U bàng quang ác tính là gì? Chữa được không?

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

U bàng quang ác tính (hay ung thư bàng quang) là bệnh lý xảy ra khi có sự hiện diện của các tế bào ác tính trong bàng quang. Bệnh có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm. Tùy theo kích thước và mức độ xâm lấn của khối u, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật cắt bàng quang hoặc hóa trị, xạ trị để tiêu diệt tế bào ung thư.

U bàng quang ác tính là gì?

U bàng quang ác tính là tên gọi khác của bệnh ung thư bàng quang. Căn bệnh này chỉ sự xuất hiện của một hay nhiều khối u ác tính hình thành trong bàng quang – cơ quan chịu trách nhiệm trữ nước tiểu có hình cầu nằm trong vùng xương chậu.

U bàng quang ác tính là gì
U bàng quang ác tính là một bệnh lý nguy hiểm ở bàng quang

Khối u ác tính thường được hình thành từ các tế bào nằm ở lớp lót mặt trong của bàng quang. Bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi đối tượng nhưng người lớn tuổi chiếm tỉ lệ mắc bệnh nhiều nhất. Nếu không được phát hiện từ sớm, các tế bào ác tính tiếp tục tăng sinh mạnh khiến khối u ngày càng phát triển to hơn, vượt ra khỏi bàng quang rồi xâm lấn đến hạch bạch huyết, các cơ quan ở gần và ở xa. Điều này có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh.

Nguyên nhân gây u bàng quang ác tính

Đến nay, nguyên nhân gây u bàng quang ác tính vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng. Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu tin rằng, sự hình thành của khối u có liên quan mật thiết với chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày hay tiền sử mắc bệnh trong gia đình.

Dưới đây là các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh u bàng quang ác tính:

  • Ăn nhiều chất béo: Thường xuyên sử dụng đồ béo, các món chiên xào nhiều dầu mỡ nhưng bữa ăn lại thiếu chất xơ không chỉ gây béo phì mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho khối u ác tính hình thành trong bàng quang.
  • Sử dụng thuốc tân dược bừa bãi: Lạm dụng thuốc tây một cách tùy tiện hoặc sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh kéo dài có thể khiến bạn gặp nhiều tác dụng phụ, đồng thời kích thích sự phát triển của u bàng quang ác tính. Điển hình nhất là thuốc điều trị bệnh đái tháo đường.
  • Hút thuốc lá: Đây là thủ phạm gây ra hầu hết các căn bệnh ung thư trong cơ thể, bao gồm cả u bàng quang ác tính. Ngay cả khi bạn không hút thuốc nhưng lại tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc lá cũng có nguy cơ cao bị ung thư bàng quang. Các chất độc hại có trong khói thuốc lá khi vào cơ thể sẽ gây tổn thương cho các tế bào ở lớp lót bàng quang, làm biến đổi cấu trúc ADN của tế bào và kích thích chúng phân chia hình thành nên khối u.
  • Tiền sử mắc bệnh trong gia đình: Sự hình thành của khối u ác tính trong bàng quang cũng có liên quan đến yếu tố di truyền. Theo đó thì nếu trong gia đình bạn có người thân từng bị ung thư bàng quang thì bạn cũng có nguy cơ mắc căn bệnh này cao hơn người khác. Nghiên cứu hiện đại cũng chỉ ra, những người mang gen võng mạc nang (RB1) bị khuyết tật hoặc mắc hội chứng Lynch cũng dễ bị u bàng quang ác tính.
  • Tuổi tác: Nguy cơ bị u bàng quang ác tính tăng dần theo tuổi tác. Thống kê cho thấy căn bệnh này ảnh hưởng chủ yếu đến lứa tuổi trung niên trở lên, nhất là người trên 70 tuổi.
  • Nghề nghiệp, môi trường sống: Những đối tượng thường xuyên sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm, phải tiếp xúc nhiều với các loại hóa chất như sơn, cao su, thuốc nhuộm tóc… có nguy cơ bị u ác tính trong bàng quang cao hơn những người khác.
  • Các vấn đề về sức khỏe: U bàng quang ác tính có thể phát triển ở những người bị viêm bàng quang mãn tính lâu năm. Ngoài ra, bạn cũng có thể bị ung thư bàng quang do di căn từ cơ quan khác.
  • Nhiễm trùng: Một số loại vi khuẩn và ký sinh trùng, ví dụ như Schistosomiasis khi tấn công vào bàng quang có thể gây ác tính hóa tế bào và hình thành nên khối u. Loại ký sinh trùng này phát triển mạnh mẽ ở các quốc gia như Châu Phi, Châu Á, Ai Cập hay các nước ở khu vực Trung Đông.

Triệu chứng u bàng quang ác tính

Ở giai đoạn đầu, khối u ác tính trong bàng quang mới hình thành, chưa xâm lấn sâu vào bàng quang nên chưa gây ra nhiều triệu chứng rõ ràng. Phần lớn người bệnh phát hiện ra ung thư bàng quang ở những giai đoạn tiến triển. Lúc này, người bệnh có thể nhận thấy nhiều dấu hiệu bất thường như:

  • Đau khi đi tiểu, tiểu buốt, tiểu rắt: Khối u ác tính khi có kích thước lớn sẽ lấn chiếm làm thu hẹp không gian bàng quang khiến cho việc đào thải nước tiểu ra ngoài không được thuận lợi. Người  bệnh có thể bị đau khi đi tiểu. Kèm theo đó là tình trạng tiểu buốt, đi tiểu lắt nhắt từng ít một. Cảm giác mót tiểu thường xuyên cũng có thể xảy ra do nước tiểu không được đào thải hết trong một lần hoặc do khối u chèn ép, kích thích bàng quang.
  • Trong nước tiểu có máu: Có nhiều nguyên nhân gây tiểu tiện ra máu như viêm bàng quang, sỏi bàng quang. Bạn cũng nên thận trọng với bệnh u bàng quang ác tính khi gặp triệu chứng này.
  • Đau lưng hoặc đau xương: Khối u ác tính trong bàng quang chèn ép vào dây thần kinh hoặc di căn đến xương có thể dẫn đến triệu chứng đau lưng, đau nhức trong xương. Một số trường hợp còn bị sưng chân.
triệu chứng U bàng quang ác tính
Đau lưng là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân bị u bàng quang ác tính
  • Thiếu máu: Người bị u ác tính ở bàng quang thì có biểu hiện giảm hồng cầu dẫn đến thiếu máu, cơ thể mệt mỏi, da dẻ tái xanh, hay bị choáng váng, chóng mặt.
  • Giảm cân nghiêm trọng: Nếu bị giảm nhiều cân nặng một cách đột ngột, không rõ nguyên nhân kèm theo các dấu hiệu bất thường ở trên thị bạn nên thận trọng với bệnh u bàng quang ác tính.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát nhiều lần: Người bị u ác tính bàng quang rất dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu kèm theo các cơn đau xuất hiện ở quanh thận hay vùng dưới lưng.

Những triệu chứng ở trên có thể là dấu hiệu u bàng quang ác tính hoặc cũng có thể cảnh báo các bệnh lý khác ở đường tiết niệu. Bạn nên sớm tìm đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán chính xác nguyên nhân và tích cực điều trị theo phác đồ của bác sĩ.

U bàng quang ác tính có chữa được không?

Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, khi khối u ác tính trong bàng quang còn nhỏ và chưa lây lan đến cơ quan khác thì khả năng điều trị thành công sẽ rất cao, người bệnh cũng có cơ hội sống thêm nhiều năm nữa.

Việc điều trị càng được tiến hành muộn thì cơ hội được chữa khỏi càng thấp. Đặc biệt ở giai đoạn cuối khi khối u ác tính trong bàng quang đã xâm lấn sang các cơ quan ở xa thì việc điều trị khỏi bệnh là hoàn toàn không thể. Các phương pháp chữa trị được tiến hành trong giai đoạn này chủ yếu nhằm mục đích giảm nhẹ triệu chứng và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mặc dù bệnh u bàng quang có thể được chữa khỏi nhưng khả năng tái phát cũng khá cao. Khối u có thể xuất hiện lại ở ngay vị trí cũ hoặc hình thành ở một vị trí khác. Chính vì vậy mà sau khi kết thúc đợt điều trị, bệnh nhân thường được yêu cầu tái khám định kỳ để theo dõi sức khỏe và kịp thời phát hiện nếu xảy ra tình trạng tái phát ung thư bàng quang.

Chẩn đoán u bàng quang ác tính

Nhiều phương pháp có thể được thực hiện để chẩn đoán u ác tính trong bàng quang. Ban đầu, bác sĩ sẽ tiến hành trao đổi với bệnh nhân về các triệu chứng đang gặp phải, thói quen ăn uống, sinh hoạt hoặc tiền sử mắc bệnh trong gia đình… Ngoài ra, việc thăm khám thể chất cũng được tiến hành kèm theo một số xét nghiệm cần thiết để xác định sự hiện diện của khối u ác tính trong bàng quang, kích thước khối u và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bao gồm:

  • Siêu âm bụng
  • Chụp cộng hưởng từ MRI hoặc chụp CT vùng ổ bụng và khung chậu
  • Chụp X-quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch có thuốc cản quang.
  • Chụp xạ hình xương
  • Chụp PET-CT
  • Xét nghiệm nước tiểu tìm máu và tế bào ung thư trong nước tiểu
  • Soi bàng quang kết hợp lấy mẫu làm sinh thiết

Cách điều trị u bàng quang ác tính

 Một số phương pháp được lựa chọn để điều trị cho bệnh nhân bị u bàng quang ác tính, bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị hay liệu pháp miễn dịch. Tùy theo kích thước khối u và mức độ xâm lấn của ung thư mà bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn cách chữa trị thích hợp nhất cho bệnh nhân.

1. Phẫu thuật chữa u bàng quang ác tính

Phương pháp này chủ yếu được áp dụng trong giai đoạn đầu của ung thư. Lúc này, khối u chỉ mới hình thành hoặc còn nằm trong bàng quang. 

cách điều trị U bàng quang ác tính bằng phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp được áp dụng phổ biến trong điều trị u bàng quang ác tính

Trong ca phẫu thuật, bác sĩ có thể cắt bỏ khối u và một số mô lân cận, sau đó khôi nối bàng quang lại. Trong trường hợp khối u đã lan ra phần lớn bàng quang hoặc xâm lấn vào sâu bên trong thành bàng quang và một số hạch bạch huyết xung quanh thì bộ phận này có thể bị cắt bỏ hoàn toàn.

2. Cách trị u bàng quang ác tính bằng hóa trị

Phương pháp hóa trị sử dụng các loại thuốc hóa chất theo đường uống hoặc đường truyền tĩnh mạch để tiêu diệt các tế bào ác tính trong bàng quang, làm khối u dần thu nhỏ lại. Ngoài ra, hóa trị còn được tiến hành để bổ trợ cho phẫu thuật nhằm vào các mục đích khác nhau:

  • Hóa trị trước phẫu thuật để thu nhỏ khối u ác tính, giúp bác sĩ dễ dàng cắt bỏ
  • Hóa trị sau phẫu thuật nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư chưa được loại bỏ hết trong lúc mổ.

Do có tác dụng toàn thân, bệnh nhân được chữa u bàng quang ác tính bằng phương pháp hóa trị có thể gặp một số tác dụng phụ như: Mệt mỏi, viêm loét miệng, buồn nôn, rối loạn đại tiện, rụng tóc, rối loạn về máu, mất cảm giác ăn uống ngon miệng,…

3. Điều trị u bàng quang ác tính bằng xạ trị

Xạ trị chữa u bàng quang ác tính là phương pháp sử dụng năng lượng cao tấn công trực tiếp vào khối u đê tiêu diệt các tế ác tính. Cũng như hóa trị, xạ trị có thể được tiến hành trước hoặc sau phẫu thuật nhằm đảm bảo các tế bào ung thư bị tiêu diệt hoàn toàn. Một số bệnh nhân còn được chỉ định xạ trị kết hợp hóa trị.

Điều trị u bàng quang ác tính bằng xạ trị
Xạ trị có thể được áp dụng trước hoặc sau phẫu thuật u bàng quang ác tính

4. Liệu pháp miễn dịch chữa u bàng quang ác tính

Liệu pháp miễn dịch sử dụng thuốc sinh học tác động trực tiếp lên hệ miễn dịch, giúp hệ thống phòng vệ của cơ thể tiêu diệt tế bào ung thư trong bàng quang tốt hơn.

Sau điều trị u bàng quang ác tính, bệnh nhân có thể phải đối mặt với nhiều tác dụng phụ lâu dài. Chính vì vậy, người bệnh cần được chăm sóc bằng một chế độ ăn uống hợp lý và duy trì một lối sống lành mạnh để nhanh chóng phục hồi sức khỏe.

Có thể bạn quan tâm

Chia sẻ:
Bị viêm bàng quang nên ăn gì, kiêng gì nhanh khỏi?

Bị viêm bàng quang nên ăn gì và kiêng gì để mau khỏi bệnh là thông tin rất nhiều người…

Viêm bàng quang có thai được không? Có ảnh hưởng gì?

Viêm bàng quang xảy ra khi niêm mạc bàng quang bị nhiễm trùng do vi khuẩn tấn công gây hại.…

trào ngược bàng quang niệu quản Trào ngược bàng quang niệu quản là gì? Cách điều trị

Trào ngược bàng quang niệu quản (VUR) đề cập tới tình trạng dòng nước tiểu đi ngược từ bàng quang…

Dấu hiệu sỏi thận rơi xuống bàng quang và cách xử lý

Sỏi thận rơi xuống bàng quang là nguyên nhân gây ra bệnh sỏi bàng quang thường gặp. Bệnh hình thành…

Các bài thuốc đông y điều trị bệnh viêm bàng quang

Bệnh viêm bàng quang trong dân gian có nhiều cách chữa trị, trong đó cách điều trị bằng những bài…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua