Bệnh Ung Thư Da

Bác sĩ phụ trách

Bác Sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan

Giám đốc Chuyên môn

Ung thư da là các khối u lành hoặc ác tính khởi phát trên da. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời là nguyên nhân hàng đầu gây ra căn bệnh này. Tại Việt Nam, có 2 dạng ung thư da phổ biến nhất là ung thư tế bào đáy và tế bào vảy. Điều trị ung thư da chủ yếu nhằm mục đích loại bỏ khối u ung thư càng sớm càng tốt bằng phương pháp phẫu thuật, xạ - hóa trị liệu và các liệu pháp hỗ trợ khác. 

Tổng quan

Ung thư da (Skin Cancer) xảy ra khi các tế bào da tăng sinh và phát triển bất thường. Chúng tích tụ thành khối u, có thể lành hoặc ác tính ở nhiều vị trí trên cơ thể, có khả năng di căn sang các cơ quan xa gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của người bệnh.

Ung thư da là tình trạng tăng sinh bất thường không kiểm soát của các tế bào da và tích tụ thành khối u

Tỷ lệ mắc ung thư da ngày càng tăng cao do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, da hấp thụ nhiều tia cực tím. Ngoài ra, các yếu tố về môi trường, di truyền cũng có mối liên hệ với ung thư da. Hầu hết các bệnh ung thư da đều bắt đầu phát triển ở lớp biểu bì (lớp trên cùng của da).

Tại Hoa Kỳ, có khoảng 3.3 triệu người được chẩn đoán mắc ung thư da. Còn tại Việt Nam, tỷ lệ mắc ung thư da không quá cao, đối với nữ là 3.1/100.000 người, đối với nam là 3.2/100.000 người. Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc bệnh, không biệt màu da, chủng tộc hay tuổi tác.

Phân loại

Ung thư da được chia làm nhiều loại khác nhau, trong đó gồm 3 loại chính và một số loại phụ, bao gồm:

Có 3 dạng ung thư da phổ biến là ung thư da tế bào đáy, tế bào vảy và ung thư hắc tố ác tính

3 loại ung thư da chính

  • Ung thư biểu mô tế bào đáy: Là dạng ung thư bắt đầu phát triển từ các tế bào đáy, chủ yếu ở trên bề mặt da. Theo thống kê, có khoảng 80% trường hợp ung thư da là dạng này. Tiên lượng bệnh khá tốt, không di căn và hiếm khi gây tử vong.
  • Ung thư tế bào vảy: Dạng ung thư này ảnh hưởng đến các tế bào ở lớp ngoài cùng của biểu bì hoặc màng nhầy, phổi. Đối với khối u ung thư phát triển trên da được gọi là ung thư tế bào vảy da. Tỷ lệ mắc dạng ung thư da này ước tính khoảng 5.4 triệu ca/ năm, chỉ xếp sau ung thư biểu mô tế bào đáy.
  • Ung thư ác tính: Thường chỉ chiếm 1% trong tổng số các ca mắc ung thư da. Dạng ung thư này thường bắt nguồn từ các tế bào hắc tố, có nhiệm vụ sản sinh sắc tố da. Các nốt ruồi trên cơ thể là những vị trí dễ phát triển thành ung thư u hắc tố ác tính. Thể ung thư da này có khả năng di căn và nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện, điều trị sớm.

Các loại ung thư da phụ

  • Ung thư da tế bào Merkel: Loại ung thư da này xảy ra chủ yếu ở nam giới và những người da trắng. Đây là bệnh ung thư cực kỳ nguy hiểm, di căn nhanh do sự phát triển, tăng sinh quá mức của các tế bào Merkel trong da.
  • Ung thư hạch da: Sự phát triển rối loạn của các tế bào hạch bạch huyết trên da được gọi là ung thư hạch da.
  • Ung thư Kaposi Sarcoma: Là những khối u ung thư màu nâu, đỏ, tím nằm rải rác trên da, chủ yếu ở bàn chân, mặt, miệng, vùng sinh dục, do nhiễm virus herpes 8. Bệnh ít khi có biểu hiện rõ rệt trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, đến giai đoạn di căn có thể lan đến cổ họng, gây xuất huyết và nguy hiểm tính mạng.
  • Ung thư biểu mô tuyến bã nhờn: Là dạng ugng thư xâm lấn khá hiếm gặp. Tổn thương này thường xuất hiện ở những vùng da trên hoặc xung quanh mí mắt. Đặc điểm là các khối u tròn, nhỏ, không đau.
  • Dày sừng actin: Thực chất đây là giai đoạn tiền ung thư tế vào vảy. Đặc trưng bởi dấu hiệu dày sừng actin, là các mảng da nhỏ màu nâu, đỏ, hồng, theo thời gian sẽ tiến triển thành ung thư.
  • Khối u DFSP (Dermatofibrosarcoma protuberans): Khối u được hình thành ở các lớp sâu của da. Ban đầu chỉ là mảng da lớn săn chắc nhưng thời gian càng phát triển kích thước lớn hơn. Các khối u này thường có tỷ lệ tái phát cao sau đều trị.
  • Các khối u phần phụ của da: Chúng phát triển trong các nang lông hoặc tuyến bã nhờn nhưng rất hiếm gặp. Đa số đều bị chẩn đoán nhầm thành khối u tăng trưởng lành.
  • Sarcom mô mềm: Đây là khối u ung thư phát triển ở các lớp sâu trong da, các khối cơ, mỡ, dây thần kinh, mạch máu trong cơ thể.

Các tăng trưởng tiền ung thư khác

Ngoài ra, ung thư da cũng được phân đoạn cụ thể dựa vào các nhóm bệnh kể trên, ung thư da không tế bào hắc tố và ung thư tế bào hắc tố. Được đánh dấu từ 0 - 4 tùy thuộc vào độ dày và độ sâu của khối u, mức độ di căn, mức độ lan rộng của hạch.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh ung thư da vẫn chưa thực sự được làm rõ. Các chuyên gia chỉ nhận định cơ chế gây ung thư là do quá trình đột biến gen trong một số tế bào da, dẫn đến sự phát triển không kiểm soát, tích tụ thành khối u ung thư.

Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời là nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư da

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư da như:

  • Tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời, hấp thụ nhiều tia UVA và UVB vào da;
  • Nhiễm bức xạ ion hóa như phơi nhiễm phóng xạ, tiếp xúc tia gamma hoặc xạ trị ung thư;
  • Tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại như Aflatoxine, Arsenic, phơi nhiễm asen (thạch tín);
  • Tiền sử gia đình có người từng mắc bệnh ung thư da;
  • Người có làn da nhạy cảm, có nhiều nốt ruồi, đốm tàn nhang;
  • Suy giảm miễn dịch như mắc bệnh HIV/AIDS, lupus ban đỏ, bệnh nhân cấy ghép nội tạng hoặc lạm dụng thuốc Coricoid lâu dài làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư da;
  • Mắc các bệnh viêm da mạn tính, loét, bỏng, sẹo...;
  • Thói quen nghiện hút thuốc lá và không sử dụng kem chống nắng, tăng nguy cơ mắc ung thư da cao hơn 20% so với người bình thường;
  • Nhiễm trùng HPV tăng nguy cơ mắc ung thư biểu mô tế bào vảy cao hơn những người không nhiễm;
  • Mắc bệnh bạch tạng do di truyền thường có nguy cơ cao mắc ung thư da;
  • Người da trắng có nguy cơ mắc ung thư da cao hơn so với người da màu. Tuy nhiên, những người da màu khi đã mắc bệnh thường nghiêm trọng hơn;
  • Tỷ lệ mắc ung thư da biểu mô vảy thường cao hơn ở những nơi nằm gần vùng xích đạo;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Ung thư da thường xảy ra nhiều nhất ở các vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng như tay, chân, cổ, ngực, mặt... Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp xuất hiện ung thư ở các bộ phận khác như lòng bàn tay, bàn chân, cơ quan sinh dục.

Bất kỳ sự thay đổi rõ rệt nào trên làn da cũng đều là những dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư da nói chung. Tùy theo từng dạng ung thư không hắc tố hoặc ung thư hắc tố mà các dấu hiệu bệnh được biểu hiện khác sau. Cụ thể như sau:

Các triệu chứng điển hình của ung thư da như thay đổi hình dạng, kích thước, màu sắc nốt ruồi, vết bớt

Triệu chứng nhóm ung thư không hắc tố

Bao gồm ung thư tế bào đáy và ung thư tế bào vảy, đặc trưng bởi các dấu hiệu gồm:

  • Xuất hiện các đốm mới bất thường trên da;
  • Vết thương chảy máu, sưng rát, đỏ đau nhưng không lành sau 4 tuần;
  • Thay đổi tính chất các nốt ruồi, đốm tàn nhang về mặt hình dạng, kích thước;
  • Tăng mức độ nhạy cảm đối với các vết thương trên da như ngứa rát, đau nhói, tê bì, châm chích...;

Triệu chứng ung thư da hắc tố

Đây là dạng ung thư ác tính nguy hiểm, dễ di căn và đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị tích cực trong giai đoạn đầu, tiên lượng bệnh thường tốt. Thông thường, khối u ác tính sẽ xuất hiện bất thường trên nền các nốt ruồi sẵn có trên cơ thể.

Việc đánh giá các triệu chứng giúp bạn sớm phát hiện ung thư da hắc tố và phục vụ công tác chẩn đoán, thông qua quy tắc ABCDE, cụ thể như sau:

  • A - Asymmetry (không đối xứng): Là dấu hiệu không đối xứng của các u tế bào hắc bào, thay vì có tính đối xứng như bình thường;
  • B - Border (đường viền): Các u hắc tố thường có đường viền không đều và gồ ghề, lởm chởm và không có giới hạn rõ ràng. Tổn thương có khả năng lan rộng, sưng đỏ đường viền xung quanh;
  • C - Color (màu sắc): Màu sắc của các u hắc tố rất đa dạng và thường không đều màu. Tùy từng khu vực mà màu sắc sẽ biểu hiện khác nhau như nâu, đen, xám, đỏ, trắng, xanh...;
  • D - Diameter (đường kính): Hầu hết các khối u hắc tố thường có kích thước > 6mm, lớn hơn bất thường so với các nốt u khác;
  • E - Elevated - Elvoving (tăng trưởng): Ký hiệu này dùng để chỉ những u sắc tố có sự phát triển và thay đổi về hình dạng, kích thước, màu sắc bất thường.

Chẩn đoán

Chẩn đoán ung thư da được thực hiện bằng các biện pháp sau:

Soi kính, soi đèn đánh giá các tổn thương da, chẩn đoán ung thư da và phân biệt với các tổn thương loét, nhiễm trùng

  • Khám lâm sàng: Bệnh nhân cần cung cấp những dấu hiệu thay đổi bất thường của đốm tàn nhang, nốt ruồi trong thời gian gần đây, có phát triển thêm tổn thương da mới nào không. Sau đó, bác sĩ sẽ kiểm tra tổn thương bằng nhiều kỹ thuật như soi đèn, soi kính... Bước này rất quan trọng để tránh chẩn đoán nhầm lẫn giữa ung thư da với các tổn thương da khác.
  • Chụp X quang: Hình ảnh chụp X quang cho phép đánh giá mức độ tiến triển của khối u ung thư, phát hiện vị trí di căn của khối u sang những bộ phận nào để có hướng điều trị phù hợp.
  • Sinh thiết: Mẫu bệnh phẩm được thu thập tại vùng da bị tổn thương, mang đi xét nghiệm chẩn đoán khối u ung thư là lành hoặc ác tính.

Biến chứng và tiên lượng

Tương tự nhiều dạng ung thư khác, ung thư da là bệnh lý nguy hiểm, gây các biến chứng tiềm ẩn như hoại tử da, di căn ung thư sang các cơ quan khác trong cơ thể, đe dạo tính mạng người bệnh.

Tuy nhiên, tiên lượng đối với hầu hết các bệnh nhân ung thư da đều tốt, tỷ lệ chữa khỏi cao đối với các khối u ung thư lành tính và được điều trị trước khi chúng triển lây lan. Theo thống kê, có khoảng 90% những người mắc bệnh ung thư da tế bào đáy được chữa khỏi hoàn toàn khi được điều trị tích cực.

Tiên lượng sống sót của bệnh nhân thường khác nhau tùy theo mỗi loại ung thư da, tuổi tác, giới tính

Tiên lượng sống sót của bệnh nhân ung thư da có khối u ác tính là:

  • Phát hiện khối u ác tính sớm trước khi nó lan đến các hạch bạch huyết có tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 99%;
  • Phát hiện khối u trễ khi nó đã lan đến các hạch bạch huyết lân cận có tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 66%;
  • Nếu khối u lan đến các hạch bạch huyết ở xa và các cơ quan nội tạng khác, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 27%;

Điều trị

Một số biện pháp điều trị ung thư da được áp dụng phổ biến gồm:

Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp được chỉ định cho những trường hợp được chẩn đoán ung thư da tế bào đáy và tế bào vảy. Tùy theo mức độ nghiêm trọng, vị trí tế bào ung thư và thể trạng sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ.

Nếu chẩn đoán ung thư da có nguy cơ lan rộng hoặc đã di căn sang các cơ quan khác, bệnh nhân sẽ phải hóa - xạ trị liệu trước khi phẫu thuật để đạt hiệu quả tốt nhất.

Hầu hết các loại ung thư da đều được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ vùng da chứa khối u

Một số phương pháp phẫu thuật ung thư da như:

  • Kỹ thuật áp lạnh;
  • Phẫu thuật loại bỏ vùng da có khối u;
  • Phương pháp nạo bỏ tế bào ung thư và làm khô bằng dòng điện;
  • Phẫu thuật Mohs bằng kính hiển vi;
  • Phẫu thuật ghép da và tái tạo da áp dụng sau khi cắt bỏ vùng da chứa tế bào ung thư;

Xạ trị 

Xạ trị là phương pháp điều trị chung cho hầu hết các bệnh ung thư, trong đó có ung thư da. Sử dụng chùm tia bức xạ được chiếu trực tiếp lên cơ thể, tác động đến các khối u trên da nhằm tiêu diệt tế bào ung thư.

Phương pháp này tuy hiệu quả nhưng không phải trường hợp ung thư da nào cũng áp dụng được. Thường chống chỉ định với:

  • Bệnh nhân trẻ tuổi;
  • Mắc các bệnh di truyền như hội chứng xeroderma sắc tố hoặc nevus tế bào đáy;
  • Mắc các bệnh lý liên quan đến mô liên kết như xơ cứng bì hoặc lupus ban đỏ;

Hóa trị 

Hầu hết bệnh nhân ung thư da đều được chỉ định thực hiện hóa trị liệu để tiêu diệt các khối u. Nhất là những bệnh nhân mắc thể ung thư tế bào đáy, tế bào vảy hoặc biểu mô tế bào Merkel.

Hóa trị ung thư da bằng các loại thuốc, hóa chất tác dụng mạnh nhằm tiêu diệt tế bào ung thư

Thuốc hóa trị có thể dùng thuốc uống, dạng tiêm tại chỗ hoặc truyền tĩnh mạch. Một số loại phổ biến như:

  • Doxorubicin;
  • Capecitabine;
  • Cisplatin;
  • Topotecan;
  • Carboplatin;
  • Etoposide;
  • 5-fluorouracil (5-FU);
  • Vinblastine;

Các thuốc trị ung thư da khác 

Ngoài thuốc hóa trị, bệnh nhân ung thư da cũng có thể được điều trị bằng các loại thuốc khác như:

Liệu pháp miễn dịch

Nhóm thuốc dùng trong liệu pháp miễn dịch thường được chỉ định cho những trường hợp ung thư da không đáp ứng với phẫu thuật hoặc xạ trị. Loại thuốc miễn dịch sử dụng phổ biến nhất là:

  • Đối với dạng ung thư da tế bào vảy tiến triển nặng dùng Cemiplimab (Libtayo), được dùng dưới dạng tiêm truyền tĩnh mạch với liệu trình 3 tuần/ lần;
  • Đối với dạng ung thư biểu mô bào Merkel dùng Avelumab (Bavencio), Pembrolizumab (Keytruda) hoặc Nivolumab (Opdivo);
  • Đối với các khối u ung thư da hắc tố sẽ dùng kết hợp giữa 2 loại thuốc gồm:
    • Nivolumab (Opdivo) và Pembrolizumab (Keytruda) nhằm PD-1, làm theo nhỏ khối u và duy trì sự sống, kéo dài tuổi thọ cho người bệnh;
    • Ipilimumab (Yervoy) có tác dụng tăng cường phản ứng miễn dịch của cơ thể và ức chế CTLA-4;
  • Đối với dạng ung thư da Kaposi Sarcoma thường dùng thuốc interferon alfa dạng tiem dưới da hoặc tiêm trực tiếp vào cơ bắp;

Thuốc điều trị nhắm trúng đích

Đây là một trong những loại thuốc không thể thiếu trong phác đồ điều trị ung thư da. Nhóm thuốc này có khả năng tác động và tiêu diệt các khối u ung thư da mà không làm ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh xung quanh. Tùy từng dạng ung thư da, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng loại thuốc phù hợp:

