Viêm Xoang Mãn Tính Là Gì? Triệu Chứng và Cách Điều Trị
Viêm xoang mãn tính là tình trạng các xoang ở bên trong mũi bị viêm kéo dài. Bệnh thường khởi phát do dị ứng quanh năm, polyp mũi, lệch vách ngăn hoặc do các bệnh liên quan đến hệ miễn dịch. Điều trị viêm xoang mãn tính chủ yếu dựa vào nguyên nhân gây bệnh.
Viêm xoang mãn tính là gì?
Viêm xoang mãn tính (viêm mũi họng mãn tính) xảy ra khi các mô xoang ở bên trong mũi bị viêm và sưng kéo dài hơn 12 tuần. Không giống với viêm xoang cấp, viêm xoang mãn tính thường khởi phát do các nguyên nhân không nhiễm trùng.
Nguyên nhân gây bệnh viêm xoang mãn tính
Các nguyên nhân gây ra bệnh viêm xoang mãn tính, bao gồm:
- Lệch vách ngăn mũi: Lệch vách ngăn mũi khiến tình trạng viêm xoang cấp tái phát nhiều lần hoặc có xu hướng kéo dài và chuyển biến sang giai đoạn mãn tính.
- Polyp mũi: Là sự xuất hiện mô tăng trưởng ở mũi khiến quá trình dẫn lưu dịch của xoang bị gián đoạn, gây ra tình trạng ứ đọng dịch nhầy và khiến cơ quan này bị viêm kéo dài.
- Do các bệnh lý khác: Viêm xoang kéo dài có thể là biến chứng do u xơ nang (bệnh di truyền khiến cơ thể tiết ra dịch nhầy và mồ hôi nhiều hơn bình thường), nhiễm HIV hoặc mắc các bệnh lý gây suy giảm miễn dịch khác.
- Dị ứng: Dị ứng có thể khiến xoang bị viêm và tổn thương. Với những người bị dị ứng quanh năm, tình trạng viêm ở xoang có thể tiến triển sang giai đoạn mãn tính.
- Nhiễm trùng đường hô hấp: Nhiễm trùng đường hô hấp (chủ yếu là do cảm lạnh) có thể khiến màng xoang dày và viêm. Nguyên nhân này chủ yếu gây ra viêm xoang cấp và hiếm khi gây ra viêm xoang mãn tính.
Yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm xoang mãn tính
Ngoài ra, bệnh viêm xoang mãn tính cũng có thể xảy ra do một số yếu rủi ro như:
- Mắc bệnh hen suyễn
- Nhiễm trùng chân răng
- Cấu trúc mũi bất thường
- Thường xuyên tiếp xúc với tác nhân dị ứng
- Rối loạn hệ miễn dịch
Triệu chứng nhận biết viêm xoang mãn tính
Các triệu chứng của viêm xoang mãn tính khá giống với viêm xoang cấp. Các triệu chứng phổ biến của bệnh, bao gồm:
- Dịch mũi đặc và thường có màu vàng đậm
- Dịch mũi chảy xuống phía sau cổ họng
- Giảm vị giác và khứu giác
- Nghẹt mũi, thở khò khè
- Có xu hướng thở bằng miệng
- Đau và nặng ở vùng trán, má, mũi và mắt
- Đau họng
- Hôi miệng
- Đau tai
- Ho kéo dài
- Hay đằng hắng
- Mệt mỏi
Biến chứng của bệnh viêm xoang mãn tính
Bệnh viêm xoang mãn tính không chỉ gây tổn thương mô xoang và các cơ quan hô hấp trên mà còn làm phát sinh các triệu chứng như khó thở, đau tai, giảm khứu giác, vị giác,… Các triệu chứng của bệnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe, làm phát sinh cảm giác khó chịu và tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống.
So với viêm xoang cấp, viêm xoang mãn tính có nguy cơ cao gây ra các biến chứng nếu không được điều trị. Các biến chứng thường gặp, bao gồm:
- Lây lan nhiễm trùng: Nếu viêm xoang khởi phát do nhiễm trùng, vi khuẩn có thể lây lan sang các cơ quan khác và gây ra các biến chứng như viêm mô tế bào, viêm tủy xương, viêm màng não,…
- Gây ra các vấn đề về tầm nhìn: Ở một số trường hợp, tổn thương ở xoang có thể lan đến hốc mắt và gây chèn ép cơ quan này. Trong trường hợp không tiến hành khắc phục, mắt có thể giảm thị lực hoặc bị mù vĩnh viễn.
Viêm xoang mãn tính có chữa được không?
Viêm xoang mãn tính thường khó điều trị hơn viêm xoang cấp tính. Các triệu chứng của bệnh có tiến triển dai dẳng, kéo dài và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Điều trị viêm xoang mãn tính phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Trong trường hợp do dị ứng, nhiễm trùng hoặc do khối u ở mũi, bệnh có thể được điều trị dứt điểm bằng cách sử dụng thuốc hoặc can thiệp ngoại khoa.
Tuy nhiên nếu viêm xoang xảy ra do nhiễm HIV hoặc bệnh u xơ nang, quá trình điều trị thường gặp nhiều bất lợi. Với những nguyên nhân này, bạn cần phối hợp chế độ chăm sóc, dinh dưỡng, sinh hoạt với các biện pháp y tế để đạt được kết quả tối ưu.
Chẩn đoán bệnh viêm xoang mãn tính
Chẩn đoán viêm xoang mãn tính bao gồm các kỹ thuật sau:
- Thăm khám thực thể: Bác sĩ có thể quan sát vùng mũi, cổ họng và tai của bạn để xem xét mức độ tổn thương ở các cơ quan này.
- Nội soi: Nội soi sử dụng ống nhỏ chứa camera được đưa vào mũi nhằm quan sát biểu hiện của các xoang ở bên trong. Thủ thuật có thể xác định một số nguyên nhân gây viêm xoang mãn tính như polyp mũi, khối u bất thường,…
- Nuôi cấy dịch ở mũi và xoang: Kỹ thuật này ít khi được thực hiện trong quá trình chẩn đoán viêm xoang cấp. Tuy nhiên nếu nghi ngờ bệnh do vi khuẩn gây ra, bác sĩ có thể lấy dịch từ mũi và nuôi cấy trong phòng thí nghiệm nhằm xác định chủng vi khuẩn gây nhiễm trùng.
- Xét nghiệm dị ứng: Xét nghiệm này đo nồng độ thành phần trung gian ở trên da. Với những người bị viêm xoang do dị ứng, các tế bào mast và histamine thường tập trung nhiều trong cấu trúc da.
Cách điều trị bệnh viêm xoang mãn tính
Điều trị bệnh viêm xoang mãn tính cần dựa vào nguyên nhân gây bệnh. Các giải pháp khắc phục có thể được áp dụng, bao gồm:
1. Sử dụng thuốc điều trị
Sử dụng thuốc giúp cải thiện các triệu chứng do viêm xoang gây ra. Ngoài ra phương pháp này cũng có thể điều trị dứt điểm viêm xoang do nhiễm trùng và dị ứng.
Các loại thuốc điều trị viêm xoang mãn tính được chỉ định, bao gồm:
- Thuốc xịt mũi chứa corticosteroid (Mometasone, Triamcinolone, Beclomethasone,…): Corticosteroid có tác dụng chống dị ứng, giảm phù nề và viêm. Xịt trực tiếp loại thuốc này vào mũi có tác dụng giảm nghẹt mũi, khó thở, chảy nước mũi,…
- Nước muối sinh lý: Bạn có thể dùng nước muối sinh lý bơm vào mũi để làm loãng dịch nhầy, loại bỏ dị nguyên và làm mềm niêm mạc. Thực hiện rửa mũi 2 – 3 lần/ ngày có thể làm giảm các triệu chứng do viêm xoang gây ra.
- Thuốc corticosteroid uống/ tiêm: Loại thuốc này được chỉ định khi tình trạng viêm ở xoang có mức độ nặng nề và không có đáp ứng với thuốc điều trị tại chỗ. Tuy nhiên việc sử dụng corticoid đường uống có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, vì vậy bác sĩ chỉ yêu cầu sử dụng trong những trường hợp cần thiết.
- Kháng sinh: Với trường hợp viêm xoang do nhiễm khuẩn, bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng. Khi dùng kháng sinh trị viêm xoang, bạn cần tuân thủ theo chỉ dẫn để hạn chế nguy cơ tăng chủng vi khuẩn không nhạy cảm.
- Thuốc điều trị dị ứng: Tình trạng viêm ở các xoang có thể khởi phát do dị ứng kéo dài. Trong trường hợp này, bác sĩ thường chỉ định thuốc kháng histamine H1 ở đường uống hoặc tiêm.
Với những trường hợp viêm xoang gây đau đầu, đau tai, mỏi cơ,… bạn có thể sử dụng Paracetamol hoặc Ibuprofen để cải thiện.
2. Phẫu thuật
Phẫu thuật thường được chỉ định với các trường hợp viêm xoang mãn tính do polyp mũi hoặc lệch vách ngăn. Hiện nay can thiệp ngoại khoa thường được hỗ trợ bởi kỹ thuật nội soi vì kỹ thuật này có mức độ xâm lấn thấp và ít phát sinh rủi ro khi thực hiện.
Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể chỉnh hình vách ngăn, cạo bỏ polyp gây tắc nghẽn và mở rộng lỗ xoang. Các thủ thuật này có tác dụng đảm bảo quá trình dẫn lưu dịch và hạn chế tình trạng ứ đọng.
3. Các biện pháp điều trị tại nhà
Trong thời gian sử dụng thuốc, bạn có thể phối hợp với các biện pháp chăm sóc tại nhà để tăng tốc độ hồi phục và cải thiện các triệu chứng của bệnh:
- Chườm ấm: Bạn có thể đặt khăn ấm lên vùng mũi nhằm tăng dẫn lưu trong xoang mũi và đem lại cảm giác dễ chịu. Ngoài ra nhiệt độ ấm từ khăn còn làm giảm tình trạng phù nề và cải thiện triệu chứng nghẹt mũi, thở khò khè,…
- Xông hơi với lá bạc hà: Tinh dầu trong lá bạc hà có tác dụng thông mũi và giảm cảm giác khó chịu. Ngoài ra hoạt chất menthol trong bạc hà còn có khả năng giảm phù nề, cải thiện tình trạng đau nhức ở mũi và trán.
- Uống trà gừng: Ngoài các triệu chứng ở mũi, bệnh viêm xoang còn có thể gây ho, đau rát và ngứa họng. Để làm giảm triệu chứng này, bạn có thể uống trà gừng mật ong để làm dịu niêm mạc và loại bỏ đờm ứ.
Chế độ chăm sóc khi bị viêm xoang mãn tính
Bên cạnh các biện pháp điều trị, việc xây dựng chế độ chăm sóc trong thời gian này có thể tác động tích cực đến tiến triển của bệnh.
Các biện pháp trong thời gian điều trị viêm xoang mãn tính:
- Uống nhiều nước nhằm làm loãng dịch đờm và tăng dẫn lưu giữa các xoang.
- Cung cấp năng lượng, vitamin và khoáng chất cho cơ thể để cải thiện hoạt động của hệ miễn dịch và tăng tốc độ phục hồi ở các xoang.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm nhằm hạn chế tình trạng kích ứng và tổn thương niêm mạc mũi.
- Dành thời gian nghỉ ngơi và hạn chế làm việc quá sức.
- Vệ sinh mũi và họng thường xuyên.
- Nên nằm gối cao nhằm làm giảm áp lực lên các xoang.
- Xoa bóp vùng mũi thường xuyên có thể tác động đến hoạt động dẫn lưu dịch giữa các xoang.
- Nếu bạn bị viêm xoang do vi khuẩn, nên vệ sinh tay sạch sẽ sau khi xì mũi và tránh tiếp xúc với người khỏe mạnh.
Viêm xoang mãn tính chủ yếu khởi phát do polyp mũi, lệch vách ngăn hoặc do các bệnh lý khác. Bệnh có thể được điều trị dứt điểm nếu tích cực trong quá trình chăm sóc và áp dụng các biện pháp y tế.
Có thể tham khảo thêm:
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!