Các nguyên nhân nghẹt mũi và cách khắc phục
Dị ứng, viêm xoang, viêm thanh quản, cảm lạnh và cảm cúm là các nguyên nhân gây nghẹt mũi thường gặp nhất. Để làm giảm triệu chứng này, bạn có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc – điều trị tại nhà hoặc sử dụng thuốc khi cần thiết.
Nghẹt mũi là gì?
Nghẹt mũi (tắc mũi) là hiện tượng màng lót bên trong mũi bị viêm sưng, dẫn đến tình tắc nghẽn và gây khó thở. Ngoài ra tình trạng này cũng có thể xảy ra do dịch nhầy ứ đọng khiến khoang mũi bị tắc nghẽn và gây gián đoạn quá trình hô hấp.
Nghẹt mũi thường đi kèm với một số triệu chứng khác như hắt hơi, chảy nước mũi, thở khò khè, thở bằng miệng, ngáy khi ngủ, mệt mỏi, sốt, đau đầu, chóng mặt,…
Các nguyên nhân gây nghẹt mũi phổ biến
Nghẹt mũi chủ yếu khởi phát do các bệnh ở đường hô hấp trên, bao gồm:
1. Cảm lạnh/ cảm cúm
Cảm lạnh và cảm cúm là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp trên thường gặp. Các bệnh lý này thường do virus gây ra và có xu hướng thuyên giảm chỉ sau 7 – 10 ngày.
Cảm lạnh và cảm cúm đều đặc trưng bởi triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi, đau họng, ho và thở khò khè. Tuy nhiên cảm lạnh có mức độ nhẹ hơn và ít khi gây ra các triệu chứng toàn thân. Trong khi đó, cảm cúm thường gây sốt cao, đau mắt, đau nhức xương khớp và mệt mỏi.
2. Dị ứng
Dị ứng thời tiết, phấn hoa, hóa chất, khói thuốc,… cũng có thể là nguyên nhân gây nghẹt mũi. Các tác nhân kích thích này khiến niêm mạc mũi và cơ quan hô hấp bị phù nề, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn dịch nhầy và gây tắc nghẽn mũi.
Bên cạnh triệu chứng này, dị ứng còn gây ra một số biểu hiện kèm theo như sổ mũi, ho, chảy nước mũi, ngứa cổ họng, hắt hơi, phát ban da, nổi mề đay,…
3. Viêm nhiễm cơ quan hô hấp trên
Các bệnh lý viêm nhiễm cơ quan hô hấp trên như cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng, viêm amidan, viêm VA, viêm xoang,… có thể kích thích quá trình tiết dịch hô hấp và gây ra hiện tượng tắc nghẽn mũi, sổ mũi, ho, đau họng,…
Tình trạng viêm nhiễm ở những cơ quan này có thể do virus, nấm hoặc vi khuẩn gây ra. Trong đó nguyên nhân do virus thường có mức độ nhẹ nhất và tự thuyên giảm mà không cần can thiệp các biện pháp y tế.
4. Thay đổi nội tiết tố
Thay đổi nội tiết tố trong thời gian mang thai có thể khiến bạn gặp phải tình trạng nghẹt mũi. Bởi hormone thay đổi đột ngột khiến niêm mạc hô hấp có xu hướng sưng phù và gây khó khăn trong việc dẫn lưu dịch.
Tuy nhiên nghẹt mũi do nguyên nhân này thường có mức độ nhẹ và hiếm khi đi kèm với tình trạng chảy nước mũi hay sốt. Trong trường hợp này, triệu chứng thường có xu hướng biến mất sau khi nồng độ hormone đã ổn định trở lại.
5. Sinh sống trong môi trường khô và lạnh
Môi trường khô và lạnh là yếu tố kích thích niêm mạc mũi, dẫn đến tình trạng chảy nước mũi và nghẹt mũi. Nguyên nhân này thường gặp ở người sinh sống tại các quốc gia có khí hậu lạnh hoặc người thường xuyên sử dụng điều hòa. Ở một số trẻ nhỏ, thường xuyên ngồi máy lạnh có thể gây vỡ mao mạch và dẫn đến tình trạng chảy máu cam.
6. Polyp mũi
Polyp mũi là khối u lành tính xuất hiện ở các xoang hoặc bên trong hốc mũi. Khối u này thường không gây đau và viêm. Tuy nhiên sự xuất hiện của polyp mũi có thể làm gián đoạn quá trình dẫn lưu giữa các xoang, dẫn đến tình trạng ứ đọng dịch và gây nghẹt mũi.
Bên cạnh đó, bệnh còn có thể gây sổ mũi kéo dài, thường xuyên chảy máu cam, ngáy to, mất vị giác, giảm khứu giác, nhức đầu,…
7. Lệch vách ngăn mũi
Lệch vách ngăn mũi là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các bệnh lý ở mũi và xoang. Tình trạng này có thể gây tắc nghẽn mũi (thường là một bên), chảy máu cam, thở khò khè,… Người bị lệch vách ngăn mũi thường dễ mắc bệnh viêm xoang mãn tính, viêm VA hoặc polyp mũi.
8. Các nguyên nhân khác
Một số nguyên nhân khác gây ra chứng nghẹt mũi, bao gồm:
- Dị vật trong mũi do trẻ nhỏ nhét đồ chơi, cúc áo, hạt,… vào lỗ mũi.
- Chấn thương mũi do tai nạn lao động, giao thông
- Tác dụng phụ của thuốc điều trị huyết áp cao
- Lạm dụng thuốc xịt mũi
- Do căng thẳng kéo dài
- Thường xuyên hút thuốc lá
Nghẹt mũi kéo dài có nguy hiểm không?
Nghẹt mũi kéo dài có thể làm gián đoạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến thói quen sinh hoạt và hiệu suất làm việc. Ngoài ra, nghẹt mũi còn tác động tiêu cực đến quá trình hô hấp. Từ đó làm giảm lưu lượng oxy đi vào phổi, dẫn đến tình trạng thiếu oxy gây chóng mặt và đau đầu.
Bên cạnh đó, nghẹt mũi còn khiến người bệnh có xu hướng thở bằng miệng khi ngủ và gia tăng các bệnh về đường hô hấp như hôi miệng, viêm họng, viêm thanh quản, viêm amidan,…
Cách khắc phục tình trạng nghẹt mũi
1. Các biện pháp điều trị tại nhà
Nghẹt mũi có thể gây gián đoạn giấc ngủ và làm giảm chất lượng cuộc sống. Do đó khi gặp phải triệu chứng này, bạn nên thực hiện các biện pháp khắc phục sau:
- Vệ sinh mũi thường xuyên: Để làm dịu niêm mạc mũi bị sưng viêm và loại bỏ dịch nhầy ứ đọng bên trong, bạn nên vệ sinh mũi thường xuyên với nước muối sinh lý. Sau khi vệ sinh, bạn có thể dùng khăn ẩm để làm sạch nước mũi ứ đọng bên trong. Thực hiện 4 lần/ tuần có thể giảm nhanh triệu chứng nghẹt mũi.
- Uống đủ nước: Bổ sung đủ chất lỏng giúp làm loãng dịch tiết hô hấp và làm dịu vùng niêm mạc bị viêm. Ngoài ra, cung cấp đủ nước cho cơ thể còn giúp ức chế nhiễm trùng và làm giảm đau rát cổ họng.
- Xông mũi với thảo dược: Bên cạnh đó, bạn cũng có thể xông mũi với các loại thảo dược như vỏ chanh, sả, ngải cứu, gừng,… để thông mũi và giảm lượng nước mũi ứ đọng bên trong.
- Tạo độ ẩm cho không gian sống: Nếu nghẹt mũi do thời tiết lạnh và khô hanh, bạn nên sử dụng máy tạo độ ẩm để làm dịu khoang mũi và giảm tình trạng tắc nghẽn.
- Giữ vệ sinh răng miệng: Tai mũi họng là các cơ quan có mối liên hệ mật thiết với nhau. Để cải thiện tình trạng tắc nghẽn ở mũi, bạn nên súc miệng bằng nước muối thường xuyên nhằm tăng dẫn lưu giữa mũi – họng.
- Xoa bóp bấm huyệt: Có thể xoa bóp bấm huyệt trị nghẹt mũi 2 – 3 lần/ ngày. Cách chữa này khá đơn giản nhưng đem lại hiệu quả rõ rệt và có độ an toàn cao.
- Nâng cao sức đề kháng: Phần lớn nguyên nhân gây nghẹt mũi là do nhiễm trùng và dị ứng. Vì vậy để làm giảm các triệu chứng khó chịu, bạn nên ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi và luyện tập điều độ. Một hệ miễn dịch khỏe mạnh có thể giúp cơ thể ngăn ngừa nhiễm trùng và tiêu diệt các tác nhân gây hại.
ĐỌC NGAY: 10+ cách trị nghẹt mũi tại nhà hiệu quả nhanh nhất
2. Điều trị y tế
Trong trường hợp nghẹt mũi không thuyên giảm sau khi áp dụng các biện pháp tại nhà, bạn có thể tìm gặp dược sĩ để được chỉ định các loại thuốc sau:
- Thuốc kháng histamine H1: Loại thuốc này có tác dụng giảm nghẹt mũi, chảy nước mũi, đỏ mắt, ho,… do dị ứng gây ra. Tuy nhiên thuốc kháng H1 thường gây buồn ngủ và thiếu tập trung trong thời gian sử dụng. Các loại thuốc thường được sử dụng: Cetirizine, Loratadine,…
- Thuốc xịt mũi có chứa hoạt chất kháng H1: Với những trường hợp dị ứng nhẹ, bạn có thể dùng thuốc xịt mũi để làm giảm triệu chứng.
- Thuốc xịt mũi chứa steroid: Nhóm thuốc này thường có chứa Mometasone, Fluticasone,… có tác dụng giảm viêm, ngứa và chảy nước mũi. Thuốc được dùng 2 lần/ ngày (sáng – tối) trong thời gian ngắn. So với thuốc xịt mũi chứa hoạt chất kháng H1, thuốc xịt mũi chứa steroid có khả năng gây ra nhiều tác dụng phụ. Vì vậy bạn chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Thuốc kháng sinh: Trong trường hợp viêm nhiễm đường hô hấp do vi khuẩn, bạn sẽ được chỉ định kháng sinh tương ứng. Kháng sinh thường được dùng liên tục trong 7 – 10 ngày hoặc hơn tùy vào mức độ nhiễm trùng.
- Thuốc giảm đau: Nếu nhiễm trùng gây sốt và đau nhức, bạn có thể dùng Acetaminophen để hạ thân nhiệt và cải thiện cơn đau.
Bị nghẹt mũi – Khi nào cần gặp bác sĩ?
Phần lớn các trường hợp nghẹt mũi đều có mức độ nhẹ và thuyên giảm nhanh sau khi được chăm sóc – điều trị. Tuy nhiên trong một số trường hợp cần thiết, bạn nên đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và xác định nguyên nhân gây ra triệu chứng này.
Tìm gặp bác sĩ trong thời gian sớm nhất nếu có các triệu chứng sau:
- Nghẹt mũi kéo dài hơn 10 ngày
- Đau nhức mũi
- Sốt cao
- Nước mũi có màu xanh hoặc vàng
- Xung huyết mũi
- Chảy máu mũi
Phần lớn nguyên nhân gây nghẹt mũi đều là do các bệnh viêm nhiễm hô hấp cấp và dị ứng gây ra. Tuy nhiên triệu chứng này cũng có thể là dấu hiệu của lệch vách ngăn mũi và polyp mũi. Do đó nếu nhận thấy các biểu hiện bất thường, bạn nên tìm gặp bác sĩ trong thời gian sớm nhất.
TÌM HIỂU THÊM
- Cách trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh đúng và ngăn tái phát
- Cách trị sổ mũi – nghẹt mũi cho bà bầu hiệu quả và an toàn
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!