Bệnh Bạch Hầu Thanh Quản

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG

Cố vấn Chuyên môn

Bạch hầu thanh quản có thể xảy ra do nhiễm vi khuẩn bạch hầu tại thanh quản hoặc thông qua con đường lây lan từ vòm họng xuống thanh quản. Đây là loại vi khuẩn cực kỳ nguy hiểm, độc tố của nó có thể gây suy tuần hoàn, suy hô hấp, mất ý thức, hôn mê. Tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu thanh quản nói riêng và bệnh bạch hầu nói chung ngày càng tăng cao và đã ghi nhận trường hợp tử vong do phát hiện, điều trị chậm trễ. 

Tổng quan

Bạch hầu thanh quản (Laryngeal Diphtheria) là hậu quả của tình trạng nhiễm trùng khởi đầu tại thanh quản hoặc lây lan nhiễm trùng từ vòm họng xuống thanh quản. Đây là một dạng nhiễm khuẩn cấp tính, tiến triển nhanh chóng, các triệu chứng phức tạp và rất nguy hiểm.

Bạch hầu thanh quản là một trong những dạng bạch hầu phổ biến và cũng là thể nguy hiểm nhất

Sự nguy hiểm của bệnh xuất phát từ các tổn thương nghiêm trọng do độc tố của vi khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheria) gây ra. Loại vi khuẩn này tiết ra nội độc tố gây suy tuần hoàn, suy hô hấp, khiến người bệnh lú lẫn, rơi vào trạng thái mất ý thức, một số trường hợp nặng có thể rơi vào hôn mê sâu, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu nói chung và bạch hầu thanh quản ngày càng tăng cao (theo số liệu thống kê trong vòng 5 năm trở lại đây), chủ yếu ở các tỉnh thành ở miền Trung, Tây Nguyên như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Quảng Nam... Bệnh có thể xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em, trong đó phổ biến nhất là ở trẻ từ 6 tháng cho đến 3 tuổi.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân

Vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheria (thuộc họ Corynebacteriaceae) là tác nhân chính gây ra bệnh bạch hầu thanh quản. Loại vi khuẩn này được chia làm 3 type gồm Gravis, Intermedius và Mitis..., được sắp xếp theo thứ tự dựa vào khả năng gây bệnh. Cả 3 loại này đều có khả năng sản sinh độc tố gây ra các biến chứng bệnh nguy hiểm, trong đó hầu hết các trường hợp bệnh nghiêm trọng đều là do type Gravis.

Trực khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheria là tác nhân chính gây bệnh bạch hầu thanh quản

Một vài đặc điểm của vi khuẩn bạch hầu bạn cần biết:

  • Là một loại trực khuẩn gram dương hiếu khí và không có khả năng di động;
  • Chúng có hình dạng như một cái que hoặc dùi trống, có các sắp xếp đặc trưng như hình hàng rào;
  • Khả năng sản sinh độc tố của chúng là do bị một loại virus khác ký sinh vào hay còn gọi là thực khuẩn bào (bacteriophage). Do đó, không phải ai nhiễm vi khuẩn bạch hầu cũng tiến triển nguy hiểm, chỉ những người nhiễm phải chủng vi khuẩn có khả năng sản sinh độc tố mới gặp phải tình trạng này;

Con đường lây truyền vi khuẩn bạch hầu phổ biến nhất là qua đường hô hấp và nguồn lây duy nhất chính là con người, thông qua giọt bắn nước bọt khi nói chuyện hoặc dịch đờm khi ho vào không khí. Ngoài ra, vi khuẩn có thể bám vào các vật trong nhà và lây lan cho các thành viên trong gia đình. Tốc độ tiến triển của bệnh bạch hầu thanh quản cũng nhanh chóng như tốc độ lây lan.

Yếu tố nguy cơ

  • Trẻ em có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người lớn, thường là trẻ < 5 tuổi;
  • Người lớn tuổi > 60 tuổi có hệ miễn dịch suy yếu cũng có là đối tượng dễ mắc bệnh;
  • Bệnh nhân mắc các bệnh về rối loạn miễn dịch, bệnh tự miễn như AIDS, đái tháo đường, lupus ban đỏ...;
  • Người đi đến vùng dịch bệnh, môi trường vệ sinh kém, ý thức và dịch vụ tiêm chủng kém;
  • Những người không được tiêm phòng đầy đủ theo khuyến cáo;

Tham khảo thêm: U xơ thanh quản là gì? Bệnh có nguy hiểm không?

Triệu chứng và chẩn đoán

Trong vòng 2 - 5 ngày sau khi phơi nhiễm, bệnh nhân mắc bạch hầu thanh quản sẽ bộc lộ rất nhiều triệu chứng, mức độ từ nhẹ đến nặng. Tuy nhiên, hầu hết các biểu hiện của bạch hầu thanh quản thường không đặc hiệu nên rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh đường hô hấp khác.

Bệnh nhân bạch hầu thanh quản đặc trưng với các triệu chứng như sốt cao, khàn tiếng, ho ông ổng...

Một số triệu chứng bạch hầu thanh quản điển hình như:

  • Sốt cao, ớn lạnh kèm theo chảy dịch mũi, sưng hạch ở cổ;
  • Khàn giọng, mất tiếng;
  • Ho ông ổng và dai dẳng (triệu chứng Barking cough);
  • Xuất hiện các mảng màu xám dày đặc ở vùng cổ họng, thanh quản và kèm theo sưng hạch cổ;
  • Da dẻ tái xanh, chảy nhiều nước dãi và có cảm giác sợ hãi, lo lắng;

Trường hợp nặng hơn có thể xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như:

  • Khó nuốt;
  • Nói lắp;
  • Suy giảm thị lực;
  • Các triệu chứng sốc như vã mồ hôi, tim đập nhanh, da tái nhợt, lạnh...;

Chẩn đoán

Chẩn đoán bệnh bạch hầu thanh quản được thực hiện thông qua thu thập các triệu chứng do bệnh nhân cung cấp, thăm hỏi thêm các thông tin về thời gian, mức độ triệu chứng, khai thác tiền sử bệnh lý, thói quen sinh hoạt, lịch trình di chuyển...

Khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán bạch hầu thanh quản

Tuy nhiên, để đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác nhất, bệnh nhân sẽ được thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết gồm:

  • Xét nghiệm lâm sàng: Soi cổ họng phát hiện tích tụ các màng giả màu trắng xám, chúng bám chặt vào các biểu mô, cứng, cố gắng bóc ra có thể chảy máu;
  • Xét nghiệm cận lâm sàng:
    • Xét nghiệm máu phát hiện lượng bạch cầu trong máu tăng đột biến;
    • Nuôi cấy dịch chứa vi khuẩn hoặc nhuộm soi để xác định loại vi khuẩn bạch hầu;
    • Xét nghiệm dịch tễ đối với những trường hợp đặc biệt, nhất là ở trẻ em đang đi học mẫu giáo, nhà trẻ...;
  • Chẩn đoán phân biệt: Nhằm đảm bảo điều trị bệnh đúng hướng, cần tiến hành chẩn đoán phân biệt bạch hầu thanh quản với các bệnh lý có biểu hiện tương tự như:
    • Viêm họng Vincent: Đặc trưng với các vết loét, bị hoại tử một bên amidan;
    • Viêm họng do nhiễm liên cầu và tụ cầu khuẩn: Khối amidan cũng bị phủ bởi một lớp màng trắng nhưng không bám chắc, bóc ra dễ dàng mà không chảy máu;
    • Các bệnh lý khác như:
      • Viêm họng do nấm Candida;
      • Tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn;
      • Bệnh giang mai;
      • Áp xe thành sau họng;
      • Do dị vật trong thanh quản;
      • Viêm thanh quản co thắt;
      • ...

Biến chứng và tiên lượng

Trong tất cả các thể bệnh bạch hầu gồm bạch hầu thanh quản, bạch hầu họng và amidan, bạch hầu mũi trước và nhiều vị trí khác như niêm mạc mắt, niêm mạc da cơ quan sinh dục, âm đạo hoặc ở ống tai..., thì bạch hầu thanh quản là thể nguy hiểm nhất, tiến triển nhanh chóng, gây tắc nghẽn đường thở do các tăng sinh quá mức các giả mạc, gây chít hẹp đường thở, dẫn đến suy hô hấp và tử vong nếu không được xử lý kịp thời.

Ngoài ra, bệnh nhân bạch hầu thanh quản nhiễm độc tố của vi khuẩn bạch hầu ở mức nghiêm trọng có thể biến chứng sang nhiều cơ quan khác như viêm cơ tim, phá hủy chức năng hệ thần kinh, dễ bị trụy tim, đột tử và hậu quả cuối cùng vẫn sẽ là tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Bạch hầu thanh quản là bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó nặng nhất là viêm cơ tim, tổn thương thần kinh, hoại tử thận và tử vong

Trường hợp được cấp cứu và qua khỏi cơn nguy kịch, nhiễm trùng cơ tim, van tim nặng cũng sẽ biến chứng phát bệnh suy tim, rối loạn nhịp tim gây tê liệt hoàn toàn, thoái hóa hoặc hoại tử ống thận, biến chứng xuất huyết lớp tủy, vỏ thượng thận, suy thận...

Tất cả những biến chứng này đều là do vi khuẩn bạch hầu ở thanh quản gây ra, bệnh hoàn toàn có thể tiến triển trầm trọng chỉ trong vòng 6- 10 ngày. Tiên lượng khá xấu đối với những trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, bệnh lý này hoàn toàn có thể điều trị được nếu phát hiện sớm. Đồng thời, có thể tiêm phòng vắc xin để phòng ngừa bệnh.

Điều trị

Bạch hầu thanh quản là bệnh lý nghiêm trọng cần được phát hiện sớm và điều trị đúng cách nhằm ngăn chặn các biến chứng khó lường. Khi phát hiện bệnh, bệnh nhân cần được nhập viện để theo dõi và điều trị.

1. Dùng thuốc chống độc tố bạch cầu

Phương pháp điều trị bạch hầu thanh quản hiệu quả nhất hiện nay là dùng thuốc chống độc tố bạch cầu. Đây là một loại dung dịch protein tinh chế, vô khuẩn và đậm đặc, có chứa các kháng thể mạnh giúp trung hóa các độc tố do vi khuẩn bạch hầu sản sinh ra. Loại dung dịch này thường được điều chế từ huyết thanh hoặc huyết tương ngựa, dạng thương phẩm có chứa ít nhất khoảng 500 đvqt/ml.

Thuốc chống độc tố bạch hầu có tác dụng trung hòa độc tố do vi khuẩn bạch hầu sản sinh ra và giảm thiểu mức độ tiến triển xấu của bệnh

Loại thuốc này chủ yếu được dùng dưới dạng tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch, tùy theo từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng dạng phù hợp. Liều thuốc sẽ được bác sĩ chỉ định tùy theo mức độ nhiễm độc và kích thước của các màng giả, giai đoạn tiến triển bệnh.

Liều khuyến cáo dành cho trẻ em và người lớn bị bạch hầu thanh quản như sau:

  • Khoảng 20.000 - 40.000 đơn vị trong trường hợp phát hiện bệnh trong vòng 48 giờ;
  • Khoảng 40.000 - 60.000 đơn vị nếu có kèm theo các tổn thương ở vùng mũi họng;
  • Khoảng 80.000 - 120.000 đơn vị đối với trường hợp tổn thương nhiễm độc lan tỏa mạnh mẽ hoặc có kèm theo sưng hạch cổ;

Để sử dụng thuốc có hiệu quả, bệnh nhân cần test dị ứng với dung dịch, tiền sử bệnh hen suyễn và nhiều phản ứng dị ứng khác.

2. Các biện pháp hỗ trợ khác

Song song với dùng thuốc chống độc tố vi khuẩn bạch hầu, bệnh nhân cũng sẽ được chỉ định điều trị bằng các biện pháp sau:

Đảm bảo nghỉ ngơi, dinh dưỡng đầy đủ và vệ sinh kỹ lưỡng nhằm hỗ trợ đạt kết quả điều trị cao hơn

  • Dùng thuốc kháng sinh: Chỉ định phối hợp dùng thêm thuốc kháng sinh nhằm hỗ trợ loại bỏ vi khuẩn, thời gian dùng khoảng 10 - 14 ngày. Các loại kháng sinh thường dùng nhất là:
    • Penicillin: liều khuyến cáo 25.000 - 50.000UI/kg/ ngày, những ngày đầu tiêm thuốc, vài ngày sau chuyển sang dùng dạng uống;
    • Erythromycin: liều khuyến cáo 40 - 50mg/kg/ ngày;
  • Nghỉ ngơi tại chỗ: Bệnh nhân bạch hầu thanh quản cần phải dành phần lớn thời gian nghỉ ngơi tại giường, chỉ vận động nhẹ nhàng trên giường hoặc đi lại trong phòng. Thời gian khuyến cáo khoảng 2 - 3 tuần, hoặc những trường hợp có biến chứng viêm cơ tim, thời gian nghỉ ngơi sẽ nhiều hơn, > 55 ngày.
  • Các điều trị hỗ trợ khác:
    • Các biện pháp hỗ trợ hô hấp, trợ tim mạch, an thần, giảm đau... (nếu cần thiết);
    • Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, ăn uống lành mạnh, ưu tiên thực phẩm dễ tiêu;
    • Theo dõi các biến chứng khó lường của bệnh để kịp thời phẫu thuật mở khí quản, giải phóng đường hô hấp;
    • Sau đó phải theo dõi sát các biến chứng hậu phẫu như bội nhiễm, ứ tắc dịch đờm... để cho thở oxy kịp thời;

Bệnh nhân bạch hầu thanh quản chỉ có thể xuất hiện khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn sau:

  • Không còn triệu chứng sốt, khó thở, hết màng giả, tươi tỉnh, lên cân trở lại;
  • Không còn biến chứng, đặc biệt là về tim mạch, thận;
  • Kiểm tra dịch họng âm tính 2 lần liên tiếp, mỗi lần cách nhau ít nhất 7 ngày;

Phòng ngừa

Phòng ngừa bạch hầu thanh quản là vấn đề được quan tâm và ưu tiên hàng đầu bởi những hệ lụy, biến chứng của bệnh thật sự rất nguy hiểm và khó lường. Các chuyên gia khuyến cáo, mỗi người cần có ý thức về việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bạch hầu nói chung và bạch hầu thanh quản nói riêng như sau:

Tiêm phòng vắc xin bạch hầu là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh bạch hầu thanh quản nói riêng và bệnh bạch hầu nói chung

  • Tiêm phòng vắc xin bạch hầu cho trẻ nhỏ trong độ tuổi khuyến cáo theo quy định của Bộ Y tế. Tại Việt Nam, vắc xin bạch hầu là một loại vắc xin được phổ cập trong toàn dân và tiêm miễn phí cho trẻ nhỏ.
  • Tránh tiếp xúc gần qua đường hô hấp và tiếp xúc qua da, dùng chung vật dụng cá nhân với người đang nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
  • Hạn chế đi đến những nơi đông người, không gian chật hẹp, môi trường ô nhiễm và nghi ngờ có dịch, đeo khẩu trang nếu bắt buộc phải ra ngoài.
  • Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, rửa các vật dụng cá nhân, đồ chơi, lau dọn sàn nhà...
  • Giữ vệ sinh cá nhân kỹ lưỡng, đặc biệt là tai mũi họng, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn để loại bỏ tác nhân gây bệnh.
  • Tạo dựng lối sống lành mạnh và khoa học, dinh dưỡng, nghỉ ngơi đầy đủ và vận động tích cực để tăng cường sức đề kháng, nâng cao miễn dịch chống lại mọi bệnh tật.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân gây bệnh bạch hầu thanh quản?

2. Làm cách nào để tôi nhận biết bản thân mắc bệnh bạch hầu thanh quản?

3. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng nào để chẩn đoán bạch hầu thanh quản?

4. Bệnh bạch hầu thanh quản có nguy hiểm không?

5. Bệnh bạch hầu thanh quản lây không? Tôi cần làm gì để ngăn không cho bệnh lây sang người khác?

6. Bệnh bạch hầu thanh quản có thuốc chữa không?

7. Phương pháp điều trị bạch hầu thanh quản tốt nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?

8. Dùng thuốc lâu ngày có gây tác dụng phụ không? Tôi cần làm gì để xử lý chúng?

9. Quá trình điều trị bạch hầu thanh quản mất bao lâu thì khỏi hoàn toàn?

10. Chi phí điều trị bạch hầu thanh quản có đắt không? Có dùng BHYT được không?

11. Tôi cần làm gì và tránh làm gì để hỗ trợ điều trị bạch hầu thanh quản?

12. Bệnh bạch hầu thanh quản có phòng ngừa bằng vắc xin được không?

Bệnh bạch hầu thanh quản cực kỳ nguy hiểm, tính mạng của những người mắc căn bệnh rất dễ bị đe dọa bởi tiến triển bệnh nhanh chóng, tác động đến những cơ quan nội tạng trọng yếu của cơ thể như hệ tuần hoàn, tim, thận... Do đó, hãy nắm vững các kiến thức này và nâng cao ý thức trong việc phòng ngừa, ngăn chặn lây lan bệnh ra cộng đồng, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Tham khảo thêm:

Chia sẻ:
Bệnh viêm họng
Bệnh viêm họng có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Người bị viêm họng gặp phải những triệu chứng khó chịu ở cổ họng, khoang miệng, kèm…
Hen suyễn Bệnh Hen Suyễn
Hen suyễn là bệnh mạn tính về đường hô hấp,…
Viêm tai giữa Bệnh Viêm Tai Giữa
Viêm tai giữa là bệnh lý tai mũi họng phổ…
Bệnh viêm phế quản
Viêm phế quản là một trong những bệnh lý đường…
Bệnh viêm VA

Viêm VA là một trong số các vấn đề hô hấp thường gặp hiện nay. Bệnh gây ảnh hưởng nghiêm…

Polyp dây thanh quản Bệnh Polyp Dây Thanh Quản

Polyp dây thanh quản là bệnh lý tai mũi họng thường gặp. Bệnh gây ảnh hưởng trực tiếp đến giọng…

Viêm mũi dị ứng Bệnh Viêm Mũi Dị Ứng

Viêm mũi dị ứng là bệnh lý hô hấp phổ biến tại Việt Nam. Bệnh không quá nguy hiểm, nhưng…

Viêm đường hô hấp dưới Bệnh Viêm Đường Hô Hấp Dưới

Viêm đường hô hấp dưới là nhóm các bệnh lý nhiễm trùng thường gặp như viêm phổi, viêm phế quản,…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG

Cố vấn Chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua