Bệnh Polyp Mũi

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG

Cố vấn Chuyên môn

Polyp mũi là một dạng u lành tính khá phổ biến và cũng là một trong những biến chứng thường gặp của bệnh viêm xoang. Bệnh không quá nguy hiểm nhưng lại gây không ít những ảnh hưởng về sức khỏe đường hô hấp và kéo theo nhiều phiền toái trong đời sống hàng ngày. 

Polyp mũi
Polyp mũi là dạng u lành tính không phải ung thư và không gây nguy hiểm đến tính mạng

Tổng quan

Polyp mũi thực chất là khối u không phải ung thư, nằm bên trong hốc mũi. Đây là một tổ chức được phát triển từ quá trình thoái hóa niêm mạc mũi, gây phù nề các lớp liên kết bên trong niêm mạc. Các khối polyp mũi có hình giọt nước, chứa dịch nhầy, màu đỏ hoặc trắng đục. Vì polyp mũi gây ra các triệu chứng giả tương tự như viêm xoang nên còn được gọi là polyp mũi xoang.

Hầu hết các trường hợp xuất hiện polyp mũi đều không xuất hiện đơn thuần, mà thường là có liên quan đến các bệnh lý đường hô hấp, dị ứng, nhiễm trùng, hen suyễn hoặc các bệnh lý tự miễn khác. Bên cạnh đó, phần cuống hoặc chân của polyp mũi có thể khởi phát từ xoang hàm, xoang sàng hoặc xoang bướm.

Sự xuất hiện của các khối polyp gây tắc nghẽn đường thở và các nhiều phiền toái khác trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Bất kỳ ai cũng đều có nguy cơ bị polyp mũi, nhưng phổ biến nhất là ở những người trưởng thành trên 40 tuổi hoặc trẻ em đang mắc các bệnh như sổ mũi, viêm xoang mạn tính, hen phế quản...

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bản chất của polyp mũi chính là sự phì đại của niêm mạc mũi bên trong các xoang. Nguyên nhân chính của quá trình này là do sự phản ứng của cơ thể đối với các tác nhân dị ứng như virus, vi khuẩn, nấm... Ở giai đoạn viêm mãn tính, các mạch máu trong xoang có xu hướng tăng tính thấm, gây tích tụ nước bên trong các mô. Theo thời gian, nước tích tụ, ứ đọng lại và hình thành các khối polyp.

Polyp mũi
Sự hình thành của polyp mũi có liên quan đến các bệnh như hen suyễn hoặc viêm xoang dị ứng

Có nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra polyp mũi như:

  • Bị viêm xoang mãn tính, tái đi tái lại thường xuyên do virus, vi khuẩn, nấm;
  • Người có tiền sử bị viêm mũi dị ứng, hen suyễn;
  • Người bị xơ nang mũi do rối loạn di truyền làm kích thích cơ chế sản sinh dịch nhầy bất thường trong mũi;
  • Hội chứng Churg - Strauss gây viêm mạch máu (vasculitis) dẫn đến polyp mũi;
  • Cơ địa dị ứng, nhạy cảm với các loại thuốc kháng viêm không steroid hoặc thuốc giảm đau aspirin;
  • Yếu tố di truyền gen về các bệnh gây viêm niêm mạc mũi;

Tham khảo thêm: Các nguyên nhân nghẹt mũi và cách khắc phục

Triệu chứng và chẩn đoán

1. Triệu chứng

Nếu khối polyp mũi còn nhỏ thường sẽ ít gây triệu chứng. Nhưng đến giai đoạn phát triển lớn, che lấp toàn bộ lỗ mũi và gây nhiễm trùng sẽ là thời điểm bùng phát hàng loạt các triệu chứng khó chịu như:

  • Sổ mũi, chảy nước mũi kéo dài
  • Chảy dịch mũi sau
  • Đau nhức, ngứa ngáy bên trong mũi
  • Giảm khứu giác, không ngửi được mùi
  • Chảy máu cam thường xuyên
  • Mất vị giác
  • Đau đầu âm ỉ
  • Đau lan sang vùng răng và hàm trên
  • Có cảm giác nặng mặt
  • Ngáy to, ngáy nhiều
  • Sưng quanh mắt, gây suy giảm thị giác
  • Sốt cao kèm theo mất thăng bằng
  • ...

Polyp mũi
Các triệu chứng polyp mũi rất đa dạng tùy theo kích thước và số lượng khối polyp

Các triệu chứng của bệnh polyp mũi thường diễn tiến qua 4 giai đoạn, theo thứ tự tăng dần về cấp độ triệu chứng và mức độ ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe.

  • Cấp độ 1: Khối polyp vừa hình thành, mềm, kích thước nhỏ và nằm gọn bên trong các khe hốc giữa mũi rất khó quan sát bằng mắt thường, chỉ phát hiện khi nội soi.
  • Cấp độ 2: Khối polyp tăng kích thước lên mức trung bình, nằm vừa khít trong khe hốc giữa mũi.
  • Cấp độ 3: Khối polyp phát triển to đến mức lấp đầy lỗ mũi. Biểu hiện điển hình là khiến người bệnh khó thở, ngửi mùi khó.
  • Cấp độ 4: Khối polyp phì đại quá mức, cứng đục, lấp toàn bộ lỗ mũi và có xu hướng lồi ra bên ngoài cửa mũi, có thể quan sát rõ ràng bằng mắt thường.

2. Chẩn đoán

Để chẩn đoán polyp mũi, bác sĩ sẽ dựa vào thăm khám lâm sàng thông qua các triệu chứng bệnh nhân mô tả. Đồng thời, kết hợp thăm khám, quan sát và đánh giá tính chất khối u trong mũi. Khối u được chẩn đoán là polyp mũi khi có các tính chất sau:

  • Mềm, mọng do chứa dịch;
  • Mọc thành từng chùm hoặc tụ thành từng khối, lấp kín hốc mũi và lồi hẳn ra cửa mũi sau;
  • Đối với những người bị polyp mũi do viêm xoang, khối polyp sẽ có mủ bám vào, tuy nhiên bề mặt lại không có dấu hiệu hoại tử;

Polyp mũi
Chẩn đoán polyp mũi thông qua lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng như nội soi, CT scan

Ngoài ra, dựa vào kinh nghiệm chẩn đoán, kết hợp nội soi mũi, các chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, CT scan xác định vị trí, kích thước khối polyp) hoặc xét nghiệm dị ứng, bác sĩ sẽ xác định thể polyp mũi xoang mà bệnh nhân mắc phải là gì. Đó có thể là:

  • Polyp mũi xuất huyết;
  • Polyp mũi đơn độc Killian;
  • Polyp mũi do bệnh Woakes;
  • Polyp mũi do viêm xoang mạn tính;
  • Polyp mũi do u xơ vòm mũi họng;
  • Polyp mũi do ung thư sàng hàm;

Riêng đối với trẻ em mắc chứng đa polyp mũi, cần kết hợp thêm xét nghiệm đối với bệnh xơ nang phổi. Phương pháp này giúp đánh giá các yếu tố di truyền làm ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của các tuyến mồ hôi, nước bọt, nước mắt, dịch tiêu hóa... Bệnh nhi bị polyp mũi kèm theo triệu chứng sổ mũi mùa cần kết hợp test dị ứng da để có thêm cơ sở chẩn đoán bệnh chính xác.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh polyp mũi không gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Vì bản chất của khối polyp là khối u lành tính, có thể xử lý và kiểm soát được nếu phát hiện sớm. Nhưng nếu người bệnh chủ quan lơ là không điều trị, bỏ qua các triệu chứng sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường cho sức khỏe như:

  • Biến chứng viêm xoang cấp hoặc mạn tính;
  • Suy giảm khứu giác do khối polyp mũi cản trở đường thở;
  • Biến chứng viêm tai giữa làm giảm thính lực;
  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ do khối polyp mũi chèn ép gây tắc nghẽn đường thở, kéo theo các biến chứng về rối loạn giấc ngủ mạn tính;
  • Biến dạng cấu trúc xương mũi do sự phì đại quá mức của khối polyp;
  • Nghiêm trọng hơn là gây ra chứng song thị, 2 mắt nằm xa nhau bất thường do cấu trúc mặt bị thay đổi;

Các biến chứng của polyp mũi là rất đáng lo ngại vì ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và tính thẩm mỹ khuôn mặt. Tuy nhiên, nhiều người thường lơ là chủ quan về việc điều trị vì nghĩ rằng bệnh sẽ tự khỏi. Nhưng thực tế vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nào về việc khối polyp mũi có thể tự biến mất mà không cần can thiệp y tế.

Thay vào đó, bệnh nhân cần chủ động thăm khám, chẩn đoán và tiếp nhận phác đồ điều trị phù hợp. Kết hợp chăm sóc sức khỏe thể chất, nâng cao thể trạng bằng cách điều chỉnh lối sống khoa học để góp phần ngăn chặn tiến triển bệnh, kiểm soát triệu chứng và phòng ngừa biến chứng.

Điều trị

Mục tiêu điều trị polyp mũi là làm teo nhỏ kích thước khối polyp, cải thiện triệu chứng, đồng thời ức chế tiến triển bệnh và ngăn chặn các rủi ro, biến chứng khó lường.

1. Điều trị bằng thuốc

Tùy từng trường hợp bệnh cụ thể với các đặc điểm, tính chất khối polyp khác nhau mà bác sĩ sẽ kê toa thuốc phù hợp. Các loại thuốc trị polyp mũi thường dùng nhất là:

Polyp mũi
Thuốc trị polyp mũi thường áp dụng cho các trường hợp khối polyp có kích thước nhỏ

  • Thuốc xịt mũi Corticosteroid: Dùng cho các trường hợp khối polyp có kích thước nhỏ. Thuốc được xịt trực tiếp vào mũi, giúp kiểm soát phản ứng viêm, làm thông thoáng đường thở bằng cách gia tăng luồng không khí qua mũi và góp phần làm teo nhỏ khối polyp mũi. Tuy nhiên, cần tuân thủ liều dùng khuyến cáo để tránh tác dụng phụ như đau đầu, viêm họng, chảy máu cam... Các loại phổ biến trên thị trường như:
    • Triamcinolone (Nasacort)
    • Flunisolide (Nasarel)
    • Fluticasone (Flonase)
    • Mometasone (Nasonex)
    • Budesonide (Rhinocort)
  • Các loại thuốc khác: Tùy theo từng trường hợp nguyên nhân gây polyp mũi khác nhau để sử dụng kết hợp các loại thuốc khác cho phù hợp. Bao gồm:
    • Thuốc kháng sinh Corticosteroid dạng uống chống nhiễm trùng;
    • Thuốc kháng histsmine chống dị ứng;
    • Thuốc kháng nấm;
    • Thuốc sinh học (điển hình là Dupilumab) cũng được ghi nhận có khả năng làm co khối polyp lại, đẩy lùi các triệu chứng kèm theo;

2. Phẫu thuật (nếu cần thiết)

Khi điều trị polyp mũi bằng thuốc nhưng không đem lại hiệu quả như mong đợi, diễn tiến bệnh ngày càng phức tạp và gây biến chứng, bác sĩ sẽ cân nhắc đến phương pháp phẫu thuật loại bỏ khối polyp trong mũi. Đặc biệt, đối với những bệnh nhân có polyp mũi do bệnh xơ nang phổi, chống chỉ định với Corticosteroid thì đây là giải pháp điều trị hiệu quả duy nhất và cần phải thực hiện sớm.

Tùy theo vị trí, kích thước và số lượng khối polyp mũi sẽ được áp dụng phương pháp phẫu thuật phù hợp. Bao gồm:

Polyp mũi
Chỉ định phẫu thuật polyp mũi dành cho trường hợp khối polyp có kích thước quá lớn và điều trị bằng thuốc không có kết quả

  • Phẫu thuật cắt bỏ khối polyp: Đối với những khối polyp nhỏ, mọc lẻ và rải rác sễ được xử lý cắt bỏ bằng thiết bị máy vi học hoặc máy hút cơ học. Kỹ thuật này được thực hiện ngoại trú, sau khi cắt bệnh nhân sẽ được theo dõi, chỉ định kết hợp dùng thuốc để điều trị tình trạng viêm kèm theo và ra về ngay trong ngày.
  • Phẫu thuật nội soi xoang (Endoscopic sinus surgery): Kỹ thuật này được áp dụng cho những trường hợp bệnh có tính chất phức tạp, polyp có xu hướng tái phát nặng. Không chỉ loại bỏ khối polyp mà còn tiến hành mở rộng các xoang mũi nơi khối polyp được hình thành, nhằm xử lý loại bỏ tình trạng viêm, tắc nghẹt xoang. Đối với kỹ thuật này, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật bằng ống nội soi, vết mổ nhỏ, ít đau, ít chảy máu và phục hồi nhanh hơn.

Sau khi cắt bỏ khối polyp mũi, để phòng ngừa tái phát trở lại cần tập trung kiểm soát yếu tố nhiễm trùng hoặc dị ứng. Trong đó, 2 liệu pháp là Flunisolide hoặc Baclomethasone thường được áp dụng phổ biến nhờ khả năng ức chế nguy cơ tái phát trở lại của polyp mũi. Tuy nhiên, theo một khảo sát cho thấy, dù áp dụng bất kỳ phương pháp phẫu thuật nào, polyp mũi vẫn có nguy cơ tái phát trở lại với tỷ lệ là 15%.

Phòng ngừa

Chỉ cần thực hiện một vài sự thay đổi nhỏ trong lối sống, sinh hoạt hàng ngày, sẽ giúp bạn phòng ngừa hiệu quả nguy cơ mắc bệnh polyp mũi hoặc giảm tỷ lệ tái phát.

Polyp mũi
Chăm sóc và bảo vệ kỹ lưỡng đường thở là cách phòng ngừa polyp tốt nhất

  • Điều trị dứt điểm các triệu chứng bệnh sổ mũi, hen suyễn hoặc viêm xoang. Đây là yếu tố quan trọng làm giảm tình trạng sung huyết mũi, khó thở, giảm nguy cơ hình thành polyp mũi.
  • Bảo vệ cơ thể, đặc biệt là đường thở khỏi các tác nhân dị nguyên từ môi trường bên ngoài như khói bụi, phấn hoa, hóa chất,...
  • Giữ vệ sinh hệ hô hấp bằng cách đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn, không cho tay lên mắt mũi miệng để chống lây nhiễm khuẩn, thường xuyên rửa mũi bằng nước muối sinh lý...
  • Duy trì độ ẩm cần thiết cho môi trường sống xung quanh, nhất là bên trong khu vực mà bạn sinh hoạt, nghỉ ngơi.
  • Xây dựng thực đơn ăn uống khoa học, đủ chất, kết hợp lối sống lành mạnh, tập thể dục, ngủ đủ giấc giúp tăng cường sức khỏe thể chất, nâng cao hệ miễn dịch tự nhiên chống lại bệnh tật.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng/ lần để tầm soát hoặc khám ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường để kịp thời điều trị.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân gây polyp mũi đối với trường hợp của tôi?

2. Ngoài các triệu chứng đã kể, bệnh còn gây ra triệu chứng nào nữa? Tôi có cần theo dõi từng triệu chứng không?

3. Cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh polyp mũi?

4. Phương pháp điều trị tốt nhất đối với trường hợp bệnh của tôi?

5. Quá trình điều trị mất bao lâu mới khỏi hẳn?

6. Tiên lượng bệnh polyp mũi đối với trường hợp của tôi?

7. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không điều trị?

8. Bị polyp mũi có cần phẫu thuật không?

9. Chi phí phẫu thuật bao nhiêu? Có rủi ro nào không?

10. Có cần tái khám lại sau khi đã điều trị khỏi hay không?

Polyp mũi là bệnh lý gây ảnh hưởng không hề nhỏ đối với sức khỏe và đời sống sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Nhiều trường hợp còn phát sinh rủi ro, biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị. Do đó, hãy thận trọng, không được chủ quan trong thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt nhằm kiểm soát bệnh cũng như bảo tồn chức năng của xoang mũi.

Xem thêm:

  • Polyp là gì? Có phải ung thư không, có bao nhiêu loại?
  • Đau mũi – Dấu hiệu viêm xoang hay bệnh lý nào khác?
Chia sẻ:
Bệnh Viêm Màng Nhĩ
Viêm màng nhĩ là bệnh nhiễm trùng phổ biến, thường xảy ra ở trẻ em do cấu trúc ống tai ngắn. Còn nhiều tác nhân khác như chấn thương hoặc…
Bệnh Liệt Cơ Mở Thanh Quản
Liệt cơ mở thanh quản là tình trạng suy giảm…
Bệnh viêm phế quản
Viêm phế quản là một trong những bệnh lý đường…
Bệnh Meniere (rối loạn thính lực)
Meniere là một dạng rối loạn tai trong gây suy…
Bệnh Viêm Màng Nhĩ Bọng Nước

Viêm màng nhĩ bọng nước là một dạng nhiễm trùng tai phổ biến. Đặc trưng của bệnh là những nốt…

Bệnh viêm họng

Bệnh viêm họng có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Người bị viêm họng gặp phải những…

Viêm đường hô hấp dưới Bệnh Viêm Đường Hô Hấp Dưới

Viêm đường hô hấp dưới là nhóm các bệnh lý nhiễm trùng thường gặp như viêm phổi, viêm phế quản,…

Lưỡi Bản Đồ

Lưỡi bản đồ là một dạng viêm lưỡi lành tính. Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc bệnh,…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG

Cố vấn Chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua