Các giai đoạn ung thư bàng quang và thông tin cần biết
Các giai đoạn của ung thư bàng quang thường có những triệu chứng, mức độ ảnh hưởng và cách điều trị khác nhau. Càng được phát hiện ở giai đoạn sớm thì cơ hội chữa khỏi bệnh càng cao.
Tìm hiểu về bệnh ung thư bàng quang
Ung thư bàng quang là bệnh lý được chẩn đoán khi có sự xuất hiện của các tế bào tăng trưởng bất thường trong bàng quang – bộ phận chứa nước tiểu do thận lọc ra. Các tế bào ác tính thường bắt đầu tấn công từ lớp lót sau đó hình thành khối u xâm lấn vào sâu bên trong thành bàng quang và có thể di căn sang các cơ quan khác. Mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào giai đoạn ung thư bàng quang.
Khi mắc căn bệnh này, bạn có thể gặp các dấu hiệu như:
- Đi tiểu ra máu, nước tiểu có màu đỏ tươi, màu nâu hoặc sậm màu hơn bình thường
- Mót tiểu liên tục, đôi khi mót nhưng không đi được
- Đi tiểu thấy đau buốt hoặc tiểu lắt nhắt
- Mệt mỏi
- Cơ thể gầy yếu
- Chán ăn
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào gặp phải triệu chứng trên cũng do bị ung thư bàng quang. Đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo sự xuất hiện của một khối u lành tính trong bàng quang hoặc các bệnh lý khác như nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi bàng quang… Do vậy mà chúng dễ dàng bị nhầm lẫn và nếu không đi bệnh viện khám sớm, bạn có thể bỏ lỡ mất giai đoạn vàng trong việc chẩn đoán và điều trị ung thư bàng quang khi bệnh còn ở mức độ nhẹ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư bàng quang như hút thuốc lá, tiếp xúc nhiều với tia phóng xạ, hóa chất hoặc do bị nhiễm ký sinh trùng… Bất cứ đối tượng nào cũng có thể mắc căn bệnh này. Càng được chữa trị ở giai đoạn sớm thì càng có hy vọng khỏi bệnh. Do vậy, việc nắm rõ đặc điểm của các giai đoạn ung thư bàng quang sẽ giúp bạn nhanh chóng phát hiện ra căn bệnh này ngay từ khi bệnh mới khởi phát.
Các giai đoạn ung thư bàng quang
Tính từ khi mới bắt đầu khởi phát, bệnh ung thư bàng quang được chia thành 5 giai đoạn phát triển. Mỗi giai đoạn bệnh sẽ có những đặc điểm và phương pháp điều trị riêng.
1. Ung thư bàng quang giai đoạn 0
Ở giai đoạn này, bệnh còn được gọi là ung thư bàng quang giai đoạn đầu. Do mới khởi phát nên hầu như chưa gây ra bất kỳ dấu hiệu nào bên ngoài cơ thể. Chính vì vậy, rất ít trường hợp có thể phát hiện ra bệnh ngay từ giai đoạn này.
Đặc điểm của ung thư bàng quang giai đoạn O:
- Một số tế bào ung thư chỉ mới xuất hiện ở lớp lót hay bề mặt thành bàng quang
- Kích thước khối u rất nhỏ
- Ung thư chưa xâm lấn vào cơ, các mô liên kết hay hạch bạch huyết lân cận bàng quang
Phương pháp điều trị:
Phẫu thuật cắt bỏ khối u là phương pháp được áp dụng phổ biến trong điều trị ung thư bàng quang giai đoạn đầu. Hầu hết bệnh nhân đều được mổ nội soi bởi phương pháp này ít gây chảy máu và có tính an toàn cao, thời gian phẫu thuật nhanh.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ cắt bỏ khối u và một số mô bên cạnh nhằm đảm bảo các tế bào ung thư được loại bỏ hoàn toàn. Sau phẫu thuật, người bệnh được hẹn tái khám định kỳ trong vòng vài năm để theo dõi kết quả và kịp thời phát hiện nếu ung thư bàng quang tái phát.
Ở giai đoạn đầu, tỷ lệ được chữa khỏi ung thư bàng quang có thể lên đến 98%. Bệnh nhân có thể giữ được bàng quang để duy trì chức năng hoạt động bình thường của hệ tiết niệu. Tuy nhiên, tỷ lệ tái phát bệnh vẫn ở mức cao.
2. Ung thư bàng quang giai đoạn I
Bước vào giai đoạn I, bệnh ung thư bàng quang bắt đầu tiến triển mạnh hơn. Một số dấu hiệu có thể xuất hiện nhưng khá mờ nhạt và thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường ở đường tiết niệu.
Đặc điểm của ung thư bàng quang giai đoạn I:
- Các tế bào ung thư cũng chỉ tiến triển trong phạm vi bề mặt trong của bàng quang nhưng có kích thước lớn hơn
- Các mô liên kết dưới lớp lót của bàng quang có thể bị ảnh hưởng
- Thành bàng quang, hạch bạch huyết và các cơ quan ở gần chưa bị ảnh hưởng.
Phương pháp điều trị:
Nếu được điều trị ở giai đoạn này, khoảng 88% bệnh nhân có thể sống trên 5 năm. Các phương pháp chữa bệnh ung thư bàng quang giai đoạn I bao gồm:
- Phẫu thuật cắt bỏ khối u và một phần bàng quang
- Hóa trị tại chỗ tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật
- Nếu có nhiều khối u hoặc khối u kích thước lớn mà bệnh nhân không đủ điều kiện sức khỏe để làm phẫu thuật thì xạ trị có thể là sự lựa chọn tiếp theo. Phương pháp này thường được kết hợp với hóa trị để triệt tiêu hoàn toàn khối u, mang lại hiệu quả tốt hơn.
3. Ung thư bàng quang giai đoạn II
Đây cũng là một trong các giai đoạn của ung thư bàng quang. Thời điểm này, một số triệu chứng bắt đầu xuất hiện rõ ràng nên nếu quan tâm đến sức khỏe của mình và đi khám thì bệnh nhân có thể phát hiện có khối u trong bàng quang thông qua siêu âm hay nội soi.
Đặc điểm của ung thư bàng quang giai đoạn II:
- Các tế bào ác tính đã xâm lấn vào sâu trong thành bàng quang
- Hệ thống hạch bạch huyết và các mô quanh bàng quang chưa bị ảnh hưởng
Phương pháp điều trị:
Tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư bàng quang giai đoạn II được chữa khỏi chiếm khoảng 63%. Phẫu thuật cắt bỏ khối u vẫn là sự lựa chọn chính được áp dụng trong giai đoạn này. Bệnh nhân thường được cắt bỏ một phần bàng quang chứa khối u hoặc cắt toàn bộ cơ quan này. Đôi khi, một số hạch bạch huyết nằm gần bàng quang cũng sẽ được cắt bỏ để giảm thiểu nguy cơ tái phát bệnh.
Xạ trị hoặc hóa trị có thể được thực hiện sau phẫu thuật nếu vẫn còn tìm thấy tế bào ung thư. Nếu một phần bàng quang vẫn còn được giữ lại, bệnh nhân cần tiến hành tái khám và làm sinh thiết định kỳ để tầm soát ung thư bàng quang tái phát.
4. Ung thư bàng quang giai đoạn III
Ung thư bàng quang giai đoạn III được xem là mức độ nặng của bệnh với nhiều triệu chứng bất thường xuất hiện một cách rầm rộ.
Đặc điểm ung thư bàng quang giai đoạn III:
- Khối u ác tính đã xâm lấn qua thành bàng quang và tấn công vào các mô xung quanh
- Ung thư đã di căn đến hạch bạch huyết lân cận và các cơ quan ở gần như tuyến tiền liệt nam, cổ tử cung hay âm đạo nữ.
- Các hạch bạch huyết ở vùng chậu có thể bị ảnh hưởng nhưng ung thư chưa xâm lấn đến các cơ quan ở xa.
- Ở giai đoạn này, các tế bào ung thư đã phát triển qua thành bàng quang vào các mô xung quanh. Nếu là bệnh nhân nam, khối u có thể lan đến tuyến tiền liệt, ở nữ có thể là cổ tử cung hoặc âm đạo. Trường hợp khác, tế bào ung thư có thể lan đến hạch bạch huyết vùng chậu nhưng vẫn chưa di căn đến các cơ quan ở xa.
Phương pháp điều trị:
Bệnh nhân bị ung thư bàng quang giai đoạn III có thể được đề nghị phẫu thuật cắt bỏ khối u qua niệu đạo hoặc phẫu thuật triệt căn cắt bỏ toàn bộ bàng quang và các hạch bạch huyết bị ảnh hưởng. Sau đó tiến hành hóa trị để tiêu diệt các tế bào ung thư còn tồn tại.
Nếu không đủ điều kiện sức khỏe để phẫu thuật, một số phương pháp khác được thực hiện để thay thế như: Hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch. Đôi khi, nhiều phương pháp có thể được kết hợp với nhau để tăng hiệu quả điều trị.
5. Ung thư bàng quang giai đoạn IV
Trong số các giai đoạn ung thư bàng quang thì giai đoạn 4 là nặng nhất. Ở mức độ này, bệnh còn có tên gọi khác là ung thư bàng quang giai đoạn cuối.
Đặc điểm:
- Các tế bào ung thư không chỉ ảnh hưởng đến hạch bạch huyết mà còn di căn đến nhiều cơ quan ở gần và ở xa bàng quang, chẳng hạn như phổi, xương hay thậm chí là não bộ.
- Bệnh nhân bị đau nhiều
- Khối u có kích thước to gây tắc nghẽn vào bàng quang hoặc chèn ép đến các cơ quan lân cận gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng.
Phương pháp điều trị:
Ở giai đoạn cuối, phẫu thuật có thể được đề nghị để cắt bỏ bàng quang và khối u ở các cơ quan lân cận. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ giúp giảm nhẹ triệu chứng bệnh chứ không thể loại bỏ được hoàn toàn tế bào ung thư trong cơ thể. Sau phẫu thuật, người bệnh có thể tiếp tục được truyền hóa chất hoặc xạ trị.
Các phương pháp chăm sóc giảm nhẹ cũng được tiến hành đồng thời để giảm thiểu đau đớn, nâng cao chất lượng sống và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Tiên lượng sống cho bệnh nhân bị ung thư bàng quang giai đoạn cuối khá thấp, chỉ khoảng 15%.
Cần làm gì khi phát hiện ung thư bàng quang?
Bị ung thư bàng quang hay bất kỳ căn bệnh ung thư nào khác là điều bất cứ ai cũng không mong muốn và thậm chí là rất khó để chấp nhận. Tuy nhiên, nếu phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm thì cơ hội được chữa khỏi vẫn rất cao. Bạn không nên bỏ qua bất kỳ dấu hiệu nào có liên quan đến ung thư. Nếu nghi ngờ mắc bệnh, hãy đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán chính xác bệnh và giai đoạn ung thư bàng quang nhằm có hướng điều trị kịp thời, đúng đắn.
Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích cho bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư bàng quang:
- Tìm hiểu thông tin về bệnh và trò chuyện với bác sĩ để hiểu rõ hơn về bệnh ung thư bàng quang
- Tích cực điều trị ung thư theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa
- Giữ vững tinh thần lạc quan, luôn vui vẻ, yêu đời và tin tưởng vào bác sĩ. Việc lo lắng quá mức có thể khiến khả năng miễn dịch suy giảm và tạo điều kiện cho các tế bào ung thư phát triển mạnh hơn.
- Hãy chia sẻ về tình trạng sức khỏe với người thân cũng như những người đồng cảnh ngộ để giảm gánh nặng về mặt tâm lý.
- Yêu quý và trân trọng bản thân mình nhiều hơn để có ý chí chiến đấu với bệnh tật tốt hơn. Dành thời gian làm những công việc mình yêu thích và gặp gỡ bạn bè để quên đi nỗi lo lắng về bệnh tật và có thái độ sống tích cực hơn.
- Duy trì lối sống lành mạnh, có chế độ dinh dưỡng, tập luyện khoa học để cải thiện thể trạng, giúp chiến đấu với bệnh ung thư bàng quang tốt hơn.
Có thể bạn chưa biết
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!