Bị ung thư bàng quang sống được bao lâu?
Bệnh ung thư bàng quang nếu được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm thì khả năng chữa khỏi rất cao. Mặc dù vậy, vấn đề người bị ung thư bàng quang sống được bao lâu còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác như tuổi tác, tình trạng sức khỏe, phương pháp điều trị và giai đoạn bệnh.
Thông tin chung về bệnh ung thư bàng quang
Ung thư bàng quang là căn bệnh khởi phát từ sự xuất hiện của các tế bào ác tính ở lớp lót trong của bàng quang, cơ quan có chức năng lưu trữ nước tiểu sau khi lọc qua cầu thận. Căn bệnh này chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn tuổi, số lượng bệnh nhân tuổi dưới 40 chiếm tỷ lệ khá ít.
Ngoài ra, những người da trắng, người mắc bệnh viêm bàng quang mãn tính, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu hoặc trong gia đình có tiền sử bị ung thư cũng có nguy cơ cao mắc ung thư bàng quang.
Thống kê trên toàn cầu cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân bị ung thư bàng quang chiếm khoảng 3% trong tổng số các ca mắc ung thư. Tại Hoa Kỳ, số lượng bệnh nhân mắc ung thư bàng quang ở độ tuổi 85 trở lên cao hơn gấp 10 lần so với người trẻ tuổi. Bệnh phổ biến hơn ở nam giới, tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 3 lần phụ nữ và đứng hàng thứ 4 trong số các bệnh lý ung thư xảy ra ở đàn ông.
Theo một báo cáo được tổ chức Globocan thực hiện vào năm 2018, có 549.000 mắc ung thư bàng quang trên toàn thế giới và trong đó số ca tử vong lên đến 199.900 người tử vong. Ở nước ta, trung bình mỗi năm đều phát hiện thêm khoảng 2000 ca mắc ung thư bàng quang mới.
Khi bị ung thư bàng quang, người bệnh có thể nhận thấy các dấu hiệu bất thường sau:
- Đi tiểu ra máu khiến cho nước tiểu có màu đỏ tươi hoặc màu tương tự như nước ngọt Coca. Một số trường hợp nước tiểu có màu vàng sậm hoặc có máu rò rỉ trong nước tiểu nhưng số lượng khá ít, không làm màu sắc nước tiểu thay đổi nhưng lại phát hiện tế bào hồng cầu khi soi dưới kính hiển vi.
- Đi tiểu rắt, tiểu lắt nhắt, thường xuyên mót tiểu và có cảm giác vẫn còn sót nước tiểu sau khi vừa đi xong.
- Đau buốt khi đi tiểu
- Nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát nhiều lần
- Đau hông lưng hoặc đau vùng bụng dưới.
Căn cứ vào vị trí khởi phát của ung thư bàng quang mà căn bệnh này được chia thành nhiều loại như sau:
- Ung thư tế bào biểu mô chuyển tiếp: Bệnh ảnh hưởng đến các tế bào nằm ở lớp lót mặt trong bàng quang. Bình thường, các tế bào chuyển tiếp này có khả năng co giãn tùy theo độ đầy của nước tiểu lưu trữ trong bàng quang. So với các dạng ung thư bàng quang khác, ung thư tế bào biểu mô chuyển tiếp có mức độ phổ biến hơn.
- Ung thư biểu mô tế bào vảy: Dạng ung thư này ít gặp hơn. Các tế bào vảy trong bàng quang giữ chức năng chống lại các kích thích và tình trạng nhiễm trùng. Chúng có thể biến đổi thành ác tính theo thời gian, nhất là khi bệnh nhân bị nhiễm trùng bàng quang tái phát nhiều lần.
- Carcinom tế bào tuyến (Adenocarcinoma): Dạng ung thư này xảy ra khi các tế bào tạo ra chất nhầy và dịch tiết trong bàng quang bị ác tính hóa. Carcinom tế bào tuyến là một loại hiếm gặp.
Đa số các trường hợp bị ung thư bàng quang được chẩn đoán ngay từ giai đoạn sớm khi mà căn bệnh này còn chữa khỏi được. Mặc dù vậy, khả năng tái phát bệnh trong tương lai cũng rất cao. Chính vì vậy, những bệnh nhân may mắn sống sót sau điều trị thường được đề nghị đến bệnh viện kiểm tra thường xuyên để sớm phát hiện tình trạng tái phát ung thư trong nhiều năm sau đó.
Thông thường, khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc ung thư bàng quang, bác sĩ có thể đề nghị bạn làm nội soi. Kỹ thuật này có thể giúp phát hiện ra sự hiện diện của khối u, kích thích khối u trong bàng quang. Trong quá trình nội soi bàng quang, bác sĩ cũng tiến hành lấy mẫu mô để làm sinh thiết, kết hợp cùng với xét nghiệm nước tiểu và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác để xác định loại ung thư, giai đoạn ung thư, từ đó xây dựng phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.
Càng được phát hiện ở giai đoạn sớm thì cơ hội được chữa khỏi ung thư bàng quang và tiên lượng sống của bệnh nhân càng cao. Chính vì vậy, bệnh nhân không nên bỏ qua bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến căn bệnh này. Nếu nghi ngờ mắc ung thư, hãy tìm đến các bệnh viện chuyên khoa ung bướu thăm khám để được chẩn đoán bệnh từ sớm, tránh bỏ lỡ giai đoạn vàng trong điều trị ung thư bàng quang.
Người bị ung thư bàng quang sống được bao lâu?
Đây chính là thắc mắc chung của nhiều bệnh nhân cũng như người nhà của họ. Chúng ta rất khó để đưa ra được một câu trả lời chính xác cho vấn đề người bị ung thư bàng quang sống được bao lâu. Trên thực tế, thời gian sống của người bệnh còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như:
- Tuổi tác của người bệnh: Những người trẻ tuổi thường có khả năng phục hồi sức khỏe và có sức chống đỡ với ung thư tốt hơn so với người già.
- Giới tính của người bệnh
- Tình trạng sức khỏe chung của mỗi bệnh nhân
- Sức khỏe tinh thần, ý chí chiến đấu với bệnh tật và khát vọng sống của người bệnh
- Điều kiện sống, cách chăm sóc hàng ngày
- Phương pháp điều trị ung thư bàng quang và khả năng đáp ứng với điều trị
Ngoài ra, để giải đáp thắc mắc bị ung thư bàng quang sống được bao lâu chúng ta cũng cần phải căn cứ vào giai đoạn bệnh. Đi từ nhẹ đến nặng, căn bệnh này được chia thành 5 giai đoạn phát triển được đánh số thứ tự lần lượt là 0, I, II, III, IV. Mức độ bệnh tại thời điểm tiến hành điều trị là một trong những yếu tố quyết định đến thời gian sống của bệnh nhân bị ung thư bàng quang. Càng được phát hiện và chữa trị ở giai đoạn sớm thì tiên lượng sống trên 5 năm của bệnh nhân càng cao
Ung thư bàng quang giai đoạn 0 sống được bao lâu?
Giai đoạn 0 là mức độ nhẹ nhất của ung thư bàng quang. Lúc này, một số tế bào ác tính mới hình thành ở lớp lót trong bàng quang, chưa xâm lấn vào hệ thống mô cơ và các hạch bạch huyết lân cận, kích thước khối u cũng khá nhỏ. Bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ các mô bị bệnh bằng phương pháp nội soi.
Nếu được phát hiện và điều trị ngay từ giai đoạn 0, cơ hội được chữa khỏi ung thư bàng quang khá cao. Tiên lượng sống trên 5 năm của bệnh nhân lên đến 98%. Sau khi khối u được cắt bỏ, chức năng của bàng quang vẫn được duy trì bình thường. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần được theo dõi sức khỏe thường xuyên để đề phòng bệnh ung thư bàng quang tái phát.
Tiên lượng sống của bệnh nhân bị ung thư bàng quang giai đoạn I
Ở giai đoạn I, người bị ung thư bàng quang sống được bao lâu? Đây là một giai đoạn sớm của bệnh ung thư bàng quang nên hy vọng được trị khỏi bệnh cũng khá cao. Lúc này, ung thư mới bắt đầu tiến triển nên các triệu chứng còn khá mờ nhạt. Các tế bào ung thư chỉ ảnh hưởng đến bề mặt trong của bàng quang hoặc các mô liên kết dưới lớp lót mà chưa xâm lấn ra khỏi thành bàng quang.
Để điều trị ung thư bàng quang giai đoạn I, hầu hết bệnh nhân đều được chỉ định cắt bỏ khối u và một phần bàng quang. Hóa trị có thể được đề nghị sau phẫu thuật nhằm tiêu diệt các mô bệnh còn sót lại. Tỷ lệ sống trên 5 năm của bệnh nhân bị ung thư bàng quang giai đoạn I lên đến 88%.
Bị ung thư bàng quang giai đoạn II và III sống được bao lâu?
Bước sang giai đoạn II và III, bệnh ung thư bàng quang tiến triển khá mạnh. Các tế bào ung thư bắt đầu xâm lấn vào sâu bên trong thành bàng quang và có thể di căn đến hạch bạch huyết cũng như một số cơ quan ở vùng chậu. Phương pháp phẫu thuật vẫn đóng vai trò chủ đạo trong các giai đoạn này. Một số trường hợp có thể được bác sĩ đề nghị chữa ung thư bàng quang giai đoạn II và III bằng các phương pháp khác như hóa trị, xạ trị hay liệu pháp miễn dịch.
Tiên lượng sống trên 5 năm của người bị ung thư bàng quang giai đoạn II, III giảm xuống chỉ còn khoảng 35%. Mặc dù con số này khá thấp nhưng người bệnh không nên bi quan quá mức. Hãy tích cực phối hợp, tin tưởng vào bác sĩ điều trị để nâng cao cơ hội sống cho bản thân.
Thời gian sống của người bị ung thư bàng quang giai đoạn IV
Ở giai đoạn IV, căn bệnh này còn có tên gọi là ung thư bàng quang giai đoạn cuối, mức độ nặng nhất của bệnh. Phạm vi xâm lấn của khối u ác tính không chỉ giới hạn trong bàng quang mà các tế bào ung thư còn được tìm thấy ở các cơ quan xa, chẳng hạn như xương, gan, phổi hay não bộ. Bệnh nhân bị đau nhiều và phải đối mặt với vô số các triệu chứng nghiêm trọng do khối u chèn ép vào vào bàng quang và các bộ phận lân cận.
Bệnh nhân bị ung thư bàng quang thường được đề nghị làm phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ bàng quang và các khối u di căn. Trong trường hợp không thể mổ thì các phương pháp xạ trị và hóa trị có thể được áp dụng. Mặc dù vậy, việc điều trị ung thư bàng quang trong giai đoạn cuối thường chỉ giúp giảm nhẹ đau đớn, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh chứ không thể chữa khỏi ung thư. Tiên lượng sống trên 5 năm của bệnh nhân chỉ còn khoảng 15%.
Làm thế nào để kéo dài thời gian sống cho người bị ung thư bàng quang?
Việc nhận thức được vấn đề bị ung thư bàng quang sống được bao lâu có lẽ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của rất nhiều bệnh nhân, đặc biệt là các trường hợp mắc ung thư ở giai đoạn muộn. Tuy nhiên, tiên lượng sống của bệnh nhân chỉ là con số ước lượng. Người bệnh không nên lo lắng, bi quan quá mức khiến cho sức khỏe suy sụp và bệnh tình ngày càng trở nặng. Việc chăm sóc đúng cách và duy trì thái độ lạc quan, tích cực sẽ giúp cơ thể chống lại bệnh tật tốt hơn.
Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích giúp người bệnh kéo dài thời gian sống khi mắc ung thư bàng quang:
- Điều trị sớm và tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ
- Uống nhiều nước, ít nhất là 2 lít mỗi ngày để cải thiện các triệu chứng bất thường ở đường tiết niệu, ngăn ngừa tắc nghẽn và hỗ trợ đào thải độc tố cũng các chất cặn bã ra khỏi cơ thể.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, giúp cơ thể phục hồi sức khỏe nhanh hơn sau khi phẫu thuật, hóa trị hay xạ trị. Chia nhỏ 3 bữa chính thành nhiều bữa ăn trong ngày và sử dụng nguồn thực phẩm đa dạng đối với các trường hợp có biểu hiện chán ăn, buồn nôn, ói mửa, ăn uống lâu tiêu. Kiêng uống bia rượu và hạn chế sử dụng đồ ngọt cũng như các thức ăn nhiều dầu mỡ trong khẩu phần ăn.
- Giữ cho tinh thần luôn thoải mái. Giải tỏa lo lắng, căng thẳng bằng cách tâm sự với người thân, bạn bè, nghe nhạc, làm việc bản thân yêu thích hoặc tham gia các hoạt động cộng đồng để quên đi nỗi đau về bệnh tật.
- Siêng năng rèn luyện thể chất, tập thể dục mỗi ngày để nâng cao sức khỏe và cải thiện tâm trạng.
Có thể bạn quan tâm:
- Các giai đoạn ung thư bàng quang và thông tin cần biết
- Ung thư bàng quang nên ăn gì, kiêng gì tốt nhất?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!