Viêm bàng quang cấp là gì? Có nguy hiểm không?

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Viêm bàng quang cấp là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ. Khi không được điều trị kịp thời, bệnh có khuynh hướng tái đi tái lại rồi tiến triển thành mãn tính, đồng thời đem đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Sử dụng phác đồ kháng sinh là phương pháp đang được áp dụng để điều trị viêm bàng quang cấp cho hầu hết các trường hợp mắc bệnh.

Viêm bàng quang cấp là gì?

Bệnh viêm bàng quang cấp là hiện tượng nhiễm khuẩn, sưng viêm ở bàng quang có tính chất đột ngột và diễn ra trong thời gian ngắn. Điểm đặc trưng của bệnh là tình trạng tiểu buốt, trong nước tiểu có thể lẫn máu hoặc mủ ở cuối bãi.

Viêm bàng quang cấp là gì
Viêm bàng quang cấp là tình trạng nhiễm trùng, tổn thương cấp tính trong bàng quang do vi khuẩn gây ra

Ở nữ giới, do có cấu tạo niệu đạo ngắn nên có tỷ lệ bị viêm bàng quang cấp tính cao hơn hẳn so với nam giới. Cứ 10 bệnh nhân thì có đến 9 trường hợp mắc bệnh là nữ giới. Căn bệnh này nếu để kéo dài và tái phát thường xuyên sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng mãn tính ở bàng quang, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người bệnh.

Nguyên nhân gây viêm bàng quang cấp

Tình trạng nhiễm trùng cấp tính trong bàng quang là do vi khuẩn gây ra. Khoảng 90% ca mắc bệnh do nhiễm vi khuẩn gram (-), số còn lại là do vi khuẩn gram (+) gây ra. Phổ biến nhất là các chủng vi khuẩn như Escherichia coli, Proteus mirabilis, Klebsiella, Staphylococcus saprophyticus hay Staphylococcus aureus.

Ngoài ra, một số yếu tố thuận lợi cũng có thể làm tăng nguy cơ bị viêm bàng quang cấp. Bao gồm:

  • Bệnh ở tuyến tiền liệt nam giới: U tuyến tiền liệt, viêm tuyến tiền liệt hay phì đại tuyến tiền liệt lành tính,…
  • Sỏi bàng quang, u bàng quang
  • Hẹp niệu đạo
  • Hẹp bao quy đầu
  • Bệnh tiểu đường
  • Quan hệ tình dục không an toàn
  • Mang thai
  • Đặt sonde dẫn lưu nước tiểu trong bàng quang
  • Mới thực hiện các thủ thuật y tế can thiệp vào bàng quang hay niệu đạo
  • Suy giảm sức đề kháng
  • Vệ sinh vùng kín không sạch sẽ
  • Viêm nhiễm phụ khoa ở nữ giới…

Triệu chứng viêm bàng quang cấp

Bệnh viêm bàng quang cấp tính có thể được nhận biết thông qua một số dấu hiệu sau:

  • Tiểu buốt
  • Tiểu ra máu
  • Nước tiểu đục hoặc lẫn mủ ở cuối bãi
  • Vùng trên khớp mu có biểu hiện căng tức, đau nhẹ, đặc biệt là khi tích trữ nhiều nước tiểu trong bàng quang.
  • Thường xuyên mót tiểu và tiểu nhiều về đêm
  • Tiểu són
  • Mất tự chủ trong hoạt động tiểu tiện
  • Có cảm giác nóng rát hoặc đau bên trong khi đi tiểu
  • Bệnh viêm bàng quang cấp tính ít khi gây sốt. Nếu có thì cũng chỉ bị nóng sốt nhẹ ở mức dưới 38 độ.
triệu chứng Viêm bàng quang cấp
Thường xuyên mót tiểu là dấu hiệu của bệnh viêm bàng quang cấp

Trường hợp bị nhiễm trùng bàng quang cấp tính nặng, người bệnh có thể bị đau nhiều ở vùng bụng dưới. Cơn đau có thể lan sang niệu đạo hay âm hộ của nữ giới. Sau khi tiểu tiện sau, cảm giác đau sẽ thuyên giảm.

Bệnh viêm bàng quang cấp có nguy hiểm không?

Khi bị viêm bàng quang cấp tính, người bệnh phải đối mặt với các triệu chứng khó chịu làm ảnh hưởng đến tâm lý và sinh hoạt hàng ngày. Việc thường xuyên mót tiểu khiến người bệnh không thể tập trung làm việc, học tập và có thể bị mất ngủ khi phải thường xuyên thức giấc giữa đêm để đi tiểu.

Trong trường hợp không phát hiện sớm hoặc ngại thăm khám, các triệu chứng viêm bàng quang có khuynh hướng ngày càng nghiêm trọng do tình trạng nhiễm trùng tăng nặng. Điều này khiến người bệnh luôn có cảm giác lo lắng, buồn phiền, giảm sút chất lượng sống hoặc thậm chí phải kiêng cữ trong sinh hoạt tình dục.

Đặc biệt, khi viêm bàng quang cấp tính tái phát nhiều lần, bệnh sẽ tiến triển sang giai đoạn mãn tính và gây ra các tổn thương vĩnh viễn trong bàng quang. Vi khuẩn cũng có thể lội ngược dòng đi lên thận hoặc tấn công đến các bộ phận lân cận gây ra nhiều biến chứng cho người bệnh như:

  • Viêm bể thận
  • Suy thận
  • Viêm niệu đạo
  • Nhiễm trùng máu
  • Viêm phụ khoa ( với nữ giới )…

Có thể thấy, bệnh viêm bàng quang cấp tính nếu không được điều trị tốt sẽ tiềm ẩn nhiều mối nguy hại cho sức khỏe. Do đó, bạn tuyệt đối không được chủ quan bỏ qua khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh.

Chẩn đoán viêm bàng quang cấp tính

Bệnh viêm bàng quang cấp tính được chẩn đoán thông qua các dấu hiệu lâm sàng kết hợp với một số xét nghiệm dưới đây:

– Kiểm tra nước tiểu: 

  • Xuất hiện tế bào bạch cầu lẫn trong nước tiểu. Số lượng đếm được khoảng ≥ 104 bạch cầu/ml.
  • Nitrit niệu dương tính (+)
  • Cấy mẫu nước tiểu: Phát hiện số lượng vi khuẩn khuẩn ≥ 105 vi khuẩn trên mỗi ml nước tiểu. Phương pháp chẩn đoán này thường chỉ được thực hiện ở những bệnh nhân bị viêm bàng quang cấp tính tái phát hoặc sau khi điều trị thông thường thất bại.
  • Không có protein trong nước tiểu
chẩn đoán viêm bàng quang cấp
Xét nghiệm nước tiểu là phương pháp được thực hiện để chẩn đoán viêm bàng quang cấp

– Siêu âm ổ bụng:

Bệnh nhân bị viêm bàng quang cấp thường có thành bàng quang dày và sưng bất thường

– Xét nghiệm máu:

Xét nghiệm máu có thể được chỉ định cho một số trường hợp. Lượng tế bào bạch cầu trong máu của bệnh nhân bị viêm bàng quang thường không quá cao.

Cách điều trị viêm bàng quang cấp

Để điều trị viêm bàng quang cấp tính, bác sĩ có thể đề nghị bạn sử dụng một số loại thuốc để điều trị triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh. Cùng với đó, bạn có thể áp dụng một số cách chữa bệnh dân gian để hỗ trợ đẩy nhanh tốc độ hồi phục tổn thương trong bàng quang và giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu. Dù áp dụng bất cứ phương pháp nào thì cũng cần đảm bảo tiêu diệt sạch vi khuẩn gây bệnh, loại bỏ nguyên nhân và các yếu tố thuận lợi, đồng thời dự phòng bệnh tái phát trong tương lai.

Các phương pháp đang được lựa chọn để chữa viêm bàng quang cấp tính bao gồm:

1. Phác đồ điều trị viêm bàng quang cấp thông thường

Bệnh nhân bị viêm bàng quang do nhiễm khuẩn cần tiến hành điều trị bằng thuốc kháng sinh với phác đồ có chứa một trong các loại thuốc sau:

  • Thuốc Trimethoprim – sulfamethoxazol: Mỗi lần uống 1 viên 80/400 mg x 2 lần/ngày. Khoảng cách giữa 2 liều dùng là 12 giờ. Một liệu trình dùng thuốc chữa viêm bàng quang cấp Trimethoprim – sulfamethoxazol có thể kéo dài từ 3 – 5 ngày tùy theo mức độ nhiễm trùng.
  • Thuốc Cephalexin: Mỗi lần uống 1 viên hàm lượng 500mg. Lặp lại liều tương tự sau 12 tiếng. Thời gian dùng thuốc ít nhất trong 5 ngày.
  • Thuốc Nitrofurantoin: Mỗi lần uống 1 viên 100mg x 2 lần/ngày. Liệu trình điều trị kéo dài trong 5 ngày.
  • Thuốc Amoxicilin-clavulanat: Mỗi lần uống 1 viên 500/125 mg x 2 lần/ngày. Cần dùng loại thuốc này đủ 5 ngày để tránh bị lờn kháng sinh.
  • Thuốc kháng sinh nhóm Fluoroquinolon: Loại thuốc kháng sinh này có tác dụng mạnh nhưng cũng ẩn chứa nhiều tác dụng phụ. Vì vậy, thuốc kháng sinh nhóm Fluoroquinolon chỉ được lựa chọn khi không đáp ứng được với loại thuốc khác hoặc bệnh viêm bàng quang tái phát nhiều lần. Được chỉ định phổ biến nhất trong nhóm thuốc này là Norfloxacin 400 mg. Liều dùng mỗi lần 1 viên x 2 lần/ngày. Thời gian điều trị dao động từ 3 – 5 ngày.
thuốc trị viêm bàng quang cấp
Bệnh nhân bị viêm bàng quang cấp thường được điều trị bằng phác đồ kháng sinh

2. Thuốc chữa viêm bàng quang cấp cho bà bầu

Việc lựa chọn thuốc điều trị viêm bàng quang cấp ở phụ nữ mang thai cần phải thận trọng để tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của mẹ và đảm bảo an toàn cho sự phát triển của thai nhi. Dưới đây là một số loại thuốc có thể được chỉ định cho bà bầu:

  • Thuốc kháng sinh nhóm Cefalosporin: Dùng 1 viên Cephalexin 500mg x 3 lần/ngày trong 5 – 7 ngày. Hoặc tiêm thuốc Cefuroxim (hay Ceftazidime) trong 3 ngày, sau đó chuyển sang thuốc uống.
  • Thuốc Nitrofurantoin: Uống mỗi lần 100 mg x 2 lần/ngày trong 5 – 7 ngày liên tục.
  • Thuốc kháng sinh nhóm beta – lactam: Được sử dụng phổ biến là Amoxicilin-clavulanat 500/125 mg. Mỗi lần uống 1 viên x 2 lần/ngày trong thời gian từ 5 – 7 ngày.

Chống chỉ định dùng thuốc nhóm Fluroquinolon để điều trị viêm bàng quang cấp cho phụ nữ mang thai. Loại thuốc này có thể ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của hệ thống xương sụn của thai nhi. Trong quá trình điều trị, bà bầu cần tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của bác sĩ và thường xuyên tái phát để theo dõi sự tiến triển của bệnh. Tránh tự tiện sử dụng thuốc tây bừa bãi.

3. Phác đồ chữa trị viêm bàng quang cấp có nguyên nhân thuận lợi

Có nhiều nguyên nhân thuận lợi gây viêm bàng quang cấp tính, chẳng hạn như sỏi bàng quang, u bướu hay dị tật bẩm sinh trong đường tiết niệu,… Những vấn đề này đều có thể cản trở đến quá trình dẫn lưu nước tiểu ra ngoài và gây ứ đọng nước trong bàng quang. Trường hợp này, bệnh nhân có thể được chỉ định một số thủ thuật để khơi thông dòng nước tiểu. Chẳng hạn như:

  • Nong niệu đạo
  • Đặt sonde JJ
  • Can thiệp ngoại khoa

Nếu kết quả cấy nước tiểu tìm thấy vi khuẩn, bệnh nhân cần điều trị bằng kháng sinh đồ. Thuốc có thể được sử dụng theo đường tiêm hoặc đường uống có tác dụng toàn thân. Đối với thuốc kháng sinh đường tiêm, thời gian điều trị thường kéo dài từ 3 đến 5 ngày, chuyển qua dùng thuốc uống. Bệnh nhân nên kết hợp uống nhiều nước để hỗ trợ đào thải vi khuẩn và khơi thông dòng nước tiểu.

4. Cách trị viêm bàng quang cấp ở nam giới

Ở nam giới, bệnh viêm bàng quang cấp thường khởi phát sau khi mắc các bệnh lý như viêm mào tinh hoàn, nhiễm trùng tuyến tiền liệt hay viêm tinh hoàn. Cần tiến hành thực hiện các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh nhằm lựa chọn được phương pháp điều trị hiệu quả nhất.

Cách chữa viêm bàng quang cấp ở nam giới
Để điều trị viêm bàng quang cấp ở nam giới, cần loại bỏ các nguyên nhân thuận lợi và sử dụng kháng sinh nếu tìm thấy vi khuẩn khi xét nghiệm nước tiểu

Nếu tình trạng viêm bàng quang cấp ở nam giới có liên quan đến nhiễm trùng, bệnh nhân có thể được điều trị bằng các loại thuốc kháng sinh sau:

  • Thuốc Trimethoprim – sulfamethoxazol: Uống 1 viên 80/400 mg x 2 lần /ngày trong 14 ngày.
  • Thuốc Cephalexin: Dùng 500mg x 2 lần/ngày trong 14 ngày
  • Thuốc Amoxicilin-clavulanat: Dùng 1 viên 500/125 mg x 2 lần/ngày trong 5 – 7 ngày liên tục.

Trong trường hợp nam giới bị bệnh do nhiễm trùng lao hoặc các loại vi khuẩn gây bệnh xã hội thì sẽ được điều trị tích cực bằng phác đồ riêng.

5. Phương pháp điều trị viêm bàng quang cấp hay tái phát 

Trong trường hợp các đợt cấp của bệnh viêm bàng quang tái phát từ 4 lần trở lên trong 1 năm, người bệnh sẽ được điều trị bằng phác đồ tấn công. Sau đó tiếp tục một đợt điều trị duy trì để dự phòng bệnh tái phát trở lại trong tương lai.

Phác đồ điều trị viêm bàng quang cấp tái phát như sau:

  • Dùng thuốc Trimethoprim-Sufamethoxazole (hoặc Norfloxacin) trước hay sau mỗi lần quan hệ tình dục để dự phòng nhiễm khuẩn khi giao hợp.
  • Sử dụng một trong các thuốc kháng sinh Norfloxacin/ Cephalexin/ Nitrofurantoin với liều lượng thấp. Mỗi ngày uống 1 lần vào các buổi tối trước lúc đi ngủ. Thời gian điều trị có thể kéo dài trong khoảng 3 – 6 tháng.

6. Cách chữa viêm bàng quang cấp tại nhà

Những mẹo chữa bệnh không dùng thuốc có thể giúp hỗ trợ cải thiện các triệu chứng cho những người mới bị bệnh hoặc mắc viêm bàng quang cấp ở mức độ nhẹ. Dưới đây là một số cách thường được dân gian áp dụng:

  • Uống nhiều nước: Người bệnh cần bổ sung 2 – 3 lít nước mỗi ngày để thông tiểu, giảm hiện tượng tiểu buốt, tiểu rắt và giúp đào thải chất cặn bẩn cùng vi khuẩn trong bàng quang ra ngoài.
  • Sử dụng tỏi: Nguyên liệu này thường được sử dụng để ăn sống hoặc giã lấy nước cốt uống chữa viêm bàng quang. Nhờ chứa allicin ( một chất kháng sinh tự nhiên), tỏi có thể giúp ức chế hoạt động của vi khuẩn gây bệnh, cải thiện tình trạng nhiễm trùng trong bàng quang.
điều trị viêm bàng quang cấp bằng tỏi
Tỏi có tác dụng diệt khuẩn, chữa viêm bàng quang cấp tính nhờ chứa chất kháng sinh tự nhiên
  • Bài thuốc từ cây mã đề: Thảo dược này có tác dụng lợi tiểu, giúp thông tiểu cho các trường hợp có sỏi bàng quang hay sỏi niệu đạo. Ngoài ra, trong cây còn chứa thành phần Cholin và Rinanti có tác dụng tiêu sưng, chống viêm, hỗ trợ chữa lành tổn thương ở bàng quang. Để sử dụng bạn hãy lấy cây mã đề nấu nước uống hàng ngày hoặc kết hợp với các thảo dược khác như mộc thông, hoàng liên, hoạt thạch,… làm thuốc sắc uống để tăng công dụng điều trị viêm bàng quang cấp.
  • Uống nước râu ngô: Sử dụng loại nước này có thể giúp giải nhiệt, lợi tiểu, cải thiện các triệu chứng bất thường khi tiểu tiện cho người bị viêm bàng quang cấp tính. Mỗi ngày bạn có thể dùng 100g râu ngô tươi đun sôi kỹ lấy nước uống. Cứ sau 10 ngày sử dụng lại nghỉ 7 ngày nếu muốn uống tiếp.
  • Bài thuốc trị viêm bàng quang cấp từ sài đất: Sử dụng cây sài đất đúng cách có thể giúp kích thích lưu thông tiểu tiện, thải độc, giảm sưng viêm bàng quang. Bạn hãy lấy 30g cây sài đất, xa tiền và rau bồ cóc mỗi vị 20g kết hợp với 16g cam thảo đất làm thuốc sắc uống đều đặn mỗi ngày 1 thang trong 5 ngày liền.

Phòng ngừa viêm bàng quang cấp

Để giảm nguy cơ mắc viêm bàng quang cấp, bạn có thể áp dụng một số cách dự phòng bệnh đơn giản dưới đây:

  • Vệ sinh vùng kín đúng cách và giữ cho khu vực này luôn khô ráo, sạch sẽ
  • Mặc quần áo rộng rãi, chất liệu mềm mại và thấm hút được mồ hôi để không gây ma sát, bí bách cho vùng kín. Cần nhớ rằng môi trường nóng ẩm và nhiều mồ hôi chính là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây viêm bàng quang cấp phát triển. 
  • Rửa sạch vùng kín trước và sau mỗi lần quan hệ. Tránh quan hệ tình dục bừa bãi. Các trường hợp đang bị nhiễm trùng cơ quan sinh dục thì tốt nhất nên kiêng làm “chuyện ấy” cho đến khi bệnh được chữa khỏi để tránh lây nhiễm cho bạn tình.
  • Uống nhiều nước, bao gồm nước lọc, nước trái cây hay trà thảo mộc
  • Không nhịn tiểu
  • Tích cực hoạt động thể chất, tập thể dục mỗi ngày. Tránh ngồi lâu một chỗ
  • Trường hợp mắc các bệnh lý như sỏi bàng quang, bệnh tuyến tiền liệt hay các vấn đề khác ở đường tiết niệu, bạn cần tích cực điều trị. Tránh để bệnh kéo dài gây viêm bàng quang cấp tính.

Bạn nên tìm hiểu thêm

Chia sẻ:
Các giai đoạn ung thư bàng quang và thông tin cần biết
Các giai đoạn của ung thư bàng quang thường có những triệu chứng, mức độ ảnh hưởng và cách điều trị khác nhau. Càng được phát hiện ở giai đoạn…
Bàng quang là gì, nằm ở đâu? Cấu tạo và chức năng

Bàng quang là cơ quan có chức năng chứa nước tiểu nằm sau khớp mu và ngay dưới phúc mạc…

Viêm bàng quang Viêm bàng quang là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị

Viêm bàng quang là một trong những bệnh lý về hệ tiết niệu phổ biến hiện nay. Bệnh không chỉ…

Ung thư bàng quang giai đoạn cuối: Dấu hiệu, điều cần biết

Ung thư bàng quang giai đoạn cuối hay ung thư bàng quang giai đoạn 4 là mức độ nặng nhất…

Tán sỏi bàng quang là gì? Phương pháp thực hiện, chi phí

Tán sỏi bàng quang là phương pháp sử dụng tia laser tác động trực tiếp vào viên sỏi để phá…

Ung thư bàng quang nên ăn gì, kiêng gì tốt nhất?

Khi bị ung thư bàng quang, người bệnh cần được chăm sóc bằng một chế độ ăn uống hợp lý…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua