Bệnh Bại Não
Bại não là tập hợp một nhóm các rối loạn ở hệ thần kinh, gây tổn thương não và ảnh hưởng đến khả năng vận động, trí tuệ và hành vi. Thai nhi đang phát triển và trẻ sơ sinh dễ mắc bệnh bại não. Bệnh không có cách điều trị, nhưng vẫn có thể kiểm soát một triệu chứng, giảm thiểu biến chứng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ.
Tổng quan
Bại não (Cerebral palsy - CP) là tình trạng rối loạn hệ thống thần kinh trung ương không tiến triển, gây ra các hội chứng co cứng, thất điều. Đây là kết quả của các tổn thương não một hoặc nhiều phần ở trẻ trước 2 tuổi, gây suy giảm các cơ và ảnh hưởng khả năng vận động, thực hiện tư thế và giữ thăng bằng.
Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao bị bại não, nhất là những trẻ sinh non, thiếu tháng. Bệnh gây ra những tàn tật nghiêm trọng, kéo dài gây ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, trí tuệ, hành vi, các giác quan và đặc biệt là rối loạn vận động.
Bại não là một trong những khuyết tật vận động phổ biến ở trẻ em, trung bình có khoảng 4/1000 trẻ sinh ra mắc bệnh này. Trẻ bị bại não có tỷ lệ sống sót và nguy cơ tử vong cao, tùy thuộc vào độ tuổi, mức độ nghiêm trọng của tổn thương.
Phân loại
Bại não được phân chia làm nhiều loại, dựa vào triệu chứng lâm sàng được đánh giá thông qua kiểm tra, thăm khám. Bao gồm 4 loại chính sau:
Bại não thể co cứng
Đây là loại bại não phổ biến nhất, tỷ lệ mắc chiếm 80% trên tổng số các trường hợp. Thể bệnh này đặc trưng bởi tình trạng mất kiểm soát khả năng vận động chủ động, gây yếu cơ, liệt chi tạm thời, hoàn toàn ở một hoặc nhiều chi. Thể bại não này thường phát triển từ các khiếm khuyết ở vỏ não .
Các triệu chứng bệnh có thể được cải thiện bằng thuốc, phục hồi kiểm soát cơ bắp. Nhưng trong trường hợp nặng, bại não có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Liệt cứng cơ nửa người hoặc liệt 1 bên cơ thể;
- Liệt cứng cơ 2 bên, gây ảnh hưởng đến chân, cong vẹo đầu gối;
- Liệt cứng tứ chi ảnh hưởng đến cả tay và chân;
Bại não thể rối loạn vận động/ dạng vảy nến
Bệnh nhân bại não thể rối loạn vận động đặc trưng với các chuyển động chậm, cứng đơ, kém linh hoạt hoặc chuyển động đột ngột. Tỷ lệ mắc thể bại não này là 6%. Thể bệnh này gây ảnh hưởng đến sự phối hợp các cơ, gây khó khăn khi ăn uống, nói chuyện và đi lại. Bệnh khởi phát do có liên quan đến sự tổn thương vùng hạch nền.
Trong thể bại não rối loạn vận động có 3 dạng nhỏ gồm:
- Thể bại não do bệnh teo cơ;
- Thể bại não múa giật;
- Thể bại não loạn trương lực cơ;
Bại não thể thất điều (Ataxic)
Hay còn gọi là thể bại não thất điều, ảnh hưởng đến khoảng 6% trường hợp bại não. Bệnh xảy ra do sự phát triển khiếm khuyết của tiểu não - đây là vùng não quan trọng kiểm soát sự phối hợp vận động.
Bệnh gây ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát chức năng thực hiện các vận động phức tạp như đi bộ, chạy bộ. Ngoài ra, các kỹ năng vận động tinh cũng bị ảnh hương như lái xe, viết chữ, kỹ năng điều khiển các loại máy móc hạng nặng.
Bại não thể hỗn hợp
Thể bệnh này khá ít gặp, xảy ra khi có sự phối hợp giữa nhiều rối loạn suy giảm cử động do có nhiều vùng não phát triển bất thường. Thường là ở khu vực vỏ não và thân não, gây ra các triệu chứng kết hợp.
Tuy nhiên, các triệu chứng thường không rõ ràng trong giai đoạn đầu, chỉ biểu hiện rõ ràng khi trẻ lớn lên, nhất là ở những cột mốc phát triển về khả năng vận động, thể chất.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân
Hầu hết các trường hợp phát hiện bại não bẩm sinh thường không xác định được nguyên nhân cụ thể. Vì bản chất của bại não là các tổn thương được hình thành ngay từ khi còn là bào thai nằm trong bụng mẹ hoặc trong tháng đầu tiên sau sinh.
Bại não bẩm sinh
Đối với trẻ mắc bệnh bại não bẩm sinh, phát hiện các bất thường bẩm sinh ở hệ thống thần kinh trung ương như:
- Một vài vị trí vùng não lớn hơn hoặc nhỏ hơn mức bình thường;
- Có đường viền dày;
- Không gian bên trong lớn hơn bình thường, có chứa chất dịch lỏng hoặc không;
Bại não do di truyền
Nhiều nghiên cứu cho thấy sự phát triển bất thường về gen đột biến di truyền cũng có thể là nguyên nhân khởi phát bệnh bại não. Điều kiện xảy ra là một trong 2 người bố/mẹ hoặc anh chị em ruột đã từng mắc bệnh.
Không có bất kỳ một gen đơn lẻ nào được xác định gây ra bại não. Chỉ có kiểu di truyền liên quan làm thay đổi di truyền gen de novo làm thay đổi số lượng bản sao bộ gen, gây bất thường và nhầm lẫn ở một nhiễm sắc thể và khởi phát thành bệnh.
Các nguyên nhân khác
- Thiếu oxy: Thai nhi hoặc trẻ sơ sinh bị thiếu oxy, dù chỉ trong một khoảng thời gian ngắn cũng đủ để gây ra những tổn thương vĩnh viễn cho não bộ của trẻ. Nguyên nhân thường là do người mẹ bị chấn thương, lâm bệnh nặng hoặc gặp khó khăn khi sinh nở;
- Nhiễm trùng huyết: Mẹ bầu mắc một số bệnh lý nhiễm trùng trong thai kỳ (parvovirus, toxoplasmosis, mụn rộp) nhưng không được điều trị kịp thời rất dễ bị nhiễm trùng huyết. Biến chứng này làm tăng nguy cơ gây ra các bất thường về não cho thai nhi, trong đó có bại não.
- Bệnh mạch máu não: Dưới sự ảnh hưởng tiêu cực trong thai kỳ, mẹ mắc bệnh hoặc rối loạn đông máu, trẻ sơ sinh đang phát triển sẽ có nguy cơ đột quỵ cao. Hậu quả là các khiếm khuyết, tàn tật vĩnh viễn có liên quan đến não như khả năng vận động, nhận thức...
- Bệnh bất đồng nhóm máu mẹ con: Bệnh lý này khá hiếm gặp, xảy ra do nhóm máu giữa mẹ và bào thai không tương thích, dẫn đến các tổn thương não và bại não. Nhưng rất may biến chứng này có thể phòng ngừa được nhờ tiêm chế phẩm máu globulin miễn dịch Rh âm vào tuần thứ 28 của thai kỳ. Sau đó, tiêm nhắc lại 1 lần cho trẻ sau sinh nếu mang Rh dương.
- Các bệnh khác trong thai kỳ: Phụ nữ mang thai mắc phải các vấn đề sức khỏe như thay đổi huyết áp, bệnh gan, thận, tim, đột quỵ... có thể làm gián đoạn việc cung cấp máu, oxy và dưỡng chất cần thiết cho thai nhi. Hoặc các bệnh gây tích tụ các chất amoniac, bilirubin hoặc các độc tố khác trong cơ thể trẻ, gây tổn thương não bộ, tăng nguy cơ khởi phát bại não.
- Trẻ sinh non/ cân nặng thấp: Trẻ sinh non < 37 tuần, nhất là trước tuần thứ 32 hoặc trẻ sinh có nguy cơ cao bị bại não hơn những đứa trẻ bình thường.
Yếu tố nguy cơ
Ngoài các nguyên nhân kể trên, còn một số yếu tố rủi ro khác làm tăng nguy cơ gây bại não ở thai nhi và trẻ sơ sinh như:
- Người mẹ sử dụng ma túy, dù trong bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ cũng đều góp phần làm tăng nguy cơ gây bệnh bại não;
- Đặc biệt các chất kích thích như methamphetamine hoặc cocaine cũng dễ gây bất lợi cho quá trình chuyển dạ và sinh nở;
- Mẹ bầu sử dụng thuốc tùy tiện, nhất là các loại thuốc cấm không dùng trong thai kỳ;
- Phơi nhiễm trước sinh do ăn các loại thịt cá sống hoặc chưa nấu chín;
- Mẹ bầu thiếu acid folic;
- Quá trình sinh nở phức tạp do đứa trẻ nằm vị trí ngôi mông, có vấn đề về hấp;
- Tiếp xúc với các loại độc tố như thủy ngân, chì, hóa chất công nghiệp, phân mèo...;
- Trẻ sơ sinh bị vàng da sau sinh nghiêm trọng và không được điều trị trong thời gian dài làm tăng nguy cơ gây điếc và bại não;
- Một số sơ suất y tế cũng có thể dẫn đến bại não như không xử lý nhiễm trùng đúng cách (nếu có), không phát hiện trẻ bị sa dây rốn, sử dụng dụng cụ sinh nở không đúng cách...;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Bệnh bại não là một tập hợp của nhiều triệu chứng khác nhau, từ nhẹ đến nặng, đặc trưng với các biểu hiện sau:
- Suy nhược cơ thể, trẻ không thể tự ngồi hoặc đứng vững được do mất khả năng kiểm soát các cơ vùng hông, thân, ngực.
- Khả năng di chuyển kém hoặc không thể đi lại được;
- Giảm khả năng cầm nắm đồ vật hoặc thực hiện những công việc phối hợp vận động như viết, đi bộ, chạy xe...;
- Chậm phát triển trí tuệ, IQ thấp, học tập kém, khả năng ngôn ngữ bị hạn chế;
- Yếu cơ mặt, cổ họng, miệng gây các biểu hiện về việc bú, nuốt và nói chuyện, thường xuyên chảy nước dãi khi ăn hoặc ngủ;
- Nói ngọng, nói lắp hoặc nói quá nhanh, khó hiểu;
- Bí tiểu, tiểu không tự chủ do mất kiểm soát cơ ruột và bàng quang;
- Co giật trong trường hợp bại não nặng;
Ngoài các triệu chứng điển hình trên, trẻ bị bại não nghiêm trọng có thể gặp phải một số triệu chứng khác nhưng hiếm gặp hơn như:
- Run mặt, cánh tay và các bộ phận khác khi cố gắng di chuyển hoặc nghỉ ngơi (hội chứng Run & Tics);
- Phát triển khiếm khuyết giác quan, điển hình là thính giác và thị giác;
- Bất thường về cột sống, nhất là chứng cong vẹo cột sống;
- Kích động, hung hăng, ảo giác, ảo tưởng, lo lắng...;
- Dễ nhiễm trùng và mắc các bệnh mãn tính, tăng nguy cơ mắc bệnh tim, phổi;
Chẩn đoán
Chẩn đoán bại não thường được thực hiện trong vòng 2 năm đầu đời hoặc trong vòng 4 - 5 năm nếu mức độ bệnh nhẹ, biểu hiện không nghiêm trọng. Để chẩn đoán xác định bại não, bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện một loại các bài kiểm tra và đánh giá kỹ năng vận động, khả năng tư duy, nhận thức, giác quan, hành vi của trẻ.
Đồng thời, trong những lần thăm khám định kỳ, bác sĩ sẽ liên tục theo dõi và đánh giá sự phát triển, tăng trưởng, mức độ phản xạ của các giác quan như thính giác, thị giác, khả năng phối hợp vận động... nhằm loại trừ các vấn đề sức khỏe khác có biểu hiện tương tự.
Kết hợp thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng sau nhằm chẩn đoán xác định bại não:
- Siêu âm sọ não: Thường áp dụng cho những trẻ sinh non có nguy cơ cao bị bại não;
- Chụp cộng hưởng từ MRI: Giúp phát hiện và xác định vị trí tổn thương não đặc trưng của bại não. Đồng thời, kỹ thuật này còn quan sát được các dị tật não bất thường khác của chứng giả bại não hoặc rối loạn chuyển hóa;
- Điện não đồ (EMG): Các đầu điện cực dán tạm thời vào da đầu giúp phát hiện sự hoạt động bất thường của não. Kết quả điện não đồ còn giúp dự đoán trước những cơn động kinh.
Ngoài ra, cần chẩn đoán phân biệt bại não với các dạng rối loạn thần kinh khác có tiến triển di truyền khác như:
- Hội chứng Lecsh-Nyhan;
- Bệnh loạn dưỡng chất trắng thượng thận;
- Teo cơ tủy sống ở trẻ nhỏ;
- Các bệnh lý bất thường về mắt hoặc da như chứng thất điều - giãn mạch, u xơ thần kinh, chứng xơ hóa củ, hội chứng Sturge-Weber, bệnh Von Hippel-Lindau;
Biến chứng và tiên lượng
Biến chứng
Bại não là chứng bệnh rất phức tạp, tuy không tiến triển nặng theo thời gian nhưng lại không thể chữa khỏi, thậm chí còn đe dọa tính mạng. Các biến chứng về thiểu năng trí tuệ, thể chất, khả năng vận động, khiếm thính, suy giảm thị lực, xương khớp, các vấn đề về răng miệng,... là những hệ lụy thường gặp ở trẻ bị bại não.
Ngoài ra, bại não cũng có thể khiến trẻ mắc song song các bệnh lý như:
- Rối loạn tăng động chú ý (ADHD);
- Rối loạn phổ tự kỷ (ASD);
- Động kinh;
- Thiểu năng trí tuệ;
- Rối loạn ngôn ngữ;
- Suy giảm thị lực, thính giác;
Tiên lượng
Bại não khiến bệnh nhân có nguy cơ tử vong sớm do các biến chứng khó lường vừa kể trên, nhất là khi không được điều trị y tế và chăm sóc tích cực. Trong đó, suy tim và suy hô hấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở bệnh nhân bại não.
Theo thống kê, hầu hết trẻ được chẩn đoán bại não đều có thể sống sót với mức tuổi thọ bình thường, với điều kiện phải được điều trị đúng cách và mức độ bệnh không quá nghiêm trọng. Chẳng hạn như với những người bị bại não nhẹ có thể sống khỏe đến 70 tuổi hoặc chỉ bị suy yếu nhẹ sẽ có tuổi thọ trung bình là 58 năm.
Ngược lại, với những trường hợp bại não nặng, triệu chứng nghiêm trọng được nuôi ăn bằng ống toàn thời gian thường có tỷ lệ tử vong cao. Hầu hết chỉ sống được đến độ tuổi thiếu niên.
Điều trị
Bệnh bại não không có cách chữa khỏi dứt điểm, tuy nhiên các triệu chứng và biến chứng sức khỏe đơn giản của bệnh có thể được khắc phục bằng các biện pháp dưới đây.
Liệu pháp trị liệu
Một số kỹ thuật trị liệu được hướng dẫn thực hiện bởi chuyên gia có kinh nghiệm giúp trẻ bại não phục hồi ít nhiều các chức năng cơ bản. Chẳng hạn như:
- Vật lý trị liệu: Phương pháp trị liệu này giúp cải thiện sức mạnh, khả năng phối hợp vận động và giảm bớt những cơn co thắt. Liệu trình vật lý trị liệu cho trẻ bại não thường kéo dài trong suốt những năm tháng đầu đời.
- Trị liệu ngôn ngữ: Giúp cải thiện khả năng nói linh hoạt, học cách giao tiếp bằng ngôn ngữ âm thanh hoặc ngôn ngữ ký hiệu.
- Liệu pháp nuốt: Khắc phục rối loạn bú, nhai, nuốt, giúp trẻ ăn uống bình thường, an toàn hơn. Việc này giúp giảm các nguy cơ mắc nghẹn, nghẹt thở khi ăn uống và nhiễm trùng phổi.
- Trị liệu nghề nghiệp: Chủ yếu tập trung vào cải thiện sức mạnh phần thân trên, tư thế và tận dụng tối đa khả năng vận động. Qua đó, giúp trẻ tự thực hiện các kỹ năng cơ bản như chăm sóc bản thân, tự di chuyển bằng các thiết bị hỗ trợ từ nơi này sang nơi khác.
- Trị liệu giải trí: Phụ huynh nên khuyến khích và tạo điều kiện cho trẻ bại não tham gia các chương trình cộng đồng, sinh hoạt tập thể tại trường học, sự kiện văn hóa, âm nhạc, nghệ thuật... Sau những lần tham gia, trẻ sẽ cải thiện đáng kể sức khỏe thể chất, cảm xúc, tư duy, nhận thức...
Điều trị bằng thuốc
Dùng thuốc trị bại não chỉ có tác dụng cải thiện tạm thời và kiểm soát các triệu chứng có liến quan đến bệnh bại não. Một số loại thuốc được sử dụng phổ biến như:
- Thuốc kháng cholinergic & thuốc chống co giật: Đây là nhóm thuốc chẹn dẫn truyền thần kinh và ức chế các tế bào thần kinh gây co giật ở trẻ bại não.
- Thuốc giãn cơ và hỗ trợ giảm đau:
- Thuốc uống như baclofen, diazepam, dantrolene natri, tizannidine giúp làm giãn các cơ bị cứng, co rút hoặc hoạt động bất thường;
- Thuốc tiêm BT-A (độc tố botulinum) tiêm trực tiếp vào cơ giúp làm giãn các cơ bị co cứng, co thắt quá mức bằng cách kiểm soát ổn định các tế bào thần kinh;
- Liệu pháp bơm truyền baclofen vào vùng chứa dịch xung quanh tủy sống, nhằm giảm mức độ nhạy cảm của các tế bào thần kinh trong tủy sống và giảm co cứng cơ. Máy bơm truyền được cấy ghép vào cơ thể, thích hợp cho những trường hợp bại não gây cứng khớp mạn tính;
- Một số loại thuốc điều trị bại não giúp giảm căng cơ, giảm đau cho trẻ như Gabapentin, benzodiazepin;
- Thuốc chống động kinh: Chỉ định dùng cho những trường hợp bại não kèm theo những cơn động kinh thường xuyên. Tùy vào từng loại động kinh, bác sĩ sẽ kê toa thuốc chống động kinh phù hợp.
- Thuốc bisphosphonate: Loại thuốc này có tác dụng ức chế sự giảm sút mật độ xương, ngăn ngừa gãy xương do bại não. Thuốc sử dụng được cho cả người lớn và trẻ em, dùng dưới dạng uống hoặc tiêm.
- Vitamin D & canxi bổ sung: Tăng cường bổ sung vitamin D và canxi bằng viên uống bổ sung giúp giảm nguy cơ loãng xương ở người bệnh bại não.
Can thiệp phẫu thuật
Một số phẫu thuật được áp dụng nhằm điều trị triệu chứng và biến chứng bại não như:
- Phẫu thuật chỉnh hình: Trường hợp co cứng khớp nghiêm trọng khiến việc đi lại trở nên khó khăn, đau nhức, thậm chí liệt một chỗ sẽ được chỉ định phẫu thuật. Mục đích phẫu thuật nhằm kéo dài các gân, cơ quá ngắn, giúp giảm đau, cải thiện khả năng vận động và giảm thiểu tối đa các triệu chứng tiêu cực cho trẻ. Ngoài ra, phẫu thuật chỉnh hình cũng có thể giúp điều chỉnh cải thiện đáng kể các biến dạng cột sống bất thường.
- Phẫu thuật cắt dây thần kinh: Hay còn được gọi là phẫu thuật cắt bỏ rễ chọn lọc (SDR). Thường được chỉ định cho những trường hợp co cứng co nghiêm trọng và không còn đáp ứng với các biện pháp điều trị bảo tồn. Bác sĩ sẽ xác định vị trí tổn thương và cắt đứt có chọn lọc các dây thần kinh hoạt động bất thường ở vùng đáy cột sống. Nhờ đó giúp thư giãn cơ bắp và cải thiện các cơn đau mãn tính ở tay, chân.
Sử dụng thiết bị hỗ trợ
Đây là tập hợp những giải pháp giúp bệnh nhân bại não dễ dàng thích nghi với các sinh hoạt hàng ngày, bao gồm:
- Sử dụng nẹp ngoại lực điều chỉnh các bất thường về cơ, kéo căng cơ hoặc định vị khớp, cải thiện chức năng đi ngồi, nằm, đi lại... Một số dạng nẹp chân phổ biến như:
- Nẹp chỉnh hình đầu gối;
- Dụng cụ chỉnh hình mắt cá chân (AFO);
- Dụng cụ chỉnh hình đầu gối - mắt cá chân - bàn chân (KAFO);
- Dụng cụ chỉnh hình hông - đầu gối - mắt cá chân - bàn chân (HKAFO);
- Dụng cụ chỉnh hình thân - hông - đầu gối - mắt cá chân - bàn chân (THKAFOs);
- Dùng xe lăn, khung tập đi có bánh xe hoặc xe điện giúp những người không có khả năng đi lại có thể tự di chuyển một cách độc lập;
- Một số vật dụng như nệm, giường, ghế được thiết kế đặc biệt cho người bị bại não nhằm giúp họ sử dụng một cách thoải mái;
- Máy trợ thính, cấy ghép ốc tai điện tử hoặc bộ khuếch đại âm thanh điện thoại giúp người bệnh có thể nghe rõ hơn;
- Thiết bị hỗ trợ thị giác như kính có gọng, kính áp tròng, kính lúp. Sách, tài liệu, văn bản nên in khổ lớn, font chữ máy tính để người bệnh CP nhìn rõ hơn, khắc phục vấn đề về thị lực;
Chăm sóc tích cực
Bệnh nhân bại não cần nhận được sự chăm sóc tích cực và giúp đỡ từ người thân, gia đình để sống chung với bệnh. Chẳng hạn như các biện pháp sau:
- Hỗ trợ thực hiện các bài tập vật lý trị liệu;
- Đưa người bệnh ra ngoài, di chuyển trên xe lăn hoặc hỗ trợ xoay người khi nằm trên giường để ngăn ngừa các biến chứng như lở loét, nhiễm trùng, hình thành cục máu đông;
- Hỗ trợ bệnh nhân sử dụng nhà vệ sinh;
- Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đủ các chất cần thiết như calo, vitamin & khoáng chất tốt cho sức khỏe;
Phòng ngừa
Bệnh bại não không có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu. Tuy nhiên, các cặp vợ chồng đang có kế hoạch sinh con có thể làm giảm nguy cơ sinh con bại não bằng các biện pháp sau:
Phòng ngừa bại não khi mang thai
- Khám thai định kỳ tại các mốc thời điểm quan trọng nhằm sớm phát hiện các bất thường ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, bao gồm nguy cơ gây bệnh bại não.
- Xét nghiệm yếu tố Rh trong giai đoạn đầu mang thai để xác định nguy cơ không tương thích Rh giữa mẹ và con, để được điều trị đúng cách.
- Tiêm phòng vắc xin đầy đủ và đúng cách.
- Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh nhiễm trùng như vi khuẩn, virus như zika, sởi Đức, Cytomegalovirus...
- Mẹ bầu cần có lối sống lành mạnh và ăn uống khoa học nhằm kiểm soát các vấn đề sức khỏe tìm ẩn như tiểu đường, huyết áp...
- Tuyệt đối không sử dụng rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích hoặc thuốc kê toa chưa được bác sĩ cho phép.
Phòng ngừa bại não khi sinh
Mục tiêu phòng ngừa bại não trong giai đoạn này nhằm đảm bảo quá trình sinh nở diễn ra an toàn. Với sự phát triển của y học hiện đại, các rủi ro về sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi đều có thể phát hiện sớm. Nhờ đó, có biện pháp kiểm soát tích cực để sinh nở bình thường.
Ngoài ra, một số cách khác giúp giảm thiểu rủi ro trong quá trình chuyển dạ và sinh con, giảm nguy cơ bại não như:
- Theo dõi nhịp tim của mẹ và thai nhi liên tục;
- Đảm bảo phòng sinh yên tĩnh hết mức có thể nhằm giảm thiểu chấn thương do căng thẳng gây tác động tiêu cực cho não trẻ sơ sinh;
- Điều trị tích cực bệnh vàng da ở trẻ sau sinh cũng là biện pháp phòng ngừa bại não hiệu quả;
Phòng ngừa bại não sau sinh
Để giảm nguy cơ phát triển bệnh bại não ở trẻ sau sinh, bố mẹ cần chú ý theo dõi sát sao các cột mốc phát triển của trẻ và bảo vệ trẻ khỏi các tác nhân gây chấn thương đầu. Bao gồm:
- Tiêm phòng đầy đủ các vắc xin chống lại các bệnh nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh;
- Thiết kế giường cũi cho trẻ có thanh chắn giường, ngăn trẻ lăn hoặc bò ra ngoài;
- Tuyệt đối không để trẻ ở những vị trí cao mà không có bất kỳ sự che chắn hay giám sát nào từ người lớn;
- Không được lắc mạnh trẻ;
- Sử dụng ghế ngồi ô tô phù hợp với chiều cao và cân nặng của trẻ hoặc đội mũ bảo hiểm khi khi xe máy, xe đạp, trượt ván...
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Những dấu hiệu cho thấy con tôi bị bại não?
2. Cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán bại não?
3. Nguyên nhân tại sao con tôi bị bại não?
4. Tiên lượng đối với trường hợp bại não của con tôi?
5. Bệnh bại não có thể chữa khỏi được không?
6. Phương pháp điều trị bại não tốt nhất dành cho trường hợp của con tôi?
7. Những rủi ro và lợi ích xoay quanh các chỉ định điều trị bại não đối với con tôi?
8. Quá trình điều trị bại não mất bao lâu trẻ mới có thể phục hồi các chức năng cơ bản?
9. Con tôi bị bại não sống được bao lâu?
10. Tôi cần làm gì để giúp con thích nghi với cuộc sống và sinh hoạt bình thường?
Bại não rất dễ xảy ra ở thai nhi và trẻ sơ sinh, trong đó đa phần trường hợp là do chấn thương khi sinh. Trẻ bị bại não không thể phát triển như trẻ bình thường, giảm khả năng vận động, đi lại, trí tuệ, tuổi thọ, tầm nhìn, thị giác... và phải chung sống với bệnh cả đời. Do đó, hãy tuân thủ những chỉ định khám thai để có thai kỳ khỏe mạnh và sinh con an toàn, giảm nguy cơ sinh con bị bại não.
TÌM HIỂU THÊM
- Não Úng Thủy: Dấu Hiệu Nhận Biết Và Điều Trị
- Viêm Não Nhật Bản: Cách Điều Trị Và Phòng Ngừa
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!