Nội soi bàng quang khi nào? Có đau không? Điều cần biết
Nội soi bàng quang là phương pháp thường được chỉ định khi bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh ở niệu quản hay bàng quang. Đôi khi, thủ thuật này còn được áp dụng trong điều trị bệnh. Trong quá trình nội soi, người bệnh có cảm giác đau nhẹ. Tuy nhiên, đừng lo lắng quá mức bởi tình trạng này sẽ nhanh chóng biến mất sau đó vài ngày.
Nội soi bàng quang là gì?
Nội soi bàng quang là thủ thuật y khoa sử dụng ống nội soi có gắn camera ở đầu để kiểm tra đường tiểu dưới. Phương pháp này được thực hiện chủ yếu nhằm mục đích điều trị các bệnh lý ở niệu đạo và bàng quang. Các hình ảnh từ camera ghi nhận được sẽ hiển thị trực tiếp trên màn hình máy tính. Điều này cho phép bác sĩ quan sát được rõ ràng toàn bộ cấu trúc bên trong đường tiểu dưới để phát hiện ra các vấn đề bất thường, chẳng hạn như sự xuất hiện của sỏi, tình trạng viêm nhiễm hay tắc nghẽn trong niệu đạo, bàng quang…
Trong quá trình nội soi, bác sĩ cũng có thể đưa dụng cụ vào lấy mẫu sinh thiết, loại bỏ các mô bị bệnh hoặc tán sỏi… Điều này có thể giúp bệnh nhân tránh được việc phải trải qua những ca phẫu thuật vừa tốn kém chi phí lại mất nhiều thời gian để phục hồi.
Trung bình, thời gian cho mỗi ca nội soi bàng quang có thể kéo dài từ 10 – 15 phút cho các trường hợp bị nhẹ. Những cũng có những trường hợp bệnh tình phức tạp hoặc nội soi được thực hiện nhằm mục đích can thiệp điều trị bệnh thì thời gian thực hiện có thể kéo dài trên 40 phút, hoặc thậm chí lên đến vài tiếng.
Khi làm nội soi bàng quang, bệnh nhân sẽ được dùng thuốc gây tê ở dạng gel để gây tê tại chỗ nên hầu hết đều có thể ra về sau khi thuốc hết hiệu lực. Điều này cũng giúp hạn chế tối đa những rủi ro cũng như tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe.
Các phương pháp nội soi bàng quang
Kỹ thuật nội soi bàng quang được chia thành hai loại chính phụ thuộc vào tính chất của ống nội soi. Bao gồm:
- Nội soi bàng quang ống cứng:
Ống nội soi được sử dụng có kích thước nhỏ, chất liệu cứng. Bên trong lòng ống được gắn nhiều thấy kính cho phép bác sĩ quan sát được không gian bên trong niệu đạo một cách bao quát. Do không gian trong ống cứng rộng hơn so với ống mềm nên bác sĩ có thể dễ dàng đưa vào một số dụng cụ cần thiết cho quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh.
Với ống nội soi cứng, nhân viên y tế cũng thuận lợi hơn trong việc kiểm soát và định hướng dụng cụ nội soi bằng một tay. Tuy nhiên, nó lại có nhược điểm là kém linh hoạt và có thể khiến bệnh nhân bị đau, khó chịu trong quá trình nội soi.
- Nội soi bàng quang ống mềm:
Ống được làm từ chất liệu mềm, có thể uốn cong dễ dàng và độ dày chỉ tương đương với đầu bút chì nên có thể điều hướng dễ dàng qua các ngóc ngách bên trong bàng quang, niệu đạo. So với phương pháp nội soi bàng quang ống cứng, sử dụng ống mềm sẽ hạn chế được cảm giác bị đau và khó chịu cho người bệnh, tư thế khi nằm soi cũng không bị gò bó.
Phương pháp nội soi bàng quang bằng ống mềm đặc biệt thích hợp cho những bệnh nhân có cấu tạo niệu đạo khác thường, chẳng hạn như cổ bàng quang cao, nam giới có thùy tuyến tiền liệt lớn. Điểm hạn chế của kỹ thuật nội soi ống mềm là khó đưa được nhiều dụng cụ can thiệp vào trong nên các vấn đề ở bàng quang có thể không được điều trị một cách triệt để.
Có thể thấy, mỗi phương pháp nội soi bàng quang đều có những ưu nhược điểm nhất định. Việc lựa chọn kỹ thuật nào sẽ được bác sĩ cân nhắc lựa chọn dựa trên tình trạng của từng cá nhân, các chẩn đoán lâm sàng cũng như mục đích nội soi.
Nội soi bàng quang khi nào?
Phương pháp nội soi bàng quang được thực hiện với mục đích chẩn đoán hoặc điều trị các bệnh lý ở đường tiết niệu, nhất là ở bàng quang. Cụ thể như sau:
Nội soi bàng quang chẩn đoán bệnh
Phương pháp nội soi bàng quang có giá trị cao trong chẩn đoán các vấn đề về sức khỏe như:
- Đái ra máu: Đây là triệu chứng thường gặp khi bị viêm bàng quang, viêm niệu đạo hoặc sỏi bàng quang… Lúc này nước tiểu thường có màu đỏ thẫm hoặc xen lẫn một vài sợi máu đỏ tươi. Cần nội soi bàng quang để xác định, chẩn đoán phân biệt bệnh. Đôi khi, bệnh nhân còn được lấy mẫu sinh thiết trong quá trình nội soi hoặc kết hợp với các phương pháp xét nghiệm khác để cho kết quả được chính xác hơn.
- Rối loạn tiểu tiện: Các trường hợp thay đổi thói quen đi tiểu, bí tiểu, tiểu khó hay tiểu buốt… đều có thể được đề nghị nội soi. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo hội chứng rối loạn đường tiểu dưới hoặc các bệnh lý khác như viêm bàng quang kẽ, sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo hay bàng quang tăng hoạt…
- U ác tính trong bàng quang, niệu đạo hay vùng chậu: Đôi khi, nội soi bàng quang có thể được thực hiện nhằm mục đích tầm soát, phát hiện sớm sự hiện diện của khối u ác tính trong đường tiết niệu hay trong vùng chậu. Trong quá trình nội soi, nếu phát hiện khối u, bệnh nhân sẽ được lấy mẫu mô sinh thiết để đem đi làm xét nghiệm.
- Hỗ trợ chụp niệu quản và bể thận: Để chụp niệu quản hay bể thận cho hình ảnh rõ ràng, bệnh nhân có thể cần nội soi nhằm bơm thuốc cản quang trực tiếp vào hai bên niệu quản trước khi chụp X-quang.
- Lấy mẫu nước tiểu trong bàng quang: Thông qua nội soi, bác sĩ có thể hút nước tiểu từ trong bàng quang để xét nghiệm, chẩn đoán các bệnh lý ở nam giới như xuất tinh ra máu hay không có tinh trùng.
- Các chẩn đoán khác: Phương pháp nội soi bàng quang cũng có thể được thực hiện để chẩn đoán một số bệnh lý khác như hẹp niệu đạo, lao niệu – sinh dục, rò rỉ ở bàng quang – âm đạo…
Nội soi bàng quang điều trị bệnh
Thay vì phải phẫu thuật, một số bệnh lý có thể được điều trị thông qua nội soi bàng quang. Bao gồm:
- Bệnh sỏi bàng quang: Bệnh nhân thường được tán sỏi bên ngoài cơ thể. Sau đó nội soi bàng quang để đưa dụng cụ vào trong lấy các mảnh sỏi ra ngoài.
- Bệnh ở tuyến tiền liệt: Phổ biến nhất là u xơ tuyến tiền liệt hay viêm tuyến tiền liệt. Nội soi cho phép bác sĩ có thể loại bỏ được các mô bị viêm hay u xơ, sau đó đưa ra ngoài.
- Polyp bàng quang, u bàng quang: Khối polyp hay các u nhỏ trong bàng quang cũng có thể được cắt bỏ bằng phương pháp nội soi.
- Tắc bàng quang hay niệu quản: Trong trường hợp này, bệnh nhân sẽ được nội soi để đặt một ống thông nhỏ vào trong bàng quang, niệu quản để dẫn nước tiểu ra ngoài.
Chống chỉ định
Thủ thuật nội soi bàng quang không được áp dụng cho những đối tượng mắc các bệnh lý sau:
- Rối loạn đông máu
- Nhiễm trùng niệu đạo cấp
- Viêm đường tiết niệu có triệu chứng sốt
- Nam giới bị viêm tinh hoàn hoặc viêm tuyến tiền liệt cấp
Những việc cần chuẩn bị trước khi nội soi bàng quang
Để quá trình nội soi bàng quang được diễn ra suôn sẻ và mang lại kết quả chính xác, bệnh nhân sẽ được bác sĩ hướng dẫn những việc cần làm trước khi nội soi liên quan đến vấn đề ăn uống hay dùng thuốc… Dưới đây là một số vấn đề người bệnh cần lưu ý:
- Bắt đầu từ khoảng 8 giờ tối ngày hôm trước, tránh ăn uống bất cứ thứ gì. Khoảng thời gian còn lại để đường ruột tiêu hóa hết các thức ăn còn lại, giúp thanh lọc toàn bộ và làm trống bàng quang, giúp hình ảnh nội soi được rõ nét hơn.
- Một số bệnh nhân có thể được kê toa thuốc kháng sinh trước khi làm nội soi. Hãy dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để phòng tránh nhiễm trùng.
- Người bệnh có thể được yêu cầu lấy mẫu nước tiểu trước lúc nội soi để so sánh, đối chiếu kết quả sau này.
- Hãy thông báo cho bác sĩ biết nếu bạn đang điều trị bằng thuốc Warfarin hay các thuốc kháng viêm giảm đau không steroid (Ibuprofen, Aspirin). Bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngưng dùng thuốc trước khi làm nội soi bàng quang một thời gian bởi chúng có thể làm sai lệch kết quả chẩn đoán.
Quy trình nội soi bàng quang
Thủ thuật nội soi bàng quang được tiến hành theo các bước sau:
- Bước 1: Người bệnh được yêu cầu thay bộ đồ dành cho bệnh nhân để thoải mái hơn trong quá trình nội soi. Sau đó nhân viên y tế tiến hành vệ sinh, sát trùng sạch sẽ bên ngoài niệu đạo cũng như khu vực xung quanh.
- Bước 2: Thoa gel gây tê bào lỗ niệu đạo. Thuốc gây tê cũng hoạt động như một chất bôi trơn giúp ống nội soi được dễ dàng đưa vào bên trong và di chuyển một cách linh hoạt mà không gây cảm giác khó chịu cho người bệnh.
- Bước 3: Đưa ống nội soi mềm hoặc (ống nội soi cứng ) vào trong niệu đạo. Sau đó bác sĩ cũng tiến hành bơm nước vô trùng vào bên trong để làm đầy bàng quang thông qua kênh phụ của ống nội soi.
- Bước 4: Di chuyển ống nội soi để quan sát được tất cả các khu vực cần thiết thông qua hình ảnh được truyền về màn hình. Lấy mẫu sinh thiết hoặc thực hiện các can thiệp y tế khác để chẩn đoán và điều trị bệnh.
- Bước 5: Nhẹ nhàng kéo ống nội soi ra ngoài. Tiến hành vệ sinh sạch sẽ lại khu vực niệu đạo cho người bệnh thêm một lần nữa.
Theo dõi, chăm sóc sau nội soi bàng quang
Kết thúc quy trình nội soi bàng quang, người bệnh cần đợi từ 4 – 6 tiếng để cơ thể hoàn toàn trở lại bình thường. Để đảm bảo an toàn, hãy nhờ người thân đưa về nhà. Tránh tự mình điều khiển phương tiện giao thông hoặc trở lại làm việc ngay sau mới nội soi.
Bên cạnh đó, cần chú ý những vấn đề sau:
- Nghỉ ngơi kết hợp uống nhiều nước nhằm kích thích đi tiểu, giúp làm sạch bàng quang
- Không sử dụng các chất kích thích sau khi nội soi
- Trong vòng 1 – 2 ngày đầu kể từ khi thực hiện thủ thuật, người bệnh không nên làm việc nặng. Trường hợp lấy mẫu sinh thiết thì cần nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn, khoảng 1 – 2 tuần.
- Kiêng quan hệ tình dục khi mới làm nội soi bàng quang
- Theo dõi cơ thể, nếu có bất kỳ triệu chứng nào bất thường xảy ra, hãy liên hệ và báo cho bác sĩ biết ngay.
Nội soi bàng quang có đau không?
Trong quá trình nội soi bàng quang, khi ống nội soi di chuyển bên trong có thể mang đến cảm giác hơi đau và khó chịu cho người bệnh. Cảm giác buồn đi tiểu cũng có thể xảy ra khi bơm nước làm đầy bàng quang. Một số bệnh nhân có thể cảm thấy đau nhói lúc lấy mẫu sinh thiết. Mặc dù vậy, bạn không nên quá lo lắng bởi việc sửu dụng gel gây tê có thể giúp giảm thiểu tối đa các vấn đề phát sinh.
Thông thường, sau khi làm nội soi, niệu đạo có thể hơi đau và nóng rát khi đi tiểu. Tình trạng này thường không nghiêm trọng và sẽ được cải thiện sau từ 1 – 2 ngày.
Các rủi ro có thể gặp phải khi nội soi bàng quang
Nội soi bàng quang được đánh giá là một thủ thuật an toàn và ít khi gây biến chứng. Tuy nhiên, một số ít bệnh nhân có thể phải đối mặt với các rủi ro như:
- Nhiễm trùng đường tiểu do dụng cụ nội soi không được tiệt trùng tốt
- Chảy máu ở khu vực lấy mẫu sinh thiết. Trường hợp này nước tiểu có thể mang tia máu hoặc chuyển sang màu hồng đỏ.
- Hạ natri máu
- Thủng bàng quang do thao tác không đúng kỹ thuật, bác sĩ nội soi có tay nghề kém.
Nội soi bàng quang giá bao nhiêu?
Chi phí nội soi bàng quang tại các cơ sở y tế có thể dao động từ 1 – 5 triệu đồng. Sở dĩ có mức chênh lệch này bởi vì có nhiều yếu chi phối đến bảng giá nội soi. Chẳng hạn như:
- Địa chỉ nội soi
- Phương pháp nội soi bằng ống mềm hay ống cứng
- Mục đích của nội soi
- Đối tượng bệnh nhân có BHYT hay không…
Bạn có thể liên hệ trực tiếp với cơ sở mình dự định tới làm nội soi bàng quang để được cung cấp thông tin chính xác về chi phí thực hiện.
Nội soi bàng quang ở đâu tốt?
Hiện nay, không chỉ bệnh viện tuyến trung ương mà nhiều cơ sở y tế tuyến quận, huyện cũng có đủ điều kiện về cơ sở vật chất cũng như nhân lực để thực hiện thủ thuật nội soi bàng quang. Trong đó, các địa chỉ được bệnh nhanh đánh giá cao tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TPHCM.
– Tại TPHCM:
- Bệnh Viện Chợ Rẫy
- Bệnh Viện Chợ Rẫy TPHCM
- Bệnh viện Thống Nhất
- Bệnh viện Nguyễn Tri Phương
- Bệnh viện Nhân Dân 115
- Bệnh viện Gia Định…
– Tại Hà Nội:
- Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức
- Bệnh viện Bạch Mai
- Bệnh viện Trung Ương Quân Đội 108
- Bệnh viện 103
- Bệnh viện Xanh Pôn…
Thông tin hữu ích cho bạn
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!