  • Đối với ung thư da tế bào đáy và tế bào vảy, 2 loại thường dùng là Sonidegib (Odomzo) và Vismodegib (Erivegde);
  • Đối với ung thư hắc tố da:
    • Thuốc tiêu diệt tế bào ung thư có chứa gen BRAF. Chẳng hạn như thuốc thường dùng là Dabrafenib (Tafinlar), Vemurafenib (Zelboraf), Encorafenib (Braftovi);
    • Thuốc ức chế protein MEK như Cobimetinib (Cotellic), Trametinib (Mekinist), binimetinib (Mektovi);

Phòng ngừa

Để đạt hiệu quả trong điều trị hoặc tránh nguy cơ mắc bệnh ung thư da, bạn cần thực hiện các biện pháp tích cực sau:

Bôi kem chống nắng phổ rộng với chỉ số SPF cao để bảo vệ làn da khỏi tia UV phòng ngừa ung thư da

  • Bảo vệ làn da khỏi ánh nắng mặt trời bằng cách bôi kem chống nắng có độ FPS cao từ 30 trở lên, mặc quần áo dài tay, đội mũ rộng vành, đeo kính râm...
  • Không nên tắm nắng khi nắng gắt, nhất là từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều tránh hấp thụ tia cực tím gây ung thư da.
  • Sử dụng son dưỡng môi có khả năng chống nắng.
  • Không nên sử dụng giường tắm nắng vì chúng có khả năng phát ra tia UV tăng nguy cơ gây ung thư.
  • Không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, nhất là những loại gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến làn da, khiến da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời như thuốc giảm cholesterol statin, thuốc kháng sinh fluoroquinolone, tetracycline, thuốc kháng sinh 3 vòng, thuốc chống nấm griseofulvin...
  • Thường xuyên tự kiểm tra làn da tại nhà để phát hiện các bất thường về hình dạng, kích thước, màu sắc của nốt ruồi, đốm tàn nhang ở bât kỳ vị trí nào để sớm phát hiện các bất thường và điều trị kịp thời.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân khiến tôi bị ung thư da?

2. Những dấu hiệu cho thấy tôi bị ung thư da?

3. Tôi mắc ung thư da thể nào?

4. Tiên lượng mức độ nghiêm trọng của bệnh ra sao?

5. Dạng ung thư da của tôi có chữa khỏi được không?

6. Phương pháp điều trị ung thư da tốt nhất cho trường hợp của tôi?

7. Rủi ro và lợi ích xoay quanh các chỉ định điều trị ung thư da?

8. Tôi sẽ sống được bao lâu nếu mắc khối u ung thư da ác tính?

9. Chi phí điều trị ung thư da có tốn kém không?

10. Tôi cần làm những gì để chăm sóc sức khỏe kéo dài tuổi thọ?

Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh ung thư da. Các chuyên gia khuyến cáo thăm khám ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường trên làn da để chẩn đoán và điều trị kịp thời trước khi khối u ung thư phát triển di căn nghiêm trọng.

TÌM HIỂU THÊM:

Chia sẻ:
Bệnh Behcet
Bệnh Behcet là chứng rối loạn tự miễn dịch hiếm gặp gây viêm ở nhiều cơ quan, bộ phận của cơ thể như da, mắt, cơ xương khớp, tiêu hóa...…
Bệnh Ung Thư Hắc Tố Da
Ung thư hắc tố da là một trong những dạng…
Bệnh Hạ cam
Hạ cam là một trong những căn bệnh lây truyền…
Viêm mao mạch dị ứng Bệnh Viêm Mao Mạch Dị Ứng
Viêm mao mạch dị ứng là bệnh dị ứng do…
Chàm Eczema Bệnh Chàm (Eczema)

Chàm (Eczema) là một trong những bệnh lý da liễu phổ biến, có tỷ lệ mắc cao ở cả trẻ…

Bệnh Chốc mép

Chốc mép xảy ra khi vùng khóe miệng bị khô nứt nẻ và đau rát. Đây là vấn đề da…

Bệnh viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa là một trong những vấn đề về da liễu có tính chất mãn tính. Bệnh có…

Bệnh lang ben Bệnh Lang Ben

Lang ben là bệnh lý về da thường gặp do nhiễm loại nấm Pityrosporum ovale. Bệnh gây những tổn thương…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác Sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan

Giám đốc Chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua