Bệnh Parkinson

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Đỗ Thu Hiền

Bác sĩ điều trị

Parkinson là một rối loạn thần kinh tiến triển gây ảnh hưởng đến chuyển động, khả năng giữ thăng bằng và phối hợp. Người cao tuổi là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lý này. Thể nguyên phát Parkinson chưa xác định được nguyên nhân gây ra. Mục tiêu điều trị bệnh Parkinson là kiểm soát triệu chứng, giảm tiến triển nghiêm trọng và hạn chế phụ thuộc vào người thân. 

Tổng quan

Bệnh Parkinson (Parkinson's Disease) là tình trạng thoái hóa não do rối loạn thần kinh tiến triển, xảy ra khi các tế bào não ngưng sản xuất dopamine. Đây là hoạt chất dẫn truyền kiểm soát khả năng chuyển động, nhất là ở vùng tay, chân, mặt.

Parkinson là bệnh lý thần kinh xảy ra do các tế bào thần kinh sản xuất dopamin trong não thoái hóa hoặc chết đi

Bệnh gây ảnh hưởng đến khả năng cử động đi lại, giữ thăng bằng và phối hợp vận động. Đặc trưng với các triệu chứng như run, cứng cơ, khó cử động... Ngoài ra, bệnh cũng tác động tiêu cực đến các giác quan, sức khỏe tinh thần và khả năng tư duy...

Nguy cơ phát triển bệnh Parkinson tăng cao theo tuổi tác, độ tuổi mắc bệnh trung bình là 60 tuổi. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp mắc bệnh Parkinson khi còn trẻ khoảng 21 - 40 tuổi (chiếm tỷ lệ 10%) hoặc một số ít trường hợp hiếm người trẻ < 20 tuổi mắc bệnh.

Phân loại

Qua nhiều nghiên cứu, Parkinson được phân chia làm 2 dạng chính là bệnh Parkinson nguyên phát và Parkinson thứ phát. Cụ thể như sau:

  • Parkinson nguyên phát: Chưa xác định được nguyên nhân gây Parkinson nguyên phát. Nhưng nhiều giả thuyết cho rằng bệnh có liên quan đến các tác nhân như bệnh tự miễn, virus, di truyền, lão hóa, môi trường, nhiễm độc... Việc điều trị chủ yếu dựa vào cơ chế bệnh sinh nhằm cải thiện triệu chứng.
  • Parkinson thứ phát: Bệnh khởi phát do sự ảnh hưởng của một số bệnh lý thần kinh khác như tai biến mạch máu não, viêm não, chấn thương sọ não, thoái hóa vỏ não hoặc tác dụng phụ của thuốc an thần, thuốc trị bệnh tâm lý.

Ngoài ra, hiện nay y học cũng đã phát hiện thêm hội chứng Parkinson Plus. Thuật ngữ này được dùng để chỉ những trường hợp phát bệnh Parkinson có kèm theo các yếu tố về di truyền thoái hóa, có tính chất gia đình.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân

Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh Parkinson vẫn chưa được xác định rõ. Mặc dù có rất nhiều yếu tố nguy cơ được đưa ra, nhưng chỉ có duy nhất yếu tố di truyền được ghi nhận là nguyên nhân chính gây ra Parkinson. Còn tất cả những yếu tố khác đều được xếp vào nhóm vô căn.

Sự kết hợp giữa 2 yếu tố di truyền và môi trường với các đột biến gen nhất định có khả năng cao gây ra bệnh Parkinson

Cụ thể như sau:

Parkinson di truyền (IPD)

Theo thống kê, có khoảng 10% trường hợp mắc bệnh Parkinson do di truyền. Các chuyên gia đã phát hiện kháng nguyên HLA BW18 hoặc 14 có tính chất gia đình. Sự bất thường của nhiễm sắc thể 4q21-q23 hoặc trên NST số 6 được mã hóa bởi protein Parkine là tình trạng dị truyền gen trội gây ra.

Ngoài ra, các biến dị ở gen mã hóa của alpha synuclein gây khiếm khuyết men thủy phân carboxy ubiquitin-LI cũng có thể gây ra thoái hóa các tế bào thần kinh. Hậu quả kích thích men monoamine oxydasse B phân hủy dopamine thành các chất chống oxy hóa, dẫn đến thiếu hụt và khởi phát các triệu chứng Parkinson.

Parkinson vô căn (SPD)

Nguyên nhân dẫn đến Parkinson vô căn được xác định là do sự sắp xếp và sử dụng protein. Cụ thể, cơ thể sử dụng một loại protein α-synuclein nhưng không sử dụng và phân hủy chúng đúng cách.

Theo thời gian, chúng tích tụ ở nhiều nơi khác nhau hoặc trong các tế bào, tạo thành các đám rối hoặc cụm protein tên Lewy. Chính các thể Lewy này gây tác động tiêu cực và làm tổn thương tế bào.

Yếu tố nguy cơ 

Ngoài 2 nhóm nguyên nhân trên, còn rất nhiều yếu tố rủi ro và điều kiện thuận lợi phát triển bệnh Parkinson. Chẳng hạn như:

Yếu tố viêm do chấn thương hoặc nhiễm trùng gây tổn thương não cũng góp phần làm tăng nguy cơ khởi phát Parkinson

  • Tuổi tác: Càng lớn tuổi tốc độ lão hóa càng nhanh, lượng dopamine cũng theo đó mà suy giảm. Đây là nguyên nhân tỷ lệ người lớn tuổi bị Parkinson cao hơn so với người trẻ tuổi.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Các triệu chứng Parkinson có thể xuất hiện tạm thời hoặc vĩnh viễn khi bạn sử dụng một số loại thuốc như an thần, điều trị bệnh tâm thần...
  • Hóa chất: Tiếp xúc thường xuyên với các loại hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu, bụi mangan, khói hàn sắt, carbon dioxide... đều làm tăng nguy cơ gây bệnh Parkinson.
  • Viêm não: Một số trường hợp mắc bệnh viêm não gây nhiễm khuẩn cũng góp phần làm tăng nguy cơ gây Parkinson.
  • Chấn thương sọ não: Chấn thương, va chạm mạnh ở vùng đầu hoặc các tác động lặp đi lặp lại thường xuyên do chơi thể thao có thể gây tổn thương não. Parkinson thường xảy ra sau chấn thương.
  • Ảnh hưởng từ các bệnh lý khác:
    • Các tổn thương mạch máu não do đái tháo đường, đột quỵ, tăng huyết áp hoặc xơ vữa động mạch... cũng là các tác nhân hàng đầu gây ra bệnh Parkinson;
    • Các yếu tố và tình trạng bệnh lý tự miễn như viêm thấp khớp, bệnh thấp khớp tự miễn làm tăng nguy cơ gây Parkinson;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Trong giai đoạn đầu của bệnh Parkinson, các triệu chứng thường không rõ ràng. Theo thời gian, các triệu chứng bệnh ngày càng bùng phát rõ rệt. Bao gồm:

Run 1 hoặc cả 2 tay và lan ra chân, mặt là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh Parkinson

  • Run tay chân: Run nhiều nhất khi nghỉ ngơi và giảm bớt khi vận động hoặc ngủ. Tuy nhiên, nó vẫn sẽ tái phát nhanh chóng ngay sau đó.
  • Co cứng cơ: Khó cầm nắm đồ vật, tay chân co cứng, khó cử động, nhất là ở các vị trí như vai, cổ, lưng. Một số trường hợp còn kèm theo cảm giác tê bì, co cứng vùng mặt gây khó khăn trong việc biểu đạt cảm xúc, khuôn mặt mất tự nhiên và không thể chớp mắt.
  • Giảm vận động: Bất thường về co cứng cơ, kèm theo tổn thương xương khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong việc cử động. Chẳng hạn như đi lại, đứng lên, ngồi xuống, kèm theo đau nhức khớp.
  • Tăng trương lực cơ: Các nhóm cơ gấp bị tác động làm tăng trương lực cơ làm thay đổi dáng người, hơi đổ gấp về phía trước. Đây là lý do vì sao những người bị Parkinson rất dễ té ngã, nhất là khi có người đẩy nhẹ từ phía sau.
  • Các triệu chứng khác:
    • Suy giảm trí nhớ;
    • Rối loạn giấc ngủ;
    • Lú lẫn;
    • Mất kiểm soát bàng quang, gây tiểu tiện không tự chủ;
    • Tụt huyết áp;
    • Táo bón;
    • Đổ nhiều mồ hôi;
    • ...

Chẩn đoán

Y học chưa có phương pháp đặc hiệu để chẩn đoán Parkinson. Do đó, quá trình chẩn đoán căn bệnh này khá phức tạp, đòi hỏi phải kết hợp nhiều phương pháp, bao gồm:

Chẩn đoán bệnh Parkinson kết hợp giữa khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng

Khám lâm sàng

Bệnh Parkinson được chia làm 5 giai đoạn tiến triển chính. Mỗi giai đoạn sẽ có mức độ và triệu chứng khác nhau. Đồng thời, việc xác định cụ thể giai đoạn Parkinson bệnh nhân đang mắc phải giúp quá trình điều trị đạt kết quả tốt hơn. Bao gồm:

  • Giai đoạn 1: Các triệu chứng chưa biểu hiện rõ ràng và người bệnh vẫn có khả năng thực hiện các công việc hàng ngày. Một vài thay đổi nhẹ rất dễ bị bỏ qua như nét mặt, tư thế và khả năng di chuyển.
  • Giai đoạn 2: Triệu chứng bộc lộ rõ hơn, run và cứng khớp nhiều hơn gây ảnh hưởng đến hoạt động giao tiếp hàng ngày, đi lại và các cử động khác.
  • Giai đoạn 3: Các triệu chứng Parkinson ở giai đoạn này ngày càng gia tăng, người bệnh phản xạ chậm và gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng. Gây ảnh hưởng rõ rệt đến các sinh hoạt cá nhân hàng ngày.
  • Giai đoạn 4: Người bệnh không còn khả năng tự thực hiện các cử động cơ bản và cần có người chăm sóc.Tuy nhiên, người bệnh vẫn thể tự đứng được nhưng cần đến các dụng cụ hỗ trợ.
  • Giai đoạn 5: Đây là giai đoạn cuối cùng và cũng là giai đoạn nặng nhất của bệnh Parkinson. Người bệnh mất hoàn toàn khả năng đứng, đi lại, nằm liệt giường hoặc chỉ có thể di chuyển bằng xe lăn. Phát sinh kèm theo các triệu chứng thần kinh như mất trí nhớ, ảo giác, hoang tưởng, lú lẫn, không đáp ứng thuốc...

Xét nghiệm cận lâm sàng

Để chẩn đoán xác định Parkinson, loại trừ các nguyên nhân bệnh lý khác và đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ thường yêu cầu thực hiện các biện pháp sau:

  • Xét nghiệm máu;
  • Xét nghiệm di truyền;
  • Chụp cắt lớp vi tính CT scan;
  • Chụp cộng hưởng từ MRI;
  • Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET);

Một số bệnh lý cần chẩn đoán phân biệt với bệnh Parkinson như:

  • Run do bệnh cường giáp;
  • Run do di truyền bẩm sinh;
  • Run do hội cứng hysterie;
  • Run do ngộ độc hóa chất;
  • Bệnh Wilson;
  • Bệnh Creutzfeldt - Jakob;
  • Chứng múa giật Huntington;
  • Hội chứng Steele Richarson Olszewski;
  • Hội chứng Shy-Drager;
  • Hội chứng hành giả tủy;
  • Não úng thủy;

Biến chứng và tiên lượng

Bản chất của bệnh Parkinson là sự tổn thương và thoái hóa tại một khu vực não cụ thể, gây thay đổi nghiêm trọng sự cân bằng của các chất hóa học trong não. Thông thường, các chất dẫn truyền thần kinh sẽ kiểm soát các tế bào thần kinh.

Tuy nhiên, khi mắc Parkinson, nồng độ dopamine giảm thấp hoặc không sản sinh làm gián đoạn tín hiệu truyền dẫn, gây ảnh hưởng đến các chuyển động. Thậm chí, khi các triệu chứng mở rộng và phát triển nặng hơn, càng về những giai đoạn sau, chức năng não càng suy giảm và gây mất trí nhớ, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, mất khứu giác, rối loạn chức năng tình dục, hội chứng chân không yên...

Bệnh nhân Parkinson có nguy cơ đối mặt với liệt hoàn toàn, suy giảm sức khỏe thể chất và mắc các bệnh tâm thần

Ngoài ra, người bệnh Parkinson có nguy cơ gặp phải các biến chứng khó lường sau:

  • Mất khả năng vận động và thực hiện các hoạt động hàng ngày, giảm hiệu suất công việc, chất lượng cuộc sống.
  • Liệt, tàn phế suốt đời.
  • Tăng nguy cơ trầm cảm;
  • Mắc các bệnh lý nhiễm trùng, dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời;

Hiện nay, chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh Parkinson. Mục tiêu điều trị nhằm kiểm soát và làm giảm các triệu chứng bệnh, cải thiện sinh hoạt hàng ngày và hạn chế phụ thuộc vào người khác.

Theo thống kê, nếu được điều trị tích cực, tuổi thọ trung bình đối với bệnh nhân Parkinson là khoảng 14.5 năm kể từ thời điểm phát hiện bệnh. Trường hợp chẩn đoán bệnh ở độ tuổi 60, các chuyên gia đánh giá bệnh không quá ảnh hưởng đến tuổi thọ.

Điều trị

Điều trị bệnh Parkinson nhằm làm chậm tiến triển bệnh và cải thiện triệu chứng. Phác đồ điều trị chính thường dựa vào thuốc và can thiệp phẫu thuật.

Điều trị bằng thuốc

Một số loại thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh Parkinson gồm:

Thuốc Levodopa là liệu pháp điều trị chính trong hầu hết các trường hợp mắc bệnh Parkinson

  • Levodopa: Đây là loại thuốc được dùng chính trong điều trị bệnh Parkinson. Có tác dụng sản sinh ra các dopamine để tế bào thần kinh trong não sử dụng, bù đắp lượng thiếu hụt trong não. Loại thuốc này thường dùng kết hợp với Carbidopa nhằm tăng hiệu quả hấp thu và giảm tác dụng phụ của Levodopa.
  • Nhóm thuốc chủ vận Dopamine: Thuốc hoạt động tương tự như hoạt chất dopamine trong não, tăng khả năng dẫn truyền thần kinh phục hồi chức năng các tế bào não. Các loại điển hình như Requip (ropinirole), Neupro (rotigotine), Mirapex (pramipexole), Apokyn (apomorphine).
  • Thuốc ức chế COMT & MAO B: Tác dụng của loại thuốc này là ức chế sự hoạt động của enzyme COMT và MAO B - chất làm phân hủy dopamine trong não. Các loại thuốc được kê toa phổ biến như:
    • Thuốc ức chế COMT gồm Comtan (entacapone), Ongentys (opicapone), Tasmar (tolcapone);
    • Thuốc ức chế MAO B gồm Azilect (rasagiline), Xadago (safinamide), Eldepryl (selegiline), Zelapar (selegiline);
  • Thuốc kháng cholinergic: Có tác dụng cải thiện triệu chứng run giật và cứng cơ. Chẳng hạn như Cogentin (benztropine) vàArtane (trihexyphenidyl).
  • Thuốc Amantadine: Đây là loại thuốc kháng virus giúp cải thiện hiệu quả các triệu chứng của bệnh Parkinson và giảm thiểu tác dụng phụ của thuốc Levodopa. Trên thị trường, Amantadine có nhiều biệt dược như Symmetrel, Gocovri và Osmolex ER.
  • Các loại thuốc khác: Được chỉ định dùng nhằm cải thiện các triệu chứng bất ổn về tâm lý của người bệnh Parkinson. Chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần...

Phẫu thuật 

Những trường hợp mắc bệnh Parkinson nặng và không đáp ứng với dùng thuốc, bác sĩ sẽ cân nhắc đến biện pháp phẫu thuật. Mục đích của phẫu thuật nhằm giảm bớt tổn thương trong não và cải thiện triệu chứng bệnh.

Phẫu thuật kích thích não sâu nhằm cấy các điện cực vào não, giúp cải thiện triệu chứng bệnh Parkinson hiệu quả

Một số phương pháp can thiệp phẫu thuật điều trị Parkinson như:

  • Thủ thuật kích thích não sâu *(DBS): Phương pháp này được FDA chấp thuận áp dụng trong điều trị bệnh Parkinson. Được thực hiện bằng cách phẫu thuật cấy các điện cực vào trong não cùng một thiết bị điện ở trong ngực. Khi được kích hoạt, chúng sẽ phát ra các tín hiệu điện kích thích não bộ, ức chế hoạt động bất thường trong não và giảm thiểu các hoạt động bất thường của não.
  • Phẫu thuật Pallidotomy và đồi thị: Thủ thuật này có liên quan đến việc phá hủy có chọn lọc các phần nhỏ của não, gồm cầu nhạt  và đồi thị. Nhằm cải thiện các triệu chứng cứng cơ, run và cử động không kiểm soát.
  • Các phẫu thuật khác:
    • Cấy ghép tế bào gốc: Bổ sung các tế bào thần kinh mới có khả năng sử dụng và sản sinh dopamine trong não.
    • Sửa chữa tế bào thần kinh: Nhằm sửa chữa các tế bào thần kinh bị tổn thương, kích thích sự phục hồi và hình thành các tế bào mới.
    • Liệu pháp gen: Phương pháp điều trị này nhắm vào các đột biến gen cụ thể gây ra bệnh Parkinson.

Chăm sóc tích cực

Ngoài ra, bệnh nhân Parkinson cần có chế độ chăm sóc tích cực, chẳng hạn như:

Vật lý trị liệu đem lại nhiều lợi ích tích cực cho bệnh nhân Parkinson

  • Vật lý trị liệu, hỗ trợ phục hồi khả năng đi lại, di chuyển chậm để tránh té ngã, hạn chế nguy cơ gãy xương;
  • Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ đi lại như gậy, khung tập đi hoặc xe lăn để giảm nguy cơ té ngã, dẫn đến các chấn thương nghiêm trọng hơn;
  • Tập hít thở sâu, các bài yoga, thiền định thư giãn tâm trí;
  • Ăn uống đủ chất, tăng cường bổ các loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất;
  • Bảo vệ đường hô hấp, giữ ấm đường thở để giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng;

Bệnh Parkinson không thể chữa khỏi dứt điểm. Việc can thiệp điều trị y tế chỉ có thể kiểm soát các triệu chứng bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, các biện pháp điều trị dù có hiệu quả những cũng có nguy cơ phát sinh tác dụng phụ khi dùng thuốc hoặc rủi ro khi phẫu thuật.

Do đó, hãy thăm khám và chẩn đoán, điều trị theo chỉ định của bác sĩ để đạt kết quả cao, ngăn ngừa các biến chứng hoặc tác dụng phụ ngoài ý muốn có thể xảy ra.

Phòng ngừa

Bệnh Parkinson gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất, khả năng đi lại và vận động của người bệnh. Bệnh không có cách chữa khỏi dứt điểm. Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh thông qua các biện pháp sau:

Một lối sống lành mạnh thông qua ăn uống, vận động và thoải mái tinh thần giảm nguy cơ phát triển bệnh Parkinson

  • Tập thể dục hàng ngày, vận động thể chất tích cực, nâng cao sức mạnh cơ bắp, khả năng phối hợp và giảm nguy cơ chấn thương.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường sử dụng các loại thực phẩm tốt như rau xanh, củ quả, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt... giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh Parkinson. Tránh ăn uống tùy tiện, thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp, đường, muối.
  • Tránh tiếp xúc với các độc tố, hóa chất có hại như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và các loại hóa chất khác.
  • Bỏ hút thuốc lá và các chất kích thích có hại khác như rượu bia, cà phê.
  • Nghỉ ngơi nhiều hơn, ngủ đủ giấc và nâng cao sức khỏe tổng thể để giảm nguy cơ phát triển bệnh Parkinson.
  • Tránh căng thẳng, stress và các yếu tố tiêu cực khác có thể dẫn đến rối loạn não và gây Parkinson.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi thường xuyên bị run tay, chân, cứng cơ và khó đi lại là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Vì sao tôi mắc bệnh Parkinson?

3. Tôi mắc bệnh Parkinson dạng nào?

4. Mức độ bệnh Parkinson của tôi có nguy hiểm không?

5. Tôi phải thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh Parkinson?

6. Bệnh Parkinson có thể điều trị khỏi dứt điểm được không?

7. Phương pháp điều trị bệnh Parkinson hiệu quả nhất dành cho trường hợp của tôi?

8. Tôi nên uống thuốc nào để điều trị Parkinson? Cần làm gì nếu thuốc gây tác dụng phụ?

9. Khi nào cần phẫu thuật điều trị bệnh Parkinson?

10. Tôi bị Parkinson sống được bao lâu?

Parkinson gây ảnh hưởng đến khả năng vận động, phối hợp và giữ thăng bằng, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời và đúng cách. Bởi vậy, cách tốt nhất để điều trị bệnh hiệu quả hoặc phòng ngừa sớm bệnh Parkinson đó là chủ động thăm khám chuyên khoa thường xuyên để được chẩn đoán, đánh giá nguy cơ và tư vấn biện pháp điều trị phù hợp nhất.

Có thể bạn quan tâm:

Chia sẻ:
Hội chứng PANDAS
Hội chứng PANDAS là từ viết tắt của Chứng rối loạn tâm thần kinh tự miễn dịch ở trẻ em do liên quan đến nhiễm trùng liên cầu khuẩn nhóm…
Giãn Não Thất
Giãn não thất là dị tật bẩm sinh do tích…
Áp Xe Não Do Amip
Áp xe não do amip là một bệnh nhiễm ký…
Bệnh Uốn Ván
Uốn ván là bệnh lý nguy hiểm với tỷ lệ…
Bệnh Rối Loạn Tiền Đình

Rối loạn tiền đình là căn bệnh ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại, xảy ra ở cả…

Bệnh Trầm cảm

Trầm cảm là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng rối loạn tâm thần nghiêm trọng và phổ biến trong…

Rối loạn thần kinh thực vật

Rối loạn thần kinh thực vật xảy ra do ảnh hưởng từ các bệnh lý thần kinh hoặc chấn thương,…

Hội Chứng Thiên Thần

Hội chứng thiên thần hay hội chứng Angelman xảy ra khi xuất hiện sự đột biến gen di truyền ở…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Đỗ Thu Hiền

Bác sĩ điều trị

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua