Bệnh Viêm Mủ Màng Phổi

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG

Cố vấn Chuyên môn

Viêm mủ màng phổi là một trong những dạng nhiễm trùng phổi thường gặp do vi khuẩn hoặc biến chứng từ các bệnh lý viêm nhiễm khác như áp xe phổi, viêm phổi... Bệnh đặc trưng với các triệu chứng như đau tức ngực, khó thở, sốt, ho có đờm lẫn mủ... Tùy vào mức độ triệu chứng và biến chứng, bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị bằng phác đồ kháng sinh, dẫn lưu loại bỏ ổ mủ hoặc phẫu thuật. 

Viêm mủ màng phổi là tình trạng viêm nhiễm gây tích tụ và ứ đọng dịch mủ trong khoang màng phổi

Tổng quan

Viêm mủ màng phổi (Pleural Empyema - Pyothorax) là tình trạng viêm và ứ đọng dịch mủ trong khoang màng phổi hoặc xuất dịch tiết chứa vi khuẩn. 2 loại vi khuẩn gây viêm mủ màng phổi phổ biến nhất là tụ cầu và phế cầu, tiếp theo là vi khuẩn kỵ khí, gram âm, hiếm gặp hơn là lao và nấm.

Bệnh lý này được xem là một trong những biểu hiện thường gặp ở các bệnh lý như viêm phổi, áp xe phổi, áp xe gan hoặc xảy ra do tai biến chấn thương, sau phẫu thuật.

Bất cứ độ tuổi nào cũng đều có nguy cơ mắc bệnh, nhưng phổ biến nhất thường là ở người lớn tuổi, sức khỏe yếu kém hoặc những người có tiền sử mắc bệnh tiểu đường, ung thư, tim mạch, nhiễm khuẩn đường hô hấp, lạm dụng thuốc, nghiện rượu bia...

Phân loại

Bệnh viêm mủ màng phổi được phân chia làm nhiều loại khác nhau dựa theo nhiều yếu tố như:

Viêm mủ màng phổi được phân chia thành nhiều dạng dựa theo giai đoạn tiến triển bệnh, tác nhân gây bệnh và cấu trúc giải phẫu

Phân loại theo giai đoạn

  • Viêm mủ màng phổi cấp tính;
  • Viêm mủ màng phổi bán cấp tính;
  • Viêm mủ màng phổi mạn tính;

Phân loại theo tác nhân gây bệnh

  • Viêm mủ màng phổi do các loại vi khuẩn thường;
  • Viêm mủ màng phổi do nhiễm khuẩn lao;
  • Viêm mủ màng phổi do ký sinh trùng hoặc nấm;

Phân loại theo cấu trúc giải phẫu

  • Viêm mủ màng phổi khu trú;
  • Viêm mủ màng phổi toàn thể;

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân 

Vi khuẩn là nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm mủ màng phổi. Các loại vi khuẩn gây bệnh phổ biến hiện nay như:

Tụ cầu và phế cầu khuẩn là 2 tác nhân chính gây bệnh viêm mủ màng phổi

  • Tụ cầu vàng (Staphylococcus);
  • Phế cầu khuẩn (Streptococcus);
  • Liên cầu khuẩn;
  • Các loại vi khuẩn Gram âm và kỵ khí như Klebsiella pneumoniae, Haemophilus influenzae, Aerobacteraerogenes, Bacteroides, Pseudomonas, Escherichia Coli, Proteus, Salmonella...;
  • Vi khuẩn lao Bacillus Koch (BK) và ký sinh trùng amip (khá hiếm gặp);

Ngoài nhiễm khuẩn trực tiếp bởi các loại vi khuẩn, bệnh viêm mủ màng phổi còn xảy ra do các nguyên nhân khác như:

  • Viêm phổi: Viêm mủ màng phổi là một trong những biến chứng thường gặp của viêm phổi;
  • Áp xe phổi: Là tình trạng khối áp xe bị vỡ gây tràn mủ và khí vào trong khoang màng phổi. Đây cũng là nguyên nhân gây bệnh khá phổ biến, chiếm tỷ lệ khoảng 65% trên tổng các trường hợp;
  • Ảnh hưởng từ các dạng viêm khác: Do khoang màng phổi được cấu tạo từ nhiều vòng nối bạch huyết từ các cơ quan bên trong ổ bụng và khoang lồng ngực gây viêm mủ màng phổi. Điển hình như:
    • Viêm tắc động mạch phổi;
    • Viêm ruột thừa;
    • Viêm phúc mạc;
    • Viêm mủ đường mật;
    • Viêm tụy;
    • Viêm quanh thận;
    • Áp xe dưới hoành;
    • Thủng ổ loét dạ dày - tá tràng;
    • Nhiễm khuẩn trung thất hoặc thành ngực;
    • ...
  • Các nguyên nhân khác:
    • Chứng viêm tấy lan tỏa thành ngực, nhiễm trùng huyết, bệnh thương hàn, viêm cốt tủy...;
    • Có dị vật trong phổi, giãn phế quản;
    • Ung thư phổi giai đoạn cuối, hang lao, chứng nang bẩm sinh bội nhiễm;
    • Biến chứng sau các ca phẫu thuật phổi, thực quản, trung thất, dạ dày...;
    • Chấn thương gây tràn máu màng phổi;

Yếu tố nguy cơ

Ở những đối tượng dưới đây, nguy cơ mắc bệnh viêm mủ màng phổi sẽ cao hơn khi gặp điều kiện thuận lợi:

Người lớn tuổi bị suy giảm miễn dịch, có các bệnh lý nền mạn tính như tim mạch, ung thư, tiểu đường... có nguy cơ cao bị viêm mủ màng phổi

  • Người già > 50 tuổi;
  • Người có hệ miễn dịch yếu kém;
  • Người có tiền sử mắc các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, ung thư, tim mạch, xơ gan, chứng suy hô hấp cấp, rối loạn hệ thống thần kinh trung ương, bệnh thực quản, viêm khớp dạng thấp...;
  • Tiền sử hóa trị liệu gây ức chế hệ thống miễn dịch;
  • Người nghiện rượu bia;
  • Lạm dụng thuốc gây tác dụng phụ là các triệu chứng của viêm mủ màng phổi;
  • ...

Màng phổi thường có sức đề kháng rất tốt, nên dù có bị tấn công bởi vi khuẩn cũng chưa hẳn sẽ gây viêm mủ màng phổi, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như:

  • Lượng độc tính của vi khuẩn;
  • Số lượng vi khuẩn;
  • Sức đề kháng và khả năng miễn dịch của cơ thể;
  • Thể trạng sức khỏe của bệnh nhân;

Tham khảo thêm: Đau sau lưng vùng phổi Trái - Phải là bệnh gì? Nguy hiểm không?

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Bệnh nhân bị viêm mủ màng phổi thường có các triệu chứng ít đặc hiệu, không rõ ràng trên đường hô hấp hoặc toàn thân nên rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, nhất là cảm cúm thông thường. Nhưng khi khám lâm sàng, một người được chẩn đoán là viêm mủ màng phổi khi có các triệu chứng sau:

Hầu hết các bệnh nhân viêm mủ màng phổi đều bị đau tức ngực, ho có đờm lẫn mủ, khó thở, sốt cao...

Triệu chứng viêm mủ màng phổi cấp tính

  • Đau tức ngực
  • Khó thở
  • Sốt cao, ớn lạnh, rét run;
  • Ho khan;
  • Vã mồ hôi, nhất là vào ban đêm;
  • Mệt mỏi, đau đầu;
  • Da nhợt nhạt, tái xanh, mặt hốc hác do thiếu máu;
  • Chán ăn, sụt cân nhanh chóng;
  • Các triệu chứng nhiễm trùng và nhiễm độc biểu hiện ồ ạt, thiếu máu, mất nước mức độ nghiêm trọng;
  • Có hội chứng 3 giảm thông qua khám lâm sàng gồm giảm rung, giảm âm và gõ đục do biến chứng tràn dịch màng phổi;

Triệu chứng viêm mủ màng phổi mạn tính

Viêm mủ màng phổi cấp không được điều trị tích cực và dứt điểm, bệnh vẫn tiếp tục tiến triển sau khoảng 2 tháng sẽ chuyển sang giai đoạn bán cấp hoặc mạn tính với các triệu chứng điển hình sau:

  • Dịch mủ rò vào khoang phế quản gây ho khan hoặc ho có đờm lẫn mủ tanh hôi;
  • Các triệu chứng sốt, ho, khó thở xảy ra thường xuyên với mức độ nặng;
  • Hội chứng nhiễm độc và nhiễm trùng không còn bùng phát ồ ạt nhưng vẫn kéo dài khiến thể trạng bệnh nhân suy kiệt hoàn toàn;
  • Hội chứng 3 giảm gồm giảm rung, giảm âm, gõ đục được thể hiện rõ rệt do hiện tượng dày dính khoang màng phổi;

Chẩn đoán 

Chẩn đoán viêm mủ màng phổi được thực hiện thông qua các thu thập và đánh giá các triệu chứng lâm sàng vừa kể trên, khai thác thông tin về bệnh sử cá nhân, gia đình. Sau đó, dựa vào kinh nghiệm chuyên môn, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để đưa ra kết luận chính xác về bệnh viêm mủ màng phổi:

Chẩn đoán viêm mủ màng phổi thông qua các bước khám lâm sàng kết hợp thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng

  • Chụp X quang lồng ngực: Quan sát vị trí phổi tổn thương và xác định hình ảnh, mức độ tràn dịch màng phổi;
  • Siêu âm khoang màng phổi: Phát hiện tổn thương gây tràn dịch màng phổi với nhiều vách ngăn, đo tỉ trọng dịch tăng, có hình ảnh tuyết rơi;
  • Xét nghiệm máu: Phân tích công thức máu thấy số lượng bạch cầu tăng, tăng nồng độ bạch cầu đa nhân trung tính, thiếu hồng cầu, thiếu máu...;
  • Chọc dò: Chọc dò dịch màng phổi, quan sát có màu bất thường như vàng, xanh, nâu, mùi tanh hôi, xét nghiệm phát hiện có sự tồn tại của các vi sinh vật có hại. Tiếp tục nuôi cấy dịch màng phổi bằng phương pháp tế bào học, soi tươi, nhuộm gram... để xác định chủng khuẩn gây viêm mủ màng phổi;
  • Chụp CT cắt lớp vi tính: Hình ảnh CT phổi giúp xác định rõ vị trí và mức độ tổn thương nhu mô phổi, tìm kiếm vị trí và lối vào của dịch mủ màng phổi, có thể là khu trú hoặc đa ổ để có hướng điều trị phù hợp;

Ngoài ra, tiến hành chẩn đoán phân biệt viêm mủ màng phổi với các bệnh lý có triệu chứng tương tự như:

  • Tràn dịch màng phổi do lao: Thường có các triệu chứng như:
    • Gây sốt về chiều;
    • Dịch màng phổi có màu vàng chanh, đặc trưng màu sắc của các tế bào bạch cầu lympho;
    • Hình ảnh các tổn thương thâm nhiễm, nốt sần trên phim X quang phổi;
    • ...
  • Tràn dịch dưỡng chấp màng phổi: Có các triệu chứng gồm:
    • Dịch có màu trắng đục, hơi nhầy như sữa;
    • Đo định lượng các chỉ số như sau:
      • Triglycerid trong dịch màng phổi > 110mg/dl ( tương đường 1.24mmol/l);
      • Cholesterol trong dịch màng phổi hoặc huyết thanh < 1;
      • Triglycerid dịch màng phổi hoặc huyết thanh > 1;

Biến chứng và tiên lượng

Bản chất của viêm mủ màng phổi không phải một bệnh quá nguy hiểm, nhưng nếu không điều trị kịp thời và đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

Viêm mủ màng phổi vỡ rò ổ mủ sang thành ngực, ổ bụng, phế - thực quản... gây biến chứng nhiễm khuẩn và tử vong nếu không cấp cứu kịp thời

  • Biến chứng tại chỗ: Xảy ra do vỡ rò ổ mủ qua các cơ quan lân cận như:
    • Rò vào thành ngực: Mủ trong khoang màng phổi rò rỉ và thoát qua khe liên sườn phía dưới vùng da thành ngực và ra lớp da ngoài. Hậu quả là hình thành các lỗ rò mủ ở thành ngực rất nguy hiểm.
    • Rò phế quản: Dịch mủ từ khoang màng phổi rò rỉ vào phế quản, gây ra các triệu chứng như đau nhói ngực, khạc nhổ ra máu, ngạt thở, khó thở, nôn ọc ra lượng dịch mủ lớn. Trường hợp mức độ rò phế quản nặng có thể lên cơn ngạt thở cấp và gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
    • Các dạng rò dịch mủ khác: như rò mủ qua thực quản, từ màng phổi qua cơ hoành vào trong ổ bụng gây biến chứng viêm màng bụng rất nguy hiểm;
  • Biến chứng toàn thân: Viêm mủ màng phổi gây các biến chứng toàn thân từ nhẹ đến nặng như:
    • Nhiễm độc cơ thể mức độ nặng;
    • Cơ thể suy kiệt do hậu quả nhiễm trùng kéo dài;
    • Nhiễm trùng huyết;
    • Áp xe não, thận;
    • Suy tim phải;
    • ...

Tiên lượng 

Tiên lượng viêm mủ màng phổi tương đối tốt trong những trường hợp viêm mủ màng phổi mức độ nhẹ và phát hiện điều trị sớm. Thường sẽ khỏi sau 2 - 4 tuần nếu áp dụng đúng phác đồ điều trị và chăm sóc tích cực.

Ngược lại, nếu cứ để bệnh tiến triển không thăm khám sẽ rất nhanh phát triển các biến chứng phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng trong các đợt nhiễm trùng hoặc suy hô hấp cấp (tỷ lệ 30%).

Điều trị

Nguyên tắc điều trị viêm mủ màng phổi thường được thực hiện thông qua 2 bước cơ bản là loại bỏ dịch mủ và xử lý nhiễm trùng. Hầu hết bệnh nhân viêm mủ màng phổi khi phát hiện bệnh đều phải điều trị nội trú trong bệnh viện để tiện cho việc sử dụng các biện pháp y tế chuyên sâu.

1. Điều trị nhiễm trùng

Dùng thuốc kháng sinh là phương pháp điều trị nhiễm trùng hiệu quả nhất đối với bệnh nhân viêm mủ màng phổi. Tùy từng trường hợp bệnh cụ thể với chủng vi khuẩn gây bệnh là gì (dựa vào kết quả xét nghiệm), mức độ bệnh ra sao mà bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng sinh phù hợp để bệnh nhân sử dụng.

Điều trị viêm mủ màng phổi bằng phác đồ kháng sinh phù hợp với từng chủng vi khuẩn gây bệnh để đạt hiệu quả tối ưu

Cụ thể một số loại thuốc kháng sinh điều trị triệu chứng viêm mủ màng phổi được dùng phổ biến như:

  • Penicillin G: Loại 10 - 50 triệu đơn vị tùy theo thể trạng sức khỏe và cân nặng của bệnh nhân. Dùng dưới dạng pha tiêm truyền tĩnh mạch khoảng 3 - 4 lần/ ngày. Kết hợp với ít nhất 1 loại kháng sinh nhóm Aminoglycosid như:
    • Gentamicin liều 3 - 5mg/ kg/ ngày, dùng dưới dạng tiêm bắp 1 lần;
    • Amikacin liều 15mg/ kg/ ngày, dùng dưới dạng tiêm bắp hoặc pha với 250ml NaCl 0.9% truyền tĩnh mạch;
  • Trường hợp nhiễm vi khuẩn tiết betalactamase:
    • Thay thế Penicillin G bằng phác đồ phối hợp giữa amoxicillin + acid clavunalic hoặc Ampicilin + Sulbactam;
    • Liều dùng khuyến cáo từ 3 - 6g/ ngày;
    • Các loại biệt dược phổ biến như Curam, Augmentin, Unasyn...;
  • Trường hợp nhiễm vi khuẩn Gram âm:
    • Dùng kháng sinh nhóm Cephalosporin thế hệ thứ 3 như Ceftazidum liều 3 - 6g/ ngày hoặc Cefotaxim liều 3 - 6g/ ngày;
    • Kết hợp với kháng sinh nhóm Aminoglycosid với các chỉ định liều dùng tương tự như trên;
  • Trường hợp nhiễm vi khuẩn yếm khí:
    • Phác đồ 1: Kết hợp kháng sinh nhóm beta lactam + acid clavunalic và metronidazole liều 1 - 1.5g/ ngày. Dùng dưới dạng truyền tĩnh mạch 2 - 3 lần/ ngày;
    • Phác đồ 2: Kết hợp Penicillin G 10 - 50 triệu đơn vị kết hợp với Metronidazole liều 1 - 1.5g/ ngày hoặc thay bằng Clindamycin liều 1.8g/ ngày, dùng dưới dạng truyền tĩnh mạch;
  • Trường hợp nhiễm vi khuẩn tụ cầu:
    • Dùng phối hợp giữa Oxacillin liều 6 - 12g/ ngày hoặc Vancomycin liều 1- 2g/ ngày;
    • Trường hợp nghi ngờ tụ cầu kháng thuốc kết hợp thêm amikacin;
  • Trường hợp nhiễm Amip: Dùng Metronidazole liều 1.5g/ ngày, dùng dưới dạng truyền tĩnh mạch 3 lần/ ngày kết hợp với các loại kháng sinh phù hợp khác;

Thời gian điều trị viêm mủ tràn phổi bằng kháng sinh thường kéo dài ≥ 4 tuần. Kết hợp đánh giá tiến triển bệnh sau 1 tuần điều trị để có hướng điều chỉnh phù hợp. Kết hợp thực hiện xét nghiệm creatinin máu 2 lần/ tuần đối với những bệnh nhân được chỉ định dùng kháng sinh nhóm Aminoglycosid.

Bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối các chỉ định dùng thuốc, liều dùng và cách sử dụng theo chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả cao như mong đợi, phòng ngừa tối đa tác dụng phụ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

2. Thủ thuật dẫn lưu loại bỏ dịch mủ 

Dẫn lưu ổ mủ thường được thực hiện thông qua các phương pháp sau:

Dẫn lưu ổ mủ trong màng phổi là bước quan trọng nhằm loại bỏ viêm nhiễm và kiểm soát các triệu chứng kèm theo

  • Chọc hút màng phổi: Có thể áp dụng được với hầu hết các bệnh nhân viêm mủ màng phổ nhằm mục đích chẩn đoán và hỗ trợ điều trị. Lượng dịch được hút ra sẽ được làm xét nghiệm phân tích, đồng thời hút giảm lượng dịch giúp giảm cảm giác khó thở do màng phổi bị chèn ép quá mức;
  • Mở màng phổi:
    • Những trường hợp lượng dịch màng phổi nhiều, > 3 khoang liên sườn và có biểu hiện bị vách hóa sẽ được chỉ định mở khoang màng phổi để dẫn lưu dịch ra ngoài. Kỹ thuật này được thực hiện trong khoảng 5 - 7 ngày, chỉ rút ống dẫn lưu ra khi lượng dịch hút được trong ngày < 30ml;
    • Đặt ống dẫn lưu kết hợp bơm Streptokinases (thuốc tiêu sợi huyết) vào trong khoang màng phổi sau khi đã rửa sạch màng phổi giúp tăng khả năng dẫn lưu mủ tốt hơn;
  • Phẫu thuật: Bệnh nhân viêm mủ màng phổi mức độ nặng được chỉ định phẫu thuật bóc tách màng phổi và loại bỏ các ổ cặn mủ, dịch dư thừa kiểm soát viêm nhiễm và giảm thiểu tối đa nguy cơ biến chứng, rút ngắn thời gian điều trị. Phương pháp chỉ được chỉ định cho những trường hợp sau:
    • Điều trị nội khoa bằng phác đồ kháng sinh trong 7 ngày nhưng không đạt hiệu quả như mong đợi;
    • Bệnh nhân suy hô hấp nặng và kéo dài không thuyên giảm;
    • Kết quả X quang và siêu âm cho thấy hình ảnh đa ổ cặn mủ, kèm theo hiện tượng rò khí phế mạc bắt buộc phải mổ cấp cứu càng sớm càng tốt;
    • Bệnh nhân trong giai đoạn mạn tính, các ổ mủ màng phổi tích tụ thành khoang có thành dày, cộm lên, không thể tự xẹp xuống gây cản trở tuần hoàn;

3. Một số phương pháp điều trị hỗ trợ khác

Bên cạnh 2 biện pháp điều trị trên, tùy từng trường hợp bệnh tiến triển với mức độ nặng hay nhẹ, triệu chứng nhiều hay ít mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng thực hiện các biện pháp điều trị hỗ trợ, cải thiện triệu chứng phù hợp:

  • Thở oxy (khi cần thiết);
  • Liệu pháp bù dịch, các chất điện giải nhằm giữ thăng bằng kiềm toan;
  • Kiểm soát chỉ số albumin trong máu;
  • Bệnh nhân cần có chế độ ăn uống phù hợp nhằm bổ sung lượng dinh dưỡng cần thiết, duy trì năng lượng, tăng cường sức khỏe và nâng cao thể trạng;
  • Ngoài ăn uống, bệnh nhân có thể được truyền đạm, truyền máu (khi cần);
  • Liệu pháp trị liệu tập thở, giúp tăng cường khả năng đàn hồi của các nhu mô phổi bị tổn thương, kích thích giúp phổi nở ra và dần phục hồi chức năng như ban đầu;

Phòng ngừa

Điều trị dự phòng viêm mủ màng phổi nói riêng và các bệnh lý về phổi nói chung là điều cần thiết nhằm phòng ngừa tái phát bệnh, bảo vệ sức khỏe.

Tiêm vắc xin cúm, phế cầu theo lịch giúp phòng ngừa viêm mủ màng phổi và nhiều bệnh lý về phổi nguy hiểm khác

  • Phát hiện sớm và điều trị dứt điểm các ổ nhiễm khuẩn phát triển ở răng - hàm - mặt hoặc tai - mũi - họng.
  • Từ bỏ thuốc lá, thuốc lào và các chất kích thích khác.
  • Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ, ngực khi thời tiết chuyển lạnh.
  • Xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học, lành mạnh trong các vấn đề như ăn uống, nghỉ ngơi, tập thể dục nhằm nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng chống lại mọi bệnh tật, nhất là các bệnh về nhiễm trùng;
  • Hạn chế tối đa các chấn thương, tai nạn y khoa học tai nạn giao thông, tai nạn lao động... dù là nhẹ nhất để phòng tránh các bệnh lý nhiễm trùng phổi, trong đó có viêm mủ màng phổi.
  • Tiêm phòng vắc xin phòng phế cầu 5 năm/ lần và vắc xin cúm 1 năm/ lần đối với những người có hệ miễn dịch yếu kém bẩm sinh, người lớn tuổi > 65 tuổi, có tiền sử mắc bệnh phổi mạn tính, suy tim, đã phẫu thuật cắt bỏ lá lách...
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ để đánh giá sức khỏe tổng quát, sớm phát hiện các bất thường về sức khỏe 2 lá phổi và điều trị sớm, ngăn ngừa biến chứng.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi bị ho ra dịch đờm lẫn mủ hôi kèm theo sốt cao là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Nguyên nhân khiến tôi bị viêm mủ màng phổi là gì?

3. Bệnh viêm mủ màng phổi có nguy hiểm không? Hiện tại, tôi có đang gặp biến chứng nào không?

4. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán viêm mủ màng phổi?

5. Điều trị viêm mủ màng phổi có cần phải nhập viện không?

6. Phương pháp điều trị viêm mủ màng phổi tốt nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?

7. Bị viêm mủ màng phổi có cần phải phẫu thuật không?

8. Quá trình điều trị viêm mủ màng phổi mất bao lâu thì khỏi hoàn toàn?

9. Tôi cần làm gì để chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ rút ngắn thời gian điều trị?

10. Sau điều trị, viêm mủ màng phổi có tái phát trở lại không? Tôi cần làm gì để xử lý?

Viêm mủ màng phổi là căn bệnh nguy hiểm và có tiến triển phức tạp do sự đa dạng về nguyên nhân gây bệnh cũng như biến chứng. Có không ít trường hợp tử vong do không được chẩn đoán và điều trị bệnh sớm. Do đó, để phòng ngừa những rủi ro của bệnh, mỗi người cần tự ý thức trong việc thăm khám, theo dõi và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe theo hướng tích cực.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng 17:55 - 09/03/2023 - Cập nhật lúc: 08:35 - 31/05/2024
Chia sẻ:
Bệnh Hẹp Thanh Quản
Hẹp thanh quản là tình trạng thanh quản bị thu hẹp, gây gián đoạn đường thở, giảm khả năng nói và nuốt. Các tác nhân có thể gây hẹp thanh…
Bệnh viêm xoang Bệnh Viêm Xoang
Viêm xoang là bệnh lý Tai - Mũi - Họng…
Viêm tai giữa Bệnh Viêm Tai Giữa
Viêm tai giữa là bệnh lý tai mũi họng phổ…
Bệnh Lao Thanh Quản
Lao thanh quản là dạng lao ngoài phổi thứ phát…
Bệnh viêm họng mãn tính

Bệnh viêm họng mãn tính xảy ra khi nhiễm trùng họng cấp không được điều trị. Tình trạng này khiến…

Bệnh Phì Đại Cuốn Mũi

Phì đại cuốn mũi là một trong những bệnh lý tai mũi họng phổ biến. Các triệu chứng bệnh trong…

Bệnh Viêm Màng Nhĩ

Viêm màng nhĩ là bệnh nhiễm trùng phổ biến, thường xảy ra ở trẻ em do cấu trúc ống tai…

Viêm đường hô hấp trên Bệnh Viêm Đường Hô Hấp Trên

Viêm đường hô hấp trên là tập hợp các bệnh tại đường hô hấp phía trên như hầu, mũi, thanh…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG

Cố vấn Chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua