U bàng quang lành tính là gì? Thông tin cần biết
U bàng quang lành tính phát triển do sự tăng sinh bất thường của các tế bào trong bàng quang sau khi tiếp xúc với hóa chất hoặc các tác nhân gây hại khác. Do nguy cơ tiến triển thành ung thư cao, bệnh nhân thường được khuyến cáo nên nội soi cắt bỏ khối u ngay từ khi mới xuất hiện.
Bệnh u bàng quang lành tính là gì?
U bàng quang lành tính là khối u được hình thành khi có sự tăng sinh bất thường của một số tế bào trong bàng quang nhưng không gây ung thư. Không giống như u bàng quang ác tính, khối u lành tính không có khả năng xâm lấn rộng sang các khu vực khác của bàng quang hoặc di căn tới các cơ quan khác trong cơ thể.
Khi mới khởi phát, khối u lành tính có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trong bàng quang. Chúng thường ảnh hưởng đến lớp lót trong bàng quang trước tiên. Hầu hết bệnh nhân đều không cảm thấy có dấu hiệu gì bất thường khi khối u còn nhỏ. Bệnh chỉ được phát hiện khi khối u phát triển lớn hơn về mặt kích thước gây kích thích, chèn ép vào bàng quang và các cơ quan lân cận hoặc do tình cờ phát hiện khi nội soi đường tiết niệu để điều trị một vấn đề khác.
Bệnh u bàng quang lành tính có thể ảnh hưởng đến mọi đối tượng. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới thấp hơn so với nam. Lứa tuổi bị u lành tính trong bàng quang cũng tập trung ở nhóm đối tượng tuổi từ 40 – 70.
Nếu được phát hiện và có biện pháp can thiệp từ sớm, các tế bào bất thường trong bàng quang có khả năng phục hồi cao. Tuy nhiên, bệnh ngày càng kéo dài thì một số khối u lành tính có thể phát triển to hơn và khi gặp các yếu tố thuận lợi gây ung thư bàng quang, chẳng hạn như hóa chất, nhiễm ký sinh trùng… thì nguy cơ bị ác tính hóa cũng rất cao.
Trong số các dạng khối u thường gặp ở đường tiết niệu, u bàng quang lành tính chiếm tỷ lệ cao nhất. Ở nam giới, trong số các dạng u ở đường tiết niệu sinh dục thì mức độ phổ biến của căn bệnh này được xếp ở hàng thứ 2, chỉ sau bệnh ung thư tiền liệt tuyến. Mặc dù chỉ là một khối u lành tính trong bàng quang nhưng cũng có thể gây nhiều rủi ro tiềm ẩn cho sức khỏe nếu không được điều trị sớm và đúng cách.
Nguyên nhân gây u bàng quang lành tính
Nguyên nhân gây u bàng quang lành tính đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Nhiều trường hợp không tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
Ở một số bệnh nhân, các tế bào trong bàng quang bắt đầu có sự tăng sinh bất thường sau khi tiếp xúc với hóa chất độc hại. Các mô có dấu hiệu phù nề, phình to vá không còn giữ được nguyên sinh chất. Chúng phân chia nhanh chóng và tạo thành khối u lành tính trong bàng quang.
Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ bị u bàng quang lành tính như:
- Hút thuốc lá
- Nhiễm ký sinh trùng
- Phơi nhiễm tia bức xạ…
Các triệu chứng của u bàng quang lành tính
Khi mới hình thành trong bàng quang, khối u có kích thước khá nhỏ nên hầu như không gây ra dấu hiệu nào bất thường bên ngoài. Tuy nhiên, theo thời gian khối u có thể phát triển lớn hơn gây kích thích bàng quang và chèn ép vào các cơ quan khác. Từ đó gây ra một số triệu chứng như:
- Tiểu buốt
- Tiểu rắt
- Đau lưng
- Đau tức ở vùng bụng dưới rốn
- Đái máu
Các giai đoạn của u bàng quang
Bệnh u bàng quang phát triển theo các giai đoạn sau:
– Giai đoạn đầu:
- Các tế bào ở niêm mạc bàng quang bị phù nề, sưng to sau khi tiếp xúc với hóa chất độc hại khoảng vài giờ.
- Sau đó, tỷ trong nguyên sinh chất ở các mô bị mất đi.
- Nếu loại bỏ được các tác nhân độc hại kịp thời từ khả năng khôi phục ở tế bào hoàn toàn có thể xảy ra.
– Giai đoạn không phục hồi:
- Các tác nhân gây hại tiếp tục tác động lên lớp niêm mạc bàng quang
- Khu vực bị ảnh hưởng xuất hiện các ổ quá phát ở thể gai hay thể nhân.
– Giai đoạn u nhú:
- Các gai hay u nhú không được xử lý kịp thời sẽ tiếp tục phát triển
- Chúng xâm lấn đến màng đáy của bàng quang
– Giai đoạn u ác tính:
- Khối u bàng quang lành tính khi gặp các điều kiện thuận lợi như tiếp xúc với hóa chất, khói thuốc lá hay nhiễm trùng… sẽ tiến triển thành ác tính. Nó phát triển to về kích thước và ăn sâu vào thành bàng quang.
- Có thể xâm lấn đến các cơ quan kế cận hoặc đi theo máu và hạch bạch huyết di căn đến các cơ quan ở xa hơn như xương, phổi hay gan.
U bàng quang lành tính có nguy hiểm không?
Khối u bàng quang lành tính thường phát triển to hơn theo thời gian, tùy thuộc vào mức độ xâm nhiễm và khả năng miễn dịch của cơ thể. Lúc này, bệnh không chỉ gây ra nhiều triệu chứng bất thường trong hoạt động tiểu tiện mà còn bị ác tính hóa và tiến triển thành ung thư bàng quang. Nghiên cứu cho thấy, nguy cơ bị ung thư bàng quang xảy ra ở bệnh nhân có khối u lành tính từ 10 năm trở lên là rất cao.
Tùy vào mức độ xâm nhiễm cũng như sức để kháng của mỗi bệnh nhân mà bệnh u bàng quang lành tính sẽ phát triển ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân có u bàng quang lành tính chuyển thành u ác tính sau 10 năm chiếm khoảng 10%. Do vậy, bệnh nhân được khuyến cáo nên thăm khám sức khỏe định kỳ để theo dõi sự tiến triển của khối u lành tính trong bàng quang và kịp thời có phương án xử lý, điều trị trước khi chuyển hóa thành ác tính.
Chẩn đoán u bàng quang lành tính
Bên cạnh các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ có thể thực hiện một số xét nghiệm khác để chẩn đoán bệnh u bàng quang lành tính. Bao gồm:
– Siêu âm:
Siêu âm là phương pháp được áp dụng phổ biến trong chẩn đoán bệnh u bàng quang lành tính. Hình ảnh được ghi nhận sẽ truyền tải về màn hình cho phép bác sĩ thấy được sự hiện diện của một hay nhiều khối u trong bàng quang cũng như những tổn thương cùng thay đổi bất thường trong lòng bàng quang, thành bàng quang. Tuy nhiên, siêu âm u bàng quang không thể giúp chẩn đoán phân biệt được khối u là lành tính hay ác tính.
Siêu âm cũng cho thấy được hình thành ở thận, bể thận và một số cơ quan khác như niệu đạo, tuyến tiền liệt để có sự chẩn đoán chính xác về nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải.
– Nội soi bàng quang:
Đây là một xét nghiệm quan trọng được chỉ định cho hầu hết các trường hợp bị nghi ngờ bị u bàng quang, nhất là khi có triệu chứng đái máu. Bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ ( nếu là nam giới ) và tiến hành nội soi để quan sát được khối u và tổn thương viêm đỏ trong bàng quang.
Nội soi bàng quang cũng giúp xác định được vị trí, hình thái, số lượng cũng như kích thước của các khối u trong bàng quang. Trong quá trình thực hiện, bác sĩ cũng tiến hành lấy mẫu tế bào để làm sinh thiết giúp xác định chính xác người bệnh mắc u bàng quang lành tính hay bị ung thư bàng quang.
– Xét nghiệm nước tiểu:
Kiểm tra nước tiểu có thể thấy được sự hiện diện của các tế bào hồng cầu, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng hay các tế bào ung thư.
– Sinh thiết:
Xét nghiệm này được thực hiện thông qua nội soi. Do cần lấy tổ chức u sâu dưới lớp cơ nên người bệnh có thể được gây tê toàn thân hay gây tê tại chỗ trước khi nội soi lấy mẫu sinh thiết.
Cách điều trị u bàng quang lành tính
Bệnh u bàng quang lành tính có thể được điều trị dứt điểm. Do có nguy cơ tiến triển thành ung thư cao, bệnh nhân được khuyến cáo nên cắt bỏ khối u từ sớm.
Khi khối u còn nhỏ, chưa xâm lấn vào sâu bên trong thành bàng quang, người bệnh sẽ được cắt bỏ khối u thông qua nội soi. Đây là một thủ thuật đơn giản, không phức tạp, không xâm lấn đến các cơ quan khác nên người bệnh có thể sớm phục hồi sức khỏe mà không phải nằm viện lâu.
Đối với các trường hợp có khối u lớn, không thể lấy được ra ngoài qua nội soi thì phương pháp mổ hở có thể được chỉ định. Trong ca phẫu thuật, bác sĩ thường cắt sâu vào trong lớp cơ của bàng quang nhằm đảm bảo chân khối u được loại bỏ hoàn toàn.
Khối u được cắt bỏ sau đó sẽ được mang đến phòng thí nghiệm để làm sinh thiết tầm soát ung thư. Nếu u bàng quang lành tính đã phát triển thành ác tính thì bệnh nhân sẽ được tiếp tục điều trị bằng hóa chất hoặc xạ trị sau phẫu thuật.
Bị u bàng quang lành tính khám chữa ở đâu tốt?
Hiện nay, hầu hết các bệnh viện đều tiếp nhận khám chữa u bàng quang lành tính. Bạn có thể tìm đến chuyên khoa tiết niệu để được thăm khám, chẩn đoán bệnh khi có các triệu chứng nghi ngờ như đái buốt, đái rắt, bí tiểu, tiểu ra máu hoặc đau thắt lưng…
Để được chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả, bạn nên ưu tiên tìm đến các cơ sở y tế có đầy đủ máy móc thiết bị và đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm. Dưới đây là một số địa chỉ bạn có thể cân nhắc tới khám chữa bệnh u bàng quang lành tính:
- Bệnh viện tuyến quận, huyện nơi đăng ký bảo hiểm y tế
- Các cơ sở y tế tuyến trung ương: Đây là địa chỉ được nhiều bệnh nhân tin tưởng tìm đến do có quy mô lớn, trang thiết bị y tế hiện đại và bác sĩ giỏi. Tuy nhiên, bạn cần xin giấy chuyển viện ở tuyến dưới để được hưởng đầy đủ quyền lợi bảo hiểm y tế chi trả.
- Các bệnh viện chuyên về ung bướu
- Các phòng khám tư nhân uy tín cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh đường tiết niệu
Cách phòng ngừa u bàng quang lành tính
Bệnh u bàng quang lành tính có thể điều trị khỏi nhưng rất dễ tái phát. Để ngăn chặn sự phát triển của khối u thì việc loại bỏ các yếu tố nguy cơ là điều cần thiết.
Dưới đây là một số giải pháp đơn giản bạn có thể áp dụng để phòng ngừa bệnh ung thư bàng quang:
- Tránh hút thuốc lá, bao gồm cả hút thuốc chủ động lẫn thụ động
- Không lạm dụng rượu bia
- Bổ sung đầy đủ chất lỏng cho cơ thể mỗi ngày để đào thải độc tố, vi khuẩn cùng các chất cặn bã cho bàng quang.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp hoặc phơi nhiễm hóa chất độc hại. Cân nhắc đổi môi trường sống và làm việc nếu cần thiết để bảo vệ sức khỏe của bạn.
- Ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi để nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể. Điều này có thể giúp giảm nguy cơ bị viêm bàng quang, u bàng quang lành tính hay các bệnh lý khác ở bàng quang.
- Khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện và điều trị bệnh u bàng quang lành tính nếu không may mắc phải.
Có thể bạn quan tâm:
- Các giai đoạn ung thư bàng quang và thông tin cần biết
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!