Bệnh xơ cứng bì nên ăn gì, kiêng gì tốt?
Bệnh xơ cứng bì nên ăn gì, kiêng gì để ngăn ngừa các biến chứng là vấn đề được nhiều người bệnh quan tâm. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý không chỉ cải thiện các triệu chứng của bệnh mà còn hạn chế nguy cơ phát sinh các biến chứng ở đường tiêu hóa như loét dạ dày – tá tràng , hoại tử dạ dày, thủng dạ dày,…
Người bệnh xơ cứng bì nên ăn gì, kiêng gì?
Xơ cứng bì (hay còn gọi – xơ cứng bì hệ thống tiến triển) là bệnh lý tự miễn, đặc trưng bởi tình trạng da dày và cứng. Đến nay căn nguyên của bệnh vẫn chưa được xác định rõ nên việc điều trị còn gặp nhiều bất lợi.
Ban đầu tổn thương khu trú ở da, sau đó có tiến triển và di chuyển đến các cơ quan khác như mạch máu và cơ quan nội tạng. Xơ cứng bì có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Vì chưa thể xác định nguyên nhân gây bệnh nên các phương pháp điều trị chỉ có khả năng cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa chuyển biến tiêu cực. Do đó bên cạnh các phương pháp chuyên sâu, bạn cần phối hợp với chế độ dinh dưỡng phù hợp để hỗ trợ quá trình chữa trị.
1. Người bệnh xơ cứng bì nên ăn gì?
Cơ chế hình thành bệnh xơ cứng bì là do sự lắng đọng quá mức chất keo ở các bộ phận trong cơ thể. Tình trạng này thường bắt nguồn từ rối loạn ở hệ miễn dịch và quá trình chuyển hóa.
Vì vậy bệnh nhân mắc chứng xơ cứng bì cần bổ sung các thực phẩm nhằm ổn định quá trình chuyển hóa và cải thiện chức năng miễn dịch của cơ thể.
Thực phẩm chứa nitrit oxit
Bệnh nhân xơ cứng bì thường dễ mắc hội chứng Raynaud – hiện tượng động mạch co thắt làm giảm dòng máu nuôi mô của các cơ quan. Vì vậy khi bổ sung thực phẩm chứa nitrit oxit, lưu lượng máu đến mô tế bào sẽ tăng lên đáng kể đồng thời hạn chế các đợt bùng phát của hội chứng này.
Ngoài ra, bổ sung các thực phẩm nitrit oxit còn có khả năng ổn định quá trình chuyển hóa năng lượng, điều tiết máu và huyết áp. Điều này có vai trò rất lớn đối với bệnh nhân bị xơ cứng bì gặp các biến chứng ở động mạch.
Các chuyên gia cho biết, nếu bổ sung nhóm thực phẩm chứa nitrit oxit đều đặn, bệnh nhân xơ cứng bì còn có thể hạn chế các biến chứng ở đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày, giảm nhu động ruột,… Các loại thực phầm chứa nhiều nitrit oxit, bao gồm: hạnh nhân, yến mạch, cá ngừ, cá thu, cá hồi, đậu nành,…
Rau má
Rau má là loại thực phẩm cần thiết trong chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân xơ cứng bì. Hoạt chất bacoside A trong thực phẩm này có khả năng kích thích mô sản xuất nitrit oxit, từ đó làm giảm co cứng mạch và tăng lưu lượng máu di chuyển đến các mô.
Ngoài ra, rau má còn có khả năng phục hồi và chữa lành tổn thương da. Sử dụng rau má cho bệnh nhân xơ cứng bì có thể làm giảm các triệu chứng và ngăn chặn tiến triển của bệnh.
Thực phẩm giàu Omega 3
Omega 3 là thành phần chống oxy hóa mạnh. Khi bổ sung thành phần này, các tác nhân tiêu cực ảnh hưởng đến hoạt động chuyển hóa và hệ miễn dịch sẽ được ức chế. Ngoài ra, Omega 3 còn tham gia vào quá trình bảo vệ thành mạch, chống co thắt mạch máu và hạn chế hội chứng Raynaud ở người bị xơ cứng bì.
Các loại thực phẩm giàu Omega 3 bao gồm: cá hồi, bơ, dầu hạt lanh, dầu hướng dương, các loại hạt, cá thu, gan cá,…
Thực phẩm giàu khoáng chất và vitamin
Vitamin và khoáng chất là những thành phần cần thiết trong quá trình chuyển hóa của cơ thể. Ở bệnh nhân xơ cứng bì, quá trình này thường bị rối loạn và gián đoạn khiến cho chất keo tích tụ bất thường tại các mô trong cơ thể.
Việc bổ sung vitamin và khoáng chất có vai trò ổn định và bình thường hóa quá trình chuyển đổi chất trong cơ thể, hạn chế tối đa tình trạng tích tụ chất keo ở da và các cơ quan nội tạng.
Bên cạnh đó, vitamin còn thúc đẩy hệ miễn dịch và hạn chế các hoạt động rối loạn của cơ quan này. Các thực phẩm giàu khoáng chất và vitamin bao gồm rau xanh, trái cây, nấm, các loại đậu, củ,…
Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc là nguồn cung cấp tinh bột và năng lượng dồi dào cho cơ thể. Trong ngũ cốc nguyên hạt (ngũ cốc chưa qua chế biến) thường chứa nhiều nguyên tố vi lượng và chất chống oxy hóa. Các thành phần này có vai trò tăng độ bền mạch máu, làm sạch lòng mạch và ngăn ngừa tình trạng co cứng mạch.
Do đó bạn nên bổ sung ngũ cốc nguyên hạt (yến mạch, gạo lứt, gạo, lúc mì,…) vào chế độ ăn thường ngày.
2. Người bệnh xơ cứng bì nên kiêng gì?
Một số thực phẩm chứa các thành phần kích thích miễn dịch và rối loạn chuyển hóa có thể khiến triệu chứng của xơ cứng bì trở nên nghiêm trọng hơn. Việc bổ sung các thực phẩm này thường xuyên còn làm tăng nguy cơ phát sinh các biến chứng ở đường tiêu hóa.
Do đó, người bệnh xơ cứng bì cần hạn chế những loại thực phẩm sau đây:
Thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ
Dầu mỡ không chỉ gây áp lực lên cơ quan tiêu hóa và làm tăng nồng độ cholesterol trong cơ thể mà còn gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Các axit béo trong dầu có khả năng gây rối loạn chuyển hóa, khiến tình trạng dày và cứng da trở nên nghiêm trọng hơn.
Do đó bạn cần tránh các loại thực phẩm như xúc xích chiên, khoai tây chiên, đồ ăn nhanh, bắp rang bơ,… Ngoài ra các thực phẩm này còn có khả năng kích thích phản ứng viêm ở khớp và gây ra triệu chứng đau nhức.
Đồ uống chứa cồn
Đồ uống chứa cồn (rượu, bia,…) có khả năng gây hư hại mạch máu, ảnh hưởng đến sức đề kháng và gây rối loạn quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Sử dụng rượu bia trong thời gian dài còn làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Raynaud ở bệnh nhân xơ cứng bì.
Bên cạnh đó, thói quen sử dụng đồ uống chứa cồn còn gây ra các bệnh lý nghiêm trọng khác như viêm gan, suy gan, loét dạ dày, trĩ, hoại tử vô mạch,…
Với những bệnh nhân xơ cứng bì đã gặp phải các triệu chứng về đường tiêu hóa (trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng kém hấp thu, táo bón, khó nuốt,…), bạn cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, không nên ăn quá no – nhất là vào buổi tối.
- Tránh vận động mạnh hoặc nằm ngay sau khi ăn.
- Hạn chế các chất kích thích như socola, trà xanh và cà phê. Bạn có thể thay thế bằng trà bạc hà và trà hoa cúc để tránh gây kích thích lên cơ quan tiêu hóa.
- Có thể dùng thuốc chống axit và kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
- Với bệnh nhân gặp khó khăn khi nuốt, cần chế biến thực phẩm chín và mềm, nhai kĩ thức ăn trước khi nuốt. Bạn có thể dùng thêm nước canh khi nuốt để tránh cảm giác nghẹn ở cổ họng.
- Bệnh nhân gặp triệu chứng táo bón cần bổ sung thực phẩm mềm, lỏng, nhiều chất xơ và uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Có thể dùng thuốc nhuận tràng để tăng nhu động ruột nếu cần thiết.
Bài viết đã giải đáp vấn đề “Bệnh xơ cứng bì nên ăn gì, kiêng gì?”. Nếu xây dựng chế độ ăn phù hợp và điều trị theo chỉ định của bác sĩ, bệnh lý này sẽ có những chuyển biến tích cực.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Việc thiết lập chế độ dinh dưỡng còn phụ thuộc vào tình trạng riêng của từng người bệnh. Vì vậy bạn nên chủ động tìm gặp chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!