Cách phòng ngừa chứng đau dạ dày tái phát
Bệnh đau dạ dày có mức độ khá phổ biến nhưng chúng ta hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu biết rõ được thủ phạm gây bệnh. Cùng điểm qua một số nguyên nhân đau dạ dày và biện pháp phòng tránh hiệu quả.
Các nguyên nhân đau dạ dày thường gặp
Bệnh đau dạ dày có thể khởi phát vì những lý do sau:
1. Đau dạ dày do nhiễm vi khuẩn Hp
Vi khuẩn Hp được cho là thủ phạm của hầu hết các ca mắc bệnh đau dạ dày. Chúng xâm nhập vào dạ dày chủ yếu thông qua đường ăn uống và khi phát triển mạnh sẽ khiến da dày bị tổn thương, suy giảm chức năng tiêu hóa.
Người bị đau dạ dày do nhiễm Hp thường không có triệu chứng đặc hiệu trong giai đoạn đầu. Sang đến giai đoạn tiến triển, bệnh bùng phát gây ra những cơn đau dạ dày kèm theo những dấu hiệu như:
- Buồn nôn
- Đầy hơi
- Chướng bụng
- Chán ăn, ăn không tiêu
- Rối loạn tiêu hóa
- Hôi miệng
- Cơ thể mệt mỏi, sụt cân.
Xem thêm: Vi khuẩn HP dạ dày có lây không & có chữa được không?
2. Thói quen ăn uống thiếu khoa học
Nhiều trường hợp bị đau dạ dày do thói quen ăn uống không hợp lý. Cụ thể như sau:
- Nhai nuốt vội vàng: Ăn quá nhanh trong khi thức ăn chưa được nhai kỹ và thấm đủ các enzym tiêu hóa có trong nước bọt sẽ khiến dạ dày phải làm việc vất vả hơn. Hoạt động co bóp da dạ diễn ra liên tục để nghiền nát thức ăn sẽ khiến bạn có cảm giác đau ở khu vực thượng vị.
- Ăn quá khuya: Một số người có thói quen ăn khuya, ăn xong đi ngủ ngay. Lúc này lượng thức ăn nạp vào không được tiêu hóa hết sẽ lên men, sinh hơi gây hiện tượng đau dạ dày, chướng bụng, đầy hơi.
- Ăn quá nhiều trong một bữa: Dạ dày được làm đầy quá mức sẽ bị quá tải và lên cơn đau.
- Ăn vặt: Thói quen ăn vặt cũng là nguyên nhân đau dạ dày không phải ai cũng biết. Việc ăn uống rải rác nhiều lần trong ngày, không có giờ giấc cố định khiến cho bao tử lúc nào cũng phải hoạt động và không có thời gian nghỉ ngơi. Trạng thái này kéo dài lâu ngày sẽ khiến các cơ trong dạ dày bị suy yếu, đau là một hậu quả tất yếu.
- Ăn không đúng bữa: Nhiều người vì bận rộn công việc mà bỏ bữa hoặc ăn không đúng giờ giấc. Trong khi đó, hoạt động tiết axit và co bóp cơ trơn vẫn diễn ra trong trạng thái dạ dày trống rỗng sẽ khiến niêm mạc dạ dày bị ăn mòn, viêm loét và bị đau.
- Nhịn ăn sáng: Thói quen nhịn ăn sáng không chỉ gây nhiều tác hại cho sức khỏe mà còn là một trong các nguyên nhân đau dạ dày, viêm loét dạ dày phổ biến.
- Vận động mạnh ngay sau khi ăn: Làm việc, vận động mạnh ngay sau khi ăn xong sẽ làm cho hoạt động tiêu hóa thức ăn ở dạ dày bị gián đoạn, ngưng trệ. Đây chính là mầm mống để bệnh đau dạ dày phát triển.
- Ăn nhiều thực phẩm chua cay: Những thức ăn này khiến niêm mạc dạ dày bị kích ứng và sản xuất nhiều axit. Nếu quá lạm dụng sẽ dẫn đến đau dạ dày.
- Ăn mặn: Tiêu thụ nhiều muối sẽ làm tăng khả năng hoạt động và độ độc hại của vi khuẩn Hp gây đau dạ dày.
Bỏ túi: 20 thực phẩm cho người đau dạ dày nên dùng mỗi ngày
3. Nguyên nhân đau dạ dày do tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) hay thuốc kháng sinh nếu sử dụng bừa bãi hoặc dùng trong đợt điều trị kéo dài có thể gây ra nhiều rủi ro về sức khỏe. Trong đó đau dạ dày là một tác dụng phụ điển hình.
Khi được đưa vào trong dạ dày, các hoạt chất trong thuốc sẽ kích thích lớp lót, tạo ra các vết loét và dẫn đến viêm loét dạ dày. Đặc biệt nếu bạn có thói quen uống thuốc lúc đói bụng thì nguy cơ bị đau dạ dày càng cao.
4. Căng thẳng thần kinh kéo dài gây đau dạ dày
Trong cuộc sống hiện đại, đôi lúc bạn sẽ khó tránh khỏi những áp lực, lo lắng trong chuyện nhà cửa, con cái, học hành hay công việc hàng ngày. Việc căng thẳng quá mức sẽ khiến hoạt động của hệ thống thần kinh chỉ huy hoạt động ở dạ dày bị rối loạn. Điều này có thể làm tăng sản xuất axit trong dịch vị khiến lớp lót dạ dày bị tổn thương. Vì vậy mà bệnh đau bao tử mới có cơ hội bùng phát.
5. Hay thức khuya
Khi ngủ, cơ quan tiêu hóa nói riêng và toàn bộ các cơ quan trong cơ thể nói chung sẽ được nghỉ ngơi, táo tạo tế bào mới và phục hồi năng lượng sau cả ngày dài hoạt động miệt mài.
Việc thức khuya thường xuyên khiến cơ thể không có đủ thời gian để sửa chữa những tổn thương trong dạ dày. Từ đó gây ra nhiều hệ lụy như suy giảm chức năng tiêu hóa, đau dạ dày, viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày.
Tìm hiểu chi tiết: Thức khuya đau dạ dày và đủ thứ tác hại
6. Nghiện hút thuốc lá – Nguyên nhân đau dạ dày ở nam giới
Chất nicotine trong khói thuốc lá khi len lỏi vào trong dạ dày sẽ kích thích bài tiết acid clohydric và pepsin trong dịch vị. Những chất này có thể khiến niêm mạc dạ dày bị ăn mòn, viêm loét và bị đau.
Ngoài ra, hút thuốc lá còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh đau dạ dày vì những lý do sau:
- Khói thuốc lá làm ức chế quá trình tổng hợp Prostaglandin. Chất này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và tái tạo niêm mạc dạ dày. Vì vậy mà việc thiếu hụt Prostaglandin sẽ khiến dạ dày dễ bị tổn thương khi bị các tác nhân gây hại tấn công.
- Hút thuốc lá khiến các mạch máu trong dạ dày bị thu hẹp. Cơ quan này không được cung cấp máu nuôi dưỡng đầy đủ sẽ bị suy yếu dần.
- Nicotine trong máu tăng cao còn khiến thành phần nitrat cholat trong dịch mật bị rò rỉ ra ngoài dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng ở dạ dày.
- Ngoài thuốc lá thì hút thuốc lào cũng là nguyên nhân đau dạ dày với cơ chế hoạt động tương tự.
7. Uống nhiều chất kích thích, nước ngọt có ga
Lạm dụng cà phê, bia rượu, nước ngọt có ga đều có hại cho dạ dày. Trong khi nước ngọt có ga và cà phê có khả năng làm tăng lượng axit được sản xuất trong dạ dày thì bia, rượu lại khiến lớp màng nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày bị ăn mòn do chứa nhiều chất cồn.
Thậm chí, các loại thức uống trên còn gây chướng hơi, trào ngược dạ dày thực quản cùng nhiều tác hại nguy hiểm cho sức khỏe.
Ngoài ra, một số yếu tố cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh đau dạ dày như:
- Thừa cân, béo phì
- Mắc các bệnh lý viêm túi thừa, sỏi mật, thiếu máu ác tính, trào ngược dịch mật
- Dư thừa axit dạ dày
- Nhiễm virus, ký sinh trùng
- Từng xạ trị hoặc phẫu thuật dạ dày
- Ốm nghén, nôn ói nhiều khi mang thai.
Xem thêm: Đau Dạ Dày Nên Tránh Bia Rượu Nếu Muốn Khỏi Bệnh
Cách phòng ngừa bệnh đau dạ dày tái phát
Loại bỏ được các nguyên nhân đau dạ dày ở trên sẽ giúp bạn giảm thiểu được nguy cơ mắc bệnh. Để làm được điều này, bạn có thể áp dụng một số giải pháp đơn giản dưới đây:
1. Điều chỉnh chế độ ăn hàng ngày
- Ăn sáng đầy đủ
- Ăn uống đúng giờ giấc, các bữa ăn nên được thực hiện vào một giờ cố định trong ngày
- Đảm bảo thức ăn được nấu chín trước khi dùng
- Thay thế nước bình, nước uống đóng chai bán sẵn trên thị trường, nước ngọt có ga, cà phê bằng nước đun sôi để nguội nhằm đảm bảo vệ sinh, ngăn ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn Hp, ký sinh trùng và các loại vi khuẩn gây hại khác.
- Tập thói quen rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn và không ăn bốc.
- Chỉ ăn vừa đủ no, không nên ăn nhiều thức ăn cùng lúc khiến cho dạ dày bị quá tải.
- Không uống nhiều nước trước và ngay sau khi ăn ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa của dạ dày. Thời điểm uống nước nên cách bữa ăn ít nhất 30 phút nhưng cũng không nên uống quá nhiều khiến dịch vị tiêu hóa bị pha loãng.
- Nhai kỹ trước khi nuốt để kích thích bài tiết nước bọt, giúp hỗ trợ dạ dày tiêu hủy một phần thức ăn.
- Tập trung khi ăn uống . Tránh làm việc, nói chuyện nhiều hoặc xem tivi, điện thoại trong lúc ăn nếu bạn không muốn bị bệnh đau dạ dày tấn công.
- Nam giới có thói quen thường xuyên sử dụng bia rượu thì nên từ bỏ ngay.
- Sau khi ăn xong, bạn chỉ nên đi lại, làm việc nhẹ nhàng. Các hoạt động thể lực mạnh nên đợi ít nhất 30 phút sau ăn.
- Bữa tối nên được sử dụng trước khi đi ngủ khoảng 2 – 3 tiếng. Tránh ăn quá khuya. Nếu bạn cảm thấy đói bụng, chỉ nên uống 1 ly sữa ấm để xoa dịu cảm giác khó chịu trong dạ dày.
- Hạn chế ăn vặt hoặc ăn đồ chế biến sẵn ngoài hàng quán
- Tránh ăn nhiều gia vị cay như ớt, tiêu, mù tạt hoặc các loại trái cây, thức ăn chua.
- Duy trì chế độ ăn nhạt, tránh nêm nếm quá nhiều muối và gia vị vào trong thức ăn.
Đừng bỏ qua: Đau Dạ Dày Nên Uống Nước Gì Để Giảm Đau Nhanh?
2. Giảm cân khoa học
Giảm cân cũng chính là một trong những giải pháp phòng ngừa bệnh đau dạ dày hữu hiệu. Tuy nhiên đừng nhịn ăn vì cách này không những chẳng mang lại hiệu quả mà còn gây thiếu hụt chất dinh dưỡng và làm tăng nguy cơ bị viêm loét dạ dày.
Hãy tham vấn ý kiến của bác sĩ để có một kế hoạch giảm cân khoa học, an toàn.
3. Thận trọng dùng thuốc theo đơn bác sĩ
Ngày nay, hoạt động mua bán thuốc chưa được quản lý chặt chẽ nên bạn có thể dễ dàng mua được bất kì loại thuốc nào từ các cửa hàng thuốc tây. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc bừa bãi sẽ gây hại rất lớn đến đến bao tử, gan, thận.
Để ngăn ngừa đau dạ dày thì việc sử dụng thuốc theo đơn bác sĩ là điều cần thiết, đặc biệt là nhóm thuốc kháng sinh, kháng viêm hay thuốc giảm đau.
4. Đi ngủ sớm, ngủ đủ giấc
Chất lượng giấc ngủ cũng có liên quan mật thiết với sức khỏe của dạ dày cũng như toàn bộ cơ thể. Bạn nên đi ngủ trước 10 giờ tối và đảm bảo ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày để dạ dày được nghỉ ngơi và luôn hoạt động hiệu quả.
5. Ngưng hút thuốc lá, thuốc lào
Nếu bạn đang hút thuốc lá, thuốc lào mỗi ngày, hãy từ bỏ thói quen này ngay nếu muốn phòng ngừa bệnh đau dạ dày hiệu quả. Thử một số dụng cụ hỗ trợ đang có bán trên thị trường sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc cai nghiện thuốc lá.
6. Tránh căng thẳng thần kinh
Thư giãn tinh thần, giảm stress có thể giúp ngăn ngừa bệnh đau dạ dày. Bạn có thể áp dụng các kỹ thuật kiểm soát căng thẳng thần kinh dưới đây:
- Tập trung giải quyết, gỡ rối các vấn đề đang gặp phải
- Luôn luôn có suy nghĩ tích cực. Đừng để sự lo lắng lấn át tâm trí bạn
- Dành thời gian đi dạo, tập thể dục hoặc gặp gỡ trò chuyện với người thân, bạn bè
- Lên kế hoạch cho công việc và những điều bạn muốn thực hiện.
- Hít thở sâu mỗi khi rơi vào tình huống căng thẳng…
Tìm hiểu rõ nguyên nhân sẽ giúp bạn lựa chọn được cách phòng ngừa đau dạ dày tái phát hiệu quả. Cùng với việc tích cực chủ động trong công tác dự phòng, bạn cũng nên đi khám sức khỏe tổng quát định kỳ để phát hiện và điều trị sớm nếu có vấn đề về dạ dày nhằm tránh cho cơn đau bị kích hoạt trở lại.
Có thể bạn chưa biết:
- 12+ cách chữa đau dạ dày tại nhà – giảm đau bao tử cực nhanh
- Uống thuốc khớp bị đau dạ dày – Cách khắc phục & hạn chế
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!