Bệnh Áp Xe Não

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Đỗ Thu Hiền

Bác sĩ điều trị

Áp xe não là tình trạng tích tụ mủ trong các mô và khoang não do nhiễm trùng khu trú hoặc lây lan từ các cơ quan khác. Chấn thương, nhiễm khuẩn hoặc tai biến phẫu thuật có liên quan mật thiết đến áp xe não. Điều trị áp xe não càng sớm tiên lượng càng cao, giảm nguy cơ tử vong. Các phương pháp điều trị chính thường là dùng kháng sinh kết hợp chọc hút, dẫn lưu ổ mủ hoặc phẫu thuật.

Tổng quan

Não là cơ quan quan trọng trong hệ thần kinh trương ương. Có nhiệm vụ thu nạp, tiếp nhận và xử lý, lưu trữ các dữ liệu được nạp vào từ bên ngoài, đồng thời truyền tín hiệu phản hồi lại các dữ liệu đó theo mong muốn của con người. Xét về cấu trúc não, để bảo vệ các mô mềm quan trọng bên trong cần có sự kết hợp giữa sọ não, các mô cơ xung quanh và hệ miễn dịch khỏe mạnh.

Nếu một trong các yếu tố này bị suy yếu, tạo điều thuận lợi cho vi khuẩn tấn công, xâm nhập vào bên trong não gây nhiễm trùng. Lúc này, não sẽ kích hoạt phản ứng hình thành các khoang trống chứa dịch mủ nhằm chống lại sự tăng sinh, phát triển của vi khuẩn. Tình trạng này được gọi áp xe não.

Áp xe não là tình trạng nhiễm trùng các tổ chức bên trong hoặc bên ngoài não, đặc trưng với các túi chứa dịch mủ

Áp xe não (Brain abscess) là tình trạng tích tụ dịch mủ trong các mô, khoang não. Bản chất của áp xe não là hậu quả của nhiễm trùng khu trú hoặc hệ thống. Nhiều trường hợp áp xe não được ghi nhận có mối liên hệ với các bệnh lý nhiễm trùng kéo dài như viêm tai giữa, viêm xương chũm hoặc nhiễm trùng huyết.

Bệnh áp xe não được đánh giá nguy hiểm và có tiên lượng xấu nếu không điều trị kịp thời. Điều trị áp xe não được cân nhắc bằng phương pháp nội khoa, chọc dò dẫn lưu hoặc phẫu thuật vi phẫu loại bỏ khối áp xe nhằm bảo tồn chức năng não, đảm bảo tính mạng và sức khỏe cho bệnh nhân.

Phân loại

# Dựa vào tiến triển và tính chất của áp xe não, bệnh được chia làm 4 giai đoạn gồm:

  • Giai đoạn não viêm;
  • Giai đoạn viêm não muộn;
  • Giai đoạn vỡ áp xe sớm;
  • Giai đoạn vỡ áp xe muộn;

# Dựa vào vị trí hình thành áp xe não ở bán cầu đại não hoặc tiểu não, bệnh được phân chia làm 3 dạng chính gồm:

  • Áp xe ngoài màng cứng: Khối áp xe nằm ở vị trí giữa xương sọ và màng não cứng;
  • Áp xe dưới màng cứng: Túi mủ áp xe được hình thành tại vị trí giữa màng não cứng và bề mặt não;
  • Áp xe trong não: Là các ổ mủ nằm sâu bên trong tổ chức não, thường là các nhu mô não với một hoặc nhiều ổ áp xe;

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân

Các ổ áp xe hình thành trong não do nhiễm trùng ở các cơ quan trong não hoặc vi khuẩn di chuyển theo dòng máu và tấn công đến các các mô não. Loại vi khuẩn gây áp xe não nói riêng và hầu hết các dạng áp xe khác là Staphylococcus hoặc Streptococcus, một số loại khác như vi khuẩn kỵ khí, nấm, virus...

Sau khi chúng xâm nhập vào não, hệ thống miễn dịch sẽ kích hoạt cơ chế tự bảo vệ bằng cách sản sinh ra số lượng lớn tế bào bạch cầu nhằm chống lại nhiễm trùng. Quá trình này sẽ gây viêm, các mô tế bào và xác bạch cầu, vi khuẩn chết tích tụ lại, hình thành túi chứa mủ, chính là khối áp xe não.

Áp xe não xảy ra do nhiễm trùng khu trú hoặc nhiễm trùng lây lan từ các cơ quan lân cận

Có nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây áp xe não như:

Nguyên nhân trực tiếp

Vi khuẩn xâm nhập vào trong cơ thể và tấn công trực tiếp qua hàng rào mô não, di chuyển xuyên qua màng cứng, lớp dưới màng cứng và màng nhện, khởi phát viêm nhiễm. Các tác nhân khởi phát hàng đầu gồm:

  • Chấn thương sọ não, gãy xương sọ;
  • Tai biến phẫu thuật thần kinh;
  • Tai biến phẫu thuật tai mũi họng;
  • Ảnh hưởng từ các bệnh lý như viêm tai xương chủm, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm màng não, viêm nội tâm mạc...;

ĐỌC NGAY: Áp Xe Não Do Amip: Căn Bệnh Nguy Hiểm

Nguyên nhân gián tiếp

Ngoài ra, vi khuẩn chúng di chuyển dọc theo hệ thống dây tĩnh mạch vừa gây viêm tĩnh mạch huyết khối vừa gây nhiễm trùng huyết, khởi phát áp xe não do các các tác nhân gây tắc nghẽn như:

  • Áp xe não do nhiễm trùng huyết, ảnh hưởng từ bệnh tim bẩm sinh tím, áp xe phổi hoặc viêm mủ màng phổi, giãn phế quản, áp xe gan, viêm bể thận, viêm tủy xương...;
  • Áp xe não do viêm màng não làm tăng chỉ số TNF alpha gây tổn thương và phá vỡ hàng rào máu não;

Yếu tố nguy cơ 

Những đối tượng dưới đây sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh áp xe não:

Chấn thương vùng đầu hoặc tai biến phẫu thuật thần kinh làm tăng nguy cơ gây áp xe não

  • Người bị chấn thương vùng đầu;
  • Người có hệ miễn dịch yếu kém bẩm sinh hoặc mắc các bệnh gây suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS, ung thư...;
  • Nhiễm trùng ở các vùng xung quanh đầu như mũi, mặt, tai, họng...;
  • Người có tiền sử mắc các bệnh lý nền như tiểu đường, huyết áp hoặc các bệnh lý mãn tính khác;
  • Người bị viêm màng não hoặc bệnh tim bẩm sinh;
  • Lạm dụng các loại thuốc trị bệnh trong thời gian dài;
  • Người từ 30 - 45 tuổi là nhóm đối tượng có tỷ lệ bệnh nhân áp xe não cao nhất;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Bệnh nhân áp xe não thường có các biểu hiện đặc trưng sau đây:

Bị áp xe não đặc trưng với các dấu hiệu nhiễm trùng gây sốt cao, đau đầu, sợ ánh sáng, liệt dây thần kinh...

  • Hội chứng nhiễm trùng: Đặc trưng với các triệu chứng sau:
    • Bệnh nhân sốt cao kéo dài, > 38 - 40 độ C;
    • Mệt mỏi, uể oải, kiệt sức, chán ăn, ngủ li bì;
    • Xét nghiệm bạch cầu cho kết quả tăng lượng bạch cầu máu ngoại vi, tăng tốc độ lắng máu...;
  • Tăng áp lực nội sọ: Gây ra các triệu chứng như:
    • Đau đầu
    • Buồn nôn, nôn ói
    • Cứng cổ
    • Nhạy cảm với ánh sáng
    • Sợ hãi, hay nằm nghiêng và co gập người lại
    • Trong trường hợp áp xe tiểu não nghiêm trọng người bệnh còn có các dấu hiệu khác như:
      • Dáng đi lảo đảo, hai chân dang rộng;
      • Rung giật nhãn cầu;
      • Thất điều;
  • Triệu chứng thần kinh khu trú: Áp xe não gây tổn thương các dây thần kinh sọ não như dây số II, III, VII, gây bại liệt nửa người, co giật, động kinh, rối loạn ngôn ngữ, hành vi, vận động...
  • Bất ổn tinh thần: Trong trường hợp áp xe não nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện bất ổn về tâm thần như:
    • Kêu la, giãy giụa vì đau đớn;
    • Lú lẫn, mất định hướng, bán hôn mê, hôn mê;
    • Nguy cơ tử vong cao nếu không cấp cứu kịp thời;
  • Các dấu hiệu cơ năng tại chỗ: Ngoài các triệu chứng trên, bệnh nhân áp xe não nói chung sẽ có các triệu chứng tại chỗ sau:
    • Đau nhức vùng xương bị viêm khi ấn hoặc gõ mạnh vào;
    • Đối với những người đã từng mổ sọ não sẽ bị căng phồng ổ khuyết xương;
    • Vết thương cũ sưng tấy, nóng đỏ, rò rỉ dịch mủ;

Chẩn đoán

Bên cạnh đánh giá các triệu chứng lâm sàng, chẩn đoán áp xe não cần phải kết hợp các xét nghiệm cận lâm sàng quan trọng nhằm đưa ra kết luận chẩn đoán chính xác về nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Chụp CT scan và MRI là 2 kỹ thuật hình ảnh giúp chẩn đoán xác định áp xác định áp xe não

  • Chụp động mạch não: Kỹ thuật này đem lại các giá trị chẩn đoán cận lâm sàng áp xe não hiệu quả và được chỉ định trước khi chụp CT. Hình ảnh chụp động mạch não cho phép quan sát tổn thương chèn ép động mạch và tình trạng tăng sinh mạch máu. Qua đó giúp xác định vị trí ổ áp xe.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Chụp cắt lớp vi tính CT scan hoặc chụp cộng hưởng từ MRI với sự trợ giúp của thuốc cản quang đem lại nhiều thông tin quan trọng giúp ích trong quá trình phát hiện các tổn thương nhu mô não dù là nhỏ nhất, hỗ trợ chẩn đoán xác định áp xe não.
  • Chọc dò tủy sống: Mẫu mô dịch não tủy được lấy từ tủy sống bằng kỹ thuật chọc dò từ thắt lưng nhằm phân tích và đánh giá nguy cơ, tiên lượng áp xe não. Kết quả dịch não tủy của bệnh nhân áp xe não thường tăng áp lực nội sọ, màu dịch đục, tăng chỉ số bạch cầu, protein, lẫn các tế bào mủ và giảm glucose.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm sinh hóa máu giúp tìm kiếm và phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng. Đồng thời, đánh giá lượng bạch cầu máu ngoại vi, bạch cầu đa nhân, tốc độ lắng máu,... Kết hợp xét nghiệm vi sinh bằng các kỹ thuật như nuôi cấy, nhuộm gram, kháng sinh đồ... để xác định chủng vi khuẩn gây áp xe não.
  • Chẩn đoán phân biệt: Bên cạnh các chẩn đoán xác định áp xe não, bác sĩ cũng sẽ kết hợp chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý có biểu hiện tương tự nhằm phục vụ công tác điều trị.
    • Bệnh viêm tắc tĩnh mạch trong não;
    • Bệnh viêm màng não mủ;
    • Chứng u não;

Biến chứng và tiên lượng

Áp xe não là một trong những dạng áp xe nằm bên trong cơ thể, tuy ít gặp nhưng lại rất nguy hiểm do khó chẩn đoán và điều trị. Tiên lượng áp xe não chỉ tốt khi phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời bằng kháng sinh phổ rộng kiểm soát triệu chứng, làm teo nhỏ ổ áp xe.

Áp xe não là hậu quả của nhiễm trùng và gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe nếu không điều trị kịp thời

Tuy nhiên, vì hầu hết các triệu chứng áp xe não ban đầu thường không đặc hiệu nên rất khó phát hiện bệnh sớm. Nếu bệnh nhân chủ quan không điều trị sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe và cả tính mạng như:

  • Chứng viêm màng não mủ: Đây là tình trạng dịch mủ viêm thấm xuyên qua lớp bao áp xe đến màng nhện dưới não và lan rộng khởi phát viêm màng não mủ. Biến chứng nguy hiểm này thường gặp trong những trường hợp ổ áp xe nằm dưới màng não cứng hoặc nằm sát vỏ não, thành não thất bên.
  • Vỡ ổ áp xe: Đây là biến chứng cực kỳ nguy hiểm, xảy ra khi áp lực trong túi áp xe quá lớn và bị vỡ ra. Dịch mủ viêm tràn vào trong các khoang dưới nhện, khởi phát các dấu hiệu lâm sàng đột ngột, rối loạn và suy giảm chức năng tim mạch, suy hô hấp nghiêm trọng dẫn đến tử vong.
  • Chèn ép não: Sự tồn tại của các khối áp xe trong não cũng giống như khối u. Chúng chèn ép các mô não, gây cản trở hoạt động và làm tăng áp lực nội sọ. Hậu quả khiến não bị tụt kẹt, khởi phát các rối loạn nghiêm trọng làm tổn thương tim mạch, suy giảm hô hấp.

Có thể thấy những biến chứng khó lường của áp xe não gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và cả tính mạng người bệnh. Do đó, khuyến cáo bệnh nhân thăm khám ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường và tiếp nhận điều trị bằng phương pháp phù hợp.

Điều trị

Dựa vào kết quả chẩn đoán nguyên nhân, vị trí, kích thước và số lượng ổ áp xe não, thể trạng sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng biện pháp điều trị phù hợp. Hiện nay, đa số các trường hợp áp xe não đều có tiên lượng tốt nhờ sự tiến bộ của y học hiện đại, dùng kháng sinh và dẫn lưu dịch mủ đúng cách.

Điều trị nội khoa

Trường hợp bệnh nhân có nhiều ổ áp xe não nhỏ nhưng ở sâu trong các nhu mô não, biến chứng vỡ khối áp xe gây tràn dịch mủ hoặc thể trạng bệnh nhân không cho phép phẫu thuật, bắt buộc phải ưu tiên điều trị nội khoa.

Biện pháp nội khoa hiệu quả nhất hiện nay là dùng kháng sinh, nguyên tắc là dùng các kháng sinh phổ rộng và phối hợp nhiều loại (dạng uống hoặc tiêm/ truyền tĩnh mạch) để tăng hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn.

Phác đồ thuốc kháng sinh phù hợp giúp tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng, kiểm soát tiến triển áp xe não

Một số loại thuốc kháng sinh điều trị áp xe não thường dùng như:

  • Kháng sinh nhóm Cephalosporin: Điển hình là
    • Ceftriaxone với biệt dược thường dùng trong lâm sàng là Rocephine thế hệ thứ 3;
    • Cefedim với biệt dược Axepim thế hệ thứ 4;
  • Kháng sinh nhóm Quinonone:
    • Loại thường dùng là Peflox với biệt dược phổ biển trong lâm sàng là Peflacin 0,4 (tương đương 2 - 3 ống) pha với 200ml glucose 5% để truyền tĩnh mạch chậm;
    • Kết hợp với truyền Metronidazole liều 40mg/kg/24h dạng truyền tĩnh mạch 2 lần/ngày để tăng hiệu quả điều trị;

Ngoài kháng sinh, toa thuốc điều trị áp xe não còn kết hợp một số loại thuốc khác như:

  • Thuốc điều trị tăng áp lực nội sọ:
    • Thuốc dạng uống Manitol 20% với liều khuyến cáo 0.5g/kg x 2 lần/ngày, dùng liên tục trong 3 - 5 ngày;
    • Thuốc dạng truyền Ringer Lactt liều khuyến cáo 30 - 50mg/kg/ngày;
  • Thuốc chống co giật:
    • Seduxen liều 0.3 - 0.5mg/kg/lần;
    • Phenobarbital liều 3 - 5mg/kg/ngày x 2 lần;
  • Thuốc giảm đau, hạ sốt: Thường dùng nhất là Paracetamol liều 15mg/kg/lần.

Can thiệp ngoại khoa

Trường hợp khối áp xe não ngày càng phát triển lớn, chứa nhiều dịch và có nguy cơ vỡ bất kỳ lúc nào hoặc khối áp xe đe dọa tính mạng người bệnh sẽ được chỉ định can thiệp ngoại khoa bằng kỹ thuật phù hợp.

Hiện nay, có 3 phương pháp ngoại khoa điều trị áp xe não phổ biến gồm:

Chọc hút dịch ổ áp xe não

Đây chính là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất, vừa giúp loại bỏ dịch áp xe trong não vừa không gây tổn thương nhiều đến các tế bào nhu mô não khỏe mạnh. Kỹ thuật này thường được chỉ định cho những trường hợp kích thước ổ áp xe lớn, nằm sâu trong các tổ chức não và có mức độ nghiêm trọng.

Quy trình thực hiện chọc hút ổ áp xe não gồm các bước sau:

  • Khoan lỗ xương có chiều rộng 2 - 3cm để mở màng não cứng;
  • Dưới sự hướng dẫn của hình ảnh siêu âm, dùng kim dài 10 - 15cm, đường kín hkhoảng 1mm để chọc chính xác vào ổ áp xe và hút hết dịch bên trong;
  • Cần đảm bảo khi rút kim ra, dịch mủ không bị tràn ra ngoài đi vào các tổ chức não khỏe;
  • Kết hợp bơm rửa não bằng dung dịch sát khuẩn và bơm kháng sinh dạng dung dịch (gentamycin) để ngăn không nhiễm trùng tái phát;
  • Sau đó rút kim chọc dò ra ngoài và khâu liền vết thương lại;

Kỹ thuật này có thể thực hiện thêm 2 - 3 lần hoặc tối đa 4 - 5 lần tùy theo đánh giá mức độ hiệu quả.

Dẫn lưu ổ áp xe não

Trường hợp áp xe ngoài màng cứng hoặc dưới màng cứng, kích thước ổ áp xe lớn hoặc nông hơn so với vỏ não sẽ được chỉ định áp dụng dẫn lưu ổ áp xe.

Dẫn lưu ổ áp xe là phương pháp ngoại khoa được áp dụng hiệu quả trong điều trị áp xe não

Quy trình thực hiện gồm các bước sau:

  • Mở xương với đường kính khoảng 3 - 4cm và mở rộng đường kính tạo lối vào tiếp cận đến ổ áp xe;
  • Hút hết dịch mủ ra ngoài và kết hợp rửa lại bằng dung dịch sát khuẩn pha với thuốc kháng sinh;
  • Ống dẫn lưu sẽ được giữ lại trong vòng 7 - 10 ngày để bơm rửa làm sạch ổ áp xe hàng ngày;
  • Kết hợp chụp cắt CT để kiểm tra ổ áp xe đã teo nhỏ chưa để rút bỏ ống hoàn toàn;

Phẫu thuật cắt bỏ khối áp xe não

Phương pháp này nhắm tới mục đích loại bỏ hoàn toàn ổ áp xe trong não. Tuy phương pháp này có thể điều trị bệnh triệt để nhưng có thể gây ra nhiều tai biến hơn do làm tổn thương các tổ chức não lành hoặc vỡ túi áp xe nếu tay nghề bác sĩ kém.

Do đó, chỉ những trường hợp vị trí khối áp xe không quá sâu trong tổ chức não và lớp bọc khối áp xe dày, chắc mới được chỉ định thực hiện phương pháp này. Giai đoạn hậu phẫu cần được theo dõi kỹ lưỡng để sớm phát hiện tai biến và xử lý kịp thời.

Phòng ngừa

Phòng ngừa áp xe não là giải pháp tốt nhất giúp bạn có một sức khỏe tốt và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng. Hãy thực hiện tích cực các biện pháp sau đây:

  • Bảo vệ vùng đầu kỹ lưỡng khỏi các chấn thương, va đập mạnh, nhất là trong sinh hoạt và lao động hàng ngày.
  • Giữ vệ sinh thân thể, tránh tiếp xúc với các tác nhân gây nhiễm trùng đường hô hấp.
  • Theo dõi và điều trị triệt để các bệnh lý như viêm tai giữa, viêm xương chũm, viêm xoang... để giảm nguy cơ nhiễm trùng lây lan gây áp xe não.
  • Thực hiện lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh, tích cực vận động, nghỉ ngơi điều độ và tránh stress, căng thẳng nhằm duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh, chống lại các tác nhân gây viêm nhiễm hiệu quả.
  • Thăm khám ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, kể cả không phải áp xe não để có hướng điều trị kịp thời, phòng ngừa các hệ lụy khó lường.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Những dấu hiệu tôi đang mắc phải do bệnh gì gây ra?

2. Nguyên nhân tại sao tôi bị áp xe não?

3. Tiên lượng tình trạng áp xe não của tôi có nghiêm trọng không?

4. Bị áp xe não có gây tử vong không?

5. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán áp xe não?

6. Phương pháp điều trị áp xe não tốt nhất dành cho trường hợp của tôi?

7. Dùng kháng sinh trị áp xe não trong thời gian dài có gây tác dụng phụ không?

8. Đối với trường hợp áp xe não của tôi có cần phẫu thuật không?

9. Điều trị áp xe não nội trú hay ngoại trú?

10. Chi phí điều trị áp xe não có tốn kém không? BHYT có hỗ trợ chi trả không?

Áp xe não là tai biến nghiêm trọng của rất nhiều bệnh lý hoặc chấn thương, nhiễm trùng. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh có thể phát sinh nhiều rủi ro, biến chứng khó lường cho sức khỏe và cả tính mạng. Do đó, hãy chủ động thăm khám chuyên khoa để được chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp áp xe não hoặc các bệnh lý gây áp xe não.

ĐỌC NGAY:

Chia sẻ:
Hội chứng Tourette
Hội chứng Tourette là một dạng rối loạn thần kinh khởi phát ở trẻ em. Đặc trưng với các triệu chứng như giảm sút khả năng vận động, phát âm…
Hẹp Động Mạch Cảnh
Hẹp động mạch cảnh xảy ra khi các mảng bám…
Bệnh Beriberi
Bệnh Beriberi là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng do…
Hội chứng Cotard
Hội chứng Cotard là một dạng rối loạn tâm thần…
Viêm Đa Rễ Dây Thần Kinh

Viêm đa rễ thần kinh là trường hợp cấp cứu y tế khẩn cấp. Bệnh thường xảy ra sau đợt…

Bệnh Tụ máu dưới màng cứng

Tụ máu dưới màng cứng là tình trạng khối máu tụ hình thành trên bề mặt não và làm tổn…

Bệnh Xuất huyết não

Xuất huyết não là tai biến mạch máu não nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến tính mạng. Bệnh nhân thường…

Bệnh Uốn Ván

Uốn ván là bệnh lý nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao do nhiễm độc tố mạnh của vi…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Đỗ Thu Hiền

Bác sĩ điều trị

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua