Bàng quang là gì, nằm ở đâu? Cấu tạo và chức năng
Bàng quang là cơ quan có chức năng chứa nước tiểu nằm sau khớp mu và ngay dưới phúc mạc bụng. Bộ phận này có thể mắc nhiều bệnh lý như viêm bàng quang, sỏi bàng quang hay ung thư bàng quang.
Bàng quang là gì?
Bàng quang ( hay còn gọi là bóng đái) là một bộ phận của hệ tiết niệu có hình dáng tương tự như quả lê rỗng bên trong. Cơ quan này là nơi chứa nước tiểu do thận tiết ra.
Khi lượng nước tiểu trong bàng quang đạt đến một lưu lượng nhất định, các dây thần kinh xung quanh sẽ gửi tín hiệu về não bộ, nơi chỉ huy phản xạ đi tiểu để đào thải nước tiểu ra ngoài thông qua đường niệu đạo, giúp làm rỗng bàng quang.
Bàng quang nằm ở đâu?
Trên cơ thể, bàng quang có vị trí nằm dưới phúc mạc bụng và ngay sau khớp mu. Ở trạng thái rỗng không chứa nước tiểu, toàn bộ bàng quang sẽ nằm trọn trong phần trước của vùng chậu và phía sau bộ phận này chính là trực tràng cùng với tạng sinh dục.
Khi thận tiết ra nhiều nước tiểu, bàng quang sẽ được làm đầy và căng phồng lên tạo thành một quả bóng hình cầu. Lúc này, nó nằm trong ổ bụng và vượt lên phía trên khớp mu.
Bàng quang 4 mặt kết hợp với nhau theo hình tứ diện tam giác. Bao gồm:
- Mặt trên: Phía trên bàng quang được che phủ bởi phúc mạc. Ở trạng thái rỗng, mặt này sẽ lõm lại và khi có nước tiểu thì dần lồi ra.
- Hai mặt dưới của bàng quang có vị trí nằm phía trên hoành chậu
- Đáy bàng quang ( mặt sau dưới): Mặt này có hình phẳng nhưng trong một số trường hợp có thể lồi ra.
Ở trẻ em, phần lớn bàng quang nằm trong ổ bụng. Cơ quan này có hình dáng tương tự như quả lê, có cuống là ống niệu rốn. Khi trẻ lớn hơn thì bàng quang cũng từ từ tụt dần và nằm vào vùng chậu, ống niệu rốn cũng thu nhỏ dần dần cho đến khi bít hẳn lại.
Cấu tạo của bàng quang
Đi từ trong ra ngoài, bàng quang có tất cả 4 lớp gồm:
- Lớp niêm mạc, còn gọi là lớp lót nằm bao phủ trong lòng bàng quang, nơi tiếp xúc trực tiếp với nước tiểu.
- Lớp hạ mạc: Lớp này nằm dưới niêm mạc. Nó có cấu trúc khá lỏng lẻo nên đôi khi có thể nằm trượt lên lớp phía tiếp theo.
- Lớp cơ: Được tạo thành từ 3 lớp nhỏ. Nằm trong là lớp cơ vòng, sau đó đến lớp cơ chéo và cuối cùng là lớp cơ chạy dọc ở ngoài.
- Lớp thanh mạc nằm ở vị trí ngoài cùng của bàng quang..
Trong hệ tiết niệu, bàng quang được nối thông trực tiếp với bể thận thông qua 2 ống niệu quản. Sự kết hợp giữa hai lỗ niệu quản với cổ bàng quang tạo thành một khu vực có hình tam giác, y học gọi đây là tam giác bàng quang. Đầu dưới bàng quang có một lỗ thông với niệu đạo – cơ quan chịu trách nhiệm dẫn nước tiểu ra khỏi cơ thể.
Chức năng của bàng quang
Khi nước tiểu được thận bài tiết ra, chất thải sẽ theo hai ống niệu quả xuống bàng quang. Đây chính là cơ quan đảm nhận chức năng chứa nước tiểu trước khi nó được tiếp tục đào thải ra ngoài qua đường niệu đạo.
Bàng quang của một người trưởng thành có thể chứa được tới 300 – 500 ml nước tiểu. Ở nam giới, khi lượng nước tiểu trong bàng quang đạt đến dung tích từ 200-300 ml thì sẽ tạo ra phản xạ mót tiểu, trong khi đó con số này ở phụ nữ là 250–350ml.
Khi cảm giác mót tiểu xuất hiện, 3 lớp cơ trong bàng quang sẽ hoạt động co bóp để đẩy nước tiểu ra ngoài một cách nhịp nhàng theo từng đợt. Các cơ trơn có nhiệm vụ tống nước tiểu khi nhận được sự chi phối của các dây thần kinh phó giao cảm trong tủy. Các cơ vòng trong nằm ngay cổ bàng quang sẽ kết hợp với lỗ niệu đạo để kiểm soát toàn bộ quá trình đi tiểu. Ở đàn ông, các cơ vòng trong còn đảm nhận một nhiệm vụ khác là ngăn chặn không cho tinh dịch trào ngược lên trên bàng quang khi xuất tinh. Trong khi đó các cơ vân nằm ở vòng ngoài cổ bàng quang cho phép cơ thể điều khiển hoạt động đi tiểu theo ý muốn của bạn.
Các bệnh thường gặp ở bàng quang
Cũng như các cơ quan khác trong cơ thể, bàng quang có thể gặp nhiều vấn đề khác nhau dẫn đến suy giảm chức năng hoạt động. Các bệnh lý thường gặp ở bàng quang bao gồm:
Viêm bàng quang
Căn bệnh này xảy ra khi bàng quang bị nhiễm trùng và có hiện tượng viêm loét bên trong lớp lót. Bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến nam giới và có đến 90% các trường hợp mắc bệnh do vi khuẩn gram – gây ra.
Nguyên nhân gây viêm bàng quang là do quan hệ tình dục không an toàn, vệ sinh vùng kín không đúng cách, đặt sonde dẫn nước tiểu hoặc do mắc các bệnh lý như u tuyến tiền liệt, hẹp bao quy đầu, viêm phụ khoa hay tiểu đường. Một số trường hợp mắc bệnh do thực hiện các thủ thuật ở bàng quang và niệu đạo nhưng dụng cụ y tế không được tiệt trùng kỹ.
Dấu hiệu nhận biết viêm bàng quang:
- Khó tiểu
- Đi tiểu buốt, tiểu són hoặc tiểu rắt
- Nước tiểu đục, có lẫn máu hoặc mủ ở cuối bãi
- Căng tức hoặc đau nhẹ ở vùng trên khớp mu
- Hay mót tiểu nhưng số lượng nước tiểu đi mỗi lần không nhiều
- Tiểu nhiều vào ban đêm
- Rò rỉ nước tiểu không tự chủ
- Nóng rát và đau khi đi tiểu
- Có thể sốt nhẹ hoặc không sốt ở giai đoạn viêm bàng quang cấp
Bệnh viêm bàng quang thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Một số trường hợp cần phẫu thuật hoặc thực hiện các thủ thuật như nong niệu đạo, đặt ống sonde để khơi thông dòng nước tiểu.
Sỏi bàng quang
Sỏi bàng quang cũng là một trong các bệnh thường gặp ở bàng quang. Bệnh được xác định khi có sự hình thành của một hay nhiều khối cứng bên trong bàng quang do một số chất trong nước tiểu cô đọng, kết tinh lại. Các viên sỏi có kích thước không đồng nhất.
Bệnh sỏi bàng quang gặp ở nam nhiều hơn nữ. Đối tượng bị bệnh chủ yếu là nam giới từ 50 tuổi trở lên. Theo thời gian, kích thước viên sỏi có thể lớn dần gây tắc nghẽn bàng quang và mang đến nhiều bất thường trong hoạt động tiểu tiện.
Các triệu chứng bệnh sỏi bàng quang:
- Tiểu tiện thường xuyên
- Tia nước tiểu nhỏ, yếu và có thể bị gián đoạn
- Nước tiểu sậm màu
- Đái ra máu
- Đau rát hoặc đau tức ở bụng dưới khi đi tiểu
- Nam giới bị sỏi bàng quang có thể đau nhức ở dương vật.
Đối với những viên sỏi bàng quang kích thước nhỏ, bệnh nhân có thể dùng các bài thuốc nam tử râu ngô, bông mã đề hay kim tiền thảo… để làm tan sỏi, thông tiểu. Trường hợp sỏi đã lớn, cần áp dụng các phương pháp như tán sỏi bằng laser, tán sỏi qua da hay phẫu thuật để lấy viên sỏi ra ngoài.
Bệnh bàng quang thần kinh
Bàng quang thần kinh là thuật ngữ y khoa chỉ hiện tượng rối loạn chức năng bàng quang do thần kinh bị tổn thương. Bệnh thường gặp ở các đối tượng bị tiểu đường, chấn thương tủy sống, viêm não, đa xơ cứng hoặc bị nhiễm độc kim loại nặng.
Bệnh bàng quang thần kinh được chia thành hai thể chính gồm bàng quang hoạt động quá mức và bàng quang kém hoạt động. Tình trạng tổn thương ở dây thần kinh có thể khiến cho hoạt động trao đổi tín hiệu giữa não bộ và các cơ quan có nhiệm vụ kiểm soát quá trình làm rỗng bàng quang bị rối loạn.
Các triệu chứng nhận biết bệnh bàng quang thần kinh:
- Nhiễm trùng, sưng viêm đường tiết niệu
- Số lần đi tiểu trong ngày tăng
- Bí tiểu, đi tiểu nhỏ giọt hoặc hoàn toàn không ra được nước tiểu
Bệnh bàng quang thần kinh kéo dài có thể gây tổn thương cho các mạch máu nhỏ ở thận và làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể gặp các biến chứng khác như thận ứ nước, sỏi thận, rối loạn cương dương ở nam giới.
Một trường hợp có thể đẩy lùi các triệu chứng bệnh bằng cách thay đổi lối sống kết hợp với luyện tập và sử dụng thuốc. Phẫu thuật được chỉ định khi các phương pháp tự nhiên không mang lại hiệu quả.
U bàng quang lành tính
Khi các tế bào trong bàng quang tiếp xúc nhiều với hóa chất độc hại, chúng có thể mất đi nguyên sinh chất và trở nên phù nề, phình giãn to dẫn đến sự xuất hiện của các khối u lành tính. Bệnh u bàng quang lành tính ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, giới tính như tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao hơn so với nữ và đối tượng mắc bệnh tập trung chủ yếu ở lứa tuổi từ 40 – 70.
Trong một số trường hợp, các khối u lành tính có kích thước nhỏ ở bàng quang sẽ tự biến mất khi các chất độc hại được loại bỏ đúng lúc, giúp các tế bào bị tổn thương trong bàng quang được phục hồi. Tuy nhiên, khối u cũng có thể tiếp tục phát triển to hơn và xâm lấn vào trong thành bàng quang, thậm chí bị ác tính hóa sau nhiều năm.
Người bị u bàng quang lành tính thường được đề nghị theo dõi trong giai đoạn đầu và nếu khối u có dấu hiệu phát triển to dần theo thời gian thì cần phẫu thuật cắt bỏ, giúp người bệnh tránh được nhiều vấn đề bất thường phát sinh gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ung thư bàng quang
Ung thư bàng quang còn được gọi là u bàng quang ác tính. Bệnh bắt đầu với quá trình tăng sinh bất thường của các tế bào trong bàng quang. Chúng phân chia nhanh chóng và gia tăng số lượng hình thành nên khối u ác tính.
Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư bàng quang. Ngoài ra, bạn còn có thể mắc căn bệnh này do di truyền, viêm bàng quang mãn tính lâu năm, có chế độ ăn nhiều chất béo hoặc do tiếp xúc nhiều với hóa chất. Bệnh được chia thành 4 giai đoạn phát triển chính và thường không gây ra triệu chứng trong giai đoạn đầu nên khó phát hiện sớm.
Các dấu hiệu của bệnh ung thư bàng quang:
- Tiểu ra máu
- Đau rát khi đi tiểu
- Khối u chèn ép vào bàng quang gây đi tiểu nhiều nhưng lượng nước tiểu lại ít
- Đau hai bên mạn sườn hoặc vùng lưng dưới thận
- Mệt mỏi, giảm cân không rõ lý do.
Tùy theo giai đoạn bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định phương pháp phẫu thuật, hóa trị, xạ trị hay liệu pháp nhắm mục tiêu để chữa ung thư bàng quang. Ở giai đoạn cuối, khi các tế bào ung thư đã di căn tới cơ quan ở xa thì việc điều trị được thực hiện nhằm mục đích giảm nhẹ triệu chứng bệnh, giúp cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân.
Làm thế nào để nâng cao sức khỏe bàng quang?
Bất cứ bệnh lý nào xảy ra ở bàng quang đều khiến cơ quan này bị tổn thương và dẫn đến nhiều vấn đề bất thường trong hoạt động tiểu tiện. Để nâng cao chức năng hoạt động cho bàng quang và giúp bảo vệ cơ quan này khỏi bệnh tật, bạn cần lưu ý một số vấn đề dưới đây:
- Đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày, khoảng 2 – 2,5 lít đối với người trưởng thành. Nước có chức năng thông tiểu, đồng thời giúp hỗ trợ làm sạch vi khuẩn, các chất độc hại cũng như chất cặn bẩn trong bàng quang.
- Vệ sinh vùng kín thường xuyên, rửa từ trước ra sau. Tránh dùng xà phòng hay dung dịch vệ sinh chứa chất tẩy mạnh khiến vùng kín bị kích ứng, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công vào niệu đạo và bàng quang.
- Không mặc quần bó sát. Lựa chọn trang phục có chất liệu mềm mại, rộng rãi và thấm hút mồ hôi tốt để khu vực này luôn được khô ráo.
- Tránh nhịn đi tiểu. Thói quen này không chỉ gây hại cho bàng quang mà còn tác động tiêu cực đến thận.
- Có chế độ dinh dưỡng và luyện tập phù hợp để cải thiện sức đề kháng, góp phần kiểm soát tốt trọng lượng cơ thể, đồng thời hỗ trợ giảm cân, giải phóng áp lực cho bàng quang.
- Tránh hút thuốc lá hoặc tiếp xúc trực tiếp với hóa chất độc hại.
- Loại bỏ các thực phẩm có thể gây kích thích cho bàng quang ra khỏi thực đơn. Chúng bao gồm: Gia vị cay, socola, thực phẩm chứa nhiều axit, rượu, bia.
Có thể bạn quan tâm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!