Bệnh bàng quang thần kinh là gì? Biểu hiện, cách điều trị

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Bệnh bàng quang thần kinh đề cập đến tình trạng rối loạn chức năng bàng quang có liên quan tới tổn thương thần kinh. Các triệu chứng có thể bao gồm tiểu gấp, tiểu không kiểm soát, tăng tần suất đi tiểu, bí tiểu, tắc nghẽn… Cần điều trị đúng cách để cải thiện chất lượng cuộc sống và ngăn ngừa biến chứng xảy ra.

bệnh bàng quang thần kinh
Tìm hiểu về bệnh bàng quang thần kinh: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bệnh bàng quang thần kinh là gì?

Bệnh bàng quang thần kinh là tên gọi được đặt cho một số tình trạng tiết niệu ở những người bị thiếu kiểm soát bàng quang do tủy sống, não hay dây thần kinh có vấn đề. Tổn thương dây thần kinh có thể liên quan đến các bệnh đa xơ cứng, tiểu đường hay bệnh Parkinson.

trạng này cũng có thể liên quan đến nhiễm trùng não, tủy sống, nhiễm độc kim loại nặng, chấn thương tủy sống, đột quỵ, phẫu thuật vùng chậu lớn. Ngoài ra, những người bẩm sinh có các vấn đề về tủy sống. Điển hình như tật nứt cột sống cũng có thể bị bàng quang thần kinh.

Có 2 loại bệnh bàng quang thần kinh bao gồm:

  • Bàng quang hoạt động quá mức: Tình trạng này khiến bạn không kiểm soát được việc đi tiểu của mình. Nó cũng có thể khiến bạn cảm thấy muốn đi tiểu đột ngột hay thường xuyên. Còn được gọi là bàng quang co cứng hay bàng quang tăng hoạt.
  • Bàng quang kém hoạt động: Xảy ra khi cơ bàng quang bị mất khả năng giữ nước tiểu. Bạn không còn cảm nhận được khi nào bàng quang đầy hay làm không thể làm rỗng nó hoàn toàn. Vì vậy nó có thể bị đầy quá mức và nước tiểu bị rò rỉ ra ngoài. Còn được gọi là bàng quang mềm hay bàng quang giảm trương lực.

Nguyên nhân gây bệnh bàng quang thần kinh

Một số cơ và dây thần kinh phải làm việc cùng nhau để giúp bàng quang giữ nước tiểu cho tới khi bạn sẵn sàng thải hết nước tiểu ra ngoài. Các tín hiệu được trao đổi qua lại giữa não với các cơ kiểm soát việc làm rỗng bàng quang. Trường hợp những dây thần kinh này bị tổn thương do chấn thương hay bệnh lý thì sẽ không thể thắt chặt hoặc thư giãn đúng thời điểm.

Ở những người mắc bệnh bàng quang thần kinh, các dây thần kinh và cơ sẽ không hoạt động tốt cùng nhau. Kết quả là bàng quang có thể không đầy hay rỗng một cách chính xác.

Cơ bàng quang có thể co bóp thường xuyên và hoạt động quá mức trước khi bàng quang đầy nước tiểu. Đôi khi các cơ quá lỏng lẻo và để nước tiểu rò rỉ ra ngoài trước khi bạn sẵn sàng đi tiểu.

Còn ở một số người khác thì cơ bàng quang có thể hoạt động kém. Nó không co bóp ngay cả khi nước tiểu đầy và sẽ không đẩy hết nước tiểu ra ngoài. Các cơ vòng xung quanh niệu đạo cũng có thể hoạt động không đúng cách. Chúng vẫn căng ngay cả khi bạn đang cố gắng để làm rỗng bàng quang của mình.

Nguyên nhân tiềm ẩn của bệnh bàng quang thần kinh có thể bao gồm:

  • Các bệnh ảnh hưởng tới hệ thần kinh. Bao gồm cả các khối u ở hệ thần kinh trung ương.
  • Rối loạn cương dương
  • Các bệnh như tiểu đường, bại liệt, giang mai và Alzheimer
  • Bệnh đa xơ cứng
  • Bệnh Parkinson
  • Dị tật bẩm sinh cột sống
  • Chấn thương cột sống
  • Phẫu thuật cột sống
  • Đột quỵ
  • Chấn thương và tai nạn
  • Ngộ độc kim loại nặng
nguyên nhân gây bệnh bàng quang thần kinh
Tổn thương dây thần kinh là nguyên nhân phổ biến gây bệnh bàng quang thần kinh

Các triệu chứng của bệnh bàng quang thần kinh

Các triệu chứng của bệnh bàng quang thần kinh khác nhau ở mỗi người. Chúng phụ thuộc phần nhiều vào tổn thương thần kinh mà người bệnh mắc phải. Một số người có thể gặp phải cả các triệu chứng của bàng quang hoạt động quá mức và kém hoạt động. Những người bị đa xơ cứng, đột quỵ và herpes zoster sẽ có nhiều khả năng gặp phải cả 2 loại triệu chứng.

Dưới đây là các triệu chứng thường gặp của bệnh bàng quang thần kinh:

1. Nhiễm trùng đường tiết niệu

Những người có bàng quang kém hoạt động hay hoạt động quá mức có thể sẽ bị nhiễm trùng đường tiết niệu nhiều lần. Đây thường là triệu chứng đầu tiên của bệnh bàng quang thần kinh. Tình trạng này lặp đi lặp lại là do vi khuẩn, virus hay nấm men có hại phát triển trong đường tiết niệu.

2. Rò rỉ nước tiểu

Đối với trường hợp bàng quang hoạt động quá mức (thường thấy ở bệnh não, đột quỵ hay bệnh Parkinson) các cơ co bóp thường xuyên hơn. Đôi khi sự chèn ép này sẽ khiến cho nước tiểu bị rò rỉ trước khi bạn sẵn sàng đi vệ sinh.

Người bệnh có thể bị rò rỉ cho vài ba giọt nước tiểu. Tuy nhiên đôi khi bạn cũng có thể phun ra 1 lượng nước tiểu lớn. Nhiều trường hợp nước tiểu còn bị rò rỉ khi bạn ngủ.

3. Tần suất đi tiểu tăng

Một triệu chứng khác của bàng quang hoạt động quá mức là đi tiểu nhiều lần vào ban ngày hay ban đêm. Số lần đi tiểu của mỗi người bệnh là khác nhau. Nhưng nhiều chuyên gia đồng ý rằng việc đi tiểu nhiều hơn 8 lần trong 24 giờ là thường xuyên. Mặc dù mỗi lần có thể bạn chỉ sản xuất 1 lượng nhỏ nước tiểu.

4. Giữ nước tiểu/ tắc nghẽn

Đây là triệu chứng thường thấy của những người mắc bệnh thần kinh bàng quang ở dạng bàng quang kém hoạt động. Thường thấy với bệnh đa xơ cứng, tiểu đường, bại liệt, giang mai hay trải qua phẫu thuật cơ vùng chậu lớn.

triệu chứng bệnh bàng quang thần kinh
Trong nhiều trường hợp, người bệnh có thể bị bí tiểu, tiểu không hết

Ở các trường hợp này cơ bàng quang có thể không co bóp khi cần thiết. Bên cạnh đó các cơ vòng ở xung quanh niệu đạo cũng có thể hoạt động không đúng cách. Chúng thường bị căng khi bạn đang cố gắng làm rỗng bàng quang của mình.

Với các triệu chứng của bàng quang kém hoạt động, bạn có thể chỉ tiết ra 1 lượng nước tiểu nhỏ giọt. Bạn thường không thể làm rỗng bàng quang một cách hoàn toàn (bí tiểu). Đôi khi bạn còn không thể làm trống bàng quang (tắc nghẽn).

Bệnh bàng quang thần kinh có nguy hiểm không?

Thực tế, các triệu chứng của bàng quang thần kinh gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Chúng khiến bạn khó có thể trải qua một ngày trọn vẹn mà không bị gián đoạn.

Đôi khi còn khiến bạn ngại ra ngoài với bạn bè, đi nghỉ hay làm những việc hằng ngày. Bạn có thể lo sợ về việc không tìm được nhà vệ sinh khi cần. Nhiều người bắt đầu hủy bỏ các hoạt động trong cuộc sống thường ngày.

Cuộc sống, công việc và các mối quan hệ của bạn có khả năng bị ảnh hưởng rất lớn khi bị bàng quang thần kinh. Đôi khi bạn cảm thấy chán nản, mệt mỏi, lo lắng và cô đơn.

Trường hợp bạn bị tiểu không kiểm soát, nước tiểu bị rò rỉ có thể sẽ gây ra các vấn đề về da hay nhiễm trùng. Ngoài ra, bí tiểu cũng có thể là nguyên nhân của các biến chứng.

Các biến chứng có thể gặp khi bị bàng quang thần kinh bao gồm:

  • Thiệt hại đối với các mạch máu nhỏ trong thận
  • Thận ứ nước
  • Sỏi thận
  • Nhiễm trùng bàng quang, thận hoặc niệu quản
  • Rối loạn cương dương ở nam giới

Chẩn đoán bệnh bàng quang thần kinh

Bàng quang thần kinh là bệnh lý có liên quan tới cả hệ thống thần kinh và bàng quang. Bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm khác nhau để xác định sức khỏe của cả hai yếu tố này.

Để chẩn đoán bệnh bàng quang thần kinh, có thể cần:

1. Kiểm tra tiền sử bệnh

Bác sĩ thường sẽ hỏi bạn một số câu hỏi để tìm hiểu về tiền sử bệnh. Điều này bao gồm thông tin về triệu chứng mà bạn đang gặp phải, chúng xảy ra từ bao lâu và làm thay đổi cuộc sống của họ như thế nào.

Tiền sử bệnh cũng có thể bao gồm thông tin về các vấn đề sức khỏe mà bạn gặp phải trong quá khứ và hiện tại. Nên cung cấp cho bác sĩ danh sách các thuốc kê đơn và không kê đơn mà bạn thường dùng. Ngoài ra, bác sĩ có thể hỏi bạn về chế độ ăn uống cũng như lượng và loại chất lỏng bạn uống hằng ngày.

chẩn đoán bệnh bàng quang thần kinh
Hỏi về tiền sử bệnh là cần thiết để giúp chẩn đoán bệnh bàng quang thần kinh

2. Khám sức khỏe

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe của bạn với mục đích tìm kiếm các nguyên nhân có thể gây ra triệu chứng. Ở phụ nữ, khám sức khỏe thường bao gồm khám vùng bụng, các cơ quan trong khung chậu và trực tràng. Còn ở nam giới sẽ là khám vùng bụng, tuyến tiền liệt và trực tràng.

3. Nhật ký bàng quang

Bạn có thể sẽ được yêu cầu ghi nhật ký bàng quang. Tức là ghi lại tần suất đi vệ sinh và bất cứ thời điểm nào bị rò rỉ nước tiểu. Điều này sẽ giúp bác sĩ tìm hiểu thêm về các triệu chứng mà bạn gặp phải hằng ngày.

4. Pad test

Trong quá trình kiểm tra này, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn mang 1 miếng đệm đã được xử lý bằng thuốc nhuộm đặc biệt. Màu sắc của miếng đệm sẽ thay đổi khi bạn bị rò rỉ nước tiểu.

5. Các bài kiểm tra khác

Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một số bài kiểm tra khác để xác định chẩn đoán. Thường bao gồm:

  •  Xét nghiệm nước tiểu: Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn lấy mẫu nước tiểu để làm xét nghiệm nhiễm trùng hoặc máu.
  • Siêu âm bàng quang: Siêu âm sẽ giúp xác định lượng nước tiểu còn sót lại trong bàng quang sau khi bạn đi vệ sinh.
  • Nội soi bàng quang: Trong quá trình thực hiện kiểm tra này, bác sĩ sẽ đưa 1 ống hẹp có thấu kích cực nhỏ vào trong bàng quang. Điều này có thể giúp loại trừ các nguyên nhân khác gây ra triệu chứng.
  • Xét nghiệm niệu động học: Những xét nghiệm này sẽ giúp kiểm tra mức độ lưu trữ và thải nước tiểu của đường tiết niệu dưới. Bạn có thể yêu cầu đi tiểu vào 1 cái phễu đặc biệt để xem lượng nước tiểu được tạo ra và mất thời gian bao lâu. Ngoài ra, một ống thông cũng có thể được đặt vào bàng quang dẫn lưu bàng quang hay thêm nước vào và kiểm tra áp lực.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm hình ảnh bổ sung. Chẳng hạn như chụp X-quang hay chụp CT. Bạn cũng có thể được giới thiệu tới bác sĩ chuyên khoa để chụp cột sống và não.

Phương pháp điều trị bệnh bàng quang thần kinh

Điều quan trọng nhất khi gặp phải các triệu chứng bàng quang thần kinh là cần sớm thăm khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân. Các triệu chứng này có thể giống với triệu chứng của các bệnh hay vấn đề y tế khác.

Đôi khi các triệu chứng bàng quang thần kinh có thể dẫn tới các vấn đề về bàng quang nghiêm trọng hơn. Nhưng sẽ có các phương pháp điều trị có sẵn. Bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị tốt nhất cho bạn.

Các phương pháp điều trị bệnh bàng quang thần kinh thường được bác sĩ xác định dựa trên:

  • Độ tuổi của người bệnh
  • Sức khỏe tổng thể và tiền sử y tế
  • Nguyên nhân gây tổn thương dây thần kinh
  • Loại triệu chứng
  • Mức độ nghiêm trọng của triệu chứng
  • Khả năng chịu đựng của người bệnh với các loại thuốc, thủ thuật hay liệu pháp
  • Kỳ vọng của bác sĩ với quá trình điều trị

Như đã nói, bệnh bàng quang thần kinh có 2 dạng là bàng quang hoạt động quá mức và bàng quang kém hoạt động. Tùy thuộc vào từng dạng mà phương pháp điều trị sẽ là khác nhau. Cụ thể như sau:

1. Đối với bàng quang hoạt động quá mức

Đây là vấn đề rất phổ biến ở cả nam và nữ giới. Đồng thời chính là dạng bàng quang thần kinh phổ biến nhất ở những người mắc bệnh đa xơ cứng. Cảm giác muốn đi tiểu đột ngột và bất ngờ không thể kiểm soát được là triệu chứng thường gặp nhất.

điều trị bàng quang thần kinh
Lựa chọn điều trị bàng quang thần kinh cần căn cứ vào triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh

Đối với tình trạng bàng quang hoạt động quá mức có các lựa chọn điều trị bao gồm:

+ Thay đổi lối sống:

Đối với nhiều bệnh nhân bị tổn thương dây thần kinh ít nghiêm trọng thì thay đổi lối sống là phương pháp điều trị đầu tiên được áp dụng. Đây là các vấn đề dễ thực hiện nhưng có thể giúp kiểm soát triệu chứng.

+ Trì hoãn đi tiểu:

Bạn nên bắt đầu bằng cách trì hoãn nhu cầu đi tiểu vài ba phút. Sau đó từ từ tăng thời gian lên một vài giờ. Điều này giúp học cách bỏ qua cảm giác muốn đi tiểu ngay cả khi bạn đang bị thôi thúc.

+ Đi vệ sinh theo lịch trình:

Bạn cần tuân theo 1 lịch trình đi vệ sinh hằng ngày. Thay vì đi khi cảm thấy bị thôi thúc thì bạn sẽ đi vào những thời điểm đã được định sẵn trong ngày. Tùy thuộc vào tần suất đi vệ sinh hiện tại của bạn mà bác sĩ có thể yêu cầu bạn đi tiểu sau mỗi 2 – 4 giờ cho dù có cảm thấy muốn đi hay không.

+ Thực hiện các bài tập:

Có thể thực hiện các động tác siết chặt và thả lỏng các cơ trong xương chậu nhiều lần. Thực hiện với tốc độ nhanh nếu bạn đang cảm thấy muốn đi tiểu. Điều này giúp gửi tín hiệu đến hệ thống thần kinh và điều khiển bàng quang ngừng co bóp. Từ đó làm giảm bớt cảm giác thôi thúc đi tiểu.

+ Nhật ký bàng quang:

Nên viết ra giấy cụ thể về việc đi tiểu của bạn trong vài ngày. Điều này giúp bác sĩ hiểu rõ hơn về các triệu chứng. Đồng xác định rõ một số vấn đề khiến triệu chứng trở nên tồi tệ hơn.

+ Thay đổi chế độ ăn uống:

Giảm cân và hạn chế tiêu thụ các loại đồ ăn thức uống gây kích thích bàng quang là rất cần thiết. Bác sĩ thường yêu cầu bạn tránh cà phê, rượu, trà, soda, đồ uống có ga, trái cây họ cam quýt và thức ăn cay.

+ Thuốc:

Thuốc có thể được dùng khi những giải pháp điều trị trên không giúp ích. Bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc làm thư giãn các cơ bàng quang hay giúp bàng quang ngừng co bóp. Tiêm Botox có thể được dùng ở những người bị bàng quang hoạt động quá mức do vấn đề bệnh lý, chấn thương não hay tủy sống.

+ Liệu pháp điều hòa thần kinh:

Đề cập đến một nhóm các phương pháp điều trị cung cấp điện hay thuốc tới các dây thần kinh. Bao gồm:

– Điều hòa thần kinh xương:

Được áp dụng cho những người bệnh không có cải thiện khi dùng thuốc hay thay đổi lối sống. Các dây thần kinh xương cùng sẽ mang tín hiệu giữa tủy sống và bàng quang. Thay đổi những tín hiệu này có thể giúp cải thiện triệu chứng bàng quang hoạt động quá mức.

Bác sĩ phẫu thuật sẽ đặt 1 dây mỏng ở gần các dây thần kinh xương cùng. Sau đó kết nối dây với một thiết bị nhỏ hoạt động bằng pin được đặt bên dưới da. Nó truyền xung điện vô hại tới bàng quang nhằm ngăn chặn các tín hiệu xấu có thể khiến cho bàng quang hoạt động quá mức.

– Kích thích dây thần kinh qua da:

Ở phương pháp này, bác sĩ sẽ đưa một cây kim nhỏ vào 1 dây thần kinh ở chân (dây thần kinh chày). Kim sẽ được kết nối với 1 thiết bị phát xung điện. Sau đó truyền điện tới dây thần kinh chày và tiếp đến là dây thần kinh xương cùng. Hầu hết người bệnh cần nhận được 12 lần điều trị để nhận được kết quả tốt nhất.

2. Trường hợp bàng quang kém hoạt động

Ở tình trạng này, bạn sẽ không thể làm rỗng bàng quang hoàn toàn. Thường bị chần chừ trước khi đi tiểu hoặc phải dùng sức để đẩy nước tiểu ra ngoài. Đôi khi nước tiểu chỉ chảy ra dưới dạng nhỏ giọt.

Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

+ Thay đổi lối sống:

Liệu pháp này cũng giống với trường hợp bàng quang hoạt động quá mức. Đây là liệu pháp đầu tiên được dùng để điều trị bệnh bàng quang thần kinh. Chúng bao gồm những thay đổi trong lối sống hằng ngày nhằm giúp kiểm soát các triệu chứng.

+ Đi về sinh theo lịch trình:

Điều này chính là bạn sẽ thiết lập 1 lịch trình đi vệ sinh hằng ngày. Có thể là đi tiểu sau mỗi 2 – 4 giờ ngay cả khi cơ thể chưa phát tín hiệu muốn đi.

+ Đi tiểu gấp đôi:

Sau khi đi tiểu bạn cần đợi 1 vài phút sau đó để thử lại nhằm làm rỗng bàng quang hiệu quả hơn.

+ Viết nhật ký bàng quang và thay đổi chế độ ăn uống:

Điều này tương tự như với trường hợp bàng quang hoạt động quá mức.

+ Thuốc men:

Một số loại thuốc kê đơn có thể được bác sĩ chỉ định nhằm cải thiện và làm rỗng bàng quang do bí tiểu. Chú ý theo dõi để nắm được những thay đổi hay bất cứ tác dụng phụ nào của các loại thuốc này.

điều trị bệnh bàng quang thần kinh
Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc để kiểm soát triệu chứng bệnh bàng quang thần kinh

– Sử dụng ống thông tiểu:

Trong nhiều trường hợp, việc dùng ống thông tiểu là cần thiết để làm rỗng bàng quang. Đây là một ống mỏng được đưa vào niệu đạo khi mà bạn cần thoát nước tiểu.

  • Đặt ống thông ngắt quãng: Tùy thuộc vào từng trường hợp mà bác sĩ có thể yêu cầu đặt ống thông ngắt quãng 3 – 4 lần/ ngày. Chỉ đặt đủ lâu để có thể làm trống bàng quang. Có thể mất vài tuần hoặc vài tháng để giúp cải thiện cách hoạt động của bàng quang. Tuy nhiên phương pháp này có thể không phù hợp với những người bị tổn thương thần kinh hay gặp phải các vấn đề sức khỏe khác.
  • Đặt ống thông liên tục: Một số người bệnh có thể được bác sĩ chèn một loại ống thông để có thể thoát nước tiểu mọi lúc.

+ Phẫu thuật:

Phẫu thuật được áp dụng cho một số bệnh nhân bị bàng quang kém hoạt động ở mức độ nghiêm trọng hơn. Các phương pháp có thể bao gồm:

  • Cơ vòng nhân tạo: Thiết bị này giúp khắc phục chứng tiểu không tự chủ nghiêm trọng khi cơ vòng thật hoạt động không chính xác. Cần phải thực hiện phẫu thuật để đặt vòng bít cơ xung quanh niệu đạo. Đồng thời đặt một máy bơm dưới da bìu hay môi âm hộ. Máy bơm được dùng để mở cơ vòng và cho phép bạn đi tiểu.
  • Phẫu thuật dẫn lưu đường tiết niệu: Với thủ thuật này, bác sĩ phẫu thuật sẽ tạo ra 1 lỗ mở gọi là lỗ thông. Nước tiểu di chuyển qua lỗ này và tới 1 túi gom.
  • Nong nang bàng quang: Một phần ruột già sẽ được cắt bỏ và gắn vào thành bàng quang. Điều này giúp làm tăng kích thước bàng quang. Đồng thời giúp nó lưu trữ được nhiều nước tiểu hơn.
  • Cắt cơ thắt: Phần yếu của cơ thắt niệu đạo sẽ bị cắt bỏ. Trong một số trường hợp, phẫu thuật cắt cơ vòng cũng sẽ được thực hiện. Lúc này toàn bộ cơ có thể bị cắt đi.

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp điều trị khác. Lựa chọn phụ thuộc vào nguyên nhân gây tổn thương dây thần kinh và triệu chứng mà bạn gặp phải.

Mục tiêu của việc điều trị là để kiểm soát tốt các triệu chứng. Đồng thời ngăn ngừa tổn thương thận. Những bệnh nhân bị bàng quang thần kinh có các triệu chứng bàng quang hoạt động quá mức sẽ có lựa chọn điều trị khác với những người gặp phải triệu chứng bàng quang kém hoạt động. Tuy nhiên bất kể nguyên nhân là gì thì điều trị đều tập trung vào vấn đề cải thiện chất lượng cuộc sống.

Tốt nhất khi gặp phải các triệu chứng của bệnh bàng quang thần kinh bạn nên chủ động tìm gặp bác sĩ. Điều trị theo chỉ dẫn là cách hiệu quả nhất giúp kiểm soát các triệu chứng. Đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống.

Tham khảo thêm: Bị viêm bàng quang nên ăn gì, kiêng gì nhanh khỏi?

Chia sẻ:
Dùng cây mã đề chữa viêm bàng quang được không?

Dùng cây mã đề chữa viêm bàng quang là bài thuốc dân gian đã được lưu truyền từ lâu đời.…

Các giai đoạn ung thư bàng quang và thông tin cần biết

Các giai đoạn của ung thư bàng quang thường có những triệu chứng, mức độ ảnh hưởng và cách điều…

Tán sỏi bàng quang là gì? Phương pháp thực hiện, chi phí

Tán sỏi bàng quang là phương pháp sử dụng tia laser tác động trực tiếp vào viên sỏi để phá…

U bàng quang: Dấu hiệu, cách chẩn đoán và điều trị

Bệnh u bàng quang thường khiến người bệnh bị tiểu tiện ra máu và nhiều dấu hiệu bất thường khác.…

Viêm bàng quang Viêm bàng quang là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị

Viêm bàng quang là một trong những bệnh lý về hệ tiết niệu phổ biến hiện nay. Bệnh không chỉ…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua