Hội chứng ruột ngắn
Hội chứng ruột ngắn là tình trạng kém hấp thu dinh dưỡng ở ruột non do liên quan đến yếu tố bẩm sinh hoặc sau phẫu thuật ruột non. Hội chứng này khá hiếm gặp và thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Các lựa chọn điều trị cho hội chứng ruột ngắn như điều chỉnh dinh dưỡng, điều trị bằng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật để kiểm soát triệu chứng và nâng cao sức khỏe tổng thể.
Tổng quan
Hội chứng ruột ngắn (Short Bowel Syndrome – SBS) là tình trạng xảy ra khi ruột non bị cắt bỏ hoặc hoạt động không bình thường. Điều này khiến quá trình hấp thụ dinh dưỡng kém, dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng, tăng nguy cơ mất nước đe dọa tính mạng.
Hội chứng này chủ yếu xảy ra ở trẻ em, có thể do bẩm sinh, sau các phẫu thuật cắt bỏ một đoạn lớn ruột non hoặc các bệnh lý gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Chẳng hạn như bệnh Crohn, viêm ruột hoại tử, hẹp ruột... Hội chứng ruột ngắn khá hiếm gặp, ước tính khoảng 10.000 - 20.000 người ở Hoa Kỳ, bao gồm trẻ em và người lớn.
Phân loại
Hội chứng ruột ngắn được phân chia làm dạng chính gồm bẩm sinh và mắc phải. Cụ thể gồm:
- Hội chứng ruột ngắn bẩm sinh: Tình trạng này xuất hiện ngay khi trẻ còn là bào thai và tồn tại cho đến khi sinh ra, đặc trưng với các dị tật bất thường ở ruột.
- Hội chứng ruột ngắn mắc phải: Dạng hội chứng ruột ngắn này xảy ra khi bạn phải thực hiện phẫu thuật cắt bỏ một đoạn ruột non dài.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Hệ thống ruột có cấu tạo ruột non và ruột già. Chúng có nhiệm vụ quan trọng giúp chuyển hóa thức ăn thành dưỡng chất và hấp thụ dinh dưỡng từ ruột vào máu. Hội chứng ruột ngắn xảy ra khi chiều dài ruột non ngắn hơn bình thường, không thể hấp thụ đủ lượng dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Tình trạng có thể xảy ra do nhiều yếu tố khác nhau như:
- Dị tật bẩm sinh: Đây là nguyên nhân gây hội chứng ruột ngắn phổ biến nhất là ở trẻ. Những khiếm khuyết này thường xuất hiện trong quá trình thai nhi phát triển, ruột non có thể ngắn bất thường hoặc không có. Ngoài ra, một số dị tật khác khác ruột non bị xoắn, tắc nghẽn gây cản trở lưu lượng máu dẫn đến tổn thương mô. Những trẻ mắc dị tật này bắt buộc phải phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột non bị tổn thương và gây ra hội chứng ruột ngắn.
- Can thiệp phẫu thuật: Đây cũng là một nguyên nhân khác gây ra hội chứng ruột non. Không chỉ riêng dị tật bẩm sinh, nếu trong quá trình phát triển, trẻ có mắc các bệnh như hẹp ruột, xoắn ruột, lồng ruột, thoát vị rốn, viêm ruột hoại tử hoặc có khối u ung thư ruột phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột này để ngăn ngừa biến chứng.
- Ảnh hưởng từ các bệnh lý đường tiêu hóa khác: Một số bệnh lý gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa và tăng nguy cơ khởi phát hội chứng ruột ngắn như bệnh Crohn, viêm ruột do bức xạ, viêm loét đại tràng, bệnh Hirschsprung... Tổn thương viêm nhiễm khiến ruột non kém hấp thu chất dinh dưỡng và chất lỏng. Trong một số trường hợp cần thiết bệnh nhân được yêu cầu cắt bỏ đoạn ruột bị tổn thương và gây ra hội chứng ruột ngắn.
Ngoài các nguyên nhân kể trên, các chuyên gia cũng cảnh cáo yếu tố rủi ro phổ biến nhất đối với hội chứng ruột ngắn là mắc phải các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn khác hoặc chấn thương tác động mạnh đến hệ tiêu hóa.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Mức độ triệu chứng sẽ tiến triển qua từng giai đoạn cụ thể, chẳng hạn như:
- Giai đoạn cấp tính: Xảy ra sau khoảng 1 - 4 tuần sau phẫu thuật. Đặc trưng bởi các triệu chứng như mất nước, mất cân bằng chất điện giải. Độ dài ruột non bị cắt càng nhiều các triệu chứng càng nặng. Bệnh nhân cần phải được hỗ trợ bù nước và dinh dưỡng, kiểm soát chất điện giải.
- Giai đoạn tiến triển: Thường kéo dài khoảng vài tháng đến vài năm. Lúc này, các triệu chứng có xu hướng thuyên giảm và khả năng dung nạp dinh dưỡng qua đường tiêu hóa cũng dần ổn định hơn.
- Giai đoạn ổn định: Đây là giai đoạn đoạn ruột ngắn còn lại đã thích nghi với việc hấp thu dinh dưỡng trong ruột.
Tuy nhiên, dù ở giai đoạn nào cũng sẽ có một số triệu chứng cơ bản như:
- Đau bụng;
- Tiêu chảy;
- Phân lỏng, có nước, có mùi tanh hôi;
- Đầy hơi, chướng bụng;
- Nhợn ói, nôn mửa;
- Sụt cân;
- Mệt mỏi;
- Mất nước;
- Chậm phát triển;
Chẩn đoán
Với các dấu hiệu bất thường trên, bác sĩ sẽ nghi ngờ đây là biểu hiện của một bệnh về đường tiêu hóa. Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác hội chứng ruột ngắn, cần kết hợp thăm khám lâm sàng, khai thác tiền sử dị tật bẩm sinh đường ruột, chấn thương hoặc các bệnh lý khác.
Sau đó, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết sau để xác nhận chẩn đoán:
- Xét nghiệm máu: Giúp xác định nồng độ dưỡng chất và các chất điện giải có trong cơ thể, đánh giá mức độ suy dinh dưỡng, thiếu chất.
- Xét nghiệm phân: Giúp tìm kiếm sự hiện hiện của vi khuẩn hoặc ký sinh trùng trong ruột (nếu có) kèm theo kiểm tra lượng chất béo trong phân.
- Xét nghiệm hình ảnh: Tùy từng trường hợp có thể thực hiện các biện pháp như chụp X quang ngực, siêu âm, CT scan hoặc cộng hưởng từ để xác định mức độ tổn thương của ruột.
- Các xét nghiệm khác: Một số xét nghiệm cần thiết khác cũng được chỉ định nhằm hỗ trợ chẩn đoán như:
- Kiểm tra mật độ xương;
- Sinh thiết gan;
Biến chứng và tiên lượng
Hội chứng ruột ngắn xảy ra và không được kiểm soát kịp thời có thể dẫn đến một số biến chứng sức khỏe khó lường sau:
- Mất nước: Đây là biến chứng phổ biến và xảy ra sớm nhất ở bệnh nhân mắc hội chứng ruột ngắn. Nguyên nhân thường đến từ việc tiêu chảy quá mức, làm tăng tính thấm trong các tế bào biểu mô đường ruột.
- Suy dinh dưỡng: Trẻ mắc hội chứng ruột ngắn có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng do ruột kém hấp thu dinh dưỡng. Nguy cơ này càng cao hơn khi ở trong giai đoạn chuyển tiếp từ nuôi dưỡng tĩnh mạch sang nuôi dưỡng đường ruột. Hoặc đến giai đoạn nuôi dưỡng đường ruột hoàn toàn, bệnh nhân càng bị thiếu hụt trầm trọng các vi chất quan trọng như:
- Các loại vitamin tan trong dầu như A, D, E, K;
- Kẽm;
- Sắt;
- Đồng;
- Selen;
- Vitamin B12,
- Mg+2;
- Thiếu acid béo;
- Bệnh gan: Biến chứng bệnh gan có thể khởi phát do nhiều nguyên nhân. Nhưng phổ biến nhất là do áp dụng biện pháp nuôi dưỡng tĩnh mạch quá lâu.
- Sỏi thận hoặc sỏi mật: Đây cũng là 2 biến chứng thường gặp ở bệnh nhân mắc hội chứng ruột ngắn. Trong đó, sỏi thận xảy ra do hiện tượng rối loạn hấp thu canxi và oxalate, còn sỏi mật hình thành là do nuôi ăn tĩnh mạch quá lâu, dẫn đến tích tụ quá nhiều mật trong túi.
- Nhiễm trùng: Sử dụng thuốc giảm tiết dịch dạ dày trong thời gian tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển nhanh chóng và lây lan từ đại tràng vào ruột non. Ngoài ra, nhiễm trùng còn xảy ra do nuôi ăn tĩnh mạch quá lâu gây suy giảm chức năng đường ruột. Tình trạng này kéo dài dẫn đến hội chứng kém hấp thu và thiếu hụt dinh dưỡng.
Đối với trẻ sơ sinh mắc hội chứng ruột ngắn còn gặp phải tình trạng không thể dung nạp đường sữa và bị hăm tã nghiêm trọng do tiêu chảy thường xuyên, phân có tính axit.
Các chuyên gia cảnh báo, hội chứng ruột ngắn có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Do đó, ngay khi phát hiện bất cứ dấu hiệu bất thường nào về hội chứng này, hãy thông báo ngay cho bác sĩ để được thăm khám và tư vấn biện pháp điều trị phù hợp.
Điều trị
Mục tiêu điều trị hội chứng ruột ngắn là làm chậm quá trình lưu thông trong ruột, đảm bảo bổ sung dinh dưỡng đầy đủ từ bên ngoài và kiểm soát rối loạn cân bằng chất điện giải, bù nước. Tùy theo tình trạng bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ đưa ra các chỉ định điều trị phù hợp.
Chế độ dinh dưỡng
Dinh dưỡng cho bệnh nhân hội chứng ruột ngắn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình điều trị bệnh. Chế độ ăn phải đảm bảo phù hợp với độ tuổi, tình trạng sức khỏe và khả năng hấp thu dưỡng chất của đường ruột. Tùy theo từng trường hợp, trẻ có thể được nuôi ăn qua đường ruột (cho ăn dạng ống) hoặc dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch.
- Đối với nuôi dưỡng qua tĩnh mạch (TPN): Tổng lượng dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch cần được đảm bảo đủ theo nhu cầu của cơ thể, nhất là sau giải phẫu ruột. TPN là một loại dung dịch được truyền qua tĩnh mạch thông qua ống thông đặc biệt (tên là Broviac hoặc Hickman). Nó là hỗn hợp các chất dinh dưỡng và chất lỏng cần thiết như protein, carbohydrate, chất béo, đường, vitamin, khoáng chất... Ưu điểm của phương pháp này là đưa thẳng dưỡng chất trực tiếp vào cơ thể, bỏ qua hệ thống tiêu hóa.
- Đối với dinh dưỡng qua đường ruột: Trẻ được truyền chất dinh dưỡng thông qua ống dạ dày nối thông từ miệng hoặc mũi vào dạ dày, ruột non.
Một số nguyên tắc dinh dưỡng cần lưu ý cho trẻ mắc hội chứng ruột ngắn như sau:
- Chia nhỏ bữa ăn: Nên chia nhỏ những bữa ăn chính thành 6 - 8 bữa ăn phụ trong ngày. Việc ăn như vậy sẽ giúp làm giảm bớt áp lực lên thành ruột và không làm căng vết mổ sau phẫu thuật nối ruột. Lưu ý mỗi bữa ăn chỉ ăn một lượng nhỏ thức ăn, ăn chậm nhai kỹ để ruột dễ tiêu hóa và hấp thu.
- Thay đổi thực phẩm: Bác sĩ dinh dưỡng thường khuyến nghị bố mẹ nên cung cấp cho trẻ những bữa ăn giàu calo, protein, carbohydrate và vitamin khoáng chất. Hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo, chất xơ và đường đơn. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa tối đa các biến chứng như mất nước và suy dinh dưỡng.
- Sử dụng thực phẩm ít nước: Hạn chế ăn những món như canh hầm, nước súp, bún, miến, phở..., điều này sẽ thúc đẩy thức ăn đi qua ruột nhanh chóng hơn. Nên đảm bảo tổng lượng nước cho mỗi bữa ăn không quá 120ml.
- Bổ sung đủ lượng nước lọc cần thiết: Lượng nước được khuyến cáo cho người mắc hội chứng ruột ngắn ước tính = 40ml x cân nặng. Sau khi trừ hao các loại chất lỏng từ các loại đồ ăn, thức uống khác, bạn sẽ biết được lượng nước lọc cần thiết cho cơ thể hàng ngày.
- Chọn rau phù hợp: Những loại rau chưa nấu chín thường không phù hợp với bệnh nhân mắc hội chứng ruột ngắn. Đầu tiên chỉ nên ăn ít khoảng 1/2 chén, sau đó tăng lên dần nếu không có bất kỳ triệu chứng tiêu hóa nào trước đó.
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong độ tuổi còn bú mẹ, bác sĩ khuyến cáo vẫn nên cho trẻ tiếp tục bú mẹ nếu khả năng hấp thụ tốt. Có thể kết hợp sử dụng thêm sữa công thức trong trường hợp mẹ không có đủ sữa. Trẻ > 6 tháng có thể tập cho bột dặm và > 12 tháng tập ăn cháo nát. Mỗi lần ăn một ít và ăn thật chậm để tránh ảnh hưởng đến khả năng hấp thu.
Điều trị bằng thuốc
Những trường hợp hội chứng ruột ngắn nghiêm trọng cần sử dụng thuốc để kiểm soát triệu chứng. Một số loại thuốc thường dùng như:
- Thuốc kháng sinh: Giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn trong đường ruột;
- Thuốc kháng axit dạ dày: Thường dùng nhất là nhóm thuốc ức chế bơm proton và thuốc chẹn H2;
- Chất kết dính muối mật: Giúp cải thiện và kiểm soát tình trạng tiêu chảy;
- Thuốc giảm nhu động ruột: Chất thường dùng nhất là Imodium có khả năng làm chậm tốc độ di chuyển của thức ăn qua ruột;
- Hormone tăng trưởng: Có tác dụng kích thích làm tăng khả năng hấp thu dưỡng chất của ruột non, thường là somatropin;
Can thiệp phẫu thuật
Cả trẻ em và người lớn mắc hội chứng ruột ngắn nghiêm trọng có thể được đề nghị phẫu thuật. Một số hình thức phẫu thuật thường được chỉ định cho những người mắc hội chứng ruột ngắn như:
- Tăng chiều dài ruột non bằng thủ thuật Bianchi và tạo hình ruột ngang nối tiếp (STEP);
- Phẫu thuật cấy ghép ruột dành cho những có biến chứng suy gan hoặc nhiễm trùng;
Tuy nhiên cần hết sức lưu ý về biến chứng nhiễm trùng hậu phẫu và các biến chứng khó lường khác để có phương án xử lý kịp thời.
Phòng ngừa
Không có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu đối với hội chứng ruột ngắn, nhất là đối với những trường hợp dị tật bẩm sinh về ruột và bắt buộc phải phẫu thuật cắt bỏ một đoạn ruột non. Tuy nhiên, vẫn có thể giảm nguy cơ rủi ro mắc phải hội chứng ruột ngắn mắc phải thông qua lối sống lành mạnh, khoa học trong ăn uống, sinh hoạt.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tôi/con tôi thường xuyên bị tiêu chảy phân lỏng, có nước, mùi tanh hôi, đầy bụng, nôn mửa, chuột ruột... là dấu hiệu của bệnh gì?
2. Nguyên nhân khiến tôi/con tôi mắc hội chứng ruột ngắn?
3. Hội chứng ruột ngắn có nguy hiểm không? Có chữa được không?
4. Cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán hội chứng ruột ngắn?
5. Phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với hội chứng ruột ngắn?
6. Nếu không điều trị, hội chứng ruột ngắn có thể gây ra những biến chứng nào?
7. Con tôi có phải sống chung với hội chứng ruột ngắn cả đời hay không?
8. Chế độ dinh dưỡng dành riêng cho con tôi như thế nào?
Hội chứng ruột ngắn có thể là tình trạng tạm thời hoặc kéo dài vĩnh viễn suốt đời. Chỉ cần tích cực điều trị ngay từ đầu để ruột non dần thích nghi với khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và thăm khám theo dõi định kỳ, trẻ có thể có một sức khỏe tốt và cuộc sống bình thường.
Xem thêm:
- Ruột người dài bao nhiêu? (Ruột non, ruột già, ruột thừa…)
- Các bệnh đường ruột thường gặp – Nhận biết và điều trị
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!