U bàng quang: Dấu hiệu, cách chẩn đoán và điều trị

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Bệnh u bàng quang thường khiến người bệnh bị tiểu tiện ra máu và nhiều dấu hiệu bất thường khác. Có hai dạng khối u hình thành trong bàng quang là lành tính và ác tính. Bệnh nhân cần được chẩn đoán phân biệt để có hướng điều trị cho đúng đắn.

U bàng quang là gì?

U bàng quang là khối u được hình thành khi có sự tăng sinh hay đột biến bất thường của các tế bào trong bàng quang. Trong số các loại u ở đường tiết niệu thì u bàng quang chiếm tỷ lệ cao nhất. Bệnh gặp ở nam nhiều hơn nữ với các triệu chứng khá nghèo nàn trong giai đoạn đầu.

U bàng quang
U bàng quang là bệnh lý thường gặp nhất trong các dạng u hình thành trên đường tiết niệu

Phân loại u bàng quang

Các dạng u bàng quang có thể gặp bao gồm:

– U bàng quang lành tính:

U bàng quang lành tính thường không gây nhiều tác hại cho sức khỏe nếu được phát hiện và cắt bỏ sớm. Các tế bào bên trong bàng quang sau khi tiếp xúc với hóa chất có biểu hiện phù nề và không còn giữ được nguyên sinh chất. 

Bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi đối tượng nhưng lứa tuổi từ 40 – 70 chiếm tỷ lệ mắc u bàng quang lành tính nhiều nhất. Trong đó, số lượng bệnh nhân nam nhiều hơn so với bệnh nhân nữ. 

U bàng quang lành tính được chia thành các thể như sau:

  • U biểu mô lành tính: Vi thể chính là lớp biểu môn có chứa 3 – 7 lớp tế bào chuyển tiếp. Vị trí nằm trên lớp màng nền.
  • Papilloma: Đây là dạng u bàng quang có cuống. Mặc dù xuất phát điểm là một u lành tính nhưng nếu để lâu nó có thể bị ác tính hóa.

– U bàng quang ác tính:

U bàng quang ác tính còn được gọi là ung thư bàng quang. Bao gồm các dạng sau:

+ Ung thư tế bào chuyển tiếp: Khối u thường có dạng phẳng, có thể tiến triển xâm lấn và dễ tái phát. Các tế bào ác tính to và không còn giữ được sự phân cực bình thường.

+ Ung thư tế bào không chuyển tiếp: Bao gồm:

  • Adenocarcinoma: Tỷ lệ mắc bệnh chiếm dưới 2% trong tổng số các trường hợp bị u bàng quang ác tính. U có thể ở dạng nhẵn hoặc chứa tuyến chất nhầy và có khả năng xâm lấn cơ. Tiên lượng sống 5 năm của bệnh nhân là dưới 40%.
  • Ung thư tế bào không biệt hóa: Loại ung thư này cũng hiếm gặp, tỷ lệ mắc bệnh chỉ dưới 2%.
  • Ung thư hỗn hợp: Đây là dạng u ác tính mang đặc điểm của cả ba dạng ung thư bàng quang gồm ung thư tuyến, ung thư không biệt hóa với ung thư tế bào chuyển tiếp.

Nguyên nhân gây u bàng quang

Bệnh u bàng quang có thể khởi phát do các nguyên nhân sau:

  • Hút thuốc lá: Thói quen hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh u bàng quang, đặc biệt là ở nam giới. Theo thống kê được thực hiện bởi Wynderr và Gold Smith, trong số bệnh nhân bị u bàng quang ác tính thì có đến 50% nam và 31% nữ thường xuyên hút thuốc lá.
hút thuốc lá gây u bàng quang
Hút thuốc lá là nguyên nhân gây u bàng quang phổ biến ở nam giới
  • Di truyền: Bạn sẽ có nguy cơ bị u bàng quang cao hơn nếu trong gia đình từng có người thân mắc căn bệnh này. Nguyên nhân xuất phát từ những thay đổi bất thường xảy ra trong quá trình sao chép ADN sang ARN, từ đó khiến cho quá trình tổng hợp protein cũng bị thay đổi.
  • Nhiễm sán: Nghiên cứu cho thấy, sự phát triển của khối u trong bàng quang có liên quan đến một loại sán máu được tìm thấy nhiều ở các nước châu Phi có tên gọi là Schistosoma. Trong khi đó, tại Ai Cập cũng có khoảng 10% các trường hợp bị viêm bàng quang do nhiễm sán máng tiến triển thành ung thư.
  • Ảnh hưởng của nghề nghiệp: Bệnh u bàng quang, đặc biệt là u bàng quang có khuynh hướng xuất hiện nhiều hơn ở những người làm việc trong môi trường chứa nhiều hóa chất. Chẳng hạn như in ấn, nhuộm, giày da hay dầu mỏ… Các hóa chất trên có thể kích thích sự phát triển của các gen ác tính và ức chế hoạt động của các gen làm nhiệm vụ ức chế tế bào ung thư trong bàng quang.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc tân dược, đặc biệt là Phenacetine có thể kích hoạt sự phát triển của khối u ác tính ở bàng quang lẫn đài bể thận.
  • Cơ địa: Các trường hợp mang kháng nguyên dạng HLA- B5 hoặc HLA- BW 35 có nguy cơ bị ung thư bàng quang cao hơn người khác.

Dấu hiệu u bàng quang

Các triệu chứng u bàng quang thường xuất hiện rõ ràng khi khối u đã phát triển to. Nó có thể xâm lấn vào sâu trong thành bàng quang dẫn đến hẹp bàng quang hoặc chèn ép vào cơ quan khác, từ đó gây ra các triệu chứng bất thường như:

  • Đi tiểu ra máu: Triệu chứng này có ở 85 – 90% các trường hợp mắc bệnh. Bệnh nhân bị đái ra máu không rõ căn nguyên. Có thể nhìn thấy máu trong nước tiểu bằng mắt thường hoặc không. Một số trường hợp đi tiểu ra máu cục.
  • Tiểu rắt, tiểu buốt hoặc có khi bị bí tiểu do khối u nằm chắn ngang đường đi của nước tiểu
  • Trường hợp bị u bàng quang ác tính có di căn, bệnh nhân còn có thể bắt gặp các dấu hiệu khác như đau xương, đau thắt lưng, mệt mỏi, sụt cân nặng nghiêm trọng,…

Cách chẩn đoán u bàng quang

Bệnh u bàng quang được chẩn đoán thông qua các dấu hiệu lâm sàng như đi tiểu ra máu không rõ nguyên nhân, có cảm giác đau tức ở vùng thắt lưng hoặc dùng tay sờ thấy khối u ở bên ngoài trong giai đoạn muộn. 

Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định một số kỹ thuật cận lâm sàng để xác định sự hiện diện của khối u, kích thước, mức độ xâm lấn vào bàng quang cũng như loại khối u. Cụ thể như sau:

Các xét nghiệm hình ảnh:

  • Siêu âm bàng quang: Qua sát qua hình ảnh siêu âm có thể thấy được khối u xuất hiện từ thành bàng quang. Những khối u có kích thước to sẽ lồi ra và lấn chiếm vào không gian trong lòng bàng quang. Khối u có cuống hoặc không cuống. Ngoài ra, siêu âm cũng cho phép bác sĩ xác định được vị trí cũng như kích thước của khối u.
siêu âm chẩn đoán u bàng quang
Siêu âm là phương pháp thường được áp dụng để chẩn đoán u bàng quang, vị trí, kích thước của khối u
  • Chụp CT- scanner ( chụp cắt lớp vi tính): Phương pháp này dùng tia X-quang quét lên bàng quang theo các lát cắt ngang. Điều này có thể giúp đánh giá được rõ hơn về kích thước, vị trí cũng như mức độ xâm lấn của khối u vào thành bàng quang. Hình ảnh ghi nhận được cũng cho phép phát hiện ra các hạch di căn ở hấu chậu hay cơ quan khác trong trường hợp bị u bàng quang ác tính.
  • Chụp MRI: Một số bệnh nhân có thể được chỉ định chụp cộng hưởng từ. Đây là phương pháp có giá trị cao trong chẩn đoán u bàng quang, đồng thời giúp phát hiện được tình trạng huyết khối trong tĩnh mạch thận hay tĩnh mạch chủ.
  • Nội soi bàng quang: Trong quá trình nội soi, bác sĩ thường lấy mẫu tế bào trong khối u để làm sinh thiết nhằm phân biệt u lành tính hay ác tính và mức độ xâm lấn của khối u.
  • Chụp PET/ CT: Nếu sinh thiết phát hiện u bàng quang ác tính, bệnh nhân có thể được chụp PET/ CT để xác định mức độ di căn.
  • Chụp X-Quang phổi thẳng nghiêng hoặc xạ hình xương: Giúp phát hiện u bàng quang ác tính di căn phổi hoặc xương.

Xét nghiệm máu

  • Kiểm tra công thức máu nhằm đo lượng hồng cầu và sự sụt giảm của lượng huyết sắc tố ở bệnh nhân bị đi tiểu ra máu nặng trong thời gian dài.
  • Xét nghiệm sinh hoá: Trường hợp bị u bàng quang ác tính sẽ thấy nồng độ canxi trong máu tăng.

Xét nghiệm nước tiểu:

  • Có tế bào hồng cầu, bạch cầu trong máu
  • Nhuộm hóa miễn dịch tế bào giúp phát hiện ra các marker ung thư

Điều trị u bàng quang

Tùy theo dạng u bàng quang mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.

Cách chữa u bàng quang lành tính

Trường hợp u còn nông, chưa xâm lấn vào trong bàng quang thì bác sĩ có thể chỉ định cắt bỏ khối u thông qua nội soi. Khi phẫu thuật cần đảm bảo loại bỏ hết cả phần chân của khối u bằng cách cắt vào tận sâu bên trong lớp cơ của bàng quang.

 Một số đối tượng do để bệnh kéo dài hoặc phát hiện chậm trễ khiến cho khối u phát triển thành ác tính. Trường hợp này cần tiến hành phẫu thuật cắt bàng quang hoặc áp dụng nhiều phương pháp khác để điều trị ung thư.

Điều trị u bàng quang ác tính

Y học hiện đang áp dụng nhiều phương pháp khác nhau để điều trị u bàng quang ác tính. Được áp dụng phổ biến nhất là ba phương pháp gồm truyền hóa chất, xạ trị hay phẫu thuật. Tùy thuộc vào giai đoạn của ung thư mà bác sĩ có thể chỉ định một hay nhiều phương pháp kết hợp.

Bơm hóa chất tại chỗ

Phương pháp này được thực hiện nhằm mục đích ngăn ngừa tái phát bệnh. Bác sĩ sẽ sử dụng bơm thẳng thuốc hóa trị vào trong bàng quang của bệnh nhân thông qua sonde. Trong 6 – 8 tuần đầu, thuốc sẽ được bơm vào 1 tuần/lần, sau đó duy trì bơm với tần suất 1 – 2 tháng/lần. 

Phẫu thuật chữa u bàng quang ác tính 

Bao gồm các loại hình phẫu thuật như sau:

  • Cắt khối u qua nội soi: Bệnh nhân được phẫu thuật nội soi khi khối u trong bàng quang còn nhỏ. Mẫu bệnh phẩm sau khi cắt ra sẽ được đem vào phòng thí nghiệm làm sinh thiết để xác định được giai đoạn bệnh và độ ác tính của tế bào. Sau đó, bác sĩ có thể chỉ định áp dụng thêm các phương pháp điều trị khác cho phù hợp.
  • Phẫu thuật cắt một phần bàng quang: Phương pháp này được thực hiện cho các trường hợp có u bàng quang ác tính đơn độc, u xâm nhiễm ở thành sau hay trên đỉnh bàng quang hoặc nằm ở túi thừa bàng quang. Trong quá trình làm phẫu thuật, người bệnh sẽ được cắt bỏ phần bàng quang chứa khối u và một số mô xung quanh. 
  • Cắt bàng quang hoàn toàn: Bệnh nhân có thể phải cắt bỏ hoàn toàn bàng quang và một số bộ phận xung quanh bàng quang, chẳng hạn như tổ chức mỡ, tuyến tiền liệt hay túi tính và niệu đạo ( ở nam giới ) hoặc tử cung, buồng trứng ( ở nữ giới).
phẫu thuật chữa u bàng quang
Bệnh nhân bị u bàng quang có thể được phẫu thuật để cắt bỏ một phần hay toàn bộ bàng quang

Xạ trị chữa ung bàng quang ác tính:

Trong trường hợp khối u ác tính xâm lấn quá sâu vào trong thành bàng quang bệnh nhân có thể được điều trị bằng tia xạ năng lượng cao. Ngoài ra, một số bệnh nhân cũng có thể được chỉ định xạ trị sau khi đã phẫu thuật cắt bàng quang nhằm mục đích tiêu diệt các mô bị bệnh còn sót lại và giảm nguy cơ tái phát ung thư.

Hóa trị toàn thân:

Đối tượng được điều trị u bàng quang ác tính bằng phương pháp truyền hóa chất toàn thân bao gồm:

  • Ung thư di căn đến các hạch bạch huyết tại chỗ hoặc ảnh hưởng đến các cơ quan ở xa
  • U ác tính xâm lấn sâu đã di căn xa. Những đối tượng này vẫn có thể được truyền hóa chất toàn thân sau khi phẫu thuật cắt bàng quang hoàn toàn hoặc đã xạ trị. 
  • Trường hợp bị ung thư bàng quang giai đoạn cuối có thời gian sống bị hạn chế nếu không được điều trị.

Bệnh nhân có thể hóa trị bằng 1 thuốc đơn độc hoặc kết hợp nhiều loại thuốc với nhau. Các phác đồ đang được áp dụng bao gồm:

  • Cisplastin
  • Methotrexate
  • Vinblastin
  • Doxorubicin kết hợp với Cisplastin
  • Methotrexate kết hợp với Vinblastine
  • Doxorubicin kết hợp với Cyclophosphamide

Điều trị u bàng quang ác tính bằng nhiều phương pháp phối hợp

Nhiều phương pháp có thể được kết hợp để điều trị cho bệnh nhân bị u bàng quang ác tính nhằm mục đích giảm nguy cơ tái phát bệnh và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. 

Bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân làm hóa trị trước hay sau ca phẫu thuật cắt bỏ bàng quang triệt để nhằm ngăn ngừa di căn. Phương pháp hóa trị cũng được phối hợp với truyền hóa chất toàn thân để nâng cao hiệu quả điều trị và giảm tái phát bệnh.

Một số bệnh nhân bị u bàng quang nông thường được cắt bỏ khối u bằng nội soi trước, sau đó bơm thuốc hóa trị vào bàng quang để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại và chống tái phát bệnh.

Có thể bạn quan tâm:

Chia sẻ:
Ung thư bàng quang nên ăn gì, kiêng gì tốt nhất?

Khi bị ung thư bàng quang, người bệnh cần được chăm sóc bằng một chế độ ăn uống hợp lý…

bị sỏi bàng quang nên ăn gì kiêng gì Bị sỏi bàng quang nên ăn gì, kiêng gì nhanh hết?

Cần nắm rõ bị sỏi bàng quang nên ăn gì, kiêng gì để chủ động điều chỉnh chế độ ăn…

Dùng cây mã đề chữa viêm bàng quang được không?

Dùng cây mã đề chữa viêm bàng quang là bài thuốc dân gian đã được lưu truyền từ lâu đời.…

Bàng quang là gì, nằm ở đâu? Cấu tạo và chức năng

Bàng quang là cơ quan có chức năng chứa nước tiểu nằm sau khớp mu và ngay dưới phúc mạc…

Bệnh viêm bàng quang mãn tính: Dấu hiệu, cách điều trị

Bệnh viêm bàng quang mãn tính có tính chất kéo dài và hay tái phát. Căn bệnh này gây ra…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua