Bệnh Viêm Màng Nhĩ Bọng Nước

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN

Giám đốc Chuyên môn cơ sở HCM

Viêm màng nhĩ bọng nước là một dạng nhiễm trùng tai phổ biến. Đặc trưng của bệnh là những nốt mụn nước nhỏ hình thành trên màng nhĩ. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em do nhiều tác nhân khác nhau. Tiên lượng bệnh khá tốt khi được điều trị sớm bằng thuốc kháng sinh, giảm đau hoặc phẫu thuật dẫn lưu khi cần thiết. 

Tổng quan

Viêm màng nhĩ bọng nước (Bullous Myringitis) là tình trạng nhiễm trùng màng nhĩ, đặc trưng bởi những nốt mụn nước nhỏ chứa đầy chất dịch lỏng, gây cảm giác ù tai và đau nhức dữ dội.

Viêm màng nhĩ bọng nước là tình trạng nhiễm trùng tai hình thành các mụn nước nhỏ chứa chất dịch lỏng viêm nhiễm

Trẻ em từ 5 - 8 tuổi là đối tượng có nguy cơ cao bị viêm màng nhĩ nói chung và viêm màng nhĩ bọng nước nói riêng. Nhiễm trùng dạng này có khả năng lây lan bởi cùng một loại vi khuẩn và virus gây viêm tai giữa. Đây chính là lý do vì sao cả 2 căn bệnh này thường xảy ra đồng thời.

Bị viêm màng nhĩ bọng nước đều gây ra những triệu chứng khá nghiêm trọng, nhiễm trùng dai dẳng gây đau nhức. Nhưng trong hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều có tiên lượng tốt, có thể được điều trị thành công mà không để lại bất kỳ di chứng nào.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Viêm màng nhĩ bọng nước là tình trạng nhiễm trùng màng nhĩ do virus hoặc vi khuẩn. Các chủng vi sinh vật gây nhiễm trùng màng nhĩ cũng chính là những loại vi khuẩn gây ra các bệnh nhiễm trùng khác như cảm cúm, cảm lạnh hoặc viêm họng liên cầu khuẩn...

Trong đó, chủng vi khuẩn liên cầu khuẩn Streptococcus pneumoniae được xác định là tác nhân phổ biến nhất gây ra viêm màng nhĩ bọng nước. Ngoài ra, một số chủng ít phổ biến khác như:

  • Streptoccocus nhóm A;
  • Staphylococcus aureus;
  • Haemophilusenzae;
  • Moraxella catarrhalis;
  • Virus hợp bào hô hấp RSV hoặc virus cúm;
  • Virus thủy đậu;
  • Virus Epsterin - Barr;
  • Virus sởi;
  • Virus mycoplasma;
  • Nấm;

Vi khuẩn hoặc virus gây cảm lạnh, cảm cúm là nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm màng nhĩ bọng nước

Ngoài ra, sự phát triển của viêm màng nhĩ bọng nước cũng có thể khởi phát sau khi phát sinh các kích thích làm thay đổi cấu trúc và chất hóa học ở khoang tai giữa trong lớp màng nhĩ. Chẳng hạn như gây kích ứng các ống eustachian hoặc ngăn chặn quá trình thoát lưu chất dịch lỏng.

Cụ thể là do các tác nhân như:

  • Những người đã từng mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên, chẳng hạn như cảm cúm hoặc cảm lạnh;
  • Những người bị nhiễm trùng tai giữa có nguy cơ phát triển viêm màng nhĩ bọng nước cao hơn những người khác;
  • Trẻ em có nguy cơ mắc cao hơn người lớn, nhất là những trẻ đang trong độ tuổi đi nhà trẻ hoặc đi học;
  • Xảy ra sau chấn thương do xuất hiện dị vật một cách vô tình. Chẳng hạn như:
    • Khi vệ sinh ống tai;
    • Chịu một cú đánh mạnh vào tai;
    • Tiếng động lớn đột ngột;
    • Thay đổi áp suất trong tai khi đi máy bay;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Tương tự như những các dạng nhiễm trùng tai khác, viêm màng nhĩ bọng nước phát triển đặc trưng với những triệu chứng sau đây:

  • Đau nhức dữ dội ở tai;
  • Cơn đau thường kéo dài từ 24 - 48 tiếng và có xu hướng tăng dần mức độ;
  • Sốt;
  • Có dịch chảy ra từ tai;
  • Ù tai;
  • Đau và giảm khả năng nhai hoặc khả năng di chuyển vùng cổ;
  • Trẻ khó ngủ, quấy khóc và thường xuyên cáu gắt;
  • Mất thính giác;

Bị viêm màng nhĩ bọng nước thường gây ra đau tai dữ dội, tai chảy dịch, sốt, mất thính giác...

Chẩn đoán

Nếu các triệu chứng bất thường ở tai chỉ phát sinh trong thời gian ngắn và biến mất, việc thăm khám và điều trị có thể không cần thiết. Tuy nhiên, nếu triệu chứng kéo dài dai dẳng và không có dấu hiệu thuyên giảm, bệnh nhân cần nhanh chóng đến bệnh viện để được kiểm tra ngay.

Cơ sở chẩn đoán viêm màng nhĩ bọng nước thường kết hợp giữa khám thực thể kiểm tra triệu chứng và các xét nghiệm cận lâm sàng để xác nhận tổn thương, đánh giá mức độ bệnh.

Bác sĩ sẽ khám lâm sàng, khai thác triệu chứng trước khi chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng

Cụ thể các phương pháp chẩn đoán viêm màng nhĩ bọng nước được áp dụng phổ biến gồm:

  • Khám lâm sàng: Liên quan đến việc đặt các câu hỏi về triệu chứng, thời điểm phát bệnh đầu tiên, kéo dài bao lâu cho đến các thông tin cụ thể về tiền sử bệnh cá nhân. Ở bước này, bác sĩ cũng có thể tiến hành khám thực thể để có những đánh giá khách quan về tổn thương bên trong tai. Dụng cụ ống soi tai chuyên dụng sẽ giúp bác sĩ dễ dàng quan sát cấu trúc ở tai trong và phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng.
  • Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm: Một số thí nghiệm trong phòng xét như xét nghiệm máu hoặc kiểm tra chất dịch lỏng thông qua kỹ thuật chọc dò màng nhĩ để tìm kiếm dấu hiệu nhiễm trùng. Hoặc loại trừ một số bệnh lý bẩm sinh hoặc bệnh hệ thống khác.
  • Kiểm tra hình ảnh: Các kỹ thuật hình ảnh chụp chiếu chuyên sâu thường ít khi được chỉ định trong chẩn đoán các bệnh viêm màng nhĩ nói chung. Tuy nhiên, trong trường hợp nghi ngờ viêm màng nhĩ gây ra các biến chứng lên nội sọ hoặc các cơ quan khác, chẳng hạn như viêm xương chũm, áp xe não, áp xe ngoài màng cứng, viêm màng não, cholesteatoma... Các kỹ thuật thường được áp dụng là chụp CT hoặc MRI.
  • Chẩn đoán phân biệt: Để phân biệt giữa viêm màng nhĩ bọng nước với các bệnh lý khác, đảm bảo thực hiện chính xác phác đồ điều trị, cần phân biệt rõ ràng với các bệnh lý dễ nhầm lẫn. Chẳng hạn như:
    • Viêm tai giữa tràn dịch;
    • Các bệnh lý khiến da nổi bọng nước như pemphigus Vulgaris, pemphigoid bọng nước...;
    • Viêm tai giữa cấp tính;
    • Viêm tai ngoài;
    • Viêm xương chũm cấp tính;
    • U hạt;

Biến chứng và tiên lượng

Theo đánh giá của các chuyên gia, bệnh viêm màng nhĩ bọng nước thường có tiên lượng khá tốt, đặc biệt trong những trường hợp được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Thời gian phục hồi sau khoảng 3 - 5 ngày, các triệu chứng như đau tai, chảy dịch sẽ dần thuyên giảm. Tuy nhiên, đối với triệu chứng tràn dịch tai giữa, để điều trị và phục hồi hoàn toàn cần thời gian ít nhất 5 tuần.

Viêm màng nhĩ bọng nước là căn bệnh khá phổ biến, nhất là ở trẻ em. Bản chất của bệnh là nhiễm trùng tai đơn giản, có thể kiểm soát được bằng thuốc kháng sinh và các thủ thuật loại bỏ dịch viêm. Nhưng trong một số trường hợp nghiêm trọng, nếu không được phát hiện sớm và điều trị, viêm màng nhĩ bọng nước có thể phát sinh một số biến chứng khó lường, chẳng hạn như:

  • Mất thính giác;
  • Rối loạn chức năng tiền đình;
  • Các biến chứng hiếm gặp nhưng nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng như: viêm mê đạo, viêm xương chũm, áp xe dưới màng xương, liệt mặt, viêm mô tế bào sau tai, áp xe ngoài màng cứng, viêm màng não hoặc hình thành huyết khối xoang sigmoid...;

Điều trị

Việc điều trị viêm màng nhĩ bọng nước cũng tương tự như thể viêm đơn thuần không có bọng nước. Chỉ cần chú ý tập trung nhiều hơn vào bước kiểm soát giảm đau bằng các phương pháp y tế tích cực.

Tùy theo mức độ nhiễm trùng tai, việc thực hiện một số các biện pháp điều trị dưới đây có thể có hiệu quả.

Hầu hết các trường hợp bị viêm màng nhĩ bọng nước đều đáp ứng tốt với thuốc kháng sinh loại bỏ nhiễm trùng

  • Chườm ấm: Với những trường hợp viêm nhẹ, chườm ấm nhiều lần trong ngày đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện cơn đau. Tuy nhiên, cách này chỉ có tác dụng tạm thời, hiệu quả kéo dài trong thời gian ngắn.
  • Dùng thuốc tân dược: Tác dụng chính của dùng thuốc là cải thiện triệu chứng và kiểm soát nhiễm trùng. Các loại thuốc thường dùng là:
    • Thuốc giảm đau không kê đơn: Loại thường dùng là ibuprofen hoặc naproxen có thể phát huy tác dụng giảm đau nhanh;
    • Thuốc kháng sinh: Đây là loại thuốc điều trị nhiễm trùng đặc hiệu do vi khuẩn. Đối với viêm màng nhĩ bọng nước, thuốc có thể được dùng dưới dạng uống trực tiếp hoặc dung dịch thuốc nhỏ vào tai, nhằm loại bỏ nhiễm trùng.
  • Thủ thuật y tế: Đối với những trường hợp nốt mụn nước mọc trong tai gây đau nhức khó chịu do tích tụ dịch quá mức, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thủ thuật chích rạch dẫn lưu dịch ra khỏi tai. Sau khi thực hiện, các triệu chứng nhiễm trùng sẽ có xu hướng thuyên giảm nhanh sau khoảng 24 - 48 giờ.

Phòng ngừa

Khác với các bệnh nhiễm trùng khác, viêm màng nhĩ bọng nước thường không có khả năng lây lan trực tiếp. Việc lây lan chỉ áp dụng trong những trường hợp bệnh nhân bị cảm cúm, cảm lạnh và phát tán vi khuẩn thông qua việc ho, hắt xì..., sau đó phát sinh nhiễm trùng tai.

Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin kháng virus, vi khuẩn giúp giảm nguy cơ phát triển viêm màng nhĩ bọng nước

Do đó, nếu muốn phòng ngừa căn bệnh này, bạn cần tích cực thực hiện các biện pháp chăm sóc và bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân làm tăng nguy cơ lây nhiễm trùng. Chẳng hạn như các cách sau:

  • Giữ vệ sinh toàn thân sạch sẽ, đặc biệt rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn nhiều lần trong ngày, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng để giảm nguy cơ lây lan nhiễm trùng.
  • Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, nhất là phải làm sạch các bề mặt sử dụng thường xuyên như tay nắm cửa hoặc những vị trí nhiều người thường xuyên chạm vào.
  • Nếu bản thân hoặc con của bạn đang bị nhiễm bệnh, tốt nhất nên tạm ngưng việc ra để làm việc hoặc học tập cho đến khi tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát hoàn toàn.
  • Tăng cường hệ thống miễn dịch bằng một chế độ sinh hoạt lành mạnh, ăn uống đủ chất, sử dụng đa dạng thực phẩm, ngủ đủ giấc, tập thể dục hàng ngày... Những điều này sẽ giúp bạn có một hệ miễn dịch khỏe mạnh chống chọi lại mọi bệnh tật.
  • Nói không với thuốc lá, bao gồm cả việc hút chủ động hoặc tiếp xúc thụ động, thường là ở trẻ em để giảm nguy cơ bị nhiễm trùng tai gây viêm màng nhĩ bọng nước.
  • Kiểm soát tốt các yếu tố có khả năng gây dị ứng trong cơ thể, vì nó có thể kích hoạt nhiễm trùng ở ống eustachian, tăng nguy cơ nhiễm trùng bên trong tai dẫn đến viêm bọng nước.
  • Trẻ em được khuyến nghị tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin phòng ngừa các bệnh nhiễm virus hoặc nhiễm trùng để giảm nguy cơ viêm tai, ngăn chặn viêm màng nhĩ bọng nước.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tại sao con tôi thường xuyên bị đau tai, có dịch từ trong tai rỉ ra và không thể nghe rõ?

2. Con tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh?

3. Nguyên nhân gì khiến con tôi mắc bệnh viêm màng nhĩ bọng nước?

4. Bệnh viêm màng nhĩ bọng nước có nguy hiểm không?

5. Nếu không điều trị, viêm màng nhĩ bọng nước có tự khỏi không?

6. Con tôi có thể gặp phải biến chứng gì khi bị viêm màng nhĩ bọng nước?

7. Những phương pháp điều trị viêm màng nhĩ bọng nước tốt nhất dành cho trường hợp của con tôi?

8. Thời gian dùng thuốc kháng sinh bao lâu? Có gây tác dụng phụ nào không?

9. Điều trị viêm màng nhĩ bọng nước mất bao lâu thì khỏi?

10. Viêm màng nhĩ bọng nước có tái phát sau điều trị không?

Viêm màng nhĩ bọng nước ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất của người bệnh, nhất là đối với trẻ em vốn có hệ miễn dịch yếu kém, không khỏe mạnh như người lớn. Do đó, ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường của bệnh, bố mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và hướng dẫn thực hiện các biện pháp điều trị phù hợp, loại nhỏ nhiễm trùng, ngăn chặn biến chứng rủi ro.

Chia sẻ:
Hen suyễn Bệnh Hen Suyễn
Hen suyễn là bệnh mạn tính về đường hô hấp, chủ yếu là ở phổi. Bệnh xảy ra phổ biến ở mọi đối tượng, nhất là trẻ em. Lên cơn…
Bệnh Phì Đại Cuốn Mũi
Phì đại cuốn mũi là một trong những bệnh lý…
Bệnh Viêm Màng Nhĩ
Viêm màng nhĩ là bệnh nhiễm trùng phổ biến, thường…
Bệnh Liệt Cơ Mở Thanh Quản
Liệt cơ mở thanh quản là tình trạng suy giảm…
Polyp dây thanh quản Bệnh Polyp Dây Thanh Quản

Polyp dây thanh quản là bệnh lý tai mũi họng thường gặp. Bệnh gây ảnh hưởng trực tiếp đến giọng…

Viêm amidan Bệnh Viêm Amidan

Viêm amidan là bệnh lý đường hô hấp phổ biến, nhất là ở trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu…

Lưỡi Bản Đồ

Lưỡi bản đồ là một dạng viêm lưỡi lành tính. Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc bệnh,…

Bệnh Bạch Hầu Thanh Quản

Bạch hầu thanh quản có thể xảy ra do nhiễm vi khuẩn bạch hầu tại thanh quản hoặc thông qua…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN

Giám đốc Chuyên môn cơ sở HCM

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua