĩ, xuống tâm thất và bị đưa lên phổi khi tâm thất co bóp. Chúng bị mắc kẹt tại đây và gây tắc nghẽn dẫn đến thuyên tắc phổi;
  • Biến chứng nhiễm trùng huyết khi cục máu đông phát triển;
  • Một vài trường hợp hiếm huyết khối tĩnh mạch sâu có thể dẫn đến viêm tắc tĩnh mạch xanh hoặc viêm tắc tĩnh mạch trắng... Nếu không điều trị kịp thời có thể gây thiếu máu cục bộ và hoại tử;

Có thể thấy, những biến chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu rất nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, khả năng vận động mà còn đe dọa cả tính mạng của bệnh nhân nếu không điều trị kịp thời. Theo một thống kê tại Mỹ, tỷ lệ tử vong do thuyên tắc mạch máu bởi huyết khối tĩnh mạch cao hơn nhiều so với các bệnh ung thư vú, bệnh AIDS và tai nạn giao thông cộng lại.

Do đó, ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường ở chân như sưng đau nhức nhiều, nổi dây mạng nhện ngoằn ngoèo dưới da, kèm theo tức ngực, khó thở, hãy nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị ngay bằng phác đồ phù hợp. Phát hiện và điều trị bệnh sớm có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo tồn chức năng tĩnh mạch, ngăn ngừa biến chứng và bảo vệ sức khỏe, tính mạng. Đồng thời, tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí.

Điều trị

Mục tiêu điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu nhằm:

  • Ức chế sự phát triển lan rộng và tăng số lượng, kích thước của các cục huyết khối. Ngăn chặn biến chứng vỡ huyết khối hoặc di chuyển đến các cơ quan nội tạng như phổi, não, tim...;
  • Điều trị tích cực còn giúp giảm thiểu nguy cơ phát sinh hội chứng hậu huyết khối, đặc trưng với tình trạng đau nhức dai dẳng kéo dài ảnh hưởng chất lượng cuộc sống;
  • Đồng thời, giảm nguy cơ tái phát huyết khối tĩnh mạch sâu trong tương lai;

Điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu thường được chỉ định áp dụng các biện pháp sau:

1. Điều trị nội khoa

Loại thuốc được dùng phổ biến nhất trong phác đồ điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu là thuốc chống đông và thuốc làm tan huyết khối. Cụ thể như sau:

Thuốc chống đông máu là loại thuốc trị huyết khối tĩnh mạch sâu hiệu quả nhất hiện nay

Thuốc chống đông

Có tác dụng làm loãng máu, phá vỡ các cục máu đông, ức chế sự phát triển của chúng. Thuốc thường được dùng dưới dạng thuốc tiêm như Heparin, Heparin phân tử thấp như Fondaparinux, Enoxaparin hoặc thuốc dạng viên uống như Dabigatran, Apixaban, Edoxaban, Rivaroxaban, Warfarin...

Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc tiêm để phát huy tác dụng nhanh. Sau vài ngày chuyển sang dạng viên uống. Trong đó, nếu được chỉ định dùng thuốc Warfarin cần phải xét nghiệm máu thường xuyên để kiểm tra mức độ đông máu.

Dùng thuốc trị huyết khối tĩnh mạch sâu bằng thuốc chống đông máu chỉ kéo dài trong vài tháng. Tránh lạm dụng quá lâu vì nhóm thuốc này gây rất nhiều tác dụng phụ, phổ biến nhất là chảy máu đột ngột khó cầm hoặc dễ bị bầm tím. Chống chỉ định dùng nhóm thuốc này với phụ nữ mang thai.

Thuốc làm tan huyết khối

Những trường hợp huyết khối tĩnh mạch sâu mức độ nghiêm trọng không đáp ứng dùng thuốc chống đông máu sẽ được chỉ định dùng thuốc làm tan huyết khối. Loại thuốc này thường dùng thông qua truyền tĩnh mạch hoặc đặt ống thông trực tiếp dẫn đến cục máu đông.

Tuy đem lại hiệu quả cao nhưng thuốc có thể gây tác dụng phụ là chảy máu khó cầm. Do đó, chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ và tuân thủ liều dùng để giảm thiểu thấp nhất nguy cơ tác dụng phụ gây hại cho sức khỏe.

Thuốc tiêu sợi huyết 

Thường được chỉ định sử dụng trong trường hợp huyết khối tĩnh mạch sâu có biến chứng thuyên tắc động mạch phổi cấp gây tụt huyết áp, sốc, rối loạn huyết động và có nguy cơ tử vong cao. Chống chỉ định dùng cho bệnh nhân đang chảy máu, xuất huyết nặng trong 1 tháng, tổn thương u hệ thần kinh trung ương, từng đột quỵ không rõ nguyên nhân...

Loại thuốc tiêu sợi huyết được dùng phổ biến hiện nay là rt-PA dạng truyền tĩnh mạch, liều khuyến cáo là 0.6mg/kg liên tục trong vòng 15 phút. Loại thuốc này đem lại hiệu quả tối đa khi dùng thuốc trong vòng 48 tiếng kể từ thời điểm xuất hiện triệu chứng.

Một số loại cách điều trị khác 

Đeo vớ y khoa giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, hỗ trợ cải thiện triệu chứng huyết khối tĩnh mạch sâu

  • Thuốc giảm đau hỗ trợ giảm đau tạm thời;
  • Thuốc vận mạch dành cho bệnh nhân tụt huyết áp. Loại phổ biến nhất là Dobutamine phối hợp với Noradrenaline;
  • Điều trị duy trì sớm ít nhất trong vòng 3 tháng bằng thuốc Anti vitamin K. Kết hợp xét nghiệm INR và theo dõi kỹ để điều chỉnh liều thuốc;
  • Truyền dịch muối đẳng trương đối với bệnh nhân thuyên tắc động mạch phổi cấp;
  • Thở oxy hoặc thông khí nhân tạo bằng đặt nội khí quản nhằm hồi sức cho bệnh nhân suy hô hấp cấp;
  • Đeo vớ (tất nén) y khoa được thiết kế ôm sát vào chân, kéo dài từ cổ chân đến đầu gối, với áp lực 30 - 40mmHg giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm sưng phù và hỗ trợ cải thiện các triệu chứng huyết khối tĩnh mạch sâu. Bệnh nhân thường được khuyến cáo mang vớ ít nhất 1 năm. Lưu ý không mang vớ tại vị trí có loét da, mức độ suy động mạch nghiêm trọng hoặc dị ứng với chất liệu vớ;

Lưu ý: Tùy theo huyết khối tĩnh mạch sâu giai đoạn cấp hay mạn tính mà bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp.

2. Can thiệp ngoại khoa

Trường hợp bệnh nhân chống chỉ định với dùng thuốc loãng máu sẽ được cân nhắc đặt màng lọc tĩnh mạch chủ dưới. Lưới lọc này được đưa vào bên trong tĩnh mạch lớn ở vùng bẹn hoặc cổ thông qua một ống thông chuyên dụng, sau đó tiếp cận vào trong tĩnh mạch chủ.

Sau khi đã set up xong, kích hoạt bộ lọc để hút các cục máu đông đang di chuyển trong cơ thể. Ưu điểm của phương pháp này giúp ngăn chặn biến chứng vỡ huyết khối và thuyên tắc phổi. Tuy nhiên, cách này không thể ngăn chặn được quá trình hình thành và tái tạo mới của các cục máu đông.

Đặt màng lọc tĩnh mạch chủ dưới nhằm ngăn chặn biến chứng huyết khối tĩnh mạch sâu

Ngoài ra, những trường hợp nghiêm trọng hơn sẽ được cân nhắc các thủ thuật ngoại khoa khác như:

  • Đặt Stent tĩnh mạch vùng đùi, vùng chậu cho trường hợp hậu huyết khối gây hẹp tĩnh mạch;
  • Phẫu thuật ghép hoặc chuyển đoạn tĩnh mạch sâu và tạo hình van tĩnh mạch sâu mới trong trường hợp bị huyết khối tĩnh mạch sâu do giãn tĩnh mạch chi dưới;
  • Phẫu thuật lấy huyết khối bằng ống thông Catheter;

Phòng ngừa

Phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu đơn giản hơn rất nhiều so với điều trị. Chỉ cần mỗi người trong chúng ta tự nâng cao ý thức trong việc duy trì lối sống sinh hoạt lành mạnh:

Một lối sống lành mạnh bao gồm chế độ vận động, ăn uống khoa học, duy trì cân nặng phù hợp là giải pháp phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu tốt nhất

  • Tập thể dục điều độ mỗi ngày, tập vừa sức, ưu tiên những bộ môn đơn giản như đi bộ, yoga, dưỡng sinh, bơi lội, đạp xe...
  • Vận động tích cực trong những trường hợp đặc biệt như sau phẫu thuật, tai nạn, chấn thương... để giảm thiểu nguy cơ ứ trệ tuần hoàn, tích tụ cục máu đông.
  • Không nên ngồi quá lâu một chỗ trong thời gian dài, nên đứng dậy đi lại thư giãn bất cứ khi nào có thể. Khi ngồi nên thẳng lưng và nâng cao chân để giảm nguy cơ suy giãn tĩnh mạch, gây tích tụ máu biến chứng thành huyết khối tĩnh mạch sâu.
  • Từ bỏ những thói quen xấu trong sinh hoạt hàng ngày, thay đổi lối sống lành mạnh bằng cách giảm cân, ăn uống đủ chất, kiểm soát huyết áp, cai thuốc lá,...
  • Thường xuyên kiểm tra sức khỏe, đặc biệt với những trường hợp có nguy cơ cao bị huyết khối tĩnh mạch sâu để sớm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Huyết khối tĩnh mạch sâu có phải biến chứng của suy giãn tĩnh mạch chi dưới không?

2. Nguyên nhân khiến tôi bị bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu?

3. Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu có nguy hiểm không?

4. Các xét nghiệm chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu tôi cần thực hiện?

5. Phương pháp điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu tốt nhất hiện nay là gì?

6. Loại thuốc trị huyết khối tĩnh mạch sâu nào tốt nhất?

7. Dùng thuốc chống đông máu lâu dài trị huyết khối tĩnh mạch sâu có gây tác dụng phụ không?

8. Bị huyết khối tĩnh mạch sâu khi nào cần phẫu thuật?

9. Có những phương pháp phẫu thuật huyết khối tĩnh mạch sâu nào phù hợp với tôi?

10. Điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu có khỏi hoàn toàn không? Mất bao lâu?

Huyết khối tĩnh mạch sâu là bệnh lý tương đối nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, thậm chí đe dọa cả tính mạng. Do đó, người bệnh tuyệt đối không nên chủ quan mà phải tích cực thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Bởi điều trị sớm và phòng ngừa tích cực có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe, đặc biệt ở những đối tượng đặc biệt như người lớn tuổi, phụ nữ mang thai...

Tham khảo thêm:

Chia sẻ:
Bệnh Xương hóa đá
Xương hóa đá là bệnh lý về xương hiếm gặp, thường xảy ra do di truyền. Đây là rối loạn xương đặc trưng bởi khối lượng xương tăng lên do…
Bệnh gút Bệnh Gút (Gout)
Bệnh gút (Gout) là một trong những dạng viêm khớp…
Gai khớp gối Bệnh Gai Khớp Gối
Gai khớp gối được xem là một trong những biến…
Vôi hóa cột sống Bệnh Vôi Hoá Cột Sống
Vôi hóa cột sống là hiện tượng tích tụ canxi…
Bệnh Vẹo Cột Sống

Vẹo cột sống là một trong những dị tật cột sống phổ biến. Bệnh có thể xảy ra ở bất…

Bệnh Gù Cột Sống

Gù cột sống là một trong những biến dạng về cột sống phổ biến, có thể xảy ra ở mọi…

Xẹp Đốt Sống

Xẹp đốt sống xảy ra khi các đốt sống bị xẹp xuống do ảnh hưởng bởi loãng xương và các…

Viêm Gân Chóp Xoay

Viêm gân chóp xoay là tổn thương gân liên kết vùng vai - cánh tay gây sưng viêm, đau nhức…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai

Cố vấn chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua